Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Luận văn của ông Ngô Đình Nhu

5xu
Theo blog 5xu
Chia sẻ bài viết này
Dưới đây là bản tóm tắt luận văn tốt nghiệp trường École Nationale de Chartes năm 1938 của Ngô Đình Nhu (1910-1963). Luận văn này có tên “Les moeurs et les coutumes des Annamites du Tonkin au xviie siècle”. Quốc Anh bạn tôi đang dạy học ở Sciences Po đã bớt thời gian gõ đầu trí thức Pháp mà vào thư viện lục lọi và gửi về. Bạn Khiếu Anh cũng đã bớt thời gian đi học để dịch bản luận văn này qua tiếng Việt với tên “Những phong tục và tập quán của người An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII”.

Nhưng trước hết là một chút thông tin về tác giả bản luận văn.

Năm 1970, tức là 7 năm sau khi chế độ Diệm-Nhu sụp đổ, ông Trần Kim Tuyến, một người bạn và sau này là cộng sự thân thiết của ông Nhu, cho biết ông Nhu có bằng cử nhân văn học ở Sorbonne rồi học tiếp École de Chartes. Trong một tài liệu khác thì nói rõ ông Nhu học ngành cổ tự học lưu trữ (archiviste palégraphe). Ông Tuyến cho biết trường này rất kén chọn, sinh viên phải qua hai năm dự bị ở một trường rất danh tiếng là Henry Đệ Tứ rồi mới được nhập học, mỗi lớp chỉ có 20 học viên, sử dụng tiếng Latin rất nhiều, và chỉ có hơn một nửa số học viên này tốt nghiệp. Do đó có từ “Chartistes” để chỉ các tinh hoa là học sinh của trường này. Năm 1961, khi ở đỉnh cao quyền lực, ông Nhu có đi qua Paris và gặp gỡ cá nhân với ngoại trưởng Pháp là Couve de Murrville, đại sứ Pháp ở VN và Étienne Manach phụ trách Châu Á của bộ ngoại giao Pháp. Cũng theo ông Tuyến thì nhờ hào quang của trường Chartes cho các cuộc gặp chỉ là cá nhân mà ông Nhu đã phá băng quan hệ Pháp Việt. Sau khi có ủng hộ của Pháp, ông Nhu bắt đầu chống Mỹ mạnh hơn, dẫn đến việc Mỹ quyết thay thế Diệm Nhu. Và theo như Phạm Xuân Ẩn trong “Perfect Spy” thì một trong những lực lượng gây ra cái chết của ông Nhu chính là CIA, đã can thiệp sâu vào đảo chính, thông qua một người bạn CIA của ông Ẩn tên là Lou Conein. Tuy nhiên, ông Ẩn tránh không nói đến ai trực tiếp ra lệnh giết ông Nhu, có thể bởi người ra lệnh (Minh Cồ) lại là bạn của ông Ẩn. Có vẻ như giữa ông Ẩn và ông Nhu chỉ có một người bạn chung nổi tiếng: đại tá Edward Lansdale, được cho nguyên mẫu của The Quiet American.


Trở về Hà Nội năm 1938 ngay sau khi tốt nghiệp (28 tuổi), ông Nhu làm việc như một học giả trẻ cho đến khi bị lùng bắt và phải bỏ trốn qua Lào rồi về Đà Lạt. Năm 1945 ông Nhu đã kịp xuất bản cuốn khảo cứu ” “La Fête de l’ouverture du Printemps a Hanoi – Hội Khai xuân ở Hà Nội”. Ông cũng lấy vợ trong thời gian này, đám cưới được làm lễ ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Vợ ông là Trần Lệ Xuân, kém ông 14 tuổi, sau này nổi tiếng với tên gọi “đệ nhất phu nhân” ở Việt Nam, và với tên do tổng thống Kennedy đặt là Dragon Lady (bà chằn) ở Mỹ. Trần Kim Tuyến mô tả bà Trần Lệ Xuân, một thiếu nữ trẻ đẹp, sống trong nhung lụa, phải học tiếng Việt qua gia sư là “một phụ nữ thuộc một giai cấp ở Việt Nam không có”. Bà Xuân đã “nuôi chồng” suốt thời gian ông Nhu “thất nghiệp, chưa có sự nghiệp”, ở Đà Lạt và sau đó là Sài Gòn. Thời kỳ đó ông Nhu không có cả tiền để mua thuốc lá và ăn sáng, phải có bạn bè cộng sự “bao”. Cuộc sống giản dị kiểu một trí thức khắc kỷ này đã đi cùng ông Nhu đến hết cuộc đời.

Các tài liệu nói rất rõ sau Cách mạng tháng 19/8/1945 ông Diệm bị bắt và được thả, nhưng về ông Nhu thì chỗ nói bị bắt, chỗ nói không bị bắt. Tuy nhiên theo như tôi hiểu qua câu chuyện tôi mới được nghe kể gần đây thì ngay sau 19/8 ông Hà đã đến gặp ông Nhu (lúc đó làm việc dưới quyền bộ trưởng Võ Nguyên Giáp) rồi sử dụng xe của chính phủ (đi mua gạo) để đưa ông Nhu trốn ra ngoại thành, rồi đi Phát Diệm. Chi tiết này có lý vì ông Hà lấy bằng Tiến sỹ Chính trị học ở ngôi trường danh tiếng Sciences Po năm 1937 rồi về nước hoạt động xã hội rất mạnh, trở nên nổi tiếng và có rất nhiều quan hệ với các phe phái lực lượng. Chắc ông Hà có quen ông Nhu từ lúc ở Paris, và ở thời điểm sau 19/8 ông Hà có thể biết ông Nhu đang gặp nguy hiểm (hai người anh của Nhu một bị bắt, một bị giết cùng thời kỳ này) đã báo cho ông Nhu và giúp ông Nhu bỏ trốn. Cuộc gặp giữa ông Hà và ông Nhu, tôi nghe kể: “nói bằng tiếng Pháp, tôi chỉ nghe được câu mốt câu hai, nhưng chắc chắn là về chính trị”, có lẽ “chuyện chính trị” mà hai ông nói liên quan đến việc tính mạng ông Nhu đang nguy cấp.

Trong quá trình chạy trốn, ông Nhu quen Trần Kim Tuyến, lúc này là một thành niên trẻ mới học xong tú tài. Trần Kim Tuyến sau trở thành trùm mật vụ của chế độ Diệm-Nhu trước khi bị ông Nhu nghi ngờ và cách chức. Sau khi bị Nhu phế, ông Tuyến sợ quá trốn ra nước ngoài. Sau sự kiện 1963 ông Tuyến mới dám trở về Sài Gòn những cũng vẫn bị bắt. Người cứu ông là Phạm Ngọc Thảo, một điệp viên của miền bắc, và là đại tá quân đội VNCH lúc bấy giờ. Đến 30/4, một lần nữa ông Tuyến lại được Phạm Xuân Ẩn, cũng là một tay tình báo của miền bắc, cứu vào phút chót. Chưa hết, trợ lý thân tín của ông Tuyến là Ba Quốc, cũng là tình báo của miền bắc (thiếu tướng Đặng Trần Đức). Điều này thật kỳ lạ. Nó cũng kỳ lạ như Phạm Ngọc Thảo sau chính biến đã đem một toán quân xuống Chợ Lớn để cứu Diệm và đưa Nhu ra nước ngoài nhưng bất thành. Việc đại tá Thảo và ông Ẩn hai lần cứu cựu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, đều do ông Ẩn và chính bác sỹ Tuyến kể lại. Sau này, năm 1965, Phạm Ngọc Thảo bị mật vụ truy sát, bắn ở bờ suối, nhưng không chết mà vẫn xin được giấy của học trò để viết tin nhắn. Bức thư viết tay đẫm máu của ông Thảo hiện vẫn ở Sài Gòn. Cách đây mấy hôm tôi đã ngồi cách nó chỉ độ 2 mét nhưng mà không được xem tận mắt.

Ông Nhu, vốn là con trai của một gia đình quan lại phong kiến nhưng lại theo tây học, trở thành học giả trẻ uyên bác, điều này lý giải cho việc sau nhiều năm ở ẩn ông bất ngờ trở thành một chính trị gia mưu lược và bí hiểm. Các phát biểu của ông Nhu cộng với nội dung cuốn sách, được coi là của Ngô Đình Nhu, xuất bản sau khi ông bị giết (Chính đề Việt Nam) hé lộ rất nhiều chi tiết cho thấy một học giả cổ sử, am hiểu lịch sử Việt Nam và Châu Âu, đã nghiền ngẫm tri thức trị quốc của nhà Nguyễn, của Châu Âu rồi biến nó thành tư tưởng và học thuyết chính trị của riêng mình.

Cách ông Nhu sáp nhập Hoàng Triều Cương Thổ, dẹp yên các tổ chức có vũ trang ở miền nam, xây dựng ấp chiến lược … (theo thứ tự) cực kỳ giống những gì nhà Nguyễn đã làm (theo thứ tự) với vương quốc cuối cùng của Chân Lạp (1832), dẹp loạn Lê Văn Khôi (1832-1835), dẹp Mọi Đá Vách ở Quảng Ngãi (1863). Trong Chính Đề Việt Nam (sử dụng bút danh Tùng Phong) ông cũng không che dấu các bí quyết trị quốc phải được truyền từ đời (vua) này qua đời khác, một cách nói khéo rằng các ông đã học các bí quyết trị nước từ quá khứ.

Ở một khía cạnh khác, ông Nhu học hỏi rất nhiều từ lịch sử chính trị Châu Âu, và trở thành hình mẫu lãnh đạo chính trị kiểu Machiavelli đầu tiên ở Việt Nam. Siêu điệp viên Phạm Xuân Ẩn cho rằng ông Nhu là người tổ chức ám sát Trình Minh Thế. Đại tá an ninh quân đội Đỗ Mậu và trùm mật vụ Trần Kim Tuyến thì kể chi tiết cách ông Nhu xử lý các vấn đề biên giới và xung đột sắc tộc với Khmer bằng cách tổ chức ám sát Sihanouk và đảo chính ở Cambodia. Với những kẻ có quyền lực yếu hơn, đôi khi ông Nhu cũng vẫn Machiavelli nhưng theo kiểu ngược lại. Bác sỹ Tuyến kể việc ông Nhu giải quyết các hộ kinh doanh bình dân sống bằng kinh doanh vỉa hè rất lộn xộn bằng cách mời đại diện nghiệp đoàn của họ vào Dinh để nói chuyện. Đó là ông Vượng, người đã phát minh ra “bia cốc bờ Hồ” được ưa chuộng cực kỳ ở Hà Nội trước 1954. Món “bia cốc” này, tôi nghĩ, chính là tiền thân của bia hơi Hà Nội mà ngày nay chúng ta vẫn nốc cùng thịt chó.

Cách hành xử thực dụng và máu lạnh kiểu Machiavelli đã khiến ông Nhu trở thành chính trị gia bị sợ hãi và căm ghét; từ đó người ta quên đi rằng ông này có lẽ là người đầu tiên (và cũng có lẽ là duy nhất) biết cách và có chủ ý xây dựng một quốc gia dân tộc (quốc gia = nhà nước) đúng nghĩa. Một nation builder, nói theo kiểu tây, có kiến thức lịch sử chính trị và địa lý vững chắc, nắm vững tình thế, hiểu đại cục từ trong nước đến quốc tế, có tầm nhìn xa và dự báo chiến lược khá chính xác. Ngày nay nhìn lại, có nhiều cái ông Nhu tiên đoán, nhận định, chuẩn vãi chưởng.

Tôi đoán rằng, việc ông Diệm phế ông Bảo Đại và biến Việt Nam thuộc Pháp từ thể chế quân chủ sang thể chế cộng hòa hoàn là đường lối của ông Nhu. Hiến pháp của thể chế này không thấy ở đâu nói là ai viết, nhưng chắc cũng có bàn tay của ông Nhu. Ngày mà bản hiến pháp 1956 này được thông qua cũng được lấy làm ngày quốc khánh của Việt nam Cộng hòa (sau được gọi là nền cộng hòa đệ nhất).

Cách cai trị độc tài của chế độ Diệm-Nhu, định hình bởi bộ óc của ông Nhu và phong cách quan lại của ông Diệm vốn là quan lớn của nhà Nguyễn. Phương pháp cai trị của ông Nhu có thể đến từ việc ông đã nghiên cứu rất kỹ Hitler, Gandi, Lenin, Mao cũng như am hiểu sâu sắc bản chất con người Việt Nam. Trần Kim Tuyến cho biết ông Nhu mỗi năm đóng cửa 10 ngày chỉ để đọc sách. Đọc sách gì ông cũng có kế hoạch sẵn, đọc cuốn nào cũng có ghi chú đầy đủ. Các nhân vật mà ông Nhu thích đọc là Lenin, Mao. Phòng làm việc rất ngăn nắp và tài liệu sắp đặt rất khoa học. Công cụ và lực lượng dùng để cai trị của ông Nhu, rất giống nhà nước cảnh sát của Hitler.

Sách ông Nhu đọc theo lời kể của bác sỹ Tuyến là các sách ông đọc sau này, khi đã thành chính trị gia ở Sài Gòn. Còn trước đó, khi ở ẩn trồng hoa lan trên Đà Lạt, hay thủa đi học ở Paris ông đọc gì? Tôi đoán ông Nhu đã đọc các sách cổ sử như kiểu Herodotus, hay các sách địa lý, tôn giáo thế giới. Dấu vết của việc đọc này có thể tìm thấy trong Chính đề Việt nam, khi tác giả của cuốn sách phân tích lịch sử văn minh nhân loại, cùng với sự hình thành và suy yếu của các đại đế quốc, từ La Mã đến Quốc Xã, từ Nga đến Liên Xô, so sánh các thể chế trong lịch sử, giữa Anh và Pháp. Tôi cũng đoán ông Nhu có đọc cả Gustave Le Bon khi ông phân tích đặc tính tâm lý của dân tộc Việt Nam, mà ông dùng từ tính khí, đó là yếu ớt và nhược tiểu, dẫn đến ứng xử ngoại giao yếu kém do tính khí yếu ớt lại đặt dưới áp lực đe dọa bởi ngoại xâm. Tất nhiên ông Nhu thuộc cổ sử Việt Nam, và trong 2 trang của Chính Đề ông đã diễn giải chính xác công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt trong 1000 năm trở lại đây cũng như mổ xẻ chi tiết lý do/nguyên nhân Trung Quốc luôn có khát khao xâm lược Việt Nam. Với cuốn sách hoàn thành năm 1962 này, ông Nhu có lẽ là người đầu tiên đặt ra nhiều câu hỏi sâu sắc cho dân tộc, ví dụ như tại sao người Việt có bờ biển dài hàng ngàn cây số mà chưa bao giờ họ khao khát đi ra biển, thậm chí cũng chưa một lần tiến lên cao nguyên trong suốt quá trình Nam tiến ấy; cũng như là người đầu tiên phát biểu và chứng minh được mở cửa và hội nhập sâu (mà ông gọi là phương tây hóa, ngày nay gọi là toàn cầu hóa) không làm mất đi cái gọi là bản sắc dân tộc.

Là một nhà nghiên cứu cổ tự, ông Nhu sớm nhận ra giới hạn nghèo nàn của tiếng Việt và danh từ tiếng Việt, cũng như lợi thế của chữ quốc ngữ so với chữ nôm. Trong CĐVN, ông dành hẳn một phần rất dài đưa ra các giải pháp làm mạnh tiếng Việt.

Về tư tưởng, trong A history of the Vietnamese, nhà sử học K.W. Taylor cho rằng ông Nhu từ chối cả hai ý thức hệ (tư bản và cộng sản, quần chúng và cá nhân). Chính đảng do ông Nhu xây dựng có tên là Đảng Cần Lao, nếu dịch ra tiếng Anh (Labor Party) thì rất giống tên chính đảng cầm quyền ở miền bắc lúc bấy giờ là Đảng Lao Động. Nhưng trong tiếng Việt thì ông Nhu lý giải rằng chữ “động” trong “lao động” có màu sắc cưỡng bức đám đông của Mao còn chữ “cần” trong “cần lao” của ông Nhu thì có màu sắc tự nguyện. Sử gia Taylor giải thích triết lý (ý thức hệ) Nhân Vị của ông Nhu là do chịu ảnh hưởng triết lý “personalism” của triết gia công giáo Emmanual Mounier (khi ông còn ở khu Latin, Paris), nhưng ông Nhu đã nhấn mạnh chân giá trị của cá nhân trong bối cảnh “hợp tác tập thể để tự cá nhân” rồi phát triển nó thành học thuyết riêng của mình mang tên Nhân Vị. Taylor khuyến nghị cách dịch Nhân Vị ra tiếng Anh là “personism”. Lập luận này của Taylor có lẽ đúng bởi chính ông Nhu phủ nhận thuyết Nhân Vị của mình giống với Nhân Vị của Công giáo. Với học thuyết Nhân Vị, nảy mầm vào khoảng thời gian ông trốn khỏi Hà Nội, ông Nhu đã có tư tưởng chống Mỹ (tư bản) nhiều hơn chống Pháp (theo lời Cao Văn Viên), hòa hợp được nhiều tôn giáo (theo giải thích của ông Nhu), và là cơ sở đề cao sự tự quyết của dân tộc (không cho Mỹ đưa quân vào, không cho tăng cường cố vấn quân sự, không cho đặt cố vấn Mỹ bên cạnh các tỉnh trưởng, …là những cái được chính quyền Sài Gòn chấp thuận sau khi Diệm Nhu bị giết).

Hòa hợp tôn giáo cuối cùng thất bại, nỗ lực chống lại can thiệp quân sự của người Mỹ vào Việt Nam cũng thất bại. Cả hai đều dẫn đến sự sụp đổ của gia đình họ Ngô. Can thiệp của người Mỹ vào đảo chính thì như trên đã dẫn lời Phạm Xuân Ẩn. Còn xung đột với Phật Giáo, sách của Đỗ Mậu và Trần Kim Tuyến nói ngược nhau, nhất là về việc thượng tọa Trí Quang trốn vào sứ quán Mỹ cho đến khi xong đảo chính. Còn Phạm Xuân Ẩn, từ thời đó đã biết đại tá Thảo là tình báo của Hà Nội, nhưng sau này có vẻ như lờ đi, không nói về thượng tọa Trí Quang mà chính bạn của ông Ẩn là bác sỹ Tuyến luôn cho là một ông sư marxist.

Sách của Trần Kim Tuyến và Đỗ Mậu cũng nói ngược nhau về nguyên nhân của sự liên lạc của ông Nhu với Hà Nội. Dù rằng việc liên lạc ấy là có vẻ như là thực và giống nhau trong sách của cả ông Mậu lẫn ông Tuyến: thông qua ngoại giao, bên ông Nhu bí mật vào rừng, hoặc bên miền bắc từ rừng bí mật vào dinh tổng thống (chắc sử liệu ở Hà Nội có ghi chi tiết). Người cán bộ cộng sản thư sinh bí mật vào dinh gặp ông Nhu nhiều lần, được cho là Trần Độ. Sách của Đỗ Mậu và Trần Kim Tuyến chỉ ngược nhau về cách giải thích. Nhưng dù giải thích thế nào, thì việc ông Nhu bí mật nói chuyện với Hà Nội cũng là một cái cớ nữa để người Mỹ xuống tay. Việc ông Nhu đi Pháp như nói ở trên, cũng là một nước cờ quan trọng nhằm kéo thêm ủng hộ (viện trợ) của Pháp bù vào phần hụt mà Mỹ sẽ cắt đi, trong lúc tiếp tục đàm phán bí mật để dẫn đến thỏa hiệp với Hà Nội (mà nhiều người cho rằng nếu thành công thì sẽ thống nhất đất nước bằng hòa bình, giữ được nền cộng hòa, và ông Nhu có thể một ngày nào đó trở thành thủ lĩnh). Điều này có vẻ cũng có lý, khi trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông Nhu đã từng thực hiện thành công một việc tương tự, khi ông gặp bí mật Bảo Đại trước khi ông vua trẻ này rời Việt Nam qua Pháp đúng 10 năm trước (1953).

Trong một nghiên cứu ngắn cách đây chưa đến chục năm, Nguyễn Gia Kiểng đã tiếp xúc và có tài liệu từ một chính trị gia lão thành thuộc phe cánh tả của Pháp, ông Jaques Bénet. Ông Bénet là bạn học cùng trường Chartes với ông Nhu, tham gia kháng chiến, tham gia thành lập đệ tứ cộng hòa của Pháp, và có quan hệ chính trị rộng rãi. Sau này ông Bénet là người của Đảng Xã Hội Pháp. Ông Nhu có tiếp xúc bí mật với Bénet trước khi Bảo Đại qua Pháp; và chính ông Bénet đã làm đầu mối bí mật để vận động Pháp lặng lẽ chọn Ngô Đình Diệm làm giải pháp thay thế Bảo Đại. Nhận định này là do ông Kiểng đã gặp trực tiếp Bénet và đọc từ bức thư riêng mà ông Nhu và Bénet trao đổi với nhau. Ông Kiểng cũng phân tích rằng ông Nhu hoàn toàn không có quan hệ với bất cứ ai ở Mỹ, cho đến khi ông Nhu có quyền lực ông mới quen Lansdales ở Sài Gòn. Ông Diệm thì có một chút quan hệ với Mỹ từ năm 1950, nhưng phải sau khi ông lên tổng thống, qua thăm chính thức nước Mỹ, và sau khi chính phủ Pháp thời De Gaule quay lưng lại với ông Nhu, thì người Mỹ mới chính thức đứng sau ông Diệm. Ông Kiểng cũng cho rằng sau khi Diệm Nhu bị lật đổ, nước Pháp đã quay về phía Hà Nội. Điều này khá logic với việc ông Nhu không sử dụng nhóm ông Hà (học giỏi, có uy tín, đã từng làm bộ trưởng ở Hà Nội), ông Hãn (học giả lớn), ông Luyện (em ruột ông Nhu và là bạn học của Bảo Đại) dù rằng chính nhóm này đã thuyết phục Bảo Đại ký giấy bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tướng. Ông Diệm phần nào giải thích việc không sử dụng các trí thức lớn thiên tả Hà, Hãn, Tường trong thư riêng gửi ký giả Joseph Buttinger năm 1956. Cả Đỗ Mậu vẫn Trần Kim Tuyến đều nói các bài diễn văn quan trọng của ông Diệm đều do ông Nhu viết bằng tiếng Pháp rồi cho người dịch ra. Lá thư gửi Buttinger có thể cũng do ông Nhu viết.

Các lập luận của ông Kiểng cũng logic với việc một người chống Pháp như ông Diệm mà chỉ trong năm 1955 đã dẹp sạch những gì chịu ảnh hưởng của Pháp, kể cả quân đội BÌnh Xuyên. Năm 1955 chính quyền ông Diệm sáp nhập vùng đất Hoàng Triều Cương Thổ của Bảo Đại vào miền nam, cũng như dẹp nguồn tài chính của Bảo Đại ở Chợ Lớn (sòng bài Đại Thế Giới, xóm ăn chơi Bình Khang) do Bình Xuyên của Bảy Viễn điều hành (Bảy Viễn được Bảo Đại phong tướng năm 1952, một năm trước khi Bảo Đại qua Pháp). Chỉ dựa vào ủng hộ của Mỹ mà không có đèn xanh từ Pháp thì sẽ không có giải pháp thay thế ngoạn mục: nhanh và ít đổ máu như vậy. Thậm chí chiến dịch Hoàng Diệu của Dương Văn Minh đánh vào rừng Sác, cũng được cho là chiến dịch do ông Nhu dàn xếp sẵn với Pháp chứ không hẳn là bắn nhau thật. Sau đó Pháp đã đưa Bảy Viễn qua Paris. Trong các sách tôi đọc, thấy cũng ông Nhu luôn chế diễu các phe phái chống cộng là “không có giải pháp thay thế (thì chống để làm gì)” có lẽ là vì lý do bí mật về “giải pháp thay thế Bảo Đại” mà ông Kiểng phát hiện ra.

Sau khi chế độ Diệm Nhu bị hạ đổ, Sài Gòn rơi vào hỗn loạn chính trị, đảo chính hạ bệ nhau liên tục, cho đến khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống tình hình chính trị mới bớt hỗn loạn. Nguyễn Văn Thiệu được cho là người ra lệnh giết Phạm Ngọc Thảo. Ông Ẩn không có nhận xét gì nhiều về Diệm Nhu, nhưng với Thiệu ông mô tả ông tổng thống này như một con khỉ nghiện thuốc phiện của người Hoa, ý nói ông Thiệu là con khỉ nghiện viện trợ của Mỹ. Ông Ẩn, có vẻ như hơi cay đắng khi trách người Mỹ đã lật đổ ông Diệm mà không có “giải pháp thay thế”.

Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1946-1955 rất bí hiểm và rối rắm. Mà lịch sử Việt Nam thời kỳ nào cũng thế. Nếu tất cả những thông tin nói trên mà đúng, và chắc là đúng thôi, ít ra ở sự logic các sự kiện và nhân vật, thì ông Nhu là một trường hợp vô tiền khoáng hậu.

Từ một trí thức trẻ uyên bác, nghèo xác xơ, nói và viết tiếng Việt rất kém, trong một bối cảnh xã hội phức tạp vừa thoát khỏi thực dân phong kiến, dân trí thấp, thậm từ vựng chính trị của tiếng Việt cũng vẫn còn nghèo nàn, ông Nhu đã xây dựng được lực lượng chính trị của riêng mình, với tư tưởng và học thuyết chính trị của riêng mình (tuy tổ chức còn lỏng lẻo, nghiệp dư và có nhiều bê bối). Rồi từ đó ông Nhu đã trở thành một chính trị gia mưu lược, rất giỏi ẩn mình. Ông dựng lên một tổng thống đầu tiên, một thể chế chính trị cộng hòa mới mẻ, một nhà nước với guồng máy cai trị thực dụng đến tàn nhẫn nhưng rất hiệu quả.Cuối cùng ông Nhu chết cùng với vị tổng thống và chế độ do chính mình dựng nên, để lại thể chế cộng hòa còn non nớt. Ngày Diệm-Nhu bị lật đổ được lấy làm ngày quốc khánh thứ hai cùng nền cộng hòa thứ hai (đệ nhị) và bản hiến pháp thứ hai ở miền nam. Người lật đổ Diệm (tổng thống đầu tiên của miền nam) sau này trở thành tổng thống cuối cùng của miền nam và hàng tướng nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Trước khi chuyển qua bản luận văn, xin trích vài đoạn trả lời của ông Nhu, theo ghi chép của bác sỹ Tuyến và vài đoạn trích từ chính đề:

Câu hỏi: Hình như Đức Hồng Y Spellman có khuyến cáo Tổng Thống nên mở rộng chính phủ và chấp nhận đối lập?

Ông Nhu trả lời: Điều đó có, Tổng Thống cũng đang cứu xét nhưng với một nước chậm tiến như Việt Nam không thể áp dụng chế độ tự do dân chủ như Tây phương.

Đất nước chúng tôi truyền thống dân chủ từ cả ngàn năm trước, dân chủ từ hạ tầng, từ xã ấp. Ở thượng tầng phải làm thế nào giữ được uy quyền tối thượng của quốc gia.

Mỹ có thói quen bắt buộc các đồng minh phải dập khuôn như họ…nhưng ở Mỹ khác, ở Á Châu này khác…trong một quốc gia hòa bình thì lại hoàn toàn khác với một quốc gia đang có chiến tranh.

Tổng Thống Kennedy khuyến cáo Việt Nam cải tổ cơ chế dân chủ có nghĩa là (mô) phỏng cơ chế dân chủ của Mỹ. Nhưng (), ông cha chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về nạn chia rẽ, nạn kỳ thị phe phái…nếu ở Việt Nam áp dụng dân chủ như ở Mỹ thì chỉ đi đến tình trạng hỗn loạn. Mà Việt Nam thì không thể chấp nhận được tình trạng hỗn loạn.

Câu hỏi: Hình như Tổng Thống Kennedy muốn Miền Nam có sự canh tân Hiến Pháp?

Ông Nhu trả lời: Không chính thức khuyến cáo như vậy nhưng Hoa Thịnh Đốn gián tiếp muốn chúng tôi làm như vậy.

Câu hỏi: Hầu hết người Mỹ đứng đắn đều không muốn Việt Nam bị xáo trộn nhưng họ muốn một chế độ cởi mở?

Ông Nhu trả lời: Vâng họ đang lên án chúng tôi là độc tài cũng như trước đây họ đã lên án Tưởng Giới Thạch và Lý Thừa Vãn… Người Mỹ đã lầm giữa chế độ độc tài với sự bảo vệ uy quyền quốc gia tối thượng. Chẳng hạn họ bảo chúng tôi là độc tài vì cho rằng không có Tối Cao Pháp Viện nên Hành Pháp điều khiển Tư Pháp. Họ cũng kết án chúng tôi là độc tài vì cho rằng Quốc Hội chỉ có một viện và do Quốc Hội không kiểm soát được Hành Pháp.

““Nước Việt Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển, và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.

Trong suốt phần lịch sử nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm.”

“Từ ngày lập quốc, hơn một ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam chúng ta không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa Dân Tộc Việt Nam.”

‘’Trong quá khứ, ngay những lúc ta chiến thắng Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khôn ngoan hòa thuận với Trung Quốc và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng điều mà Trung Quốc muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống Trung Hoa, suốt thời gian gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như tạm mất’’

“Như vậy, thuyết cộng sản đối với Nga chỉ là một phương tiện và ngày nào mục đích đã đạt được, phương tiện sẽ không còn giá trị nữa.

Các biến cố hiện tại ở Âu Mỹ chứng tỏ rằng Nga sắp đến lúc bỏ phương tiện cộng sản và trở về với xã hội Tây phương.”

“Sức mạnh của nước Anh hay nước Mỹ mà chúng ta mục kích ngày nay bắt nguồn trước hết từ chỗ hai quốc gia này đã thực hiện được việc liên tục lãnh đạo quốc gia trong gần 200 năm.

Một nhà lãnh đạo Anh, ngày nay bước lên nắm chính quyền, là tức khắc sau lưng mình có 400 năm kinh nghiệm và văn khố làm hậu thuẫn. Đó là một di sản quí báu không có gì thay thế được và tạo cho họ một sức mạnh phi thường.”

“Như trên đã trình bày, sự lãnh đạo quốc gia được liên tục khi nào các điều kiện dưới đây được thỏa mãn:

1. Sự chuyển quyền được bình thường từ lớp người trước cho tới lớp người sau.

2. Các bí mật quốc gia được truyền lại.

3. Thuật lãnh đạo được truyền lại và được cải thiện càng ngày càng tinh vi.

4. Các kinh nghiệm của dĩ vãng được xếp vào văn khố, được truyền lại và có người biết sử dụng văn khố.”

“Trình độ gián đoạn trầm trọng nhất xảy ra khi sự chuyển quyền không thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau. Bí mật lãnh đạo và bí mật quốc gia đều mất.

Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Di sản dĩ vãng không người thừa nhận, văn khố thất lạc và bị cướp bóc. Đó là trường hợp của các nước bị chinh phục, mất chủ quyền. Và đó là trường hợp của Việt Nam chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc.”

Tác giả của bản luận văn tốt nghiệp trường Chartes năm 1938 đã chết cách đây đúng nửa thế kỷ. Và lời giới thiệu về tác giả như thế này là quá dài và hơi liên thiên. Dưới đây là bản dịch tóm lược bản luận văn…

Những phong tục và tập quán của người An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII

Ngô Đình Nhu

* * *
Tài liệu tham khảo

* * *
Phần mở đầu

Không có bất cứ tài liệu nguồn gốc châu Á nào, do đó các tài liệu châu Âu có vai trò đặc biệt quan trọng.

Các thầy tu dòng Tên (Jésuites): Baldinotti, Alexandre de Rhodes, Marini, Tissanier. Các thầy dòng của Hội thừa sai: Deydier, Jacques de Bourges, Belot, Guisain. Các nhà buôn: Baron, Dampier.

Văn khố của Hội thừa sai; tổng hợp và miêu tả.

* * *
Phần Một: Xã hội

Chương Một: Các nhóm dân cư

1. Làng xã. – bao gồm hai mươi đến bốn mươi ngôi nhà lợp mái rơm rạ, dựng nên từ tre và đất sét. Không có công trình kiến trúc lớn. Nước lấy từ ao.

Trưởng làng có nhiệm vụ thu thuế và chủ trì việc phân chia phần đất chung theo kì hạn.

2. Chợ giữa các làng. – Chợ họp hàng tuần và thường là giữa bốn đến năm làng, các làng thay phiên nhau làm chủ chợ. Việc họp chợ giữa các làng là tế bào kinh tế của cả vùng. Các đô thị quan trọng nhất là Domea (200 nóc nhà) và Hien (2000 nóc nhà) thường xuyên có sự hiện diên của các nhà buôn nước ngoài và Kien-lao (7000 giáo dân) trở thành lợi thế của vùng để được hưởng các ưu tiên của triều đình

3. Ke-cho (Hanoi) – Kinh đô, nơi có các công ty xuất nhập khẩu châu Âu. Sự phồn thịnh, 36 phố phường, bảy mươi hai khu chợ, mỗi phố chỉ chuyên một ngành hàng, 20 000 nóc nhà.

Chương Hai: Nông nghiệp

1. Lúa gạo

a) Vị trí bậc nhất của cây lúa. Lí do.

b) Chế độ sở hữu: hợp đồng cầm cố (vente à réméré) chỉ được chấp nhận đối với người ngoại quốc, ruộng đất manh mún. Chiếm dụng đất theo dòng họ (groups de famille), sự nhũng lạm của giới quý tộc.

c) Nông cụ: sử dụng cày. Tự điển của linh mục de Rhodes cần được sử dụng cẩn trọng, có liên hệ tới cả Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài.

d) Canh tác: hai vụ lúa mỗi năm và tô (prix de revient) tăng cao.

e) Nạn đói: mười hai nạn đói từ năm 1681 đến 1721: tính chất.

2. Trồng trọt thứ yếu. – Trồng cau, dâu tằm.

Chương Ba: Chăn nuôi, Đánh cá, Công nghiệp

1. Chăn nuôi. – Gia cầm và lợn thịt. Ít bò và trâu. Thiếu đồng cỏ.

2. Đánh cá. – Tầm quan trọng đối với người Đàng Ngoài

a) Nước ngọt:

b) Trên biển: kém phát triển do giá tàu biển cao.

3. Làng nghề. – Có rất ít tài liệu liên quan đến chủ đề này: văn khố của Hội thừa sai cung cấp một văn bản quý giá cho phép định vị nghề dệt chiếu ở tỉnh Nam-dinh. Nghề sơn và gốm sứ.

Kéo sợi và dệt lụa là nguồn cung xuất khẩu duy nhất: các nhà buôn nước ngoài đến vào tháng bảy, đặt mối với các thợ thủ công – luôn phải qua khâu trung gian - và chờ đợi ít nhất sáu tháng để đơn hàng được hoàn thiện.

Chương Bốn: Tiền tệ

1. Các loại tiền tệ. – Duy nhất một loại tiền được lưu hành: tiền đúc từ đồng. Tiền 10 đồng và 6 đồng được nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ được dùng ở Ke-cho và bốn tỉnh xung quanh.

2. Tỷ giá quy đổi. – Sự ổn định của đồng so với vàng, sự bất ổn của tiền đồng trong đó có yếu tố trượt giá: 1 quan đổi ra 600 đồng năm 1666 và 1200 đồng năm 1715.

3. Cho vay nặng lãi. – Lãi suất hợp pháp từ 25% đến 30% thường xuyên bị vượt qua, người ta cho vay lấy lãi 100% đến 240% rồi 3600%. Tình trạng khốn cùng cuối thế kỷ XVII và đời sống đắt đỏ.

Chương Năm: Thương nghiệp

1. Nội thương

a) Các con đường giao thương: sông và kênh

b) Các phương tiện giao thông: không có máy móc vận tải, chuyển chở trên ván thăng bằng, thuyền ba ván.

2. Ngoại thương. – Những con đường đến Đàng Ngoài: mọi hoạt động ngoại thương đều qua đường biển. Thương nhân Trung Quốc ngược lên Cua Luc-bô (Rokbo theo của Dampier) chính là sông Đáy; người châu Âu qua Cua Lâ (Thai-Binh) dẫn đến Domea; ngôi làng này chắc chắn không phải là Dôn-Minh, mà là Dông-xuyên-ngoai: những tàu buôn châu Âu không đi xa thêm trong khi thuyền mành (jonque) Trung Quốc ngược lên đến Hien.

Người ta không bao giờ chỉ ra rằng, bên ngoài Đàng Ngoài, không có bóng dáng một con thuyền cũng như không có một nhà buôn Đàng Ngoài nào, và những người châu Á khác cùng với người châu Âu đã độc chiếm hoàn toàn ngoại thương của vùng.

Thường xuyên thiếu lương thực, bị bỏ đói định kỳ, người Đàng Ngoài nhận lấy một sự tồn tại khốn khó, bất bênh và không thể nghĩ đến điều gì ngoài miếng cơm hàng ngày.

* * *
Phần Hai: Cuộc sống gia đình

Chương Một: Tổ chức gia đình

1. Nền tảng của quan hệ họ hàng. – Quan hệ huyết thống, địa vị vượt trội của họ hàng bên nội thể hiện qua những cách gọi tên đặc biệt.

2. Cấu trúc gia đình. – Không có thị tộc (clan); bố mẹ và con cái.

3. Tổ chức gia đình. – Người mẹ phụ thuộc vào quyền quyết định của người cha, con cái bình đẳng.

Chương Hai: Hôn nhân

Nguồn bằng chứng châu Âu dồi dào trở nên đặc biệt quý giá khi không có bất cứ tài liệu nào có xuất xứ An Nam.

1. Vai trò của đôi vợ chồng tương lai. – Không có quyền được chọn người hôn phối; bố mẹ cưới gả con từ khi còn nhỏ tuổi.

2. Ăn hỏi. – Người mối lái, sính lễ, thách cưới chàng rể tương lai.

3. Đám cưới. – Trình của hồi môn, luôn là ruộng vườn và được tặng bởi chú rể; nộp khoản phí bắt buộc cho các chức sắc trong cộng đồng; cỗ cưới do chú rể chi trả; cô dâu trình diện trước các ông thần bếp (ông Táo) và tổ tiên của chồng

Chương Ba: Chấm dứt hôn nhân

1. Ly hôn. – Người phụ nữ hiếm khi có thể ly hôn và trong trường hợp có thể thì phải bồi thường cho người chồng.

2. Bỏ vợ. – Người chồng luôn có rất nhiều cơ hội để ruồng rẫy vợ.

3. Cách thức ly hôn và bỏ vợ. – Sự phá bỏ quan hệ hôn phối được thể hiện công khai: “đồng tiền hay chiếc đũa bẻ đôi”

4. Bât-dông hay dô-dông. – Các quý tộc có quyền lấy làm lẽ những người phụ nữa góa chồng, bị chồng bỏ, ly hôn hay những cô gái chửa hoang trong làng; những người này chỉ có thể khước từ bằng cách nộp 1 quan tiền cho quý tộc và từ đó không được phép lấy bất cứ ai. Tục lệ này chỉ còn được lưu giữ trong văn khố của Hội thừa sai.

Chương Bốn: Sinh và Tử

1. Sinh

a) Ngày sinh: đặc biệt quan trọng

b) Tên riêng: không được là tên một đứa trẻ khác đã chết; đặt tên xấu cho con để tránh bị ma quỷ quấy nhiễu. Khi đứa con đầu tiên ra đời, cách gọi tên ông bà nội và ông cậu họ nội sẽ được thay đổi, cách gọi tên người con cả thay đổi khi người con thứ ra đời. Khi thôi nôi, đa phần tên gọi cũ sẽ được thay thế bằng một cái tên đẹp.

Sự tôn kính một bậc bề trên thể hiện qua việc không bao giờ gọi tên của người này cũng như tên của cha mẹ ông ta, và người ta phải nói chệch đi bằng các từ đồng âm với tên gọi; cũng từ đó mà một số gia đình có vốn từ đặc biệt.

c) Tuổi trưởng thành: mười tám tuổi. Thông thường, trẻ em được tính một năm tuổi khi vừa chào đời và được hai tuổi vào Têt (đầu năm) sau.

d) Con nuôi: phổ biến, nhưng không được chứng thực bằng giấy tờ và không công khai. Baron được một hoàng tử ở Đàng Ngoài nhận nuôi để không phải chịu phiền toái và những Thừa sai người Pháp nhận làm con trai danh dự của một ái phi của Trinh Can để tự bảo vệ trong một phiên xử khó. Nhận nuôi thường không chỉ là một sự tiến cử đơn thuần, chỉ ra rằng ở Đàng Ngoài vào thế kỉ XVII không có tổ chức xã hội nào khác ngoài gia đình và rằng người ta không thể có người bảo hộ nào khác ngoài cha và mẹ.

2. Tử. – Người Đàng Ngoài sợ cái chết, nhưng có thái độ chấp thuận, và sợ nhất là không có được một cỗ áo quan đẹp. Thi hài được quàn trong mười đến mười lăm ngày trước khi được an tang ở bản quán. Thời gian chịu tang: ba năm cho con, hai năm, ba tháng và mười ngày cho góa phụ ; phải sống khắc khổ trong thời gian chịu tang. Thờ cúng tổ tiên, trong đó gia đình là đơn vị, tạo nên sự gắn kết và sức mạnh.

* * *
Phần Ba: Đời sống cá nhân

Chương Một: Trang phục

Tóc thả dài, biểu tượng của tự do; việc cắt tóc là một nhục hình hoặc là dấu hiệu của tang gia. Trán rộng được cạo nhẵn, răng được nhuộm lúc mười sáu hay mười bảy tuổi. Mũ, quần áo. Dân cư chủ yếu ở trần.

Chương Hai: Thức ăn

Gạo là thức ăn chính; thịt, nhất là thịt chó; các loại cá và nuoc-mam. Chỗ ở và đất đai. Một chế độ ăn thiếu thốn giải thích cho việc các tín đồ Cơ Đốc ở Đàng Ngoài đều không ăn chay.

Chương Ba: Tính cách

Có sự tương thích giữa các lời chứng. Người Đàng Ngoài cởi mở, nhạy cảm với tình bạn, ý tứ, ít gây gổ, ngăn nắp nhưng cũng tham ăn (có lẽ đơn giản là do bị bỏ đói), lười nhác và trộm cắp. Mại dâm thế kỷ XVII.

* * *
Kết luận

Nhìn chung, các tập quán ở Đàng Ngoài không có nhiều thay đổi từ thế kỷ XVII và không có gián đoạn nào trong sự tiếp nối tâm lý. Tuy nhiên, ta nhận thấy ở người Đàng Ngoài một sự thích nghi đáng lưu ý: những phong tục khắc nghiệt biến mất không để lại dấu vết và nhận định này khiến chúng ta cần thật sự cẩn trọng trong những giả thuyết về các nguồn gốc của văn minh Đàng Ngoài.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"