Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Đại Vệ Chí Dị: Chủ động sáng tạo

Người Buôn Gió
Hán tử họ Hàn là con cháu của Hàn Phi Tử, lưu lạc sang đất Vệ, mang theo một bồ sách của tổ tiên. Xin vào yết kiến quan bộ Hình nước Vệ, lúc gặp dâng bộ sách ấy lên. Thượng thư bộ Hình nước Vệ nhận sách xem qua một lượt, gật đầu tỏ ý hài lòng. Ngài nói:
- Pháp luật của nước Vệ nghiêm minh chẳng kém gì sách của bậc thánh hiền khi xưa, quân pháp bất vị thân. Thêm có bộ sách này trưng ra thiên hạ, càng cho thiên hạ thấy được pháp luật của nước Vệ là kế thừa tinh hoa của nhân loại. Hay lắm thay, hay lắm thay.
Quan thưởng cho Hàn 20 lạng vàng. Hàn lạy ta lui ra.
Nửa năm sau Hàn thấy sách của tổ tiên được in ấn khắp nước Vệ, lòng lấy làm tự hào lắm. Nghĩ rằng thuật pháp trị đã thấm nhuần trong cõi Vệ. Mới an tâm bỏ 20 lạng vàng và vốn mang theo ra tính kế sinh nhai. Hàn mua nhà mở một hiệu sách. Nước Vệ thái bình, thịnh trị, luật pháp nghiêm minh, dân tình đến quan lại cứ thế chấp hành, cuộc sống như thế ắt phải cần nhiều đến sách vở, kiến thức. Hàn chắc mẩm làm ăn sẽ khấm khá.

Hiệu sách làm ăn tàm tạm, cuộc sống yên bình trôi qua. Đến năm thứ 68 triều nhà Sản, đời Vệ Kính Vương, tể tướng Bạo thì thiên hạ lắm chuyện quái lạ động trời. Trời đang quang đãng không giọt mưa, bỗng nước lũ từ đâu dâng cuồn cuộn cuốn trôi bao nhà cửa, người ngợm. Giữa đường cái quan bỗng nứt ra một cái hổ, lửa bốc lên ngùn ngụt. Rồi thầy thuốc chữa bệnh chui, làm chết người mang xác vất ra sông. Quan quân đi tìm xác người ấy bỗng nhiên lại gặp bảy cái xác người nữa trôi sông. Sợ cứ tìm mãi lại càng thêm nhiều xác, cho nên quan quân triều đình thôi không tìm nữa.
Bấy giờ chỗ hiệu sách của Hàn người ta mở khu ăn chơi. Hóa ra nước Vệ người ta ham ăn chơi hơn là đọc sách. Bởi vì mọi việc có nhà Sản lo lắng hết, nên dân chúng chả phải mở mang kiến thức làm gì, đầu óc còn để mà ăn chơi thư giãn. Có một thương gia thấy hiệu sách của Hàn ở vị thế đẹp để mở lầu xanh, bèn đến hỏi mua lại. Hàn nhất định không bán. Thương gia ấy cười khà khà phất áo bỏ đi. Hàng xóm nói với Hàn:
- Ông không bán cho ông ta thì cũng phải bán cho triều đình thôi.
Hàn thấy câu lạ, mới gặng hỏi, hàng xóm nói:
- Ông ta hỏi mua của ông, có thể trả giá mười. Ông không bán, ông ta về lập một tờ trình dự án phát triển văn hóa du lịch địa phương, cần chỗ đất nhà ông để làm hạ tầng. Mười đồng ấy ông ta cho quan phủ năm đồng. Quan phủ ký duyệt, gọi ông đến đền bù cho 5 đồng là xong.
Hàn đỏ mặt quát:
- Có lẽ đâu thế. Đất của tôi, tôi không bán thì sao?
Hàng xóm cười nhạt:
- Ông không bán, người ta chủ động sáng tạo cho ông bán!
Hàn cự:
- Nước có phép nước, sao lại sáng tạo được.
Hàng xóm nói:
- Ông dòng nhà luật lại không hiểu luật, đất đai là sở hữu toàn dân do nhà Sản thống nhất quản lý. Có nghĩa đất của ông, nhưng dùng thế nào, cho ai dùng là quyền nhà Sản, nhà Sản chính là quan phủ đại diện. Vậy đất của ông thì ông được nhận tiền đền bù, có ai nhận tranh của ông đâu, đền bù thì phải theo giá quy định của triều đình. Ông định nhận hơn là ý muốn bẻ luật đi chăng? Đấy là sự chủ động sáng tạo linh hoạt khi dùng luật còn gì.
Hàn nghĩ hàng xóm nói gàn, không thèm tin. Quên bẵng chuyện ấy đi, đến một ngay công sai đến nhà thông báo mời ra họp để nghe thông báo dự án phát triển văn hóa du lịch địa phương. Thông báo nói rằng nếu không đến nghe phổ biến, thì thiệt hại liên quan triều đình sẽ không chịu trách nhiệm. Hàn nhận giấy, đến nơi dự. Thấy thương gia và quan phủ ngồi trên bàn trải khăn đỏ, hoa tươi, có di ảnh tiên đế treo cao, có câu khẩu ngữ nhà Sản quang vinh đời đời, rồi lại có hai bên hông là những dòng chữ khẩu ngữ nhắc nhở mọi người sống và làm việc theo pháp luật.
Quan phủ đứng lên giới thiệu thương gia là nhà đầu tư sẽ mang lại phồn vinh cho địa hạt. Thương gia đứng lên giới thiệu dự án, có cả bản đồ quy hoạch, phối cảnh, dựng hình rất hấp dẫn. Sau đó đến phần dân chúng hỏi đáp. Hàn giơ tay xin nói mãi không đến lượt, vì người xin nói nhiều quá. Những người xin nói ở tận bên khu Đông, khu Nam, có người ở tận ngoại ô làm nghề ruộng muôn đời chả biết đến cái chốn ăn chơi xa hoa ấy, thế những dường như hôm nay họ biết hết, hiểu hết. Họ đứng lên nói say sưa nào là ơn quan phủ sáng suốt quan tâm đến đời sống văn hóa nhân dân, nào là nhà đầu tư làm chốn văn hóa du lịch thế này tạo công ăn việc làm cho con cái người dân... Hóa ra Hàn nhầm, người dân Vệ chả đọc sách, nhưng họ nói như những nhà chiến lược. Từ ông cựu chiến binh chưa học hết lớp nhị, đến bà tổ trưởng dân phố cả đời không cầm một cuốn sách... thế nhưng lời của họ thao thao, lộng lẫy, hoành tráng về một tương lai sáng lạn sẽ đến qua dự án văn hóa này. Rồi họ ca ngợi nhà Sản chính sách vì nhân dân, ca ngợi quan phủ, ca ngợi thương gia. Họ đồng thanh nguyện hết lòng hy sinh, đóng góp tình nguyện để hỗ trợ dự án phát triển, thành công tốt đẹp.
Mấy bữa sau, người phủ quan đến thông báo cho Hàn dự án đã được đông đảo quần chúng nhân dân nhất trí cao, vì đem lại lợi ích chung cho mọi người. Nay báo cho Hàn biết để lên phủ nhận tiền đền bù đất, với giá 3 đồng một mét theo quy định pháp luật. Vì tính nhân đạo, sẽ hỗ trợ cho mỗi mét một đồng tiền xây dựng, một đồng tiền hỗ trợ đến nơi mới. Tổng chi là 3 đồng đền bù, 2 đồng hỗ trợ.
Mọi sự đều minh bạch, đúng theo luật pháp hiện hành.
Hàn uất ức, về nhà thảo đơn đi khiếu nại quan trên. Quan trên xem xét, nói rằng mọi việc đúng pháp luật, nếu muốn xin hỗ trợ thêm thì làm đơn xin, chứ không thể giải quyết được.
Hàn lại làm đơn khiếu nại lên cấp cao hơn, đơn đi 3 tháng không có hồi âm. Đến hạn quan phủ và thương gia kéo đến phá dỡ nhà Hàn.
Hàn không chịu lép, mang khẩu hiệu lên kinh đô tố cáo quan cấu kết với con buôn cướp đất nhà mình. Hàng ngày cứ ra vườn hoa trước dinh thự của Bạo chờ tể tướng đi qua để kêu cứu. Ở đó chẳng riêng mình Hàn, mà nhiều người dân khác cũng chầu chực như vậy.
Bạo ngồi trong phủ, thấy đám dân nhếch nhác trước cổng, mới gọi quan bộ Hình đến bảo:
- Dẹp cái bọn kia đi.
Quan bộ Hình nói:
- Chúng đang chờ đơn, dẹp chúng bây giờ chưa có luật.
Bạo sai cận vệ ra đếm ngoài đó có bao dân, cận về ra đếm về báo có hơn 6 người.
Bạo vớ bút trên bàn, viết ra cái lệnh, gọi là nghị định, cấm tụ tập từ năm người trở lên. Đưa cho quan bộ Hình cầm nghị định, Bạo nói:
- Làm quan nước Vệ không được cứng nhắc, phải chủ động sáng tạo trong mọi tình huống!
Bộ hình theo lệnh tể tướng, bắt hết đám dân trong đó có Hàn vào trại giam dành cho kẻ lang thang, gây rối. Được nửa năm thì cho về. Hàn về nhà cửa đã thành khu lầu xanh. Gặp hàng xóm cũ, người ấy khuyên:
- Ông lên phủ mà nhận tiền đền bù cho xong đi, kiện mãi không ăn thua, lại thành phản động. Nước Vệ này làm gì có luật. Người làm quan giỏi là người biết chủ động sáng tạo. Mà đã sáng tạo thì trắng thành đen mới gọi là sáng tạo. Chứ trắng là trắng, đen là đen thì sáng tạo gì nữa. Ông hiểu luật mà không hiểu triết học nhà Sản thì chỉ có tự hại mình thôi. Thà không biết luật còn hơn.
Hàn không nghe kẻ ấy nói gàn. Lại khăn gói lên kinh thành kêu kiện, lần này Hàn viết đơn vạch rõ bộ mặt quan lại với thương gia, gửi khắp nơi, dán cả lên tường thành, cổng thành, ngoài chợ.
Quan bộ Hình nghe thuộc hạ báo cáo, bèn sai bắt Hàn về tội tuyên truyền chống phá triều đình.

Lời bàn

Phàm đã ở nước Vệ, phải biết mềm dẻo, lựa thời. Những kẻ ỷ vào học thức, cố giữ theo luật pháp đều bị bẻ gãy. Bởi quan lại nhà Sản hành pháp theo chủ thuyết sáng tạo. Mà sự sáng tạo của kẻ có quyền thì thế nào cũng là đúng luật!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"