Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Nhật và Việt sao khác nhau đến thế?

Mạc Việt Hồng

Việt Nam khác Nhật là lẽ thường. Bởi, lịch sử, văn hóa, nền giáo dục của mỗi dân tộc một khác. Vấn đề ở đây là tại sao lại khác đến như vậy, trong khi cùng ở châu Á, cùng máu đỏ da vàng. Tại sao không chỉ khác nhau ở văn hóa ứng xử mà còn ở đạo đức xã hội?
Trong những ngày qua, khi những trận động đất làm rung chuyển nước Nhật thì ở ngay nơi tâm chấn điêu tàn và đổ nát, nhiều câu chuyện đã làm rung động lòng người.
Người ta truyền nhau bức thư gửi từ Nhật Bản của một người gốc Việt đang làm việc cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 25 km. Anh đi trợ giúp người Nhật nhưng công việc chính là thu lượm và chôn cất những người xấu số.
Trong bức thư này, Hà Minh Thành- tên người viết- kể về một đứa bé 9 tuổi, có lẽ đã mất cả cha lẫn mẹ lầm lũi đứng, trong gió rét, với bộ quần áo mong manh, giữa hàng người rồng rắn để chờ lấy khẩu phần ăn bé nhỏ. Cảm thương với em và sợ em khi đến lượt sẽ chẳng còn thức ăn, người đàn ông đã khoác lên tấm thân bé nhỏ của em chiếc áo và đưa em gói lương khô khẩu phần của mình. Thằng bé khom người cám ơn nhưng không ăn ngấu nghiến – như phản ứng bình thường của một đứa trẻ đang đói – mà lẳng lặng đem lên nộp lại cho người phân phát rồi quay lại đứng tiếp vào hàng.


Hay chuyện không hề có cướp phá, hôi của ở Nhật. Chuyện dòng người dài, xếp hàng im lặng để lấy nước, lấy thức ăn, dầu thắp sáng… không hề chen lấn, xô đẩy, cãi cọ. Người khỏe tự giác chăm sóc, giúp đỡ người già yếu, có những người già được cõng trên lưng hàng km. Chuyện 30 đứa bé mồ côi ở một trường học vẫn lặng lẽ chờ cha mẹ tới đón mà mỗi tiếng kẹt cửa có thể làm lóe lên những hy vọng mong manh của chúng, chúng im lặng chịu đựng mà không hề than khóc dù có thể đã biết bố mẹ mình không bao giờ quay lại đón chúng nữa. Hay 50 kỹ sư và công nhân Nhật tình nguyện bám trụ ở nhà máy điện hạt nhân sau khi 4 tổ máy đã phát nổ và hàng trăm ngàn người cũng như hầu hết công nhân nhà máy phải sơ tán. Trong số người tình nguyện ở lại, có người chỉ còn 6 tháng nữa về hưu. Người công nhân sắp hưu trí ấy đã nhắn với lại vợ mình, “Em đừng buồn, nếu anh không về“. Những người tình nguyện ở lại đều biết rằng mình có thể hy sinh. Rồi hình ảnh những người gói hàng cứu trợ làm việc hết sức khẩn trương. Các đội tìm kiếm nạn nhân miệt mài không kể đêm ngày, hối hả, lo lắng như đang tìm chính thân nhân của mình. Còn nhiều lắm những câu chuyện cảm động…
Vặt và cướp hoa trong lễ hội hoa Anh Đào
Báo chí Việt Nam cũng đưa tin khá đầy đủ và có nhiều bài viết ca ngợi tinh thần Nhật bản, bày tỏ sự khâm phục người Nhật và không ít người đã ngậm ngùi so sánh với Việt Nam.
Có người đặt câu hỏi, nếu Việt Nam động đất thì sao nhỉ? Ừ nhỉ, thì sao?
Thì:
- Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.
- Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.
- Cướp giật hôi của sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy. Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu trợ.
- Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì “bố cho mày mấy chưởng”.
- Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện… tha hồ chặt chém đồng bào.
- Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.
- Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.
- Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.
- Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.
- Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các “thế lực thù địch” lợi dụng.
.v.v.
Bức tranh toàn cảnh động đất ở Việt Nam, nếu có, nó sẽ na ná như vậy. Nhiều người nhức lòng tự hỏi, sao dân Việt Nam lại tha hóa như thế, có khi cả thế kỷ nữa họ cũng không theo kịp nước Nhật về văn hóa ứng xử…
Nhưng sao họ không đặt câu hỏi, quan chức Việt Nam ra sao, giáo dục của Việt Nam thế nào? Em bé 9 tuổi kia chắc chắn được dậy dỗ trong một nền giáo dục đầy nhân bản, nơi cha mẹ em không phải đi tết lễ, đút lót thầy cô để em được đối xử tốt hơn, được điểm cao hơn, không bị liếm ghế khi phạm lỗi; nơi thầy hiệu trưởng của em không mua dâm hàng chục học trò; nơi giáo viên không chửi học sinh như hát hay bằng những từ “thằng nọ”, “con kia”; nơi các anh chị lớp trên không đấm đá hội đồng, giật tóc, lột áo nhau trong những giờ ra chơi; nơi em đi học không phải qua những con đường xây ẩu đầy hổ tử thần bẫy người hay những cây cầu bị rút ruột thay bằng xi măng cốt tre bởi những quan chức như Huỳnh Ngọc Sĩ.v.v.
Người dân Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn, nhường nhịn, trật tự và tương thân tương ái hơn nếu họ không sống trong một xã hội chụp giật, mua quan bán chức, tham nhũng từ trên xuống dưới; nơi kẻ có quyền hành tha hồ vơ vét cho đầy túi tham; nơi quan chức sở hữu hàng hecta đất, nhà nọ nhà kia, mỗi căn hàng triệu đô mà trẻ em phải đu dây đi học; nơi quan bố chưa nhấc đít khỏi ghế, quan con đã nhăm nhắm ngồi vào; nơi vào cửa đồn công an thì ra cửa nghĩa địa, công an đánh chết dân như đập ruồi; nơi mỗi mét rừng đầu nguồn bị đám quan tham đem bán bằng những món tiền ít hơn tiền mua mớ rau muống.v.v. Quan như thế, sao đòi hỏi dân phải mẫu mực, phải liêm khiết, không hôi của, không cướp giật?
Giám đốc sở điện lực Tokyo khóc. Ảnh AP
Người dân Nhật như vậy vì họ đượng hưởng nền giáo dục nghiêm khắc và trong sạch; vì họ có những quan chức biết đau nỗi đau của dân, biết khóc cùng dân như ông giám đốc sở Điện lực Tokyo dù sự cố xảy ra là do thiên tai, chứ không phải do lỗi ở ông; vì họ có những vị bộ trưởng như Ngoại trưởng Seiji Maehara, từ chức và xin lỗi dân vì đã nhận số tiền ủng hộ của một nữ doanh nhân nước ngoài trị giá (chỉ có) 610 đô la trong một hoạt động gây quỹ; bởi họ có vị thủ tướng rớm rớm nước mắt từ xin từ chức vì không thực hiện được một trong các cam kết của mình… Ở Việt Nam có những quan chức mẫu mực như vậy không? Câu trả lời là một ngàn lần không! Thủ tướng Việt Nam vẫn tại vị sau hàng loạt các bê bối. Quan chức ta không ai chịu trách nhiệm khi thủy điện xả lũ chết dân, khi dân hàng ngày sập bẫy tử thần. Ông Lê Đức Thúy vẫn là chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia và lên Ti vi trả lời phỏng vấn về chính sách tiền tệ khi báo chí Úc đã không ít lần nhắc tên ông trong vụ nhận hối lộ 10 triệu đô la in tiền Polymer. Bác Nguyễn Trường Tô vẫn đủ can đảm ngày ngày xách cặp tới cơ quan làm việc khi cả nước biết chuyện chủ tịch tỉnh cởi truồng
Thôi, đừng trách móc, đòi hỏi người dân nếu quan chức của ta như vậy! Đúng là nhà dột từ nóc dột xuống!
Còn tại sao ư?
Hồ Chí Minh khi sinh thời từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Dân tộc ta đã 81 “có” đảng. Như vậy, đại đa số dân chúng Việt Nam hiện nay là những người sinh ra và trưởng thành – như cách chúng ta thường nghe- “dưới ánh sáng của đảng”, “dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng”. Vậy họ là sản phẩm từ sự gieo trồng của đảng mà ra. Không lẽ nói rằng tại đế quốc hay thế lực thù nghịch ư? Không lẽ ‘thành tích’ đánh đuổi đế quốc, thực dân , giành độc lập dân tộc, tăng trưởng kinh tế… là do đảng lãnh đạo, còn suy đồi đạo đức là do thiên tai? Xưa rồi, bây giờ không phải thời kỳ nói lấy được mà người ta vẫn tin.
Nghịch lý của Việt Nam là đời sống kinh tế càng đi lên thì nền đạo đức xã hội lại càng đi xuống.
Đó là bi kịch của dân tộc.
Chẳng biết bi kịch đó còn làm ai băn khoăn nữa không?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"