Lâu lắm mới nghe lại một bản nhạc. Sáng sớm đọc cái blog của Charvey, tác giả hiểu rất rõ tiếng Việt và ông dịch bài hát "Hát trên những xác người" của Trịnh Công Sơn, tuy có hai câu mà tôi cho là chưa được chính xác lắm như câu "Mẹ vỗ tay reo mừng xác con" được dịch "A mother claps her hands and celebrates her child's corpse" thì không thể diễn tả hết được nỗi đau đớn tột cùng của người mẹ mất con, khi quá đau khổ người mẹ đã điên loạn "vui mừng" nếu dịch "crazily celebrates over her child's corpse" có lẽ gần hơn và câu "Người vỗ tay cho đều gian nan" không phải là "People clap their hands for more miserable hardship", xin thêm đau khổ, mà là chia đều gian nan, để san sẻ "People clap their hands to share miserable hardship" , tôi đoán bài hát này ngày nay không được hát lại ở VN.
Nhưng bao nhiêu thế hệ trẻ VN ngày nay đọc lịch sử, biết được những bài hát như thế này cũng góp phần nào cho sự sụp đổ của quân đội VNCH ngày xưa? Không phải vì họ dở, nhưng tinh thần của quân đội của họ không phải là đi tấn công, đánh nhau, hay xâm chiếm chỉ là tự vệ, phòng thủ, mà nghe những bài hát như thế này ai không buồn cho cuộc chiến VN ngày ấy. Tuy không phải là thủ phạm gây ra những cái chết như trong bài hát của tác giả họ Trịnh, nhưng ai yêu chuộng hoà bình thì dù thế nào họ cũng không muốn cầm súng dù là chỉ để tự vệ. Vì viên đạn bay đi nào ai biết được nó rơi vào đâu, hay lại rơi vào những đưá trẻ. Thế đấy quân đội miền Nam ngày ấy có nhưng rất thiếu những bài hát tiến công xâm chiếm miền Bắc, trong khi đó thì ngược lại. Cho nên văn nghệ rất cần thiết cho một chiến lược giữ gìn đất nước. Bây giờ thì VN lại rất cần những bài hát dành chủ quyền, gìn giữ tổ quốc, gợi lòng yêu nước trước viễn cảnh bị mất bởi Bắc triều. Thế mà không thấy, không hiểu tại sao? Dĩ nhiên không ai mong có chiến tranh, nhưng để tinh thần bị "ngủ mê" là thế giới họ đang sống là một thế giới thực sự hoà bình và không cần phải lo giữ gìn tổ quốc, hãy để đó cho ai đó lo, thì có phải là sự tắc trách của một nền văn nghệ "ngủ mê"?