Huy Đức
Sáng kiến này có vẻ như xuất phát từ những người cứ khoảng sau 22:00 là ngủ. Họ không thể tưởng tượng trong xã hội có những người kiểu như nhà thơ Đỗ Trung Quân (Trung Quan Do), ban ngày thì ngủ khì, tối nổi hứng vác toan ra vẽ, vẽ thì thường thôi nhưng cũng cứ rung đùi khen hay; rồi liếm mép thấy nhàn nhạt thế là đưa tay quờ chai rượu, chẳng may rượu hết tự bao giờ, bèn xông ra quán!
Xã hội đô thị có hàng triệu người hay nổi hứng như các nhà thơ.
Đô thị cũng như cái taxi, nếu chỉ chạy một ca thì rất lâu khấu hao, nếu có càng đông những người tối mới ra đường thì ban ngày mới ít kẹt xe, ban đêm hạ tầng mới không để không.
Giữa thập niên 1990, Sài Gòn định ra quyết định cấm mua bán, kinh doanh sau 23 giờ đêm. Tôi hỏi ông Chủ tịch vì sao? Ông bảo, "Mấy ông hưu trí kêu quá trời, trong xóm mấy ổng Karaoke hát suốt đêm". Tôi mới đưa cho ông ấy coi cái điều khoản đã ghi trong Pháp lệnh xử phạt hành chính: Không cứ Karaoke, bất cứ ai gây ồn bằng cách gì trong khu dân cư, kể từ 23:30 tới 5:30 là xử lý, tái phạm thì rút phép.
Việc Bộ Y tế cho biết, uống rượu sau 22 giờ đe dọa hạnh phúc gia đình và gây hại cho sức khỏe là một phát hiện rất nhân văn. Nhưng, vấn đề sức khỏe và hạnh phúc gia đình của những nhà thơ như Đỗ Trung Quân ít khi do rượu gây ra. Với lại, cấm bán rượu thì chỉ thiệt hại các nhà kinh doanh và những người khách bất chợt cần li rượu sau giờ làm việc lúc nửa đêm, còn bợm rượu thì trước giờ G đã mua về đủ.
Rượu có thể dẫn tới hiểm họa chứ rượu không hiển nhiên là hiểm họa. Ngăn chặn mối đe dọa không phải là nhắm vào các hoạt động kinh doanh mà phải cấm những tình huống rượu biến những con người hiền lành thành tội phạm.
Nên cấm người dưới 21 (như Mỹ) hoặc dưới 18 tuổi (như một số nước khác) uống bia, rượu; nên xử phạt nặng người uống bia rượu quá liều lượng lái xe (nếu phát hiện cảnh sát ăn hối lộ cho qua thì tước lon cảnh sát; nếu lái xe gây tai nạn nghiêm trọng thì uống rượu phải trở thành một tình tiết tăng nặng bắt buộc áp dụng án giam).
Công việc của nhà nước là phát hiện ra các mối đe dọa trong xã hội. Nhưng việc ngăn chặn một mối đe dọa thật sự không phải bao giờ cũng bằng cấm đoán. Hãy xem, những mối đe dọa kiểu như uống rượu có thể dùng các quyền lực khác (ví dụ như quyền lực của các bà vợ, của các quan hệ dân sự) để điều chỉnh hay không.
Ngay cả khi cần phải sử dụng quyền lực nhà nước thì cũng phải nhìn xem đã có những chế tài khác hạn chế chưa. Ngay cả khi nhà nước chưa có chế tài gì mà chế tài sắp ban hành khiến cho chi phí để thi hành cao hơn khả năng ngăn chặn thì việc ban hành cũng cần cân nhắc.
Có lẽ các chuyên viên ở Bộ Y tế cũng muốn làm gì đó để thể hiện tinh thần trách nhiệm với dân. Tuy nhiên, có rất nhiều việc chúng tôi cần quý vị ra tay, có những việc nếu các vị bỏ đấy để đi chơi golf có khi lại còn ích quốc lợi dân hơn là nhiệt tình làm việc.