Hiệu Minh
Đồng ý hay không?
Mấy tuần nay, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị án phạt tù oan đã gây chấn
động dư luận. Có kẻ nhận tội nên ông được tha sau 10 năm ngồi tù. Dư
luận cả nước băn khoăn, tù nhân này có bị nhục hình, bức cung hay không.
Ngay trong Quốc hội, nhiều người phẫn nộ với cách hành xử của tòa án và
các điều tra viên.
Khi biết các điều tra viên đều chối bay biến, người ta tự hỏi, một
người lương thiện, bỗng nhận tội để tự vào tù. Đứa trẻ con biết đọc,
biết viết cũng có thể trả lời được, chẳng cần đến lời giải thích vòng vo
của Chánh án Tối cao Trương Hòa Bình.
Thế giới đầy những chuyện tù oan, từ xa xưa đến giờ và sẽ còn tồn tại
mãi. Xứ tam quyền phân lập như Mỹ vẫn có người bị án oan. Nhưng không
thể dựa vào đó mà nói, người ta sai, mình có quyền làm sai theo. Thấy kẻ
khác giết người mà mình vác súng bắn, bởi “có người làm thế nên tôi bắt
chước”. Chỉ có trộm cắp, côn đồ đường phố mới lý luận thế.
Tại các quốc gia tiến bộ, pháp luật nghiêm minh, khi phát hiện ra sai
như thế, người ngồi ghế quan tòa, cảnh sát điều tra, hoặc là mất việc,
nặng hơn là đi tù nếu phạm tội ép cung, nhục hình, hoặc phải đền cả
triệu đô la. Hệ thống tòa án độc lập và luật sư có quyền tranh tụng đến
cùng để bảo vệ thân chủ, nên án oan sai bớt đi rất nhiều.
Xã hội văn minh sinh ra “tam quyền phân lập” và báo chí là quyền lực
thứ tư “chõ mũi” vào ba nhánh quyền lực trên, để đảm bảo “tam quyền”
không thành nhóm mafia do thông đồng với nhau vì lợi ích nhóm. Chuyện rõ
như ban ngày và chẳng cần chứng minh tính ưu việt của xã hội dân chủ.
Nếu có cái nhìn dài hạn trong phát triển không tuyệt đối hóa sự lãnh đạo
của bất kỳ ai.
Tại Việt Nam, như TBT Nguyễn Phú Trọng nói “Hiến pháp là văn kiện
chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”, thì
chẳng có tam quyền, mà đảng đứng trên tất cả. Báo chí đóng vai trò
tuyên truyền cho đường lối của đảng mà không thể phản biện.
Độc đảng tạo nên quyền lực tuyệt đối, dẫn đến quyền lực bị tha hóa,
chính là nguyên nhân làm cho khối Đông Âu đã sụp đổ, kéo theo Liên Xô
tan vỡ. Thời internet đã dần bạch hóa những khiếm khuyết và lỗi lầm do
hệ thống này gây ra. Các cuộc cách mạng mầu nổ ra, những kẻ tàn bạo bị
xử bắn, bị dân đập chết trên đường phố, xưa kia xử án dân bằng những
phiên tòa kangaroo nay họ ngồi sau song sắt.
Nếu Hiến pháp được thông qua với điều 4 “Đảng lãnh đạo toàn diện”
được giữ nguyên tại kỳ họp Quốc hội này thì các vị “Yes – Đồng ý” sẽ
giúp cho “quyền lực tuyệt đối” được tiếp tục. Từ khi đảng giành chính
quyền tới này, bất kỳ ai nói trái lời đảng dù nhiều lúc đảng sai nghiêm
trọng, đều bị dọa dẫm, bị bắt, bị tù đầy, dân phải im mà đồng ý, bởi cơ
chế phản biện xã hội không tồn tại. Đó kiểu “ép cung” 90 triệu người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn
Quốc hội từng bỏ phiếu “lấy được” cho Hà Nội mở rộng, bắt dân Mường
Mán thành người Thủ đô, bauxite Tây Nguyên là chủ trương lớn, và nhiều
dự án trời ơi khác. Kết quả thế nào, chắc những người “Yes” còn nhớ.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị ép cung, bị dọa nạt và hạ nhục nên phải nhận
tội, suốt 10 năm sống trong ngục tù. Đó là thảm họa cá nhân và nền pháp
lý.
Nhưng chuyện gì xảy ra nếu một đất nước bị “ép cung” bởi vài điều
trong Hiến pháp. Ở tầm quốc gia, khi nhận ra sai lầm, thời gian không
phải là một thập kỷ như ông Chấn ngồi sau song sắt.
Các đại biểu Quốc hội hãy nghĩ một chút trước khi chọn nút Yes or No –
Đồng ý hay Không việc sửa đổi Hiến pháp mà thực chất là chẳng thay đổi
chút nào.
Hiệu Minh