Nguyễn Văn Tuấn
Chỉ còn vài giờ nữa là kết thúc năm 2014. Nói ra thì chắc cũng thừa,
nhưng vẫn phải nói rằng 12 tháng qua là thời gian đầy biến động trên thế
giới và Việt Nam. Nhân dịp này, tôi muốn ôn lại những biến động đó để
chúng ta cùng suy nghiệm.
Quốc tế
1. Nhà nước Hồi giáo. Sự kiện mang tầm quốc tế trong năm 2014 được nhiều người nhắc đến là nhóm "Nhà nước Hồi Giáo" (IS) ra đời và gây nhiều kinh hoàng cho cả một vùng. Khi Mĩ rút khỏi Iraq vào năm 2011, họ nghĩ rằng họ đã làm xong "nhiệm vụ quốc tế", nhưng có ai ngờ 3 năm sau (2014) nhóm Hồi Giáo IS nổi dậy. Đây là một nhóm phiến quân có gốc là al-Qaeda ở Iraq. Cho đến nay, họ có hàng ngàn tay súng chiến đấu chống lại chính quyền Iraq, Syria, và vài nước trong vùng. Bằng những cách giết người một cách man rợ, bọn IS đã làm cho cả thế giới phải bận tâm và tốn nhiều công sức lẫn tiền bạc để khống chế chúng. Mĩ phải gửi sang đó 3000 quân để chống lại IS, nhưng dù tốn hàng tỉ USD, tình hình vẫn chưa được kiểm soát. Trong khi đó, hàng ngàn tay súng từ Âu châu, Mĩ, Úc, Canada, v.v. sẵn sàng tự nguyện đi Trung Đông để chiến đấu dưới lá cờ IS.
1. Nhà nước Hồi giáo. Sự kiện mang tầm quốc tế trong năm 2014 được nhiều người nhắc đến là nhóm "Nhà nước Hồi Giáo" (IS) ra đời và gây nhiều kinh hoàng cho cả một vùng. Khi Mĩ rút khỏi Iraq vào năm 2011, họ nghĩ rằng họ đã làm xong "nhiệm vụ quốc tế", nhưng có ai ngờ 3 năm sau (2014) nhóm Hồi Giáo IS nổi dậy. Đây là một nhóm phiến quân có gốc là al-Qaeda ở Iraq. Cho đến nay, họ có hàng ngàn tay súng chiến đấu chống lại chính quyền Iraq, Syria, và vài nước trong vùng. Bằng những cách giết người một cách man rợ, bọn IS đã làm cho cả thế giới phải bận tâm và tốn nhiều công sức lẫn tiền bạc để khống chế chúng. Mĩ phải gửi sang đó 3000 quân để chống lại IS, nhưng dù tốn hàng tỉ USD, tình hình vẫn chưa được kiểm soát. Trong khi đó, hàng ngàn tay súng từ Âu châu, Mĩ, Úc, Canada, v.v. sẵn sàng tự nguyện đi Trung Đông để chiến đấu dưới lá cờ IS.
2. Biểu tình vì dân chủ ở Hồng Kông nổ ra nhân dịp
tưởng niệm 25 năm ngày tàn sát ở Thiên An Môn. Ngày 26/9/2014, giới trẻ
Hồng Kông xuống đường phản đối sự áp đặt của Bắc Kinh, dưới sự chủ xướng
của một sinh viên 17 tuổi tên là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong). Tuy
cuộc biểu tình không hẳn là thành công, nhưng nó nói lên tinh thần dân
chủ của tuổi trẻ Hồng Kông.Năm 15 tuổi, Hoàng Chi Phong và các bạn học
đã khởi xướng phong trào Scholarism (Học Dân Tư Triều) và thành công
ngăn chận việc Bắc Kinh muốn đưa vào chương trình giáo dục phải trung
thành với Tàu cộng (có lẽ giống như yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa),
mà thực chất là chính trị hoá giáo dục. Hoàng Chi Phong nói về chương
trình mà Bắc Kinh muốn đưa vào giáo dục rằng "Đó là một môn học rất
thiếu tính khách quan. Không thể nào tự hào khi những người như bị cầm
tù như Liu Xiabo (giải Nobel) và Ai Weiwei (nghệ sĩ) và những xì căng
đan về sữa." Cuối cùng thì chính quyền Bắc Kinh phải rút lui trước sự
phản đối của học sinh và sinh viên có lúc lên đến hàng trăm ngàn người.
Trong cuộc biểu tình Hoàng Chi Phong nói một câu chí lí về tuổi trẻ
"Tương lai của Hồng Kông tùy thuộc vào bạn, bạn và bạn". Câu này làm tôi
nhớ đến huấn thị gần đây của ngài tổng bí thư đối với thanh niên VN:
"thanh niên ngày nay luôn trung thành tuyệt đối và tin tưởng vào sự lãnh
đạo của Đảng […] Có 'tâm' là có lòng yêu nước, yêu chế độ […] Tuyên
truyền để thanh niên hiểu và đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn
'diễn biến hoà bình' của các thế lực thù địch; đẩy mạnh việc học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (1).
3. Mĩ và Cuba bình thường hoá quan hệ ngoại giao.
Sau 18 tháng thương thảo, Mĩ đồng ý bỏ cấm vận đối với Cuba, một trong
những nước theo đuổi chủ nghĩa cộng sản sau cùng trên thế giới. Quyết
định dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba được xem là một quyết định mang tính lịch
sử, vì Cuba đã bị Mĩ cấm vận gần nửa thế kỉ. Cuba là một "bạn" thân của
Việt Nam, như có người ví von như là anh em. Do đó, sau khi Mĩ dỡ bỏ
lệnh cấm vận, báo chí VN rất hào hứng nói xách mé Mĩ như "Toàn cầu hoá
giúp Cuba vô hiệu lệnh cấm vận của Mĩ", "Sự lỗi thời của một lệnh cấm
vận", "Đại hội đồng LHQ lên án Mỹ cấm vận Cuba", v.v.
4. Giá dầu giảm. Những ngày cuối năm chúng ta chứng
kiến giá dầu giảm. Chỉ mới vào tháng 7/2014, giá dầu thô là khoảng 100
USD/thùng, nhưng ngày nay chỉ còn 60 USD/thùng. Một số chuyên gia còn dự
đoán rằng giá này có thể giảm xuống chỉ còn $50/thùng. Tôi không rõ mấy
tại sao giá dầu giảm nhanh như thế, chỉ biết là do công nghệ khai thác
dầu mới của Mĩ làm cho giá thành giảm thấp, nguồn cung cấp dầu càng ngày
càng nhiều, và nhu cầu dầu thì giảm.
5. Nước Nga suy thoái? Một trong những nước bị ảnh
hưởng thê thảm vì giảm giá dầu là Nga. Đồng rúp bị mất giá gần 50%. GDP
của Nga từng có con số 2000 tỉ USD, nhưng sự suy giảm hối suất đồng rúp
làm cho GDP chỉ còn 1000 USD! Các chuyên gia tiên đoán rằng kinh tế của
Nga khó thoát khỏi suy thoái. Thật ra, tình hình ở Nga có vẻ rất bi đát.
Chúng ta nhớ rằng vào tháng 3/2014, Nga quyết định sáp nhập vùng Crimea
(của Ukraina?) vào nước Nga, và việc làm này của Putin làm cho cả thế
giới nổi giận. Nga bị trừng phạt và cô lập. Putin đi đâu cũng bị chỉ
trích và chẳng ai muốn nói chuyện.
6. Tai nạn máy bay. Ngày 7/3/2014 chiếc máy bay
Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia mang kí hiệu MH370 mất tích mang
theo 227 hành khách và 12 phi hành đoàn. Mặc dù nỗ lực tìm kiếm của hơn
10 quốc gia, nhưng cho đến nay, chiếc máy bay vẫn biệt vô âm tính.
MH370 trở thành một biến cố bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không dân
dụng.
Hãng hàng không Malaysia quả thật không may. Sau vụ MH370, chỉ 131
ngày sau, vào ngày 17/7/2014, lại thêm một chiếc máy bay, cũng Boeing
777, mang kí hiệu MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Ukraina, gây thiệt mạng
cho 298 người hành khácj và phi hành đoàn.
Đến cuối năm, ngày 28/12/2014, một chiếc máy bay Airbus 320 của hãng
hàng không giá rẻ AirAsia (Indonesia) mang kí hiệu QZ8501 bị mất tích,
đem theo 162 hành khách và phi hành đoàn. Tin mới nhất cho biết máy bay
rơi ở vùng biển Java thuộc hải phận Nam Dương.
Tuy tai nạn máy bay xảy ra khá dồn dập năm nay, nhưng các chuyên gia
cho biết hàng không vẫn là phương tiện an toàn nhất. So với 20 năm
trước, hàng không ngày nay an toàn gấp 3 lần. Do đó, không vì vài vụ tai
nạn "high profile" mà sợ không đi máy bay.
7. Dịch Ebola. Không thể bỏ qua trận dịch Ebola
hoành hành cả thế giới Phi châu trong năm 2014. Ebola là bệnh "hung dữ"
hơn cả AIDS. Khởi đầu từ vùng Tây Phi châu, dịch Ebola đã lan truyền
sang nhiều nước, gây tử vong cho khoảng 8000 người, chủ yếu là ở Phi
châu. Thống kê cho biết ở những người bị nhiễm tỉ lệ tử vong là 50%
(trước đây, con số dao động trong 25-90%). Dịch Ebola nhắc cho chúng ta
rằng thời đại này các bệnh truyền nhiễm vẫn còn là một mối đe doạ mang
tính toàn cầu, và VN chắc chắn không phải là một ngoại lệ.
8. Giải Nobel y học trao cho công trình định vị.
Tháng 10/2014, 3 nhà khoa học được trao giải Nobel y học năm 2014 là
giáo sư John O'Keefe (người Anh) và hai vợ chồng giáo sư May-Britt Moser
và Edvard Moser (người Na Uy). May-Britt là người phụ nữ thứ 11 được
trao giải Nobel y sinh học trong lịch sử giải này. Sau những khám phá về
cấu trúc di truyền, cơ chế vận hành của gen và sinh học phân tử, khoa
học ngày càng tiến sâu vào một lĩnh vực thường được xem là bí ẩn nhất và
huyền bí nhất trong cơ thể con người: bộ não và những nguyên lý vận
hành của não. Một bộ môn khoa học mới ra đời và gần như độc lập với y
sinh học có tên là thần kinh học (neuroscience). Năm nay, giải thưởng
Nobel y sinh học được trao cho những công trình có giá trị thực tế và
giúp chúng ta hiểu về chính chúng ta hơn, điều mà Ủy ban Nobel ví von là
“định vị” (GPS).
Việt Nam
9. Giàn khoan HD-981. Đối với VN, có lẽ sự kiện tốn
nhiều giấy mực và công sức của người dân là giàn khoan HD-981. Ngày
1/5/2014, Tàu cộng đưa giàn khoan khổng lồ mang mã số "Hải Dương 981"
vào vùng biển Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong khi Chính
phủ VN gần như im lặng trong thời gian đầu thì hàng trăm người dân xuống
đường phản đối. Báo chí thế giới không mấy quan tâm đến vấn đề. Sau một
thời gian hoạt động và va chạm giữa Tàu và VN trên biển, ngày
17/7/2014, Tàu cộng chính thức rút giàn khoan. Chúng đến cũng như chúng
đi một cách bình thản. Nhưng sự hiện diện của HD-981 trong suốt hơn 3
tháng là một thách thức nghiêm trọng đến chủ quyền của VN, và để lại một
vết thương lòng cho người Việt.
Vụ giàn khoan HD-981 làm cho công chúng VN phẫn nộ. Một số người
xuống đường phản đối chính sách xâm lược của Tàu. Nhưng chẳng hiểu do
một tình huống nào mà bạo động xảy ra ở Bình Dương và Vũng Án vào tháng
5/2014, với hành trăm doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật và VN bị phá
hoại. Để chuẩn bị cho chuyến đi của đặc phái viên của ngài tổng bí thư
đảng CSVN sang Tàu, viên phát ngôn ngoại giao VN với giọng văn thành
khẩn cho biết: “Phía Việt Nam lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công
nhân TQ trong tháng 5 vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số
công nhân TQ bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này. […] Hội hữu
nghị Việt – Trung sẽ cử đoàn sang TQ thăm hỏi một số gia đình đại diện
cho những người bị nạn”. Ông Trần Kinh Nghị, một cựu quan chức ngoại
giao, phải thốt lên: “Kẻ cướp bỗng chốc biến thành nạn nhân và nạn nhân
phải sang nhà kẻ cướp để xin chia buồn và bồi thường thiệt hại!”
Càng đau hơn khi trong thời gian khủng hoảng, Dương Khiết Trì sang
"thăm" VN, và khi về Tàu, hắn tuyên bố rằng VN là một đứa con hoang
đàng. Tên Dương Khiết Trì còn kêu gọi VN nên quay về đất mẹ Tàu! Các
giới chức và lãnh đạo VN im lặng trước lời nói trịch thượng này của tên
Dương.
12. Lấy phiếu tín nhiệm. Tháng 11/2014, Quốc Hội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Chính phủ lần thứ 2. Kết quả năm nay và so sánh với năm ngoái thì thấy một xu hướng rất thú vị: 16 (35%) người có điểm giảm, 2 người không thay đổi, và 28 người (61%) có điểm gia tăng. Phóng viên Reuter mỉa mai gọi cách lấy phiếu như thế này là phường tuồng. Người có điểm tăng "ấn tượng" nhất là ông Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình! Năm 2013 ông này đứng cuối bảng, nhưng chẳng hiểu sao năm 2014, ông này có điểm tăng vọt. Người kế tiếp có điểm tăng cao là ông Đinh La Thăng, Nguyễn Tấn Dũng, Trịnh Đình Dũng, Bùi Quang Vinh, và Nguyễn Xuân Phúc. Người có điểm giảm mạnh nhất là ông Nguyễn Thái Bình. Một người trước đây từng có điểm rất thấp là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến năm nay càng giảm hơn. Bà Kim Tiến có đến 192 phiếu (tức 40%) "tín nhiệm thấp". Tóm lại, điểm tín nhiệm năm nay (2014) tuy có khá hơn so với năm trước, nhưng mức độ cải tiến còn quá khiêm tốn.
13. Tham nhũng. VN bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp
hạng tham nhũng hàng 116 trên 177 nước trên thế giới. Nói cho công bằng,
chính quyền cũng muốn chống tham nhũng. Trên "mặt trận" chống tham
nhũng năm 2014 ghi nhận vài sự kiện đáng chú ý. Ông Nguyễn Bá Thanh,
trưởng ban Nội chính trung ương, sau một thời gian ngắn nhậm chức, ông
bị bệnh và phải đi điều trị ở Mĩ. Tin đồn rằng ông bị đầu độc, bị ung
thư máu, thậm chí đã qua đời! Nhưng các quan chức đã chính thức bác bỏ
tin đồn ông chết.
Ông cựu tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nổi tiếng là người
có nhiều tài sản khủng. Báo chí tốn rất nhiều mực giấy cho trường hợp
ông Truyền, nhưng không ai dám nói ông là quan tham nhũng. Thật ra, hai
chữ "tham nhũng" không bao giờ được báo chí lề phải dùng cho ông! Qua vụ
ông Truyền, công chúng mới phát hiện hàng chục vụ quan chức cao cấp
cũng lợi dụng nhà công, hoặc có nhiều tài sản khủng. Tuy nhiên, ông
Truyền chỉ bị "kỉ luật bằng hình thức cảnh cáo". Một trong những người
đình đám và giàu có là ông Lê Thanh Cung (chủ tịch tỉnh Bình Dương) có
vài mâu thuẫn với ông Huỳnh Uy Dũng. Tin mới nhất cho biết ông Cung đã
bị bãi nhiệm. Nhưng những lùm xùm xảy ra giữa ông Cung và ông Dũng cho
thấy môi trường kinh doanh ở VN còn rất nhiều bất trắc vì những "ông
vua" địa phương.
14. [Bất] an dân. Nguyễn Trãi, trong "Bình Ngô Đại
Cáo" từng viết rằng "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân" để nói rằng sự an dân
quan trọng như thế nào cho sự tồn tại của một thể chế, quốc gia. Nhưng
trong năm qua, có thể nói là lòng dân có vẻ bất an. Rất nhiều "dân oan"
trên khắp nước. Họ tập trung về Hà Nội, Sài Gòn, nhưng chẳng ai giải
quyết. Cần nói thêm rằng VN là nước duy nhất có "dân oan".
Ngoài "dân oan" ra, còn có rất nhiều vụ án oan. Tử tù Hồ Duy Hải tạm
thoát chết vì những khuất tất trong vụ án. Tuy nhiên, qua vụ [có thể] án
oan của Hồ Duy Hải, công chúng còn được biết một số vụ khác cũng có thể
oan khiên, mà nổi tiêng là vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Tất cả các vụ này
nói lên hệ thống tư pháp của VN còn quá nhiều vấn đề và tạo ra rất nhiều
án oan cho người dân trong quá khứ cũng như hiện nay.
Trong cuộc sống hàng ngày, người dân cũng cảm thấy bất an. Thực phẩm
độc hại tràn ngập từ Tàu với sự tiếp tay của gian thương Việt Nam.
Chuyện cướp của, giết người xảy ra gần như hàng ngày. Một iPhone dỏm
cũng có thể làm cho chủ nhân mất mạng. Bệnh viện tưởng là nơi an toàn
nhưng cũng xảy ra bạo động. Những cái chết nhức nhối liên quan đến tiêm
vaccine vẫn xảy ra hết năm này sang năm khác. Hàng nhái, hàng dỏm từ Tàu
làm cho kĩ nghệ trong nước chết dở sống dở.
Kinh tế
15. Nợ nần. Bức tranh kinh tế VN trong năm 2014
chẳng có gì sáng sủa. Nợ công vẫn là một mối đe doạ lớn. Có vẻ chẳng ai
biết nợ công chính thức của VN là bao nhiêu, vì các chuyên gia bất đồng
về định nghĩa và con số. Chính phủ thì báo cáo rằng nợ công của VN chiếm
khoảng 54% GDP, tức là còn ở ngưỡng an toàn. Nhưng các chuyên gia độc
lập thì nói con số cao hơn nhiều và ở mức báo động đỏ (tức là sắp vỡ
nợ?) (2). Mỗi một đứa trẻ mới ra đời ở VN hiện nay phải gánh một món nợ
công 1000 USD.
16. Doanh nghiệp giải thể. Theo thống kê mới nhất, trong năm 2014 có gần 68,000 doanh nghiệp đóng cửa. Con số này tăng gần 15% so với năm 2013. Thế nhưng báo cáo Chính phủ cho biết nền kinh tế tăng 5.9% so với năm ngoái!
17. Bộ máy hành chính "ngốn" ngân sách. Chủ tịch
Trương Tấn Sang cho biết “Hiện thu ngân sách không đủ chi thường xuyên
và trả nợ đến hạn, do đó phải tiếp tục vay trong bối cảnh bội chi đã
chạm ngưỡng an toàn rồi”. Tại sao? Ông cho biết ngân sách phải nuôi một
đội quân công viên chức khổng lồ, gồm 6.2 triệu người (tính cả 1.2 triệu
cán bộ nhân viên cấp xã, nửa triệu cán bộ nhân viên cấp huyện, 2.5
triệu cán bộ 'sự nghiệp', 2 triệu 'diện chính sách'). Số tiền trả mấy
người hành chính này chiếm 70% ngân sách (3). Ngân sách của năm 2014 là
khoảng 28 tỉ USD.
18. Tai nạn giao thông. Một trong những vấn đề nhức
nhối của VN vẫn là tai nạn giao thông. Chỉ 9 tháng đầu năm 2014 mà đã có
18,697 tai nạn giao thông, làm chết 6758 người, và gây thương tích cho
17835 người (6). Tình hình vẫn chưa có dấu hiệu gì cải tiến.
19. Tình hình khoa học cũng chẳng có điểm sáng đáng chú ý.
Số ấn phẩm công bố trên các tập san trong danh mục ISI trong năm 2014
của Việt Nam là khoảng 2822 (số ước tính) (4). Con số này vẫn thấp hơn
so với Thái Lan (7020 bài), Mã Lai (10437), và càng khiêm tốn khi so với
các cường quốc khoa học trong vùng như Singapore (12351), Đài Loan
(28352), Hàn Quốc (54722). Điều đáng mừng và Việt Nam đã vượt qua và
đang bỏ xa Nam Dương (1747) và Phi Luật Tân (1202). Về chất lượng thì
công bố khoa học của VN vẫn còn rất thấp so với các nước trong vùng (5).
Bao giờ VN sẽ bằng Thái Lan? Với đà tăng trưởng hiện nay, tôi tiên
đoán rằng đến năm 2018 VN sẽ bằng Thái Lan năm 2010 (tức đạt con số
~5500 bài). Đến năm 2021, Việt Nam và Thái Lan có thể có số ấn phẩm
ngang nhau (~9500 bài). Nhưng để đuổi kịp Mã Lai thì hơi … khó. Với tốc
độ hiện nay, phải đến 2029 thì VN mới bằng Mã Lai!
20. Tự do học thuật: dẫm chân tại chỗ. Việc Trường
đại học Sư Phạm Hà Nội rút lại văn bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên là một sự
kiện đáng quan tâm. Cần nhắc lại rằng 3 năm trước, luận văn của Nhã
Thuyên đã được duyệt xét bởi một hội đồng chuyên môn và được cho điểm
tuyệt đối 10/10. Thế nhưng đùng một cái người ta rút lại bằng cấp! Theo
Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo thì giữa năm 2013 hai nhà phê bình văn học
Chu Giang và Phong Lê tố cáo rằng luận án của Nhã Thuyên là “phản động
chống đảng, muốn lật đổ chủ nghĩa xã hội và đảng cộng sản, rằng Khoa Văn
trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một ổ phản động”. Do đó, việc rút lại
bằng cấp của Nhã Thuyên là một việc làm bất bình thường trong thế giới
đại học.
Trong thế giới đại học, bằng cấp chỉ bị rút lại khi luận văn đó có dữ
liệu được nguỵ tạo hay tác phẩm không phải của ứng viên (như đạo văn).
Nhưng ở đây, lí do rút bằng cấp chẳng liên quan gì đến đạo văn hay nguỵ
tạo dữ liệu, mà liên quan đến ý thức hệ và một nhóm văn học có thể nói
là “bên lề” sinh hoạt văn học “chính thống”. Toàn bộ sự việc một lần nữa
nói lên rằng tự do học thuật, đặc biệt trong khoa học xã hội và nhân
văn, ở VN vẫn còn là cái gì đó thuộc vào loại xa xỉ.
21. Sách mới đáng đọc. Một sự kiện văn học đáng được
ghi nhận trong năm 2014 là hai cuốn sách "Đèn Cù" (của Trần Đĩnh) và "
Những lời trăng trối" (của Trần Đức Thảo) (7). Cuốn Đèn Cù tiết lộ những
chuyện thâm cung bí sử liên quan đến các nhân vật lãnh đạo ở miền Bắc
trước 1975. Còn cuốn "Những lời trăng trối" là những kiến giải theo tôi
là sâu sắc về chế độ và những phân tích tâm lí rất đáng học hỏi. Những
kiến giải đó chỉ để tác giả kết luận rằng "Chính ông Marx đã sai", và
"không một ai muốn phấn đấu để trở thành con người vô sản" (8). Cả hai
cuốn sách đều nói về chế độ cộng sản cùng những con người trong chế độ
đó, và qua đó chúng ta có thể giải thích tại sao VN bị lệ thuộc vào Tàu
suốt mấy mươi năm qua và tại sao VN vẫn còn ở dưới đáy của bậc thang
phát triển như hiện nay và có thể cả tương lai.
22. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa qua đời vào 18/12/2014,
thọ 80 tuổi. Ông là tác giả cuốn sách nổi tiếng "Chuyện kể năm 2000",
kể lại thời gian bị tù đày của chính ông. Theo đánh giá của Nhà phê bình
văn học Đặng Tiến, "'Chuyện kể năm 2000' là một biến cố văn học, không
phải vì nò bị nhà nước tịch thu, nhưng nhờ giá trị tự tại của nó, trong
một đất nước chưa có xã hội văn học chân chính theo đúng nghĩa của một
xã hội văn học. Giá trị của một cáo trạng dũng cảm, tố giác một xã hội
toàn trị đặt trên cơ sở guồng máy công an." (9)
23. Thả và bắt. Không thể không nhắc đến sự kiện đáng chú ý vào những ngày cuối năm liên quan đến các blogger. Người tù lương tâm nổi tiếng và cũng là một blogger là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị chính quyền trục xuất sang Mĩ. Thả ông Hải thì chính quyền bắt một số blogger khác. Một blogger nổi tiếng khác là "Anh Ba Sàm" Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thuý bị bắt giam vì Điều luật 258. Tiếp theo Anh Ba Sàm, blogger "Người Lót Gạch" Hồng Lê Thọ và Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng bị bắt vì Điều 258 hay 88. Đến cuối năm, một blogger khác tên là Nguyễn Ngọc Già cũng bị bắt. Tất nhiên, chưa kể đến Trương Duy Nhất vẫn còn bị giam cầm. Tất cả những blogger này có thái độ chống sự xâm lăng của Tàu.
Đầu năm nay (ngày 11/2/2014) Bà Bùi Thị Minh Hằng và hai người khác
là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị bắt ở Cao Lãnh
theo điều 245 Bộ Luật hình sự. Mãi đến ngày 26/8/2014 người ta mới đưa 3
người ra toà, và trong một phiên toà chớp nhoáng, toà án Đồng Tháp
tuyên án 3 năm tù giam vì tội danh “gây cản trở giao thông”. Bà Minh
Hằng lãnh mức án tối đa (vì theo luật người bị tội này có mức án từ 3
tháng đến 3 năm). Ngày 12/12/2014, ba người kháng án, và nhưng toà vẫn y
án đối với họ. Bà Minh Hằng là một trong những người tích cực xuống
đường chống chính quyền Tàu.
24. Một sự kiện blog đáng chú ý trong năm là sự xuất hiện của blog "Chân dung quyền lực".
Blog này cũng như "Quan làm báo" trước đây đã tung ra nhiều tài liệu và
thông tin về các lãnh đạo hiện hành, tuy nhiên rất khó biết thông tin
của họ chính xác cỡ nào. Giới lãnh đạo lần này đã thẳng thừng bác bỏ các
thông tin mà họ cho là gây cho rẽ lãnh đạo. Nhưng trớ trêu thay, khi
lãnh đạo lên tiếng về một trang blog thì trang đó lại càng … nổi tiếng!
25. Viện Khổng Tử. Một sự kiện chú ý là Tàu đã khai trương Viện Khổng Tử tại Hà Nội. Ngày 27/12/2014 Du Chính Thanh nhân dịp sang thăm VN trước đại hội đảng đã khánh thành Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội. Các học giả trong nước tỏ vẻ quan tâm và nghi ngờ đến hoạt động của Viện Khổng Tử ở VN.
****
Có lẽ tôi chưa điểm hết (vì không nhớ hết) những sự kiện trong năm
qua, nhưng hi vọng những thông tin trên cũng phần nào nói lên tình hình
chung. Có lẽ một số bạn sẽ nói tôi nhìn toàn thấy những "vết đen" mà
không thấy điểm sáng. Rất có thể như thế, nhưng tôi nghĩ ngay cả những
điểm đen mà tôi nhận ra hình như vẫn còn quá ít.
Nói chung, năm 2014 có quá nhiều biến động làm cho người bi quan thấy
thế giới càng ngày càng bất an hơn. Sự tàn bạo và man rợ của nhóm IS
càng làm cho nhiều người thấy những dự báo về sự xung độ giữa Hồi giáo
và phương Tây của học giả Samuel Huntington có thể trở thành hiện thực.
Một kết cục có thể nói là "tích cực" là sự huỷ bỏ cấm vận đối với Cuba.
Đây là một quyết định mang tính lịch sử của Tổng thống Obama, được nhiều
người khen ngợi. Duy chỉ có Việt Nam thì vẫn quen thói nói xách mé, có
lẽ vì cảm tình dành cho Cuba nặng hơn dành cho Mĩ.
Riêng tình hình VN thì năm 2014 không có gì đáng để nêu là thành tựu
nổi bật. Những vấn đề liên quan đến thể chế vẫn còn y nguyên, không có
cải tiến. Tình hình tham nhũng không suy giảm mà có chiều hương gia
tăng. Kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều "khó khăn", với nợ công càng ngày
càng chồng chất. Giáo dục, khoa học và y tế vẫn chưa có những nét sáng
để bàn đến. Trong khi đó tình hình đạo đức xã hội càng ngày càng suy
thoái (hay suy đồi?) theo thời gian. Việt Nam thường nhìn Hàn Quốc như
là một mục tiêu phấn đấu, nhưng với tình trạng trì trệ như hiện nay, thì
ngay cả mục tiêu phấn đấu bằng Thái Lan đã là một mục tiêu xa vời, khó
đạt được. Cuối cùng thì VN vẫn là một nước nghèo, và đang sa vào cái bẫy
thu nhập trung bình. Nói một cách ví von là VN là một nước chưa giàu mà
đã già nua.
Nhân dịp Năm Mới, tôi mến chúc các bạn xa gần một năm 2015 nhiều may mắn và hanh thông.
====