Đầu tắt mặt tối quanh năm quen rồi, nay được nghỉ Tết vài ngày thư
thái đến bâng khuâng. Đã chiều mồng Một mà chẳng ma nào rủ, nhậu một
mình thì uống không dzô. Thôi thì đi tìm thú vui qua trang sách. Đèn Cù,
nghe thiên hạ đồn hay lắm, nhưng chưa mua được, đành đọc lại Bên Thắng
Cuộc. Huy Đức kể chuyện Đỗ Mười, tôi cười ngất ngưởng.
Cách nay một phần tư thế kỷ, Đỗ Mười lúc đó chưa lên hàng Bồ Tát. Ông
đang giữ chức loàng xoàng ở hàng thủ tướng. Ông thường từ chối dùng
hàng tư bản. Điển hình là ông chỉ thích đi xe hơi hiệu Lada, sản xuất
tại Liên Xô, an toàn, an ninh, an tâm, lại được tiếng là giản dị, tiết
kiệm.
Khổ nỗi, Lada thì vừa dằn vừa nóng, uống xăng còn hơn cả dân nghiền
Hà thành uống beer hơi. Đi đường xa, có khi nằm vài tiếng ngoài đường
chờ sửa. Hàng trợ lý cho thủ tướng phiền lòng lắm, nhưng chưa biết làm
sao.
Một lần Đỗ Mười đi kinh lý Nghệ An. Từ Hà Nội vào Vinh khoảng 300 Km.
Đường miền Bắc thời đó không phải chỉ có ổ gà, mà có cả ổ voi, ổ cọp.
Người ta nghĩ ra một kế: Ngay trước khi khởi hành, báo cho Đỗ Mười biết.
Chiếc Lada riêng của ông đang phải sửa gấp, tạm dùng chiếc Nissan thay
thế.
Đến Vinh ông bước ra khỏi xe, bẻ tay, vươn vai, ưỡn ngực, dáng điệu
thoải mái, khoan khoái lắm. Trợ lý chớp ngay thời cơ: Thưa anh, sức khỏe
của anh là tài sản quốc gia. Từ nay, anh phải dùng chiếc xe này.
Cũng từ bữa đó, hình như Đỗ Mười trở nên thân thiện hơn với hàng hóa và cả các thể chế tư bản.
Bữa qua mới hay tin cụ Bá Thanh đang chữa bệnh tại hang ổ của bọn
trùm tư bản, phản động Mỹ mà suốt cả đời của nhiều thế hệ các cụ căm
thù, đánh phá. Câu chuyện gợi tôi nhớ tới căn bệnh và cái chết của hai
nhân vật lừng danh: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tướng Thanh bị nhồi máu cơ tim. Ông được tập thể giáo sư bác sỹ đầu
ngành của miền Bắc XHCN tận tình cứu chữa, được Đảng và Nhà nước ta tận
tình chăm sóc, nhưng bạo bệnh, qua đời tháng 6 năm 1967, tại Bệnh viên
Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.
Bác cũng lên cơn nhổi máu cơ tim từ đầu năm 1969, nên đi điều trị tại
những trung tâm y khoa hiện đại nhất của Liên Xô và Trung Quốc XHCN
thời đó. Khi các giáo sư bác sỹ đầu ngành của Liên Xô và Trung Quốc bó
tay, Bác về lại Hà Nội viết di chúc, lo hậu sự. Cả Liên Xô và Trung Quốc
cử đoàn cán bộ y tế túc trực bên Bác cho đến tận khi Bác tắt thở lúc 9
giờ 45 phút sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969.
Đoàn giáo sư bác sỹ Liên Xô chẩn đoán: Bác chết vì nhồi máu cơ tim do
tắc động mạch vành. Đoàn Trung Quốc cao tay hơn chẩn đoán xác định: Bác
chết vì nhồi máu cơ tim do tắc động mạnh vành phải, nhánh liên thất
sau.
Nhưng thưa bạn đọc! Thủ thuật thông động mạch vành, và phẫu thuật nối động mạch vành tim của Mỹ đã hoàn thiện từ đầu năm 1960.
Giá mà Bác và tướng Thanh đừng đánh Mỹ, thì khi Bác và tướng Thanh
lên cơn đau thắt ngực, một chuyến bay từ Hà Nội đến Seattle, nơi cụ Bá
đang nằm, là động mạch vành của Bác, của tướng Thanh được thông lại hoặc
nối lại bằng phẫu thuật một cách chu toàn.
Nếu sức khỏe của Đỗ Mười là tài sản quốc gia, thì sức khỏe của tướng
Thanh và Bác phải là quốc bảo. Sức khỏe của cụ Bá không đến nỗi thiên
liêng thần thánh đến như vậy, nhưng nó rất quan trọng cho cụ và gia
đình.
Cụ Bá là kẻ khôn ngoan. Cụ không theo Bác qua Trung Quốc hay Nga. Cụ
không tin vào đỉnh cao trí tuệ của CNXH. Cụ tìm đến đỉnh cao trí tuệ y
khoa của nhân loại để chữa bệnh. Lỡ mệnh hệ gì mà cụ không qua khỏi, hẳn
cụ cùng gia quyến cũng yên lòng.
Cho đến giờ tôi vẫn tin nếu Bác và tướng Thanh không căm thù Mỹ đến
tận xương tủy, thì cả hai sẽ được mời qua Mỹ chữa bệnh. Nhất định tướng
Thanh không thể chết ở tuổi 53, và Bác cũng sống thêm một vài thập kỷ
nữa.
Bác tìm đường đi cho cả dân tộc, nhưng Bác lại không thể tìm đúng
thầy đúng thuốc cho riêng bản thân mình. Suy cho cùng, cụ Bá khôn hơn
Bác.
Đầu năm, ăn cơm mới mà nói chuyện cũ, bình loạn vài câu, xin bạn đọc thứ lỗi.
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt
© Đàn Chim Việt