"Một cô gái khác nói: “Qua ba cuộc chiến tranh, làng này không hề biết bom đạn là gì, không hề biết Tây, Ta là gì... Vậy mà người Trung Quốc qua xây xong cây cầu Nông Sơn, họ để lại mấy trái bom trong bụng chị em ở đây, kết quả là ba đứa trẻ mang dòng máu Trung Quốc ra đời! Ðại Bình này chẳng còn bình yên!” (Trích)
Làng cổ Ðại Bình không còn bình yênPhóng sự của Phương Ngạn/Người Việt
QUẢNG NAM -Ðại Bình là một làng quê vốn yên bình, ba mặt giáp sông Thu Bồn, Vu Gia và mặt phía Tây Bắc giáp trung du Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ðại Bình (còn có tên Ðại Bường) là một làng cổ, được khai canh lập nghiệp vào năm 1778 bởi các tiền hiền họ Trần Kim và Nguyễn Kim, vào đời Vua Thái Ðức (niên hiệu của Minh Ðức Hoàng Ðế Nguyễn Nhạc).
Bờ sông ven làng Ðại Bình lở lói do nạn hút cát, con nước sông Thu Bồn trở nên hung hãn, dữ dội vào mùa mưa lũ. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt) |
Ngoài những nét quen thuộc của miền quê yên tĩnh, tre xanh soi bóng ven sông, Ðại Bình còn nổi tiếng với những loại trái cây miền Nam như mẵng cầu ta, sầu riêng, măng cụt, nhãn lồng, bưởi, chuối thanh tiêu...
Ðặc biệt, làng Ðại Bình còn có loại trái lòng bong, hay còn gọi là lòn bon, nam trân... rất ngon, trái nhỏ, múi nhỏ nhưng không có hạt. Sầu riêng của Ðại Bình cũng nhỏ trái nhưng ít hạt và có vị béo thơm, khác với sầu riêng miền Nam.
Nhưng đó sắp thành câu chuyện kể, cũng giống như Cù Lao Chàm, trước đây, Ðại Bình nổi tiếng là một làng cổ với kiến trúc nhà rường thanh nhã, trầm mặc, những khu vườn sum suê cây trái, con người hiền hòa, thân thiện và là nơi chưa bao giờ có âm thanh gì khác ngoài tiếng chim hót trong vườn và tiếng người trò chuyện, gọi nhau mỗi sớm mỗi chiều.
Người nông dân này nói rằng cỏ cho trâu bây giờ cũng hiếm vì người Trung Quốc đã phá sạch để xây dựng nhà máy nhiệt điện. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt) |
Ðại Bình bây giờ không còn mệnh danh là nơi không có tiếng xe máy nữa. Suốt ngày, tiếng ghe máy, tiếng nhạc xập xình, tiếng hát karaoke từ nhiều ngôi nhà phát ra nghe ra rả.
Theo quốc lộ 1A, đến ngã ba Hương An, rẽ về phía Quế Sơn, qua khỏi thị trấn Quế Phú, đến đèo Le, nơi có món gà tre nổi tiếng, nghỉ chân một lúc rồi đi tiếp ba chục cây số nữa, đến chợ Trung Phước, xuống bến đò, phía bên kia sông là làng Ðại Bình.
Bước qua khỏi cổng làng, tôi vào thăm thầy giáo Trí và cô giáo, nhạc sĩ Mạc Li, được hai người mời lại dùng cơm trưa. Và như thường lệ, trước nhất, thầy Trí sẽ dắt một vòng đi quanh xóm, thăm những vườn cây.
Thầy Trí tâm sự giọng chua xót: “Chưa bao giờ mình thấy buồn như vậy, mọi sự đảo lộn lên hết rồi, cái yên bình, thanh thản và âm thanh chim trời quen thuộc của Ðại Bình đã chết. Thay vào đó là những thứ âm thanh điện tử hát hò suốt ngày và tiếng xe máy rồ ga...”
Bà cụ này rất hiếu khách, thường mời khách thưởng thức trái cây và nghe bà hát dân ca... (Hình: Phương Ngạn/Người Việt) |
Cô Mạc Li thì nói: “Không còn là Ðại Bình nữa, làng này từng nổi tiếng bởi qua ba cuộc chiến tranh không biết đạn bom là gì, bởi nó không có khái niệm chiến tranh, vậy mà bây giờ thì khác rồi, nó nổ đì đoàng suốt ngày bởi thứ âm thanh của lòng người không yên tĩnh. Của những xung động và thực dụng. Mình quá buồn, và hình như cây cối cũng buồn nên chết dần chết mòn...”
Tôi men theo lối xóm, tìm những cây sầu riêng, măng cụt trăm tuổi mới năm ngoái còn thấy thì bây giờ, một số cây không còn nữa, thay vào đó là vài cái quán, cái nhà mới xây dựng theo kiểu nửa Tây nửa Ta nhìn chói lóa và phô trương.
Một nông dân đang ngồi nhâm nhi rượu đế trong quán ở ngã ba cho biết thêm: “Mùa trái cây vừa rồi không ngon như những mùa trước nữa, hình như đất bắt đầu cằn cỗi, nhưng theo tôi nghĩ là do người ta nhác chăm bón rồi, người ta lo làm kiếm tiền bằng cách khác, thậm chí có người lo mua đất, đầu cơ, nghĩ đến chuyện làm du lịch và khai thác cát dưới sông, ông lái đò giờ cũng thực dụng...”
Những thế hệ khác biệt
Có thể nói rằng đời sống người làng Ðại Bình bây giờ trở nên khó chịu là do nguyên nhân sự khác biệt giữa những thế hệ với nhau. Mức độ khác biệt đã lên đến đỉnh điểm nên khó mà còn được sự yên bình vốn có.
Ông T., một bô lão trong làng buồn bã tâm sự: “Lớp già tụi tui sống qua mấy cuộc chiến tranh, nhưng không tham gia chiến tranh, và cũng không đi đâu xa, chẳng bị hút bởi phố xá, chẳng biết xì ke là gì. Cũng may hồi đó không đi đâu nhiều! Còn giờ tụi trẻ đi ra nhiều quá, có ăn có học nhưng sao tụi nó nói năng bổ bã, rượu chè, thực dụng và vô cảm quá!”
Công trình nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc xây dựng gần mỏ than Nông Sơn, Quảng Nam, cách làng Ðại Bình chưa đầy 1 cây số. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt) |
Tôi im lặng, không muốn nói với ông rằng cũng vì tụi trẻ học nhiều, bị đầu độc nhiều mà ra vậy. Nếu tụi trẻ không đi học có khi lại hay hơn...
Bà H., chủ một vườn cây ăn quả rộng và rất đẹp, bà rất hiếu khách, dường như mỗi khi khách vào nhà, bà đều cố gắng mang ra một ít trái cây, hoặc mời khách ngồi uống bát chè xanh nghe bà hát dân ca. Khi tôi hỏi về chuyện đời sống, bà cũng buồn bã trả lời: “Chán lắm chú ơi, ghe hút cát chạy suốt đêm, ồn ào lắm!”
Một người dân làng khác nói: “Tôi nghĩ rằng với cái đà hút cát kiểu này, vài năm nữa Ðại Bình sẽ trôi tuột ra biển vì sông đổi dòng trong mùa nước lũ. Tôi từng chứng kiến nguyên cái làng Cà Tang trôi ra biển trong trận lụt năm Thìn (1964). Kinh khủng lắm!”
Ông cho biết thêm: “Không hiểu sao mà người ta dám ép dân bán nguyên một mảnh vườn cây ăn trái tiềm năng để phá đi và biến nó thành bãi cát, sạn. Tôi sống qua mấy chế độ, bây giờ mới thấy tình trạng này. Người ta sống với nhau bằng thế lực, bằng sức mạnh tiền bạc chứ chẳng còn tình làng nghĩa xóm chi nữa!”
Tôi tìm hiểu thêm thì được biết có một “ông trẻ” đã dùng thủ đoạn và thế lực của mình để ép một người nông dân bán mảnh vườn cho “ông trẻ” biến thành bãi chứa cát, sạn. Ngoài ra, ông trẻ còn có nguyên một đội ghe thuyền chuyên hút cát trên sông Thu Bồn, gần với chỗ bến sông Ðại Bình.
Người dân làng rất bất bình chuyện này nhưng chẳng ai dám đá động tới “ông trẻ”.
Và tôi cũng để ý thấy chừng 3 giờ chiều, một đám thanh niên nam, nữ, có đứa nhuộm tóc vàng, tóc đỏ, móng tay móng chân vẽ hoa vẽ rồng, đeo bông tai, xăm mình... tụm năm tụm ba ngoài ngã ba làng. Hỏi ra mới biết đó là thanh niên trong làng, có đứa mới đi bộ đội về, có đứa đi làm Sài Gòn về, có đứa đi làm ăn xa, không biết ở đâu, Tết về quê chơi.
Một vở kịch đời đang diễn
Tôi hỏi thêm về thanh niên trong làng, được K., 25 tuổi, khá lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ cho biết: “Thanh niên bây giờ hư nhiều lắm anh ơi. Ðáng sợ nhất là tụi nó, đứa ham làm giàu thì cứ muốn bán đất để mua xe, bán đất để buôn bán. Còn đứa ham chơi thì cứ quậy phá, rượu chè, xì ke. Ðứa đi học xa về thì cứ như người lạ của làng. Hết cả không khí thân thương ngày xưa!”
Một cô gái khác nói: “Qua ba cuộc chiến tranh, làng này không hề biết bom đạn là gì, không hề biết Tây, Ta là gì... Vậy mà người Trung Quốc qua xây xong cây cầu Nông Sơn, họ để lại mấy trái bom trong bụng chị em ở đây, kết quả là ba đứa trẻ mang dòng máu Trung Quốc ra đời! Ðại Bình này chẳng còn bình yên!”
Tôi dạo một vòng, nhìn ra chung quanh, vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ, vẫn còn nhiều cụ già thân thiện, vẫn còn nhiều thanh niên lịch lãm, hiền hòa, vui vẻ... Nhưng dường như, làng Ðại Bình đã phân mảnh ra thành nhiều nhóm khác nhau, sự yên ả, thanh thoát của ngôi làng cổ kính tôi từng thăm trước đây không còn nữa.
Những âm thanh ồn ào của làng được mô phỏng trong vở kịch chuẩn bị cho văn nghệ đầu Xuân của thôn do các phụ nữ, bô lão, có đoạn kết, “Một người con đi xa trở về Ðại Bình, đến bến sông, ông đứng nhìn những ghe hút cát và khóc như mưa, vì sợ rằng năm sau, ngày này, Ðại Bình của ông sẽ trôi tuột ra biển... Cái biển mà ông đang nghĩ chính là cái xã hội nhặng xị ông đang sống!”