Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Từ Việt Nam Đi Du Lịch Âu châu

laivansam

Dịp cuối tuần, tôi quyết định đi xả hơi ở Normandie theo lời mời của hai vợ chồng người bạn. Khí hậu trái đất thay đổi đến kỳ cục, đã cuối tháng Bảy rồi mà trời đất cứ âm u, biển ở Deauville vẫn lạnh, không tắm được. Chúng tôi đành nằm nhà, nấu nướng và tán dóc chờ thời tiết tốt lên. Đang ngán ngẩm thì có một cô bạn chung của chúng tôi tới. Cô này vui tính, đã thế lại nổi tiếng về tài nấu các món đậm đà hương vị quê nhà. Vừa đến cô đã xách ngay con vịt mang theo vào bếp để chế tạo món bún vịt xáo măng. Chúng tôi xì xụp ăn hết bát này đến bát khác, khen nức nở cô em thông minh nghĩ ra cái món vừa hợp khẩu vị vừa hợp tình, hợp cảnh để quên đi cái khó chịu của tiết trời.
Nghe khen mà mặt cô vẫn chảy dài. Gặng hỏi, cô mới nói:
– Em bày ra ăn vịt là để giải đen thôi. Vừa gặp một chuyện bực mình hết cỡ, chán không tả được. Đúng là bị “sao quả tạ” chiếu.
– Cô vừa đi Côte d’Azur về mà.. Ở vùng du lịch nổi tiếng thế giới mà còn chán thì ở đâu vui? Có chuyện gì vậy?

– À, em vừa phải đi làm hướng dẫn viên du lịch cho một đoàn khách “đế vương” từ trong nước qua. Mình xa nước lâu, tưởng gặp đồng hương thì vui lắm, hoá ra không phải, toàn chuyện khó chịu. Nhưng thôi, em đã loại những “con giời” ấy ra khỏi bộ nhớ rồi của mình rồi, không muốn nhắc đến nữa.
– Thì kể nghe nào – chúng tôi nhao nhao nhao đòi – Cứ biến mọi bực mình thành chuyện vui đi.
Cô miễn cưỡng: Ừ, các anh chị muốn nghe thì em đành lôi từ “thùng rác” lên vậy. Chuyện là thế này:
Ngày 12/07 em nhận được 1 cú phone của đại diện Vietravel đề nghị làm hướng dẫn viên cho một đoàn khách từ Việt Nam sang trong 4 ngày từ ngày 16/07 tới ngày 19/07 đi xuống vùng biển Côte d’Azur. Em từ chối phắt vì cháu em từ Tây ban nha về Hà Nội sẽ quá cảnh ở Paris chơi với em vài hôm tới 17/07 mới về. “Chị cố giúp em, ngày 17 em sẽ chịu trách nhiệm đưa cháu chị ra sân bay”. Đúng là trời xui đất khiến, em nể quá đành nhận lời.
* * *
Ngày 16/07 chuyến tàu tốc hành TGV 6177 khởi hành từ Paris lúc 13h50 đã đưa tôi và họ – một đoàn khách du lịch của Vô tuyến Truyền hình Việt Nam tới Nice, thủ phủ phía nam nước Pháp vùng Alpes – Maritimes. Thời gian kéo dài 5 tiếng rưỡi trên tàu tôi có dịp làm quen với các “thượng đế” của Vietravel. Đó là ba cặp vợ chồng và một em nhỏ 10 tuổi: vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Nhung và con gái 10 tuổi; vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tuệ; vợ chồng anh Lại Văn Sâm (1). Trong chuyến đi này qua chuyện trò tôi được biết hai cặp vợ chồng anh Tuệ và anh Sâm là khách mời của chị Nhung. Chị Nhung đã chi ra một khoản tiền gần 20.000 USD (khoảng 5000 USD/người) để chiêu đãi 2 cán bộ của Đài Truyền hình Việt Nam cùng với các phu nhân của họ đi du lịch 2 nước Tây Âu là Pháp và Hy Lạp (Greece) chỉ vì họ là những người bạn “tử tế” của chị ta.
Chị Nhung phàn nàn với tôi: “chỉ vì để lấy visa cho 2 vị này (chị hất hàm về phía vợ chồng anh Tuệ) mà em phải mua tour du lịch của Vietravel đắt hơn đi riêng rất nhiều. Em chồng em ở Pháp có thể làm giấy mời, nhưng mời với tư cách cá nhân, lấy được visa ít nhất phải chờ 1 tháng, chỉ có đi theo tour du lịch thì mới có visa nhanh”.
Đến lúc ấy tôi mới hiểu ra: không phải vì tình bạn thân thiết mà chị này mời các cán bộ nhà nước đi du ngoạn nước ngoài. Chị Nhung mời là có mục đích. Khi chị làm một cử chỉ “tử tế” với người mà chị mời thì khách cũng phải cư xử thế nào cho xứng đáng với chị ta một Nhà Sản xuất Phim truyền hình và Quảng cáo.
Tôi hiểu: cái gì cũng có giá của nó, mặt hàng đã được bán.
Tới Nice là 19g20, đoàn đã có xe đến đón. Theo lịch trình đoàn sẽ ở ba đêm 16, 17, 18/07 tại khách sạn Novotel-Nice Centre, 8–10 Parvis de l’Europe 06300 Nice. Xe chở cả đoàn chỉ là xe chở thuê, không có người khuân vác hành lý lên xuống xe. Chị Nhung bắt đầu lên tiếng phàn nàn, chê bai cách tổ chức của Vietravel.
Nhận phòng xong (phòng 429 – vợ chồng chị Nhung và con; phòng 421– vợ chồng anh Tuệ; phòng 432 – vợ chồng anh Sâm) tôi dẫn khách đi ăn tối tại khu thành cổ phía gần bờ biển. Khách đòi ăn đồ biển ở nhà hàng Le Grand Bleu, 24 cours Saleya 06300 Nice, đối diện với dinh thự nguy nga, lấp lánh ánh đèn của Công tước de Savoie thuở trước.
Tôi thông báo với khách là họ phải trả tiền những thức uống khách tự ý gọi thêm ngoài quy định nhưng chị Nhung liền phản đối và đòi tôi phải thanh toán. Tôi buộc phải gọi điện về Paris cho đại diện của Vietravel và yêu cầu họ trực tiếp nói chuyện với chị Nhung. Cuối cùng chị Nhung đã phải thuận trả khoản tiền này.
Thế là kết thúc ngày đầu tiên với đoàn này.
Ngày 17/07 tôi đưa đoàn đi Monaco thay vì đi Cannes như lịch trình đã định, lý do là trong số họ có anh Tuệ đã tới Cannes nhiều lần và cả đoàn nhất nhất làm theo đòi hỏi của anh ta. Trên đường tới Monaco, mặc dù không có trong chương trình nhưng tôi đã đưa họ đi thăm nhà thờ chính thống giáo Nga ở Nice thờ Thánh Nicolas xây dựng từ đầu thế kỷ trước(1912) vì trong đoàn có bốn người đã từng tốt nghiệp đại học tại Liên Xô.
Đoàn tiếp tục đi Monaco, lái xe hôm đó rất tử tế đã dừng xe dọc đường cho khách chụp ảnh toàn cảnh vùng biển từ trên cao. Đến nơi tôi giới thiệu về mảnh đất vỏn vẹn có 1,5 cây số vuông nằm phía nam dưới chân dãy núi Alpes, giáp với Địa Trung Hải nổi tiếng với cái tên Vương quốc Monaco, hấp dẫn biết bao du khách từ năm châu, bốn bể. Tôi nói về lịch sử ra đời của Vương quốc độc lập và tự trị Monaco, về chính sách miễn trừ thuế khoá ở đây và điểm qua những danh lam thắng cảnh để khách có thể tham quan và chụp ảnh như bảo tàng Đại dương học, khu Vườn lạ, Casino Monte Carlo…
Khách muốn ăn trưa ở một nhà hàng cạnh Casino, tôi phải giải thích cho họ biết ở nhà hàng này mỗi suất ăn phải mất tối thiểu 300 euros, và mức chi trả này không có trong chương trình. Sau đấy, tôi nói với lái xe đưa chúng tôi tới EZE ăn trưa với số tiền định sẵn tại nhà hàng Gascogne, Place de la Colette, 06360 EZE.
Sau bữa ăn trưa tôi dẫn khách đi thăm Xưởng làm nước hoa và sản phẩm mỹ phẩm ở EZE. Tôi dự định dẫn họ quay lại Monaco xem khu Vườn lạ, nhưng cả đoàn quyết định không đi thăm khu vườn đó nữa mà trở về Monaco là để “các chị em đi shopping và các anh em tới Casino đánh bạc”. Tới Monaco tôi để các “thượng đế” làm theo ý họ và hẹn họ đến 19h giờ có mặt tại địa điểm tập kết để quay về Nice.
Khi gặp lại mọi người tôi được biết anh Sâm sau 45 phút đã nướng mất 500 euros cho sòng bạc nổi tiếng này. Trị giá số tiền này có thể nuôi sống một gia đình nông dân Việt nam trong một năm.
Chị Hải (vợ anh Tuệ) sau khi lên xe liền đề nghị đi ăn cơm tàu ở Nice. Tôi nói với lái xe dẫn khách tới quán tàu với giá cả phải chăng. Lái xe nói với tôi ở Nice có một quán tàu cực ngon theo kiểu buffet giá 15 euros một người, tôi đồng ý.
Lái xe đưa khách về Nice tới thẳng quán Fast-foods nói trên. Quán này rộng rãi, sạch sẽ, rất nhiều món nóng (8 món), món nguội (6 món) và tráng miệng (6 món). Tôi không thể ngờ được phản ứng của đoàn khách “sang trọng” này khi họ bước chân vào quán ăn. Chị Nhung giãy lên, cương quyết không ăn ở đây, nói đây là quán ăn “bụi” cuả bọn Campuchia, rằng chị và các người bạn “tử tế” của chị không thể dùng bữa ở đây được và đòi tôi gọi taxi đi nơi khác ăn cơm tây. Đến lần này, tôi phải giải thích với mọi người là theo nguyên tắc khách du lịch theo đoàn không được cầm thực đơn gọi mà do hướng dẫn viên chọn và đặt món ăn theo mức định sẵn.
Phản ứng của anh Tuệ còn tệ hơn. Anh ta nói với tôi: “Bà thử nhìn mặt tôi xem có phải là mặt ăn mày, chết đói hay không? Có phải tôi đến đây để xin một bữa ăn hay không?…” Tôi nhìn anh ta và nhớ ngay tới một phóng sự truyền hình trong đó Polpot cũng chỉ vào mặt mình như anh Tuệ và hỏi người phóng viên Pháp: “Est-ce que je suis méchant?” (Tôi có phải là người độc ác hay không?)
Các “khách hàng – thượng đế” này hoàn toàn không có một chút hiểu biết gì về những nguyên tắc cơ bản của kiểu đi du lịch theo đoàn.
Cuối cùng không còn cách nào khác tôi đành bảo họ trở ra xe đi tìm quán ăn khác cho những con người trưởng giả học làm sang này.
Đến một quán ăn tàu chị Nhung bảo xe dừng lại, tất cả bọn họ vào đó, anh Thông (chồng chị Nhung, là một người gốc Hoa) thản nhiên gọi món ăn bằng tiếng Trung Quốc. Tôi thanh toán ngay tiền ăn và bước nhanh ra ngoài.
Ngày 18/07/2007
Sáng ngày ra khi xuống dùng bữa điểm tâm tại khách sạn, mọi người trong đoàn trông thấy tôi không chào hỏi. Tôi hẹn gặp cả đoàn ở ngoài sảnh. Khi có mặt tất cả mọi người tôi thông báo là xe đang đợi bên ngoài để đi Cannes theo đúng lịch trình.
Anh Nguyễn Ngọc Tuệ vừa lấy tay chỉ vào mặt tôi vừa hét lên, chửi bới đại diện của Vietravel:
– Nó ép tôi đi Cannes à, nó đè tôi à, nó “bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô” à? Nhưng tôi nói cho bà biết trong đời tôi, tôi có một cái sướng là bao giờ cũng làm theo ý mình. Hôm nay chúng tôi sẽ ở lại Nice, không đi Cannes.
Tôi nói: “Anh có quyền không đi Cannes, nhưng anh phải ký vào đây để ghi lại rằng đây quyết định của anh, chứ không phải là của Vietravel”.
– Tôi không ký mà là cô Nhung ký với Vietravel – anh ta né tránh. Chính đại diện của Vietravel thay đổi lịch trình, nó bắt chúng tôi vừa xuống máy bay đã đi Reims. Con vô văn hoá, con lưu manh, bà về bà nói lại với nó là tôi có cả ngành truyền thông trong tay, tôi có đầy đủ phương tiện để trị nó. Đừng tưởng có kiến thức là có văn hoá đâu…
Có lẽ anh Tuệ thực sự không hiểu là anh ta đang bôi nhọ chính bản thân mình, bôi nhọ cơ quan Văn hoá Truyền thông Việt Nam mà anh ta làm đại diện qua những ngôn từ, hành vi của mình. Tôi nhìn anh Tuệ và mường tượng ra những phương tiện mà anh ta có thể dùng để trị những người mà anh ta không ưa. Thật hài hước! Trong xã hội loài người văn minh như hiện nay một kẻ thiếu văn hoá lại làm trong một cơ quan văn hoá, tự cho phép mình hành xử một cách vô văn hoá, trắng trợn vu khống và sỉ nhục người khác chỉ vì người ta không làm theo ý anh ta. Phải chăng anh Nguyễn Ngọc Tuệ mắc chứng cuồng ngôn, hay tâm thần? Một người bình thường không bao giờ xử sự như vậy.
Tôi báo với lái xe là khách không đi Cannes hôm nay mà ở lại Nice mua sắm. Xe chở họ tới Nice Etoiles và hẹn đón họ đi ăn trưa ở gần khách sạn Méridien vào khoảng 13h.
Đến 13h tôi điện thoại cho khách vì không thấy họ đến điểm hẹn. Hóa ra là họ đã tự đến quán ăn Nhật Bản – 27 rue d’ Angleterre và đang gọi thực đơn. Tôi đến đó tìm họ và được thông báo là họ sẽ bay về Paris tối nay, bỏ chuyến tàu trở lại Paris ngày hôm sau. Chị Nhung đã đòi lại tôi 7 chiếc vé tàu trở về Paris của họ (đi ngày hôm sau 19/07). Tôi đã đưa lại vé cho chị ấy sau khi hỏi lại đại diện của Vietravel.
Tiếp đó tôi lại lấy xe chở một số người đi làm vé máy bay và một số đến trung tâm mua sắm, hẹn 18h30 quay lại đón. Tất cả những việc này đều nằm ngoài lịch trình, nhưng để chiều các “thượng đế” của Vietravel, tôi đã làm như vậy.
Đúng giờ hẹn tôi tới đón khách đưa về khách sạn để họ kịp trả phòng và thu xếp hành lý bay về Paris chuyến tối. Trước khi lên đường anh Tuệ còn gầm lên nói là nếu cần anh ta có thể gọi taxi mà không cần đến xe đưa rước nữa. Lúc đó đã là 19h30.
Đến 19h40 tôi tiễn mọi người ra xe đi sân bay, chúc họ thượng lộ bình an về Paris.
* * *
– Anh nghĩ gì về những đồng hương của chúng ta sau câu chuyện vừa rồi? Có nên giữ lại họ trong bộ nhớ hay không? Cô bạn hỏi tôi.
Tôi trả lời rằng phải coi đó là sự không may, một tai nạn có thể xảy ra trong đường đời. Quên hay nhớ những rủi ro mà mình gặp phải còn tuỳ thuộc vào con người cụ thể và trường hợp cụ thể .
Tôi có cách nói nước đôi, tù mù như vậy vì không muốn phủ nhận ngay tức khắc cái ngớ ngẩn, bảo thủ của mình – một người đang đứng trước ngưỡng của tuổi tác. Nhưng trong đáy sâu của tâm hồn tôi hiểu ra một lẽ là cần nhìn sự việc, con người đúng với giá trị thật của nó. Chắc là có sự tiêu cực trong việc mua bán giờ quảng cáo ở Đài Truyền hình Việt Nam.
– Anh muốn biết “hồi sau” của họ ở Hy lạp không? Cô mỉm cười nói tiếp.
Cô bé hướng dẫn ở Athens cho biết: “đoàn khách này lạ lắm cô ạ. Do máy bay của họ đến sớm 15 phút, nên họ không tìm thấy cháu ngay. Đến khi gặp cháu rồi họ không thèm chào hỏi và còn dọa nếu đợi thêm 5 phút nữa mà không gặp cháu là họ bắt taxi về khách sạn. Một ông trong đoàn hét tướng lên là chỉ có thằng điên thì mới đến Hy Lạp. Đến Delphes cháu muốn thuê hướng dẫn viên địa phương nói về truyền thuyết Hy Lạp ở đây thì họ bảo là không cần. Cháu có cảm tưởng là họ chỉ mau mau chóng chóng để về quán nhà cháu ăn đồ biển thôi. À, mà cô ạ, họ cũng chẳng cho tiền tip sau khi nhân viên khách sạn chuyển hành lý của họ lên phòng, làm cháu ngượng thay cho người Việt Nam mình…”.
Đây là mấy ghi chép của tôi trong dịp nghỉ cuối tuần ở Normandie.
——————————
Chú thích: Ông Nguyễn Ngọc Tuệ hiện là giám đốc Trung tâm khai thác phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam; ông Lại Văn Sâm là Trưởng Ban Tin tức –Giải trí –Thể thao – Kinh tế của kênh truyền hình VTV3 – đài Truyền hình Việt Nam.
Tác giả: Quang Minh

Bạn đọc gửi TTXVA.NET

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"