Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Một bài học chúng ta vẫn chưa chịu học

Nguyễn Gia Kiểng

Tác giả gửi đến Dân Luận

Mùa hè 2006. Sáu trí thức có tiếng tại hải ngoại trao đổi với nhau qua e-mail và đồng ý thành lập một tổ chức ủng hộ Khối 8406. Lúc đó bản tuyên ngôn 8-4-2006 đã thu thập được hơn 2000 chữ ký và gây hứng khởi cho họ. Sau một thời gian trao đổi có vị đưa ý kiến là nên chuyển sang ủng hộ công nhân đang đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động. Mọi người đồng ý vì cho rằng cuộc đấu tranh của công nhân là một cơ hội mà đối lập dân chủ không thể bỏ lỡ vì chỉ có quần chúng mới có thể lật đổ được chế độ cộng sản. Tuy nhiên không ai trong họ có kinh nghiệm hoạt động công đoàn và hiểu biết về tình trạng công nhân. Họ nghĩ tới một người hoạt động dân chủ tại Ba Lan được biết là đã từng hoạt động công đoàn trong nước. Tất cả phấn khởi vì Ba Lan cũng là nơi mà công đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc) đã lật đổ chính quyền cộng sản. Họ liên lạc với anh này và được sự đồng tình vì anh bạn này cũng muốn có "hành động cụ thể hướng vào quần chúng". Thế là một kế hoạch hoạt động được vạch ra và tiến hành sôi nổi, trong đó vấn đề cốt lõi là thành lập một công đoàn độc lập trong nước, một Solidarnosc Việt Nam. Đại hội thành lập sẽ được tổ chức tại Warszawa vì đây là địa điểm có ý nghĩa biểu tượng và hơn nữa sẽ được sự yểm trợ của những gương mặt Ba Lan đã làm ra lịch sử. Sau khi đã đạt tới đồng thuận trong nhiệt tình họ đi vào hành động cụ thể và các vấn đề cụ thể bắt đầu: phải thành lập ra một công đoàn độc lập trong nước vì chưa có, như vậy phải tìm ra những công nhân hưởng ứng kế hoạch này và dám thách thức chính quyền bằng cách đứng ra thành lập một công đoàn độc lập. Đến đây họ lại khám phá ra là tất cả đều không quen biết một công nhân nào như vậy. Tuy vậy vấn đề không thể trì hoãn vì ngày dự định ra mắt tại Ba Lan đã gần kề. Chỉ còn một cách là nhờ một người bạn trong nước đi tìm những người đủ dũng cảm để chấp nhận ghi tên mình vào một Công Đoàn Việt Nam Độc Lập. Kết quả là một danh sách hơn hai mươi người, trong đó nhiều người chưa biết nhau, có những người không ưa nhau và không ai đang thực sự là công nhân cả. "Công Đoàn Độc Lập Việt Nam" chỉ là một danh sách phải lập ra để cuộc họp mặt Warszawa có danh nghĩa. Nó nhanh chóng chìm vào quên lãng. Cuộc họp mặt Warszawa đi tới một ủy ban yểm trợ một công đoàn không hề có, nó chia rẽ ngay sau khi thành lập. Một vài người kiên trì thấy cần phải đào tạo ra những công nhân có quyết tâm và có kiến thức cả về hoạt động công đoàn lẫn đấu tranh cho dân chủ, nhưng họ không được hưởng ứng vì đây là một cố gắng quá lớn và quá dài. Tìm ra được những công nhân dám hoạt động đối lập đã khó, tìm ra những công nhân dám hoạt động và có ý thức chính trị lạị càng khó hơn, gần như là chuyện không thể có. Sự nồng nhiệt lắng xuống nhanh chóng, những người tham gia lúc đầu theo nhau bỏ cuộc và cuối cùng ủy ban yểm trợ cũng chìm vào quên lãng.


Câu chuyện trên đây có vẻ như chuyện đùa. Nhưng nó có thực và nó cũng không vô hại. Kế hoạch này đã làm tiêu hao nhiều thì giờ và nghị lực đáng lẽ phải được đầu tư vào những hoạt động nghiêm chỉnh; nó cũng đã đưa nhiều thanh niên có thiện chí trong nước vào hoạn nạn, kể cả vào vòng lao lý. Ba nươi sáu năm đã trôi qua từ ngày 30-4-1975 nhưng chế độ cộng sản vẫn còn nguyên vẹn và phong trào dân chủ vẫn chưa đạt được thành quả nào vì phần lớn những cố gắng "đấu tranh" đã chỉ tương tự như câu chuyện trên đây.

Hiện nay không những phong trào dân chủ đã không đạt được kết quả nào mà nó còn nguy cơ sắp tàn lụi nhanh chóng như một bó đuốc đã cháy hết rơm. Một anh bạn, đứng đắn và đầy thiện chí, trước đây là một viên chức cao cấp trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thở dài khi tôi mời tham gia hoạt động: "tôi rất quí trọng và hết lòng ủng hộ các anh, nhưng vấn đề là tôi đã 75 tuổi rồi!".

75 tuổi năm 2011 nghĩa là vào tháng 4 năm 1975 anh chỉ mới có 39 tuổi, chính xác là 38 tuổi rưỡi vì anh sinh cuối năm, như phần lớn các viên chức và sĩ quan cao cấp của chế độ VNCH. Anh là một người trung thực và tha thiết với đất nước, nhưng thời giờ và cố gắng của anh đã được dành cho những hiệp hội cựu viên chức VNCH, cựu sinh viên, các sinh hoạt cộng đồng trong đó chủ yếu là văn nghệ và chào cờ, các cuộc hội thảo chống cộng v.v. Trong khi đó kim đồng hồ vẫn quay. Thất bại hổ nhục nhất của chế độ VNCH không đến ngày 30-4-1975, mà sau đó. Hàng nghìn viên chức và sĩ quan cao cấp ở tuổi cường tráng và hàng chục nghìn trí thức đủ mọi bộ môn trưởng thành trong chế độ VNCH đã không xây dựng được gì đáng kể sau hơn ba thập niên trong những điều kiện hoàn toàn tự do và khá nhiều phương tiên tại hải ngoại, dù trước mặt họ chỉ là một chính quyền tham nhũng, bất tài và bất chính. Đó là bằng cớ hùng hồn rằng chế độ này không có thực chất. Những người như anh bạn tôi vừa kể là rất hiếm. Anh còn tiếc. Trong tuyệt đại đa số các viên chức và sĩ quan cao cấp của chế độ VNCH không có gì để tiếc, họ đã bỏ cuộc ngay sau ngày 30-4-1975. Một chế độ có chút thực chất, dù chỉ một chút thôi, không thể như thế.

Trong thời gian trước và sau 1975 tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều người đã từng giữ những chức vụ cao nhất trong chính quyền VNCH, dân sự cũng như quân sự, và qua họ tôi cũng biết luôn những người chưa gặp. Họ cho tôi một nhận thức đầy đủ về lớp người đã cầm vận mệnh các chế độ Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa. Trừ các tướng lãnh, trong đại bộ phận họ đều là những người có bằng cấp đại học và nói chung cũng là những người tốt trong cuộc sống bình thường, rất ít người gian và càng ít người ác. Nhưng tuyệt nhiên họ không biết gì về chính trị, dù một số người tưởng rằng mình biết. Họ đều chỉ là những cá nhân, do tình cờ mà quen biết những người tình cờ được hoàn cảnh đưa lên cầm quyền và vì thế được bổ nhiệm vào những địa vị lãnh đạo dù không có cả kiến thức lẫn kinh nghiệm lẫn ý chí chính trị. Bộ phận nòng cốt của các chính quyền quốc gia là một lớp người riêng do chế độ thuộc địa Pháp tạo ra, sống tách biệt khỏi xã hội Việt Nam mà họ không hề cố gắng để hòa nhập, hiểu biết rất ít về lịch sử và văn hóa Việt Nam, có khi không thông thạo cả tiếng Việt (tôi chưa gặp một người nào trong họ nói và viết đúng tiếng Việt). Họ sống co cụm tại Sài Gòn và cũng cô lập ngay trong thành phố này. Dù có thể đang giữ những chức vụ chính trị rất quan trọng họ vẫn tự nhận một cách hãnh diện là không làm chính trị và không ưa những người hay thắc mắc về chính trị. Họ có thể nhận, thậm chí chạy chọt để có, những chức vụ mà họ không hề có chút khả năng nào để đảm nhiệm. Đối với họ chức vụ trước hết là danh vọng và quyền lợi, những người tốt nhất cũng chỉ có một tinh thần trách nhiệm rất giới hạn. Hầu như không ai cảm thấy có trách nhiệm với quần chúng Việt Nam mà họ nhìn như một khối người xa lạ. Các tướng lãnh có thể tìm cách cho con trốn lính, các ông bộ trưởng giáo dục có thể cho con đi học trường Pháp mà không hề thấy có nhu cầu phải giải thích với ai cả. Họ cũng không thuộc một tổ chức chính trị đúng nghĩa nào mà chỉ là những cá nhân làm chính trị trong thời gian ngắn ngủi giữ những chức vụ chính trị. (Đến đây xin mở một ngoặc đơn về trường hợp Đảng Đại Việt, chia rẽ làm ba hệ phái. Đảng này không phải là một chính đảng đúng nghĩa vì các đảng viên cao cấp chỉ hành động như những nhân sĩ. Các ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, thủ tướng Trần Thiện Khiêm và nhiều bộ trưởng và tướng lãnh khác cũng là đảng viên Đại Việt nhưng họ hoàn toàn không coi đảng là gì cả. Nhìn từ bên ngoài Đại Việt chỉ là kết hợp lỏng lẻo của những người trên lời nói chấp nhận giúp nhau thăng tiến trong lòng chế độ VNCH). Trong sinh hoạt chính trị các cấp lãnh đạo VNCH chỉ là những nhân viên tạm thời không tay nghề đến với hoạt động chính trị để có một chút công danh. Họ làm chính trị như thế rồi nghĩ rằng làm chính trị là mánh mung và không thích chính trị. Anh bạn mà tôi nói ở phần trên xuất phát từ thành phần trung lưu, vươn lên nhờ học vấn và chuyên cần nhưng cũng chỉ lên được tới chức vụ anh đã giữ nhờ đã hội nhập với "môi trường", nghĩa là không bộc lộ những thắc mắc về chính trị. Những viên chức và sĩ quan như anh ngày càng nhiều trong chế độ VNCH nhưng họ chưa đạt được tới những địa vị quyết định. Nếu chế độ VNCH kéo dài thêm mười năm nữa thì tình hình có thể thay đổi, nhưng lịch sử đã sang trang ngày 30-4-1975.

Sau ngày đó tôi lại có dịp tiếp xúc với nhiều trí thức miền Bắc và lại càng thất vọng hơn. Một số nhắc lại một cách ngớ ngẩn những giáo điều Mác-Lênin, tất cả không những mù tịt về chính trị mà còn thiếu ngay cả những kiến thức rất sơ đẳng về thế giới, kể cả về Trung Quốc và Liên Xô. Chỉ sau một thời gian ngắn tôi có thể nhận ra là trí thức chẳng có vai trò gì trong guồng máy cộng sản, đã thế còn bị bưng bít và khống chế; qua những tâm sự riêng tư họ tỏ ra rất bất mãn nhưng ngoài mặt vẫn tâng bốc chế độ bằng ngôn ngữ của lưỡi gỗ.

Nói rằng trí thức Việt Nam không biết gì về chính trị có thể sẽ bị nhiều người cho là nói quá đáng. Nhưng sự thực là như thế. Họ không biết điều căn bản nhất trong những điều phải biết về chính trị, đó là hoạt động chính trị không bao giờ là có thể là hoạt động cá nhân cả mà luôn luôn phải là hoạt động có tổ chức. Điều này đúng cho mọi hoạt động, nhưng đặc biệt đúng trong hoạt động chính trị, và đúng một cách tuyệt đối cho đấu tranh chính trị. Họ cũng không hiểu một điều rất cơ bản khác là không thể có một chế độ dân chủ nếu không có các chính đảng đúng nghĩa. Không hiểu được những điều cơ bản này đã là nguyên nhân của nhiều ngộ nhận lớn khác. Thí dụ, chính trong khi suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh để xây dựng một chính đảng người ta sẽ hiểu rằng một chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể xây dựng được nếu được quan niệm như một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn, và dù vậy cũng chỉ có thể là thành quả của những cố gắng xây dựng bền bỉ trong nhiều năm. Không có tư tưởng chính trị thì không xây dựng được đảng và nếu đã có cũng không giữ được – ĐCSVN đang mất thực chất để chỉ còn là một hư cấu vì đã mất lý tưởng. Và nếu không có tổ chức chính trị thì cũng rất khó có kiến thức chính trị bởi vì tổ chức là môi trường bắt buộc để trao đổi và học hỏi những kiến thức chính trị. Mọi tổ chức đều là môi trường sản xuất và sàng lọc ý kiến, nhưng tổ chức chính trị, hay chính đảng, là môi trường không có không được để có những ý kiến đúng về đấu tranh chính trị. Không có chính đảng đúng nghĩa người ta chỉ có thể hụt hẫng, làm những việc hời hợt phù phiếm mỗi khi ngứa ngáy thấy cần hoặc có thể hành động. Một cách cụ thể, các vị trí thức đã được nói tới ở phần đầu bài này nếu đã sinh hoạt trong một tổ chức chính trị đúng nghĩa đã không hành động như họ đã hành động. Họ đã hiểu rằng không thể vận động quần chúng như thế; quần chúng chỉ đứng dậy đấu tranh nếu thấy có một tổ chức đủ mạnh để lãnh đạo họ và cho họ niềm tin vào thắng lợi chắc chắn. Họ cũng sẽ biết rằng thành phần công nhân tại Việt Nam còn phải được chuẩn bị rất nhiều trước khi có thể động viên. Và họ cũng sẽ không bị hớp hồn trước không khí tưng bừng của những đám đông hàng triệu người hoan hô những cuộc cách mạng đã thành công, vì họ sẽ hiểu rằng không phải vì được quần chúng xuống đường ủng hộ mà các cuộc cách mạng đó đã thành công, trái lại quần chúng đã xuống đường ủng hộ vì chúng đã thành công, và chúng đã thành công nhờ sự phấn đấu kiên trì của một tổ chức.

Tại sao Việt Nam vẫn không trút bỏ được một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất thế giới? Dứt khoát không phải là vì dân trí chúng ta thấp hay chí khí dân ta hèn. Cũng không phải vì chính quyền cộng sản quá hung bạo, họ không dám và cũng chưa cần đàn áp đẫm máu. Lý do chỉ là vì chúng ta tuy có khá nhiều trí thức chuyên môn nhưng lại thiếu một lớp trí thức chính trị, nghĩa là một lớp người trăn trở vì sự trở thành của đất nước, đầu tư vào cố gắng học hỏi tư tưởng chính trị và phương thức đấu tranh chính trị, sẵn sàng dấn thân để đất nước được quản trị một cách hợp lý dù phải trả giá đắt, và trong mọi trường hợp không chấp nhận phục tùng sự tồi dở để được những quyền lợi. Sự thiếu vắng này rất tai hại vì bất cứ một cuộc đổi đời nào cũng phải do trí thức lãnh đạo, dù là trí thức tự học hay trí thức được đào tạo một cách chính qui. Nó là do một di sản văn hóa. Trong hàng ngàn năm thay vì những trí thức chúng ta đã chỉ có những kẽ sĩ mà mộng đời chỉ là được bán rẻ phẩm giá, được quì xuống để làm tôi tớ không điều kiện cho những vua chúa; những người đậu những khoa thi thơ phú được bổ nhiệm làm quan cai trị. Làm chính trị như thế chỉ là làm quan và làm quan chỉ là để có danh vọng chứ không phải để phục vụ nhân dân. Chúng ta không có chính trị vì thế đã không có trí thức chính trị. Những người trí thức chính trị đúng nghĩa tự nhiên biết phải học hỏi những gì, để biết phải làm gì và làm như thế nào trong mỗi giai đoạn. Trong giai đoạn hiện nay họ sẽ hiểu ngay là phải xây dựng những tổ chức dân chủ và sẽ đánh giá mọi hoạt động theo tiêu chuẩn chúng đóng góp gì cho tiến trình xây dựng một lực lượng dân chủ lành mạnh. Chúng ta chia rẽ và phân tán, với hậu quả tự nhiên là bất lực, vì thiếu những trí thức chính trị. Đó là bài học mà đáng lẽ chúng ta đã phải biết từ lâu nhưng vẫn không chịu rút ra sau chiến thắng cộng sản năm 1975, sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, và hình như cho tới bây giờ vẫn chưa chịu học.

Phải làm những cố gắng nào để xây dựng được một tổ chức dân chủ mạnh? Câu trả lời dĩ nhiên là phức tạp và vượt khuôn khổ của bài viết này nhưng trước hết có hai cố gắng mà người trí thức Việt Nam phải làm để trở thành một trí thức chính trị và góp phần xây dựng lực lượng dân chủ.

Thứ nhất là phải cố gắng vươn mình lên cao hơn. Nếu mộng ước của chúng ta chỉ nhỏ bé như một chức vụ và một quyền lợi nào đó thì giải pháp hay nhất là luồn lách. Chỉ khi có những ước mơ lớn như đổi hướng đi của lịch sử, cải thiện đời sống và đem lại tự do, phẩm giá và chỗ đứng xứng đáng trên thế giới cho dân tộc chúng ta mới thấy mơ ước vượt quá sức mình và mới thấy cần phải có tổ chức dù phải nhọc nhằn, gian lao.

Thứ hai là phải cố gắng sống thực với mình. Cho tới nay hình như điều quan trọng đối với trí thức Việt Nam không phải là những gì mình nghĩ về mình mà là cái nhìn của người khác về mình. Một trí thức Việt Nam có thể làm những điều rất tồi tàn mà không thấy xấu hổ trừ khi bị phát giác. Kết quả là chúng ta đóng kịch, đeo mặt nạ và nói dối với nhau. Những con người như thế không thể xây dựng được với nhau một tổ chức lâu bền vì trong sinh hoạt chung cuối cùng con người thực bắt buộc phải xuất hiện. Lý do chính khiến cho đến nay những người dân chủ chỉ có những hợp tác lỏng lẻo và tạm bợ là vì họ không đến với nhau bằng căn cước thực.

Đất nước không phải đã không cơ hội lớn. 1945, 1954, 1975, 1989 đã là những cơ hội bị bỏ lỡ vì chúng ta thiếu những trí thức chính trị.

Ngày nay chúng ta lại sắp có một cơ hội lớn khác. Một là sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư, đã bắt đầu tại Bắc Phi và Trung Đông và chắc chắn sẽ tới Việt Nam. Trái với nhận định bi quan của một số người làn sóng dân chủ này sẽ tràn khắp thế giới. Không thể khác. Từ khi chủ nghĩa cộng sản, và khái niệm chủ nghĩa nói chung, sụp đổ tất cả các chế độ độc tài đều trở thành nhảm nhí; chúng không còn gì để đề nghị và thuyết phục, thậm chí để lừa bịp. Chúng chỉ còn là những tập đoàn trấn lột thuần túy dựa trên đàn áp. Chúng đã kéo dài được cho tới nay chỉ vì thế giới cần một thời gian để tiêu hóa những thắng lợi sau khi phong trào cộng sản sụp đổ, nhưng thời gian ơn huệ này đang chấm dứt. Chúng ta phải cảnh giác để đừng lỡ tầu một lần nữa. Ngay từ bây giờ những chuyển động trong vùng này đã rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Một trí thức gần đây nói với tôi: "Những biến cố ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đang phủ nhận những gì các anh thường nói. Rõ ràng là các dân tộc này đã không cần một tổ chức dân chủ mạnh nào mà vẫn đánh đổ được các chế độ độc tài. Họ chỉ nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, Cell phone, Facebook, Twitter mà đã động viên được quần chúng đứng dậy". Đây là một trường hợp điển hình của tâm lý lấy ước mơ làm sự thực và viện mọi lý do để né tránh điều mình thấy là khó. Không ai chối cãi công dụng của Facebook nhưng nó không phải là yếu tố quan trọng nhất. Để chuyển biến tư tưởng và động viên quần chúng vai trò của nó không thấm vào đâu so với những bản tin và những bài bình luận phát đi từng giờ với phẩm chất rất cao của đài truyền hình Al Jareera. Các chế độ độc tài Tunisia và Ai Cập không phải đã sụp đổ vì quần chúng xuống đường, chúng thừa sức và sẵn sàng để đàn áp nhưng quân đội đã trở mặt và không cho chúng đàn áp. Quân đội đã khuyến khích và bảo vệ các cuộc xuống đường chủ yếu do tác động của Mỹ và Châu Âu mà quyền lợi gắn bó mật thiết với các nước trong vùng và nhận định chiến lược mới là phải chủ động tiến trình dân chủ hóa vì đó là điều kiện để có ổn vững lâu dài. Tại những nước mà Mỹ và Châu Âu không có ảnh hưởng trên quân đội -như Libya và Syria- cuộc đấu tranh giành dân chủ đã rất khó khăn. Tuy vậy Tunisia và Ai Cập vẫn chưa có dân chủ. Tiếp theo độc tài là quân luật để ngăn ngừa bạo loạn. Trên thực tế trong một thời gian không biết sẽ còn kéo dài bao lâu họ đang chịu đựng một chế độ quân phiệt. Và chúng ta cũng sẽ thấy là ngay cả sau khi một chế độ dân chủ chính thức được thành lập các quốc gia này sẽ phải trải qua một giai đoạn bối rối và trì trệ rất dài trước khi có được những chính đảng đúng nghĩa.

Cuộc cách mạng dân chủ tại Bắc Phi và Trung Đông đã chỉ nhắc lại một lần nữa điều mà chúng ta đã phải tâm niệm từ lâu. Đó là nếu không có được những chính đảng đúng nghĩa thì ngay cả nếu nhờ may mắn mà có được dân chủ, một điều sẽ không xẩy ra tại Việt Nam, cũng không xây dựng được dân chủ và ách độc tài chỉ nhường chỗ cho bất ổn trong một thời gian có thể rất dài.


Nguyễn Gia Kiểng

(5-2011)

Ghi Chú. Bài này viết cho dịp kỷ niệm 30-04-1975 nhưng vì Web Thông Luận bị phá hoại nên đã không thể phổ biến đúng lúc.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"