Phạm Chí Dũng
Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN phá rừng để trồng cao su ở Campuchia.
Con sóng Global Witness
Khác với sự kiện bản dự thảo sửa đổi lần cuối cho hiến pháp được
Quốc hội mặc định một cách khó có thể cực đoan hơn, năm 2013 lại đánh
dấu mốc thời điểm không phải những doanh nghiệp quyền biến và tráo trở
của Việt Nam có thể mặc tâm xâm hại môi trường sống và môi trường tự
nhiên.
Cuộc theo đuổi không khoan nhượng của Global Witness - một tổ chức
phi chính phủ lớn trên thế giới có trụ sở tại Anh - đối với Tập đoàn
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một bằng chứng không hề mờ nhạt cho thấy xã
hội dân sự trên thế giới đang và sẽ tiêu điểm hóa hình ảnh thụt lùi pháp
trị của pháp quyền Việt Nam.
Vào trung tuần tháng 11/2013, Global Witness tiếp tục ra tuyên bố về
việc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức không
tuân thủ các cam kết về giải quyết xâm phạm môi trường và nhân quyền
liên quan tới các khu rừng trồng cao su ở Campuchia và Lào.
Tuyên bố của Global Witness gần như đã nhập tâm: “Mặc dù HAGL đã cam
kết giải quyết những vấn đề cấp bách này, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa
có bằng chứng cho thấy có bất kỳ sự thay đổi nào ở nơi diễn ra sự
việc”.
Trước đó vào giữa năm 2013, Global Witness đã tạo nên một cơn chấn
động chưa có tiền lệ về tác động của tổ chức phi chính phủ quốc tế đối
với hoạt động vi phạm môi trường đã trở nên cố tật xấu xí của doanh
nghiệp Việt Nam.
Vào lần này, Global Witness đi xa hơn một bước với đánh giá HAGL
đang đem tới một mối rủi ro về tài chính và uy tín cho các nhà đầu tư
của công ty, bao gồm ngân hàng Deutsche Bank của Đức và Tập đoàn tài
chính quốc tế (IFC). Như một hậu sự không thể tránh khỏi, Global Witness
đồng thời đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư hãy thoái vốn khỏi HAGL.
Bà Megan MacInnes, một thành viên của Global Witness, còn không
thiếu vẻ mỉa mai: “Hoàng Anh Gia Lai rất giỏi đưa ra các cam kết, nhưng
rất kém trong việc giữ lời hứa. Công ty đã liên tục nói với chúng tôi và
những người khác là sẽ nghiêm túc thay đổi cách thức làm việc, nhưng
các bằng chứng thực tế cho thấy, việc đốn gỗ vẫn tiếp diễn và những
người dân mất đất nông nghiệp vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống”.
Quang cảnh phá rừng do tập đoàn HAGL, trong phim tài liệu của Global Witness- GW documentary film
Trong một “thỏa ước” vào giữa năm nay, Global Witness đã cho HAGL
thời gian 6 tháng để giải quyết các vấn đề bị cáo buộc. Sau cuộc họp đầu
tiên với Global Witness vào tháng Sáu, HAGL tuyên bố sẽ có 4 tháng
ngừng phá rừng và trồng cao su tại các khu vực đã thuê đất, đồng thời
nhất trí sẽ tới thăm tất cả các khu làng bị ảnh hưởng để thảo luận và
giải quyết những vấn đề mà người dân địa phương đang phải đối mặt.
Nhưng những phân tích độc lập về hình ảnh vệ tinh chụp khu vực rừng
trong các diện tích mà HAGL thuê đất trong tháng 7-8/2013 cũng cho thấy
rừng vẫn tiếp tục bị phá.
Vào tháng 8/2013, Global Witness đã phỏng vấn người dân ở 7 khu làng
xung quanh các khu vực HAGL thuê đất ở Campuchia. Tại 3 trong số 7 khu
làng này, người dân nói rằng HAGL vẫn chưa tới thăm làng của họ, còn ở 4
khu làng còn lại, người dân nói là lãnh đạo của HAGL từ chối thảo luận
vấn đề tranh chấp đất đai hoặc rừng. Tại 6 trong số 7 khu làng này,
người dân nói rằng, HAGL tiếp tục đốn gỗ tại và xung quanh các khu rừng
trồng cao su của công ty trong thời gian mà công ty cam kết là dừng các
hoạt động này.
Những bằng chứng khó bác bỏ do người của Global Witness trưng ra đã
khiến không chỉ HAGL mà cả giới quan chức chính phủ đầy rẫy quan liêu và
bao che của Việt Nam bắt đầu nhuốm cảm giác thiếu an toàn ngay trong
nhà của mình.
Cùng với con sóng xã hội dân sự đang tràn đến như một xu thế khó
cưỡng lại, xã hội phi chính phủ hiển nhiên đang dằn vặt thói ăn vặt
chính sách đến mức mục nát độc tài ở Việt Nam.
Hoại tử giai đoạn cuối
Xã hội mục nát Việt Nam đang cần có ngay những Global Witness.
Hoặc nếu chưa thể có, môi trường ở đất nước đã bị tàn phá đến cạn
kiệt nguồn tài nguyên này đang rất cần một sự hỗ trợ không chỉ bằng lời
nói của xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ trên thế giới.
Đã đến lúc các tổ chức quốc tế về môi trường và nhân quyền cần lên
tiếng từ chính cảm xúc và đủ mạnh mẽ của họ về quyền bảo vệ môi trường,
quyền bảo vệ thân thể và quyền khiếu nại tố cáo của người dân Việt Nam
đối với sự tàn hại môi trường cùng an lành dân sinh. Tác động của các tổ
chức quốc tế và tốt hơn thế, nếu có được một phong trào dân sự về môi
trường ở Việt Nam, sẽ khiến rút ngắn tuổi thọ của các “đày tớ” vô trách
nhiệm, nhưng lại giúp cho người dân kéo dài được cuộc sống bớt băng hoại
bởi cơn ung thư ác tính.
Hoàng Anh Gia Lai chỉ là một trong rất nhiều minh họa về tàn phá môi
trường và khiến tiêu cực cho đời sống dân sinh. Những năm trước, cơn ác
mộng xả chất thải ra sông Đồng Nai của Công ty Vedan và đặc biệt hơn -
một sản phẩm được kết tinh từ chất liệu của Đảng là bà đại biểu quốc hội
kiêm giám đốc Công ty Sonadezi Long Thành - đã biến môi sinh dân lành
thành cơn ung thư giai đoạn cuối.
Vào tháng 11/2013, vụ xả lũ đồng loạt từ 15 hồ thủy điện ở miền
Trung lại nằm trong chuỗi “giết sống” hơn bốn chục người dân một cách có
hệ thống trong mùa mưa bão.
Một khu rừng ở Campuchia được giao cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khai phá để trồng cao su.
Người dân nghèo Việt Nam giờ đây đang phải nhận những hậu quả không
thể tưởng tượng gây ra bởi những chính sách vô trách nhiệm cùng giới
điều hành vô đạo đức. Hàng trăm dự án thủy điện đã quét đi hơn 50.000
hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến
dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề và khốn đốn trong sinh
hoạt.
Cùng lúc và trên tất cả, nguồn cơn được nhiều người dân xem là
“nguồn gốc tội ác” mà đã gây ra nạn cường hào ác bá cướp bóc đất đai
chính là chế độ sở hữu đất đai toàn dân, cho đến nay vẫn không được các
nhà lập pháp “ngủ gật” tỉnh ngộ chút nào trong hiến pháp, bất chấp quá
nhiều kiến nghị của các nhóm trí thức trong nước, hải ngoại và kêu gào
của lớp dân chúng dưới đáy.
Ngay cả quốc nạn mà dân oan rên siết khắp nơi về việc thu hồi đất
đối với “các dự án kinh tế - xã hội” vẫn tiếp tục được Quốc hội và các
cơ quan liên quan của Chính phủ gìn giữ một cách không thể không nghi
ngờ về động cơ chia chác. Gần đây, những tờ báo trong nước đã phải hé lộ
về những vụ “lobby” chính sách nào đó của các nhóm lợi ích bất động sản
kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị.
Cũng đã mấy tháng trôi qua kể từ thời điểm vụ chôn hóa chất độc
xuống lòng đất của Công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa – dù đã bị
người dân và báo chí tố cáo về chuyện kiến tạo nên những làng ung thư
xung quanh, song thái độ và hành động gần như khuất lấp của chính quyền
Thanh Hóa đang khiến cho dư luận đặc biệt nghi vấn về những thủ thuật
bao che nào đó của cơ quan này cho Nicotex Thanh Thái. Cũng thật đáng
nói thêm là thái độ này là rất gần gũi với các điều 182 và 182a của Bộ
Luật hình sự.
Hãy hành động!
Tội ác đã trở nên không thể dung thứ ở Việt Nam. Những cái chết vẫn
đang liên tiếp xảy ra và có quá nhiều hứa hẹn sẽ vẫn tiếp diễn, nếu
không được một bàn tay nào đó ngăn chặn.
Với tất cả tội ác ấy, mọi việc đều có thể đặt lên bàn khởi kiện, nếu
không nói đến việc truy tố là hoàn toàn nằm trong tầm tay các cơ quan
pháp luật. Nhưng gương mặt vô cảm, vô trách nhiệm và biểu cảm đồng lõa
của các cơ quan pháp luật đã dồn hết trách nhiệm vào nỗi đau xót của
người dân.
Nhưng sau tất cả nỗi đau xót ấy, điều kỳ lạ là cho đến nay vẫn chưa
có nổi một phong trào dân sự nào về môi trường ở Việt Nam. Tất cả vẫn
chỉ dừng ở hình thức đơn thư khiếu nại và những cuộc biểu thị không
người dẫn dắt.
Nhưng kinh nghiệm không kỳ lạ của xã hội phi chính phủ trên thế giới
là dân chúng không thể thụ động trông chờ thái độ cải hóa và sự cải
tiến tự thân của các cấp chính quyền, mà phải tạo được hành động tác
động đối với chính quyền nhằm thay đổi chính sách bất công và những vấn
đề liên quan.
Người dân cũng sẽ không thể có được quyền lợi gì nếu tự họ không đứng ra làm một điều gì đó để tự bảo vệ.
Trong xã hội Việt Nam đương đại và mềm yếu, luồng ý kiến cho rằng
“con kiến kiện củ khoai” chỉ phơi bày tâm thế thụ động và hèn kém của số
đông người dân Việt.
Ngược lại, nhân dân hoàn toàn có ít nhất một thứ quyền là bày tỏ
thái độ phẫn nộ của mình. Thái độ đó có thể hiểu thị bằng những đơn kiện
tập thể, đơn thư đòi truy tố trách nhiệm hình sự và cả những cuộc biểu
tình như người dân huyện Tư Nghĩa ở Quảng Ngãi đã bùng phát vào tháng
11/2013.
Hành động của người dân ít nhất sẽ mang lại cho họ những kinh nghiệm
ban đầu về kiến thức pháp luật và phương pháp tổ chức biểu thị sự bất
bình. Bất công và tội ác sẽ không ngừng tiếp diễn trong những năm tới,
còn người dân sẽ không có đường lùi nếu họ không tự tổ chức một xã hội
dân sự của họ - điều có thể đem lại dân chủ trong một cảnh huống quá
thiểu năng về tâm não của thể chế.
Chỉ khi chính những nạn nhân và những người bị tổn thương bởi tác
hại môi sinh môi trường đứng ra hành động, dư luận trong nước và quốc tế
mới có thể quan tâm đến họ một cách đầy đủ và sâu sắc hơn.
Để đến một lúc nào đó, khi người dân nhiều vùng đã được trang bị
phương pháp đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình, sẽ không còn một chế
độ độc tài chính trị và tham nhũng nào có thể ức hiếp được họ nữa.
Phạm Chí Dũng, Việt Nam 28-11-2013