Xích Tử
Cuối cùng, theo đúng kế hoạch và mục đích đã được chuẩn bị cho kỳ
họp, sáng ngày 28/11/2013, “quốc hội” Việt Nam đã biểu quyết thông qua
hiến pháp (xin được viết thường) 2013 trên cơ sở sửa đổi hiến pháp 1992.
Kết quả thống kê cho thấy có 486/488 người dự họp biểu quyết thuận thông qua, đạt 97,59%; 2 người không có ý kiến (phiếu trắng).
Về 2 người không có ý kiến, có thể do nhầm lẫn kỹ thuật khi bấm nút
(rủi ro); cũng có thể họ không biết làm chủ hoặc không chịu thực hiện
quyền làm chủ; và mặt khác, đó là phiếu trắng chứ không phải là phiếu
chống, nên cũng có thể đoán rằng họ được phân công biểu quyết như vậy để
không làm tròn thuận 100%, chứng tỏ sinh hoạt quốc hội có “dân chủ”.
Biết đâu, chính những người lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước nhận
nhiệm vụ phân công này.
Tuy nhiên, tỉ lệ mà họ tạo nên quá nhỏ, thậm chí chả có ý nghĩa gì.
Nhờ vậy, ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới nhận xét rằng việc
biểu quyết đó là thể theo “tinh thần dân làm chủ”. Bởi những người dự
họp và tham gia biểu quyết hiến pháp sáng ngày 28/11/2013, có thể họ
không là đại biểu cho bất cứ người dân nào; người dân không biết, không
được lựa chọn để bầu họ, không cần sự đại diện của họ, thậm chí bị thiệt
hại do sự đại diện của họ; song trước hết họ cũng là những người dân,
có quyền làm chủ tại cái tổ chức do họ lập ra, được gọi là quốc hội. 488
người dân dự họp, biểu quyết đại diện cho chính mình và chấp hành ý chí
chính trị của tổ chức đảng của mình trong dáng dấp của những người máy,
làm phương tiện để hợp hiến hóa những cái đã được quyết định bởi một
cái đảng duy nhất độc quyền lãnh đạo đó . Vậy và chỉ vậy mà thôi. Tối
hôm nay, không biết bao nhiêu người dân sẽ quan tâm đến thông tin này,
và qua đó, cũng để biết rằng, vận hành một người máy như vậy cho những
mục đích sử dụng có tính công cụ đó, phải tiêu tốn hơn 2 tấn lúa mỗi
ngày, bằng một tháng lương trung bình của một công nhân và khoảng 8
tháng thu nhập trung bình của một nông dân trên cả nước.
Về nội dung, sau những tranh luận đó đây, cuối cùng, cái hiến pháp
được thông qua cũng chỉ là của đảng. Có một vài khía cạnh đổi mới, thay
đổi màu sắc, thêm một số khái niệm mới, thay đổi cách diễn đạt cho có vẻ
hiện đại và giống người ta hơn; song những cái chốt bảo thủ nhất như
điều 4, sở hữu toàn dân về đất đai, đảng hóa quân đội, công an thì không
thể khác được. Cả cái đổi mới lẫn cái bảo thủ đều có ý nghĩa làm rào
dậu để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ trong tình thế hội nhập quốc tế và xu
hướng đòi hỏi dân chủ hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong
nước.
Trong những nội dung bảo thủ không thể sửa đổi, có lẽ quan trọng nhất
là việc giữ điều 4. Kết quả biểu quyết thông qua với sự giữ nguyên hiến
định này đã được biết trước khi công bố kết quả lấy ý kiến “nhân dân”
trong các cuộc họp của Ủy ban dự thảo và những ngày gần đây, với những
tâm sự thống thiết của các ưu sĩ Nguyễn Trung, Huỳnh Ngọc Chênh, Phạm
Đình Trọng...Bởi bỏ điều 4 “là tự sát” như phát biểu của cựu Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết. Ông Triết nói điều ấy trước quân đội, tức là ông
nói với đảng, với đảng viên, chứ không phải nói với dân hiểu theo nghĩa
bình thường. Vậy thì việc 488 người dự họp quốc hội thông qua hiến pháp
giữ điều 4 cũng có nghĩa là họ thống nhất tuyên bố rằng họ không muốn
tự sát, họ muốn tiếp tục sống, lãnh đạo, thụ hưởng lợi quyền, chứ không
phải là đại diện để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng nhân dân gì cả. Bỏ điều
4, nhân dân có tự sát tập thể đâu ?
Việc đã rồi. Sinh hoạt chính trị theo chủ nghĩa hợp hiến của Việt
Nam, cùng với lấy phiếu tín nhiệm, thi đua yêu nước, học tập làm theo,
họp hội đồng lý luận trung ương để làm công tác định nghĩa, ngụy biện
cho học thuyết, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác...chỉ là loay
hoay với những kịch bản chính trị trẻ con, nói như Nguyễn Trung, là thấp
hơn những nước khác mấy cái đầu.
Xích Tử