Hà Huy Toàn
Vì pháp luật bao gồm cả Hiến pháp làm nền tảng cho cả hệ thống pháp
luật lẫn các đạo luật cụ thể dựa vào Hiến pháp hoặc chỉ có hiệu lực
theo Hiến pháp nên muốn hiểu được đúng đắn về Hiến pháp, trước hết cần
phải hiểu được đúng đắn về pháp luật. Yêu cầu này đòi hỏi chúng ta phải
tìm kiếm câu trả lời chính xác cho các các câu hỏi quan trọng sau đây:
1/ Pháp luật là gì? 2/ Tại sao cần phải có pháp luật hoặc pháp luật bắt
nguồn từ đâu? 3/ Pháp luật dẫn đến những hệ quả gì? 4/ Pháp luật chỉ tồn
tại được với những điều kiện nào? 5/ Làm thế nào để có pháp luật? Sau
đây tôi sẽ trả lời lần lượt từng câu hỏi đó.
1/ Pháp luật là gì?
Pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung đối
với mọi cá nhân cấu thành xã hội được quy định đồng thời được bảo đảm
thực hiện bởi ý chí chung biểu hiện thành những chuẩn mực chung về cả
quyền lợi lẫn nghĩa vụ: được làm gì, đồng thời phải làm gì.
2/ Tại sao cần phải có pháp luật hoặc pháp luật bắt nguồn từ đâu?
Vì nhân loại nói chung cũng như mỗi cá nhân nói riêng luôn luôn có
bản tính vị kỷ (ích kỷ, tư lợi và tham lam) nên cần phải có pháp luật để
pháp luật ngăn ngừa người ta làm điều xấu xa đồng thời khuyến khích
người ta làm điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp làm lợi cho người ta đối lập với
điều xấu xa gây hại cho người ta. Nói như vậy tôi muốn chứng minh cho
Charles de Secondat Montesquieu (1689 – 1755), triết gia chính trị người
Pháp, đã khẳng định đúng đắn rằng pháp luật bắt buộc người ta phải hành
xử theo đạo đức, tức là đạo đức được lấy làm động cơ cho pháp luật.
Chứng minh như vậy tôi cũng muốn khẳng định rằng pháp luật bắt nguồn từ
bản tính vị kỷ nhưng chính pháp luật lại làm cho bản tính vị kỷ trở
thành động cơ đạo đức cho các hành vi đạo đức.
Bản tính vị kỷ biểu hiện thành xu hướng tâm lý lấy mình làm mục đích
đồng thời lấy mọi thứ khác làm phương tiện để thoả mãn mình; xu hướng đó
biểu hiện thành ba phẩm chất cơ bản: ích kỷ, tư lợi và tham lam, như đã
được trình bày ở trên. Chính bản tính vị kỷ làm động lực tuyệt đối cho
toàn bộ lịch sử của nhân loại từ trước đến nay. Chủ nghĩa Marx đã xác
quyết sai lầm rằng đấu tranh giai cấp làm động lực tuyệt đối cho lịch sử
nhân loại. Tại sao có đấu tranh giai cấp? Chủ nghĩa Marx đã cho rằng
tại vì có sở hữu tư nhân nên mới có đấu tranh giai cấp. Tại sao có sở
hữu tư nhân? Chủ nghĩa Marx không sao trả lời được câu hỏi đó. Đó chính
là lý do sâu xa nhất làm cho Chủ nghĩa Marx phủ nhận pháp luật hoặc gán
ghép tính chất giai cấp cho pháp luật để từ đó gây nên vô số tai họa cho
bất cứ nước nào lấy Chủ nghĩa Marx làm hệ tư tưởng chính thống, ở các
nước đó Hiến pháp cũng như pháp luật chỉ được dùng làm sáo ngữ để thực
thi quyền lực độc đoán.
3/ Pháp luật dẫn đến những hệ quả gì?
Pháp luật làm cho mọi cá nhân đều được tự do. Tự do là tình trạng
được làm tất cả những gì có lợi cho mình đồng thời cũng có lợi cho cả
người khác biểu hiện thành toàn bộ các quyền làm người cho mỗi cá nhân
nhất định hoặc nhân quyền như vẫn thường gọi. Làm cho mọi cá nhân đều
được tự do, pháp luật đã nghiễm nhiên xác lập sự bình đẳng giữa người
với người. Bình đẳng là như nhau hoặc giống nhau về cả quyền lợi lẫn
nghĩa vụ làm cho nghĩa vụ luôn luôn đi theo quyền lợi để tạo nên sự công
bằng, tức là sự cân bằng giữa quyền lợi với nghĩa vụ. Tự do cũng bao
hàm luôn cả bác ái. Bác ái là yêu thương người khác như yêu thương chính
mình. Như vậy tức là pháp luật dẫn đến các hệ quả tự nhiên nhất là Tự
do – Bình đẳng – Bác ái. Tại Liên hiệp Âu châu (EU), pháp luật đã loại
bỏ án phạt tử hình. Đó chính là kiệt tác về lập pháp làm cho pháp luật
đạt được mục đích tuyệt đối vốn cho thấy pháp luật không nhằm tiêu diệt
sự sống mà phải nhằm bảo tồn sự sống.
4/ Pháp luật chỉ tồn tại được với những điều kiện nào?
Pháp luật chỉ tồn tại được với nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp
quyền là nhà nước tồn tại theo pháp luật: quản lý bằng pháp luật đồng
thời cũng chỉ được bảo tồn bằng pháp luật. Làm điều kiện cho pháp luật
tồn tại, nhà nước này phải dựa trên ba thiết chế cơ bản: 1/ Quy chế phân
lập tam quyền, theo đó nhà nước pháp quyền phải được phân chia độc lập
về nhân sự thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện ba quyền lực tương
ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp
thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư
pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho các nhà cầm quyền không thể
lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng,
theo đó nhà nước pháp quyền phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi xã hội dân sư
với nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật bất công dẫn đến
tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm
thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông; 3/ Chế độ bầu cử tự do,
theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả
tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được
ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ
quan khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan
này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ
quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ
nắm được một trong ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư
pháp. Quy chế phân lập tam quyền ngăn ngừa được các nhà cầm quyền lạm
dụng quyền lực nhà nước. Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân
dân làm chủ được các nhà cầm quyền. Chế độ bầu cử tự do làm cho các nhà
cầm quyền phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân; chế độ bầu
cử đó phải tuân thủ cả quy chế phân lập tam quyền lẫn nguyên tắc đa
nguyên bình đẳng để thực hiện được triệt để cả hai thiết chế đó, tức là
ba thiết chế đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật.
5/ Làm thế nào để có pháp luật?
Muốn có pháp luật, trước hết phải làm ra pháp luật; làm ra pháp luật
rồi lại phải sử dụng pháp luật; trong khi sử dụng pháp luật lại phải giữ
gìn hoặc bảo vệ pháp luật. Nhưng muốn làm được ba việc đó lại đòi hỏi
phải có ba quyền lực tương ứng: quyền lực lập pháp, quyền lực hành pháp
và quyền lực tư pháp; trong đó quyền lực lập pháp bao hàm cả quyền lực
hành pháp lẫn quyền lực tư pháp, chính vì bao hàm cả quyền lực hành pháp
lẫn quyền lực tư pháp nên quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập
nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản; chức năng quy
định là chức năng tự mình ra lệnh hoặc tự mình sửa lại quyết định đã
được đưa ra bởi người khác; chức năng ngăn cản là chức năng làm vô hiệu
hoá quyết định đã được đưa ra bởi người khác, nhưng nếu đã có thể ngăn
cản được thì cũng có thể phê chuẩn được, mà đã phê chuẩn tức là lại
không ngăn cản nữa. Mối quan hệ giữa ba quyền lực đó sẽ cấu thành ba
trật tự khác nhau để tổ chức xã hội.
Trật tự thứ nhất được gọi là chính thể chuyên chế, theo đó cả ba
quyền lực nói trên đều được tập trung cả vào một cá nhân duy nhất hoặc
một nhóm cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ, trong đó lại chỉ
có một cá nhân duy nhất làm thủ lĩnh nắm quyền quyết định, tức là xét
đến cùng chính thể chuyên chế chỉ tập trung cả ba quyền lực nói trên vào
một cá nhân duy nhất mà thôi. Cá nhân đó được gọi là nhà độc tài
(dictator), tức là một người quyết định mọi việc. Nhà độc tài tập hợp
một đám tay chân thân tín thành nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc
tài; trên cơ sở đó, nhà độc tài chỉ làm ra mệnh lệnh rồi lại sử dụng
mệnh lệnh đồng thời bảo vệ mệnh lệnh mà không thể làm ra pháp luật rồi
lại không thể sử dụng pháp luật đồng thời cũng không thể bảo vệ pháp
luật. Mệnh lệnh nhằm bảo tồn mâu thuẫn đối kháng giữa người cai trị với
người bị cai trị vốn chỉ biểu hiện thành các quy tắc độc đoán không chỉ
gây nên xung đột giữa nhà độc tài với dân chúng mà còn gây nên xung đột
giữa cá nhân này với cá nhân khác, từ đó gây nên xung đột giữa nhóm
người này với nhóm người khác, làm cho mọi cá nhân đều bị đau khổ như
nhau; tức là các quy tắc đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều tốt đẹp
mà còn thúc đẩy người ta làm điều xấu xa làm cho bản tính vị kỷ trở
thành bản tính xấu xa. Bằng mệnh lệnh, chính thể chuyên chế gò ép mỗi cá
nhân nhất định vào một khuôn khổ biệt lập phải sống bằng kinh tế tự túc
làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một phần tử cô lập hoặc một cá nhân
phi xã hội. Hệ quả này cho thấy mệnh lệnh không những không nhắm đến mà
còn đi ngược lại mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp
luật, tức là chính thể chuyên chế làm cho pháp luật trở thành con số
không với các điều luật loại trừ nhau, theo đó các điều luật công bằng
bị vô hiệu hoá bởi các điều luật xiêu lệch hoặc các điều luật bất công.
Hãy làm một phép toán đơn giản để hiểu biết được đúng đắn sự thể đó: a –
a = 0 hoặc a + (– a) = 0, từ đó suy ra rằng chính thể chuyên chế không
có pháp luật hoặc pháp luật không thể tồn tại được với chính thể chuyên
chế.
Trật tự thứ hai được gọi là chính thể quý tộc, theo đó ba quyền lực
khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia cho hai cơ
quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp đồng thời
thực hiện cả quyền lực tư pháp đối lập với cơ quan hành pháp thực hiện
quyền lực hành pháp đồng thời cũng thực hiện cả quyền lực tư pháp, làm
cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia. Chính vì cùng thực
hiện quyền lực tư pháp làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan
kia nên cơ quan lập pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực lập pháp
cũng như cơ quan hành pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực hành
pháp mà thôi. Cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp,
đều chỉ được thực hiện nửa vời làm cho chính thể quý tộc cũng không có
pháp luật, y như chính thể chuyên chế, mà chỉ có các quy tắc nửa vời.
Các quy tắc này làm cho mọi cá nhân đều phải hành xử theo danh diện (bao
gồm cả danh dự lẫn thể diện), theo đó mỗi người phải biết hành xử theo
một chuẩn mực riêng được quy định cho mình phải làm mà không được hành
xử theo các chuẩn mực khác được quy định cho người khác phải làm, tức là
chính thể quý tộc chỉ có thể tồn tại được bằng danh diện. Danh diện chỉ
đòi hỏi một điều kiện duy nhất, đó là sự điều độ, theo đó cái gì cũng
phải điều độ. Nhưng vì cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư
lợi và tham lam, nên tuyệt đối không thể có cái gì làm tiêu chuẩn hoặc
cơ sở cho sự điều độ. Sự điều độ không có cơ sở nào hoặc tiêu chuẩn nào
để hiện hữu làm cho chính thể quý tộc chỉ tồn tại mập mờ mà thôi, tức là
chỉ được xác định tương đối. Thực tế cho thấy chính thể quý tộc chỉ làm
bước quá độ giữa chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ.
Trật tự thứ ba được gọi là chính thể dân chủ, theo đó ba quyền lực
khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia độc lập với
nhau cho ba cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập
pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp
thực hiện quyền lực tư pháp; ba cơ quan đó cấu thành nhà nước dân chủ
hoăc nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo
quy chế phân lập tam quyền để ngăn ngừa quan chức nhà nước lạm dụng
quyền lực nhà nước. Do quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau:
chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản, nên cơ quan lập pháp
phải được phân chia thành hai thiết chế khác nhau: Thượng Nghị viện
phân biệt với Hạ Nghị viện về cả số lượng thành viên lẫn nhiệm kỳ hoạt
động. Để ngăn chặn sự liên kết bất chính giữa ba cơ quan đó, chính thể
dân chủ phải có xã hội dân sự biểu hiện thành nhiều tổ chức độc lập hoạt
động bình đẳng theo nguyên tắc đa nguyên để nếu một tổ chức nào đó mà
nắm được cả ba quyền lực kia thì tổ chức đó sẽ phải bị kiểm sát chặt chẽ
(kiểm tra kết hợp với giám sát) bởi tất cả các tổ chức khác, làm cho ba
cơ quan kia phải thật sự độc lập với nhau để cùng nhau thực hiện ý chí
chung. Tiếp theo, muốn cho nguyên tắc đa nguyên được thực hiện triệt để,
chính thể dân chủ phải có chế độ bầu cử tự do để ngăn ngừa được tệ nạn
quan liêu trong nhà nước dân chủ hoặc bảo đảm được sự bình đẳng thật sự
giữa nhà nước dân chủ với toàn thể nhân dân bao gồm mọi cá nhân đều được
quy định thành công dân; chế độ bầu cử tự do làm cho người ta lựa chọn
được những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng
thời cũng làm cho người lãnh đạo chỉ phụ thuộc vào nhân dân mà phải phục
vụ nhân dân, tức là làm cho nhân dân thật sự làm chủ đối với cả ba cơ
quan khác nhau cấu thành nhà nước dân chủ. Vậy xét đến cùng, chính thể
dân chủ làm cho mọi cá nhân đều có cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp,
hành pháp và tư pháp. Mọi cá nhân đều làm ra pháp luật rồi lại đều sử
dụng pháp luật đồng thời đều bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc
đẩy, mọi cá nhân đều phải làm ra pháp luật bằng các phương pháp công
bằng, rồi sử dụng (thi hành) pháp luật bằng các phương pháp tự do đồng
thời bảo vệ pháp luật đó bằng các phương pháp bác ái. Nói như vậy tức là
pháp luật chỉ tồn tại được với chính thể dân chủ mà thôi.
Vậy chúng ta có thể xác quyết chắc chắn mà không sợ sai rằng: muốn có
pháp luật, nhất thiết phải tổ chức xã hội theo chính thể dân chủ.
Để có thể làm cho quý độc giả dễ dàng hiểu được đúng đắn vấn đề hệ
trọng được đặt ra ở đây, tôi sẽ phân chia pháp luật thành hai loại pháp
luật khác nhau: pháp luật trừu tượng khác biệt với pháp luật cụ thể về
đối tượng tác động. Pháp luật trừu tượng nhằm vào bản tính vị kỷ nhưng
pháp luật cụ thể lại chỉ nhằm vào lĩnh vực hoạt động được thúc đẩy bởi
bản tính vị kỷ. Tuy khác biệt nhau về đối tượng tác động nhưng pháp luật
trừu tượng thống nhất với pháp luật cụ thể thành một hệ thống pháp
luật, trong đó pháp luật trừu tượng phải làm cơ sở chung cho pháp luật
cụ thể để pháp luật cụ thể chỉ biểu hiện cụ thể pháp luật trừu tượng
trong từng lĩnh vực nhất định mà thôi.
Pháp luật trừu tượng là pháp luật phải quy định các nguyên tắc chung
nhất biểu hiện thành chính thể dân chủ với các quy tắc chính trị bảo đảm
cho cả hệ thống pháp luật tồn tại để bản tính vị kỷ trở thành bản tính
tốt đẹp hoặc động cơ đạo đức thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp hoặc
ngăn chặn người ta làm điều xấu xa; pháp luật trừu tượng biểu hiện thành
HIẾN PHÁP hoặc HIẾN CHƯƠNG (hoặc một cái gì đó tương tự như vậy). Vì
chỉ nhằm vào bản tính vị kỷ mà không hề nhằm vào bất cứ hành vi nào được
thúc đẩy bởi chính bản tính đó nên pháp luật trừu tượng được lấy làm
đối tượng chính cho việc nghiên cứu ở đây, tức là việc nghiên cứu ở đây
chủ yếu chỉ nhằm vào pháp luật theo ý nghĩa rộng nhất cho danh từ đó.
Pháp luật cụ thể là pháp luật chỉ quy định các nguyên tắc riêng cho
các hành vi cụ thể được thúc đẩy bởi bản tính vị kỷ; pháp luật cụ thể
chỉ biểu hiện pháp luật trừu tượng trong từng lĩnh vực nhất định, chẳng
hạn như dân sự hoặc hình sự, v. v., pháp luật cụ thể cũng có thể phải
bao gồm cả pháp luật trừu tượng nhưng chỉ bao gồm pháp luật trừu tượng
với một bộ phận nhất định mà thôi, tức là pháp luật cụ thể cũng có thể
phải bao gồm một số quy tắc chính trị nhưng các quy tắc này chỉ bao
chiếm một bộ phận nhất định cho lĩnh vực chính trị hoặc chỉ làm hệ quả
cho lĩnh vực đó, chẳng hạn như đạo luật về đảng phái hoặc đạo luật về
bầu cử, v. v.. Chính vì chỉ biểu hiện cụ thể pháp luật trừu tượng trong
từng lĩnh vực nhất định hoặc chỉ bao gồm một số quy tắc chính trị mà
không thể bao gồm tất cả các quy tắc chính trị nên ở đây pháp luật cụ
thể không được xem xét chi tiết trong quan hệ với chính nó mà chỉ có thể
được đề cập khái quát trong quan hệ với pháp luật trừu tượng.
Pháp luật trừu tượng biểu hiện thành Hiến pháp hoặc Đạo luật Cơ bản
(cũng có thể được gọi là Hiến chương) nhưng pháp luật cụ thể lại chỉ
biểu hiện thành các đạo luật cụ thể phù hợp với Hiến pháp hoặc chỉ có
hiệu lực theo Hiến pháp.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm cơ sở pháp lý cho chính thể dân chủ,
bao gồm các điều luật khái quát nhất quy định cả quyền lẫn nghĩa vụ cho
mọi cá nhân đồng thời quy định chính quyền phải hoạt động theo nguyên
tắc dân chủ nhằm bảo đảm cho mọi cá nhân đều thực hiện được cả quyền lẫn
nghĩa vụ.
Về nội dung, Hiến pháp phải bao gồm các điều luật khái quát nhất chỉ
quy định chung nhất các quy tắc chính trị bảo đảm cho mọi cá nhân đều có
cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đòi hỏi phải
phân chia chính quyền thành ba cơ quan khác nhau hoạt động độc lập với
nhau để mỗi cơ quan nhất định thực hiện độc lập một quyền lực nhất định
trong ba quyền lực đó, nhằm bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho xã
hội, cũng tức là bảo đảm cho mọi cá nhân đều thực hiện được cả quyền lẫn
nghĩa vụ. Hiến pháp không được bao gồm các điều luật chi tiết quy định
cụ thể một lĩnh vực nào đó ngoài các quy tắc chính trị. Ví dụ: Hiến pháp
có thể phải quy định khái quát nhất cả quyền lẫn nghĩa vụ về kinh tế
nhưng không cần phải quy định chi tiết những cái gì đó được rút ra từ cả
quyền lẫn nghĩa vụ về kinh tế, tức là không cần phải quy định chi tiết
nền kinh tế hoạt động như thế nào; vì nền kinh tế hoạt động như thế nào
sẽ được suy ra từ cả quyền lẫn nghĩa vụ về kinh tế đã được quy định ngay
trong Hiến pháp nên Hiến pháp không cần phải quy định chi tiết nền kinh
tế hoạt động như thế nào. Tương tự như vậy, Hiến pháp không cần phải
quy định chi tiết nền văn hoá hoạt động như thế nào; vì nền văn hoá hoạt
động như thế nào sẽ được suy ra từ cả quyền lẫn nghĩa vụ về văn hoá đã
được quy định ngay trong Hiến pháp nên Hiến pháp không cần phải quy định
chi tiết nền văn hoá hoạt động như thế nào. Tóm lại, Hiến pháp phải đặt
trọng tâm vào các nguyên tắc chính trị mà không được sa đà vào những
hoạt động cụ thể ngoài các nguyên tắc chính trị mới thể hiện được sự
khôn ngoan. Hiến pháp phải thể hiện sự khôn ngoan để phát tiết sự khôn
ngoan chứ không được áp đặt sự khôn ngoan để tiêu diệt sự khôn ngoan,
hoặc không được lấy sự khôn ngoan làm vỏ bọc để thể hiện bất cứ cái gì
đó trái ngược với sự khôn ngoan, làm như vậy sẽ tiêu diệt sự khôn ngoan.
Với nội dung đó, Hiến pháp có thể được định nghĩa chính xác hơn như
sau: Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm cơ sở pháp lý cho chính thể dân
chủ, bao gồm các điều luật khái quát nhất chỉ quy định chung nhất các
quy tắc chính trị bảo đảm cho mọi cá nhân đều có cả ba quyền lực khác
nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đòi hỏi phải phân chia chính quyền
thành ba cơ quan khác nhau hoạt động độc lập với nhau để mỗi cơ quan
nhất định thực hiện độc lập một quyền lực nhất định trong ba quyền lực
đó, nhằm bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho xã hội, cũng tức là bảo
đảm cho mọi cá nhân đều thực hiện được cả quyền lẫn nghĩa vụ.
Như vậy, Hiến pháp phải quy định xã hội được tổ chức theo chính thể
dân chủ, tức là quy định chế độ chính trị phải bảo đảm cho mọi cá nhân
đều làm chủ bản thân bằng pháp luật. Trong chính thể dân chủ, mọi cá
nhân đều có cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp,
nhưng mỗi cá nhân nhất định sử dụng như thế nào cả ba quyền lực đó sẽ
phụ thuộc vào khả năng riêng ở từng cá nhân nhất định: nếu có hiểu biết
hoặc hiểu biết cao thì có thể sử dụng trực tiếp cả ba quyền lực đó nhưng
nếu không hiểu biết hoặc hiểu biết thấp thì có thể sử dụng gián tiếp cả
ba quyền lực đó thông qua thân nhân hoặc các cơ quan đại diện được bầu
chọn bởi chính nhân dân.
Nội dung như vậy làm cho Hiến pháp ắt phải có tính chất nhất quán với
các điều luật khái quát thống nhất với nhau hoặc liên quan hữu cơ với
nhau: vừa bổ sung cho nhau vừa làm tiền đề cho nhau tồn tại mà không hề
loại trừ nhau hoặc không triệt phá nhau, không có điều luật này tiêu
diệt điều luật khác cũng như không có điều luật này vô hiệu hoá điều
luật khác, Hiến pháp không có gì khó hiểu khi có điều luật nọ viện dẫn
điều luật kia để thể hiện tính chất nhất quán. Nội dung đó cũng làm cho
Hiến pháp có tính chất khách quan với tất cả các điều luật khái quát
nhất đều thể hiện chân thực ý chí chung cho mọi cá nhân khiến mọi cá
nhân đều chấp nhận Hiến pháp mà không có cá nhân nào chống lại Hiến
pháp. Nội dung đó cũng đương nhiên làm cho Hiến pháp có tính chất phổ
quát với các điều luật khái quát vượt qua mọi giới hạn về cả không gian
lẫn thời gian mà trở thành giá trị chung cho cả nhân loại. Ví dụ: Hiến
pháp Mỹ không có điều luật chi tiết quy định cụ thể cả lãnh thổ quốc gia
lẫn nghi thức quốc gia (quốc kỳ, quốc hiệu, quốc ca, v. v.) làm cho
Hiến pháp Mỹ được tiếp nhận rộng rãi bởi nhiều quốc gia khác ngoài nước
Mỹ; tính chất phổ quát làm cho Hiến pháp Mỹ bành trướng ảnh hưởng ngày
càng sâu rộng trên khắp thế giới đến mức độ mà càng bị chống cự sẽ càng
bành trướng mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, Hiến pháp Mỹ cũng có tính chất đặc
thù được quy định bởi hoàn cảnh ra đời khác hẳn với tính chất phổ quát
được quy định bởi nguyên tắc dân chủ.
Nói như vậy để hiểu rằng: muốn có tính chất nhất quán, Hiến pháp phải
thực hiện được mục đích cho pháp luật; muốn có tính chất khách quan,
Hiến pháp phải được làm ra bằng phương pháp khách quan mà không thể được
làm ra bằng phương pháp chủ quan, tức là phải được làm ra bởi tất cả
các thành phần khác nhau trong nhân dân mà tuyệt đối không thể được làm
ra bởi một cá nhân nhất định hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả
quyền lợi lẫn ý đồ; muốn có tính chất phổ quát, Hiến pháp phải hướng tới
pháp luật trừu tượng để trở thành pháp luật trừu tượng mà không được sa
đà vào pháp luật cụ thể để rồi chỉ trở thành pháp luật cụ thể.
Về hình thức, Hiến pháp có thể được phân chia thành hai loại Hiến
pháp khác biệt nhau về cách thức thể hiện: Hiến pháp Hữu hình khác biệt
với Hiến pháp Vô hình. Hiến pháp Hữu hình là Hiến pháp được biểu hiện
độc lập thành một đạo luật độc lập với một văn bản độc lập làm cơ sở
chung cho cả hệ thống pháp luật, chẳng hạn như Hiến pháp Mỹ. Hiến pháp
Vô hình là Hiến pháp không được biểu hiện độc lập thành một đạo luật độc
lập với một văn bản độc lập mà chỉ được biểu hiện phụ thuộc qua nhiều
đạo luật cụ thể với các văn bản cụ thể nhưng vẫn làm cơ sở chung cho cả
hệ thống pháp luật, chẳng hạn như Hiến pháp Anh. Dù khác biệt nhau về
cách thức thể hiện như vậy, nhưng cả Hiến pháp Hữu hình lẫn Hiến pháp Vô
hình đều thể hiện chung thành các điều luật khái quát nhất có nội dung
nhất quán như đã được trình bày khái quát ở trên.
Về cấu trúc hoặc bố cục, Hiến pháp có ba phần khác nhau tương ứng với ba chế định cơ bản.
Phần thứ nhất là chế định về xã hội công dân, trong đó phải bao gồm
cả xã hội dân sự. Phần này bao gồm các điều luật quy định cả quyền lẫn
nghĩa vụ cho mọi cá nhân để mỗi cá nhân trở thành một công dân, trong đó
phải nhấn mạnh đặc biệt các quyền chính trị để mọi công dân đều có thể
làm chủ đối với nhà nước dân chủ hoặc nhà nước pháp quyền, theo đó Quyền
lực Hiến pháp hoăc Quyền lực Lập hiến phải thuộc về mọi công dân.
Phần thứ hai là chế định về nhà nước dân chủ hoặc nhà nước pháp
quyền, bao gồm các điều luật quy định nhà nước này phải dựa trên ba
thiết chế cơ bản như đã được trình bày ở trên, bao gồm: 1/ Quy chế phân
lập tam quyền ngăn ngừa được các nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực nhà
nước. 2/ Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân dân làm chủ
được các nhà cầm quyền. 3/ Chế độ bầu cử tự do làm cho nhà nước dân chủ
phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân; chế độ bầu cử đó phải
tuân thủ cả quy chế phân lập tam quyền lẫn nguyên tắc đa nguyên bình
đẳng để thực hiện được triệt để cả hai thiết chế đó, tức là ba thiết chế
đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật. Phần này
nhất thiết phải quy định cách thức cụ thể để thực hiện từng quyền lực
nhất định trong ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp,
để sao cho mỗi quyền lực nhất định trong ba quyền lực đó phải bị chế ước
bởi hai quyền lực kia: nếu được sử dụng sai lầm dẫn đến quyết định sai
lầm thì mỗi quyền lực nhất định trong ba quyền lực đó phải bị phủ quyết
đối với quyết định sai lầm bởi hai quyền lực kia.
Phần thứ ba là chế định về bảo vệ hiến pháp bao gồm các điều luật quy
định cơ chế tự vệ cho Hiến pháp để Hiến pháp phải được bảo vệ bởi chính
nó, theo đó Hiến pháp không thể chỉ được bảo vệ bởi một cá nhân duy
nhất hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ mà
phải được bảo vệ bởi mọi cá nhân.
Tùy theo trình độ nhận thức cùng với bản sắc văn hóa mà mỗi cộng đồng
nhất định sẽ làm Hiến pháp cho mình theo một cấu trúc nhất định nhưng
nói chung Hiến pháp luôn luôn có ba phần khác nhau như đã được trình bày
trên đây, trong đó mỗi phần nhất định liên quan chặt chẽ với các phần
khác để cả ba phần đó đều phải bảo đảm Quyền lực Hiến pháp hoặc Quyền
lực Lập hiến thuộc về mọi công dân.
Về hiệu lực, Hiến pháp có thể được phân chia thành hai loại đối lập
nhau: Hiến pháp Chân chính đối lập với Hiến pháp Giả nguỵ. Hiến pháp
Chân chính đã được định nghĩa ở trên, nhờ quy định chính quyền phải hoạt
động theo nguyên tắc dân chủ mà Hiến pháp Chân chính bảo đảm được cho
mọi cá nhân đều thực hiện được cả quyền lẫn nghĩa vụ để xã hội có Tự do –
Bình đẳng – Bác ái. Hiến pháp Giả nguỵ là một văn kiện chính trị làm
công cụ pháp lý cho chính thể chuyên chế hoặc chế độ độc tài, bao gồm
các điều luật chi tiết vừa mâu thuẫn với nhau vừa mâu thuẫn với chính
mình nhằm bảo đảm tập trung quyền cho một cá nhân nhất định hoặc một số
ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ đồng thời tập trung
nghĩa vụ cho tất cả các cá nhân khác. Hiến pháp Giả nguỵ tách quyền với
nghĩa vụ làm cho người nào hưởng quyền sẽ trở thành chủ nhân đối lập thù
địch với người nào làm nghĩa vụ sẽ trở thành nô lệ, đồng thời tập trung
cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào một cá
nhân nhất định hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý
đồ làm cho tất cả các cá nhân khác bị mất hết cả ba quyền lực đó. Quả
thật, chính vì chỉ có các điều luật chi tiết vừa mâu thuẫn với nhau vừa
mâu thuẫn với chính mình nên Hiến pháp Giả nguỵ trở thành con số không
(0); con số không cho thấy Hiến pháp Giả nguỵ không có những yếu tố cần
thiết cho Hiến pháp, tức là Hiến pháp Phi–Hiến pháp. Không có những yếu
tố cần thiết cho Hiến pháp, Hiến pháp Giả nguỵ không thể bảo đảm cho hệ
thống pháp luật tồn tại; hệ thống pháp luật không tồn tại làm cho xã hội
không có tự do, không có bình đẳng, không có bác ái. Hiến pháp Giả nguỵ
xuất hiện nhiều trên khắp thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay thể hiện xu
hướng lạm dụng đối với Hiến pháp. Chính vì nắm bắt được xu hướng đó nên
Friedrich August von Hayek (1899 – 1992) đã phải phân biệt Hiến pháp Tự
do với Hiến pháp Nô lệ bằng một tác phẩm trứ danh được xuất bản vào năm
1960 nhằm ngăn ngừa xu hướng đó: The Constitution Of Liberty (Hiến pháp
Về Tự do).
Ở đây cần phải khắc phục một sự ngộ nhận đáng tiếc về Charles de
Secondat Montesquieu (1689 – 1755) cho rằng ông đã phát triển toàn diện
quy chế phân lập tam quyền, sự ngộ nhận đó làm cho người ta thường nghĩ
ngay đến tên tuổi của ông mỗi khi nhắc tới quy chế phân lập tam quyền.
Thật ra, C. S. Montesquieu chỉ đóng góp một phần nhất định tuy nổi bật
nhất nhưng không quan trọng nhất vào lý thuyết khoa học về quy chế phân
lập tam quyền mà không hề xây dựng tất cả lý thuyết đó.
Dựa vào C. S. Montesquieu, người ta tin tưởng chắc chắn rằng, quy chế
phân lập tam quyền làm nền tảng cơ bản nhất cho chính thể dân chủ, niềm
tin tưởng đó chỉ có thể có cơ sở trên lý thuyết nhưng thực tế đã cho
thấy rằng, quy chế phân lập tam quyền chỉ tồn tại được với ít nhất hai
thiết chế khác (bao gồm cả nguyên tắc đa nguyên bình đẳng lẫn chế độ bầu
cử tự do) làm điều kiện cần thiết cho quy chế kia tồn tại. Sự thể này
cho thấy thực tiễn chính trị đã vượt qua C. S. Montesquieu.
Không thể phủ nhận được rằng C. S. Montesquieu đã có ảnh hưởng lớn
đối với Hiến pháp Mỹ nhưng có thể khẳng định được rằng ảnh hưởng đó
không có tác dụng quyết định đối với Hiến pháp Mỹ. Cho dù chính quyền
được tổ chức theo “quy chế phân lập tam quyền” nhưng nếu cả ba cơ quan
khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều chỉ bị kiểm soát bởi một
phe nhóm nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ mà không hề bị kiểm sát
bởi toàn thể nhân dân vốn dĩ bao gồm nhiều thành phần khác nhau về cả
quyền lợi lẫn ý đồ thì quy chế phân lập tam quyền sẽ trở nên vô nghĩa.
Sự thể đó cho thấy rằng nguyên tắc đa nguyên bình đẳng quan trọng hơn
nhiều so với quy chế phân lập tam quyền. Ở ngay chính nước Mỹ vẫn có
những cơ chế tổ chức chỉ thuộc về chính thể quý tộc, như Thượng Nghị
viện có số lượng thành viên bằng nhau cho các bang khác nhau về dân số,
Thượng Nghị viện thực hiện quyền lực tư pháp đối với Tòa án, hoặc có vẻ
nghiêm trọng hơn cho Bang Nebraska chỉ có Nghị viện Tập trung mà không
phải có Nghị viện Phân tán thành Thượng Nghị viện độc lập với Hạ Nghị
viện, v. v.. Tuy nhiên, vì có nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được thể
hiện rõ ràng qua Tuyên ngôn Về Nhân quyền trong Hiến pháp nên cơ chế đó
bị mất tính chất quý tộc mà hầu như chỉ có tính chất dân chủ.
Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để có chính thể dân chủ? Phải đấu
tranh ôn hòa bằng các giải pháp hòa bình. Đấu tranh ôn hòa bao gồm cả
đấu tranh tư tưởng lẫn đấu tranh chính trị. Đấu tranh tư tưởng nhằm xây
dựng Văn hóa Dân chủ nhưng đấu tranh chính trị lại phải nhằm thiết lập
chính thể dân chủ đồng thời bảo vệ chính thể đó. Đấu tranh tư tưởng tuy
khác biệt đấu tranh chính trị về cả mục đích lẫn phương tiện nhưng đấu
tranh tư tưởng lại mở đường cho đấu tranh chính trị đi đến thành công.
Hơn nữa, giữa đấu tranh tư tưởng với đấu tranh chính trị cần phải có một
sự giống nhau cơ bản nhất, đó là loại bỏ bạo lực.
Vì sao phải loại bỏ bạo lực? Vì bạo lực chỉ làm tổn thương sự sống
hoặc thậm chí có thể tiêu diệt sự sống nên cần phải loại bỏ bạo lực để
bảo tồn sự sống. Vì ai cũng có bản tính vị kỷ khiến ai cũng muốn bảo tồn
sự sống cho mình nên cần phải loại bỏ bạo lực để bảo tồn sự sống cho
tất cả các bên tranh chấp: cả người đấu tranh lẫn người bị đấu tranh. Vì
ai cũng có bản tính vị kỷ khiến ai cũng muốn cầu lợi cho mình nên cần
phải loại bỏ bạo lực để bảo đảm nguyên tắc cùng thắng cho đấu tranh ôn
hòa: cả người đấu tranh lẫn người bị đấu tranh đều thắng mà không người
nào bị thua. Nguyên tắc cùng thắng cho phép tất cả các bên tranh chấp
đều có thể biến kẻ thù thành bạn hữu hoặc biến đối thủ thành đối tác. Vì
ai cũng có bản tính vị kỷ khiến ai cũng có quyền sống, quyền tự do và
quyền mưu cầu hạnh phúc, nên cần phải loại bỏ bạo lực để bảo đảm cho tất
cả mọi người đều được sống, được tự do và được hạnh phúc trong chính
thể dân chủ vốn phải lấy Hiến pháp làm cơ sở pháp lý cho mình.
Hòa bình luôn luôn làm linh hồn cho Hiến pháp.
H.H.T.