Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Nòi đày tớ

Xích Tử

Tác giả gửi đến Dân Luận

Vào năm 2011, 81 năm tuổi của Đảng cộng sản Việt Nam, những người lãnh đạo cao nhất của đảng đã thực hiện công cuộc truyền thừa quyền lãnh đạo đất nước cho thế hệ con một cách có hệ thống, công khai, có sắp xếp trao đổi chia chác và tương đối an toàn. Kết quả là có đến gần một chục các vị uỷ viên Bộ chính trị qua các nhiệm kỳ gần đây có con, rễ ngấp nghé chức vụ từ phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thứ trưởng cấp trung ương trở lên về mặt nhà nước, uỷ viên thường vụ cấp tỉnh trở lên vế mặt đảng.

Công cuộc truyền thừa được thực hiện bằng nhiều phương án, song nói chung, về mặt công khai, đều trải qua một cách thành công các trình tự, thủ tục theo các luật lệ, qui định, qui chế về công tác cán bộ, nhân sự, từ qui hoạch đến giới thiệu, tín nhiệm, bầu bán, bổ nhiệm, luân chuyển, chỉ định v.v…

Động thái đó trước hết là bình thường về mặt phương pháp; nó cũng là bình thường vì hoàn toàn thống nhất với đặc trưng độc quyền và cực quyền của chế độ, của đảng trong việc tổ chức các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp thông qua việc giới thiệu, đề cử, bầu cử nhân sự (đại biểu của các cơ quan dân cử, lãnh đạo các cơ quan hành chính và quản lý nhà nước, người đứng đầu các đoàn thể, hiệp hội, hội). Song so với lịch sử hoạt động của đảng, động thái mới này bắt đầu bộc lộ những ý nghĩa không bình thường của các tín hiệu chính trị.

Một mặt, về thái độ sở hữu/ độc hữu quyền lực, đây là biểu hiện của sự ngạo mạn với nhân dân một cách công khai về quyền được truyền thừa của tầng lớp lãnh đạo đối với các vị trí đứng trên đầu dân bằng cách hết sức an toàn là sử dụng ngay chính hệ thống luật lệ, qui định qui chế do họ tạo ra kết hợp với áp lực “uy tín” cá nhân của họ trong quá trình vận hành các luật lệ đó qua các trình tự, thủ tục hiện thực hoá mục đích, ý đồ, địa chỉ truyền thừa. Mặt khác, hiện tượng đang nói diễn ra hàng loạt trong một thời gian ngắn với bối cảnh có nhiều biến động về tư tưởng trong nội bộ đảng, trong tình trạng hoang mang, mất niềm tin của dân chúng đối với đảng thông qua một loạt những thay đổi và thất bại chính sách, trong sự phản biện, phê phán, châm biếm của trí thức trong nước và cái gọi là “diễn biến hoà bình” từ người Việt hải ngoại, các chính phủ và tổ chức nước ngoài…chứng tỏ một trạng thái lo sợ, gần như hoảng loạn ở những người lãnh đạo của đảng về những tiên liệu bất an, tiêu cực của tiền đồ mà đối phó với nó chỉ còn cách là nội truyền/ trực truyền/ biệt truyền quyền lãnh đạo cho con cháu trong nhà.

Điểm gặp nhau của 2 khía cạnh nói trên là đã tạo ra một diễn biến chính trị - nhân sự chưa từng có trước đây song nó là hiện tượng tất yếu, bản chất của một kiểu chính trị phong kiến mới đã hoặc xuất hiện, hoặc tiểm ẩn trong hệ thống chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa, trước đây và còn lại hiện nay, trong đó biểu hiện ở 3 nét chính là sùng bái cá nhân, độc tài cá nhân thông qua cái gọi là dân chủ tập trung và sự truyền thừa quyền lực cho người thân trong gia đình. Ở nét đặc trưng sau cùng, có thể minh chứng bằng các kiểu Mao Trạch Đông – Mao Viễn Tân (dự kiến và chuẩn bị), F. Castro – R. Castro (có khác là ông Castro em có cùng tham gia cách mạng từ đầu với ông Castro anh), Kim Jong-il và Kim Jong-un, và các vụ đang nói ở Việt Nam.

Sự lành mạnh, chính thống hay không lành mạnh, nguỵ trá của hiện tượng đó hãy để cho khoa học chính trị và lịch sử khoa học chính trị nghiên cứu, phán xét. Còn với những người dân có hiểu biết và quan tâm, như đã thấy qua các phản ứng thời gian tổ chức đại hội XI, thì ngộ ra rằng đã đến lúc những cách nói như “thành phần cơ bản”, “hạt giống đỏ”, “cách mạng nòi”, “con ông cháu cha”…trở thành hiện thực bằng xương bằng thịt trong đời sống đất nước, rằng cứ bằng cách như thế, nhân dân sẽ không bao giờ được trực tiếp lựa chọn những tinh hoa để uỷ nhiệm quyền cai trị mình(ngay cả việc được “đào tạo bài bản” của một số trong những người được truyền thừa cũng là do ông bố tạo ra).

Người dân cũng biết rằng cách làm như vậy chẳng là “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chút nào. Còn nếu tin theo Bác, vốn xem cán bộ là “đày tớ” của nhân dân, thì hãy tự an ủi mình và khoan dung với sự truyền thừa kia rằng những người ấy có cái nghiệp làm đày tớ, cái nòi đày tớ, chỉ biết đặt lợi ích của dân lên trên hết chứ chẳng là lợi quyền gì cho mình; và sự truyền thừa quyền lực chính trị là hành vi khổ hạnh, tự đày ải của những người theo đạo cộng sản, của thế kỷ XXI.

Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"