Nguyễn Vĩnh Thuyên
Theo TBKTSG
Vụ tai nạn máy bay MH 17 một lần nữa cho thấy sự
phi nhân của chiến tranh (ảnh chụp một đám chiến binh kiểm tra các đồ
dùng còn lại của hành khách tại hiện trường chuyến bay bị nạn, trong đó
có nhiều đồ chơi trẻ em vì một phần ba số người thiệt mạng là trẻ em.
Ảnh AP)
Một du khách người Hà Lan khi bước ra phi trường Schiphol của
Amsterdam đã chụp hình chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng
hàng không Malaysia Airlines, đưa lên Facebook cùng với dòng status:
“Nếu chiếc máy bay này mất tích, thì đây là hình ảnh của nó”
Câu đùa cợt đó gợi nhớ sự kiện chiếc máy bay MH370, cũng của
Malaysia Airlines, mất tích cách đây 4 tháng. Và không ngờ nó lại vận
vào số phận chiếc MH17.
Máy bay dân dụng MH17 đã bị một tên lửa đất đối không bắn rơi khi
bay ngang không phận phía đông Uknaine, khiến 298 người thiệt mạng vào
ngày 17-7. Một vụ tai nạn hàng không đầy thương tâm, gây chấn động đối
với thế giới.
Tin tức từ các hãng truyền thông lớn đang cập nhật từng giờ về danh
tánh nạn nhân, kiếm tìm thủ phạm của vụ tai nạn. Mỗi ngày, chúng ta lại
có thêm một vài câu chuyện đau xót xoay quanh vụ tai nạn: trong số 298
nạn nhân thì có 80 trẻ em, có những cuộc đoàn tụ gia đình không thành,
có những hành trình du lịch để hiểu hơn về thế giới chấm dứt và hơn 100
chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống AIDS trên đường đi dự một hội thảo
quốc tế tại Úc về căn bệnh thế kỷ đã bỏ dở công việc nhân đạo của mình…
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, với động thái ngoại giao
quen thuộc, các nước đều đưa ra thông điệp chia buồn với những quốc gia
có nạn nhân trong vụ tai nạn. Tổng thống Nga V. Putin sau phút tưởng
niệm ngắn ngủi, đã nói với vẻ mặt lạnh lùng quen thuộc, đại ý, tai nạn
thương tâm trên không xảy ra nếu Ukraine là một vùng đất hòa bình.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra một lần nữa nói với thế giới rằng,
trong một thế giới liên đới, tương thuộc lẫn nhau của toàn cầu hóa,
chiến tranh không chỉ hủy diệt con người bằng súng đạn ở trên những điểm
nóng chiến trường, mà còn có thể ảnh hưởng sâu đến sự sống, vận mệnh
của từng người dân lành sống trên địa cầu này. Trong khi các nhà chính
trị, phe phái trong cuộc chiến Ukraine đang đùn đẩy trách nhiệm cho
nhau, thì tai nạn đã xảy đến, gây mất mát cho hàng trăm gia đình trên
thế giới, làm tổn thất của khoa học hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực
điều trị căn bệnh thế kỷ, làm tan biến biết bao khát vọng tốt đẹp; và
quan trọng nhất, là vụ tai nạn đã đẩy tâm trạng hàng tỉ người trên thế
giới đi từ bàng hoàng đau xót đến ngập tràn bất an, có cái nhìn u ám
trước đời sống.
Một phụ nữ than khóc khi hay tin người thân có mặt trên chuyến bay MH17. Ảnh chụp tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 18.7.2014. Ảnh: Reuters
Thế giới đang trải qua một thời kỳ đầy biến động. Vận mệnh và tương
lai của nhân loại vô hình trung ngày càng bị phụ thuộc vào móng vuốt của
các chính trị gia diều hâu sở hữu những kho vũ khí công nghệ tối tân
giết người hàng loạt. Sự trỗi dậy của các thế lực đen trong chính trị
với thứ chủ nghĩa bá quyền hoang dã đang báo trước về những thảm họa cho
thế giới tương lai.
Edward Wadie Said từng viết trong Đông Phương luận: “Cho cùng, ngôn ngữ của chiến tranh là thứ ngôn ngữ cực kỳ phi nhân”.
Người ta mong chờ một kết quả điều tra trắng đen rõ ràng. Nhưng liệu
rằng, khi cuộc điều tra hoàn tất, biết được ai là thủ phạm gây ra tai
nạn trên, thì thực tế cuộc chiến Ukraine có được cứu vãn theo một chiều
hướng tích cực?
Những ai lạc quan vào tương lai, có thể nghĩ rằng, thủ phạm bắn quả
tên lửa làm rơi MH17 sẽ bị thế giới trừng trị, lên án, chúng phải kết
thúc sự tồn tại của mình để cho Ukraine được yên. Điều gì là tốt đẹp,
thì hãy cứ nuôi hy vọng thôi.
Du khách người Hà Lan chụp ảnh chiếc máy bay MH 17 đã hài hước vô tư
trước số phận. Trong thâm tâm, anh ta hy vọng điều rủi ro không lặp
lại. Nếu thực sự có mặt trên chuyến bay MH17, thì hẳn đây là người vui
tính nhất trong số 298 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Anh ta
lạc quan cho đến khi giáp mặt với cái chết.