Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Cái hâm của người tài và cái tài của người hâm!

Trực Phan -

 
Trực Phan là dân miền Nam, nhưng xin được dùng ngôn từ của người miền Bắc để làm tiêu đề cho bài viết này. Hâm đồng nghĩa với chữ gàn dở (theo định nghĩa của từ điển Việt Nam). Trên thế giới này có biết bao bậc vĩ nhân, anh hùng nhưng vẫn không thoát khỏi một vài tình huống dở khóc dở cười mà người ta thường gọi là hâm. Ví dụ như Albert Einstein, khi ông còn làm việc ở trường đại học Princeton, một hôm ông có việc phải đi về nhà gấp, ông gọi một chiếc taxi.
Người tài xế không nhận ra ông. Tài xế hỏi: Ông muốn đi về đâu? Einstein trả lời: Tất nhiên là về nhà của Einstein rồi. Người tài xế trả lời: Có ai mà không biết nhà Einstein chứ, nhưng ông đã gặp ông ta chưa? Einstein đáp: Tôi là Einstein đây, nhưng khổ nỗi là tôi quên mất địa chỉ nhà tôi rồi. Viên tài xế bật cười và chở ông về tận nhà và không lấy tiền taxi. Là một thiên tài trong lĩnh vực khoa học vật lý nguyên tử, thế nhưng đôi khi ông cũng rơi vào tình huống “hâm” đáng yêu như thế. Archimedes, nhà toán học lỗi lạc và là người phát hiện ra lực nâng của chất lỏng. Khi nhà vua yêu cầu ông giám định xem chiếc vương miện có được làm bằng vàng nguyên chất hay là bị pha bạc hoặc kim loại khác vào hay không, ông đã ngâm mình trong bồn tắm để suy nghĩ tìm câu trả lời. Đến khi tìm được cách giám định chiếc vương miện dựa trên nguyên lý nâng của chất lỏng, ông đã vui sướng nhảy ra khỏi bồn tắm và chạy khắp nơi trong thành phố với thân mình trần như nhộng, miệng reo to: Eureka. Những cái hâm đó có lẽ là điều đương nhiên vì người ta thường bảo có tài thường hay có tật. Nhưng cái hâm đó so với trí tuệ của những bậc vĩ nhân như Albert Einstein hay Archimedes thì có lẽ giống như hạt cát trong sa mạc, có lẽ nó góp phần làm tăng giá trị đích thực của các bậc vĩ nhân hơn là làm hạ thấp họ xuống. Đó là cái hâm của người tài, có tật là có tài, thông thường là như thế. Nhưng trong thời nay, có những kẻ chẳng những không có tài, bị hâm và lại lắm tật (tật xấu hay tật nguyền về một mặt nào đó, có thể là về hình thể hay tâm hồn, tùy người đọc nhận định).
Trước hết là cái tật hay tưởng tượng. Trong một bài viết gần đây đăng trên trang web www.emotino.com , có một ông thạc sĩ trả lời phỏng vấn đài RFA mà ông líu lưỡi thành AFR, trong đó có đoạn ông tưởng tượng như sau: “Tôi nghe có một nghi án về Hoàng Đế Quang Trung qua Tàu quỳ ôm gối Vua Càn Long (lễ bảo tất hay bão tất) để tỏ lòng hiếu thảo, và ai cũng vì danh dự quốc gia mà nói rằng vua Quang Trung cử người giả dạng mình sang Tàu chứ không phải đích thân người ngự giá”. (trích nguồn www.emotino.com). Người viết xin mạn phép hỏi bạn đọc gần xa, từ khi các bạn đi học, các bạn biết về lịch sử cha ông đấu tranh chống giặc Tàu từ xưa tới nay, có vị vua nào đã làm chuyện đê hèn như thế chưa? Các bạn đọc cũng đã thừa biết những trận đánh hết sức oai hùng do vua Quang Trung chỉ huy đã đánh tan nát 20 vạn quân Thanh, khiến cho thái thú Sầm Nghi Đống phải treo cổ, Tôn Sĩ Nghị chạy không kịp thở oxy. Trong chuyện bang giao với nhà Thanh sau đó, lịch sử đã viết thế này: “Ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu, Quang Trung vội trở lại Phú Xuân để lo việc diệt Nguyễn Ánh, ông trao lại binh quyền cho Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm.
Từ trước khi giao chiến với quân Thanh, Quang Trung đã tính đến chiến lược ngoại giao với nhà Thanh. Theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, Tây Sơn nhanh chóng bình thường hóa bang giao với phương Bắc. Vua Càn Long nhà Thanh đã cho sứ giả vào tận Phú Xuân để phong vương cho Nguyễn Huệ; rồi hoàng đế Quang Trung giả đã sang triều kiến và dự lễ mừng thọ 80 tuổi của Càn Long.
Tháng 1 năm 1790, theo phương kế của Ngô Thì Nhậm[48], Quang Trung sai người đóng giả làm mình cầm đầu đoàn sứ gồm 150 người sang Yên Kinh (Bắc Kinh sau này) triều kiến Càn Long. Các tài liệu ghi khác nhau về nhân vật đóng giả Quang Trung. Theo Hoàng Lê nhất thống chí và Việt Nam Sử Lược, người đóng Nguyễn Huệ tên là Phạm Công Trị,[49] cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu; theo Đại Nam chính biên liệt truyện thì người đó là tướng Nguyễn Quang Thực người Nghệ An. Mục đích của đoàn sứ là thăm dò thái độ của nhà Thanh đối với vị vua lưu vong Chiêu Thống của nhà Lê. Đại quan nhà Thanh là Phúc Khang An, từng sang chiến trường Đại Việt, bị Quang Trung mua chuộc đứng sau lưng đoàn sứ bộ,[50]nên nhiều tướng lĩnh nhà Thanh biết người cầm đầu sứ bộ không phải là Nguyễn Huệ, nhưng vì ngại gây hấn nên không nói ra”. (trích nguồn www.wikipedia.com).
Vậy mà tưởng tượng ra chuyện vua Quang Trung quì gối ôm chân Càn Long thì trí tưởng tượng của người này thật sự đáng khâm phục. Có ai đó thử vào bệnh viện Biên Hòa cũng không tìm ra được người tưởng tượng giỏi hơn thế được. Ông tưởng tượng ra rằng nếu ông bôi nhọ lịch sử thì có lẽ ông sẽ được tôn vinh và đưa lên cao hay những trí thức, nhân sĩ nước nhà sẽ bái phục ông. Đó là cái tài của người hâm. Còn có một số người khác thì tưởng tượng ra rằng nếu họ khủng bố tinh thần, đe dọa bắt bớ, tống giam những người đấu tranh cho lẽ phải như LS Lê Quốc Quân và Phạm Hồng Sơn cùng các anh chị em khác thì họ sẽ khống chế, đàn áp được dư luận trong và ngoài nước. Lại có những tưởng tượng rằng đất nước Việt Nam chúng ta giàu và đẹp lắm, chả cần thiết chi mấy cái mỏ quặng bauxite ở Tây Nguyên nên tha hồ bán cho “kẻ thống trị nước ta cả ngàn năm” sau khi “khuyến mãi” mấy chục hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa kèm thêm vài chục km đường biên giới Lạng Sơn mặc cho thực tế là nhân dân ta đang bị đe dọa cái ách xâm lăng “cả phần cứng và phần mềm” như một bác tiến sĩ luật sư tốt nghiệp ở đại học Sorbone của Pháp đã nói. Nhưng than ôi, những sự tưởng tượng đó lại là cái tài của họ và họ tranh thủ đến mức tối đa để hiện thực hóa cái sự tưởng tượng ấy.
Thứ hai là cái tật bươi móc. Cái tài của người hâm là họ bươi móc đạt tới đẳng cấp hơn cả David Copperfield. Vị vua ảo thuật của Las Vegas chỉ mới móc được ra con ách bích trong bộ bài 52 lá bất chấp bộ bài được xào chẻ cỡ nào. Còn ở Việt Nam ta, các bậc thầy bươi móc còn móc ra được những thứ mà khi móc xong, người bị móc còn ngỡ ngàng không biết mình đã từng có nó. Trong một vụ án gần đây, khi ập vào khám xét một khách sạn nghi ngờ có chứa chấp ma túy, mai dâm theo tin của “quần chúng” nó báo, họ móc ra được 2 cái bao cao su khiến cho người bị móc suýt xỉu vì không hiểu được họ móc ở đâu ra mà hay thế, mà khổ nỗi nếu có đi giám định DNA thì có khi nó thuộc về một ông nào đấy ở Bắc Giang cũng nên. Chưa hết, họ còn móc được ra thêm những cái gọi là tài liệu tuyên truyền chống phá cách mạng, bôi nhọ đảng CSVN, bôi nhọ lãnh đạo mà trong khi ấy, những thứ đó ai cũng đã đọc, và đọc từ rất lâu rồi, chả có cái quái gì chống hay phá cả. Chưa hết, trong một bài báo gần đây, các “sư phụ móc” còn móc ra được cái lý luận suy diễn từ một câu nói của ông giáo sư tiến sĩ gì đấy vừa được trao tặng giải Fields rằng ông đã “trở thành 1 luận cứ tâm lý có lợi cho những kẻ ngu dốt hoặc cơ hội”. (trích nguồn www.anninhthegioi.com.vn ). Cái kiểu suy diễn thế này chẳng khác nào cho một đạp vào mặt những người dám nói ông giáo sư được giải Fields là xứng đáng. Thật là “khâm phục” cái tài của người hâm.
Thứ ba là cái tật cãi chày cãi cối và bịt miệng người khác. Cũng trong một vụ án gần đây do TAND Hà Nội xử ông tiến sĩ luật sư gì đấy tốt nghiệp tại đại học Sorbone. Sau khi “mời” luật sư bào chữa ra ngoài, không đưa ra bằng chứng mặc dù bị cáo và luật sư yêu cầu, ông thẩm phán gì đấy tương ngay một bản án 7 năm nhốt tù và 3 năm quản chế. Quốc tế lên án ầm ầm nhưng bà gì đấy là người phát ngôn của bộ ngoại giao lại cứ chày cối rằng xử đúng luật đúng tội: “Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Tại Việt Nam, các hành vi vi phạm pháp luật được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”. Nói tóm lại là đúng từ trên xuống, có sai đi chăng nữa là bị cáo sai, luật sư sai, dư luận trong và ngoài nước sai, tổ chức nhân quyền thế giới sai chứ chả có tòa nào hay thẩm phán nào sai cả.
Chúng ta, nhân dân Việt Nam có quyền tự hào với thế giới rằng không ở đâu trên thế giới có thể so sánh được với Việt Nam về cái tài của người hâm. Thế giới có quyền tự hào về cái hâm của người tài nước họ nhưng chúng ta thì “tự hào” về cái tài của người hâm nước chúng ta. Dường như đất nước phát triển và sánh vai với các nước khác cũng nhờ vào cái tài của người hâm nước Việt đấy. Cũng nên tự hào lắm chứ, phải không các người hâm?
Sài Gòn 13/5/2011
Trực Phan

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"