Cánh cò
Năm 2015 đến với một loạt sự kiện làm người có theo dõi sinh hoạt chính
trị của đất nước không ít băn khoăn. Có cái gì đó đang cuồn cuộn chảy
bên dưới xã hội mà sức chấn động của nó không khó để nhận ra. Tháng cuối
năm là sự bắt bớ liên tiếp các nhà văn, blogger và người viết bài nhận
định chính trị. Qua năm mới là sự ồn ào của trang web “Chân dung quyền
lực” với hình ảnh của Nguyễn Bá Thanh ngồi xanh xao trên giường bệnh
chờ ngày về nước. Hình ảnh này chiếu lại những thước phim về Giáo Xứ Cồn
Dầu về những gì mà con hùm Quảng Đà đã từng làm, từng nói khi chưa rời
khỏi lãnh địa của mình.
Người
dân Đà Nẵng xôn xao. Người dân cả nước giật mình vì trang mạng có một
không hai này. Người bên ngoài lẫn bên trong đảng cùng có một kết luận:
Đây là sự đấu đá nội bộ và trang Chân dung quyền lực là của cấp cao nhất
trong tứ trụ lập ra nhằm bôi xấu, lật tẩy, định hướng dư luận các khuôn
mặt bẩn thỉu trong cái khung quyền lực đang hiện hữu tại Việt Nam.
Người đọc nó thoải mái không bị tường lửa. Người khen kẻ chê nó không bị
công an khó dễ hạnh họe. Người lấy nó làm bằng chứng cho một mưu đồ
chính trị được dư luận đồng tình vì nó nói những điều có thật. Nó nói
hôm trước thì hôm sau các tờ báo chính thống chạy theo loan tin phi cơ
chở Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng với sự chuẩn bị của an ninh phi trường.
Và nó được an ninh phi trường khẳng định họ đã lấy tin từ mạng tức từ
…Chân dung quyền lực!
Lịch sử chưa từng có chuyện nào tương tự như vậy khi cộng sản là thành
trì của bưng bít và xử lý thông tin. Chân dung quyền lực ung dung loan
những gì mà nó có và phía sau nó là một đội ngũ báo chí sẵn sàng tiếp
tay làm cho nó được tung ra rộng rãi hơn trong nhân dân. Gia đình ông
Nguyễn Bá Thanh không cần chờ tin từ Ban bí thư trung ương mới biết số
phận của chồng, cha của họ. Căn nhà số 189 đường Cách Mạng Tháng 8 thành
phố Đà Nẵng vẫn cửa đóng then cài nhưng bên trong biết bao là sóng gió
vì cái tin chủ nhân của nó bị đầu độc.
Người đầu độc con hùm xứ Quảng lại là một tay xứ Quảng khác: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đau gì mà đau lắm thế này.
Những tưởng cả nước có hai người đại diện cho cái xẻo miền Trung thì
phải thương yêu nhau, ngờ đâu lại trở mặt hại nhau thì còn ra cái chi?
Thì ra trong chính trị con người sẵn sàng trở mặt để làm thú dữ vì bả
đỉnh chung. Khác với ngoài đời, khác với những người được âu yếm gọi là
nhân dân tuy nghèo nàn và cùng quẫn họ vẫn nương tay với nhau chăng?
Có lẽ đúng và cũng có lẽ không đúng.
Nếu “bả lợi danh” trong môi trường chính trị khiến kẻ nào theo đuổi nó
dễ mất nhân tính, đi đến chỗ hạ thủ đồng chí của mình thì ngoài đời “bả
chó” lại giết người dùng nó không chút nương tay.
Trong ngày đầu năm báo chí loan tin: Ngày 02/01/2015 tại Khu du lịch
sinh thái Hồ Khe Chè, Xã An Sinh huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh hàng
trăm người dân đã đánh hội đồng 2 người đàn ông mà họ nghi là trộm chó
khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng.
Trộm chó thì cần có “bả chó” mới “gây mê” được cho “đối tượng”. Những
miếng bả chó đã từng giết bao nhiêu kẻ trộm chó trên khắp miền Bắc đã
minh họa được một điều quan trọng: người xứ Bắc không khoan nhượng với
đồng loại. Chỉ một con chó bị ăn cắp họ chấp nhận giết người mà là giết
người tập thể, giết xong hàng trăm người vỗ ngực là chính mình giết.
Giết kẻ trộm chó đối với họ là vinh quang là công lý. Và không gì làm
cho cái vinh quang, công lý ấy ngừng lại.
Người miền Bắc hình như bị nhiễm độc tập thể vì chính sách tung hô “máu”
của nhà nước qua các vần thơ đẫm máu của thời chiến tranh thần thánh mà
ông Tố Hữu là kẻ dẫn đầu:
Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu
Người vươn lên, như một thiên thần!
Hay:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Những giòng thơ máu mủ ấy, ngọn cờ đầu của đảng ấy đang trở thành bảo
tàng tại Hà Nội. Thơ giết người được giảng dạy trong nhà trường gần nửa
thế kỷ và hôm nay những giòng thơ máu ấy chảy tràn khắp miền Bắc.
Chỉ miền Bắc mới có hành động giết người công khai và liên tục như thế.
Từ tỉnh này sang tỉnh khác, kẻ trộm chó bị giết nằm lăn lóc như những
con chó không hơn kém và chính quyền vẫn chưa có một biện pháp nào khả
dĩ ngăn chặn được mức độ vô nhân này. Pháp luật tỏ ra là trò cười. Tất
cả các đơn vị hãnh diện mang trên mình sứ mệnh bảo vệ pháp luật đang
chằm chằm vào Chân dung quyền lực để chờ xem những màn thanh toán sẽ
diễn ra trong nội bộ tiếp theo. Miếng “bả chính trị” xem ra hấp dẫn hơn
“bả chó” vì nó đang được ném ra chốn công luận cho hơn ba triệu đảng
viên đánh giá. Đánh giá và tự hiểu nên đứng về phía nào, anh Ba hay anh
Tư, bác này hay bác kia…nhưng trong các bác các anh ấy không hề thấy anh
hay bác nhân dân. Lạ lắm.
Lạ hơn nữa là nhân dân miền nam, những người không được vinh dự đưa tay
hoan hô Tố Hữu lại chưa từng xảy ra vụ giết người bất nhân nào như ở
khắp các tỉnh miền Bắc.
Ngày cuối năm còn một cái tin “bất thường” làm cho không ít người rơi
lệ. Báo Tuổi Trẻ giật tít: “Dân Sài Gòn cởi áo cho kẻ trộm chống lạnh”.
Quả là dân Sài Gòn!
Câu chuyện xảy ra tại Phường 10 Quận 5. Một thanh niên trộm con heo dầu
bị phát hiện, sợ quá nhảy xuống kênh Tàu Hủ và người dân đứng đầy trên
cầu Nguyễn Tri Phương xem anh ta quýnh quáng bơi dưới dòng sông lạnh gắt
của ngày cuối năm. Thấy anh ta lạnh, vài người lôi anh ta lên và cởi áo
của mình cho anh ta mặc. Đơn giản chỉ có thế vậy mà trở nên “hot” hơn
bất cứ tin nào. Người miền Nam xem xong chặt lưỡi: chà! thì ai mà lại
không như vậy, thấy người ta có tội thì bắt còn lạnh hay đói thì phải
giúp chớ, con người với nhau mà.
Báo Tuổi Trẻ giật cái tít hay nhất trong … vài thập niên làm báo. “Dân
Sài Gòn” chứ không phải trống không là “Người dân”. Dân Sài Gòn có cái
căn cước của nó. Họ là những con người không bị nhồi sọ tới điên cuồng.
Họ biết nhường cơm xẻ áo. Họ biết thế nào là “bả chó” hay “bả lợi danh”
và nhanh chóng phân biệt được đâu là chính đâu là tà.
Niềm hy vọng về dân Sài Gòn khiến nhiều người phấn khích.
Và Chân dung quyền lực vì thế không tác động đến họ bao nhiêu vì tâm họ
đủ lớn để biết rằng miếng bả chính trị hay bả chó chỉ dành cho kẻ khác,
không phải cho dân Sài Gòn.
Cánh Cò
(Blog RFA)