Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Nhà bất đồng chính kiến trường kỳ Bác sĩ Nguyễn Đan Quế chắc chắn là đang tận hưởng vài khoảnh khắc trước sự quan tâm của thế giới. Lấy cảm hứng từ những sự kiện tại Trung Đông, vị bác sĩ đã đăng một bài xã luận trên tờ Washington Post tuần trước, kêu gọi chính quyền cộng sản ngoan cố Hà Nội biến đổi theo hướng "dân chủ và tự do." Ngay lập tức, công an đã bắt giữ ông và buộc tội kêu gọi lật đổ chính quyền. Nhưng chỉ vài ngày sau, rõ ràng là nhờ những tiếng nói từ Washington, ông đã được tại ngoại và được phép về nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn cũ.
Người đàn ông 68 tuổi này chắc hẳn rất vui khi đã chọc được tổ ông vò vẽ ở Hà Nội - và dường như chẳng bị gì. ("Hãy xoá bỏ Bộ Chính trị" và "biểu tình trên đường phố," ông đã tuyên bố trên Internet gần đây, theo nguồn tin của AFP.) Ông đã đấu tranh cho nhân quyền và chính trị đa đảng từ năm 1978, ba năm sau miền Nam Việt Nam sụp đổ. Ông đã bị bắt giam bốn lần và trải qua 20 năm trong tù. năm 1998, Bác sĩ Quế được ân xá với điều kiện phải di cư sang Hoa Kỳ. Nhưng ông đã từ chối. Rất ít người Việt nào lại từ chối một đề nghị như thế.
Nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam có phải quan tâm nhiều đến ảnh hưởng ở Trung Đông đang bất thình lình dấy lên trong nước? Nói cho cùng, ưu tiên chính trị của họ đã được hiến pháp bảo đảm. Vào đầu tháng Giêng, Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái xác nhận uy quyền này và cam kết sẽ không bao giờ chấp nhận chính trị đa nguyên. Hà Nội bị Washington lên lớp về nhân quyền hàng ngày và các tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế đang theo dõi chặt chẽ những nhà chống đối trong đó Ân xá Quốc tế đã "bảo lãnh" một số người trong họ, bao gồm cả Bác sĩ Quế.
Sau khi thăm viếng cặn kẽ Việt Nam trong 18 tháng qua, tôi có thể báo cáo rằng Hà Nội không cần phải lo lắng nhiều. Đơn giản là, chính quyền Việt Nam sẽ không đi theo Tunisia, Ai Cập và có lẽ Libya để bị sụp đổ trong thời gian ngắn. Và lý do là gì? ngược ngạo thay, cũng chính là cái lý do khiến Nam Việt Nam ngày xưa bị sụp đổ vào năm 1975 trước những người cộng sản miền Bắc cứng rắn, không bao giờ thoả hiệp. Chẳng ai muốn chiến đấu cả. Họ đều có những điều tốt hơn để làm.
Sau gần 60 năm cai trị của Đảng Cộng sản ở miền Bắc và hơn 35 năm ở miền Nam, toàn bộ Việt Nam ngày nay đã mang tính chủ nghĩa cá nhân cực kỳ. Thay vì có mục đích chung và đoàn kết thì mọi người đều chỉ lo cho bản thân, cái tâm lý sauve qui peux (ai cũng nghĩ riêng cho mình) đã dẫn đến sự sụp đổ bất thình lình của miền Nam và sau đấy là những chuyến vượt biên trong tuyệt vọng của những Thuyền Nhân. Hình ảnh so sánh tốt nhất là quốc gia này giống như một trường dòng nội trú, nơi luật lệ đề ra để được tuân theo hoặc bị phá vỡ bởi những người khác chứ không phải là tôi. Nơi mọi người được đối xử như trẻ con và thường xuyên được dạy dỗ những bài học tín ngưỡng dưới hình thức của hàng loạt các khẩu hiệu, lễ kỷ niệm và những ước mơ hoành tráng. Khi tôi than phiền với một nhóm người Việt tại một thành phố duyên hải về những âm thanh đầy khó chịu vào buổi sáng sớm từ những chiếc loa tuyên truyền, một người cười và trả lời, "Chỉ là những tiếng ồn chính trị. Tôi chẳng nghe thấy gì cả!"
Cơ bản là người Việt đang đủ thoả mãn trong số phận của mình với mức thu nhập trung bình đang tăng trưởng đều đặn hướng đến mức 2.000 đô la một năm. Đúng là lạm phát ở mức 12% đang là một khó khăn, nhưng ba năm trước nó cũng từng đạt đến mức gần 30%. Mọi người đều tìm cách xoay trở, giật gấu vá vai, trong khi bon chen hơn một tí tại sở làm. Chẳng ai quên được cuộc sống khó khăn dường nào sau 1975. Thử nghiệm thất bại về kinh tế xã hội chủ nghĩa của Hà Nội ngày nay đã biến thành nền "kinh tế thị trường" tự do cho mọi người và chẳng ai dám mạo hiểm những gì họ đang có được. Con cái của họ hoàn toàn bị mê hoặc bởi chủ nghĩa vật chất và ăn chơi. Đơn giản là tôi không thể tưởng tượng được bất cứ hoàn cảnh nào khiến người Việt sẽ nổi dậy và lật đổ chính quyền cộng sản.
Đương nhiên, chẳng ai thật sự ưa thích chính quyền. Trên thực tế, người dân rất đồng thuận trong thái độ ghét bỏ chính quyền, tạo thành một nguồn cảm hứng vô tận cho các cuộc tán gẫu hoặc chuyện đùa trên bàn cà phê, cả hai là những thứ không thiếu trong cuộc sống người Việt. Giới trẻ dễ dàng vượt tường lửa để truy cập Facebook và đăng những lời ngớ ngần không khác gì giới trẻ cùng lứa phương Tây. Với những thử thách liên tục đối với việc quản lý một đất nước đa dạng với hơn 80 triệu dân hiện nay, so với chỉ 30 triệu khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền là một mục tiêu dễ dàng để châm chọc trong đời sống bình thường của người dân.
Tham nhũng thật sự là một vấn nạn nghiêm trọng và, trong chừng mực nào đấy, cũng là một chủ đề mà giới truyền thông nhà nước được phép khai thác. Những vụ tai tiếng bùng nổ thường xuyên. Nhưng trong đời sống thường ngày của mình, mọi người đều là kẻ đồng loã, bắt đầu với việc hối lộ 15 đô la để tránh bị phiếu phạt quá tốc độ hay những thứ được dùng lót tay nhằm giúp việc cấp giấy phép nới rộng nhà được nhanh hơn. Đồng tiền lại xoay vòng khi những quan chức tham nhũng trên, những người với mức lương trung bình chỉ khoảng 150 đô la một tháng, đến kéo ghế tại những nhà hàng địa phương để tiêu xài những đồng tiền hối lộ khó kiếm của mình. Ai cũng đang tham gia một mánh khoé nào đấy. Với quá nhiều doanh nghiệp tư nhân, nạn trốn thuế đang lan tràn. Bên ngoài những con số thống kê đầy ảm đạm, Việt Nam vẫn có một nền kinh tế phụ khổng lồ đang hoạt động mạnh bằng vàng miếng và đô la Mỹ.
Và cứ thế, các nhà chống đối tại Việt Nam tiếp tục được báo chí nước ngoài quan tâm. Và với việc thiếu vắng tính minh bạch từ chính quyền lẫn kinh doanh, các blogger tiếp tục kháo chuyện dựa trên những đồn đãi. Nhưng mọi việc đều xảy ra dưới đôi mắt và đôi tai soi mói của an ninh Việt Nam. Thỉnh thoảng, họ lại làm một cú bắt giữ - nhưng luôn luôn có lựa chọn, quan tâm đặc biệt đến những cựu đảng viên cộng sản đã rời bỏ hàng ngũ và kêu gọi tự do đa đảng. Người dân đã hiểu được thông điệp.
Đương nhiên, thêm một người tù chính trị cũng đã quá nhiều. Nhưng trên thực tế, Việt Nam có ít hơn 100 tù nhân đối lập hiện bị giam giữ. Ít nghe đến việc tra tấn có hệ thống như những chính thể tàn bạo khác. Thêm vào đó, chính quyền đã có thể xuất khẩu những ai có tiềm năng chống đối, đầu tiên như là những Thuyền Nhân và, như là cái giá của việc bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ trong những năm 1990s, hàng nghìn cựu sĩ quan quân đội Nam Việt Nam từng bị giam trong trại cải tạo đã được cấp visa. Một các giá khác mà Washington đòi hỏi là quyền tự do đi lại, và hôm nay, người Việt có thể đi ra nước ngoài. Một số đã không quay lại, nhưng thường là vì lý do kinh tế hơn là chính trị.
Khi mạnh mẽ kêu gọi chống lại chính quyền cộng sản, Bác sĩ Quế đã chỉ ra trong bài viết trên tờ Washington Post rằng "Hà Nội cần Washington hơn là Washington cần Hà Nội," đặc biệt là khi căng thẳng dâng cao trước sự bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển Đông và những tranh chấp giừa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội mạnh mẽ than phiền khi Washington đưa ra vấn đề nhân quyền, đặc biệt là trong bản báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao. Nhưng Việt Nam lại thay đổi thái độ, đặc biệt là với vấn đề tự do tôn giáo. Nhìn chung, Việt Nam đã cởi mở hơn và bớt khắt khe hơn nhiều so với 15 năm trước. Thay đổi chậm rãi hơn là nhanh chóng là những gì đang xảy ra tại Việt Nam.
Ngoại trừ những thất bại nặng nề không lường trước, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo con đường thay đổi chậm rãi. Quốc hội vốn từ lâu là một cơ quan dễ bảo đã bắt đầu khoe cơ bắp trong những năm qua, ngăn chặn một dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam vì lý do chi phí và cũng đã lên tiếng về dự án khai thác bauxite do Trung Quốc vận hành. Việc lựa chọn ứng cử viên trong đợt bầu cử năm tới sẽ rất thú vị để theo dõi. Chính quyền cũng đã đặc biệt quan tâm đến ý kiến người dân, ví dụ như việc huỷ bỏ sự kiện bắn pháo hoa khổng lồ trong lễ kỷ niệm 1000 năm ngày thành lập Hà Nội vào tháng Mười năm ngoái sau khi một cơn lũ lớn tàn phá miền trung Việt Nam. Và khi người dân nổi giận đến mức kéo cả ra đường, ví dụ như cái chết của một người đi xe hai bánh bị công an bắt giữ ở đông bắc Việt Nam vào năm ngoái, chính quyền đã có phản hồi. Sau những biến động ở Việt Nam sau 60 năm qua, một cuộc cách mạng - thậm chí một cuộc nổi loạn - đơn giản là không nằm trong ván bài.
Nguồn: World Policy