Đào Tuấn
Có thể chống được chạy chức chạy quyền, chống được tiêu cực, tham nhũng bằng một chiếc “mũ ni”?
Ra tham nhũng, tiêu cực, đúng là chuyện nhà hàng xóm. Ra chạy chức
chạy quyền là chuyện của ai đó, trừ ngành nội vụ. Đây là cảm giác của
không ít cử tri sau khi chứng kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
đã đọc thuộc lòng câu trả lời của người tiền nhiệm. Một câu trả lời,
theo đó, muốn hiểu là có cũng được mà không cũng chẳng sao. Kiểu trả
lời có tên là “tài liệu gối đầu”.
“Có tham nhũng trong đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ không?”- ĐBQH Nguyễn Sơn Hà chất vấn công khai tại nghị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thủng thẳng chậm rãi đáp: “Chúng tôi đã
đọc kỹ các đánh giá về thực trạng cán bộ, công chức trong các văn kiện
của Đảng, trong đó có đánh giá tham nhũng, tiêu cực. Chúng tôi cho đây
là quan điểm tư tưởng gối đầu của các cơ quan làm công tác tổ chức, của
Bộ Nội vụ và Bộ trưởng…
Bị truy lần thứ 2, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, vẫn với sự thủng thẳng
rất thái bình: “Do đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, chúng tôi đã đọc kỹ
các văn kiện của Đảng. Báo cáo chính trị tại ĐH Đảng XI đánh giá cán bộ
là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục… Chúng
tôi coi đây là tài liệu gối đầu để nghiên cứu giải pháp khắc phục”.
Cả Quốc hội đã bật cười. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau
đó cũng phải nói: “Tuy bộ trưởng không khẳng định có tiêu cực nhưng việc
Bộ trưởng dẫn nghị quyết ra đọc, tức là thừa nhận là có tiêu cực, có
tham nhũng trong bộ máy CBCC”.
Phải trích dẫn dài dòng nội dung phần chất vấn này, là bởi giờ đây,
việc chạy chức chạy quyền đã thành một cái nạn, thậm chí đã được lượng
hóa, mà đến một chân cấp dưỡng, tạp vụ trong cơ quan ủy ban cũng phải
chạy, chạy bằng rất nhiều tiền. Và “tiền sử chạy chức chạy quyền”, với
những câu trả lời “bất hủ” đã có từ 2 đời tiền nhiệm.
Tháng 6.2006, Bộ trưởng Nội vụ, bấy giờ là ông Đỗ Quang Trung, cũng
đã có một câu trả lời khiến người ta muốn té ghế: “dư luận nói là có…
tôi chưa phát hiện và chưa có trường hợp chạy chức, chạy quyền nào đối
với bản thân tôi”.
Thật thú vị, đến thời Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, câu trả lời cho 4 chữ
“chạy chức chạy quyền” như sau: Ban chấp hành TƯ khi nhận định về công
tác cán bộ cũng đã nói tình trạng chạy chức chạy quyền, tiêu cực có xu
hướng tăng”, song “yêu cầu chấm dứt là khó”, khó vì “công tác cán bộ là
việc khó”, là bởi “người chạy có báo đâu mà biết”.
Hình như chính vì khó, vì chưa có trường hợp nào chạy với bộ trưởng,
vì chẳng có ai chạy xong liền chạy đến mách, cho nên, chạy chức chạy
quyền vẫn tồn tại khách quan ngoài ý muốn của các bộ trưởng, và giờ, lại
đến sự tế nhị nhạy cảm trong câu trả lời bằng nghị quyết gối đầu.
Sau phiên chất vấn, Chủ tịch QH đã nói đến vai trò “cầm lái” của Bộ
Nội vụ trong việc làm rõ “bộ phận không nhỏ” là ở bộ phận nào, cụ thể là
bao nhiêu”.
Nhưng làm sao ngành Nội vụ có thể “cầm lái”, khi mà viên thuyền trưởng còn không biết con tàu của mình có gì.
Làm sao có thể chặn được tiêu cực tham nhũng trong công tác cán bộ khi chính ngành nội vụ còn coi đó là tế nhị, nhạy cảm.
Và làm sao có thể chống được chạy chức chạy quyền khi người ta chống
bằng một chiếc “mũ ni”, coi đó là chuyện nhà hàng xóm. Trừ phi việc đọc
thuộc lòng nghị quyết là một câu thần chú khiến tiêu cực phải hiện
nguyên hình.
Đào Tuấn