Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Chuyện bà Phó Ðoan

Những ai đã đọc Số Ðỏ của Vũ Trọng Phụng đều không quên được nhân vật bà Phó Ðoan, một người đàn bà lấy chồng Tây, đã hai đời chồng và cực kỳ dâm đãng nhưng lúc nào cũng tỏ ra là một quả phụ gương mẫu. Xuân Tóc Ðỏ đã biết cách che đậy tội lỗi cho bà Phó Ðoan, sau khi hiếp dâm y thị, đã biết cách vận động nước Xiêm La để xin cho Phó Ðoan một cái bằng “Tiết Hạnh Khả Phong” để che mắt thiên hạ.
Người Mỹ gốc Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm 25 Tháng Bảy, lên án tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nhân dịp Tổng Thống Barack Obama tiếp Chủ Tịch Trương Tấn Sang. (Hình: Karen Bleier/AFP/Getty Images)
Câu chuyện này mỉa mai không khác gì việc Cộng Sản Việt Nam, một quốc gia tàn bạo trong việc tước đoạt quyền làm người của dân chúng, đàn áp dã man, bắt bớ tù đày những tiếng nói bày tỏ bất đồng chính kiến mới được vào Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ.
Tin từ New York, ngày 12 Tháng Mười Một, Việt Nam đã đắc cử vào Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên của hội đồng. Bản tin từ VNExpress cho rằng “đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm quyền con người được thực hiện càng ngày càng tốt hơn tại Việt Nam.”

Có thật như vậy không?
Trước đây, theo lời ông Rupert Abott của Hội Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để vào Hội Ðồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council.) Ðây là một tổ chức trực thuộc Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các công ước về nhân quyền của các nước thành viên. Việc thành lập Hội Ðồng Nhân Quyền là một trong những hành động nhằm cải tổ Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc; khi Ủy Ban Nhân Quyền (CHR) giải tán từ năm 2005, bị nhiều chỉ trích rằng đã để những quốc gia có nhiều hành động phi nhân quyền làm thành viên và thao túng ủy ban. Ông Rupert Abott cũng nói rằng, như Việt Nam, trước đây cũng có những quốc gia “không tử tế với nhân quyền” cũng vào được tổ chức này.
Không phải bây giờ mà từ những năm về trước, tổ chức nhân quyền LHQ đã mang tai tiếng vì những quốc gia đàn áp nhân quyền nhất trên thế giới lại có ghế trong tổ chức này. Một bài xã luận của tờ New York Times ngày 26 Tháng Hai, 2006 cũng đã gọi Ủy Ban Nhân Quyền là “một nỗi nhục của Liên Hiệp Quốc,” vì năm 2003, Libya dưới quyền cai trị sắt máu của Ðại Tá Gaddafi, người được Tổng Thống Mỹ Reagan gọi là “con chó điên của Trung Ðông,” đã được bầu làm chủ tịch ủy ban. Ngày nay, Ủy Ban Nhân Quyền LHQ đã được gia tăng quyền lực để trở thành Hội Ðồng Nhân Quyền, năm nay lại thêm sự hiện diện của Việt Nam, một khuôn mặt đàn áp nhân quyền có hạng.
Chuyên gia của Amnesty International này cho rằng: “Việt Nam đã nhanh chóng biến thành một trong những nhà tù lớn nhất thế giới tại Ðông Nam Á, giam cầm những người bảo vệ nhân quyền và những nhà tranh đấu khác.”
Trong lúc gió Human Rights Watch cũng kêu gọi Việt Nam tỏ ra xứng đáng với chiếc ghế của Hội Ðồng Nhân Quyền, bằng cách phóng thích 10 tù nhân chính trị.
Ông Võ Văn Ái đã phát biểu tại khóa họp lần thứ 42 của Hội Ðồng Nhân Quyền đã nhắc lại chuyện sau khi ông Trương Tấn Sang đi gặp Tổng Thống Obama về thì tình hình nhân quyền bước sang một giai đoạn mới, công an không từ bất cứ hành động côn đồ nào để đàn áp tinh thần của những nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. CSVN đã ra thông báo về Nghị Ðịnh 72 hạn chế quyền tự do thông tin trên Internet, đi ngược lại cam kết của họ với quốc tế. Họ cũng đã bắt bớ giam cầm 49 blogger để khóa miệng tự do, ngôn luận.
Hồi Tháng Sáu, Dân Biểu Anthony Byrne lên tiếng tại Quốc Hội Úc về tệ nạn nhân quyền tại Việt Nam, ông đòi hỏi “các sinh viên trẻ phải có quyền phản đối mà không bị cầm tù, đánh đập, không thể bị bắt bớ vô cớ. Những điều này đang tiếp diễn tại Việt Nam. Chính quyền Úc không thể cứ bàn thảo đối thoại với Việt Nam mà không tiếp tục nêu lên những vấn nạn trên.”
Có thể nào một quốc gia thành viên của Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ lại đàn áp người dân của họ phổ biến bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của LHQ?
Nếu Việt Nam vào được Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ thì chẳng khác gì chuyện “Sáu Búa” Lê Ðức Thọ, một tội phạm chiến tranh lại được giải Nobel Hòa Bình năm 1973 sau khi đưa quân vào cưỡng chiếm miền Nam, đem 200,000 quân vào chiếm đóng Cambodia 10 năm, đánh qua cả đất Thái Lan.
Trước đây, Trần Quốc Hoàn, bộ trưởng Công An đầu tiên xuất thân là một tù hình sự, được Trường Chinh nâng đỡ với vai trò trùm công an đã cùng Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Ðỗ Mười, Lê Duẩn, sau năm 1975, thực hiện chính sách cướp đoạt tài sản của nhân dân miền Nam bằng chiến dịch đánh tư sản, đẩy dân chúng miền Nam đi kinh tế mới, đổi tiền, xua người ra biển cả, thì lại được đảng Cộng sản tuyên dương thành tích năm 1978 như sau: “Ðồng chí Trần Quốc Hoàn là một tấm gương xuất sắc trong việc thúc đẩy ổn định kinh tế, chính trị, xã hội sau năm 1975. Chính đồng chí trực tiếp lãnh đạo thành công việc 'sắp xếp ổn định an ninh trật tự trong việc di dân đi kinh tế mới và cải tạo công thương' thông qua chiến dịch X1 và X2...”
Bản tuyên dương này cũng mang máng như một lời khen ngợi “tiết hạnh khả phong” của bà Phó Ðoan ngày nào, chẳng khác chi Ủy Ban Nobel Na Uy trao giải Hòa Bình cho Lê Ðức Thọ, và chẳng mấy chốc Cộng Sản Việt Nam, như Libya ngày trước, sẽ nắm chức chủ tịch, ngày nay không còn là ủy ban, mà là Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ.
Nhiệm vụ của Hội Ðồng Nhân Quyền là chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các công ước về nhân quyền của các nước thành viên. Trong trường hợp này, liệu trọng tài có thổi còi khi cầu thủ vi phạm luật chơi, và một người có thể nhận cả hai vai trò, vừa là kẻ móc túi, vừa đóng vai cảnh sát trừ gian hay không?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"