Đầu tháng 5/2014, blogger Anh Ba Sàm, tức ông Nguyễn Hữu Vinh, bị cơ
quan an ninh Việt Nam bắt giữ và bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật
Hình sự. Vụ bắt giữ nhân vật truyền thông nổi tiếng bậc nhất trong giới
blogger Việt Nam - rơi đúng vào ít ngày sau khi Trung Quốc đặt giàn
khoan trên khu vực thềm lục địa Việt Nam – dường như có xu hướng chìm
vào quên lãng.
Trả lời RFI hôm nay, luật sư Hà Huy Sơn – một trong ba người bào chữa
cho ông Nguyễn Hữu Vinh – cho biết tình trạng sức khỏe của thân chủ ông
tương đối ổn định, “nhưng không được tốt so với thời gian trước“. Hôm
thứ Năm 17/07 vừa qua, đã diễn ra phiên hỏi cung lần thứ 6 với sự có mặt
của luật sư. Hai luật sư cùng bảo vệ ông Nguyễn Hữu Vinh là luật sư
Nguyễn Minh Long (đoàn Luật sư Hà Nội) và luật sư Trịnh Minh Tân (đoàn
luật sư Sài Gòn).
Ông Nguyễn Hữu Vinh, 58 tuổi, bị bắt ngày 05/05/2014, cùng với người
cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, 34 tuổi. Luật sư cho biết, theo luật
Việt Nam, cơ quan điều tra có quyền tạm giữ người bị bắt để điều tra
theo điều 258 trong vòng ba tháng (thời gian bị tạm giữ có thể được
triển hạn). Điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam quy định về tội “lợi dụng
các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” thường xuyên bị
giới bảo vệ nhân quyền trong nước và quốc tế lên án như một công cụ mà
chính quyền sử dụng để đàn áp những người có tiếng nói độc lập với chính
quyền.
Trong khuôn khổ Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR), ngày 20/06/2014, tại Genève, chính phủ Việt Nam thông báo chấp thuận 182 khuyến nghị về cải thiện nhân quyền
của các nước, trong đó có đề nghị 156 (của Úc) và 157 (của Canada) về
sửa đổi các điều 79, 88 và 258 Luật Hình sự « để bảo đảm tuân thủ các
nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về
các quyền Dân sự và Chính trị ».
Để chuyển đến quý thính giả thông tin về vụ án, về những hoạt động chủ
yếu của blogger Anh Ba Sàm và những phản ứng của dư luận trong và ngoài
nước, RFI đặt câu hỏi với nhà báo Phạm Đoan Trang, một người từng làm
việc nhiều năm trong nước, hiện đang vận động cho nhân quyền Việt Nam
tại Hoa Kỳ.
RFI : Trước hết, xin nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết nhận định chung của chị về vụ blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị bắt.
Phạm Đoan Trang : Cũng như các vụ bắt tương tự, vụ bắt nào đối với những
người bất đồng chính kiến hay những người có hoạt động ủng hộ dân chủ,
các blogger có khuynh hướng hoạt động nhân quyền… luôn luôn gây tranh
cãi. Bao giờ cũng có một bộ phận dư luận cho rằng, những người đó là «
sai pháp luật », bộ phận khác cho rằng những người đó là « con bài của
chính quyền », « con bài trong một cuộc đấu tranh phe phái » nào đấy, «
đấu tranh nội bộ nào đấy », đến khi không dùng đến nữa thì họ bị bắt…
Với quan điểm của tôi, bất cứ cuộc bắt người nào mà vi phạm quyền cơ bản
của con người, của công dân, đều đáng lên án cả, không cần biết người
đó là của phe phái nào, không cần biết là người đó có mục đích gì trong
việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của họ. Hơn nữa, việc Anh Ba Sàm bị
bắt, đối với tôi, còn nghiêm trọng hơn các vụ khác, hơn tất cả các vụ
bắt các blogger khác từ trước đến nay, bởi vì, theo quan điểm cá nhân
của tôi, Anh Ba Sàm gần như là một biểu tượng của cuộc đấu tranh của các
blogger vì quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt. Do đó, việc bắt anh
ấy gần như là một đòn đánh trực tiếp thẳng cánh, gọi là không kiêng nể
gì cả, của chính quyền vào giới blogger, vào quyền tự do biểu đạt, tự do
ngôn luận, tự do quan điểm của công dân Việt Nam, của người dân Việt
Nam.
RFI : Vì sao chị lại coi Anh Ba Sàm là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do ngôn luận ở Việt Nam ?
Phạm Đoan Trang : Khi tôi nói về Anh Ba Sàm, tôi nghĩ rằng ý kiến của
tôi không khỏi gây tranh cãi, tuy nhiên tôi cũng sẽ cố gắng khách quan
hết sức có thể.
Thứ nhất là, khi mạng xã hội vào Việt Nam năm 2005, đó là lần đầu tiên
trong lịch sử xuất bản ở Việt Nam, người dân Việt Nam mới biết đến khái
niệm gọi là « mạng xã hội », một diễn đàn tương đối tự do để người ta có
thể bày tỏ được quan điểm của mình, mà không sợ bị hậu quả gì sau đó.
Trước đó, internet đã vào Việt Nam từ năm 1997, nhưng tôi nghĩ rằng, cái
văn hóa Diễn đàn/Forum vẫn không kích thích cái quyền tự do biểu đạt
mạnh bằng mạng xã hội. Bởi vì mạng xã hội là nơi chúng ta có thể tự xuất
bản, không cần phải chờ người khác xuất bản hộ. Yahoo, blog vào Việt
Nam năm 2005 thì được hưởng ứng rất nồng nhiệt, thì đến năm 2007, Anh Ba
Sàm đã có blog và đã bắt đầu nổi tiếng rồi. Anh ấy thành lập blog Ba
Sàm vào ngày 09/09/2007, tức là trước cả thời điểm Câu lạc bộ Nhà báo tự
do của anh Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) được thành lập.
Tôi không muốn so sánh hoạt động của blog Anh Ba Sàm cũng như các trang
blog khác, bởi vì, đối với tôi, tất cả đều là « báo chí công dân », đều
là góp phần vào thúc đẩy quyền tự do thông tin, thúc đẩy chuyện minh
bạch thông tin trong người dân Việt Nam. Nhưng có thể so sánh về mặt văn
hóa chẳng hạn, về văn hóa của độc giả, tôi thấy blog của Anh Ba Sàm phù
hợp hơn với dân chúng miền Bắc, hay nói đúng hơn những người sống với
chế độ cộng sản lâu hơn, (họ) sợ hãi hơn, quy phục hơn. Ở phía Bắc,
người ta sợ hơn, và nếu quy phục cũng quy phục hơn, cái thái độ vô cảm,
sợ hãi, thái độ thần phục ở phía Bắc cũng nặng hơn, thái độ thân chính
quyền cũng nặng hơn. Ngoài Bắc, người ta hay nói « gần lửa rát mặt »,
gần trung ương thì khiếp sợ hơn là ở xa.
Chính vì thế, blog Anh Ba Sàm ngay từ đầu đã chọn một cách tiếp cận với
độc giả một cách bình dân và ở mức họ chấp nhận được, tức là họ không
quá sốc trước các thông tin Anh Ba Sàm đưa ra. Anh Ba Sàm ngay từ đầu
không chủ trương chửi chính quyền một cách gọi là tát nước vào mặt,
không gọi người ta là « cộng sản bán nước », « tay sai Tàu » hay « vẹm
nô », « cộng nô»…, tức là ở mức chấp nhận được. Giới chấp nhận được có
thể là những người quan tâm đến chính trị, nhưng ban đầu họ còn sợ, hoặc
những người chưa có kinh nghiệm gì cả. Tôi thấy độc giả của Anh Ba Sàm
có cả sinh viên, có cả thanh niên, có cả cựu chiến binh, tầng lớp cán bộ
về hưu, tầng lớp học giả, trí thức, các chuyên gia… Nói chung các tiếp
cận của anh ấy nó nhẹ nhàng hơn, thuyết phục hơn, không gây sốc cho họ.
Từ đó, anh ấy giúp họ hé màn thông tin, các thông tin mà chính quyền
không thích người dân được biết, hoặc biết mà không hiểu gì, không hiểu
cần phải nghĩ thế nào…
Tôi rất muốn nhấn mạnh điểm này vì, thực sự mà nói, độc giả Việt Nam nói
chung khả năng đọc hiểu, khả năng cảm nhận, hay nói rộng hơn là khả
năng tư duy, phản biện bị phá hỏng khá nhiều. Họ thậm chí không biết
rằng chính quyền có thể sai, Nhà nước có thể sai. Đến khi thấy có những
chính sách quá bất hợp lý. Thí dụ như chuyện năm 2007, 2008, thì có
chính sách là người nào vòng ngực dưới 0,72m thì không được cấp bằng lái
xe máy. Điều này quá là vô lý, nhưng mà không phải người dân nào cũng
hiểu được điều đó, họ ngờ ngợ, không biết nên nghĩ thế nào. Những lúc đó
là khi những nhà báo công dân như Anh Ba Sàm lên tiếng. Họ, cụ thể như
Anh Ba Sàm bình luận rất dí dỏm, tôi chỉ nhớ là các bình luận rất gần
gũi, hài hước và giúp độc giả định hình quan điểm một cách gọi là gần
với chân lý nhất, gần với thực tiễn đời sống nhất và nói chung là hợp lý
nhất.
Tất nhiên, cũng có những lúc anh ấy định hướng, làm truyền thông sai,
không hợp lý, nhưng trường hợp đó ít hơn những trường hợp đúng. Trường
hợp khá là rõ ràng là cách đây 2 năm khi phong trào Con đường Việt Nam
mới bắt đầu thành lập, Anh Ba Sàm là một trong những người phản ứng dữ
dội nhất. Nhưng sau đó hai năm, phong trào Con đường Việt Nam đã thể
hiện họ không phải là « chim mồi », không phải là một phong trào do
chính quyền lập ra để bẫy dân. Về điểm đó, Anh Ba Sàm đã định hướng sai.
RFI : Giai đoạn Anh Ba Sàm vừa làm trang điểm tin, bình luận… bắt đầu từ
năm 2007 kéo dài cho đến thời gian gần đây. Trước khi bị bắt, dường như
Anh Ba Sàm có mở thêm một hai trang nữa, đặc biệt là trang Chép Sử
Việt. Xin chị cho biết một đôi nét.
Phạm Đoan Trang : Trước khi có trang Chép Sử Việt, Anh Ba Sàm có trang
Việt sử ký, sau đó trang này bị hacker đánh sập mất, theo tôi hiểu, anh
ấy chuyển sang Chép Sử Việt.
Tôi thấy rằng trang Chép Sử Việt đã chạm vào một điểm mà chính quyền
ghét nhất. Đó là «chuyện bí mật cung đình ». Đó là một điểm nữa tạo nên
sự khác biệt. với nhiều blogger khác. Anh Ba Sàm là thành phần chúng ta
hay gọi là thành phần « con ông cháu cha », hay « thái tử đảng ». Cha
của anh ấy nguyên là đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. Đối với người cộng
sản, « bí mật» là sức mạnh của họ, cho nên họ đặc biệt là kỵ và ghét
những người nào lộ bí mật của họ ra ngoài. Ngay từ thế hệ cộng sản tiền
bối, như ông Phạm Văn Đồng hay ông Võ Nguyên Giáp…, cho dù cuộc đời họ
có sóng gió thế nào, họ có trải qua kỷ niệm cay đắng với đồng đội, họ
luôn luôn im lặng. Chúng ta không biết thực chất ông Võ Nguyên Giáp, Đại
tướng Võ Nguyên nghĩ gì, phản ứng như thế nào khi bị điều đi làm Trưởng
ban Sinh đẻ có kế hoạch. Cụ luôn giữ bí mật.
RFI : Nếu đọc lại một số bài viết được cho là của Anh Ba Sàm ngay trước
khi bị bắt, đơn cử như « Có thể Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương đảng
Cộng sản Việt Nam sẽ bị Trung Quốc kiện vì ”chôm” bài hát Kết đoàn »
(loạt bài 3 kỳ từ ngày 02 đến 05/05) hay bài « Đại biểu Quốc hội Nguyễn
Phú Trọng tiếp xúc cử tri » hay « Giáo hoàng ban phước cho con chiên » ?
(bài ngày 04/04) chẳng hạn. Điều mà gọi là « bí mật » trên thực tế phải
chăng là nhìn ra những gì mà người quan sát bình thường không thấy
được, và nói với một giọng điệu ít người có, giọng điệu mang tính giễu
cợt hay là châm chọc, châm biếm thẳng các lãnh đạo cao cấp nhất… như chị
vừa cho biết.
Phạm Đoan Trang : Tôi cũng nghĩ như vậy : đã tiết lộ « bí mật », mà lại
còn thêm tính hài hước vào đây, thì đảng Cộng sản không thể chịu nổi.
Nhìn chung, họ ghét những người moi « bí mật » của họ ra và chưa kể còn
biết cách truyền tải những bí mật đến với công chúng nữa.
RFI : Ở Việt Nam, những gì được gọi là các thông tin mật và những gì
được coi là « mật » được đăng tải trên do trang blog Anh Ba Sàm ?
Phạm Đoan Trang : Đó là tất cả những thông tin nào mà không có trên mặt
báo (chính thức). Ví dụ như chuyện Ban Tuyên giáo chỉ đạo, sau vụ chìm
tàu ở Hạ Long, tháng 2/2010 hay 2011. Sau vụ này, Ban Tuyên giáo chỉ đạo
không đưa đậm, không đưa về vụ đó nữa, sợ ảnh hưởng đến Vịnh Hạ Long.
Bản thân « tin » đó chẳng báo nào đưa cả. Không báo nào dám đưa, ví dụ «
hôm nay Ban Tuyên giáo chỉ đạo chúng tôi » như vậy. Không báo nào đưa,
nhưng Anh Ba Sàm đưa như thế. Đó là chuyện hậu trường của báo chí. Rồi
quá trình hợp tác ra quyết định, chính sách của các quan, rồi quá trình
các cuộc họp…, có phần thông tin công khai, có phần không, thì anh ấy
thường (mang đến cho công luận ?) các phần “không công khai“, không đưa
lên mặt báo (chính thức) được.
Ngoài ra « bí mật » còn là thái độ, hành xử của quan chức nào đấy. Những
bài đó, chẳng báo nào đưa. Chúng ta thấy, kể cả chuyện ông quan chức
này chỉ đạo cái này, ông kia cái kia…, được tin ông ấy nhảy dựng lên, la
lối chẳng hạn… Không bao giờ chúng ta biết được đời thường hay đầu óc
các quan chức ở ngoài (thực chất – ndr) như thế nào. Anh Ba Sàm cũng
công khai hết những cái đó.
Thực ra những điều đó chẳng có gì bí mật đối với một nước có nền báo chí
bình thường, còn ở ta nó khác. Phải có một lớp hào quang bao xung
quanh, quá trình hoạch định chính sách phải bí mật, nhất là phải tạo cảm
giác khó lắm, phức tạp lắm, đòi hỏi những bộ óc ghê gớm lắm…
Nhìn chung họ ghét những người moi « bí mật » của họ ra, rồi lại biết
cách truyền tải « bí mật » ấy đến công chúng nữa. Nếu như không phải là
Anh Ba Sàm, mà là một người khác may mắn lấy được những thông tin gọi là
« bí mật cung đình » như vậy, chưa chắc họ đã biết cách truyền đạt đến
công chúng, chưa chắc họ đã biết cách gọi là diễn giải nó, bình luận nó,
đưa đến công chúng để người dân hiểu được, để định hình được quan điểm…
Anh Ba Sàm rất thông minh, rất nhiều ý tưởng, đấy chính là điều khiến
blogger này trở thành rất nguy hiểm đối với chính quyền. Tôi nói thế
này, có thể là so sánh làm không vừa lòng nhiều người, nhưng tôi nghĩ
rằng chính quyền sẽ không sợ một blogger « chửi đổng », cứ lên mạng «
chửi Đảng, chửi Nhà nước»…, họ không sợ bằng một blogger thông minh, hài
hước, biết cách kể chuyện, biết cách truyền tải thông tin đến độc giả,
và từ việc đó, lại biết cách kết nối với độc giả nữa, có khả năng kết
nối trước cả khi có facebook. Với tất cả những cái đó, Anh Ba Sàm trở
nên « nguy hiểm » hơn so với các blogger khác trong mắt chính quyền.
Họ ý thức được điều « bí mật » là đoàn kết và sức mạnh của Đảng. Anh Ba
Sàm, con của một công thần, lại tiết lộ những chuyện đó. Tiết lộ những
chuyện đó là chạm vào « tử huyệt », chạm vào điểm mà đảng Cộng sản ghét
nhất, nên họ phải bắt sớm. Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao bao nhiêu năm
nay anh ấy làm việc bình luận, điểm tin, các bình luận ngày càng sắc
hơn, mà không sao cả, tôi nghĩ rằng chính bởi vì anh ấy chưa đụng đến
các « tử huyệt » kia.
Ngoài ra tôi có một ý, mà nhiều người nói, nhưng chưa kiểm chứng được :
Anh Ba Sàm bị bắt chỉ ba ngày sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981
(ngày 02/05/2014) và vài ngày trước cuộc biểu tình lớn (11/05/2014). Có
người cho rằng việc bắt Anh Ba Sàm là để ngăn chặn trước phe chống Trung
Quốc trong chính quyền và tâm lý chống Trung Quốc trong người dân, bởi
vì, theo tôi biết, Anh Ba Sàm là người có tinh thần dân tộc chủ nghĩa
rất mạnh, một người chủ trương dùng lòng yêu nước chống Trung Cộng. Suy
đoán như vậy tôi nghĩ cũng có thể có lý.
RFI : Blogger Anh Ba Sàm dù được coi là « lề trái », tức truyền thông
nằm ngoài Nhà nước, nhưng dường như quan hệ của blogger này với giới báo
chí của truyền thông Nhà nước không gặp trở ngại ?
Phạm Đoan Trang : Đó cũng là một đặc điểm thú vị của Anh Ba Sàm, đó là
anh ấy không chủ trương chống lại « lề phải ». Tôi cũng muốn nhấn mạnh
điều này. Bởi vì các vị biết, người cộng sản ý thức rất rõ sức mạnh của
thông tin và sức mạnh của sự bí mật. Nói cách khác, bí mật tạo nên quyền
lực của họ. Vì vậy cho nên họ quản lý rất chặt. Họ quản lý thông tin
theo cách là chỉ có những đối tượng nhất định mới có được một số thông
tin nào đó, chỉ có tầng lớp cao nhất mới nắm được thông tin đầy đủ nhất.
Thông tin sẽ được rót xuống dưới theo hướng ít dần đi. Trong xã hội có
một lực lượng có được tương đối thông tin so với các thành phần khác, đó
là nhà báo. Ngay trong giới báo chí cũng vậy, họ cũng quản lý theo lối
là nhà báo nào càng thân chính quyền, và có khả năng làm công cụ tốt cho
họ thì có được đặc quyền đặc lợi, và có thông tin. Còn những thành phần
đã mang tính « chống đối », mang tính « lề trái », như kiểu tôi chẳng
hạn, thì rất khó có thông tin. Luôn luôn ở cấp dưới, không bao giờ được
dự những hội nghị quan trọng, được tiếp cận với những cuộc gặp quan
trọng, để có được những thông tin « mật ».
Anh Ba Sàm chắc cũng nhìn được điểm đó và thấy rằng, nền báo chí công
dân của chúng ta, của các blogger không thể nào chuyên nghiệp được, hấp
dẫn được, hay được, nếu không dựa trên nền tảng sự thật và thông tin.
Nghĩa là nếu không có thông tin từ chính quyền, chính thống, thì nó sẽ
mãi mãi là một thứ báo chí chỉ có « chửi đổng » và gọi là « tự sướng »
với nhau, chứ không tiếp cận được người dân nhiều bằng báo chí chính
thống. Hiểu được điều đó cho nên anh ấy rất chú trọng quan hệ với giới
báo chí chính thống, báo chí « lề phải ». Anh ấy không chống lại họ ngay
từ đầu. Ví dụ, mọi người có thể để ý là anh ấy không bao giờ chửi « lề
phải » là lũ « lưỡi gỗ », gộp hết vào một bọn, « lũ vẹt », hay « báo lá
cải », những từ xúc phạm họ. Mà anh luôn lọc tìm trong nền báo chí « lề
phải » ấy, có những gương mặt nào, cá nhân nào, hoặc tờ báo nào có xu
hướng tiến bộ, ủng hộ dân chủ, thì anh ấy tìm cách quan hệ tốt với họ để
có thông tin.
Tôi phải nói thành thật là, giới báo chí lề phải của chúng tôi rất nhiều
người quý Anh Ba Sàm. Và trong chúng tôi, có những người bí mật hợp tác
với anh ấy, và một điều hay nữa là anh ấy bảo mật điều đó, bảo mật
thông tin cho chúng tôi, đúng theo nguyên tắc bảo vệ nguồn tin. Nên Anh
Ba Sàm được nhiều nhà báo rất tin cậy.
Tôi nghĩ rằng bây giờ, khi Anh Ba Sàm bị bắt rồi, thì chúng ta không còn
một blog nào ở cái mức độ như vậy được nữa, ở mức độ có thể làm cầu nối
được nữa. Mà cũng không còn blogger nào có nhiều thông tin « cơ mật »
như Anh Ba Sàm được nữa. Có thể họ có, nhưng họ không biết cách làm
truyền thông, không lan truyền được các thông tin đó đến cộng đồng như
Anh Ba Sàm nữa. Anh Ba Sàm bị bắt là một tổn thất, một mất mát lớn cho
cộng đồng blog Việt Nam, nền dân báo của Việt Nam.
RFI : Xin chị cho biết mọi người, những blogger, những người quan tâm
đến truyền thông, cụ thể ở hải ngoại, phản ứng như thế nào về vụ Anh Ba
Sàm bị bắt.
Phạm Đoan Trang : Đây cũng là một điểm mà tôi thấy có sự khác biệt lớn
giữa người trong nước và người Việt hải ngoại. Ở ngoài này, người ta
không biết Anh Ba Sàm nhiều. Có thể vì cách tiếp cận của Anh Ba Sàm là
bình dân, nhẹ nhàng và không quá gay gắt, được người trong nước hưởng
ứng, đặc biệt là phía Bắc, thì phía Nam và phía hải ngoại không chấp
nhận được kiểu đó chăng ? Họ cho rằng đó là kiểu “hai mang“, “mập mờ“,
“không quyết liệt“, “không dứt khoát“, “không thẳng thắn“. Có thể vậy ?!
Ngoài này, tôi thấy người ta không biết anh ấy nhiều, không ủng hộ
nhiều, đặc biệt là quan điểm (nghi ngờ) chắc lại là thành phần « thái tử
», con ông cháu cha ! Quan điểm này rất nặng. Người ta không tin rằng
những thành phần như vậy có thể tốt được, có thể tiến bộ được.
Tôi nói như vậy không phải là về tất cả cộng đồng người Việt hải ngoại,
nhưng một số gặp gỡ tạo cho tôi một ấn tượng chung như vậy.
Và tôi cũng chưa biết làm thế nào để (anh ấy) không bị rơi vào quên
lãng. Nếu tất cả mọi người không làm gì cả, để nó rơi vào quên lãng, thì
tôi nghĩ rằng bản án sẽ là khá nặng với Anh Ba Sàm.
Với Anh Ba Sàm, nếu chuyện đó xảy ra, thì tôi nghĩ khá là bất công cho
anh ấy, tội nghiệp cho Anh Ba Sàm, vì đó là một người đóng góp quá nhiều
cho việc công khai hóa, tự do hóa thông tin ở Việt Nam, nâng cao dân
trí. Như anh ấy nói « khai dân trí, phá vòng nô lệ ». Anh ấy đóng góp
rất nhiều cho quá trình đó, mà nếu mà lúc anh ấy lâm nạn mà không được
cứu giúp, thì tôi nghĩ là một điều bất công và có phần bất nhẫn với anh
ấy.
Nếu được, mong quý vị thính giả, cũng như Đài, nỗ lực giúp đỡ trong
trường hợp Anh Ba Sàm. Xin hãy làm những việc mà trong nước không thể
làm được.
Rất là mong muốn quý vị hãy tìm hiểu nhiều hơn về trường hợp blogger Anh
Ba Sàm, hãy cố gắng nỗ lực, giúp đỡ, gây tiếng nói để Anh Ba Sàm Nguyễn
Hữu Vinh sớm được trả tự do.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Đoan Trang.
Nhà báo Phạm Đoan Trang
20/07/2014