Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Tản mạn chuyện Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam (3)

Phạm Gia Minh

Phần 3: Đổi mới ở Việt Nam

Những căn bệnh của Đổi mới I
Quan sát từ góc độ văn hóa và lịch sử, tuy có nhiều ưu điểm nổi trội giúp cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất hình chữ S này cho tới ngày hôm nay vẫn có thể ngẩng cao đầu để tồn tại bên người hàng xóm Phương Bắc khổng lồ luôn âm mưu thôn tính và đồng hóa, nhưng Việt Nam ta có ít nhất 3 khiếm khuyết mang tính hệ thống đang là những trở ngại lớn trên con đường phát triển phồn vinh.(1)
Khiếm khuyết thứ nhất còn có tên là “căn bệnh tập trung - quan liêu – bao cấp kiểu Liên Xô " với đầy đủ các biểu hiện của tư duy kinh tế phi thị trường, quản lý xã hội dựa trên các biện pháp hành chính - quan liêu, cửa quyền của nhà nước toàn trị. Căn bệnh Xô Viết này dễ lây lan và khó điều trị dứt điểm ở Việt Nam bởi lẽ về bản chất, xã hội Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng mạnh mẽ của “phương thức sản xuất Châu Á ” (1.1),(1.2),(1.3). Hãy cùng nhìn lại một vài (trong muôn vàn) dẫn chứng sau đây:

- Chịu ảnh hưởng chi phối bởi mô hình Xô Viết, đặt nền móng trên học thuyết Mác- Lê về cải tạo tư sản, Việt Nam đã tiến hành “ cải tạo XHCN” (hay tận diệt?) một cách thô bạo và cứng nhắc nền kinh tế tư nhân ở Miền Nam sau thống nhất hai miền năm 1975 (2). Điều này khác hẳn với chính sách mềm dẻo, khôn ngoan của TQ tận dụng tất cả các lợi thế của Hồng Kông khi sáp nhập vào Đại Lục để góp phần xây dựng các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường vô cùng cần thiết cho giai đoạn chuyển đổi và phát triển kinh tế sau này (1.4). Ngay như hiện nay, sau hơn 20 năm tiến hành Đổi mới nhưng cung cách quan liêu bao cấp kiểu Liên Xô vẫn còn những di chứng nặng nề trong quản lý và điều hành các doanh nghiệp nhà nước khiến những Vinashin, Vinalines… không phải là hiện tượng hiếm gặp trong nền kinh tế.
- Trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng Hiệp hội lương thực VN vẫn được độc quyền thu mua, xuất khẩu lúa gạo với giá rẻ mạt để bán ra thế giới các loại gạo với giá thấp hơn hẳn những nước sản xuất lúa gạo như Việt nam khiến nông dân ngày càng bị bần cùng. Giá xăng, dầu cao ngất ngưởng so với nhiều nước Đông Nam Á, giá phân đạm cao gấp 3 lần Indonesia, trong khi công ty phân bón được trợ giá đầu vào …(3)
- Tệ cửa quyền trong cấp các loại giấy phép kinh doanh, thủ tục phiền hà và thái độ thờ ơ bàng quan, thậm chí còn trục lợi của bộ máy công quyền trong quan hệ với khu vực doanh nghiệp tư nhân phần nào đã thể hiện não trạng “ xin – cho” của một thời bao cấp.
Những vấn nạn này cho thấy sự nghèo nàn của khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường ở Việt Nam hiện nay, nó không khác mấy tình trạng tồi tệ ở Liên Xô trước kia khi mà các Bộ, Cục, Ban ngành, Hội đồng các kiểu ở mọi cấp hành chính và lãnh thổ tha hồ hành dân bằng sự thờ ơ, tác trách, vô cảm …
- một di chứng nữa của “ căn bệnh quan liêu – bao cấp kiểu Liên Xô” chính là hệ thống giám sát hành chính và thanh tra các cấp (của cả Đảng và chính quyền) được hình thành từ thời kế hoạch hóa tập trung nhưng nay chưa có những cải cách mang tính đột phá, bởi vậy, hệ thống này đã không theo kịp với thực tiễn kinh doanh phức tạp, đa dạng của nền kinh tế thị trường hiện đại cả về mặt nhận thức lẫn công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Kết quả là các vụ tham nhũng thường được phát hiện quá muộn khi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Khiếm khuyết thứ hai hay “căn bệnh tiểu nông” vốn được nhắc tới khi chúng ta “phê và tự phê” những tác hại của tư duy thiển cận, khôn vặt, làm ăn chụp giật, cung cách luộm thuộm, manh mún thiếu khoa học và nặng về phô trương hình thức, dễ thỏa mãn với thành tích ban đầu… Căn bệnh này là nguyên nhân của tình trạng kỳ thị “vùng, miền” dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, bệnh thành tích chạy theo “GDP tỉnh, thành ” khiến mô hình chuyên môn hóa sản xuất trong toàn bộ nền kinh tế dẫm chân tại chỗ.
Lối hành xử “tiểu nông” giữa người Việt với nhau vốn đã bị chê trách, nay hội nhập quốc tế lại càng trở nên bất cập, nhất là Việt Nam phải tồn tại bên cạnh một TQ có tư tưởng Đại Hán mưu lược, nhìn xa và uyển chuyển, thực dụng theo binh pháp Tôn Tử.
Theo lời của một vị Giáo sư – bác sĩ từng chăm sóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp những năm tháng cuối cùng, khi đề cập tới sức mạnh của đoàn kết nội bộ Đại tướng đã nói, đại ý: “chúng ta hay đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài phá hoại sự thống nhất của Đảng mà ít thấy rằng chính chúng ta đã góp phần gây mất đoàn kết, bè phái khi đưa ra nguyên tắc bổ nhiệm nhân sự theo “vùng, miền” nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Đảng và chính quyền. Thời Bác Hồ đâu có vậy, ai có tài, có đức thì người đó được giữ trọng trách để phục vụ Dân tộc, Tổ quốc…”
Khiếm khuyết mang tính hệ thống thứ ba hay còn được gọi là “căn bệnh tha hóa khi cải cách kinh tế không đi cùng với cải cách thể chế chính trị- xã hội một cách phù hợp”. Căn bệnh này có lẽ đang gây nhiều hệ lụy và bất bình mạnh mẽ nhất trong xã hội hiện nay, tuy mới khởi phát vào thời kỳ Đổi mới nhưng đến nay nó đã biến chứng thành những ổ di căn ác tính.
Nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN “ là sản phẩm của cuộc hôn phối giữa nền kinh tế thị trường với chế độ chính trị- xã hội XHCN mang tính toàn trị. Trong thể chế hỗn hợp Cộng sản-Tư bản kiểu “ chính sách kinh tế mới của Lê nin” đất đai, tư liệu sản xuất, truyền thông,báo chí … vẫn do Nhà nước độc quyền quản lý nhưng thông qua việc ủy thác và phân quyền cho các đại diện của mình ở các doanh nghiệp Nhà nước, các địa phương thì các nhóm trục lợi nhân danh Nhà nước đã được ban tặng một môi trường làm giàu lý tưởng.
Do những hạn chế của hệ thống thanh tra, giám sát đã lạc hậu và sự thiếu vắng các thiết chế dân chủ cộng đồng đích thực, ví dụ như sự phản biện của các tổ chức XHDS và sự cởi mở của truyền thông, báo chí nên căn bệnh tha hóa này đến nay hầu như đã “lờn” với tất cả các loại thuốc truyền thống kiểu như “phê và tự phê”, “đấu tranh xây dựng nội bộ”, “thanh tra giám sát định kỳ” hay “học tập tư tưởng Bác Hồ vĩ đại” v.v và v.v… khiến lòng tin của quần chúng vào chính quyền đang ở mức khủng hoảng nghiêm trọng.
Do cùng phát tác trên một cơ thể là nền kinh tế Việt Nam nên những căn bệnh vừa nêu luôn có sự “giao thoa và cộng hưởng” lẫn nhau khiến quá trình điều trị trở nên rất khó khăn, phức tạp.
Các nhóm trục lợi có thể hình thành theo tiêu chí “đồng hương, lãnh thổ” trên cơ sở tâm lý tiểu nông hạn hẹp hoặc có thể liên kết theo mô hình chính trị- kinh tế Nhà nước + các nhóm lợi ích ngoài xã hội. Chính vì tính đa dạng và thực dụng vốn có mà các nhóm trục lợi có thể tập hợp trong hàng ngũ của mình từ những vị ngoài miệng luôn giao giảng tư tưởng Mác- Lê theo phong cách giáo điều bảo thủ, “tả khuynh”, các yếu nhân có trọng trách ra quyết định ở tầm vĩ mô và vi mô đến các lãnh đạo doanh nghiệp có phong cách ăn chơi thời thượng, tiêu pha không tiếc tiền dân. Những sự kiện tày trời ở TQ như vụ Bạc Hy Lai hay Vinashin ở Việt Nam v.v… cho thấy một nét chung của căn bệnh tha hóa đó là vai trò phản biện, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm của các tổ chức XHDS chưa được quan tâm khai thác phục vụ cho công cuộc Đổi mới.
Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên XHDS luôn bị những nhóm trục lợi vừa nêu trên sử dụng vị thế độc quyền trong ngành truyền thông ra sức khai thác các yếu điểm cố hữu, bóp méo và thổi phổng thành một thứ ngáo ộp, một công cụ “ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”.
Đối với các nhóm trục lợi, đổi mới kinh tế nhưng không đổi mới chính trị là môi trường kiếm chác hoàn hảo nhất vì khi đó họ nắm độc quyền về chính trị, xã hội và đặc quyền kinh tế mà không chịu trách nhiệm giải trình công khai,minh bạch trước Nhân Dân.(4)
Lợi ích của họ hình thành trong quá trình chuyển đổi vừa qua là quá lớn khiến nảy sinh tâm lý không muốn thay đổi để dễ bề “đổ bê-tông” vị thế thuận lợi đã giành được (và phải chăng việc thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013 trước rất nhiều ý kiến phản đối mà không đưa ra trưng cầu dân ý là một minh chứng?).
Sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua với những biến chuyển tích cực lớn lao là một thực tế không thể phủ nhận, nhưng đồng thời nó cũng cho chúng ta thấy những khiếm khuyết nghiêm trọng mang tính hệ thống khiến quá trình chuyển đổi dường như đã “khựng” lại và suy giảm bắt đầu từ giai đoạn 2007-2012. (5) Có thể nói Đổi mới giai đoạn I đã kết thúc, đất nước muốn tiếp tục đi tới để hội nhập với thế giới văn minh, dân chủ nhất thiết cần một công cuộc Đổi mới II toàn diện hơn, sâu sắc hơn.
Những điều kiện Cần và Đủ cho một nền kinh tế thịnh vượng và bền vững
Trong phần bàn về Liên Xô sụp đổ chúng ta đã đề cập tới vai trò của thị trường như là điều kiện Đủ trong khi đó các nguồn lực mang tính kỹ thuật và vật chất khác như đội ngũ nhân lực có học vấn và kỹ năng, các viện nghiên cứu, trường Đại học, máy móc, thiết bị và tài chính… là những điều kiện Cần. Khi hội đủ các điều kiện Cần và Đủ thì nền kinh tế sẽ phát triển thuận lợi.
Có thể nói, trong môi trường kinh tế vĩ mô các điều kiện mang tính thể chế là những điều kiện Đủ, chúng đóng vai trò tạo động lực và khai thông định hướng phát triển, trong khi các điều kiện mang tính kinh tế- kỹ thuật khác là những điều kiện Cần rất quan trọng để tạo nên các chỉ số về sản lượng và tốc độ.Hai nền kinh tế có thể thu hẹp khoảng cách thu nhập nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự tương đồng về thể chế. Tương đồng về thể chế nếu có sẽ không diễn ra sớm và dễ dàng như trong công nghệ và thu nhập. Những giai đoạn thu hẹp khoảng cách thu nhập có thể lại được nối tiếp bằng những giai đoạn tái nới rộng khoảng cách thu nhập (6).
Rõ ràng sau những năm đầu của Đổi mới I, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách thu nhập với các nước ASEAN, nhưng gần đây đã diễn ra quá trình ngược lại (7). Điều này chứng tỏ chúng ta đang bị tụt hậu về thể chế.
Với khối doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ trọng vốn đầu tư và tài sản xã hội lớn, trong điều kiện khu vực dịch vụ giao dịch thị trường kém phát triển, bộ máy hành chính của các Bộ, ngành phải đảm đương phần lớn các giao dịch thì không có cách nào để giảm bớt biên chế và quỹ lương. Bộ máy công quyền cung cấp các dịch vụ công cộng cũng phình ra nhanh trước nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên hiệu quả công tác của đội ngũ công chức nhà nước khá thấp theo nhiều đánh giá gần đây.(8)
Chưa có số liệu đánh giá về hiệu quả của hệ thống bộ máy phục vụ công tác Đảng và các tổ chức chính trị- xã hội hoạt động dựa vào ngân sách.
Với những chi phí không nhỏ từ ngân sách cho bộ máy Đảng- Chính quyền- Tổ chức đoàn thể thì cách hữu hiệu để hàng hóa và dịch vụ Việt nam mang tính cạnh tranh trong toàn cầu hóa đó là nâng cao năng suất. Tuy nhiên trong những năm gần đây tăng trưởng của Việt nam chủ yếu dựa vào vốn mà không chú trọng thay đổi công nghệ - điều kiện tiên quyết để tăng năng suất.(5) Dường như chúng ta đang lặp lại tình trạng năng suất lao động suy giảm của Liên Xô vào những năm 80 thế kỷ trước.
Một giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” là điều động đội ngũ nhân sự đông đảo nhưng kém hiệu quả từ các bộ máy của Đảng- chính quyền và đoàn thể sang xây dựng các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường. Điều này tạo cơ sở để các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể kiện toàn lại bộ máy cho gọn nhẹ, đa năng nhưng hiệu quả cao, đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với khu vực dịch vụ giao dịch phát triển. Nếu TQ đã học tập hình mẫu Hồng Kông trước kia thì ngày nay chúng ta có thêm nhiều mô hình kinh tế dịch vụ thành công như Singapore, Malaysia, Israel …để tham khảo. Xin nhắc lại rằng ở Mỹ từ năm 1970 đã có tới 46% lực lượng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ thị trường và tạo ra hơn 50% GNP (Gross National Product).(6)
Bộ máy công quyền chuyên cung cấp các dịch vụ công có thể kiện toàn thu nhỏ lại nhưng hiệu năng phục vụ lại cao hơn bằng cách phát triển các hình thức tự phục vụ của các tổ chức XHDS. Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã thực hiện thành công mô hình xã hội hóa các dịch vụ công cộng.
Khi chưa đáp ứng được các điều kiện mang tính thể chế (điều kiện Đủ) liên quan tới bộ máy hành chính và khu vực dịch vụ giao dịch thị trường thì có đề ra bao nhiêu phương án tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại vốn đầu tư v.v… (thêm các điều kiện Cần) kết quả chắc chắn vẫn sẽ gây thất vọng.
Thiết nghĩ, từ các bài học của Liên Xô và Trung Quốc, chúng ta cần nhận thức rõ rằng lý thuyết chi phí giao dịch mới chính là chìa khóa giải thích các hiện tượng phức tạp của quá trình chuyển đổi. Và do vậy, việc hình thành khu vực dịch vụ giao dịch thị trường phát triển đối với các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây là một điều kiện đồng thời Cần và Đủ.
Để có một Đổi mới II, quan trọng là làm sao khơi dậy được động lực kinh tế của toàn xã hội trong hoàn cảnh bất lợi hơn so với Đổi mới I do các nhóm trục lợi mới hình thành trong hơn 20 năm qua sẽ ra sức phản kháng.
Rõ ràng cải cách thể chế chính trị đã trở nên bức thiết để mở đường cho cải cách kinh tế tiếp tục thành công.
Thăng Long - Hà nội 27/11/2013

Tài liệu tham khảo

(1) Phạm Gia Minh.”Nắm bắt con bệnh 3 trong 1 để tiếp tục đổi mới”
(1.1) Phạm Gia Minh. “Thoát Á mới có thể thoát thân”
(1.2) Phạm Gia Minh. “Quốc gia “ tự nâng mình” theo chuẩn mực Thế giới”
(1.3) Phạm Gia Minh. “Mấy lời bàn về mô hình TQ: Thư ngỏ gửi GS Francis Fukuyama.
(1.4) Phạm Gia Minh. Tản mạn chuyện Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Phần 2: Trung Quốc Cải cách.
(2) Huy Đức.” Bên thắng cuộc” Osin Book. 2012
(4) Alexander Vuving.” Vietnam in 2012. A Rent- Seeking States on The Verge of a Crisis”. Southeast Asian Affairs 2013
(6) Li Tan.” Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp” NXB Trẻ 2008
(7) Vương Đình Huệ. Báo điện tử Tia Sáng ngày 24/09/2013
(8) Báo Lao động 27/11/2013.” Lãng phí 17.000 tỷ vì 30% số công chức “cắp ô đi về”.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-11-13

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"