Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
(tường trình từ Tacloban)
TACLOBAN, Philippines (NV) - Con đường vốn đã hẹp, nay lại hẹp hơn. Rác, nhà cửa đổ nát, bùn lầy, xe cộ bị nước cuốn, nằm tràn ra cả hai bên lề đường. Reen, con đường có tấm bảng “Welcome to Tacloban City,” dẫn từ phi trường đến tòa thị chính, nay trở thành di tích sống động về một thành phố đã và đang bị hủy diệt.
Bà Delia Warriner và gia đình trong căn nhà trên đường Reen, Tacloban. Người chị của bà bị nước cuốn trôi trong cơn bão. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Nhiều ngàn người đã chết trong cơn bão, và nhiều ngàn người khác sẽ phải đối diện với một hiểm họa lâu dài hơn: Cả thành phố là một cái ổ vĩ đại của mầm dịch bệnh.
Chiếc xe ba bánh “tricycle” đưa chúng tôi len lỏi vào các khu ổ chuột của Tacloban. Trời thì nóng, bên trong nhà đầy rác và bùn, người dân phải đổ ra đường. Ðường phố là nơi dễ chịu hơn. Ðường phố cũng là nơi người dân bươn chải kiếm sống, lượm lặt cả những vật dụng tối cần thiết, xây dựng lại đời sống sau cơn thiên tai.
Giữa một bầu khí quyển đầy mùi xú uế, ruồi nhặng bay khắp nơi, người dân khu nhà ổ chuột bày bán thức ăn, thứ thức ăn mang đầy rủi ro của dịch bệnh.
Ghé vào căn nhà trông khang trang nhất tại một khu xóm trên đường Reen, chúng tôi được sự tiếp đón ân cần của bà chủ nhà Delia Warriner, 58 tuổi. Chỉ tay vào bức tường nhà, bà Warriner cho biết: “Nước đã tràn vào tới đây. Cao hơn 2 mét.”
Căn nhà thuộc vào loại kiên cố đã trở thành nơi trú ngụ của người trong xóm ngay đêm mưa lũ. “Khoảng hơn 100 người chạy vào đây khi cơn bão tràn qua.” Bà chủ nhà đưa tay mô tả. “Nhà rộng, có lầu, có thêm tầng áp mái. Nước dâng đến đâu, chúng tôi leo lên đến đó.”
Nơi cuối cùng mà họ leo lên là mái nhà. “Tôi là chủ nhà nên lên sau cùng.” Bà Warriner hãnh diện kể lại. Trong cơn chạy lụt ấy, người chị của bà bị nước cuốn trôi. “Người ta đã chôn chị trong một ngôi mộ tập thể.”
Bà Warriner không biết chính xác chị mình nằm chung với bao nhiêu người trong ngôi mộ tập thể của thành phố, chỉ biết “có rất nhiều người”.
Dọc đại lộ Reen và các con đường nhỏ cắt ngang, nhiều người dân đi lục lọi các đống rác, đa số đang tìm những tấm tôn, tấm ván khả dĩ có thể che chắn căn nhà đổ nát của mình.
Trong một góc khác, một thiếu nữ nhặt tấm tôn, dựng xéo xéo vào một bức tường trên lề đường, rồi ngồi sụp xuống, trú mưa cùng con chó của mình.
Anh Louis Pader (đội nón trắng, mang kiếng đen), bạn đồng hành của chúng tôi trong hai ngày một đêm từ Tacloban về Cebu. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)
Trên con đường dẫn từ Tacloban đi Ormoc, một căn nhà lầu hai tầng kiên cố nay cũng đã xiêu vẹo. Nơi lan can ở tầng hai, người chủ nhà ngồi gác một chân lên bức tường có dòng chữ sơn đen to tướng: “We will get out of it. We will survive.” (Sẽ ổn thôi, chúng ta sẽ sống sót).
Cũng trên con đường này, người ta sẽ thấy những hình ảnh lạ mắt, cả đời chưa chắc đã thấy một lần: Hàng ngàn bụi tre - vốn có rễ sâu và sức “đàn hồi” mạnh - ngã rập xuống sát mặt đất, không bật dậy nổi, như thể cơn bão đã nắm lấy tóc chúng, ghì xuống cho đến chết. Trên các triền đồi, hàng ngàn cây dừa, thân vẫn đứng thẳng, nhưng tất cả các tàu lá gục xuống, như cái đầu chỉ còn dính vào cổ. Hình ảnh giống y hệt câu chuyện của Nguyễn Tuân, nói về phép “chém treo ngành,” đầu tử tội không đứt hẳn mà còn dính với thân bằng một mảnh da nơi cổ.
Nhiều người hỏi: Tacloban có ổn không? Mỗi người sẽ có một cách trả lời. Riêng với chúng tôi: Tình hình vừa ổn vừa bất ổn, quan trọng là phải cẩn thận, không tạo điều kiện cho điều bất ổn xảy ra. Viên hạ sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cho chúng tôi biết, trực thăng cứu trợ của Mỹ mang nước và thực phẩm vào trong thành phố, thả xuống, rồi bay đi, “vì có cướp bóc”.
Ông nói: “Tình hình ở đây có lẽ còn tệ hơn các vụ sóng thần trước đây.” Quân nhân này kể, một người dân Tacloban nói, ngay sau cơn bão, ông đã đi bộ tám cây số, “mà mỗi bước chân là bước trên xác người”.
Hàng cứu trợ của Mỹ: “USAID, From the American People,” tại sân bay Tacloban. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)
Cảnh sát viên Jury Callora thuộc lực lượng cảnh sát Philippines cho biết lệnh giới nghiêm đã được thâu ngắn lại, từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, thay vì 6 giờ tối đến 6 giờ sáng như những ngày đầu sau bão.
Ông nói: “Tiền là thứ vô dụng trong thành phố hiện nay.” Chúng tôi hỏi người tài xế lái chiếc xe ba bánh, ông trả lời: “Bây giờ nó vô dụng, nhưng chúng tôi cần tiền để ăn trong những ngày sắp tới.”
Hỏi chuyện một hạ sĩ quan thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, Marlon Summy, đang làm công tác cứu trợ ngay tại phi trường. Ông nói điều cảm động nhất là “nỗ lực cứu trợ từ mọi người. Tất cả đều đồng lòng hỗ trợ.”
Một ngày lang thang khắp nơi trong thành phố, không hề thấy bóng dáng của người ăn xin. Cũng không ai ngỏ ý muốn xin chúng tôi một cái gì. Trong những khu vực dã chiến do các hãng hàng không Cebu Pacific và Pal Express dựng lên bên hông phi trường, hàng trăm người đứng chờ mua vé máy bay để đi ra khỏi thành phố. Không hề có sự chen lấn, không một tiếng cãi vã, người ta tự động nhường nhau; và các hãng hàng không thì ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em được mua vé trước.
Chờ hết ba tiếng đồng hồ vẫn không mua được vé, chúng tôi cùng một thanh niên Philippines, anh Louis Pader, quyết định đón xe bus đi về Ormoc. Chuyến xe cuối cùng trong ngày đưa chúng tôi rời Tacloban lúc 4 giờ chiều với giá vé vẫn không thay đổi: $3 một người cho chặng đường dài bốn tiếng đồng hồ. Người Philippines không kiếm lời trên nỗi khổ của đồng bào họ.
Người dân Tacloban nhận hàng cứu trợ trên đường Reen. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Trên đại lộ Reen, đoạn đến gần tòa thị chính, người bạn đồng hành buột miệng hỏi: “Có Thượng Ðế không?” Anh hỏi, không cần câu trả lời. Khắp nơi trong thành phố, các trại tạm cư được dựng lên, và có lẽ trại tạm cư trong khuôn viên nhà thờ của thành phố là nơi tập trung đông người nhất.
Người dân Philippines có thói quen sinh hoạt trước cửa nhà thay vì bên trong nhà. Họ đổ hết ra đường, không giặt đồ thì quét dọn, không bán hàng thì ngồi bâng quơ nhìn người đi đường. Và chúng tôi cũng được cơ hội quan sát họ - bình thản, đôi chút thách thức, như chưa hề có điều gì xảy ra.
Anh bạn Pader, 32 tuổi, kỹ sư xây dựng, nói trong nét mặt đầy hãnh diện: “Thiên tai là thế, nhưng người dân Philippines vẫn mỉm cười.”
Pader đồng hành cùng chúng tôi trong hai ngày một đêm, từ Tacloban đến Ormoc, rồi đến Cebu, nơi anh làm việc cho một công ty của Ðức. Có lẽ, Pader là thể hiện rõ nhất cho lòng tự trọng của người dân xứ này. Vợ và con thì ở xa, cha mẹ vẫn “bám trụ” trong căn nhà đổ nát ở Tacloban, Pader đón nhận sự chăm sóc của chúng tôi một cách chừng mực, vừa trong vai trò một người dẫn đường, vừa trong vai trò một nạn nhân của bão Haiyan. Và trên hết, trong vai trò một người Philippines biết tự hào về dân tộc mình.