Thuyết của Khổng tử nói về chánh trị thì chú trọng về vua
quan mà không nói đến dân, dân chỉ ngồi không mà nhờ người trên sắp đặt
lo liệu cho mình mà thôi.
Bài viết được cụ Huỳnh Thúc Kháng cho đăng hai lần trên báo Tiếng Dân số ra ngày 11-10-1930 và ngày 16-2-1939.
Chúng ta sinh gặp thời đại triết học khoa học thịnh hành này, cần
nhất là phải có cái trí não tự do phán đoán, bất kỳ là xưa nay Đông Tây,
điều gì mà hợp với chân lý và sự thực, thì cho là chân chính mà gắng
sức học theo; điều gì mà ta thấy chỗ mặc vọng trái với chân lý và sự
thực, thì nhất thiết cào bỏ cho sạch. Như vậy thì cõi tư tưởng ta may
khỏi bị cái gì ngăn đón che lấp mà được bước lên con đường tự do để làm
mẹ đẻ cho sự thực chăng.
Học thuyết Âu tây nhờ cái mối tư tưởng tự do mà phát đạt rất sớm. Tư
tưởng được tự do, nên phàm nhà hiểu biết, sáng lập và phát minh được
cái thuyết gì thì làm ra sách vở, công bố cho người đời tha hồ biện bác
phê bình. Nhờ lối biện bác phê bình ấy mà chân lý càng bày tỏ ra, không
bị cái gì che lấp. Thuở nay, các bậc hiền triết Âu tây tiếp chân nối
gót, vì chân lý mà dương cờ rung trống cùng cãi biện nhau, không những
vì chủ nghĩa lý thuyết không đồng nhau mà có sự biện bác ấy, mà dẫu cho
thầy trò bạn hữu đồng một học phái thường thường biện đi chiết lại để
đính chính những chỗ mậu ngộ bồi bổ những nơi khiếm khuyết cho học
thuyết được viên mãn hoàn toàn. Mỗi người đã lập một cái học thuyết thì
trong cõi tư tưởng chỉ lấy chân lý làm chủ mà không làm nô lệ cho ai.
Bởi vậy nên những điều gì hợp với chân lý thì cơ sở vững bền, không có
cái gì làm cho lay chuyển, mà những điều mậu ngộ nhất thiết phải tiêu
diệt. Học thuật Âu tây, có cái mãnh lực to lớn, đủ sức mà chuyển di được
thời thế, có công trong cuộc tiến hóa của lịch sử loài người, chính là
bởi cái đường tư tưởng tự do ấy mà đi thẳng tới, chứ không có gì lạ.
Học thuyết bên Á đông ta thì khác hẳn thế. Nói đến Á đông tất nhiên
trước kể nước Tàu, mà nói đến học thuật nước Tàu, tất nhiên trước kể
Khổng giáo. Học thuyết của Tàu thịnh nhất là đời Xuân Thu Chiến Quốc.
Khổng Giáo cũng là một học thuyết trong các học thuyết khác (như Mặc
học, Lão học v.v…) chứ không phải Khổng giáo là toàn hay mà các giáo
khác toàn dở. Sang từ đời Hán trở xuống, các nhà đế vương thấy Khổng
giáo có những lời tồn cổ trung quân, tiện lợi về đường chánh thế, chuyên
chế, nên biểu dương tôn sùng, nêu làm chánh học mà bãi truất các học
thuyết khác đi. Nhân đó lần lần bọn tục nho lại theo mà tô vẽ xuyên tạc.
Thực ra, chân tướng Khổng giáo đã bị chánh thể uốn vặn một phần, bị nhà
nho mấy đời sửa đổi một phần; chính ở nước Tàu là nơi Khổng giáo phát
nguyên mà sai lạc đã nhiều, huống ở nước ta học theo văn hóa Tàu lại
cách xa một bậc nữa. Ở ta thuở nay ai học chữ Hán tức tự nhận mình là
học trò ông Khổng, chứ có mấy ai rõ chân tướng Khổng giáo là thế nào
đâu! Những chuyện mạo tên không thực ấy, gần đây đã có kẻ bàn đến, không
phải nói nhiều.
Nhưng chân lý một ngày một phát hiện, từ có học thuyết Âu tây truyền
sang mà cái nền chánh học gọi là có một không hai bên Á đông này, cũng
bị ngọn triều cạnh tranh ưu thắng liệt bại chung kia nó lay chuyển, ký
giả cũng là một người vỡ lòng thì học Tử viết, vẫn nhận rằng nước ta mấy
trăm đời nay mà lập thành quốc gia, sống còn trên thế giới, cái công
Khổng giáo thật có phần lớn, chớ không phải nhứt vị mạt sát như hạng
người uống nước quên nguồn kia. Song theo câu Tây triết đã nói: ta yêu
thầy ta, ta càng yêu chân lý. Ký giả dám lầy lòng ngay thẳng mà nói thật
rằng: Thời đại ông Khổng cách thời đại này đã xa lắm rồi. Cứ xem hiện
tình thế giới ngày nay, không những cái mậu thuyết vu thác cho Khổng
giáo không thể tồn tại, mà chính chân tướng Khổng giáo ở vào thời đại
này cũng có điều thích, có điều không thích, ai có muốn hồi hộ cũng
không thể che đậy được. Vậy xin kể mấy điều khuyết điểm của Khổng giáo
như sau:
1. Đạo đức chỉ nói với số ít mà bỏ phần số nhiều thông thường:
Đạo đức cao thượng vẫn là đáng quí, song không thể buộc cả thảy
người đời đều theo lối khổ hạnh ấy, nền cần phải có con đường thông
thường để chỉ dẫn người đời. Khổng giáo dạy người đời rành nói chuyện
cao thượng, như nói “Lo đạo, chẳng lo ăn”, “ăn không cầu no, ở không cầu
yên”, “lấy điều ăn cực mặt xấu làm thẹn, không phải anh học trò” v.v…
Những thuyết tuyệt lục trái thường như thế mà bảo người ta hoan
nghênh thế nào được? Không những người thường không thể thực hành, mà
dẫu cho trong bọn học trò danh tiếng của ông Khổng giáo cũng chỉ một vài
người như ông Nhan Hồi, Nguyên Hiếu làm được. Còn ngoài ra, Tử Cống thì
lo việc thực hóa, đi đâu xe ngựa vàng bạc mang theo; Phàm Trì thì lưu
tâm việc nông phố; Tử Bá đi sứ thì ngựa sang áo tốt, lại lo kiếm lúa để
nhường cho mẹ. Thế là học trò ông Khổng cũng không thể theo cái thuyết
quá cao kia rồi. Chính ông Khổng cũng nói: Từ bậc trung nhân trở xuống,
không nên nói điều cao. Không những thế thôi, giỏ cơm bầu nước ở một xứ
khổ sở mà lấy làm vui như ông Nhan Hồi, nhà rách vách xiêu, trên dột
dưới ướt, mình mang cái áo rách, che bên này trông bên kia mà ngồi hát
và ngâm thi như ông Nguyên Hiếu, cao thượng thì vẫn cao thượng thật,
song nếu người đời ai cũng xu hướng mà thực hành như thế thì cái cảnh
tượng xã hội sẽ ra thế nào? Cái học qua cao ấy, dẫu ở thời đại nào cũng
chỉ ở riêng một mình trong rừng sâu núi rậm, đứng ra ngoài vào nhân quần
giao tế kia, chớ ở trong xã hội thông thường thì thật là không thích,
huống gì là ở thời đại giao thông ngày nay, thì đạo đức tối cao ấy ai
làm theo được? Ấy là một điều không thích.
2. Chánh trị chỉ nói với người cai trị mà không nói đến hạng bị trị.
Toàn những thuyết của Khổng tử nói về chánh trị thì chú trọng về vua
quan mà không nói đến dân, dân chỉ ngồi không mà nhờ người trên sắp đặt
lo liệu cho mình mà thôi. Không những dân không cần phải lo việc cho
mình mà lại cho dân là hư hỏng không tự lo được nữa không dẫn đâu làm,
chỉ xem trong sách Luận ngữ, như nói “Khiến dân, trị dân” và nói “dân
phục, dân khuyến” thì thấy rõ bao nhiên công việc trị an, đều trách vào
người trên mà chỉ nói lý trống như Kính, từ, tín. Nói đến dân thì có
những câu: “dân là hạng mạt, dân không thể khiến cho nó biết.”
Thuyết chánh trị của Khổng tử, đối với quan tướng mà nói, lại thiên
trọng về mặt cảm hóa mà không nói đến qui mô sắp đặt ra thế nào. Như
nói: “làm chánh lấy đức, sửa mình lấy kính”, rõ là lời nói hồn hàm, bảo
người ta biết bờ gốc ở đâu mà làm theo? Xem như Mạnh tử là một người tôn
sùng học Khổng mà bàn đến chính trị đã có vẻ khác. Mạnh tử nói: dân quí
và bàn việc chánh trị thì nông tang thọ, súc hằng sản hằng tâm v.v… đều
có qui mô thực tế, khiến ai cũng làm theo được. Huống ở thế giới ngày
nay, mà đem cái chánh trị của cụ Khổng ra ứng phó, thật không khác gì
chèo thuyền nan mà đua với tàu thủy, cỡi ngựa trạm mà chạy theo xe hơi,
chỉ mệt nhọc mà không công hiệu gì. Ấy là hai điều không thích.
3. Tư tưởng trọng về đường tồn cổ mà không có sáng tác.
Ông Khổng tử sinh gặp cuối đời Chu, trải qua mấy đời, văn vật chế độ
đã xu về lối phiền văn mà mất lối chất phác. Ông có ý chữa thói tệ ấy
mà xướng cái thuyết tồn cổ. Tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ và
san định lục kinh, để tập thành một mối học. Chính ông cũng nói rằng:
“Thuật mà không làm, tin mà yêu xưa. Ta không phải sinh ra mà biết, chỉ
yêu xưa mà siêng tìm đó thôi.” Còn đến việc gì mà so sánh đời xưa với
đời nay thì ông Khổng nhất vị cho xưa là hơn. Lễ nhạc thì theo tiền Tấn
mà không theo hậu Tấn, nói về học thì cho đời xưa trách mình mà đời nay
trách người v.v… Ông Nhan tử hỏi việc chánh trị, ông có ý châm chước
biểu thị ra một cái chế độ mới cho thích hợp ý ông, không bắt chước
riêng của triều đại nào, song cũng phải góp của xưa lại mà làm ra của
mình, lịch thì dùng đời Hạ, xe thì dùng xe đời Ân, mão thì dùng mão đời
Chu, nhạc thì múa nhạc vua Thuấn. Không cái gì mà mình chịu tự sáng tạo
ra cả. Ông Khổng đã xướng ra cái nghĩa tùy thời mà bao nhiêu học thuyết
các đời phần nhiều xu về tư tưởng tồn cổ. Như ông được bang gia mà thi
hành cái chánh sách cơ nguyệt tam niên (nghĩa là trong một ít năm thì
thấy thành hiệu) thì chưa biết thế nào, chớ những kể học theo thuyết tồn
cổ ấy xây thành đắp lũy, ngăn đón con đường tư tưởng mà không có ngả
ra, bó buộc cái não tấn thủ mà quân sự thích càng không thích, không
phải là ít. Thậm chí cuộc đời xoay chuyển như chong chóng mà lắm kẻ cứ
nằm trong giấc chiêm bao, toan muốn đem mão cũ đời Đường đời Ngu, áo
rách, sông Thù sông Tứ mà chảy ra giữa thế kỷ 20 tàu lặn máy bay này. Ấy
là ba điều không thích.
Mấy điều khuyết điểm của Khổng giáo lược kể trên, dẫu có ai tôn sùng
Khổng giáo đến đâu cũng không thể biện hộ rằng thích hợp với thời thế
ngày nay được. Chúng ta sinh gặp thời đại triết học khoa học thịnh hành
này, cần nhất là phải có cái trí não tự do phán đoán, bất kỳ là xưa nay
Đông Tây, điều gì mà hợp với chân lý và sự thực, thì cho là chân chính
mà gắng sức học theo; điều gì mà ta thấy chỗ mặc vọng trái với chân lý
và sự thực, thì nhất thiết cào bỏ cho sạch. Như vậy thì cõi tư tưởng ta
may khỏi bị cái gì ngăn đón che lấp mà được bước lên con đường tự do để
làm mẹ đẻ cho sự thực chăng.
Theo THƠ VĂN HUỲNH THÚC KHÁNG