Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Tản mạn về lòng yêu nước

Nhiều chuyện 1:


Long Trinh Huu




Đã hơn 2 ngày trôi qua kể từ khi tôi từ đoàn biểu tình trở về nhà, tôi vẫn không thôi suy nghĩ về sự kiện đặc biệt này, cùng những gì trước và sau nó. Tôi rất muốn viết một cái gì đó cho xả hết những suy nghĩ u uẩn trong đầu, nhưng mấy ngày qua tôi cảm thấy mình chưa đủ thấu đáo để có thể viết được một cái gì cho ra hồn. Ngay cả khi đang gõ những dòng này, tôi cũng không chắc là nó sẽ ra hồn, nên tôi đặt cho cái loạt bài mà tôi sẽ viết 1 cái tựa chung là "nhiều chuyện". Tôi vốn là kẻ nhiều chuyện mà.


Nếu như Trung Quốc thực sự muốn làm một phép thử đối với Việt Nam thì sự thật là họ đã thành công. Hành động khiêu khích của họ ngày 26.5 vừa qua là một cuộc sát hạch về lòng yêu nước của người Việt Nam. Đó là khi vấn đề được đẩy đến tận cùng và mỗi người chúng ta đều tự đặt ra câu hỏi về lòng yêu nước cho bản thân mình.




Đại ngôn về lòng yêu nước


Tôi chắc là từ khi tôi phát tán cái tin kêu gọi biểu tình và sau đó là liên tục những phát biểu khác của tôi trên Facebook và một diễn đàn sinh viên, nhiều người đã đánh giá tôi là một kẻ đại ngôn về lòng yêu nước. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận ra điều đó vì tôi đã nói về lòng yêu nước một cách tự nhiên như hơi thở mà chẳng cần nghĩ ngợi 1 giây nào về việc chau chuốt câu từ. Thế sau rồi tôi cũng nghĩ ra, à, ở cái đất nước mà bản thân cụm từ "lòng yêu nước" thường chỉ được nhắc đến trong sách giáo khoa, những tài liệu cổ động hay bài phát biểu của các quan chức cỡ lớn, thì bất cứ ai nói đến nó cũng đều sẽ là đại ngôn cả mà thôi. Nghĩ ra nguyên nhân rồi thì tôi cũng chẳng bận lòng về nó làm gì nữa.


Đứng trước vận mệnh của đất nước, mỗi người đã lựa chọn cho mình một cách xử sự. Có người coi im lặng là sự bảo đảm bằng vàng cho sự an toàn của mình. Có người lớn tiếng phản đối trên các diễn đàn mạng. Có người kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Có người thay avatar. Có người kêu gọi và đi biểu tình. Có người viết những bài phân tích, như một cậu em tôi viết bài về những quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.


Hay như cô bạn thân của tôi, chẳng phát biểu lời nào đao to búa lớn như tôi, nhưng lại tâm sự với tôi những trăn trở về việc làm thế nào để người Trung Quốc hiểu chúng ta hơn, hai dân tộc xích lại gần nhau hơn và cô có hẳn 1 ý tưởng thực hiện videoclip để thỏa mãn trăn trở ấy.


Hay có những người lựa chọn những cách xử sự khác mà tôi không biết.


Tất cả những lựa chọn ấy đều có những lý do của nó và dường như ai cũng có lý. Tôi hiểu rất rõ gánh nặng sợ hãi mà dân tộc chúng ta đang mang trên vai. Mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình lại vốn là bản năng cốt lõi của con người. Và trên hết, mỗi người yêu nước đều có cách riêng để thể hiện lòng yêu nước của mình. Tôi không dám và hoàn toàn không đủ tư cách để phán xét về những lựa chọn ấy. Ai biết đâu được đằng sau cái sự im lặng của nhiều người, họ đang âm thầm hi sinh và làm những điều vĩ đại cho đất nước này thì sao? Mà cũng chẳng cần thiết phải đặt ra câu hỏi đó, bởi tôi tin chắc ở đâu đó có những con người đang âm thầm hi sinh như vậy.


Cô bạn tôi nói một câu rất đúng: đâu phải cứ hét toáng lên thì mới là yêu nước đâu. Điều tối thiểu chúng ta phải làm là tôn trọng những người xung quanh ta.


Những điều làm tôi đau lòng



Khi tất cả những điều trên đều dễ hiểu và dễ chấp nhận, thì lại có những điều làm tôi thực sự đau lòng.


Có những người phát biểu rằng những kẻ đi biểu tình chẳng qua là những kẻ to mồm, chỉ biết kêu ca chứ chẳng làm được cái gì thiết thực để giải quyết chuyện này. Họ cho rằng yêu nước thì phải như họ, đó là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là ngồi xem bà Nguyễn Phương Nga đáp trả sắc sảo các luận điệu của bà Khương Du, là quyên tiền giúp đỡ các chiến sĩ, là đi hiến máu, là phát triển kinh tế để làm đất nước giàu mạnh,... Rồi họ phê phán chúng tôi là đi theo lời kêu gọi của bọn phản động, có ăn học mà xử sự như thế à, lập trường chính trị như thế à?


Lúc đó tôi trộm nghĩ, chẳng nhẽ cứ đi biểu tình là không tin tưởng Đảng và Nhà nước hay sao? Cứ đi biểu tình là không quyên góp được tiền, không hiến được máu, không làm cho đất nước giàu mạnh được hay sao? Và họ lấy đâu ra cơ sở để cho rằng lựa chọn của họ là "yêu nước hơn" sự lựa chọn của chúng tôi?


Có người mỉa mai hỏi tôi rằng: sau tất cả những cuộc tuần hành này, các bạn làm được cái gì cho đời? Lúc đó tôi nghĩ, cuộc tuần hành và những gì chúng tôi làm được cho đời sau đó thì có liên quan gì đến nhau không? Tôi hỏi họ đã làm được gì cho đời chưa, thì một người bảo thà họ ngồi xem TV còn hơn, còn một người bảo là họ đã đi hiến máu vào ngày 5.6 rồi. Tôi không biết nên cười hay nên khóc khi đọc những câu trả lời này.


Tôi biết chắc có nhiều người nhếch mép cười khẩy vào đoàn biểu tình và ở đâu đó họ công khai mỉa mai chúng tôi, ngay từ khi cuộc biểu tình chưa diễn ra.


Còn có một điều nữa khiến tôi ghê tởm, nhưng có lẽ không tiện nói ở đây.


Chưa bàn đến chuyện đi biểu tình là đúng hay sai, tôi chỉ đau lòng vì cách những người đó tiếp cận vấn đề.


Một là, trong khi chúng tôi đi biểu tình, chẳng có ai mảy may so sánh việc chúng tôi làm với việc họ làm, thì họ lại công khai mỉa mai chúng tôi. Chúng tôi đã tôn trọng cách ứng xử mà họ đã lựa chọn, tôn trọng cách họ thể hiện lòng yêu nước, tại sao họ không dành điều tương tự cho chúng tôi?


Hai là, trong khi cả dân tộc cần đoàn kết để chống lại thế lực ngoại bang đang âm mưu giày xéo đất nước, thì họ lại làm cái việc ngược lại là chia rẽ sự đoàn kết ấy bằng việc đề cao cái Tôi của họ và hạ thấp việc làm của người khác, ngôn ngữ bình dân người ta gọi là "dìm hàng".


Chúng tôi chấp nhận rước lấy những hiểm nguy cho bản thân mình, bỏ một buổi sáng đi bộ đến kiệt sức để xuống đường nói lên tiếng nói yêu nước, chẳng nhẽ để nhận về những lời mỉa mai như vậy hay sao?


Chúng tôi có phán xét lòng yêu nước của ai đâu, sao các bạn lại phán xét chúng tôi?


Nhiều chuyện 2: Tại sao tôi đi biểu tình?


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"