Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Nhân quyền há phải đồ trang sức

Phạm Toàn
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Dân Việt
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Dân Việt
Ngẫm đi nghĩ lại, thấy cái lý luận của chàng nào đó thật là hay: “Đụng vào đâu cũng chặt cũng chém cũng xử, cũng bỏ không bầu thì rồi lấy ai ra làm việc?”.
Phát ngôn đó thật chân tình. Nó mang tính lý luận theo cái dòng suy lý được tổng kết từ một thực tại là tay anh nào chị nào cũng dính chàm cả rồi! Cái nhà lý luận đó thực sự là một kiểu nhà lý luận nằm trong chăn. Khái quát hóa cho vui, đó là một nhà lý luận của chăn, trong chăn và vì chăn. Dĩ nhiên trong chăn ngoài vài ba thứ cần khám phá khác không mang tính lý luận, còn có rận. Từ đó suy ra, chúng ta đã gặp được kiểu nhà lý luận từ trong chăn mà ra, nhà lý luận của rận, do rận và vì rận.
Từ hình thù một quốc gia phóng chiếu thành một thế giới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thì cũng vậy thôi. Là muốn nói đến chính cái Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ vài ba năm vừa được bầu ra ấy. Ông Ban Ki Mun không phải hạng người vô học nên ông không lý luận kiểu “Đụng vào đâu cũng chặt cũng chém cũng xử, cũng bỏ không bầu thì rồi lấy ai ra làm việc?”. Ông Ban Ki Mun với nụ cười hiền như người mẹ hiền chỉ gửi một thông điệp ngầm qua nụ cười hiền: “Nhớn rồi, phải tự xử lý mọi việc, không được có cái thói mếu máo chạy về, vừa sờ ti vừa mách mẹ!”.

Giới trẻ nước nhà, may sao, đã không muốn có thói xấu sờ ti mách mẹ đó. Họ làm ăn rất đàng hoàng. Họ sẽ cùng mọi người in ra những bản Tuyên ngôn Quyền Làm Người để nội dung cao quý đó được lan truyền trong khắp đất nước. Vì đất nước mình còn quá nhiều người không biết hoặc không nhớ ra rằng mình đúng là Người. Thế nên mới có những người đã tìm mọi cách để được lẻn vào trong một cái Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và họ vẫn ngỡ rằng một lần nữa họ lại thêm một cơ hội dùng những thiết chế dân chủ như những món trang sức. Nhưng người dân thì đã dần dần hiểu, và nhờ hoạt động của các bạn trẻ, họ sẽ ngày càng hiểu rõ hơn về các quyền làm người của mình – vì những quyền ấy thật thiết thân, trước hết là quyền được sống và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Và sống, và được sống hạnh phúc hoàn toàn không mang tính trang sức.
Như cái quyền Đoàn Văn Vươn từng thực hiện: lấn biển, nuôi thủy sản, giành giật với bão với lụt, giành giật có khi không nổi với nước đến độ phải hy sinh con gái mới tám tuổi đầu của mình cho nước. Một cô giáo khi nghĩ đến lớp Hai lớp Ba mình đang dạy bỗng hụt đi một em bé dễ thương đến thế, có khi chỉ mới thấy cái “sĩ số” hụt di vài phần trăm – nhưng với vợ chồng anh Vươn, với họ hàng nhà ấy, với làng xóm ấy, với cái lòng mưu cầu hạnh phúc ấy, đó là mất đi một trăm phần trăm hy vọng không bao giờ cứu vãn nổi.
Thật lạ kỳ, một dân tộc đã sẵn lòng hy sinh nhiều triệu người để có Dân chủ và Tự do, bỗng lại rơi vào thảm cảnh những Tự do và Dân chủ trở thành những đồ trang sức. Tội nặng phải đổ lên đầu giới trí thức, không nên đổ cho kẻ khác. Vì giới trí thức chưa làm cho toàn dân tộc hành động cho đúng thực chất các khái niệm – khiến cho Tự do và Dân chủ từ chỗ là những nguyên lý của sự sinh tồn và sung túc trong hài hòa, thì lại trở thành những hột trai giả lấp lánh trên ngực những ông nghị ba hoa những bà nghị nói leo trong một hệ thống ấn nút vô duyên và vô trách nhiệm – trên cái cân Công lý giả của những tòa án xử oan dân mà không mảy may biết thẹn biết nhục – trên những bàn tay đặt trên ngực nghe đọc lời thề Hippocrate giả cốt lấy được mảnh bằng để rồi theo kịp vết lăn của những kẻ hành hạ sức khỏe người dân…
Thế nhưng, cuộc sống dạy ta điều này: đồ vật có nguyên vẹn giá trị tự nó của đồ vật, và tùy theo trình độ con người mà giá trị của đồ vật được tôn lên hoặc bị vùi dập đi. Có thấy chị Dương Thị Tân vượt cả ngàn cây số đi thăm nuôi anh Hải Điếu Cày mới thấy hết giá trị anh Hải trong mắt Dương Thị Tân – và cả trong con mắt những ai biết nhìn nhận thấu giá trị của Nguyễn Văn Hải – như trường hợp tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chẳng hạn. Nào, ngoài Nguyễn Văn Hải Điếu Cày ra, ai được đích thân Barack Obama nêu tên đích danh, xin hãy giơ tay lên cho coi?
Nhân quyền, quyền của con người, quyền được làm người, nếu Hồ Xuân Hương còn sống, hẳn Nàng sẽ viết thế này: Nhân quyền há phải đồ trang sức, Bá ngọ các anh chớ có nhầm!
Hãy mở to mắt nhìn vào lịch sử chừng dăm bảy năm gần đây thôi, chẳng cần phải nghĩ xa xôi đến thời Kiệt Trụ vớ vẩn nào, và sẽ thấy cái nhầm của anh nào đó đã dẫn đường cho anh ta chui vào ống cống. Tổng thống Gaddaffi được Hiến pháp suy tôn tổng thống suốt đời đó. Bá ngọ anh! Bá ngọ cả nút các anh!
Nguồn: Bauxite

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"