Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Tản mạn cuối tháng Tư

Tô Văn Trường

 
Gần đến ngày lễ kỷ niệm 36 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/2011 nhận được email tâm sự của người bạn về thời cuộc lại thấy trăn trở, ngẫm suy. Nhiều nghịch lý lâu ngày thấy quen dần … thấy bình thường, con người đành phải thích nghi dần (phản xạ có điều kiện!) … khom lưng một chút, nhón chân một chút, hạ mình một chút, “giật gấu vá vai” một chút. Kỳ lạ thay, dân tộc này lại “hay cười” lại có cả “buồn cười” và “cười buồn” nữa …kỳ lạ cả trong khói lửa chiến tranh và khả năng nhẫn nhục chịu đựng một cách phi thường, đáng kinh ngạc, lương tri bị cái đói hành hạ, lòng tham cùng với thói gian trỗi dậy biến thành tội ác lớn nhỏ ẩn hiện khắp nơi . Con người đành ngụy trang sống trong các ốc đảo với một chút hy vọng xa xôi …

Khoảng 10 giờ sáng ngày 29/4/2011, chiếc xe taxi chở vợ chồng tôi bị tắc đường ngay bên hông Ủy ban nhân dân Quận 10 thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân có 1 thanh niên dáng dấp người thành phố đang đánh, đấm vào đầu một thanh niên khác có dáng vẻ người nông thôn nhẫn nhục chỉ né tránh, không hề chống cự lại. Một vài người dân can gián không được đánh người dã man như thế nhưng thanh niên này bất chấp vẫn hung hăng coi như mọi việc chỉ giải quyết bằng nắm đấm!

Lúc đó, người trong Ủy ban nhân dân Quận 10 đổ ra sân đứng xem rất đông, nhưng chỉ thấy đứng nhìn! Tôi mở cửa xe để ra thì bị “bà xã” giữ lại, còn người lái xe thì bảo “Chú đừng có ra, đây chỉ là vụ quẹt xe nhẹ, nếu chú mà can thiệp tụi nó tìm cớ đánh mình đấy! Trước cửa Ủy ban cứ để chính quyền giải quyết”. Khoảng 10 phút sau, mới thấy người dân chở honda một anh công an đến thì anh thanh niên bị đòn kia người đã nhũn như muốn té xỉu bên cạnh ông già đang đội mũ bảo hiểm, (chắc là người nhà đi cùng xe honda). Xe taxi lúc đó đã thông đường, tôi không rõ nguyên nhân vụ mâu thuẫn phải trái ra sao nhưng phải chứng kiến tận mắt văn hóa giao thông và cách ững xử giữa người với người bất chấp cả luật pháp ngay trước cửa công đường mà thấy lòng nặng trĩu và tự oán trách bản thân mình bất lực!

Các hiệp sĩ ngày xưa không cứu được đất nước, không bảo vệ được nhân dân, đành cố gắng bảo vệ một chút mái ấm gia đình và cùng bạn bè rong chơi “một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ … (Trịnh Công Sơn)” … đành đổ thừa cho sự may rủi của số phận cá nhân và dân tộc trước các ngã rẽ cuộc đời …
Ngay từ thế kỷ 18 nhà bác học Lê Quý Đôn đã tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến nguy cơ mất nước (1) : Trẻ không kính già; (2) Trò không trọng thầy; (3) Binh kiêu tướng thoái; (4) Tham nhũng tràn lan và (5) Sỹ phu ngoảnh mặt. Nhớ đến lời dậy của tiền nhân, nhìn lại xã hội ta hiện nay không khỏi nghĩ suy trách nhiệm của trí thức đối với vận mệnh và sự phát triển của đất nước.

Ngẫm suy, với những trí thức đã lớn tuổi, trải nghiệm nhiều trong cuộc sống chỉ biết trải lòng mình bằng cách dấn thân vào công việc phản biện. Thật ra, có quá nhiều hiểu sai về thuật ngữ “phản biện”. Có người sính nghĩa cho rằng phản biện là nói chống lại, nói ngược lại hay nhẹ nhàng hơn là bình phẩm, phê bình. Theo chúng tôi hiểu, phản biện chỉ hàm nghĩa góp ý, dựa trên kiến thức, hiểu biết của người viết. Khi phản biện không nên đưa quá nhiều quan điểm riêng mà trên thế giới chưa kiểm chứng về mặt khoa học, dù tự nhiên hay xã hội. Điều quan trọng trong phản biện là phảỉ đọc nhiều, ngẫm suy, hiểu được các nghiên cứu lịch sử của đề tài đang nói đến, nghĩa là những bàn luận, những nghiên cứu trước đây về đề tài đó cho nên không phải ai cũng có thể phản biện. Điều quan trọng của phản biện là nhìn ra được ý nghĩa đóng góp khoa học và xã hội của vấn đề đang bình luận.

Nguyên tắc cao nhất dành cho các đối tượng tham gia phản biện không phải là chất lượng hay nghệ thuật, mà trước tiên đó phải là sự tôn trọng tính khác biệt ở các phản biện khác. Đúng là chúng ta luôn đòi hỏi chất lượng phản biện, chất lượng nghiên cứu nói chung ngày phải cao hơn, sâu hơn, nhưng một thực tế khách quan là chúng ta bị cản trở lớn do thiếu nguồn thông tin, tài liệu để căn cứ và tham khảo. Khuyến khích phản biện để xây dựng xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền chính là trước tiên khuyến khích, bảo vệ và lắng nghe tất cả các phát biểu khác nhau ở tất cả các mức độ, từ đơn sơ, mộc mạc, đến sâu sắc, phức tạp hay gai góc, thậm chí trái chiều...Qua quá trình cọ xát, tranh biện và đối chứng tự do, bình đẳng, trình độ phản biện của các đối tượng tham gia mới có cơ hội phát triển và thúc đẩy trở lại sự phát triển nói chung của xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, cần sự kiên nhẫn, tinh thần tự do, dân chủ và bình đẳng giữa mọi thành phần trong xã hội, nhất là đòi hỏi ở thành phần tiến bộ hơn, có hàm lượng chất xám và tri thức khoa học cao hơn một thái độ đúng mực, cầu thị và bao dung hơn trong ý kiến phản hồi dành cho các đối tượng " thấp " hơn mình.Phản biện không phải là phản đối. Phản biện là trên cơ sở thực tế (rộng hơn, bao trùm thực tiễn), lý luận và khoa học về chủ đề của chính sách, của pháp luật, của quyết định, của tác phẩm được phản biện, mà tiến hành phân tích, xác định giá trị, những chỗ đúng, mới mẻ, sáng tạo, cần phát huy, những chỗ thiếu sót, cần bổ sung, những chỗ không chuẩn xác, cần sửa chữa trong chính sách, pháp luật, quyết định hoặc tác phẩm ấy.Tùy trường hợp, mà phản biện nặng về biểu dương thành tựu, hoặc nặng về vạch rõ khiếm khuyết, hoặc cân đối giữa hai phần khen và chê.

Trong phản biện, điều quan trọng nhất không phải là "phản", mà là "biện". Biện là biện luận. Giá trị phản biện là giá trị biện luận. Muốn phản biện có ý nghĩa, có tác dụng xây dựng tích cực, thì người/cơ quan phản biện và người/cơ quan nhận phản biện phải có văn hóa phản biện, biết phản biện, và biết hoan nghênh, biết tiếp nhận phản biện.

Văn hóa phản biện gồm 3 thành tố chính (1) Trình độ sống, trình độ hiểu biết và từng trải; (2) Phẩm chất người và (3) Sự quen thuộc, tạo thành nếp quen, thành nhu cầu muốn, cần, phải phản biện và tiếp nhận phản biện. Cần lưu ý rằng nếu phản biện là “viết” thì người phản biện phải có kỹ năng ngôn ngữ, nếu không sẽ thiếu thuyết phục hay dẫn đến hiểu lầm.
Trước lúc xuống xe, có lẽ đoán tôi là người quan tâm đến thời cuộc, nên người lái xe tác xi bảo: “Chú ơi, giá cả cao quá, người ta bảo tại vì lạm phát thì phải, vợ cháu đi chợ gặp ai cũng kêu than…” Ừ nhỉ, phản biện chẳng ở đâu xa, tại sao mình không tìm hiểu để viết 1 bài phản biện về lạm phát theo cách nhìn và tiếng nói của người dân?
[*] Bài viết do TS Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!

Lời bình của Ông Nguyễn Trung (nguyên Trợ lý của Ông Sáu Dân):

Tôi chia sẽ những suy nghĩ của anh Trường trong vài dòng tản mạn của anh. Chỉ có con người mất hết lương tri mới dửng dưng với thực trạng đất nước hiện nay. Dửng dưng vì tha hóa, dửng dưng vì say sưa chiến thắng, dửng dưng vì mù và trơ lỳ, dửng dưng vì ngu dốt..., hay vì gì đi nữa, thì cuối cùng vẫn là đất nước phải trả giá. Chẳng lẽ bao nhiêu hy sinh mất mát cả dân tộc ta đã phải chịu đựng từ hơn một thế kỷ nay chưa đủ thức tỉnh dân tộc ta, đất nước ta hay sao?
Chào!
Nguyễn Trung

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"