Ủy ban Bảo vệ Làm Người Việt Nam | Quê Mẹ
THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 27.11.2013
Tại LHQ ở Genève: Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
thúc đẩy các quốc gia Thành viên LHQ yêu sách Việt Nam cải cách luật
pháp cho Nhân quyền nhân cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát sắp tới
GENEVE, 27.11.2013 (Ủy ban Bảo vệ Làm Người Việt Nam) – Để chuẩn bị
cho việc xem xét bản Báo cáo Việt Nam trong cuộc Kiểm điểm Định kỳ phổ
quát (Universal Periodic Review – UPR) vào ngày 28.1.2014 đầu năm tới.
Phòng Thông tin UPR đã mời các phái đoàn chính phủ và các tổ chức Phi
chính phủ đến tham khảo và góp ý tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế trong
khuôn viên Điện Quốc Liên, LHQ ở Genève.
Tại cuộc họp sáng nay 27.11.2013, có 32 phái đoàn chính phủ tham dự
nói lên mối quan tâm của thế giới trước tình trạng nhân quyền sa sút tại
Việt Nam.
Nhân danh Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner phát biểu tại LHQ Genève
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là tổ chức
Phi chính phủ được mời tham dự cuộc tham khảo này. Bà Ỷ Lan Penelope
Faulkner nhân danh Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã phát biểu
mối quan ngại cho tình trạng đầy khiếm khuyết của nền pháp lý Việt Nam,
những cuộc đàn áp hung tợn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, cưỡng chiếm
đất đai nông dân và các vụ án tử hình.
Bà cũng lấy làm tiếc cho sự kiện Việt Nam thất hứa khi không thực
hiện những khuyến nghị mà các quốc gia nêu lên và được Việt Nam hứa hẹn
qua cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát năm 2009. Trái lại, Việt Nam đã “tăng cường các cuộc đàn áp chính trị, đồng thời thông qua các sắc luật mới nhằm hạn chế tối đa quyền con người”.
Bà cho biết Việt Nam đã tung chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận với cuộc
tống giam 61 nhà bất đồng chính kiến ôn hòa trong năm 2013. Rồi bà kêu
gọi kêu gọi các thành viên quốc gia thành viên LHQ nêu lên các sự kiện
này cũng như những vi phạm nhân quyền tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ
quát tháng giêng đầu năm tới, cũng như đưa ra một số khuyến nghị cụ thể
để thăng tiến nhân quyền tại Việt Nam.
Sau đây là bài phát biểu của bà Ỷ Lan Penelope Faulkner tại LHQ Genève:
THAM LUẬN CHO CUỘC KIỂM ĐIỂM THƯỜNG KỲ PHỔ QUÁT VIỆT NAM LẦN THỨ 2 LHQ Genève ngày 27.11.2013
Tôi xin cám ơn Phòng Thông tin UPR đã mời chúng tôi đến đây góp ý
cho cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát của quốc gia Việt Nam sẽ xẩy ra
vào ngày 28 tháng giêng năm 2014. Tôi xin biểu tỏ ý kiến của Ủy ban Bảo
vệ Quyền Làm Người Việt Nam, là tổ chức đã theo dõi chặt chẽ tiến trình
Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát từ cuộc thẩm xét đầu tiên năm 2009, rồi sau
đó chúng tôi tiếp tục kiểm tra những lời hứa của Việt Nam so với những
chi họ thực hiện.
Sự tham khảo ý kiến các xã hội dân sự và các tổ chức Phi chính phủ
là một phần quan yếu của tiến trình Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát.
Nhưng tiếc thay, tại Việt Nam ngày nay không có xã hội dân sự thực
sự độc lập, chỉ có những xã hội dân sự trực thuộc chính quyền là được
tham khảo để chuẩn bị bản báo cáo.
Tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát lần thứ nhất năm 2009, Việt Nam
chấp nhận 93 khuyến nghị và từ khước 45 khuyến nghị của các quốc gia
thành viên LHQ. Điều đáng tiếc ở đây là các khuyến nghị được Việt Nam
chấp nhận có tính cách chung chung, còn các khuyến nghị mà Việt Nam từ
chối lại mang tính cách đặc thù và cụ thể, nếu được chấp nhận có thể góp
phần cải thiện bộ mặt nhân quyền Việt Nam.
Nói chung, chúng tôi thất vọng về sự thực hiện những khuyến nghị mà
Việt Nam chấp nhận. Chẳng những nhà cầm quyền gia tăng đàn áp chính trị
sau cuộc Kiểm điểm, mà còn thông qua nhiều sắc luật mới để ngày càng hạn
chế mọi hành xử nhân quyền qua mọi lĩnh vực.
Chúng tôi xin được tập trung vào 5 lĩnh vực chính yếu rất cần thiết
để thăng tiến nhân quyền. Đó là: Pháp quyền, tự do ngôn luận, tự do tôn
giáo, cưỡng chiếm đất đai nông dân và án tử hình. Trong bản báo cáo đệ
nạp chung với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, chúng tôi còn nêu bật nhiều
vấn nạn quan trọng khác, như điều kiện khắc nghiệt giam giữ tù nhân,
không tôn trọng các thủ tục pháp lý, quyền lập hội, quyền phụ nữ, v.v…
1.- Trước hết, là Pháp quyền mà
chúng tôi xem như quan trọng nhất. Dù rằng Việt Nam là quốc gia ký kết
nhiều công ước quốc tế nhằm thăng tiến nhân quyền, nhưng nền pháp lý
quốc gia Việt Nam lại hạn chế quyền hành xử nhân quyền bằng cách xử tội
các xử sự của người công dân như là “lợi dụng các tự do dân chủ” nhằm “xâm phạm quyền lợi Nhà nước”. Khái niệm “quyền lợi Nhà nước” thay thế cho mọi quyền cơ bản con người, chẳng tương hợp tí nào với nhân quyền quốc tế cho sự thăng tiến nhân quyền.
Tuần này tại Việt Nam, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua những bổ sung
vào bản Hiến pháp mới, mà lần đầu tiên được đưa vào điều luật “lợi dụng”
quyền con người. Nếu được thông qua, thì nhân quyền sẽ bị bãi bỏ, mà
các quyền này vốn được bảo đảm trong bản Hiến pháp cũ. Đây sẽ là sự tụt
hậu về quyền con người tại Việt Nam.
Những điều luật quốc gia khác cần khẩn cấp sửa đổi, như các điều luật về “an ninh quốc gia”
trong bộ Luật Hình sự. Các bản án kết tội kê dựa vào những điều luật
hết sức mơ hồ này, mà bảy điều đưa tới án tử hình, hoàn toàn trái chống
với Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, bởi vì không phân
biệt giữa những hành vi bạo động, như nạn khủng bố, với sự biểu tỏ ôn
hòa các ý kiến.
Tại cuộc Kiểm điển Thường kỳ Phổ quát năm 2009, Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị của Nhật Bản, Mã Lai, Vương quốc Anh và Úc Đại Lợi,
là đưa luật pháp quốc gia phù hợp với luật quốc tế, kể cả bộ Luật Hình
sự. Nhưng Việt Nam chẳng thực hiện. Trái lại, Việt Nam gia tăng những
cuộc bắt bớ chưa từng thấy chiếu theo điều “an ninh quốc gia”
trong bô Luật Hình sự. Hàng chục nhà bất đồng chính kiến, tôn giáo, nhà
hoạt động dân chủ, nhân quyền đã phải chịu những án tù nặng nề, như
trường hợp blogger Điếu Cày, bị án tù 12 năm chiếu điều 88 “tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa”
chỉ vì lên tiếng kêu gọi tôn trọng nhân quyền và cải cách dân chủ, hay
Trần Huỳnh Duy Thức, 16 năm tù vì đòi hỏi cải cách dân chủ.
Trong cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát năm 2014, chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam phải (a)
thiết lập chính xác lịch cải cách bộ Luật Hình sự và bảo đảm mọi sắc
luật mới phải phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế để thăng tiến nhân quyền ;
(b) bãi bỏ Luật báo chí trong Hiến Pháp, trong bộ Luật Hình sự, cũng như mọi điều luật khác xử tội “lợi dụng” nhân quyền, hay bắt phải phụ thuộc các quyền cơ bản cá nhân vào quyền lợi Nhà nước ; (c) bãi bỏ Pháp lệnh 44 cho phép bắt giam, quản chế, hay đưa vào các trại cải huấn, hoặc bệnh viện tâm thần mà không thông qua tòa án xét xử.
2.- Tự do ngôn luận và tự do báo chí:
Việt Nam đã chấp thuận các khuyến nghị của Ý Đại Lợi, Thụy Điển, Argentine, Úc Đại Lợi, Nam Hàn, Hòa Lan, và Canada
bảo đảm quyền tự do ngôn luận và kiện toàn tự do báo chí “theo đúng
điều 19” trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị. Không
những Việt Nam chẳng thi hành lời hứa, mà trái lại còn mở những cuộc đàn
áp tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài luồng. Riêng trong năm 2013, 61 nhà bất đồng chính kiến ôn hòa bị xử tù hay sắp sửa đưa ra xử. Sự trạng trầm trọng hơn nhiều so với những năm trước cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất.
Các bloggers, nhà hoạt động, nhà báo và công dân mạng là đích nhắm
của nhà cầm quyền. Họ trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung của
công an, những sách nhiễu, bắt bớ tùy tiện, giam tù, bị mất việc, hay
đối xử tàn tệ trong tù, hoặc cấm cố trong bệnh viện tâm thần. Năm 2013,
Việt Nam thông qua Nghị định 72, không những bó buộc
các công ty ngoại quốc phải cung cấp thông tin về khách hàng của họ, mà
còn hạn chế nội dung cho phép chuyển tải trên mạng xã hội như Facebook.
Không có quyền tự do báo chí tại Việt Nam - tất cả mọi cơ quan truyền
thông nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi cất lời kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ thúc đẩy Việt Nam (a)
sửa đổi Luật Báo chí, Nghị định 72 về Internet và mọi văn bản xác đáng
khác để cho tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài luồng dược bảo đảm ; (b)
cho phép các báo chí tư nhân ra đời ; (c) thường trực mời các Báo cáo
viên LHQ về tự do biểu tỏ ý kiến và ngôn luận cũng như Báo cáo viên LHQ
về bảo vệ Nhân quyền đến thăm Việt Nam.
3.- Đệ nhất quan trọng là Tự do tôn giáo và tín ngưỡng,
đặc biệt tại một quốc gia độc đảng như Việt Nam, các cộng đồng tôn giáo
trở thành những tiếng nói độc lập duy nhất đại diện cho xã hội dân sự
còn tồn tại.
Tại cuộc Kiểm điển Thường kỳ Phổ quát năm 2009, Việt Nam trả lời các khuyến nghị của Ý Đại Lợi và Ba Lan, rằng việc sửa đổi “các điều luật liên quan đến tự do tôn giáo tuân thủ theo điều 18 trong Cộng ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị” hiện đang “tiến hành”. Tuy nhiên văn kiện độc nhất liên quan tôn giáo được thông qua là Nghị định 92/2013 lại cho Nhà nước tăng cường kiểm soát các tôn giáo.
Tại Việt Nam, các tôn giáo là mục tiêu chặt chẽ bị bó buộc thông qua
hệ thống đăng ký và kiểm soát. Những tổ chức tôn giáo của Nhà nước được
thành lập và mọi sinh hoạt tôn giáo độc lập bị ngăn cấm. Các tổ chức
tôn giáo không được nhà nước thừa nhận, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), liên tục bị sách nhiễu, hăm dọa và bắt bớ. Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
bị giam cầm, lưu đày suốt 30 năm qua chỉ vì Ngài thực hành tôn giáo
mình. Các tín hữu Công giáo, Thiên chúa giáo người Thượng, các tín hữu
Cao Đài, Hòa Hảo cũng bị hành xử như thế.
Chúng tôi yêu cầu các quốc gia thành viên LHQ hãy thúc đẩy Việt Nam (a)
sửa đổi Pháp lệnh tôn giáo năm 2004 về tôn giáo và tín ngưỡng để phủ
hợp với điều 18 trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị ;
(b) cho phép GHPGVNTN và các tổ chức tôn giáo khác chưa được thừa nhận
được tự do sinh hoạt tôn giáo một cách ôn hòa và độc lập với các tổ chức
tôn giáo của Nhà nước, và trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
cũng như tất cả tù nhân bị bắt giam vì thực hiện niềm tin tôn giáo của
họ ; (c) chấp nhận khuyến nghị của Ủy ban Bài trừ Kỳ thị Chủng tộc để
bãi bỏ cơ chế “hộ khẩu” vốn gây ra sự kỳ thị đối với các dân tộc ít
người liên hệ với các tổ chức tôn giáo “không được thừa nhận” trong các
lĩnh vực xin việc làm, an sinh xã hội, y tế, giáo dục và tự do di
chuyển.
4.- Cưỡng chiếm đất đai và khiếu kiện của Dân oan
Việc cưỡng chiếm đất đai nông dân để xây cất các dự án của Nhà nước
là lý do xâm phạm sự tăng trưởng cho nhân quyền. Những cuộc cưỡng chiếm
này vô cùng bạo động, đưa tới nhiều cái chết hay bắt bớ hàng loạt. Dân
chúng được quyền khiếu nại nhưng họ không thể thực hiện trước nền pháp
lý không độc lập, trước nạn tham quan ô lại của các cấp cán bộ cũng như
tệ lạm quyền. Một ví dụ: Tháng 10 vừa qua, cuộc điều tra của Nhà nước
về những khiếu kiện của công dân bị chiếm đất vì dự án khu đô thị mới
Phước Long tại thành phố Nhatrang, đã xác nhận sự tham nhũng của các
viên chức nhà nước tại địa phương. Thế nhưng chẳng có hành động tương
xứng nào giải quyết, một cựu viên chức (Nguyễn Mạnh Hà) và đồng nghiệp
ông (Trần Anh Hùng) phát lộ kết quả cuộc điều tra của nhà nước. Thay vì
phạt tội các viên chức tham nhũng, nhà cầm quyền đã kết án hai người nói
trên 6 và 5 năm tù vì đã “tiết lộ bí mật Nhà nước” chiếu theo điều 258 của bộ Luật Hình sự.
Xin các quốc gia thành viên LHQ hãy áp lực Việt Nam (a)
thiết lập cơ chế độc lập để xử lý các khiếu kiện trong sự tôn trọng các
tiêu chuẩn quốc tế để những kẻ khiếu kiện tránh khỏi mọi sách nhiễu hay
truy kích ; (b) sửa đổi nền pháp lý gắn liền với “bí mật quốc gia” để
bảo đảm rằng khái niệm này phải được định nghĩa rõ ràng chứ không được
sử dụng như lý cớ để đàn áp việc thông tin chính đáng trong các khiếu
kiện của công dân.
5.- Điều cuối cùng là án tử hình đang mang lại những hậu quả nghiêm trọng tại một quốc gia mà các lời phê bình, chỉ trích Đảng Cộng sản dẫn tới án tử hình.
Tại cuộc Kiểm điển Thường kỳ Phổ quát năm 2009, Việt Nam đã chấp nhận, nhưng không thi hành, các khuyến nghị của Cộng hòa Liên bang Đức và Vương quốc Na Uy
để giảm thiểu các tội đưa tới án tử hình. Việt Nam tiếp tục công bố từ
80 đến 100 án tử hình thường niên. Năm nay, nhà cầm quyền cho phép dùng
hóa chất létale nội hóa để thi hành án tử hình thay vì xử bắn. Tháng 8
vừa qua, Nguyễn Anh Tuấn, 27 tuổi, người đầu tiên thi
hành án lệnh bằng tiêm chích chất létale nói trên. Anh ta trải qua hai
giờ đồng hồ đau đớn trước khi chết.
Tong cuộc Kiểm điển Thường kỳ Phổ quát năm 2014 sắp tới, Ủy
ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thúc đẩy Việt Nam (a) giảm thiểu các
tội đưa tới án tử hình và sửa đổi các điều luật trong bộ Luật Hình sự
để bảo đảm rằng chẳng ai bị kết án tử hình vì biểu tỏ ôn hòa các ý kiến
trái chống với Đảng Cộng sản ; (b) công bố các thống kê về tội nhân tử
hình và các cuộc hành án ; công bố lệnh tạm hoãn án tử hình như bước đầu
tiến đến hủy bỏ án tử hình tại Việt Nam.