Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Hoàng tử và Đại tướng (6)

Chia tay anh Khanh đi về ngày hôm đó trong đầu tôi suy nghĩ nhiều về việc nên làm gì với câu chuyện và những kỷ niệm mà tôi đã vinh dự được anh chọn là người chia sẻ sau nhiều năm giấu kín những tâm sự về tình bạn gần gũi của anh với John. Dự định ban đầu của tôi khi xin gặp anh Khanh là để xin tư liệu để viết một bài báo ngắn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ông mới qua đời. Vì lý do nào đó thời gian giữa lúc ông qua đời và ngày tổ chức lễ tang dài một cách bất thường nên các báo chí phải cố gắng phi thường để tìm ra những góc cạnh đặc biệt, chưa được khai thác để viết bài về ông. Một bài báo về việc con trai của cố Tổng thống Kennedy đã phải trèo đèo lội suối – theo đúng nghĩa đen – để đến gặp vị tướng già chỉ một tiếng chắc chắn sẽ làm vừa lòng bạn đọc Việt Nam đang thương tiếc ông.
Đây không phải là lần duy nhất mà cuộc gặp đã được khai thác theo hướng đó, tức là hướng lấy ta làm gốc coi việc Kennedy Con đi Việt Nam xin gặp tướng Giáp như là một bước chuẩn bị “quan trọng, thiết yếu” cho kế hoạch gia nhập chính trường của anh. Mọi tư liệu tôi đọc được cũng như nội dung cuộc trao đổi với anh Khanh đều cho thấy việc anh John đi Việt Nam xin gặp cụ Giáp là câu chuyện về anh nhiều hơn là về cụ. Lúc đó John mới bắt đầu tạp chí George với mong muốn tạo ra một xuất bản phẩm phục vụ giới chính trị gia Mỹ vừa trẻ, thông minh, sắc sảo lại vừa có duyên, có class, có văn hóa, có hiểu biết thế giới, tóm lại vừa là tay chơi lại vừa là chính trị gia – một mẫu hình nói chung xa lạ với phong cách chính trị gia Mỹ nhưng lại quen thuộc ở Anh, Pháp, Tây Âu nói chung. Việt Nam và Mỹ lúc đó lại đang ở trong giai đoạn hồi xuân, giai đoạn trăng mật của mối quan hệ mới nồng ấm lại, và thực tế này mở ra nhiều cơ hội cho những người Mỹ quan tâm đến Việt Nam và có những câu hỏi về lịch sử cần phối kiểm với góc nhìn của người Việt Nam, một việc mà họ không thể làm trong thời gian lạnh nhạt trước đó. Phỏng vấn cụ Giáp là một phần trong một loạt các bài phỏng vấn mà tạp chí George thực hiện theo kiểu đối thoại giữa các nhân vật từng là đối thủ của nhau. Thực vậy, trong cùng số tháng 11-1998 của tạp chí George có cả bài phỏng vấn tướng Westmoreland, từng là Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam. Trong bài này tướng Westmoreland phát biểu đại ý rằng “dù Nam Việt Nam bị mất nhưng kỷ lục của Hoa Kỳ chưa từng thua một trận chiến nào không hề bị phá vỡ ở Việt Nam và mỗi nhân viên quân lực Hoa Kỳ từng phục vụ ở Việt Nam đều có thể tự hào về sự phụng sự của mình.”

Nếu không có những hiểu biết ngoại truyện này, tôi rất dễ sa vào cái bẫy viết một bài báo cúng cụ dâng lên hương hồn Đại tướng. Trong hoàn cảnh một đất nước tang gia bối rối việc đánh lận con đen xoay chuyển một câu chuyện về John thành một câu chuyện về cụ Đại tướng là rất dễ làm và rất dễ được khen. Với những hiểu biết đã có, tôi nhận thấy làm thế là vô duyên quá và vì thế quyết định sẽ không viết thành bài báo mà giữ những tư liệu đó lại để viết theo cách nhìn của riêng tôi.
Thực tình mà nói tôi cũng không biết rõ cách nhìn của riêng tôi là cách nhìn cụ thể như thế nào. Trong vài tuần sau khi cụ Giáp qua đời, tôi dần dần viết xuống được 5 phần hạ truyện nói về xuất xứ, xuất thân, nhân vật, hoàn cảnh vv. Cùng lúc đó phần thượng của truyện cũng bắt đầu thành hình dù chỉ lơ mơ lơ mơ như mấy “sợi tơ trời.” Phần thượng này dựa trên giả thuyết rằng việc anh John Kennedy Con đến Việt Nam năm 1993 và sau đó giữ gìn một sự quan tâm đến Việt Nam thông qua người bạn Mỹ am hiểu Việt Nam là anh Khanh rồi sau đó cố gắng quay lại Việt Nam để đi đến đỉnh điểm của buổi gặp giữa anh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là một việc tình cờ, xốc nổi mà có lý do nào đó chính đáng, hợp lý từ phía anh John. Nói cách khác, có một mối duyên nào đó, một tình cảm đặc biệt nào đó khiến anh John không thể bỏ Việt Nam ra khỏi đầu óc hay trái tim được đã khiến anh trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân cũng là những năm tháng cuối cùng anh sống trên đời phải gắn bó với Việt Nam, phải bận tâm, phải yêu nó. Nếu giả thuyết này của tôi là hợp lý thì bước tiếp theo sẽ là bóc tách những mối liên hệ nào đó giữa anh John với Việt Nam khả dĩ có thể giải thích những tình cảm gần gũi mà anh đã dành cho Việt Nam. Do đây chỉ là giả thuyết mang nặng ý chí áp đặt của tôi nên tôi nhận ra rằng trong lúc phân tích đó tôi sẽ phải gán rất nhiều ý nghĩa biểu trưng cho nhiều điều và vì thế phần thượng sẽ mang nhiều mầu sắc của tiểu thuyết và hư cấu.
Trong suy nghĩ mơ hồ của tôi tôi nhận thức được bản chất của vấn đề ở đây là câu truyện tình Việt Mỹ, mỗi bên được thể hiện qua những nhân vật cụ thể khác nhau. Anh John Con, anh Khanh, và cả tổng thống quá cố John F Kennedy là các biểu trưng của nước Mỹ. Cụ Giáp, anh Cường, tôi và các bạn của tôi là những đối tác Việt. Với vai trò to nhỏ khác nhau, mỗi nhân vật đóng góp một phần vào việc kể lại một câu truyện có ý nghĩa về truyện tình yêu giữa hai đất nước, có ghen tuông, giận hờn, bất đồng, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, có lạnh nhạt, hồi xuân, hàn gắn.
+++
Chuyến đi của John Kennedy Con đến Sài Gòn năm 1993 lúc anh 33 tuổi tạo ra một ấn tượng như thể anh đang lần dở lại lịch sử của cha anh bằng cách đi lại những chuyến đi của cha anh vào lúc mà tuổi của hai người xấp xỉ nhau. Việc anh đến Sài Gòn đầu tiên trong chuyến đi này khẳng định suy diễn đó. Ngày 2/10/1951, Kennedy Cha, khi đó là một Hạ nghị sỹ 34 tuổi, đã lên đường đi một chuyến công du châu Á 7 tuần tới Ấn độ, Israel, Thái Lan, Sài Gòn, Nhật Bản. Cùng đi với ông có em trai là Robert (Bobby) Kennedy (Thượng nghị sỹ, sau bị ám sát chết) và em gái Patricia Kennedy. Một vài hình ảnh chuyến đi của ba anh em có ở đây, Saigon ở khoảng 2’.
Một trong những nhiệm vụ mà JFK phải làm trong chuyến đi này là viết báo cáo cho Quốc hội về tình hình chiến tranh ở Đông Dương. Ấn tượng về quân Pháp của Kennedy trong chuyến đi này có lẽ không được tốt lắm và điều này có thể đã ảnh hưởng đến cách nghĩ của ông rằng nếu thay quân Pháp bằng quân Mỹ thì có thể thắng cuộc chiến tranh dễ dàng hơn. Đây là quan điểm mà người ta cho rằng Kennedy đã giữ vững cho tới không lâu trước khi ông bị ám sát.
Cho đến khi Kennedy Con ngồi trò chuyện với tướng Giáp tại Hà Nội tháng 8/1998 thì thời điểm tháng 10-11/1951 là lúc mà một người họ Kennedy và tướng Giáp ở gần nhau nhất. Vào thời điểm này, tướng Giáp đang chuẩn bị binh lực cho chiến dịch Hòa Bình sau khi vừa thắng quân Pháp ở Ninh Bình trong một chiến thắng lớn gây ra cái chết của chính con trai tổng tư lệnh quân đội Pháp là Đại tướng De Lattre de Tassigny. Người ta chắc sẽ luôn nhớ cụ Giáp trong hình ảnh cụ già yếu mệt hơn 100 tuổi và Kennedy như một Tổng thống trẻ trung năng động do đó là những hình ảnh cuối cùng còn đọng lại trước lúc hai người qua đời. Hai người này tuy thế về tuổi tác chỉ cách nhau 5-6 tuổi và như thế có thể coi như là bằng vai phải lứa, đồng thời họ chia sẻ nhiều điểm tương đồng.
Năm 1940, lúc 29 tuổi, sau khi hoàn tất việc học hành và dạy học ở trường Thăng Long, Võ Nguyên Giáp đi cùng Phạm Văn Đồng qua Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh, bắt đầu con đường hoạt động cách mạng. Năm 1946, lúc 29 tuổi, sau khi hoàn tất việc học hành và được giải ngũ, Kennedy thắng cử trong một cuộc bầu cử địa phương và trở thành Hạ nghị sỹ liên bang. Năm 1946, lúc 35 tuổi, Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy quân đội. Năm 1952, lúc 35 tuổi, Kennedy trở thành Thượng nghị sỹ của bang Massachusets – chức vụ mà ông sẽ nắm trong 8 năm tiếp theo. Năm 1955, lúc 44 tuổi, Võ Nguyên Giáp dẫn đoàn quân chiến thắng về Hà Nội và trở thành Phó Thủ tướng (sau là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ chính quyền cao nhất mà ông nắm trong đời. Năm 1961, lúc 44 tuổi, Kennedy lên tột đỉnh vinh quang và trở thành Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"