Phạm Kỳ Đăng
Bùi Việt Hà: Ngày mai, 28-12-2013, Quốc hội VN sẽ có 1 bỏ phiếu lịch sử: thông qua 1 bản hiến pháp mới, hiến pháp sửa đổi 1992. Bản hiến pháp này sẽ đi vào lịch sử bởi nhiều lý do:
1. Đây là bản hiến pháp được đưa ra trưng cầu ý dân trong một thời gian dài nhất, có nhiều người tham gia đóng góp nhất, tốn kém in ấn tài liệu và họp hành nhất, nhưng cuối cùng sau gần 1 năm góp ý, nó vẫn không thay đổi gì so với ban đầu.
2. Đây là bản hiến pháp tiếp tục gây thất vọng lớn đối với người dân, tiếp tục là 1 bước thụt lùi nữa so với lịch sử nếu tính từ bản hiến pháp đầu tiên 1946. Tất cả những vấn đề lớn của đất nước, mặc dù đã được rất nhiều tầng lớp nhân dân, trí thức đóng góp, đều không được đổi mới mặc dù thế giới đã tiến xa như thế nào.
3. Tôi nghĩ rằng bản hiến pháp lần này sẽ có tuổi thọ ít nhất vì chắc chắn nhân dân sẽ nhanh chóng đòi hỏi và thay thế bằng một bản hiến pháp khác tiến bộ hơn, phù hợp hơn với thời đại của chúng ta.
Cũng như những lời vòng vo chối cãi leo lẻo trước Quốc hội, nào là xả
lũ đúng quy trình, cần phải chứng minh chuyện ép cung hay đánh đập,
Việt Nam không có báo lá cải, rất vắng mặt một đạo đức tường trình tối
thiểu của người mang trách nhiệm hay lẩn tránh sự thật, thì những hành
vi sửa đổi theo kèm của họ tất chỉ là quàng xiên vá víu. Trong những
ngày vừa qua, nhiều sự kiện, thiên tai, biến cố xảy ra. Với một Quốc hội
hoạt động đúng chức năng, thì trong kỳ họp này đáng ra không phải tập
trung quá nhiều sức lực vào thảo luận kém hiệu quả xung quanh những vụ
việc tù người oan sai, phi tang xác người sau phẫu thuật thẩm mĩ... Một
Quốc hội đóng vai trò chân chính, có thể bất thường lập ra những ủy ban
điều trần về những sự kiện trên, thực sự truy cứu trách nhiệm cá nhân,
và điều khiển chính sách bằng những sáng kiến dẫn đến sửa đổi luật pháp.
Nhưng những hoạt động vừa qua của Quốc hội hầu như chỉ là những thao
tác chữa cháy nơi tiền cảnh. Một kỳ họp Quốc hội lâu dài, sắp kết thúc ở
hai ngày tới mất định hướng, như bị thao túng bởi bàn tay vô hình, lại
bỏ qua điều căn cốt nhất quyết định vận mạng của dân tộc, tức thảo luận
công khai về một bản hiến pháp mới. Các sự kiện đình đốn trong ý thức,
không được thảo luận tòan thể ở một đất nước bị kiểm duyệt báo chí qua
nhiều thế hệ, tuy nhiên sẽ không gây hệ quả bi thảm bằng họat động của
thiết chế mang chức năng chế ngự điều tiết, là Quốc hội. Còn một hai
ngày nữa, vô cùng khẩn thiết, Việt Nam hoặc có được một góc nhìn tuy rất
nhỏ hướng tới tương lai hay lại tiếp tục là nạn nhân bị bịt mắt, nhốt
vào thùng phuy, dội nước sôi vào đầu. Ai cũng có quyền nêu câu hỏi đó,
chính vì thế, trước đám người „đầy tớ nhân dân“ đang tìm cách áp đặt quy
định sinh tồn cho mình.
Có vẻ như được tổng đạo diễn của đảng trì hoãn đến phút cuối cùng, ở
ngày áp chót, các vị nghị sĩ vẫn sẵn sàng bấm nút không suy nghĩ, và
Quốc hội sẽ thông qua bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 tự biên tự diễn
mà thôi.
Nếu quả như Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, chẳng
khác nào một lần nữa, họ tổ chức sửa chữa khế tự, như đã từng yểm giấu,
cắt xén di chúc của lãnh tụ được họ tôn vinh là cha già dân tộc. Nhân
dân, chưa bao giờ là công dân, càng không được là chủ nhân trên đất nước
mình đang sống, toàn thể lại bị đẩy ra rìa, và thật tệ, nạn nhân vĩ đại
ấy còn phải móc hầu bao tài trợ một ngày họp tốn bạc tỷ, cho thêm một
sai phạm có tổ chức.
Nước ta, trong trường hợp thông qua dự thảo, vẫn bị đeo thêm cái danh
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, một cái tên xuất trình căn cước bị người
nước ngòai cười cợt giống như xước danh đầy mỉa mai, nếu nhìn vào hiện
trạng hôm nay. Có một lớp người vị quyền và tiền, bảo kê quân đội và
công an kè kè súng ống, áp đặt cái quyền ăn nói và quyền sở hữu tài sản,
tài nguyên, trí lực của một quốc gia, ngạo mạn hiến định quyền cai trị
của mình trên đầu lớp dân khốn khổ mang tiếng là giai cấp tiền phong. Đã
bao giờ giai cấp tiền phong ấy có được nhân quyền cơ bản, quyền tự do
ngôn luận và lập hội đoàn liên kết? Và những người khốn khổ ấy, trong
những thời khắc này là người dân Việt Nam sống trong cảm giác mất phương
hướng, lo âu, vừa bị đánh đập và vừa bị thôi miên, còn kéo dài hàng
trong cuộc mưu sinh cơ cầu màn trời chiếu đất đi khiếu kiện mất ruộng
vườn, và đi tìm công lý. Nếu „đầy tớ“ của họ nói đến Tổ quốc như một bà
mẹ, yêu cầu những người này hãy trả lại danh vọng cho tổ quốc chỉ là
Việt Nam, thể chế cộng hòa do nhân dân phúc quyết, bởi cứ mang theo cái
danh xưng dối trá là CHXHCN, người dân như tôi sẽ bớt yêu nước đi một
chút. Đất nước của ta nào xưa nay có thể chỉ thuộc về một nhóm mạo danh
nhân dân mà sửa sang khế tự?
Hiến pháp của một quốc gia là khế ước xã hội, có thể coi như khế tự
về mặt tinh thần, hệ trọng nhất, bao giờ cũng phải đứng cao hơn một
cương lĩnh đảng. Chính cái Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 từ trên ban
xuống cốt vẽ ra cho bù nhìn thông qua ở phút chót, duy trì cái ác ủ ấp
xung đột đẫm máu, quyết định mọi thất bại của đất nước trong tương lai
xa gần.
Thất bại trong sản xuất, kinh doanh, thương mại, trong khoa học, nghệ
thuật, và nhất là trong ngành giáo dục, ngành y tế là những vấn nạn dễ
thấy, không thể nào có thể cứu vãn qua những thao tác tái phối trí nhân
sự, bởi nhân sự đảng chọn tha hóa trong chính cơ chế vắng giám sát. Từ
bộ máy thanh lọc của độc đảng, càng ngày càng xuất hiện nhiều quan chức
bị chất vấn chối bay chối biến, trơ trẽn như phỉ nhổ vào lương tri và
trách nhiệm.
Tôi không bao giờ tin vào công hiệu của những biện pháp chữa cháy do
đại biểu Quốc hội gợi ý và người đứng đầu ngành công an chấp thuận, thí
dụ như lắp đặt video camera vào các phòng hỏi cung để giám sát hành vi
điều tra viên. Dưới giác độ pháp lý văn minh, đặt quay video người mới
chỉ là nghi can là xúc phạm nhân phẩm công dân. Hơn nữa cả bộ máy truyền
thông hùng hậu vốn dùng chính chỉ một camera với những thủ thuật cắt
ghép, đã dựng nhiều chuyện bịa đặt bôi nhọ những người bất đồng chính
kiến, những tù nhân lương tâm như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Và rồi người ta có thể tra tấn, ép cung và lấy cung ngòai phòng xử, và
thậm chí công an có thể xây cất phòng tra tấn riêng, ai mà biết. Ngành
tư pháp thật sự, phải được phi đảng hóa, phi công an hóa, phải sắp đặt
công an vào đúng khâu điều tra theo chức năng dưới sự của Viện công tố,
tức là ngành tư pháp phải họat động độc lập với hành pháp và tư pháp.
Nhưng đây là câu chuyện đòi hỏi tam quyền phân lập mà Dự thảo sửa đổi
hiến pháp 1992 này bác bỏ, vốn là một chủ đề cấm kỵ trong báo chí và học
thuật cho đến hôm nay nhiều sinh viên, nhà văn nhà báo cũng còn mơ hồ,
nhiều nghị sĩ cũng chẳng còn biết đến, nói chi đến dân thường. Kết quả
của hơn 65 năm tuyên truyền ngu dân là thế. Trong ý thức của người dân
bị bịt miệng suốt 65 năm nay, cơ hội được thắc mắc tranh luận về hiến
pháp, về Dự thảo hiến pháp 2013, nhân quyền, được trưng cầu dân ý và bầu
cử tự do còn là một viễn ảnh xa vời.
Bưng miệng bịt mắt báo chí sẽ chịu sự phản ứng của chính giới này gửi
lại, đó là báo lá cải đầy sạp báo đang chia đất canh tác của tuyên
truyền. Công tác tuyên truyền tuyên huấn giáo điều từ mấy thập kỷ nay đã
ăn sâu thâm căn cố đế vào não bộ của những người duy trì nó. Một xã hội
kiến thiết trên nền tảng của bất minh, bất chính danh và thiếu trung
thực sẽ thu hoạch được một đám người công cụ trí trá, hậu quả bao gồm cả
các nhà nghị sĩ vô cảm vô nghĩ hôm nay, coi như không hề biết đến vận
mệnh của nước non này rồi sẽ ra sao!
Những đại biểu Quốc hội, còn người có lòng công chính và ý thức được
tình thế, xin đừng vô tâm nhấn nút Cho một ý chí ngạo nghễ bất chấp đang
vươn lên tới độc đóan và bạo quyền trắng trợn.
Điên cuồng vì bạo quyền độc đóan, những nhà lãnh đạo thế hệ sau chiến
tranh đã không từ một thủ đọan nào nhằm trì hõan việc trao trả lại
quyền lực cho nhân dân đang cần được tiếp cận với hiến pháp của mình, ít
nhất được một lần qua trưng cầu dân ý có sự giám sát của công luận quốc
tế. Riêng ngày mai nữa, nếu các vị không bác bỏ, một cách bất đắc dĩ,
tôi lại rất mong các vị tiếp tục có thái độ trì hõan việc thông qua cái
bản dự thảo điên rồ như vậy, cho dân chúng tôi được nhờ.
Bằng không các nghị sĩ do đảng cử đảng bầu sẽ lại tiếp tục nhấn nút.
Cái nút ghế điện tiêu diệt ước vọng cuối cùng của người dân Việt Nam về
một nhà nước độc lập, xã hội dân sự, dân chủ và tự do.
P.K.Đ.