Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Những dòng chữ lấy nước mắt

Sáng nay đọc được hai blog cảm động, nên xin phép post lại đây để làm kỷ niệm, chứ lỡ mai mốt blog của người ta bị đóng thì hết chỗ để đọc :-). Nếu tuổi trẻ VN được nuôi dưỡng bằng những tâm hồn của những người mẹ, người chị thế này thì nước VN sẽ không sợ bị mất đi.


Mẹ không muốn con đi biểu tình
Phan yêu
Mẹ vốn không định cho con đi biểu tình với mẹ hôm nay. Người đàn ông chân (vẫn còn) ngắn của mẹ mới 3 tuổi rưỡi, mẹ chỉ muốn đưa con đến những nơi như công viên Thống Nhất (để con chơi cưỡi ngựa đu quay), hay công viên Yoyogi (để con nhặt cánh hoa anh đào chơi và ấp lên đôi má non tơ của con). Cho đến giờ, mẹ vẫn cố bảo vệ tâm hồn nhạy cảm của con khỏi tất cả những gì liên quan đến bạo lực, dù chỉ là hình ảnh một khẩu súng trong phim hoạt hình.
Biểu tình (dù ôn hòa) ở VN vẫn là một việc mạo hiểm ở nhiều cấp độ. Và ngay cả khi không có gì nghiêm trọng xảy ra, thì mẹ cũng không muốn con phải nhìn thấy mẹ và những người biểu tình bị bao vây, xua đuổi, xô đẩy, bởi rừng các chú công an, cảnh sát cơ động với súng ống, dùi cui (Các chú trông lại đáng sợ, chẳng hề giống hình các chú cảnh sát trên áp phích mình vẫn thấy, hic). 
Khi mình sống ở Nhật, con từng hỏi "Chú cảnh sát đi trên đường làm gì hả mẹ". Mẹ đã nói, việc của chú cảnh sát là bảo vệ mọi người, trong đó có mẹ con mình, và bắt bọn xấu.  Thế là con bảo: "Mẹ ơi con rất là yêu các chú cảnh sát", cũng hồn nhiên như khi con nói "con rất là yêu" ông, bà, bố, mẹ, yêu cây, chim và sư tử. Nếu mẹ cho con đi biểu tình hôm nay, mẹ sẽ phải giải thích cho con rằng không phải tất cả những con người/ hành động bị các chú cảnh sát trấn áp đều là xấu. Mẹ muốn nói điều đó với con muộn hơn một chút, khi tâm hồn chỉ có tình thương yêu của con hiểu được rằng không phải lúc nào những người xung quanh cũng đáp trả con bằng tình thương yêu, và một số ngoại lệ phi lý vẫn xảy ra thường xuyên. 
Mẹ còn không muốn cho con đi biểu tình với mẹ hôm nay, vì biểu tình cũng có nghĩa là nói lên chính kiến của mình, và con không nên tham gia chỉ vì người khác (dù người khác đó là mẹ) tham gia. 
Vì vậy, tối hôm qua mẹ đã bảo con: "Sáng mai con sang ông bà chơi, mẹ đi biểu tình chống Trung Quốc". Mặc dù rất háo hức sang nhà ông bà vì sẽ được chơi xếp hình, tô màu với chị Dĩn và em Tôm, nhưng con vẫn hỏi: "Biểu tìn là gì hả mẹ? Tại sao mẹ lại biểu tìn chống Trung Quốc hả mẹ?".
Thế là mẹ lấy bản đồ ra, chỉ cho con hình nước Việt của mình và bảo: "Trung Quốc lấy mất đất của nước Việt mình, làm người Việt mình đau. Trung Quốc to hơn mình, nhưng Trung Quốc sai thì mình vẫn phải phản đối. Mẹ đi biểu tình để cùng các bác các cô khác nói lên điều đó". 
Con bảo: "Trung Quốc xấu quá, hư quá mẹ nhỉ. Mình không chơi với Trung Quốc nữa, mình cho cá mập cắn chết Trung Quốc luôn". "Ôi, không nên bạo lực như thế con ạ. Mình chỉ đi biểu tình hòa bình thôi, mình không bạo lực". Con nghĩ một lát rồi bảo: "Con muốn đi biểu tìn với mẹ cơ"! "Con không muốn chơi với chị Dĩn và em Tôm à? Đi biểu tình sẽ rất mệt và có thể nguy hiểm như động vào dao, đồ điện vậy". "Thế hả mẹ? Nhưng con cứ muốn đi biểu tìn với mẹ cơ".
Sáng nay con gọi mẹ dậy, con không chịu ăn sáng vì muốn đi "biểu tìn" ngay. Nhưng không được, con trai ạ. Trước khi thực hiện nghĩa vụ công dân, mình phải làm tốt nghĩa vụ cá nhân của mình đã. Mẹ phải cho con ăn sáng, và con phải ăn ngoan. 
Tham dự biểu tình hôm nay mệt hơn mẹ tưởng. Trời nắng đến 36, 37 độ, oi bức kinh người. 2 mẹ con lếch thếch tìm chỗ gửi xe (khá xa chỗ biểu tình), nhập được vào đoàn rồi thì lại phải chạy lòng vòng qua bao tuyến phố. Các chú cảnh sát cứ thích lùa người biểu tình vào những đường nắng ong đầu nhất để các chú cũng phải nhễ nhại mồ hôi đuổi theo là sao? Trời nóng, người đông, mẹ phải lúc thì bế, lúc thì cõng con cho an toàn. Tối qua giày đế bằng của mẹ bị hỏng, thế là mẹ phải đi giày cao gót. Mẹ không có mũ, con chẳng có cờ, biểu ngữ... 2 mẹ con mình trông không "chuyên nghiệp" lắm nhỉ. Thế nhưng mẹ con mình đã thực hiện được một cuộc đi bộ dài hơn 3 tiếng đồng hồ dưới trời nắng gắt cùng các bác, các cô, các chú biểu tình "xịn". 
Cảm ơn chú Dino đã tạm xa cái máy ảnh để cõng con một đoạn đường. Cảm ơn cô Codet đã giúp mẹ chăm sóc con. Cảm ơn cô chú không đi biểu tình nhưng đã tặng con chai nước mát ở đường Phùng Hưng. Cảm ơn các cô, chú, các bác mà mẹ con mình không biết tên đã cho con uống nước khi con khát, cho con quạt giấy khi con nóng, và mỉm cười với mẹ con mình. Cảm ơn gần nghìn người ở Hà Nội, khoảng 2000 người ở Sài Gòn hôm nay đã xuống đường biểu tình, tay giơ cao biểu ngữ và cờ Tổ Quốc, cùng hô khẩu hiệu, hát quốc ca..., bất chấp những rắc rối và hiểm nguy họ có thể gặp phải. Cảm ơn các chú cơ động đã lấy dùi cui đẩy mẹ con mình (theo nhiệm vụ) nhưng lại giữ tay mẹ để mẹ con mình không bị ngã (theo phản ứng tự nhiên của một con người). 
Hôm nay chú Tie Suc bảo mẹ: "Năm 2007 cô này đi biểu tình một mình, năm nay có zai đi cùng nhé!". Khi mẹ đi biểu tình năm 2007, mẹ mới sinh con được một vài tuần, cuống rốn con còn chưa rụng. Còn năm nay, con đã là một người đàn ông cao 1m05, con đã thấy cậy to mà ức hiếp, ăn cướp của người khác là xấu. Và con đã tự quyết định đi biểu tình với mẹ, đã là một trong những người cuối cùng rời đoàn biểu tình chứ không khóc đòi về giữa chừng dù có lẽ con rất mệt, như mẹ vẫn nói với con: "Đã làm, thì làm đến cùng, khó thì phải cố đến khi không cố được nữa".  Mẹ tôn trọng và tự hào về người đàn ông chân (vẫn còn) ngắn của mẹ quá! 
Suốt buổi biểu tình hôm nay con nói rất ít. Có lẽ con mệt, có thể đám đông, những nắm tay vung lên, những dùi cui, súng ống... mọi điều quá mới và làm con chấn động. Cũng có thể bộ não 3 tuổi rưỡi của con chưa thật sự hiểu những điều xảy ra quanh con ngày hôm nay, nên con chỉ muốn làm một "quan sát viên".
Nhưng sau khi ngủ trưa dậy, tự nhiên con nói: "Mẹ ơi, con sẽ không bao giờ để Trung Quốc đánh em Tôm, đánh mẹ".
Con yêu, mẹ vẫn không muốn con đi biểu tình. Mẹ hy vọng khi con lớn lên, dù sống ở Việt Nam hay nơi nào khác trên trái đất, con cũng có thể được tự do nói lên những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình và không cần phải đi biểu tình giữa thời tiết khắc nghiệt, giữa những người mang dùi cui, súng ống trấn áp. Con sẽ không bao giờ phải ngần ngại trước các loại áp lực, phải ít nhiều suy tính về sự an toàn của bản thân mỗi lần quyết định nói lên chính kiến của mình, như thế hệ của mẹ. Bởi mẹ hy vọng khi đó, xã hội sẽ tiến hóa đến mức quyền được phát biểu chính kiến của con người sẽ được coi là đương nhiên, cho dù chính kiến đó khác với mong muốn của một đám đông hay một nhóm người nào đó. 
Mẹ yêu và tôn trọng con, ngay cả khi con không nghe lời mẹ. Và nếu điều con thực sự muốn không nguy hại đến tính mạng của con và xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người khác, thì ngay cả khi mẹ không muốn, con vẫn cứ làm, con yêu nhé! 
Hà Nội, 05. 06. 2011. 
Mẹ Phương của con.

 

5-6-2011: “CÒN LẠI TÌNH YÊU”

Tôi biết đây sẽ là một bài viết rất kém của mình, bởi vì tôi không đủ khả năng để thể hiện hết những gì mình đã chứng kiến hôm qua, 5/6/2011. Tôi chỉ có thể nói, đó là một ngày nắng chói chang, vàng rực đường phố, cây lá rất xanh và màu cờ, màu áo thì rất đỏ.

Tôi đã thấy những bạn trẻ đứng dưới nắng như thế, từ 8h sáng, giơ cao cờ, những khẩu hiệu in lên giấy A4, ảnh Bác Hồ và ảnh tướng Giáp với nụ cười mạnh mẽ và quả đấm giơ lên: “Không sợ”. Tôi thấy hàng rào cảnh sát cơ động nai nịt, mũ bảo hiểm, khiên, dùi cui, đẩy các bạn lùi dần từng bước, từ dưới chân tượng Lenin, bật dần khỏi vườn hoa, ra vỉa hè và xuống lòng đường. Có những dân phòng trẻ, xô đẩy rất hung hãn. Có những dân phòng già hơn thì ôn tồn đạo mạo: “Được rồi, được rồi, ghi nhận. Thế thôi, xong. Về, về đi”, hệt như nói với trẻ nít. Ngay cả trong những phút ấy, tôi vẫn nghe các bạn nhắc nhau: “Đừng chửi, đừng nổi nóng”, “hết sức giữ bình tĩnh”, “ôn hòa anh em ơi”… Hàng người cứ bị đẩy lùi từng bước một, mặc cho các bạn trần tình: “Chúng em có làm gì đâu?”, “Các anh giăng dây đi vậy, cho cái ranh giới để chúng em biết chỗ mà đứng”.

Tôi thấy một dân phòng trẻ tuổi, gần như chỉ chờ lệnh ban ra là lấy hơi, giơ hai tay xông tới, sấn sổ đẩy các bạn cùng trang lứa với mình lại. Nhưng tôi cũng tin rằng, ngoài một số ít vị nhiệt tình quá mức đó, các nhân viên an ninh, cảnh sát cơ động, dân phòng… đều không chủ trương “chơi rắn”, vì nếu không, sẽ không có chuyện các phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia được tự do cứ việc mướt mồ hôi mà bấm máy tanh tách thế kia.

Và rồi đoàn người ấy xuống đường, rùng rùng bước đi.

Qua những con phố đông đúc, chật chội của thủ đô. Qua những cửa hàng hào nhoáng và những quán ăn vỉa hè nhếch nhác. Qua những hàng xà cừ xanh, bằng lăng tím và phượng đỏ. Qua một ngã tư, nơi vài người đi xe máy dừng chờ đèn đỏ đã vỗ tay hưởng ứng đoàn ra mặt. Tôi đã nghe các bạn nhắc nhau “đi gọn lại”, “chậm thôi”, “đừng giẫm lên cỏ”, “đi lên vỉa hè”. Các bạn hát Quốc ca, Nối vòng tay lớn, Dậy mà đi, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Rồi đọc vang “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” phiên âm Hán-Việt – đành vậy, vì có tới ít nhất hai bản dịch tiếng Việt. Nhưng tiếng hét đến lạc cả giọng “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!” của các bạn, ai có thể xem thường?

Những chiếc xe cảnh sát vẫn áp sát, tiếng loa văng vẳng: “Các lực lượng đi bộ không đi xuống lòng đường. Các phương tiện giao thông tiếp tục di chuyển, không dừng lại, không đi lên vỉa hè”. Tôi mỉm cười, vì thật ra chính vào lúc đó, chúng tôi rất có cảm giác như mình đang được bảo vệ, giá các anh ấy gọi thẳng ra là “đoàn biểu tình” có phải hay hơn dùng cụm từ “các lực lượng đi bộ” không? Một bạn trẻ bỗng “nhân thể” hô lên: “Phản đối Trung Quốc xâm lược. Phản đối công an đi ngược chiều”. Ai cũng cười. Tôi thấy anh công an trẻ, rất đẹp trai, rảo bước song song với đoàn, quay đi cười rung rung vai.

Tôi biết tôi viết kém, vì ngay đến cái tựa đề, tôi cũng phải mượn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cũng vì tôi thích vở kịch “Còn Lại Tình Yêu” của ông, viết về người anh hùng Nguyễn Thái Học. Nhà văn viết rằng, con người làm cách mạng bất thành ấy, trước khi chết đã nói thế này: “Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm. Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái ấy gọi là chính trị đấy”. Chính trị, theo ý nghĩa đó, thật tốt đẹp thay vì là cái gì xấu xa, đáng sợ như người ta vẫn đang cố gắng làm cho thế hệ trẻ ở nước mình nghĩ. Chính trị, đơn giản như một sinh viên kinh tế đã nói với tôi, đó là vấn đề tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người (lưu ý là tạo cơ hội bình đẳng chứ không tạo sự bình đẳng), bảo vệ người tốt và chống lại cái xấu, bảo vệ người yếu và chống lại kẻ bạo ngược.

Cuối cùng thì điều đọng lại sau cuộc biểu tình bị cho là “không tồn tại” kia, là gì? Đó là tình yêu.

Và tôi thấy một bạn trẻ, rất trẻ, có lẽ tôi nên gọi là em. Em cầm cuốn sổ tay, mở rộng, trên trang bìa lót của quyển sổ có hình tấm bản đồ nước CHXHCN Việt Nam, mà em đã dùng bút dạ đỏ khoanh hai trái tim vào quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Em đi hàng đầu, tay giơ cao quyển sổ mở, thiêng liêng như đang nâng lá cờ Tổ quốc. Em cứ đi như thế, rất lâu, dưới nắng hè gay gắt làm ai cũng phải nheo mắt lại. Người em gầy, mắt em cận, mặt em nhợt nhạt và nhễ nhại mồ hôi.

Tôi đi lùi lại, tụt xuống cuối đoàn, bởi vì tôi không muốn ai nhìn thấy tôi trào nước mắt.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"