Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Học gì từ cách chống tham nhũng của Singapore

Thứ nhất, bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng, và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng. Nếu chỉ ‘những con cá nhỏ’ bị bắt, thì toàn bộ chiến lược chống tham nhũng sẽ mất uy tín và thất bại.
Không chỉ được ca ngợi là quốc gia có môi trường trong sạch, Singapore còn được đánh giá có một Chính phủ trong sạch.
Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để bảo đảm chính quyền trong sạch.
Ông nói cách hay nhất chống tham nhũng là ‘đi cùng thị trường’, thay vì thói đạo đức giả vốn đã tạo nên tham nhũng.

Giảm thiểu cơ hội tham nhũng

Khi Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền, họ nhận thức rằng phải chống tham nhũng thì mới đạt được mục tiêu phát triển.
Trong ba yếu tố tạo nên tham nhũng, lúc ban đầu Singapore chưa thể làm gì với yếu tố lương bổng vì năm 1960, đây vẫn là nước nghèo với GNP trên đầu người là 443 USD.
Vì vậy, chính phủ phải tập trung vào hai yếu tố tạo tham nhũng còn lại: giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hình phạt.
Một luật chống tham nhũng mới ra đời, với 32 phần (thay vì 12 như trước đây).
Có một số sửa đổi quan trọng như án phạt tăng lên 5 năm tù, người nhận hối lộ phải trả lại hết tiền đã nhận.
Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) được tăng quyền hạn, với khả năng điều tra “mọi tài khoản ngân hàng” của những ai bị nghi có hành vi phi pháp.
Một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi người đó chưa nhận tiền hối lộ, vì ý định phạm pháp đã đủ để khép tội người này.
Một điều khoản khác trong luật quy định công dân phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như là một hành vi phạm pháp trong nước.

Tăng lương

Cho mãi tới thập niên 1980, khi đã phát triển kinh tế, Singapore mới đủ khả năng làm nốt phần còn lại trong chiến lược chống tham nhũng, là tăng lương cho nhân viên.
Tháng 3/1985, thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để bảo đảm chính quyền trong sạch.
Việc điều chỉnh lương năm 1989 và 1994 khiến lương của quan chức ở Singapore thuộc hàng cao nhất thế giới.
Các nhân viên trong khu vực nhà nước cũng được tăng lương và có thêm trợ cấp để giảm nguy cơ họ chạy đi làm cho khu vực kinh tế tư nhân.

Bài học

Theo Giáo sư Jon S.T. Quah – Khoa Chính trị học ở Đại học quốc gia Singapore, kinh nghiệm của Singapore không dễ lặp lại ở các nước vì hoàn cảnh đặc thù và vì những chi phí chính trị và kinh tế của việc trả lương cao.
Tuy nhiên, có sáu bài học mà các nước có thể tham khảo.
Thứ nhất, bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng, và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.
Nếu chỉ ‘những con cá nhỏ’ bị bắt, thì toàn bộ chiến lược chống tham nhũng sẽ mất uy tín và thất bại.
Thứ hai, phải có các biện pháp chống tham nhũng đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem lại để thay đổi, nếu cần thiết.
Thứ ba, cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch.
Không nhất thiết phải có quá nhiều nhân viên, và bất kỳ thanh tra nào tham nhũng cũng phải bị trừng phạt và đuổi ra khỏi ngành.
Thứ tư, cơ quan chống tham nhũng phải tách khỏi bộ máy cảnh sát.
Nếu cơ quan này trực thuộc cảnh sát, sẽ khó hoạt động hiệu quả, đặc biệt nếu có tình trạng tham nhũng ngay trong nội bộ cảnh sát.
Thứ năm, để giảm cơ hội tham nhũng tại các ngành dễ sa ngã như hải quan, thuế vụ, công an giao thông, thì các cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra và thay đổi quy định làm việc.
Thứ sáu, động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp cho họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Phải làm sao duy trì được nhân tài trong khu vực nhà nước vì nếu họ bỏ đi làm cho bên ngoài, những người kém khả năng ở lại sẽ càng dễ có nguy tham ô.
S.T.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"