Đọc bài báo sau nói về vụ bầu cử mà theo báo chí Việt Nam là có tới 97% đi bầu, quả là con số rất cao so với các quốc gia khác trên thế giới, mà theo tôi biết thì ngay ở nước Mỹ khi có bầu cử thì cũng rầm rộ lắm, ứng cử viên cũng đi khắp nơi diễn thuyết đưa ra đủ mọi lời hứa cho cử tri, thế mà tới ngày bầu cử thì con số tỷ lệ đi bầu cho cả toàn quốc không tới 42%, chả hiểu cái dân xứ tư bản này nghĩ gì mà họ chẳng quan tâm gì tới quyền lợi của họ, họ tin tưởng vào hiến pháp và luật pháp của cha ông họ đã đặt ra? Thế mà họ vẫn sống Độc Lập Tự Do và Hạnh Phúc. Trong khi ở nước Việt, thì xem ra người dân rất "quan tâm" đến chính trị đất nước? Kết quả ra sao thì đã có đảng...lãnh đạo rồi.
Đọc bản tin thấy năm nay, đảng chià tay mời mọc giới doanh nhân (chả khác gì Trung Quốc chứ có phải đảng ta sáng suốt đâu), thật ra tôi cũng chả quan tâm cái vụ bầu cử ở VN vì trước sau cũng có sự sáng suốt của đảng chứ không phải của dân, tôi chỉ quan tâm tới đoạn sau vì có mấy doanh gia họ Đặng, mong cho họ thực sự được trở thành đại biểu quốc hội, để xem họ có làm cho đất nước giàu có hơn như họ làm giàu cho doanh nghiệp của họ, hay là lại cũng chỉ dùng quyền lực để làm giàu thêm cho chính họ? Thế thì buồn lắm, dù gì thì họ với... tôi cũng cùng một ông tổ đâu đó mấy trăm năm trước ấy mà, đơn giản chỉ có vậy. Như hôm nọ đọc bài báo nói về Đặng Lê Nguyên Vũ, kẽ vĩ cuồng đã tính lanh chanh viết thư... nhận Họ, và vì cũng có một thời ở xứ Buồn Muôn Thủa. Nhưng nghĩ lại thôi cứ làm "khúc ruột ngàn dặm" cho nó chắc ăn.
"Ông Huấn nằm trong khoảng hơn một chục doanh nhân là ứng cử viên quốc hội tại cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật này, trong số này có một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay là ông Đặng Thành Tâm và em gái của ông là Đặng Thị Hoàng Yến cũng là một chủ doanh nghiệp tư nhân giàu có."
Lãnh đạo Việt Nam đang chìa tay mời mọc giới doanh nhân
Ben Bland tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Khi Nguyễn Quang Huấn, một doanh nhân 47 tuổi sống tại Hà Nội nói với bạn bè rằng ông muốn tự ứng cử làm đại biểu quốc hội của Việt Nam do Đảng Cộng Sản chi phối thì bạn bè của ông đã bảo rằng ông là “đồ điên”.
Ông Huấn đã bỏ việc trong cơ quan nhà nước từ 10 năm nay để thành lập một công ty tư vấn trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng sau khi ông đã chán ngấy vì tình trạng quan liêu của bộ máy nhà nước.
Mặc cho bị bạn bè nghi ngờ, ông đã tự ứng cử vào Quốc Hội, ý định mạnh dạn này của ông xuất phát từ việc nhiệm kỳ 4 năm vừa qua đã cho thấy mức độ độc lập chưa từng có từ trước tới nay ấy là khi các đại biểu quốc hội đã bác nhiều kế hoạch của chính phủ, đã đặt những câu hỏi làm rát mặt nhiều bộ trưởng tại các phiên chất vấn, thậm chí còn đòi bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng.
“Nếu bạn làm kinh doanh thì bạn chỉ có thể đem lại lợi ích cho một vài trăm con người, nhưng nếu bạn tham gia vào lính vực chính trị thì bạn có thể giúp đỡ triệu người,” tổng giám đốc của công ty phát triển cơ sở hạ tầng Thăng Long đã nói như vậy.
Ông Huấn nằm trong khoảng hơn một chục doanh nhân là ứng cử viên quốc hội tại cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật này, trong số này có một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay là ông Đặng Thành Tâm và em gái của ông là Đặng Thị Hoàng Yến cũng là một chủ doanh nghiệp tư nhân giàu có.
Một thập kỷ kể từ sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc giang tay ra ôm chặt lấy giới chủ doanh nghiệp tư nhân thì giờ đây đang có những dấu hiệu ngập ngừng ở nước láng giềng Việt Nam cho thấy lãnh đạo Cộng sản ở nước này tuy thận trọng hơn những cũng đã bắt đầu giang tay ra mời mọc giới doanh nhân như là một nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế phát triển nhanh nhưng mất cân bằng.
Mặc dù giới lãnh đạo độc tài ở Việt Nam đã chỉ huy hai thập niên tăng trưởng với tốc độ cao song họ vẫn có xu hướng tránh bắt thân với các chủ doanh nghiệp tư nhân là những người đã tạo ra sự bùng nổ kinh tế và chính nhờ có họ mà giới lãnh đạo mới có được những lợi lộc này nọ. Trong khi đó thì các chủ doanh nghiệp tư nhân lại hầu như lựa chọn cách là đứng ngoài hệ thống chính trị mặc dù khi cần họ vẫn tìm cách tranh thủ các mối giúp đỡ và gây ảnh hưởng nằm trong hệ thống này.
“Nếu lãnh đạo Đảng không tích cực hơn nữa để huy động sự tham gia chính trị của giới doanh nhân tinh hoa ngày càng hùng mạnh thì lãnh đạo đảng sẽ có nguy cơ trở nên không còn có vai trò thích hợp nào nữa trong dài hạn,” một nhà ngoại giao nước ngoài đã nhận xét như vậy.
Phùng Anh Tuấn, một luật sư và là thành viên của ban lãnh đạo hiệp hội doanh nhân trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đất nước sẽ có lợi hơn nếu biết đón nhận “đứa con bị ghét bỏ” này trở về với gia đình [business people are brought into the fold].
“Có biết bao nhiêu là vấn đề chúng ta đang đối mặt hiện nay là những vấn đề mang bản chất kinh tế cho nên giới lãnh đạo của Việt Nam cần có thêm rất nhiều các chuyên gia có kinh nghiệm về kinh doanh, kinh tế và luật pháp,” ông Phùng Anh Tuấn nói.
Quốc hội của Việt Nam trong suốt một thời gian dài chỉ giống như người đứng nhìn rồi gật. Nhưng cái tổ chức này đã thay đổi rõ rệt trong nhiệm kỳ vừa qua ở chỗ các đại biểu đã phát biểu thẳng thắn hơn trong lúc Việt Nam đang khổ sở với những tai ương kinh tế – từ tăng trưởng quá nóng cho tới khủng hoảng tài chính toàn cầu rồi sự sụp đổ mới đây của Vinashin, một tập đoàn đóng tàu quốc doanh bị nợ đầm đìa.
“Cho dù Việt Nam không thừa nhận tam quyền phân lập thì quốc hội của họ gần đây đã trở nên là một cơ quan lập pháp đúng nghĩa hơn và điều đó đã giúp cho Việt Nam có những bộ luật tốt hơn, sự phân bổ nguồn vốn tốt hơn và có nhiều hơn những sự “kiểm soát và cân bằng” [check and balance],” một nhà ngoại giao nước ngoài làm việc nhiều với quốc hội nước này đã nói như vậy.
Vào Chủ nhật này, 827 ứng cử viên, 86% là Đảng viên, sẽ cạnh tranh vào 500 ghế của quốc hội.
Hầu hết các ứng viên đều do cơ quan trung ương hoặc địa phương giới thiệu, nhưng có 15 người, trong đó có ông Huấn, là người tự ứng cử.
Việc đi bỏ phiếu là bắt buộc, nhưng bất chấp những tuyên bố đảm bảo điều xảy ra ngược lại thì các nhà phân tích chính trị đều nói rằng qui trình bầu cử của Việt Nam còn xơi mới tự do và công bằng.
Giới lãnh đạo đã dùng nhiều thủ đoạn, kể cả thủ đoạn sắp xếp gian lận ứng cử viên vào khu vực bầu cử để dể giành thắng lợi [gerrymandering] hoặc xem xét rất kỹ lý lịch của các ứng viên để đảm bảo rằng hầu hết các quan chức đảng viên cao cấp đều tiếp tục trúng cử và những ai có tiếng nói phê bình thẳng thắn thì bị gạt bỏ. Trong cuộc bầu cử lần trước hồi năm 2007 thì chỉ có 1 trong 32 người tự ứng cử đã đắc cử.
Nhưng dù sao thì theo Edmund Malesky, một nhà nghiên cứu chính trị ở Đại học California ở San Diego, thì bầu cử ở Việt Nam cũng còn công khai hơn so với những quốc gia khác vẫn đang bị giam cầm trong chế độ độc đảng của Cộng Sản, chẳng hạn như Cu Ba và Trung Quốc.
Ông chỉ ra một điều rằng phạm vi ứng cử viên nay đã được mở rộng hơn, sự cạnh tranh cho ghế trong quốc hội là lớn hơn và rủi ro thất cử của các quan chức cao cấp là nhiều hơn.
Ý kiến nói trên chẳng an ủi được bao nhiêu cho ông Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến đang sống ở Hà Nội và ông là một trong số 68 người tự ứng cử nhưng đã bị gạt.
Người luật sư này hồi năm 2007 đã bị ngồi tù sau khi ông hoàn thành một học bổng nghiên cứu tại Tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ [National Endowment for Democracy], một tổ chức vận động hành lang có trụ sở tại Washington, cho rằng quốc hội nước này chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục bất lực trừ phi quốc hội được bầu một cách dân chủ đích thực.
“Quốc hội hiện nay có thể đang nói to thật đấy song nó chẳng đem lại bất cứ sự đổi thay nào trong những vấn đề lớn hơn và quan trọng hơn, “ ông nói.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011