Đốp Catherine
Bạn hỏi tui: mi qua xứ văn minh tư bản giãy chết có gì vui, kể tau nghe. Ừ, để tui kể cho nghe.
Nhà quê lên Paris
Bữa tui mới đến Paris, bạn tui mua cho tui cái vé tàu từ ngoại ô về
trung tâm Paris, chỉ đường cho tui tự đi mà ngó nghiêng cái kinh đô nổi
tiếng lãng mạn này. Tui lang thang khắp nơi, tới khi quay về lại ngoại
ô, cũng đúng gare bắt RER (*), tui ung dung ngồi chờ gare đến. Vậy mà
tới La Defense, tàu dừng, tui ngồi cả 10 phút mà không thấy tàu chạy.
Tui nghĩ bụng chắc là tàu tránh nhau hay gì đây chứ ở VN mình, tàu nó
trễ 30 phút cũng là chuyện thường đó mà, tới máy bay còn trễ cả mấy
tiếng.
Thế rồi bỗng dưng có một người đàn ông tay xách cặp tiến đến trước
mặt tui, ngồi xuống, nhìn tui đắm đuối. Ai da, ở VN tui toàn bị mấy cha
già dê ra đàng ngó tui chằm chằm, ăn nói tục tĩu rồi, cho nên tự dưng
thấy ông này đến là máu tự vệ trong người tui trỗi dậy nghen. Tui ngó
xung quanh, chết mẹ, sao không có ai cả vậy nè, vậy thì có chuyện gì
mình sẽ chạy lòng vòng từ toa này tới toa kia, từ tầng trên tới tầng
dưới, không dễ gì hiếp được ngoại đâu nhen con. Nghĩ rứa nên tui ngó
thẳng mặt ổng. Cái rồi ổng nói tui: “Quý cô thân mến, quý cô về đâu
đới?” “Tui về Cergy. Ông muốn gì?” “Oh, về Cergy à, cô hãy đi theo tôi.”
Rồi ông ta bước ra ngoài. Trời ơi, cái đường hầm tối thui, có một cái
hành lang bằng tấm đanh bê tông kẹp sát thân tàu. Giờ làm sao? Tự dưng
đi theo chả ra ngoài tối thui vậy trời. Nhứt định lão âm mưu gì đây rồi.
Ông ta ngoắt tay, tui lắc đầu. “Không, ông đi mình ông đi, tui chờ tàu
chạy.” “Nhưng cái tàu này nó không về Cergy, cô ạ! Nó sẽ quay lại
Paris.” “Ơ, thế về lại Paris rồi tui đổi tàu về Cergy. Tui không đi với
ông đâu.”
Ông ta có vẻ bực mình rồi, ổng nói: “Nè cô, đi theo tôi đi.” “Không
mà!” “Tôi là người lái tàu mà!” “Sao tui biết ông là ông lái tàu chơ.
Ông đi đi.” Xong tui leo lên tầng trên, ổng lên tầng trên. Tui lộn xuống
tầng dưới, ổng xuống tầng dưới, y như phim hiếp dâm rượt đuổi vậy á.
Rồi tự dưng tui ngó quanh, ờ hén, sao cái tàu này không có ai ngoài mình
nhỉ? Vậy chắc nó dừng ở đây thiệt rồi. Còn ông ta thì hoảng hồn vì tự
dưng tui chạy zòng zòng, vậy là ổng đưa cái thẻ cho tui coi: “Đây, tui
là người lái tàu nè.” Cái ổng cầm bộ đàm lên ổng nói với ai đó rằng có
một quý cô ở đây không chịu ra khỏi tàu. Tui nghĩ bụng, ui cha, ở VN á,
cảnh sát giao thông cầm bộ đàm nói với người bắn tốc độ ở đâu đó rằng
mình đã đi xe quá tốc độ tối đa 4km, mình cãi được đâu, dù mình biết
cảnh sát nói điêu. Cha này cầm bộ đàm vậy chơ ai biết chả là ai, còn cả
cái thẻ thì VN mình làm giả cũng được vạn cái.
Thế nhưng mà giờ cũng đâu làm gì được, thôi tui theo ổng ra khỏi tàu
đi. Cuối cùng ổng cũng thở phào, đưa tui đi dọc cái hành lang tối om đó,
tới cái đầu toa, xong ổng đưa tui vô buồng lái rồi lái tàu về gare. Ổng
cười, trong khi tui quê bỏ mẹ. Tui nói: “Xin lỗi vì đã nghi ngờ ông.”
“Không sao mà, xin lỗi cô vì đã làm cô sợ. Có lẽ thông báo trên loa
không rõ lắm, lẽ ra chúng tôi phải nói chậm hơn.” (Ổng thiệt là khéo
léo, tiếng Pháp nói người Pháp ai cũng hiểu, chỉ có mình không hiểu chứ
lỗi chi của bọn nhà gare đâu.)
Vừa ra khỏi tàu là có hai cô người Tây đón tiếp tui rất nhiệt tình,
đưa tui sang đường tàu bên cạnh để về Cergy. Lần đó tui quê muối mặt
không biết để mô cho hết, vừa đi vừa nói với hai cô kia: “Nói với ông ấy
tôi xin lỗi vì đã không tin ông ta. Có lẽ tôi làm tàu trễ giờ, tôi hết
sức xin lỗi.” Đúng là mình ở thiên đường xã hội chủ nghĩa vốn không tin
được ai, thầy cô giáo dối mình, đi làm sếp lừa mình, đồng nghiệp chơi xỏ
mình, ra đàng cảnh sát ăn chặn mình, còn chính phủ mình thì toàn nói
điêu. Hỏi chứ mỗi khi bộ trưởng lên trấn an: xăng không tăng giá là 2
hôm sau tăng lên cả 1000 đồng, sống 32 năm như rứa rồi thì hỏi răng một
sớm một chiều mình có thể tin tưởng người lạ được chứ.
Công việc lý tưởng
Cái hồi tui ở Việt Nam, bạn bè tui toàn nói: “Thế giới chừ chỉ có
thằng Mỹ là ngon, nó làm ra đủ thứ, chứ bọn Pháp lười lắm, lười lắm.
Suốt ngày chúng nó biểu tình, làm ăn thì đòi nghỉ, như rứa nghèo phải
rồi, nghèo phải rồi.” Tui qua đây, tui nói chuyện thì tui mới thấy điều
đó không hoàn toàn như rứa. Tính ra bấy nay chửi bọn Pháp cũng oan.
Bạn bè tui ở đây đều là dân gốc Pháp hết. Tụi nó cũng than vãn ghê
lắm, nhưng tới khi nói chuyện thì tui mới hiểu ra như vầy. Tụi nó không
phải chê công việc tay chưn như Việt Nam mình thường nghĩ, tụi nó chỉ
chán những công việc mà nó chẳng có cái gì tiến triển, không tạo điều
kiện cho đầu óc tư duy, không đem lại những lợi ích cho xã hội (ít ra là
theo nó nghĩ như rứa.) Thằng bạn tui làm ở bên tổng đài điện thoại,
tháng làm 15 đêm, lương có vẻ không tệ nhưng nó nói vầy: “Tau không ưng
cái job của tau. Làm đêm thì cũng được đi, nhưng mà tau hỏi mày, cái bọn
gọi điện thoại ấy, nó nghĩ nó có tiền, nó nghĩ nó có quyền, muốn ăn nói
sao nói. Làm con người phải nói chuyện cho tử tế chứ. Tau đang học
online cái bằng IT, xong tau đổi việc, tau không ưng làm với bọn nớ.”
“Rứa chứ đổi việc thì mi ưng làm chi?” Nó nói: “Làm chi á, tau ưng làm
mấy cái phần mềm cho các trung tâm công ích xã hội. Lương chắc không
bằng bên đây nhưng tau nghĩ là việc tau làm có ích cho người thiệt thòi
chứ không chỉ hầu hạ cho bọn giàu.”
Có bữa nọ, cả đám bạn bè tui tụ bạ trước khi đi nghe rock dưới tàu.
Cứ chừng vài tuần tụi tui lại tụ bạ 1 lần, tụi nó thường ưng ăn chả giò
tui làm rồi uống rượu và tám. Tui hỏi tụi nó: “Công việc lý tưởng là
chi, theo tụi bay?” Đứa thì nói tau ưng nhứt công việc của tau bây chừ,
tau dạy lịch sử mỹ thuật cho đại học Bordeaux (cô này ở Bordeaux qua
chơi.) Mỗi năm tau lại gặp những con người khác nhau, chỉ có một điểm
chung là họ đều yêu nghệ thuật. Đứa thì nói tau ưng nhứt là được nghiên
cứu về thực vật, tau ưng đi trồng cây. Công việc thú vị có lẽ là làm ở
các khu bảo tồn hoặc trồng cây, cắt lá, dọn dẹp trong công viên. Có đứa
lại nói: tau ưng đi chụp hình. Tụi tau đang chụp hình nè, và nếu kiếm
được tiền đủ sống từ cái việc này, tau không thèm làm IT nữa, hại não bỏ
cha đi. Tui hỏi: “Mà sao tụi bay than thở quá vậy? Người Việt Nam tụi
tau đâu có biết kỳ nghỉ là cái gì ngoài kỳ nghỉ của công ty tổ chức hoặc
nghỉ Tết. Tụi bay 1 năm nghỉ gần 2 tháng mà bay còn than.” Tụi nó nói:
tụi tau cần phải nghỉ ngơi vì mày nghĩ đi, bọn sếp ấy, nó toàn biết
tiền, ngày nào mày cũng dòm cái mặt của thằng cha mà nó chỉ yêu quý tiền
chứ không yêu loài người, mày ưng không? Với cả tụi tau nghĩ rằng một
năm phải đi đâu đó, như Việt Nam chẳng hạn, để được ăn cái món khác, để
được thấy con người ta tạo ra sản phẩm theo một cách khác. Nhưng tau
cũng thừa nhận với mày là đúng, tụi tau rất ưa than thở, mà tau không
biết vì sao tụi tau lại than thở nữa. Rồi tụi nó cười khà khà. Tui nói:
một năm ví như tụi bay làm việc 5 ngày, nghỉ 360 ngày, chắc tụi bay cũng
than vãn quá. Tụi nó nói: đúng rồi, đúng rồi, chắc tụi tau vẫn than
vãn, haha.
Ăn uống
Tui vốn dân Quảng Nam nên bảo thủ trong chuyện ăn uống lắm, dễ dầu
chi mà thử cái mới. Bọn Tây nó ăn đủ thứ, nó ăn pasta của bọn Ý, nó ăn
couscous của bọn Tunisie, nó ăn nem, ăn phở của Việt Nam, nó ăn cả mấy
món yam kung của Thái. Món nào nó cũng nói ngon. Nó hỏi tui: người Việt
Nam tụi bay nói chung, một tuần đi ra ngoài ăn món ngoại quốc khoảng mấy
lần? Ơ, nói hỏi mình ngớ nghe, hình như người Việt mình chỉ có bọn ở
thành phố mới thử ăn đồ lạ, mà có thử cũng chỉ ăn đồ Hàn, đồ Nhật, đồ
Thái, ít đồ Ấn Độ. Đồ Tây cũng chỉ ăn những món quen thuộc như pasta,
pizza vậy thôi. Bọn bạn tui nói: bọn tau ít nhứt một tuần đi ăn món
ngoại quốc một lần. Đời mình mà, phải đến chỗ chưa đến, phải ăn thứ chưa
ăn, ấy mới là đời vui.
Ừ, nó nói phải. Mình vốn con nhà nông, cái bánh mì cũng là món lạ nên
suốt mấy chục năm ăn quen một kiểu, mãi rồi dễ sanh ra cái tính chối từ
đồ lạ. Cái gì lạ cũng đều là thứ nguy hiểm, thứ xấu. Bạn bè gặp nhau
sau mười năm, khi nó nói mình: chu cha, con Phương chừ thay đổi quá đi
bay ơi. Câu đó thường mang ý chê hơn là ý khen. Người mình không ưa bạn
bè thay đổi, ưa 10 năm, 20 năm sau con Phương hắn vẫn rứa, hắn phải đầu
có chí, mặt quê quê rứa mới là tốt. Nếu hắn có nhuộm tóc thì phải nhuộm
theo kiểu hơi vàng vàng, uốn từng lọn như rứa, hắn phải mặc cái áo ấm
đính năm hột cườm, cổ áo phải có cái bèo y như hàng trăm cái áo bán ở
chợ Cồn thì sự thay đổi nớ mới là khả dĩ chấp nhận được.
Rứa là từ bữa nớ, tui quyết định ăn đồ lạ. Và bất ngờ thay, tui ăn cả
fromage fondue Savoyarde (**), cả mấy món fromage thúi nhứt làm cả nhà
tui há hốc miệng. Và mắm cái không còn là lựa chọn được ưu tiên duy nhứt
trong thực đơn của tui.
Chi tiêu
Bọn Tây hắn giải trí khác mình, xưa giờ hẳn ai cũng biết. Bọn Tây hắn
ưng đi lang thang ăn đồ lạ, uống thứ lạ. Bọn hắn ưng đi nghe nhạc, ưng
coi phim, đặc biệt là bọn hắn ưng đọc sách. Sách bên Tây nó mắc phải
biết, cuốn rẻ loại bỏ túi mới dưới 10 euro, loại kha khá cũng hai ba
chục euro, mắc lắm. Bọn bạn tui hắn mua cái chi hắn cũng tính toán hết,
vậy nên đám tui chơi ít đứa nào có tới 3 giá sách, thường tụi nó có 1
cái thôi, rồi tụi nó mua cuốn này đổi cuốn kia, đưa cho bạn bè đọc để
cùng nhau tiết kiệm.
Bọn hắn thường chi tiêu cho sách vở, cho du lịch nhiều nhưng đồ đạc
của tụi hắn rất giản tiện nghe. Thằng bạn tui có cái tivi cũng to, loại
có đèn hình to tổ chảng chứ không có mỏng mỏng như hàng Việt Nam mô. Vậy
mà nó vẫn coi cái tivi đó. Tui nói ở VN tau người ta xài LCD hết đó
mày, cho nó gọn. Mà tau cũng không hiểu nghe, nhà tụi bay có 50-60 mét
vuông mà không ngại chật, bọn VN tau nhà tụi nó to vãi, mà vẫn cứ ưng
cái lép lép. Thằng bạn tui nói: đổi cái tivi gần 200 euro, vô lý quá.
200 euro đó đủ để mày mua vé tàu đi về mấy vùng khác chơi rồi. Chưa kể,
mày thải cái tivi này đi, nhà nhà thải tivi đi thì người ta để đâu cho
hết, chỉ tổ hại môi trường. Trong khi đó, cái tivi này nó đâu có hư, tau
coi tới khi mô hư tau mới bỏ.
Tui lên xe điện, thấy người xài Iphone với cả Samsung nhiều thường là
bọn tin tin với (nói thành ra chỗ racist chứ) cả mấy cô da đen, mấy anh
Ả Rập là xài nhiều. Cái nớ là bằng trực quan sinh động ta thấy thôi chứ
tui không có điều tra thống kê chi cả nghe. Tui cảm nhận rằng dường như
trong chúng bạn của tui, chúng nó coi cái chuyện xài điện thoại cả dăm
bảy trăm đô nó ngu ngốc lắm. Bởi vì, với 50 euro, chúng có thể đi bơi 1
tháng ở hồ bơi trong khu vực, với 10 euro, con gái của nó có thể cưỡi
Poney trong công viên suốt 2 tiếng đồng hồ, vừa quen với ngựa, vừa hít
thở không khí trong lành. Vì vậy, dăm trăm euro là số tiền rất lớn. Ba
tui, một ông bác sĩ làm trưởng khoa đã về hưu, lương lậu cũng khá nhưng
ổng xài cái điện thoại Samsung nắp gập, loại mà ở VN mình chỉ dám đem về
quê cho thôi, ở phố cho sợ người ta mắng.
Ở VN mình, nếu mình mua cái túi xách 700 đô, bạn bè khen, ai nấy
khen, trai gái lác mắc hết, rồi mình up hình lên facebook có cả trăm
like nghe. Chứ ở bên đây, cái giới đó có vẻ không nhiều. Có lẽ tại tui
chơi với đám bình dân nên không gặp nhiều mấy bạn nhà giàu. Vậy nên tui
sẽ nói về cái lý luận của bọn bình dân. Nó lý giải như vầy: cái túi 700
hay cái túi 70, thậm chí 20-30 nếu mua ở chợ giảm giá, thậm chí 5 đồng
nếu mua đồ second hand, thậm chí là free nếu bạn bè tặng mình thì nó
cũng đều dùng để đựng đồ đạc hết. Vậy nên không có lý do chi phải mua
cái 700 cả. Còn cái túi có bị sờn, bị rách, tụi nó vẫn xách ra đường rất
tự tin. Vì sao, vì xã hội này người ta không quánh giá con người qua
cái túi, người ta thậm chí có quyền tự hào nếu mình mang cái túi không
còn mới và không mắc tiền, vì có nghĩ họ chi tiền cho những thứ xứng
đáng để phát triển tinh thần hơn, và một phần nữa, không xài nhiều đồ
nghĩa là văn minh, là bảo vệ môi trường.
Chuyện bơm vú
Một bữa nọ, rảnh rang quá nên cô bạn dạy ở đại học Bordeaux làm bánh
mì phết cá cơm muối cho tui ăn, trong lúc đó thì cả bọn nói về chuyện
mông vú. Tui nói người Pháp á, đa phần con gái bé bé chứ không to con
lớn xác, và tụi bay có cái điểm chung là vú lép mông tròn, y như con gái
Thái, con gái Campuchia, con gái Myanmar. Nó hỏi: con gái Việt Nam mày
thì sao? Tui nói VN tau hồi xưa thì con gái Bắc to đều, cái gì cũng to.
Con gái miền Trung thường vú to mông lép, con gái miền Nam giống bọn
Khmer nên vú lép mông to. Còn bây giờ, những nét đó chỉ có ở nhà quê
thôi nghe. Chứ ở Hà Nội hay Sài Gòn, con gái đứa nào cũng vú to mông to.
Tất cả nhờ thẩm mỹ viện.
Cô bạn nói ở Pháp, người ta ít bơm vú lắm, có cũng giấu tiệt đi. Tui
nói ở VN đứa nào bơm vú xong nó đều khoe lộ liễu mày ơi. Vì sao, ở VN,
đứa nào giải phẫu chứng tỏ đứa đó giàu. Giàu là cái người ta cần khoe.
Cô bạn nói: bọn Pháp tau khác hẳn, bọn Pháp tau chỉ tự hào cái gì là của
mình thôi. Ví dụ vú tau có thể nhỏ, có thể to, nhưng đó là vú tau, là
của tau. Còn đồ giả, tụi tau không ưng. Nói xong cổ nhìn xuống vú cổ rồi
cười sặc (cô này 2 lưng,) cổ nói: “Ê mày, vậy chừng mươi năm nữa tau
qua Việt Nam chắc tụi mày bắt tao nhốt trong rọ y con khỉ cho cả phố nó
coi. Bọn bay sẽ la ó: ơ, có 1 loài động vật không vú, không vú. Khi đó
tụi bay sẽ ném đậu phộng vào cho tau ăn như khỉ, nhỉ?”
Làm người chứ làm gì!
Kể loanh quanh rồi tui kể chuyện xưa cho nghe. Hồi nớ tui còn sinh
viên, ba má nghèo lắm. Tui đi dạy kèm được 150 ngàn, tui ra chợ Cồn tìm
đôi dép cho nó tử tế vì tui toàn mang dép của bạn bè cho thôi. Tui đi
quanh chợ nhưng không có cái đôi nào như ý tui muốn. Tui cần một đôi dép
không thấm nước và có thể che kín cái bàn chân vì nắng ở Đà Nẵng cháy
quá. Mấy bà bán đồ trong chợ Cồn cứ kéo lại: “Coi dép đi em, coi đi em,
không ưng thì thôi. Chị nói giá, không ưng em trả chứ răng em đi không
không rứa.” Mấy bả nói rứa thôi chứ tới khi tui trả giá mà bả không bán
được, bả cầm chiếc dép bả nện lên lưng tui, bả chửi: “Cái đồ nhà quê.
Bọn mi nghèo thì đừng bày đặt zô chợ nghe chưa, nghe chưa?”
Bữa nớ tui khóc tức tưởi, tui đi về, cái rồi tui ước mơ. Tui không
ước mơ mình giàu có để mua nguyên cái chợ Cồn, tui chỉ ước mơ sao trên
đời này, có một xứ sở nào đó mà ở đó, mình được mua cái thứ mình muốn
trong khả năng của mình mà không ai mắng chửi, không ai xúc phạm mình.
Tui chỉ muốn ở một xứ sở mà người ta coi bọn làm ruộng cũng như bọn đi
buôn, miễn là người đó là đứa tử tế. Tui chỉ ước mơ rứa thôi, nên khi
tui lớn, bạn bè tui nó để dành tiền làm giàu, còn tui luôn bỏ phố về quê
để ghé chợ quê, ăn tô bún, uống ly nước mía, để ngồi với những người
cùng gốc gác như mình. Cũng cái hồi nớ, tui ở chung với con bé tên Hà
(mà chừ tui ko tìm được nó, huhu, nó là em của thằng Lâm học lớp đại học
với tui), nó nói tui: chị ra trường chị nhớ vô Sài Gòn nghe, ở đó người
ta không coi cái xe chị đi, không ngó cái áo chị mặc, ở đó tự do, miễn
chị có tiền thì người ta đều bán cho chị thứ chị cần. Đến chừ, tui qua
Tây, dù người ta không cùng gốc bần nông như tui nhưng không ai chửi tui
đồ nhà quê, bọn nhà nghèo nữa, nên có lẽ tui nghĩ ước mơ của tui đã
thành sự thật.
Một bữa nọ ngồi uống rượu ở quận 5, anh bạn hỏi tui: “Vợ chồng mày ở
VN sống như bá tước, mắc mớ gì qua Tây. Qua Tây giờ khó kiếm việc, mày
qua đây có mà đi dọn nhà, rửa chén, chứ không thì qua đây làm gì?” “Làm
người chứ làm gì.”
__________
(*) RER: tàu đi từ Paris tới những vùng lân cận.
(**) tui tạm dịch là lẩu phô mai, đây là cái món nấu phô mai chảy dẻo
nhẹo rồi xóc bánh mì giòn quết phô mai ra ăn, y như ở quê mình ăn đường
non rứa đó. Ai muốn biết thêm món ni, đọc ở đây: