Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Chuyện xưa và nay

Theo blog Góc nhỏ


Ngày 30-4 đã qua gần cả một tháng rồi, nhưng đọc cái post của Trọng Đạt nói về "Ba mươi sáu năm qua" mấy hôm trước, nghĩ bụng hình như ông này cũng con cháu Bắc kỳ di cư 54 nếu tôi không lầm, nhưng mà có lầm thì cũng xin bỏ qua. Đọc bài viết thì đúng là nhiều điểm đúng, ít điều sai, mà điều sai là tại vì tác giả viết đến nỗi người đọc cứ tưởng là ông kỳ thị người Bắc lắm lắm, nhất là Bắc Kỳ 75.


Nhưng thật sự thì ông nói đúng tâm trạng của người sống ở miền Nam trước 75 cho tới sau này, dù là người Bắc, Trung Nam gì chăng nữa, bây giờ khi nghe giọng Bắc kỳ 75 tràn ngập các thành phố miền Nam là tự nhiên sờ sợ làm sao dù họ chỉ là người dân thường, sau 75 thì họ cũng "vượt biên" vào miền Nam, như ông bác ruột của tôi. Chả hiểu làm thế nào mà chỉ một tháng sau 75 là ông tò tò dắt theo một đàn con gái, mấy bà chị tôi vượt biên vào sống trong Nam luôn từ ngày ấy, bỏ cả nhà cửa của ông bà Nội cho cô chú tôi trông, ông đi như vì ông đã đi hụt vào một ngày nào 54. Thế nhưng với chúng tôi, các bà chị trưởng thành dưới mái trường XHCN vẫn là "dân cộng sản" và các bà chị của tôi vẫn xem chúng tôi là "con cháu phản động" . Thế đấy, có lẽ bây giờ sau 36 năm sống ở Saigon thì mấy bà chị tôi còn Saigonese hơn cả chúng tôi nữa, nhưng mà lâu lâu có khác nhau trong cư xử thì cứ lôi ra đổ tại Cộng Sản mí lị Cộng Hoà.

Chả trách bây giờ ra tới hải ngoại ở một cách ứng xử nào đó, dù có thân, có nổi tiếng cũng không tránh được sự ngần ngại như câu chuyện của cô ca sĩ Trần Thu Hà với blogger Ngọc Lan, ở đó có khi nào, vẫn là khoảng cách khi nghe giọng nói khác nhau, tự nhiên người ta nhớ đến một lịch sử "hãi hùng" đã xẩy ra? Nhớ lại tôi có lần có hẹn với một bác sĩ ở quận Cam. Chỉ nghe giọng nói của cô thư ký nói giọng rất Bắc kỳ 75, cô trông dễ thương, cô kể cô sang du học rồi lấy chồng ở lại, thế mà đêm về bị ám ảnh thế nào vì tiếng nói của cô mà sáng hôm sau tôi phải gọi vào huỷ bỏ cái hẹn với bác sĩ đó, một đi không trở lại. Tôi không lý giải tâm lý của mình, nhưng dù thế nào tiếng nói của cô làm cho tôi nghĩ đến một giai cấp thống trị, đã khiến tôi phải bỏ nước ra đi. Đến sự ngột ngạt của ngày nào, cho nên lắm lúc nghe người ta bảo nên hòa hợp hoà giải, lại thấy con đường đó còn xa xôi lắm, chỉ đối với một số người mà không thể là toàn dân.


Tôi cũng chả có trí nhớ lâu nên chuyện gì rồi cũng quên, nhưng lâu lâu có điều gì, như gặp giọng nói của cô nhỏ, một kiểu "flashback" làm khơi lại một nỗi ám ảnh nào đó mà mình không muốn gặp lại. Mình còn như thế, huống gì những người có nhiều mất mát, đau khổ có dễ gì cho người ta quên không? Khi mà hàng năm những người chiến thắng vẫn ăn mừng trên sự đau khổ của người khác.
Cho nên đọc comments bài của tác giả Trọng Đạt mới hiểu còn lâu lắm người ta mới quên được chuyện của 36 năm trước hay đúng hơn là của cả 60 năm.


Bởi vì ngay như con tôi, khi nhắc tới người thanh niên chủ nhà hàng xóm cạnh nhà nó, từng khoe là con cháu của ông gì có quyền hành rất lớn ở công ty viễn thông VN, chả biết nó có biết tên người ta hay không? Nó chỉ nói khơi khơi "thằng cộng sản", nó nói nhưng không phải với giọng thù hận gì, chỉ là một cái tên chung, đối với con trai tôi, nó nghĩ, người ở trong nước sang mua nhà mua cửa đi xe xịn thì là ... cộng sản cả, làm tôi buồn cười sự phân biệt của nó.  Tôi đoán chắc cậu bé kia có khi lại gọi con tôi là "thằng phản động" (?). Tôi cứ phải giải thích cho con tôi hiểu chẳng phải ai cũng là cộng sản, nhưng có lẽ những người giàu có ở VN, thường có quyền, đưa con sang đây mua nhà mua xe cho con cái ở thì đa số có bị gọi là cộng sản chắc cũng không sai lắm, phải không?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"