Nguyễn Văn Thạnh
Là người Việt Nam, hẳn nhiều người biết đến nỗi oan Thị Kính.
Đây là một câu chuyện tiêu biểu cho sự oan khiên của con người. Ban đầu
chỉ vì muốn cắt sợi râu mọc ngược của chồng mà bị hàm oan là có âm mưu
giết chồng, rồi sau chỉ vì giả trai để đi tu mà hàm oan là cha của đứa
con Thị Màu.
Oan ức xảy ra do con người ngộ nhận giữa hiện tượng hay hình ảnh thấy được với bản chất bên trong.
Không chỉ Thị Kính hàm oan kiểu vậy mà rất nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ cho tự do của dân tộc mình cũng bị.
Sau khi lãnh đạo dân tộc Anh kiên cường thắng trận trong thế chiến 2
nhưng Winston Churchill bị thất cử. Nguyên nhân ông thất cử vì đối thủ
của ông cổ vũ đường lối chủ nghĩa xã hội Fabian
(kiểu cổ vũ kinh tế nhà nước bằng cách quốc hữu hóa các nhà máy, xí
nghiệp; giống Hugo Chaves làm với Venezuela sau này). Đường lối này đáp
ứng kỳ vọng của đa số dân chúng đang bị bần cùng, đói khổ và tâm lý
chống tư bản lên cao sau chiến tranh. Thất bại này làm cho Churchill cay
đắng thốt lên “chủ nghĩa xã hội như một giấc mơ, sớm muộn gì bạn cũng
phải thức giấc và đối diện với thực tế”. Điều này đã đúng, sau một thời
gian vận hành nền kinh tế theo kiểu xã hội chủ nghĩa đã đưa nước Anh vào
khủng hoảng, bế tắt. Nước Anh đã may mắn khi có bà đầm thép Margaret
Thatcher sửa chữa sai lầm này bằng cách tư nhân hóa và trả lại nền kinh
tế nước Anh năng động theo hướng thị trường cạnh tranh.
Lãnh đạo công đoàn đoàn kết Ba Lan Lech Wałęsa sau hàng chục năm
tranh đấu đã giành quyền lãnh đạo đất nước từ tay những người cộng sản
với gia sản nợ nần hàng chục tỷ đô la, thậm chỉ tất cả các khoản tiền
tiết kiệm của dân chúng gửi ngân hàng đều bị tiêu sạch (có câu nói cho
việc này: hãy để người cộng sản ăn cắp, họ sẽ cho chúng ta tự do). Điều
này là một khó khăn cho chính phủ mới của ông. Chính vì không đáp ứng
được sự thịnh vượng như kỳ vọng của công chúng mà ông thất cử sau đó.
Tương tự như vậy đối với các nhân vật tranh đấu như Boris Yeltsin (bị
nhiều người Nga cho rằng là kẻ phản bội, phá hoại Liên Xô,…vì thời gian
ông nắm quyền kinh tế Nga đi xuống, đời sống người dân khó khăn hơn
thời Liên Xô) hay Nelson Mandela (giai đoạn ông cầm quyền kinh tế Nam
Phi đi xuống, cuộc sống người dân khó khăn).
Tìm hiểu lịch sử của những nhân vật tranh đấu, chúng ta đều thấy họ
mắc một nỗi oan ức mà tôi gọi là oan Thị Kính. Ban đầu những hành động
của họ bị nhiều người cho là gây rối, làm loạn vì họ thấy xã hội họ sống
đang bình yên
(mấy ai thấy đó là sự ổn định trong cùng cực). Khi chế độ độc tài đi
vào sụp đổ thì nỗi oan gây loạn xã hội của họ càng lớn (họ đâu biết sự
sụp đổ của chế độ độc tài là tất yếu). Khi họ tiếp quản chính quyền, họ
tiếp quản luôn một gia sản thối nát: xã hội ly tán, đạo đức xuống cấp,
kinh tế khủng hoảng, nợ nần đầm đìa. Trong hoàn cảnh vậy, cuộc sống nhân
dân chắc chắn sẽ khó khăn, đi xuống. Rất ít người thấy được bản chất
bên trong. Đa số người dân, đơn giản là cuộc sống tốt thì họ tung hô,
khó khăn thì họ phê phán.
Thấy được nỗi oan này mà tôi cảm phục, thương cho những người tiên
phong tranh đấu cũng như gánh vác trách nhiệm xây dựng kiến tạo nền dân
chủ cho nước nhà.
Mới đây, ngày 17.7 chủ tịch ngân hàng thế giới thăm và thông báo cho
Việt Nam vay gần 4 tỷ đô-la. Đây là một tin vui cho giới cầm quyền hiện
nay nhưng tôi thấy nó sẽ chất chồng thêm nỗi oan Thị Kính cho những ai
tiếp quản chính quyền giai đoạn mục nát, sụp đổ bỡi lẽ khoảng vay trên
sẽ chất chồng thêm khoản nợ xấu cũng như kéo dài cái chết của một thể
chế độc tài.
Nguyễn Văn Thạnh