by Blog của 5xu
Lúc này mà đặt ra câu hỏi rằng khi nào nước Việt ta có ảnh hưởng đến thế giới thì có vẻ hơi ngẫn. Nhưng nếu không đặt câu hỏi từ bây giờ, thì khi nào mới đặt. Muốn nước Việt bần nông này một ngày nào đó có ảnh hưởng đến thế giới, cứ nói là 100 năm nữa đi, thì bây giờ phải bắt đầu nghĩ đến.
Ảnh hưởng đến thế giới, nghe thì kinh, nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng phải thật vĩ mô. Ví như Hoa Kỳ, nó gây ảnh hưởng đến cả thế giới không chỉ bằng quân sự, tài chính, cũng không chỉ bằng công nghệ cao như GPS, Google, iPad, Paypal, … mà nhiều khi chỉ bằng những thứ đơn giản đến mức ai cũng có thể bị ảnh hưởng: lon nước ngọt Coca, kênh truyền hình Disney, bộ phim bom tấn Avatar hay nữ ca sỹ dị hợm Lady Gaga. Gần như người dân nào đó của xứ Việt (và cũng như các xứ khác), ai cũng dùng hoặc thích hoặc …ghét một cái gì đó của nước Mỹ. Ảnh hưởng như thế mới là ảnh hưởng, chứ súng đạn và dollar nhằm nhò gì. Súng đạn, thực tế, chưa bao giờ làm người Việt Nam (bị) chịu ảnh hưởng của Mỹ (và Pháp). Dollar ảnh hưởng hơn nhiều. Nhưng so với nước ngọt Coca, kênh MTV và quần jean Levi’s thì mọi ảnh hưởng vừa kể trên đều là lỗ đít con vi trùng. Thậm chí chúng ta còn phải trả tiền để (được) bị ảnh hưởng ấy chứ.
Tức là về một cách nào đó xứ Việt cũng có thể gây ảnh hưởng đến thế giới. Ví dụ khi dân phương tây uống cà phê Trung Nguyên, trẻ em phương tây đọc Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, phụ nữ phương tây gội đầu bồ kết … thì chúng ta cũng có thể nói là bắt đầu gây ảnh hưởng đến bọn tây văn minh, dù là rất ít. Gây ảnh hưởng được bằng cách ấy không phải là không khả thi, chưa kể còn thu được cả ngoại tệ về để làm việc khác.
Nhưng để gây ảnh hưởng được cho chúng nó, phải xem lại chúng nó đã ảnh hưởng đến mình như thế nào. Cái đó gọi là nhìn lại lịch sử. Phần lịch sử dưới đây, được chép theo trí nhớ, nếu có sai sót gì, thì kệ cụ nó.
Từ Nhà Lê đến nay chúng ta mới thoát khỏi cái kiếp nô lệ bọn Tàu. Thực ra lúc nhà Nguyễn suy yếu bọn tàu mạt nó có vào miền bắc. Không nhờ quân đội Pháp đánh bọn khựa lộn lên Lạng Sơn và ký hiệp ước Pháp Thanh thì có khi chả có miền bắc như bây giờ. Chưa kể năm 46 thì phải, Bác Hồ và ông Giáp không khéo léo, có khi Quốc Dân Đảng không ở Đài Loan mà ở VN cũng nên.
Nhưng ảnh hưởng của Trung Hoa cả ngàn năm cho đến Nhà Lê ấy, chỉ đến một nửa Việt Nam, vì nửa kia hồi ấy chưa có.
Nửa ở dưới lúc đầu thì bị Ấn hóa, sau thì ảnh hưởng của đạo hồi do các vương quốc hồi giáo hồi đó làm bá chủ. Ấy là tính đến thế kỷ thứ VII. Sau đó thế nào đấy, quên rồi. Nhưng chắc chắn không bị ảnh hưởng của Tàu (trừ khu tự trị Hà Tiên mà nhà Nguyễn cho Mạc Thiên Tứ cầm quyền).
Bọn Châu Âu thời trước Magellan thì mù mờ về khu vực chúng ta ở. Nhờ có Magellan mà hai nước có hàng hải phát triển nhất hồi đó là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mới hùng hục đi kiếm ăn (tức là đi buôn, chứ lúc đó chưa có khái niệm bóc lột thuộc địa) về phía chúng ta.
Hai cái nước này lại thần phục Giáo hoàng Roma nên tàu bè đi buôn là kèm theo truyền giáo. Cơ sở đầu tiên của họ là Gao (Ấn độ) rồi đến Mallaca và cuối cùng là Macao.
Dòng Tên là dòng chính đi truyền giáo theo hướng đi này. “Thị trường” mà họ nhắm vào là Nhật và Trung Quốc.
Đến thời điểm này họ hoàn toàn không biết đến Việt Nam (lúc đó tên là gì nhỉ?).
Sau khi thành công ở Nhật bản lúc ban đầu, thì truyền đạo bị cấm, đồng thời Trung Hoa là mảnh đất quá hấp dẫn cho truyền giáo nên các tu sỹ dòng Tên lại kéo qua Trung Hoa. Trên đường đi, Thánh Francois Xavier, một trong những sáng lập viên của Dòng Tên, đã đi qua biển Việt Nam. Cho đến lúc Trung Hoa nó cũng cấm nốt. Thì chỗ rẽ vào duy nhất, lại chính là chỗ mà các tu sỹ dòng Tên không chú trọng nhiều: Đà Nẵng.
Các tu sỹ dòng Tên, được vua Bồ Đào Nha tài trợ, đã mở đường thương mại và tôn giáo vào miền nam Việt Nam, bắt đầu từ Đà Nẵng (không phải vô cớ mà Pháp và Tây Ban Nha tấn công Việt Nam cũng từ đây).
Tỷ giá hối đoái đầu tiên của chúng ta, xuất hiện vào thời điểm này, khi các tu sỹ đổi tiền Bồ qua tiền kẽm. Mà là đổi tỷ giá tay ba vì lúc đó miền nam thuộc Chúa Nguyễn và miền bắc là Lê-Trịnh tiêu các loại tiền khác nhau.
Tuy nhiên, buôn bán mới là cái tất cả các bên quan tâm. Nhà Chúa Nguyễn lúc đó cho phép truyền giáo để có cơ hội buôn bán với Bồ Đào Nha. Chúa Trịnh cũng ve vãn các tu sỹ dòng Tên để có cơ hội làm ăn với phương tây, mặc dù luôn e ngại bọn này ủng hộ nhà Nguyễn. Điều này hóa ra về sau đúng, khi công giáo luôn ủng hộ nhà Nguyễn, bất chấp đã từng được Nguyễn Huệ tha thứ, để cuối cùng dựng nên ông vua thuộc loại vĩ đại nhất trong lịch sử VN là ông Nguyễn Ánh. Hệ lụy của việc này kéo dài vãi lúa, cho đến tận thời kỳ Cần Vương, khi Tôn Thất Thuyết dựng cờ Bình Tây Sát Tả (Sát Tả là giết và lưu đầy dân công giáo, tả đạo, chữ của vua Tự Đức). Người công giáo bị giết, làng công giáo bị đốt. Cho đến khi Pháp chiếm miền Nam và bảo hộ nhà Nguyễn thì đến lượt dân công giáo đi giết lại bên lương. Máu đổ thôi rồi, chỉ vì cùng là người Việt mà dám khác ý thức hệ lương – giáo hehehehe. Đây cũng có thể coi là ảnh hưởng của phương tây lên phương ta, mặc dù entry này muốn nói đến ảnh hưởng khác, ngay dưới đây.
Các tu sỹ dòng Tên, để truyền giáo, đã:
+ Học tiếng Việt, ký âm tiếng Việt bằng chữ latin. Họ cũng làm như vậy ở các nước Nhật và Trung nhưng thất bại. Đến Việt Nam thì thành công. Họ có công cụ tuyệt vời để truyền đạo, còn ta có chữ viết. May mà chúng ta lạc hậu chưa có chữ viết hoàn chỉnh, chứ văn minh như Nhật hay Tàu lúc ấy, thì có khi bây giờ vẫn chữ tượng hình, chán bỏ mẹ.
+ Trước khi người Bồ kéo tàu thủy tới Việt Nam, thế giới bên ngoài đối với chúng ta, gần như chỉ có Trung Hoa (chán vãi lúa nhỉ). Sau đó tự nhiên chúng ta biết có Châu Âu. VN lúc cả trăm năm sau vẫn lạc hậu đến mức, vua Nguyễn cho người qua Pháp đàm phán chiến tranh, còn phải đi nhờ tàu Pháp, vì không có cái gì để mà đi xa thế. Có lẽ Phạm Tuân cũng có gốc tích từ đây.
+ Các tu sỹ dòng Tên gây ảnh hưởng đến người dân bằng chữa bệnh, với thương nhân bằng hàng hóa, với chính quyền địa phương bằng khoa học. Có chuyện kể rằng linh mục (quên tên) lấy lòng ông quan địa phương bằng cách tính giờ nguyệt thực chuẩn xác để ông này thưởng lãm. Bọn trí thức (nho học) tính toán sai, bị một phen nhục mặt và từ đó căm ghét tu sĩ phương Tây.
+ Có một câu chuyện khác, hay hơn nhiều. Các tu sỹ dòng Tên làm ăn ở miền nam mãi cũng phải mở rộng ra bắc. Linh mục đầu tiên xuất quân chính là ông Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Vị vương mà ông ta gặp, là Trịnh Tráng (nếu ko nhầm) lúc đó đóng quân ở Thanh Hóa. Món quà mà linh mục Đắc Lộ tặng cho Trịnh Tráng là hai thứ cực kỳ quý lúc đó: Đồng Hồ và Sách Toán Euclid (tiếng Hán).
Sự ảnh hưởng của phương tây đã manh nha như vậy kể từ khi khi VN còn vô cùng lạc hậu và Trịnh Nguyễn phân tranh. Ảnh hưởng, ngoài tôn giáo, thì cầu nối chính là hàng hóa, kiến thức khoa học và sản phẩm công nghệ. Nguyễn Ánh là một trong những chính trị gia hiếm hoi sử dụng được phương tây để làm lợi cho mình. Ông cũng là người phân biệt rạch ròi giữa tôn giáo đức tin (Ki-tô giáo, Hồi giáo) và tôn giáo xã hội (thờ cúng tổ tiên, thờ Khổng Tử, thờ Quan công…)
Thế rồi bọn Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tự nhiên yếu đi. Bọn Hà Lan và Anh mạnh lên, mà hai bọn này không thần phục Roma (xem Cướp Biển 4 cũng có nói). Rồi Dòng Tên bị cấm và giải thể trên toàn thế giới vì bị chính trị hóa. Truyền giáo vào VN bị Roma thu từ Dòng Tên và bảo trợ của vua Bồ Đào Nha chấm dứt. Truyền giáo được Roma giao cho Bộ Truyền giáo Paris do ngân sách chính phủ Pháp tài trợ. Rồi các vua Nguyễn cấm đạo. Rồi Pháp nổ súng ở Sơn Trà. Rồi ta thành thuộc địa của Pháp.
Thế là đang bị ảnh hưởng phương tây là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, do Roma mà tự nhiên có Pháp xuất hiện. (Tây Ban Nha có ảnh hưởng ở Đông Đàng Ngoài, do dòng Đa Minh được thỏa thuận để truyền giáo khu vực này, các khu vực còn lại thuộc bộ truyền giáo Paris).
Đến đây là kết thúc câu chuyện phương tây đi vào và gây ảnh hưởng ở Việt Nam. Sau Pháp là Mỹ, và cả Liên Xô nữa, nhưng phần này hầu hết ai cũng biết rồi hehehe.
Bây giờ muốn gây ảnh hưởng lên phương tây, có lẽ phải đi ngược lại quy trình: bắt đầu từ phía Nam (là chỗ họ đến), bằng tác phẩm sử dụng chữ viết latin (ví dụ truyện Sợi Xích), bằng sản phẩm thương mại (ví dụ cà phê Trung Nguyên G-7 toàn mùi hóa chất hehehe), bằng các công trình khoa học (bắt đầu bằng thuốc Nam và dầu gội đầu bồ kết) và tôn giáo (Đạo Dừa của Bến Tre hehehe). Nhân nói đến thuốc Nam, thực ra mấy chục năm gần đây, có rất nhiều “phát minh”thuổng từ thuốc và thảo dược dân gian Nam Á được cấp sáng chế ở Âu Mỹ (Stiglitz viết như vậy trong cuốn Making Globalization Work), cho nên rất có thể một ngày nào đó nước giải khát nhân trần, sinh tố rau má và phương pháp cạo gió bằng đồng xu sẽ có mặt trên toàn thế giới.
Tạm thế đã, dài quá rồi, hôm nào rảnh sẽ viết tiếp.