Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Nước Nhật và chúng ta

Năm ngoái người đi cùng đoàn du lịch nói, ai có con nhỏ nên đưa con đến Nhật để học sự giáo dục trẻ con và cung cách văn hoá của người Nhật, chị nói nếu không có gì xẩy ra chị sẽ đi nữa và đưa con gái cùng cháu ngoại sang Nhật cho biết. Chị nói trẻ con Nhật được dậy dỗ rất kỹ, rất lễ phép. Thí dụ bạn là du khách đi trên đường phố đang ăn một cái gì thì chúng chạy lại đứng bên cạnh, không phải là nhòm miệng đâu nhé, chúng chờ nếu bạn mà vất bỏ rác xuống đường là chúng nhẹ nhàng lượm vất vào thùng rác hộ bạn.   Năm nay tôi cũng vì thế mà dắt con đi, thực ra phải nói là con tôi dắt tôi đi mới đúng, vì nó là người trả tiền vé tiền tour cho tôi. Chuyến đi dự định vào tuần sau, đúng vào ngày lấy vé thì có tin Nhật bị động đất.  Thế là đành hoãn lại chưa biết đến bao giờ, chả lẽ người Nhật đang bối rối mà mình vác thân nhởn nhơ tới xem hoa Đào nở thì vô tình quá.  Qua thiên tai này nhờ hệ thống truyền thông ngày càng tiến bộ, thế giới thấy được người Nhật, thái độ có văn hoá của họ trước những tai hoạ ra sao. Ai cũng phải trầm trồ, những người cùng sở tôi, không ai có một lời chê bai người Nhật, nếu lâu nay người ta không hiểu tại sao người Nhật, một nước Nhật nhỏ bé có thể mau chóng trở thành cường quốc trên thế giới chỉ sau 20 bị hai quả bom nguyên tử, họ đã chứng minh được một nền văn hoá mà cả thế giới phải ngưỡng mộ. Ngày nay họ không cần mang súng đi để áp đặt lên thế giới như đầu thế kỷ trước.  Họ ngự trị thế giới bởi sự khiêm nhường, bình tĩnh và lễ độ của họ. Đó có phải là tinh thần "võ sĩ đạo"?. Tôi không rõ, nhưng ngồi nhà bây giờ đọc blog thiên hạ viết về nước Nhật. Tôi hy vọng chuyến đi của tôi rồi cũng sẽ thực hiện được từ nay đến cuối năm. 

Hà Văn Thịnh - Nhục và đau


Sắp đến ngày xử TS Cù Huy Hà Vũ. Chắc chắn đó là ngày mà cả hai phía (không, phải là nhiều phía mới đúng) lề phải - lề trái (đó là người có quyền nói; chứ theo tôi, rất nhiều những điều lề trái đúng cả trăm trăm còn lề phải thì sai toè loe) cùng những kẻ lừng chừng, vô số ông ba phải, không ít kẻ nửa vời (kể cả người viết bài này đôi khi sợ quá cũng phải ỡm ờ) quan tâm, theo dõi. Do bận việc nhà, có vài chuyện thật buồn, rất buồn nên lâu nay tôi không lên được mạng. Hôm nay (12.3) đọc bài của Luật sư Trần Đình TriểnLời Thỉnh cầu của BVN về việc xử án TS CHHV, tôi thật thấm thía cụm từ Nhục và đau và, cũng đã gần như cay cả hai con mắt khi đọc thấy câu: Nếu cả chúng tôi nữa cũng bị đàn áp, thì văn bản này vẫn sẽ còn nguyên giá trị nâng cao nhận thức của người đọc.

Vâng, tại sao lại đến nỗi như thế? Một chế độ do dân, vì dân, của dân mà đi đâu cũng nghe dân ta thán; hàng ngàn trí thức liên tục góp ý, thỉnh cầu, kiến nghị; hàng trăm tướng lĩnh, cán bộ lão thành phản đối hết chính sách này đến chính sánh khác là tại làm sao? Do dốt nát, do tham lam, do thiển cận, đạo đức giả hay là do tất tần tật mọi nhẽ của các loại câu hỏi đang tồn tại trên cõi đời này? Tại sao Đại hội chưa khai mạc mà ngay cả ông bán nước chè cũng biết ai là ai (who is who?) trong ban lãnh đạo sắp tới? Tại sao mồm miệng khi nào cũng xoen xoét “đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực phát triển” nhưng hễ phản biện mạnh một tí là y như rằng nhẹ thì bị dọa, “nặng” thì bị bắt?... Chao ôi là tại sao! Mới đây nhất là chỉ vì có cái mũ bảo hiểm hơi bị lệch trên đầu mà một mạng người phải chết thảm thê ngay giữa thủ đô Hà Nội bởi dùi cui của một Ngài Trung Tá Công An thì quả là đau đớn đến mức phải kêu trời!...

Một giáo viên THPT hỏi tôi rằng vì sao Nhật Bản động đất nhiều như thế, chết và thiệt hại nhiều như thế mà họ vẫn giàu có, phát triển (năm 1923, 1927, 1933, 1943, 1944, 1945, 1946, 1948, 1995, 2011)? Tôi trả lời rằng: Họ hơn Việt Nam 3 điều. Một, năm 1868, Nhật Hoàng Mushuhito tuyên bố “Thời kỳ học hỏi lâu dài nền văn minh Trung Hoa phải chấm dứt. Kể từ đây phải học hỏi phương Tây để đuổi kịp và vượt phương Tây sau 100 năm”. Mushuhito đã bày tỏ quyết tâm không dây dưa với Trung Quốc bằng cách huỷ bỏ âm lịch, dùng dương lịch... Còn chúng ta thì cứ ăn theo, chạy theo, sợ hãi Trung Quốc nên mới ra nông nỗi này. Hai, lãnh đạo của Nhật tuyệt đại đa số luôn vì dân, vì lòng tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước. Ba, dân Nhật chịu khó, tiết kiệm, có lòng tự tôn và dũng cảm hơn dân ta. Tôi trả lời thế không biết đúng sai thế nào xin các bậc thức giả góp ý. Có thể tôi không đúng hoặc là đúng chưa nhiều, nhưng đừng vì thế mà đổ hô cho tôi là phản động.

Những năm 1936 – 1939 dân ta do trí thức vận động đưa hết thỉnh cầu này tới thỉnh nguyện khác cho bọn thực dân và lũ bán nước. 70 năm sau, lại vẫn tiếp tục thỉnh cầu thì đúng quả thật là, lịch sử đang bị đùa giỡn một cách bi hài. Dân ta hồi đó – sau đó không chịu nhục. Dân ta bây giờ chỉ biết thở dài là nhục và đau (?). Thử hỏi, nếu đổi đời rồi mà vẫn còn nhục và đau thì có gì để vui, để tự hào? Không có trí thức nào không cảm thấy bị đau và nhục ít hay nhiều. Tôi đố vị nào chỉ ra rằng điều này không đúng? Nếu đúng thì chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại câu thỉnh cầu của BVN.

Huế, 12.3.2011

H. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại


3:40 chiều hôm qua (Thứ Bảy, 12/3/2011) đã xảy ra một vụ nổ trong một toà nhà tại lò phản ứng số 1 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1. Nguyên nhân của vụ nổ là do khí hydro thoát ra từ lò đã hoà với khí oxy trong không khí gây phản ứng toả nhiệt (exothermic reaction) hay phản ứng cháy (combustion reaction). Nhà máy điện nguyên tử Fukushima có hai tổ hợp: Fukushima Daiichi (Fukushima 1) và Fukushima Daini (Fukushima 2), gồm tất cả 10 lò phản ứng hoạt động (6 lò tại Fukushima 1 và 4 lò tại Fukishima 2), và là một trong 25 nhà máy điện nguyên tử lớn nhất thế giới. Nhà máy được thiết kế chịu được động đất 7.9 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng giáng xuống Nhật Bản một ngày trước đó có sức mạnh tại tâm động đất (cách bờ 126 km) 9 độ Richter, vượt hơn 30 lần sức chịu đựng theo thiết kế nhà máy. Vào đến bờ, sức mạnh của động đất còn khoảng 6.5 – 7 độ Richter. Vụ nổ đã làm mái cùng toàn bộ phần tường bao bọc phía trên toà nhà đó vỡ tung, chỉ còn trơ ra cái khung sắt. Nhưng lò phản ứng số 1 không bị hư hại và phóng xạ thoát ra không lớn. Thực tế ngay sau vụ nổ người ta đo thấy các nguyên tố phóng xạ giảm đi so với trước vụ nổ, và mật độ phóng xạ không tăng lên. Hiện thời mức độ phơi nhiễm phóng xạ lên một người trong một ngày bên ngoài nhà máy bằng mức độ phơi nhiễm cực đại mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ một người có thể chịu trong một năm. Vào 8:30 sáng hôm nay phóng xạ ngay bên ngoài nhà máy điện nguyên tử Fukushima đo được là 1024 microsieverts, tức hơn gấp đôi mức cho phép trong vòng một tiếng. Tuy nhiên một giờ sau, con số đó đã giảm xuống còn 70 microsieverts. Khoảng 200,000 người dân được sơ tán ra ngoài vùng bán kính 20 km quanh Fukushima 1 và Fukushima 2.

Tuy lõi các lò phản ứng không (chưa) chảy (hoặc có thể mới chỉ bị chảy một phần) nhưng người ta chưa làm nguội được chúng nên tất cả vẫn đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Người ta đã bơm nước biển và nước ngọt vào để làm nguội lò phản ứng số 1 và số 3 nhằm cứu lõi lò khỏi bị nóng chảy. Đó là biện pháp cuối cùng và có lẽ sẽ làm hai lò này ngừng hoạt động vĩnh viễn, miễn là thảm hoạ hạt nhân đừng xảy ra. Nước Nhật đã ban bố tình trạng hạt nhân khẩn cấp. Từ ngày mai, 14/3/2011, điện sẽ bị cắt luân phiên trên toàn vùng Kanto.

Động đất đã làm 3000 người chết và mất tích. Con số này đang tiếp tục tăng lên, có thể tới trên 10 ngàn người. Trả lời họp báo, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng động đất, sóng thần, và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân đã đẩy Nhật Bản vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong 65 năm kể từ sau Đệ nhị thế chiến.

Vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết sạch. Người Việt đang bỏ nước Nhật chạy. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Tin tức và hình ảnh được cập nhật từng phút. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại càng tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.

Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.

Nguyễn Đình Đăng

Tokyo 13/3/2011

Thảm hoạ của chúng ta và phản ứng của chúng nó

Vì truyền thống gia đình, mình khá chăm xem tin tức quốc tế, cũng hay để ý các tin về thiên tai, thảm hoạ. Hôm nay, nhân đọc bài “Thế giới khâm phục Nhật Bản” trên VnExpress (http://bit.ly/gvxuu2), mình nghĩ nghĩ rồi thử tạm phân loại cách phản ứng của truyền thông và khán/độc giả quốc tế với các nước gặp thảm hoạ như sau:

- Khi thảm hoạ xảy ra ở các nước nhỏ, nghèo, kém cỏi (VD: Động đất ở Haiti, giẫm đạp ở Cambodia), thái độ của truyền thông quốc tế sẽ là thương hại nhưng ẩn chứa sự coi thường, kiểu như: “Thảm hoạ hả? Khiếp, sao chúng mày chết gì lắm thế, mà toàn chết không đáng, chính phủ chúng mày bại não à!”.

- Khi thảm hoạ xảy ra ở các nước thường thường bậc trung (VD: Động đất ở New Zealand, tro bụi núi lửa ở châu Âu), thái độ của truyền thông quốc tế sẽ là thông cảm nhưng ẩn chứa sự thờ ơ, kiểu như: “Thảm hoạ hả? Khổ thân, nín đi, chính phủ chúng mày lo lắng đủ cả, mấy hôm nữa rồi sẽ ổn thôi!”.

- Khi thảm hoạ xảy ra ở các nước lớn, giàu, khệnh khạng (VD: Khủng bố ở Mỹ, động đất ở Trung Quốc), thái độ của truyền thông quốc tế sẽ là sốt sắng nhưng ẩn chứa sự hả hê, kiểu như: “Ối giời, chúng mày mà cũng bị thảm hoạ á? Xê ra cho tao nhìn phát! Trông đám lãnh đạo và lũ dân chúng hợm hĩnh của chúng mày cuống lên kìa, há há, đáng đời!”.

Nhật Bản là một trong số rất rất rất ít nước mà khi họ gặp thảm hoạ, thế giới thực sự nhìn họ bằng cặp mắt vừa quan tâm vừa khâm phục.

Giờ giả sử Việt Nam mà có thảm hoạ lớn (bập bập, nói đổ xuống sông xuống bể, bập bập), không biết phản ứng của truyền thông thế giới sẽ thuộc gạch đầu dòng nào? Mình nghĩ cách hành xử của mỗi người Việt Nam, tức là chúng ta đây, sẽ góp phần quyết định điều đó.


Động đất


Theo blog Cánh Cung Xanh

Trận động đất kinh hoàng không ảnh hưởng đến tính hoàn hảo của nền văn hóa Nhật Bản

Truyền thông phương Tây loan tin họ thực sự bất ngờ trước sự kiên cường và điềm tĩnh của người Nhật, rằng thì ở nhiều nơi khác trên thế giới, hậu động đất thì trộm cắp, cướp giật vào mùa, chẳng từ những nền văn minh lâu nay vốn được xem hàng đầu thế giới (Mỹ, Anh…) nhưng người Nhật thì không. Người ta vẫn nhìn thấy nụ cười trên mặt cụ già, những cái cúi đầu lễ độ đối với khách, những hàng người xếp hàng ngay ngắn, trật tự để nhận hàng cứu trợ. Bất chấp cảnh tượng hoang tàn, đổ nát và những nguy cơ tiềm tàng (nhiễm xạ, sự tan chảy các lõi hạt nhân trong các nhà máy điện) sau thảm họa của Nhật Bản, cả thế giới nhìn vào người Nhật ngưỡng mộ sự vĩ đại của họ. Rằng dù đang “sống trong thảm họa”, người Nhật vẫn gìn giữ phẩm hạnh của mình.

Có thể, truyền thông nói quá lên (bởi đó là nghề của họ) nên nếu muốn biết thực hư chính xác thế nào thì phải có mặt tại Nhật mới rõ. Còn nếu chẳng có điều kiện, chúng ta nên trừ bớt đi thì may ra mới tiếp cận được gần đúng với sự thật. Rằng nạn cướp bóc vẫn có, hoảng sợ, hoang mang vẫn có, có điều là không nhiều và tinh thần cơ bản của người Nhật vẫn là điềm tĩnh, kiên cường, họ biết giữ gìn phẩm hạnh của mình trước thảm họa. Tính cách này phần nào được bồi đắp từ chính đặc thù địa lý của người Nhật, từ đứa trẻ đã biết đất nước mình nằm trong tâm chấn nên ít nhiều họ đã quen đi. Khi đã quen người ta cũng vơi đi cái bàng hoàng, hốt hoảng.

Dù vậy thì vẫn phải thấy, đó là cái đẹp toát lên từ tinh thần, cốt cách của người Nhật. Họ bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật để đối mặt với nó và vượt lên khó khăn. Họ son sắc, thủy chung với quê hương, xứ sở mình. Không phải cứ thấy khó cái là lung lạc tinh thần rồi bỏ chạy. Chính cái đẹp ấy đã làm người Nhật lớn lên như cả thế giới phải ngỡ ngàng vì sao ở hậu thế chiến thứ 2, một dân tộc phải ăn trọn hai quả bom nguyên tử của Mỹ mà họ vẫn bùng lên nhanh thế, phát triển mạnh mẽ thế để trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Thế mới thấy, cái vẻ đẹp của tinh thần nó có sức mạnh ghê gớm như thế nào và chính điều đó mới quyết định cho sự phồn thịnh của Nhật Bản sau này. Có nghĩa với họ, tinh thần mới chính là yếu tố then chốt, không phải của cải, vật chất (dù họ thừa mứa). Cả thế giới hôm nay đang cuối đầu trước cái sức mạnh tinh thần của họ.

Nhìn sang ta xem, sử chép tinh thần của người Việt là kiên cường, bất khuất, anh dũng, hiên ngang, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…vân vân vân. Được khối! Chúng ta chỉ được cái tủn mủn, vặt vãnh và chăm chăm cho lợi ích của bản thân mình, gia đình mình.

Ngay từ gia đình, hạt nhân của xã hội thì khi con cái mình yêu được kẻ có khả năng sinh lợi thì vui mừng hớn hở còn khi nó gặp khó cái là phủi đít đi ngay, sợ phải lãnh trọn thương đau. Chả từ những hành động bạc bẽo, vô đạo nhất. Lúc mình khó khăn, cùng quẫn thì người ta ở cạnh mình, nâng đỡ cho mình. Mới khá lên tý và vừa thấy người ta khó tý là không hề ngần ngại rủa xả, bỏ đi bêu rếu cái kẻ mà nhẽ ra mình phải mang ơn hay chí ít là gìn giữ cái tình, cái nghĩa. Cái này trong đời mình gặp nhiều, thi thoảng nghĩ đến vẫn còn thấy lạnh dọc sóng lưng.

Nhưng đấy là chuyện vặt, quê hương có biến, ai khó mặc ai, dân mình chả ngại bồng bế nhau lên thuyền để đi tìm một chân trời mới. Những năm trở lại đây, dân ta đi xuất khẩu lao động khá nhiều ở những quốc gia thịnh vượng. Khi đến với đất nước của họ làm ăn và hưởng lợi thì cực hiếm khi thấy mình tỏ ra biết yêu thương đất nước đã rộng tay đón mình đến. Báo chí cũng thế, chả bao giờ thấy khen được đất nước nào đó dăm ba câu cho tử tế. Chỉ khi họ loạn, ùn ùn kéo nhau về, báo chí thì nhảy chồm chồm còn bao người còn kẹt chưa về được!? Ừ nhỉ! Ta chỉ quen chơi với những nơi còn yên bình và có khả năng sinh lợi. Họ có biến cái là phủi đít ngay, một câu cám ơn không thèm để lại. Đã thế còn quay sang bôi bác mà cuộc cách mạng hoa nhài là một ví dụ. Đôi khi mình nghĩ chả hiểu sao dân tộc này lại vô đạo đến thế nhỉ!?

Trong khi, người dân Nhật Bản đang khốn khổ chống chọi với với thiên tai, cả thế giới đang hướng về phía họ. Báo chí ta rộn hết cả lên chuyện dân ta bên ấy về được bao và còn xót lại bao người!? Vietnamnet đưa thêm tin, động đất ở Nhật làm ảnh hưởng đến lộ trình xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân cho Việt ta. Mình đang gõ thứ này thì nhóc em spam: “Nhà máy điện hạt nhân ở Fukumi, Nhật Bản đã phát nổ ngày hôm nay lúc 4:30 AM. Nếu trời mưa vào ngày mai hoặc những ngày sau này, thì không đi ra ngoài. Nếu bạn đang ở bên ngoài, hãy chắc chắn rằng bạn đã được bảo vệ khỏi mưa. Đó là mưa axit. Đừng để nó chạm vào bạn. Bạn có thể bị đốt cháy da, mái tóc của bạn bị mất hoặc bị ung thư.” Mình điên quá mắng cho nhảm nhí.

Rõ là dân tộc ta là dân tộc kỳ lạ! Rồi sẽ là hóa rồng hóa phượng bằng cái những thói tủn mủn, hẹp hòi, quê mùa ấy á!? Thì cứ việc mơ đi!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"