Diên Vỹ chuyển ngữ
Đà Nẵng, Việt Nam -Tình hình đầu năm thật thuận lợi với Mai Thanh
Trung, người vừa tìm được việc làm tại một công ty du lịch chuyên phục
vụ các chuyến du lịch cho khách Trung Quốc. Trung nói ông thường đón
khách từ các chuyến bay đến từ Lục địa và hàng tháng kiếm được khoảng
600 Mỹ kim hoa hồng.
Nhưng đến tháng Năm, một công ty nhà nước Trung Quốc đã đặt giàn
khoan dầu gần bờ biển miền Trung Việt Nam trong khu vực biển Đông nơi cả
hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền. Sau đó đã xảy ra cuộc bạo động
chống Trung Quốc dài hai ngày tại miền nam và miền trung Việt Nam. Và
theo giới chuyên môn trong ngành dịch vụ tại thành phố duyên hải miền
trung với khoảng một triệu dân này, thị trường du khách Trung Quốc đến
Việt Nam đã bị suy sụp.
Trung, 24 tuổi, nói rằng các chuyến bay từng đưa khách Trung Quốc đã
ngưng hoạt động vào cuối tháng Năm, khiến anh và 50 đồng nghiệp khác tạm
thời bị mất việc. Anh phải về quê cách Đà Nẵng 25 dặm và ở không trong
suốt mấy tuần lễ chỉ để xem Giải Vô địch Bóng đã Thế giới trên truyền
hình.
Vào ngày 15 tháng Bảy, giàn khoan trên được chuyển về phía bắc nhằm
hướng Đảo Hải Nam, Trung Quốc. Trung nói việc này có thể khiến cho lượng
du khách Trung Quốc từ từ quay lại, và anh tin rằng sẽ kiếm được ít
nhất là 200 Mỹ kim tiền hoa hồng vào tháng này. Những tình hình bất ổn
qua vụ giàn khoan và mối quan hệ ngoại giao vẫn tiếp tục căng thẳng đã
khiến anh lo lắng về tương lai công việc của mình.
"Giờ thì nó đang quay lại Đảo Hải Nam, nhưng chúng tôi không biết khi nào nó sẽ trở lại," anh nói.
Mặc dù ít nhất là bốn công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng trong vụ bảo
loạn, trật tự đã được nhanh chóng tái lập. Nhưng Trung Quốc và những
quốc gia khác đã đưa ra những khuyến cáo về những tiềm năng rủi ro trong
an ninh công cộng tại Việt Nam. Các chuyên gia du lịch nói rằng lời
cảnh báo của Trung Quốc đã khiến hàng nghìn người dân của họ huỷ bỏ
chuyến du lịch, một phần bởi vì nó vô hiệu hóa một số chính sách bảo
hiểm.
Người Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư của tổng số gần 4,3 triệu
du khách nước ngoài đến thăm Việt Nằm trong sáu tháng đầu năm 2014.
Nhưng đến tháng Sáu, lượng khách đến từ lục địa Trung Quốc đã giảm
khoảng 30 phần trăm và lượng khách từ Hồng Kông giảm 72 phần trăm so với
tháng Năm.
"Họ hơi lo sợ," Matthias Wiesmann, tổng giám đốc Furama Resort Đà
Nẵng, một trong nhiều khu nghỉ mát bờ biển trong thành phố nói. Khách
sạn này đã mất từ 10 đến 15 phần trăm doanh số, tức là khoảng 2.800 ngày
đặt phòng trong tháng Năm và tháng Sáu, ông cho biết.
Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng của
chính phủ, nói rằng tỉ lệ đặt phòng trung bình tại các khách sạn bờ biển
của thành phố năm ở mức 60 đến 70 phần trăm vào cuối tháng Sáu, so với
con số thường thấy là 80 đến 90 phần trăm. Nhưng Ken Atkinson, chủ tịch
tổ chức hoạt động du lịch tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một tập
đoàn tư nhân - nhà nước, lại cho rằng con số này có thể chỉ vào khoảng
30 đến 40 phần trăm.
Ông Bình nói rằng Đà Nẵng hiện an toàn hơn bao giờ hết. Ông dự đoán
du khách Trung Quốc sẽ quay lại nhưng nói rằng ông không biết khi nào.
"Họ đến Đà Nẵng và sẽ thấy được thực tế," ông nói.
Năm 2012, du khách Trung Quốc đã chi tiêu 102 triệu Mỹ kim trong 83
chuyến du lịch ra nước ngoài, biến quốc gia này thành nguồn chi du lịch
nước ngoài cao nhất trên thế giới, trên cả Đức, Tổ chức Du lịch Thế giới
của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Nhưng du khách Trung Quốc thường vô cùng nhạy cảm với cái nhìn từ
nước ngoài đối với họ và chính quyền Trung Quốc, trong khi các quan chức
Trung Quốc xem du lịch là môi quan hệ mật thiết với chiến lược ngoại
giao, các chuyên gia du lịch cho biết.
Tại Nhật, lượng du khách Trung Quốc đến thăm đã tụt xuống từ cuối năm
2012 và hầu hết cả năm 2013, theo dữ kiện từ Tổ chức Du lịch Quốc gia
Nhật do Học viện Nghiên cứu Du khách Trung Quốc ra nước ngoài tại Heide,
Đức cung cấp. Việc suy giảm này dường như phản ánh giai đoạn căng thẳng
giữa Trung Quốc và Nhật Bản về sự tranh chấp các hòn đảo ở vùng Biển
Đông Hải, giám đốc học viện Wolfgang Georg Arlt nói.
Và tại Malaysia, trong tháng Tư lượng du khách Trung Quốc đến thăm đã
giảm 19,5 phần trăm so với tháng Tư năm 2013. Ngược lại, con số này
giảm 0,10 phần trăm vào tháng Ba và 3,6 phần trăm vào tháng Hai và tăng
gần 25 phần trăm trong tháng Giêng so với cùng kỳ năm ngoái.
Brian King, giáo sư ngành du lịch tại Đại học Bách khoa Hồng Kông nói
rằng một số hãng máy bay Trung Quốc đã giảm bớt các chuyến bay đến
Malaysia sau khi chuyến bay 370 của Hàng không Malyasia bị mất tích vào
ngày 8 tháng Ba với hai phần ba hành khách là người Trung Quốc. Và một
du khách Trung Quốc đã bị bắt cóc tại một khu nghỉ mát ở Malaysia vào
tháng Tư.
"Hiện tại kế hoạch tăng cường lượng du khác Trung Quốc của Malyasia
đang bị trệch hướng," Ông King nói. "Cho đến khi có thêm tin tức về
chiếc máy bay thì tình hình này sẽ còn tiếp diễn."
Ông nói thêm rằng chiếc máy bay của Hàng không Malaysia vừa bị bắn
rơi ở Ukraine sẽ có thể ảnh hưởng "rất nhỏ" đến ngành du lịch châu Á và
thảm hoạ này thật ra có thể giúp tăng thêm số lượng du khách Trung Quốc
đến Malaysia nếu hãng hàng không này tiếp tục giảm giá vé để thu hút
hành khách.
Ông Bình, vị quan chức du lịch của Đà Nẵng, nói rằng con số du khách
Trung Quốc đến thành phố tăng trước tháng Năm chủ yếu là do việc tăng
vọt số lượng các chuyến bay thuê bao của các hãng Hàng không Việt Nam,
Hàng không Đông phương Trung Quốc và Hàng không Nam phương Trung Quốc.
Ông nói Dragonair, một chi nhánh của Cathay Pacific, cũng đã mở các
chuyến bay không thuê bao giữa Hồng Kông và Đà Nẵng.
Một phát ngôn viên của công ty nhà nước Hàng không Việt Nam đã từ
chối bình luận về hiện tượng suy giảm du khách Trung Quốc, chỉ gửi email
nói rằng công ty này vẫn "thu thập và đánh giá" các thông tin liên
quan. Hàng không Đông phương Trung Quốc và Hàng không Nam phương Trung
Quốc đã không trả lời email đề nghị nhận định.
Cathay Pacific và Dragonair đã huỷ bỏ tổng cộng 23 chuyến bay khứ hồi
giữa Hồng Kông và ba điểm đến thường xuyên tại Việt Nam là Đà Nẵng, Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ giữa cuối tháng Năm và cuối tháng tháng
Sáu, Erica Peng, giám đốc khu vực Việt Nam của Cathay Pacific cho biết.
Bà nói thêm rằng các hãng máy bay thường điều động 33 chuyến bay hàng
tuần từ Hồng Kông đến các thành phố nói trên, bao gồm bảy chuyến bay của
Dragonair đến Đà Nẵng.
Ông Bình, vị quan chức du lịch, nói rằng "động cơ chủ yếu" sau các
chuyến bay thuê bao đến từ Trung Quốc đến Đà Nẵng là từ Crowne Plaza Đà
Nẵng, một khách sạn lớn trên bờ biển thành phố. Bốn giám đốc khách sạn
trong vùng duyên hải miền Trung cũng có cùng phân tích như ông, họ nói
rằng Crowne Plaza hầu như đặc trách phục vụ các chuyến du lịch nhóm dành
cho người Trung Quốc.
Trong một buổi trưa hè mới đây, Zhang Lei, một doanh nhân người Trung
Quốc từ Hà Nam, đứng bên cạnh bể bơi trong khuôn viên bờ biển vắng lặng
của khách sạn Crowne Plaza. Ông nói bên cạnh những người bạn cùng đi
với mình, ông không thấy bất kỳ người khách nói tiếng Trung nào trong
thời gian ông lưu nghỉ và rằng nhiều người Trung Quốc không đến Việt Nam
du lịch vì sự kiện tranh chấp ở biển Đông cũng như những bạo loạn tại
các nhà máy vào tháng Năm.
"Trung Quốc đã giúp Việt Nam rất nhiều trong nhiều năm qua, nhưng
người Việt đã quay lại chống chúng tôi," ông Zhang vừa nói vừa nhấm nháp
nước dừa.
Một nhân viên của Crowne Plaza từ chối cho biết tên vì không được
phép nói chuyện với phóng viên báo chí, nói rằng khách Trung Quốc thường
chiếm khoảng 70 đến 80 phần trăm lượng khách ở đây. Emma Corcoran, phát
ngôn viên của công ty chủ quản khách sạn này là Tập đoàn Khách sạn
Intercontinental, đã từ chối yêu cầu được phỏng vấn với viên tổng giám
đốc khách sạn.
Clarence Tan, tổng giám đốc điều hành khu vực các khu nghỉ mát Đông
nam Á của công ty cho biết trong một văn bản gửi qua email rằng khuyến
cáo du lịch vừa qua của chính quyền Trung Quốc cùng với việc cắt giảm
các chuyến bay thuê bao đi thẳng đến Đà Nẵng đã góp phần vào việc suy
giảm lượng khách Trung Quốc đến khách sạn tại Đà Nẵng của công ty.
Mặc dù với việc suy giảm lượng khách Trung Quốc, Việt Nam vẫn dự tính
sẽ đón 8,2 triệu du khách quốc tế trong năm nay, Nguyễn Mạnh Cường,
tổng cục phó Tổng cục Du lịch nhà nước nói với các phóng viên vào ngày 9
tháng Bảy, vài ngày trước khi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực
tranh chấp trên biển Đông. Tổng số du khách trong năm ngoái là 7,6
triệu, căn cứ theo số liệu nhà nước.
Việc rút giàn khoan có vẻ giúp tăng lòng tin của du khách nói chung
tại Việt Nam, ông Wiesmann của Furama Resort Đà Nẵng cho biết. Ông nói
thêm rằng kinh doanh tại khách sạn bên bờ biển này đã quay lại ở gần mức
bình thường vào cuối tháng Bảy nhờ sự gia tăng lượng khách Nhật, Nam
Hàn và Việt.
Ông Wiesmann nói rằng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam mặc dù vẫn
chậm chạm nhưng đang tiến triển "từng tí", tuy nhiên vẫn không biết rõ
là đến khi nào, hoặc liệu thị trường này sẽ hoàn toàn hồi phục.
"Hơi khó để dự đoán được," ông nói.