Công ước chống tra tấn (tên đầy đủ là Công ước chống tra tấn và
các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục -
CAT, 1984) có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.
Công ước có các nội dung cơ bản như sau:
• Điều 1 đến 16 (Phần I): các điều khoản nội dung quy định các nghĩa
vụ của quốc gia thành viên Công ước cần áp dụng trong pháp luật quốc
gia. Đây là những nội dung quan trọng nhất của Công ước.
• Điều 17 đến 24 (Phần II): thẩm quyền và các phương thức hoạt động
của Ủy ban chống tra tấn, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực
thi Công ước (thông qua việc xem xét báo cáo định kỳ của các quốc gia,
nhận khiếu nại của các nạn nhân tra tấn, điều tra tình hình thực tế...)
• Điều 25 đến 33 (Phần III): các khía cạnh kỹ thuật về ký kết, phê chuẩn Công ước, thủ tục sửa đổi, việc bảo lưu Công ước.
Cụ thể hơn, các điều khoản trong Phần I (chủ yếu là các nghĩa vụ quốc gia) có nội dung cơ bản như sau:
• Điều 1: nêu một định nghĩa "tra tấn", vì mục đích của Công ước. Mặc
dù dựa trên Tuyên ngôn, định nghĩa của Công ước đã có những thay đổi so
với Tuyên ngôn.
• Điều 2: nghĩa vụ thực thi các biện pháp lập pháp, hành chính và tư
pháp hiệu quả và các biện pháp khác để ngăn chặn hành vi tra tấn; khẳng
định tính tuyệt đối của chống tra tấn trong mọi hoàn cảnh.
• Điều 3: nghĩa vụ không được trục xuất, trả về một quốc gia có nguy cơ sử dụng tra tấn.
• Điều 4: nghĩa vụ bảo đảm pháp luật hình sự quy định các tội phạm về tra tấn (nghĩa vụ "hình sự hóa").
• Điều 5: nghĩa vụ xác lập thẩm quyền pháp lý phổ quát, truy tố hoặc dẫn độ thủ phạm của tra tấn để truy cứu tại quốc gia khác.
• Điều 6: giam giữ, điều tra ban đầu, thông báo.
• Điều 7: nghĩa vụ khởi tố hoặc dẫn độ thủ phạm, thu thập chứng cứ, bảo đảm quyền xét xử công bằng.
• Điều 8: coi tra tấn là một tội phạm có thể dẫn độ, căn cứ pháp lý của Công ước
• Điều 9: nghĩa vụ của các quốc gia hỗ trợ nhau trong thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến tra tấn.
• Điều 10: nghĩa vụ phổ biến thông tin về cấm tra tấn, đào tạo cho
các lực lượng thực thi pháp luật và những người khác về lĩnh vực này.
• Điều 11: nghĩa vụ thường xuyên rà soát các quy định về thẩm vấn, giam giữ nhằm chống lại tra tấn.
• Điều 12: bảo đảm điều tra nhanh chóng và khách quan các hành vi tra tấn đã xảy ra.
• Điều 13 - 14: nạn nhân của tra tấn được bảo đảm khiếu nại được giải quyết, bảo vệ và được bồi thường.
• Điều 15: lời khai có được nhờ tra tấn không được sử dụng.
• Điều 16: nghĩa vụ ngăn chặn nhân viên công quyền thực hiện hoặc
đồng lõa với các hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.
* * *
CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC TRỪNG PHẠT HAY ĐỐI XỬ TÀN ÁC, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC, 1984
(Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày
10/12/1984 theo Nghị quyết 39/46. Có hiệu lực từ ngày 26/6/1987, theo
Điều 27(1)).
Các Quốc gia thành viên Công ước này,
Xét rằng, theo những nguyên tắc được tuyên bố trong Hiến chương
Liên Hợp Quốc, việc công nhận các quyền bình đẳng và không thể chuyển
nhượng của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự
do, công lý và hoà bình trên thế giới,
Thừa nhận rằng, những quyền đó xuất phát từ nhân phẩm vốn có của con người,
Xét nghĩa vụ của các quốc gia theo Hiến chương, cụ thể theo Điều
55, là thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản
của con người,
Xét Điều 5 của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và
Điều 7 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó
cả hai điều đều quy định rằng, không ai phải chịu tra tấn hoặc đối xử
hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.
Cũng xét đến Tuyên bố về bảo vệ mọi người không bị tra tấn, đối
xử hay hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, được Đại
hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 9/12/1975,
Mong muốn cuộc đấu tranh chống tra tấn và đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm được hiệu quả hơn,
Đã thoả thuận như sau:
PHẦN I
Điều 1.
1. Theo mục đích của Công ước này, thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là
bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác
hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc
lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người
đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ
đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba,
hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi
hình thức, khi nỗi đau đớn và khổ đau đó do một công chức hay người nào
khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng
tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm
những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với, hoặc có liên quan
đến, các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
2. Quy định trong điều này không làm phương hại tới bất kỳ văn kiện
quốc tế hay pháp luật quốc gia nào có hay có thể có các điều khoản có
mức độ áp dụng rộng rãi hơn.
Điều 2.
1. Mỗi Quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp,
hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các
hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán
của mình.
2. Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng
chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị
trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để
biện minh cho việc tra tấn.
3. Mệnh lệnh của quan chức hay của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.
Điều 3.
1. Không một Quốc gia thành viên nào được trục xuất, hay trả về hoặc
dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nơi có nhiều lý do thực tế để
tin rằng người đó có nguy cơ bị tra tấn.
2. Để xác định xem có những lý do đó hay không, các nhà chức trách có
thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm sự tồn tại của
một mô hình vi phạm các quyền con người một cách thô bạo, trắng trợn và
phổ biến ở quốc gia liên quan, nếu có.
Điều 4.
1. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều
cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Điều này cũng áp
dụng với những hành vi cố gắng thực hiện việc tra tấn hoặc hành vi của
bất kỳ người nào đồng loã hoặc tham gia việc tra tấn.
2. Mỗi Quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng
những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của
chúng.
Điều 5.
1. Mỗi Quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết
để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội nêu ở Điều 4,
trong các trường hợp sau:
a. Khi hành vi phạm tội được thực hiện trên bất kỳ vùng lãnh thổ nào
thuộc quyền tài phán của quốc gia hay trên tàu thủy hoặc máy bay đăng ký
ở quốc gia đó.
b. Khi người bị tình nghi phạm tội là công dân của quốc gia đó.
c. Khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy thích đáng.
2. Mỗi Quốc gia thành viên cũng phải tiến hành những biện pháp cần
thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội
này trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang có mặt ở bất kỳ
vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình và quốc gia đó không dẫn
độ người bị tình nghi theo Điều 8 đến bất kỳ quốc gia nào nói ở khoản 1
điều này.
3. Công ước này không loại trừ bất kỳ quyền tài phán hình sự nào được thực thi theo pháp luật quốc gia.
Điều 6.
1. Sau khi kiểm tra thông tin có được, nếu thấy rằng hoàn cảnh yêu
cầu, bất kỳ Quốc gia thành viên nào mà trên lãnh thổ của mình người bị
nghi là đã thực hiện hành vi phạm tội nêu tại Điều 4 đang có mặt, phải
bắt giam người đó hoặc tiến hành những biện pháp pháp lý khác để bảo đảm
sự hiện diện của người đó. Việc giam giữ và các biện pháp pháp lý khác
phải tuân theo các quy định pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ có thể
được duy trì trong một thời gian cần thiết để tiến hành bất kỳ thủ tục
tố tụng hay dẫn độ nào.
2. Quốc gia nêu trên phải tiến hành ngay viềc điều tra sơ bộ sự việc.
3. Bất kỳ ai bị giam giữ theo khoản 1 điều này phải được giúp đỡ liên
hệ ngay với đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là
công dân, hoặc, nếu người đó là người không quốc tịch, với đại diện của
quốc gia nơi người đó thường trú.
4. Khi một quốc gia bắt giữ một người theo quy định tại điều này,
quốc gia đó phải thông báo ngay cho quốc gia nói tại khoản 1 Điều 5 về
việc người đó bị bắt giữ, và hoàn cảnh đòi hỏi phải bắt giữ người đó.
Quốc gia tiến hành điều tra sơ bộ nói ở khoản 2 điều này phải nhanh
chóng thông báo kết quả điều tra của mình cho các quốc gia nói trên và
cho biết có dự định thực thi quyền tài phán hay không.
Điều 7.
1. Quốc gia mà trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình phát hiện
người được cho là đã thực hiện hành vi phạm tội nêu tại Điều 4, sẽ phải
chuyển vụ việc lên cơ quan thẩm quyền của quốc gia đó để truy tố, trong
các trường hợp nêu tại Điều 5, nếu quốc gia đó không dẫn độ người bị
tình nghi.
2. Những cơ quan thẩm quyền này phải quyết định tương tự như trường
hợp của bất kỳ hành vi phạm tội thông thường nào có tính chất nghiêm
trọng theo pháp luật của quốc gia đó. Trong các trường hợp nói ở khoản 2
Điều 5, tiêu chuẩn về chứng cứ cần thiết để truy tố và kết tội phải
không kém nghiêm ngặt hơn những tiêu chuẩn áp dụng cho các trường hợp
nói tại khoản 1 Điều 5.
3. Bất kỳ người nào đang là đối tượng của quá trình tố tụng vì bất kỳ
hành vi phạm tội nào nói tại Điều 4 phải được bảo đảm đối xử công bằng
trong mọi giai đoạn tố tụng.
Điều 8.
1. Những hành vi phạm tội nói tại Điều 4 phải được coi là các tội có
thể dẫn độ theo bất kỳ điều ước quốc tế về dẫn độ nào nếu có giữa các
Quốc gia thành viên. Các Quốc gia thành viên cam kết đưa những hành vi
phạm tội này vào danh mục các tội có thể dẫn độ trong các điều ước quốc
tế về dẫn độ sẽ được ký kết giữa họ với nhau.
2. Nếu một Quốc gia thành viên chỉ cho phép dẫn độ khi có điều ước
quốc tế về dẫn độ mà nhận được yêu cầu dẫn độ của một Quốc gia thành
viên khác không có điều ước quốc tế về dẫn độ với mình thì quốc gia đó
có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với những
hành vi phạm tội này. Việc dẫn độ sẽ phải tuân thủ những điều kiện khác
do pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.
3. Các Quốc gia thành viên không đặt điều kiện dẫn độ bằng việc có
điều ước quốc tế về dẫn độ phải công nhận những hành vi phạm tội này là
tội có thể dẫn độ giữa họ với nhau, theo những điều kiện do pháp luật
của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.
4. Những hành vi phạm tội này phải được xử lý, vì mục đích dẫn độ
giữa các Quốc gia thành viên, như thể chúng được thực hiện không chỉ tại
nơi xảy ra tội phạm, mà cả trên lãnh thổ của các quốc gia được yêu cầu
xác lập quyền tài phán của mình theo khoản 1 Điều 5.
Điều 9.
1. Các Quốc gia thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau một cách tối đa về
các thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với những hành vi phạm tội nói
tại Điều 4, kể cả việc cung cấp bằng chứng cần thiết mà họ có được cho
việc tiến hành tố tụng.
2. Các Quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo
khoản 1 điều này phù hợp với bất kỳ điều ước quốc tế nào về tương trợ tư
pháp có thể có giữa các quốc gia này.
Điều 10.
1. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng giáo dục và tuyên truyền
về nghiêm cấm hành động tra tấn được đưa đầy đủ vào chương trình đào
tạo các quan chức thực thi pháp luật, các nhân viên dân sự, quân sự, y
tế, công chức và những người khác mà có thể liên quan đến việc giam giữ,
thẩm vấn hoặc đối xử với bất kỳ cá nhân nào bị bắt, giam giữ hay cầm tù
dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Mỗi Quốc gia thành viên phải đưa việc nghiêm cấm này vào các quy
tắc hoặc hướng dẫn được ban hành về nhiệm vụ và chức năng của tất cả
những đối tượng kể trên.
Điều 11.
Mỗi Quốc gia thành viên phải rà soát một cách có hệ thống các quy
tắc, hướng dẫn, phương pháp và thực tiễn thẩm vấn cũng như các cơ chế
giam giữ và đối xử với những người bị bắt, giam giữ, cầm tù dưới mọi
hình thức, ở bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình, nhằm mục
đích ngăn chặn mọi vụ việc tra tấn.
Điều 12.
Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền
của mình sẽ tiến hành điều tra khẩn trương và khách quan mỗi khi có cơ
sở hợp lý để tin rằng việc tra tấn đã xảy ra trên lãnh thổ thuộc quyền
tài phán của mình.
Điều 13.
Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng
họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền
khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó và được những cơ quan
này xem xét một cách khẩn trương và khách quan. Quốc gia đó cũng phải
thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng người khiếu nại và nhân chứng
được bảo vệ tránh sự ngược đãi hay hăm dọa như là hậu quả của việc khiếu
nại hoặc cung cấp bằng chứng.
Điều 14.
1. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật của
mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có
quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng, kể cả được cung
cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể. Trường
hợp nạn nhân chết do bị tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó có
quyền hưởng bồi thường.
2. Không một quy định nào trong điều này ảnh hưởng tới bất kỳ quyền
được bồi thường nào của nạn nhân hay của người khác có thể có theo pháp
luật quốc gia.
Điều 15.
Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ phát ngôn nào được
đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng
chứng trong bất kỳ tiến trình tố tụng nào, trừ khi để làm bằng chứng
chống lại một người bị cáo buộc là đã thực hiện hành động tra tấn để có
lời khai người đó.
Điều 16.
1. Mỗi Quốc gia thành viên cam kết ngăn ngừa trên lãnh thổ thuộc
quyền tài phán của mình những hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô
nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm khác mà không giống với tra tấn như định
nghĩa ở Điều 1, khi những hành vi này do một công chức hay người nào
khác hành động với tư cách chính thức thực hiện, hoặc do xúi giục, đồng
tình hay ưng thuận. Cụ thể là những nghĩa vụ quy định tại các Điều 10,
11, 12 và 13 sẽ được áp dụng, trong đó các dẫn chiếu về hành động tra
tấn sẽ được thay thế bằng các dẫn chiếu về các hình thức đối xử và trừng
phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.
2. Các quy định của Công ước này sẽ không làm phương hại tới các quy
định của bất kỳ văn kiện nào khác trong pháp luật quốc tế hay pháp luật
quốc gia mà nghiêm cấm các hành động đối xử và trừng phạt tàn ác, vô
nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm, hoặc liên quan đến các vấn đề dẫn độ hay
trục xuất.
PHẦN II
Điều 17.
1. Thành lập một Ủy ban chống tra tấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban) có
những chức năng được quy định dưới đây. Ủy ban bao gồm 10 chuyên gia
được thừa nhận là có đạo đức cao và có năng lực trong lĩnh vực quyền con
người, làm việc với tư cách cá nhân. Các chuyên gia phải được các Quốc
gia thành viên bầu, có tính tới sự phân bổ công bằng về địa lý và lợi
ích của sự tham gia của những người có kinh nghiệm pháp luật.
2. Các thành viên Ủy ban sẽ được bầu bằng bỏ phiếu kín trên cơ sở
danh sách đề cử của các Quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia có thể đề cử
một công dân nước mình. Các Quốc gia thành viên cần chú ý đến lợi ích
của việc đề cử những người cũng là thành viên của Ủy ban Quyền con người
được thành lập theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
và những người sẵn sàng làm việc trong Ủy ban chống tra tấn.
3. Việc bầu các thành viên Ủy ban sẽ được tiến hành tại cuộc họp toàn
thể các nước thành viên tổ chức hai năm một lần do Tổng thư ký Liên Hợp
Quốc triệu tập. Tại các cuộc họp này, với điều kiện phải có sự hiện
diện của ít nhất 2/3 số Quốc gia thành viên, những người được bầu vào Ủy
ban là những ứng cử viên có số phiếu cao nhất và chiếm đa số tuyệt đối
phiếu bầu của đại diện các quốc gia có mặt và bỏ phiếu.
4. Lần bầu cử đầu tiên tổ chức không muộn hơn sáu tháng sau ngày Công
ước này có hiệu lực. Ít nhất bốn tháng trước ngày bầu cử, Tổng thư ký
Liên Hợp Quốc sẽ gửi thư cho các Quốc gia thành viên yêu cầu họ gửi danh
sách đề cử trong vòng ba tháng. Tổng thư ký sẽ chuẩn bị một danh sách
những người được đề cử xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái Latinh, có ghi
rõ quốc gia đề cử, và gửi cho các Quốc gia thành viên.
5. Các thành viên của Ủy ban được bầu với nhiệm kỳ bốn năm. Họ có thể
được bầu lại nếu được đề cử. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của năm thành viên
trong cuộc bầu cử đầu tiên sẽ chấm dứt sau hai năm. Ngay sau lần bầu cử
đầu tiên, tên của năm thành viên này sẽ do chủ toạ của cuộc họp nói tại
khoản 3 điều này chọn bằng rút thăm.
6. Nếu một thành viên Ủy ban chết hoặc từ chức hoặc vì bất kỳ lý do
nào khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, Quốc gia thành viên
đã đề cử người đó sẽ bổ nhiệm một chuyên gia khác là công dân nước mình
làm việc nốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, với điều kiện được sự chấp
thuận của đa số các Quốc gia thành viên. Sự chấp thuận được coi là đạt
được khi có hơn một nửa số quốc gia trả lời đồng ý trong vòng sáu tuần
sau khi được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thông báo về việc bổ nhiệm đó.
7. Các Quốc gia thành viên phải chịu chi phí cho các thành viên Ủy ban khi họ thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban.
Điều 18.
1. Ủy ban sẽ bầu các quan chức của mình với nhiệm kỳ hai năm. Họ cũng có thể được bầu lại.
2. Ủy ban sẽ đặt ra các quy tắc về thủ tục của mình, những quy tắc
này, không kể những nội dung khác, sẽ bao gồm những quy định sau:
a. Ủy ban sẽ chỉ họp khi có ít nhất là sáu thành viên tham gia.
b. Các quyết định của Ủy ban phải được thông qua bằng đa số phiếu của những thành viên có mặt.
3. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ cung cấp đầy đủ nhân sự và phương
tiện để Ủy ban thực hiện hiệu quả chức năng của mình theo quy định của
Công ước này.
4. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên của Ủy
ban. Sau cuộc họp đầu tiên, Ủy ban sẽ họp theo lịch trình quy định trong
quy tắc về thủ tục của mình.
5. Các Quốc gia thành viên chịu các phí tổn về tổ chức các cuộc họp
của Quốc gia thành viên và của Ủy ban, kể cả việc hoàn lại cho Liên Hợp
Quốc các chi phí về nhân sự và phương tiện mà Liên Hợp Quốc đã chi theo
khoản 3 điều này.
Điều 19.
1. Các Quốc gia thành viên phải trình lên Ủy ban, qua Tổng thư ký
Liên Hợp Quốc, báo cáo về các biện pháp họ đã tiến hành để thực hiện cam
kết theo Công ước này trong vòng một năm sau khi Công ước có hiệu lực
với các Quốc gia thành viên đó. Sau đó, các quốc gia phải trình báo cáo
bổ sung bốn năm một lần về bất kỳ biện pháp mới nào được tiến hành và
các báo cáo khác mỗi khi Ủy ban có yêu cầu.
2. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các báo cáo tới tất cả các Quốc gia thành viên.
3. Mọi báo cáo sẽ được Ủy ban xem xét, Ủy ban có thể đưa ra nhận xét
về các báo cáo nếu thấy phù hợp và gửi các nhận xét đó cho Quốc gia
thành viên liên quan. Quốc gia thành viên đó có thể gửi ý kiến trả lời
của mình cho Ủy ban.
4. Ủy ban có thể tuỳ ý quyết định đưa nhận xét của mình theo khoản 3
điều này, cùng với những ý kiến nhận được sau đó từ Quốc gia thành viên
liên quan, vào báo cáo thường niên của mình theo quy định tại Điều 24.
Nếu Quốc gia thành viên liên quan yêu cầu, Ủy ban cũng có thể đưa bản
sao của báo cáo được đệ trình theo khoản 1 điều này vào báo cáo thường
niên của Ủy ban.
Điều 20.
1. Nếu Ủy ban nhận được thông tin đáng tin cậy chứa đựng những dấu
hiệu có cơ sở là việc tra tấn đang được tiến hành một cách có hệ thống
trên lãnh thổ của một Quốc gia thành viên, Ủy ban sẽ mời Quốc gia thành
viên đó hợp tác trong việc kiểm tra thông tin và vì mục đích này, đưa ra
ý kiến về những thông tin liên quan đó.
2. Xem xét mọi ý kiến mà Quốc gia thành viên liên quan có thể đưa ra,
cũng như bất kỳ thông tin liên quan nào khác có được, Ủy ban có thể,
nếu thấy cần thiết, cử một hay nhiều ủy viên tiến hành một cuộc điều tra
kín và khẩn trương báo cáo kết quả với Ủy ban.
3. Khi tiến hành một cuộc điều tra theo khoản 2 điều này, Ủy ban phải
tìm kiếm sự hợp tác của Quốc gia thành viên liên quan. Theo thoả thuận
với Quốc gia thành viên liên quan, cuộc điều tra có thể bao gồm một
chuyến thăm viếng lãnh thổ của quốc gia đó.
4. Sau khi xem xét kết quả điều tra do một hay nhiều thành viên của
mình đưa ra theo khoản 2 điều này, Ủy ban sẽ chuyển kết quả điều tra này
cho Quốc gia thành viên cùng những nhận xét hay khuyến nghị mà Ủy ban
cho là thích hợp về vụ việc.
5. Mọi trình tự hoạt động của Ủy ban đề cập tại các khoản từ 1 đến 4
của điều này sẽ được giữ kín, và tại mọi giai đoạn, Ủy ban phải tìm kiếm
sự hợp tác của Quốc gia thành viên liên quan. Sau khi những trình tự
liên quan tới một cuộc điều tra theo khoản 2 điều này kết thúc, Ủy ban
có thể, sau khi tham khảo ý kiến của Quốc gia thành viên liên quan,
quyết định đưa vào báo cáo thường niên của mình theo Điều 24 bản tóm
lược kết quả quá trình điều tra.
Điều 21.
1. Quốc gia thành viên Công ước này có thể, vào bất cứ lúc nào, tuyên
bố theo điều này rằng quốc gia đã công nhận quyền của Ủy ban được tiếp
nhận và xem xét các thông cáo theo đó một Quốc gia thành viên khiếu nại
một Quốc gia thành viên khác không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo
Công ước này. Chỉ những thông cáo do một Quốc gia thành viên đã tuyên bố
công nhận quyền hạn của Ủy ban về việc này trình lên mới được tiếp nhận
và xem xét. Ủy ban sẽ không xem xét bất kỳ thông cáo nào theo điều này
nếu nó liên quan đến một Quốc gia thành viên chưa có tuyên bố như vậy.
Các thông cáo được tiếp nhận theo điều này sẽ được giải quyết theo trình
tự như sau:
a. Nếu một Quốc gia thành viên cho rằng một Quốc gia thành viên khác
không thực hiện các quy định của Công ước này thì có thể gửi một thông
cáo bằng văn bản, lưu ý quốc gia kia về vấn đề đó. Trong vòng 3 tháng
sau khi nhận được thông cáo, quốc gia nhận được thông cáo phải đưa ra
lời giải thích hoặc bất kỳ hình thức tuyên bố nào khác bằng văn bản cho
quốc gia gửi thông cáo để làm sáng tỏ vấn đề, trong đó cần đề cập đến,
trong chừng mực có thể và thích hợp, những thủ tục trong nước cùng những
biện pháp khắc phục đã, đang hoặc sẵn sàng tiến hành để giải quyết vấn
đề.
b. Nếu vấn đề không được giải quyết một cách thỏa đáng với cả hai
Quốc gia thành viên liên quan trong vòng sáu tháng sau khi nhận được
thông cáo đầu tiên, một trong hai quốc gia đó có quyền đưa vấn đề này ra
Ủy ban bằng cách gửi thông báo cho Ủy ban và cho quốc gia kia;
c. Ủy ban chỉ xem xét vấn đề theo điều này sau khi đã chắc chắn rằng
mọi biện pháp khắc phục trong nước đều đã được áp dụng triệt để, phù hợp
với những nguyên tắc được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế. Quy
định này không áp dụng trong trường hợp việc tiến hành những biện pháp
khắc phục bị kéo dài một cách vô lý hoặc không có khả năng đem lại sự
cứu giúp hiệu quả cho nạn nhân của việc vi phạm Công ước này;
d. Ủy ban sẽ họp kín khi xem xét những thông cáo theo điều này;
e. Với các quy định tại mục (c), Ủy ban sẽ giúp đỡ các Quốc gia thành
viên liên quan giải quyết vấn đề một cách thân thiện trên cơ sở tôn
trọng các nghĩa vụ theo Công ước này. Vì mục tiêu đó, Ủy ban có thể, nếu
thích hợp, thành lập một Ủy ban hoà giải lâm thời;
f. Khi xem xét bất kỳ vấn đề nào được chuyển đến, Ủy ban có thể yêu
cầu các Quốc gia thành viên liên quan nêu tại mục (b) cung cấp bất kỳ
thông tin liên quan nào;
g. Các Quốc gia thành viên liên quan nêu tại mục (b) sẽ có quyền có
mặt khi vấn đề được đem ra xem xét tại Ủy ban và trình bày quan điểm
bằng miệng và/hoặc bằng văn bản;
h. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày nhận được thông báo theo mục (b), Ủy ban sẽ đệ trình một báo cáo:
i. Nếu đạt được một giải pháp theo quy định tại mục (e), Ủy ban sẽ
giới hạn báo cáo trong một tuyên bố vắn tắt về sự việc và giải pháp đã
đạt được;
ii. Nếu không đạt được một giải pháp theo quy định tại mục (e), Ủy
ban sẽ giới hạn báo cáo trong một tuyên bố vắn tắt về sự việc; các ý
kiến bằng văn bản và biên bản ghi những lời phát biểu do các Quốc gia
thành viên liên quan đưa ra sẽ được đính kèm báo cáo. Trong mọi trường
hợp, báo cáo sẽ được gửi cho các Quốc gia thành viên liên quan.
2. Quy định của điều này sẽ có hiệu lực khi có năm Quốc gia thành
viên Công ước ra tuyên bố theo khoản 1 điều này. Những tuyên bố đó sẽ
được các Quốc gia thành viên nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp
Quốc, và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ gửi các bản sao cho các Quốc gia
thành viên khác. Tuyên bố có thể được rút lại bất kỳ lúc nào bằng việc
thông báo cho Tổng thư ký. Việc rút lại tuyên bố như vậy sẽ không cản
trở việc xem xét bất kỳ vấn đề nào nêu trong thông cáo đã được chuyển
cho Ủy ban theo điều này; không một thông cáo nào của bất kỳ Quốc gia
thành viên nào được tiếp nhận theo điều này sau khi Tổng thư ký đã nhận
được thông báo rút lại tuyên bố nói trên, trừ khi Quốc gia thành viên
liên quan đưa ra tuyên bố mới.
Điều 22.
1. Các Quốc gia thành viên Công ước này có thể vào bất cứ lúc nào
tuyên bố theo điều này rằng quốc gia đó công nhận thẩm quyền của Ủy ban
được tiếp nhận và xem xét thông cáo từ các cá nhân hay từ đại diện của
các cá nhân thuộc quyền tài phán của quốc gia đã khiếu nại rằng họ là
nạn nhân của sự vi phạm các điều khoản của Công ước thực hiện bởi Quốc
gia thành viên đó. Ủy ban sẽ không nhận những thông cáo liên quan tới
một Quốc gia thành viên không ra một tuyên bố như vậy.
2. Ủy ban sẽ không chấp nhận theo điều này bất kỳ thông cáo nặc danh
nào, hoặc những thông cáo bị coi là lạm dụng quyền đệ trình những thông
cáo như thế, hoặc không phù hợp với những quy định của Công ước.
3. Phù hợp với các quy định tại khoản 2 điều này, Ủy ban sẽ lưu ý các
Quốc gia thành viên Công ước đã có tuyên bố theo khoản 1 và bị cho là
vi phạm quy định của Công ước về bất kỳ thông cáo nào mà Ủy ban nhận
được theo điều này. Trong vòng sáu tháng, quốc gia nhận được thông cáo
phải gửi văn bản giải thích cho Ủy ban để làm sáng tỏ vấn đề và nêu ra
những giải pháp pháp lý, nếu có, mà quốc gia đã thực hiện để giải quyết
vấn đề.
4. Ủy ban sẽ xem xét những thông cáo nhận được theo điều này dựa vào
mọi thông tin có được từ các cá nhân hay đại diện của họ và từ Quốc gia
thành viên liên quan.
5. Ủy ban sẽ không xem xét bất kỳ thông cáo nào của cá nhân theo điều này trừ khi tin chắc rằng:
a. Vấn đề đó chưa được xem xét, và không thuộc vào các vấn đề đang
được xem xét, theo các thủ tục điều tra hoặc giải quyết quốc tế khác.
b. Cá nhân gửi thông cáo đã vận dụng hết những biện pháp pháp lý sẵn
có ở quốc gia; quy định này sẽ không áp dụng với trường hợp việc tiến
hành các giải pháp quốc gia bị kéo dài một cách vô lý, hoặc không có khả
năng đem lại sự cứu giúp hiệu quả cho nạn nhân của việc vi phạm Công
ước này.
6. Ủy ban sẽ họp kín khi xem xét thông cáo theo điều này.
7. Ủy ban sẽ gửi ý kiến của mình tới Quốc gia thành viên và cá nhân có liên quan.
8. Các quy định của điều này sẽ chỉ có hiệu lực khi có ít nhất năm
Quốc gia thành viên Công ước ra tuyên bố theo khoản 1 điều này. Những
quốc gia ra những tuyên bố như vậy sẽ nộp lưu chiểu với Tổng thư ký Liên
Hợp Quốc, Tổng thư ký sẽ chuyển các bản sao cho các Quốc gia thành viên
khác. Tuyên bố có thể được rút lại bất kỳ lúc nào bằng cách gửi văn bản
thông báo cho Tổng thư ký. Việc rút lại tuyên bố sẽ không làm phương
hại đến việc xem xét nội dung của những thông cáo đã được gửi tới Ủy ban
theo điều này; sẽ không một thông cáo nào của cá nhân hay đại diện cho
họ khiếu nại về một quốc gia thành viên được tiếp nhận theo điều này sau
khi Tổng thư ký đã nhận được thông báo rút lại tuyên bố như nêu trên
của Quốc gia thành viên có liên quan, trừ khi Quốc gia thành viên đã đưa
ra một tuyên bố mới.
Điều 23.
Các ủy viên của Ủy ban và của các Ủy ban hoà giải lâm thời được bổ
nhiệm theo Điều 21, khoản 1 (e), sẽ có quyền hưởng các điều kiện thuận
lợi, các ưu đãi và miễn trừ dành cho những chuyên gia đang thực thi
nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc, như quy định tại các mục liên quan trong
Công ước về Đặc quyền, ưu đãi và miễn trừ của Liên Hợp Quốc.
Điều 24.
Ủy ban sẽ trình báo thường niên về hoạt động của mình theo Công ước
này cho các Quốc gia thành viên và cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
PHẦN III
Điều 25.
1. Công ước này để ngỏ cho tất cả các quốc gia ký.
2. Công ước này phải được phê chuẩn. Văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Điều 26.
Công ước này để ngỏ cho tất cả các quốc gia gia nhập. Việc gia nhập
được thực hiện bằng cách nộp lưu chiểu văn kiện gia nhập cho Tổng thư ký
Liên Hợp Quốc.
Điều 27.
1. Công ước này có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày văn kiện phê
chuẩn hoặc gia nhập thứ 20 được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp
Quốc.
2. Đối với các quốc gia phê chuẩn hay gia nhập Công ước này sau khi
Công ước đã có hiệu lực, Công ước sẽ có hiệu lực với quốc gia đó sau 30
ngày kể từ khi văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của quốc gia đó được lưu
chiểu.
Điều 28.
1. Mỗi Quốc gia thành viên có thể, tại thời điểm ký, phê chuẩn hoặc
gia nhập Công ước này, tuyên bố quốc gia đó không công nhận thẩm quyền
của Ủy ban nói ở Điều 20.
2. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào đã đưa ra bảo lưu theo khoản 1 điều
này, vào bất cứ lúc nào, đều có thể rút bảo lưu bằng cách thông báo với
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Điều 29.
1. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào của Công ước này cũng có thể đề
xuất bổ sung hay sửa đổi Công ước với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng
thư ký sẽ thông báo về đề xuất đó cho các Quốc gia thành viên, yêu cầu
họ cho ý kiến xem có ủng hộ việc triệu tập một hội nghị các Quốc gia
thành viên để xem xét và bỏ phiếu về đề xuất đó không. Trong vòng bốn
tháng kể từ ngày Tổng thư ký gửi thông báo cho các Quốc gia thành viên,
nếu ít nhất một phần ba số Quốc gia thành viên ủng hộ việc triệu tập hội
nghị, thì Tổng thư ký sẽ triệu tập một hội nghị dưới sự bảo trợ của
Liên Hợp Quốc. Bất kỳ sự sửa đổi nào được đa số Quốc gia thành viên có
mặt và bỏ phiếu thông qua tại hội nghị sẽ được Tổng thư ký gửi cho tất
cả các Quốc gia thành viên để chấp thuận.
2. Mọi sửa đổi được thông qua theo khoản 1 điều này sẽ có hiệu lực
khi được 2/3 Quốc gia thành viên Công ước này thông báo với Tổng thư ký
Liên Hợp Quốc rằng họ chấp thuận sửa đổi đó theo trình tự pháp luật
tương ứng của họ.
3. Khi sửa đổi có hiệu lực, nó sẽ ràng buộc các Quốc gia thành viên
đã chấp thuận sửa đổi đó, các Quốc gia thành viên khác vẫn bị ràng buộc
bởi các quy định của Công ước này và bất kỳ sửa đổi nào mà họ đã chấp
thuận trước đây.
Điều 30.
1. Mọi tranh chấp giữa hai hay nhiều Quốc gia thành viên liên quan
đến việc giải thích hay áp dụng Công ước này mà không thể giải quyết
bằng thương lượng sẽ được đưa ra trọng tài theo yêu cầu của một trong số
các Quốc gia thành viên đó. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày yêu cầu
đưa ra trọng tài mà các bên vẫn không thể thoả thuận được về tổ chức
trọng tài, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đề nghị đưa tranh chấp ra Toà
án Công lý quốc tế, phù hợp với quy chế của Toà.
2. Mỗi quốc gia có thể, vào lúc ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước
này, tuyên bố rằng quốc gia đó không bị ràng buộc bởi khoản 1 điều này.
Các Quốc gia thành viên khác sẽ không bị ràng buộc bởi khoản 1 điều này
đối với các Quốc gia thành viên có tuyên bố như vậy.
3. Quốc gia thành viên đã đưa ra bảo lưu theo khoản 2 điều này có thể
tuyên bố vào bất cứ lúc nào việc rút bảo lưu đó bằng cách thông báo cho
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Điều 31.
1. Quốc gia thành viên có thể rút khỏi Công ước này bằng cách gửi
thông báo bằng văn bản cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Việc bãi ước sẽ có
hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận được
thông báo.
2. Việc bãi ước như vậy không miễn cho Quốc gia thành viên liên quan
các nghĩa vụ theo Công ước này đối với bất kỳ hành động hoặc không hành
động nào xảy ra trước ngày bãi ước có hiệu lực, cũng như không ảnh hưởng
tới việc tiếp tục xem xét những vấn đề đang được Ủy ban xem xét trước
ngày bãi ước có hiệu lực.
3. Từ ngày tuyên bố bãi ước của một Quốc gia thành viên có hiệu lực,
Ủy ban sẽ ngừng xem xét bất kỳ một thông cáo mới nào liên quan tới quốc
gia ấy.
Điều 32.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả các Quốc gia thành
viên Liên Hợp Quốc và tất cả các quốc gia đã ký hoặc gia nhập Công ước
này những vấn đề sau:
1. Việc ký, phê chuẩn và gia nhập theo Điều 25 và 26.
2. Ngày Công ước có hiệu lực theo Điều 27 và ngày những sửa đổi có hiệu lực theo Điều 29.
3. Việc bãi ước theo Điều 31.
Điều 31.
1. Công ước này được làm bằng tiếng Ả-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng
Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá
trị như nhau và sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
2. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các bản sao có chứng thực của công ước tới tất cả các quốc gia.
Nguồn: Nhân Quyền Việt Nam