Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Những bài báo cũ mà người dân VN bây giờ mới biết?

Bài thứ Nhất (chỉ vì bài báo này tác giả đã bị 4 năm tù giam và 3 năm quản thúc). 10 năm trước tác giả viết bài báo thì bị tù, 10 năm sau TC tấn công lãnh hải, giết ngư dân không ai biết ai hay, chỉ đến khi động vào quyền lợi của của các tổng công ty dầu khí (hẳn là của con ông cháu cha) thì mới được phanh phui tí ti.  Thử hỏi nếu ngày nay tuổi trẻ VN vẫn chẳng làm gì hay bị ngăn cấm không làm gì thì tương lai sẽ ra sao cho đất nước VN?
Tóm lại chả ra làm sao cả, vì tất cả đã thuộc về Bắc Triều, yên chí nhé, nhà nước đã lo mọi sự ổn thoả hết, TC đâu chả thấy chỉ thấy an ninh VN ở ngoài ngõ :-)

Hãy cảnh giác với Bắc Triều

Thứ tư, ngày 5/9/2001, ngày đầu thu, trời nắng nhẹ, không khí dịu mát như thể ủng hộ học sinh trong ngày khai giảng năm học mới . Từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, từng đoàn xe đặc chủng, ô tô, mô tô, nối đuôi nhau toả về từng ngóc ngách của thành phố trong một chiến dịch vây bắt những người dân chủ tại Hà Nội, chỉ vì họ dám xin thành lập "Hội Nhân Dân Việt Nam ủng Hộ Đảng và Nhà Nước Chống Tham Nhũng".
Hội do hai ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê xin thành lập, ngày 2/9/2001. 6h30' sáng, tốp công an đầu tiên ập vào nhà Đại tá Phạm Quế Dương, khi ông còn chưa ngủ dậy. Họ áp giải ông đi lên đồn công an. Họ còn cho ém khoảng mười công an tại nhà để phục tất cả những người đến chơi nhà ông. Hôm đó 8h15', ông Trần Khuê và bạn ông là bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng chung số phận. Sau đó họ trục xuất về thành phố Hồ Chí Minh. 9h30,' Nguyễn Vũ Bình từ nhà tôi đến chơi nhà ông Chính cũng bị triệu tập lên đồn. 14h20 chiều cùng ngày đến lượt tôi cũng vinh dự được xe đặc chủng của công an ghé tận cổng đưa lên công an quận Đống Đa. Tất cả những người trên trong giấy triệu tập của công an đều ghi rõ: "Hỏi việc có hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia".

Cả thảy những người bị triệu tập và được mời lên công an để làm việc trong ngày hôm đó, và những ngày tiếp theo là khoảng 20 người . Những người được mời là người thân trong gia đình hoặc bạn bè đến thăm những người có tên nêu trên. Họ được mời dưới hình thức công an viết giấy ngay tại chỗ, hoặc đến tận nhà, và nếu không đi thì lập tức họ bị áp giải ngay. Cũng trong ngày hôm đó, điện thoại nhà các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Nguyễn Đắc Kính, Trần Dũng Tiến và Nguyễn Vũ Bình bị cắt. Điện thoại nhà ông Phạm Quế Dương bị cắt trước hàng tháng, khiếu nại không ai trả lời.
Ngày 5/9 được gọi là ngày thứ tư đỏ. Tại sao cơ quan công an lại phải huy động một chiến dịch rộng lớn nhất từ trước đến nay để câu lưu những người chủ trương thành lập và tham gia "Hội chống tham nhũng". Việc làm này, trước tiên xét dưới góc độ pháp lý, thì đây là việc làm trắng trợn vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là: Xâm phạm quyền tự do lập hội của công dân, theo điều 69 của Hiến pháp, điều 123 và 129 của bộ Luật Hình Sự (Tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân). Và cũng là việc làm vi phạm Công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết ngày 24/9/1982.
Nếu chống tham nhũng là hợp ý Đảng, lòng dân, đúng chủ trương của Đảng và Nhà Nước, thì tại sao cơ quan công an lại cho câu lưu họ? Hay là vì những người này là những người dân chủ tiến bộ, đã có nhiều bài viết công khai góp ý, phê phán nhiều đường lối sai lầm của Đảng và Nhà Nước, mà bị công an cho là bọn "diễn biến hoà bình" nên đã liệt kê họ trong sổ đen..!
Tại sao xin thành lập Hội để "giúp Đảng và Nhà Nước chống tham nhũng" và "không hoạt động chính trị" mà lại bị công an đàn áp dữ dội như vậy? Xin hãy nghe ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang trả lời phỏng vấn đài RFI hôm 10/9 ta sẽ thấy rõ:
Thứ nhất: Đây là việc làm của những lực lượng bảo thủ trong nội bộ Đảng muốn dằn mặt tân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, và những gương mặt trẻ trung sáng suốt và tiến bộ trong Bộ Chính trị là chớ có tìm cách thoát ra khỏi ảnh hưởng của họ.

Thứ hai: Việc làm này nhằm phá hoại Hiệp định thương mại Việt-Mỹ, phá hoại quan hệ Việt-Mỹ và làm xấu mặt Việt Nam trên trường quốc tế để thế giới tẩy chay Việt Nam hòng làm Việt Nam chui vào ống tay áo của Trung Quốc.
Thứ ba: Những người chủ trương thành lập Hội chống tham nhũng hơi ngây thơ khi xin thành lập Hội . Vì chống tham nhũng là chống ai ? Là chống lại những kẻ lợi dụng Đảng để tham nhũng và vơ vét. Là chống lại họ, làm quyền lực của họ có thể bị lung lay nên họ phải ra tay một cách hoảng hốt. Đảng kêu gọi chống tham nhũng là để mỵ dân thôi, một khi, có một tổ chức thực sự muốn chống tham nhũng, thì họ sẽ đàn áp ngay.
Những nhận xét, phân tích trên của Tiến sĩ Thanh Giang là chính xác. Riêng đối với luận thuyết thứ hai theo suy đoán của tôi là có một thế lực đen tối đứng đằng sau chỉ đạo và giật giây, đó là chính quyền Bắc Kinh. Họ đang chỉ huy các thế lực tay sai được cài sâu trong nội bộ Đảng, nhằm không chỉ phá hoại quan hệ Việt-Mỹ mà còn là cản trở sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, làm chúng ta khủng hoảng trầm trọng, phá sản về kinh tế, từ đấy Trung Quốc dễ bề nô dịch rồi thôn tính Việt Nam.
Những mưu mô của Trung Quốc
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam chủ yếu gắn liền với công cuộc chống xâm lăng và mưu đồ đồng hoá của Bắc Triều.
Từ hàng nghìn đời nay, không một thế kỷ nào, không một triều đại nào mà Trung Quốc không tìm cách đô hộ Việt Nam. Ngay cả khi mà tình đoàn kết tưởng như keo sơn nhất, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách thức để làm suy yếu nhằm mục đích thôn tính Việt Nam. Như chúng ta đã biết. Hiệp đinh Giơnevơ làm chia cắt hai miền Nam - Bắc, 1954, là do Chu Ân Lai và Dalles thông đồng với nhau cùng xúi Việt Nam và Pháp ký. Sau đó Trung Quốc lại xúi ta mang quân đội vào Nam, gây nên cuộc nội chiến Nam - Bắc. Họ viện trợ từng viên đạn, gói lương khô, từng bộ quần áo cho ta để anh em một nhà đánh lẫn nhau, trong khi đó họ thu hồi Hồng Công, Ma Cao họ lại không tốn một viên đạn.
Nhân lúc anh em một nhà đánh nhau, lợi dụng lúc miền Nam sơ hở họ chiếm quần đảo Hoàng Sa, tháng 1/1973. Năm 1975, khi quân đội miền Bắc đánh gần đến Sài Gòn thì tại Anh quốc một vị Đại sứ Trung Quốc có đến gặp Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà là Vương Văn Bắc hỏi rằng:
"Có cần chúng tôi đưa Chí nguyện quân sang đánh Hà Nội để giúp Việt Nam Cộng Hòa không?" (Hồi ký của Vương Văn Bắc (Từ toà Bạch Ôc đến dinh Độc Lập). Tại Cămbốt sau năm 1975 họ xúi Khơme đỏ tàn sát đồng bào mình để một ngày nào đó họ đưa người Trung Quốc sang chiếm Cămbốt. Năm 1978, một quan chức ngoại giao Trung Quốc đã có lời ngỏ ý muốn mở con đường từ Trung Quốc qua Việt Nam sang Cămbốt chính là ý đồ đó. Việc này không thực hiện được khi ngày 15/1/1979, quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng Nômpênh.
Trong cơn tức tối, ngày 17/2/1979, Trung Quốc mang quân xâm lược nước ta tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Rất may cho ta lúc đó ta được dư luận thế thế giới ủng hộ, và nhất là Liên Xô . Ông Brêgiơnhép tuyên bố "Nhà cầm quyền Trung Quốc hãy dừng tay lại nếu còn chưa muộn". Không thực hiện được ý đồ trên bộ, năm 1983, lợi dụng lúc ta suy yếu Trung Quốc cho Hải quân chiếm một phần quần đảo Trường Sa. Cũng từ đó quan hệ Việt Nam và Trung Quốc xấu đi. Đến năm 1991, khi hai nước bình thường hoá quan hệ thì cũng là lúc Trung Quốc chuyển sang ý đồ thôn tính Việt Nam bằng kinh tế.
Lịch sử từ xa xưa hễ cứ lúc nào các triều đại phong kiến Việt Nam yếu là lúc Phương Bắc nhân cơ hội đó xâm chiếm nước ta. Nhưng những lúc đó bao giờ dân tộc ta cũng xuất hiện những anh hùng dân tộc, phất cao ngọn cờ khởi nghĩa, cùng toàn thể dân tộc đánh đuổi ngoại xâm thu hồi non sông về một cõi. Tên tuổi của họ sáng mãi ngọn lửa tranh đấu giải phóng dân tộc. Các triều đại phong kiến của ta chưa bao giờ ta phải mất một tấc đất nào cho Trung Quốc. Ngay cả những kẻ hèn nhát như Mạc Đăng Dung quỳ gối xin hàng, hay Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà cũng chưa dám dâng đất cho Trung Quốc. Thế mà giờ đây, khi cộng đồng nhân loại đã văn minh hơn "cá lớn không thể nuốt cá bé" dễ dàng như xưa thì ai đó lại cam tâm cúi đầu xin dâng phần lãnh thổ, lãnh hải cho Trung Quốc để mong bán đất cầu vinh, mong sự bảo trợ cho quyền lãnh đạo độc tôn của minh.
Tháng 12/1999 Việt Nam và Trung Quốc thông qua Hiệp định biên giới trên bộ và tháng 12/2000 thông qua Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, làm thiệt hại cho nước ta khoảng 720 km2 trên bộ và 10% diện tích Vịnh Bắc Bộ. Những diện tích ta bị mất tại Vịnh Bắc Bộ, đều là những khu vực giầu tài nguyên hải sản, khí đốt và dầu mỏ. Xưa kia họ Mạc, họ Lê đã bị lịch sử lên án thì giờ đây những kẻ đang bán nước, cầu vinh lại đang được tung hô như những anh hùng dân tộc.
Từ khi Liên Bang Xô Viết tan rã và giải thể, nước Nga suy yếu vì lâm vào khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc tỏ rõ với thế giới muốn thay thế vị trí siêu cường của Nga trước đây để trở thành cực kia của thế giới và sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Về ngoại giao: Gây sức ép với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới để buộc họ phải công nhận Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Liên minh và viện trợ cho các nước thế giới thứ 3 để gây ảnh hưởng với các nước này. Đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển nhất là những nước không có quan hệ thân thiện với Mỹ. Liên minh với các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, bằng Hiệp ước Mậu dịch tự do Thượng Hải. Đầu tư hơn 200 triệu USD vào Cămbốt; Nam Á và Tây Á như Lào, Cămbốt, Nê Pan, Miến Điện.
Trong một năm trở lại đây, tất cả các nhân vật hàng đầu của Trung Quốc như: Giang Trạch Dân, Trì Hạo Điền, Thạch Quảng Sinh, Lý Bằng đều đã đến thăm Cămbốt. Về quân sự: Tăng cường khả năng quốc phòng, bằng việc hiện đại hoá lực lượng tên lửa hạt nhân. Phóng vệ tinh nhân tạo phục vụ mục đích do thám. Tự đóng tàu sân bay, tăng số lượng tầu ngầm hạt nhân, hiện đại hoá Hải quân, Không quân, và các hệ thống thông tin liên lạc phục vụ quân đội. Cấm bay tại eo biển Đài Loan. Củng cố và xây dựng các căn cứ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm của Việt Nam, và thường xuyên cho tập trận tại khu vực này.
Trong năm 2001, Trung Quốc liên tục xâm phạm vào khu vực lãnh hải của Philipine và Nhật Bản. Và gần đây nhất Trung Quốc đã cho hạ thuỷ tại Biển Đông 20 tầu tuần tiễu, nhằm bảo vệ những khu vực mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam. Về kinh tế: Đến nay sau 15 năm đấu tranh, tháng 11/2001, Trung Quốc sẽ là thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới, nó sẽ gây tác động to lớn đối với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, cũng gần giống với Trung Quốc. Với trình độ công nghệ còn thấp, hàm lượng công nghệ chưa cao, chủ yếu là các mặt hàng tập trung nhiều lao động, như nông sản, giầy dép, dệt may đang là những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt và mang tính chiến lược của Việt Nam. Thị trường tiêu thụ những mặt hàng này là Nhật Bản, EU và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên đây là một trong những mảng mạnh của hàng xuất khẩu Trung Quốc.
Sau khi gia nhập tổ chức WTO, với những lợi thế được ưu đãi về thuế quan, được bình đẳng trong giải quyết tranh chấp thương mại chắc chắn hàng hoá Trung Quốc với giá rẻ hơn nhiều lần sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh, dễ đánh bật sản phẩm cùng chủng loại của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Dự tính kim ngạch trao đổi thương mại của Trung Quốc sẽ tăng mạnh từ 324 tỷ USD năm 1998 lên 600 tỷ USD năm 2005. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phải mở cửa thị trường với các thành viên của WTO. Hàng rào thuế quan được nới lỏng, hàng nông sản của các nước phát triển với giá thành hạ, chất lượng cao sẽ tràn vào Trung Quốc, tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với hàng nông sản của Việt Nam.
Về vốn đầu tư nước ngoài: Trung Quốc sẽ cải tổ cơ cấu và cải tiến các thể chế tài chính cho phù hợp với quy định của WTO. Phải nới lỏng các quy chế đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, môi trường đầu tư sẽ được cải thiện, ngày càng hấp dẫn và có tính cạnh tranh hơn. Như vậy các dòng vốn quốc tế sẽ chuyển mạnh sang Trung Quốc, thay vì Việt Nam và các nước khác. Dự tính vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ tăng từ 45 tỷ USD năm 1998 lên 100 tỷ USD năm 2005. Các thống kê về đầu tư quốc tế cho thấy, riêng lượng vốn FDI do các nước phát triển đầu tư vào nhau đã nhiều hơn có nghĩa là cơ hội cho Việt Nam ta sẽ ít đi. Đầu tư vào Việt Nam giảm liên tục trong năm nay cũng vì lý do đó. Khủng hoảng kinh tế tại Đài Loan và Singapo, Ma Lai, Hàn Quốc hiện nay là bởi các nguồn vốn ồ ạt chảy vào Trung Quốc và hàng hoá của Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh với hàng hoá của hai nước trên.
Một vài dự báo
Theo dự đoán của Ngân hàng thế giới WB đến năm 2010 Trung Quốc sẽ nuốt hết thặng dư nông nghiệp của toàn Châu Âu. Bởi vậy mục tiêu có tính chiến lược và trước mắt của Trung Quốc là tiến xuống và làm suy yếu các nước ở phía Nam trong số đó có Việt Nam. Việc xâm lấn hai quần đảo của Việt Nam cũng là không ngoài mục đích đó. Năm 1997, đầu tư vào Đông Nam á của Trung Quốc chỉ chiếm 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài đến nay đầu tư vào khu vực này của Trung Quốc đã chiếm 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam trong con mắt của Trung Quốc là một miếng mồi ngon có vị trí chiến lược về địa lý, chính trị, lại là miếng mồi dễ nuốt nhất vì được sự hậu thuẫn của các thế lực đen tối, bảo thủ và tay sai luồn sâu leo cao trong bộ máy Nhà Nước.
Theo dự tính của tôi, nếu Việt Nam không gia nhập được WTO vào năm 2006 tức là năm Hiệp định AFTA có hiệu lực thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phá sản, bởi những lý do sau:
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong mấy năm qua liên tục giảm, vì do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước trong khu vực. Trung Quốc lại không nằm trong nhóm các nước này nên Trung Quốc không bị ảnh hưởng. Trung Quốc sẽ gia nhập WTO vào tháng 11 này, nên đã thu hút nhiều nguồn vốn hơn.
Do sự mất giá của các đồng tiền của các nước trong khu vực, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng xuất khẩu của các nước đó với Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế bong bóng với những chỉ số giá hàng tiêu dùng liên tục giảm (thiểu phát gia tăng vì cung đã vượt quá cầu), báo hiệu một nền kinh tế đang bị chững lại, cái bong bóng có thể vỡ bất cứ lúc nào . Bởi bất cứ một nền kinh tế nào, có lạm phát thì mới có phát triển (lạm phát ở đây là mức lạm phát thấp, và có kiểm soát được, nó báo hiệu chỉ số cung không đủ cầu).
Nông sản, càfê, gạo, hoa quả xuất khẩu mấy năm nay bị rớt giá liên tục, thậm chí ta phải chặt bỏ 185 nghìn ha càfê. Thử dạo qua hàng hoá tại thị trường Việt Nam ta sẽ thấy rõ, hàng hoá Trung Quốc, hoặc của Trung Quốc giả nhãn hiệu của các nước khác chiếm 60-70% tại thị trường Việt Nam từ các đồ gia dụng đến các máy móc công nghiệp. Xe máy Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Văn hoá, phim ảnh Trung Quốc được quảng cáo không công trên các phương tiện thông tin đại chúng từ sáng đến tối.

Đến năm 2006, Hiệp định AFTA có hiệu lực, hàng hoá của các nước trong khu vực sẽ ùa vào Việt Nam, vì các hàng rào thuế quan đã được rỡ bỏ, sẽ đánh bật các hàng hoá của Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam. Hàng hoá của chúng ta thông thường có giá cao hơn 5% - 40% các mặt hàng cùng loại của các nước trong khu vực. Mà không chỉ hàng hoá của các nước trong khu vực, hàng hoá của các nước thứ ba, nhập cảng vào các nước ASEAN đóng gói và xuất sang Việt Nam miễn là có 40% định lượng được sản xuất tại nước đó cũng được miễn thuế hải quan. Vì đó là quy định của AFTA .
Lúc đó hàng hoá của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu được sang các nước trong khu vực, cũng như sang các nước EU. Hoặc Nhật Bản, với lý do đã nêu trên. Công nhân sẽ mất việc làm, nông dân không bán được nông sản, các khu chế suất sẽ giải thể... sinh viên ra trường sẽ thất nghiệp. Đó chính là lúc Trung Quốc nhảy vào đầu tư, mua lại các công ty, các khu chế suất, các nông trường đồn điền... toàn bộ nền kinh tế của ta sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Trong xã hội ngày nay, ai nắm quyền lực về kinh tế người đó sẽ nắm luôn quyền lực về chính trị.
Theo dự đoán của Ngân hàng thế giới đến năm 2005 lượng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ đạt 180 tỷ USD, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng khống chế được nền kinh tế nước ta. Lúc đó ta sẽ trở thành một bang hay một tỉnh của Trung Quốc. Và lực lượng đen tối này đang tìm cách cho Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam. Gần đây nhất, chúng ta được biết họ đã bật đèn xanh cho nhà thầu HISG trúng thầu sân vận động Mỹ Đình. Để mỵ dân và báo chí, họ cũng tạo ra một cuộc đấu thầu công khai nhưng tất cả chỉ là một trò hề kệch cỡm, không đánh lừa nổi ai.
Một nhà thầu không đủ tư cách pháp nhân, cũng như các thủ tục đấu thầu cần thiết, và thiết kế thì chắp vá, thay đổi đến hàng chục lần mà vẫn không đạt yêu cầu nhưng vẫn được trúng thầu mặc dù báo chí và Hội kiến trúc, Hội xây dựng đã lên tiếng phản đối. Nhưng chính ông Khải tuyên bố một câu xanh rờn: "Đấu thầu lại thì phức tạp lắm, cái nào rẻ thì cho làm". Để xoa dịu báo chí và nhân dân, Bộ Chính trị và Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã cho họp các Tổng biên tập các báo và loan rằng: "Nhà thầu HISG là một công ty của Ban Tài chính Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là sự hợp tác của hai Đảng anh em".
Một tên Mafia Trung Quốc lại trở thành đồng chí của Đảng thì cũng không có gì lạ cả, hẳn nhiều người còn nhớ những kẻ dao búa như Khánh Trắng và chủ chứa Lê Tân Cương cũng từng được giới thiệu là đồng chí rồi còn gì. Gần đây nhân chuyến thăm của Lý Bằng hôm 7/9 họ lại bật đèn xanh cho một công ty của Trung Quốc khai thác quặng nhôm ở Đắc Lắc, và nhân hội nghị của EMM3 tại Hà Nội họ tìm cách đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc bằng cách nâng kim ngạch buôn bán của hai nước lên 5 tỷ USD vào năm 2005. Và theo nhiều nguồn tin thì Trung Quốc cũng đang mon men đến dự án thuỷ điện Sơn La của Việt Nam.
Đôi khi tôi cũng nghĩ không biết có phải người ta đang ngủ mơ hay không? Khi xưa, trong cuộc chiến Quốc - Cộng, Trung Quốc đã từng lợi dụng việc giúp Việt Nam xây dựng đường xá và nhiều công trình xây dựng khác họ đã bí mật cho đào hầm bí mật chứa vũ khí để một ngày tìm cách quay lại xâm lược Việt Nam. Giờ đây lại cho Trung Quốc vào những vùng có tính nhạy cảm như Tây Nguyên hay Sơn La, thì không hiểu họ còn nghĩ gì đến an ninh quốc gia hay không?
Cách tốt nhất để cứu vãn nền kinh tế nước ta hiện nay là đưa Việt Nam sớm hội nhập vào nền kinh tế thế giới và để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là: Tổng thống Mỹ nhanh chóng thông qua Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. (Xin đưa một ví dụ: chỉ riêng lượng tôm mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hàng năm đạt 300 triệu USD) và Việt Nam sớm được gia nhập tổ chức thương mại thế giới, vì tại đó các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường buôn bán được ưu đãi với 134 quốc gia, và cơ hội đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ rộng lớn hơn. Và người Việt Nam tại hải ngoại nếu còn yêu dân tộc Việt Nam thì hãy trở về để xây dựng đất nước.
Đương nhiên chính quyền Bắc Kinh biết được những lợi ích đó nên họ luôn tìm cách phá hoại sự hội nhập của Việt Nam vào thế giới văn minh.
Chính vì những lý do đó, khi biết được Việt Nam và Mỹ đàm phán để thông qua Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Trung Quốc luôn luôn giật giây cho các lực lượng bảo thủ trong Đảng trì hoãn việc ký kết và thông qua Hiệp định, và ở trong nước họ luôn luôn giật giây cho các thế lực tay sai đàn áp những người dân chủ.
Cuộc vật lộn gay go
Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Clinton tới Việt Nam, 11/2000, trước đó, Chủ tịch Trung Quốc là Giang Trạch Dân có lời mời cấp tốc ông Trần Đức Lương sang Trung Quốc để thăm dò thái độ của Việt Nam với Mỹ. Tại đây Trung Quốc đề nghị cho Việt Nam vay 53 triệu USD, trong đó chỉ phải trả lãi 1/3. Trung Quốc còn hứa sẽ cho Việt Nam vay tiếp 300 triệu USD với lãi suất thấp (một sự tử tế bất ngờ chưa từng xảy ra). Nhưng kèm theo đó, phía Trung Quốc muốn ta ký Hiệp định Vịnh Bắc Bộ ngay sau khi Tổng thống Mỹ rời khỏi Việt Nam. Trước và sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã cho họp Tổng biên tập các báo chí và loan báo rằng phải đăng ảnh của ông Clinton nhỏ hơn ảnh của ông Giang Trạch Dân đã từng được đăng trên báo trong chuyến thăm Việt Nam trước đây.
Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ IX, một phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc đã bí mật sang Việt Nam nhằm để ủng hộ cho ông Phiêu được ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, vì họ nghĩ rằng họ Lê, là đồng minh của mình, nhưng sự việc không đơn giản như vậy:
Lê Khả Phiêu tuy là cánh tay phải của Lê Đức Anh ở Quân khu 9 và Cămbốt, nhưng trước khi được Lê Đức Anh đặt vào chiếc ghế Tổng Bí thư đó, ông Phiêu đã có thời làm trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Trong thời gian này ông Phiêu được tiếp xúc với nhiều hồ sơ mật, nên ông Phiêu đã có nhiều nhận thức về nhiều bộ mặt trong Đảng. Ông đã nhiều lần gặp tướng Trần Độ và ông Hoàng Minh Chính. Càng về thời gian cuối sau này, ông Phiêu càng bừng tỉnh và nhận thức được nhiều vấn đề. Nhất là sau khi ông bị các lực lượng tay sai giật giây để đàm phán ký các Hiệp định bán nước đã nêu trên.
Cuối cùng trong Hội nghị trù bị ông đã đi nước cờ liều. Được sự ủng hộ của cánh quân đội, cụ thể là Phạm Thanh Ngân và Phạm Văn Trà, ông đã quyết định tổ chức cuộc họp tại trong thành Hà Nội (phố Lý Nam Đế) thay vì tại Hội trường Ba Đình như các kỳ họp trước, và sử dụng Lữ đoàn 144 là lữ đoàn tinh nhuệ để bảo vệ Đại hội thay vì lực lượng cảnh vệ quốc gia của Bộ Công an như trước đây để hòng gây sức ép với phe bảo thủ và tay sai trong Đảng. Theo nhiều nguồn tin được tiết lộ từ thâm cung: Trong Hội nghị đã có lúc ông Phiêu chỉ mặt Lê Đức Anh và Đỗ Mười mà bảo rằng "Các ông bảo tôi ngu thế lúc các ông đặt tôi vào chiếc ghế này, sao các ông không bảo tôi ngu?.."
Cuộc họp diễn ra rất căng thẳng, mà không đi đến ngã ngũ. Mà cũng bởi ông Phiêu còn non gan nên không dám dùng quân đội để ra tay, nên phải mất 4 kỳ họp trù bị mới đi đến ngã ngũ. Đến những ngày cuối cùng, không hiểu sao Phạm Văn Trà lại đứng về phe bảo thủ. Mất chỗ dựa vào quân đội, ông Phiêu như hổ mất nanh vuốt, đành đi đến thoả hiệp. Như chúng ta đã thấy, các vị Cố vấn phải rút lui, ông Phiêu và ông Ngân cũng mất chức.
Ông Nông Đức Mạnh, một người thuộc phái trung dung, ôn hoà được bầu làm Tổng Bí thư một cách đầy bất ngờ. Sau Đại hội trù bị, ông Phiêu đã chỉ mặt Phạm Văn Trà mà bảo rằng: "Đồ phản bội ". Bởi thế Phạm Văn Trà vẫn còn được giữ nguyên chức vụ, mặc dù trước đó đã bị Bộ Chính trị cảnh cáo vì không làm tròn nhiệm vụ. Muốn cứu vãn tình thế, trong kỳ Đại hội Đảng, đích thân Hồ Cẩm Đào, một nhân vật quan trọng thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc bay sang tận nơi để dự, nhưng sự việc đã ngã ngũ. Cứ nhìn bộ mặt của họ Hồ trong Đại hội và khi ra về ta cũng thấy rõ.
Trong cuộc họp báo sau Đại hội Đảng, khi được hỏi về quan hệ Việt - Trung, ông Nông Đức Mạnh có nhắc lại 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị. Hợp tác toàn diện. ổn định lâu dài . Hướng tới tương lai". Sau đó ông Mạnh có lời mới các nhà lãnh đạo Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Lúc đầu phía Trung Quốc từ chối. Họ lấy cớ, khi nào ông Nông Đức Mạnh sang Trung Quốc trước thì họ mới sang Việt Nam sau (Khi xưa các vua chúa Việt Nam khi lên ngôi đều phải sang Trung Quốc báo công và xin được nhận làm chư hầu, ngày nay họ cũng muốn ông Nông Đức Mạnh làm như vậy).
Tuy nhiên ông Nông Đức Mạnh không dễ đầu hàng ngay. Ông Mạnh đã đi nước cờ xuất mã bằng chuyến thăm uỷ lạo đồng minh thân cận của Việt Nam là Lào, để củng cố tính đoàn kết. Sau đó ông Mạnh ngồi chờ các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy bị mất những con át chủ bài nhưng lực lượng tay sai còn được cài lại trong Đảng vẫn còn khá đông. Sau kỳ Đại hội Đảng, như muốn làm hài lòng các quan thầy tại Trung Quốc và cũng muốn để ra uy với Tân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh "ta vẫn kiểm soát được tình hình" chỉ hai ngày sau Đại hội, họ cho tiến hành ngay việc bắt giam và khám nhà ông Vũ Cao Quận - một con chim đầu đàn trong phong trào dân chủ tại Hải Phòng.
Về phần mình, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc tức tốc gửi những thông điệp đón chào Tân Tổng Bí thư bằng việc cấm tàu đánh cá của ta được hoạt động tại khu vực quanh đảo Hoàng Sa, và cho cấm biển bắn đạn thật, nhằm mục đích ủng hộ lực lượng bảo thủ trong Đảng và để cảnh cáo ông Nông Đức Mạnh "chớ có tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của họ". Tiếp sau đó là hàng loạt các hành động đàn áp những tiếng nói dân chủ tại Việt Nam, như việc câu lưu Tướng Trần Độ lên Công an, tịch thu tập bản thảo của ông, cùng hàng loạt các vụ đàn áp tôn giáo như Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Lê Quang Liêm....
Vụ thứ Tư đỏ xảy ra hôm 5/9 cuối cùng đã bóc trần bản chất của họ. Họ làm việc đó ngay khi Hạ Viện Mỹ đang họp để thông qua Hiệp định thương mại. Họ không cần đến Hiệp định thương mại Việt - Mỹ nữa vì họ đã có Trung Quốc rồi, và Trung Quốc sẽ giúp cho họ giữ mãi được địa vị thống trị. Họ làm việc đó như thế là để trải tấm thảm đỏ nhân quyền kiểu Trung Quốc để đón quan thầy của họ là Lý Bằng. Họ tưởng rằng làm như vậy là thực hiện được mưu đồ đó.
Như đã nói ở trên, ông Nông Đức Mạnh là người ôn hoà sáng suốt và không bè phái nên ông không tiến hành thăm Trung Quốc ngay mà ngồi chờ Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Không thể đợi được hơn, nhà cầm quyền Trung Quốc bèn xuống thang cử Chủ tịch Quốc hội Lý Bằng sang thăm Việt Nam, nhưng thực chất họ xuống thang theo kiểu Mao Trạch Đông "Lùi một bước để tiến ba bước". Chuyến thăm đó là để củng cố quan hệ kinh tế Việt - Trung, nhưng thực chất là để lên dây cót tinh thần cho cỗ máy tay sai đã rệu rã và già nua phải chạy nhanh hơn nữa trong lòng Trung Quốc, và cũng để hà hơi tiếp sức cho các lực lượng đó chống phá những người yêu dân chủ tiến bộ tại Việt Nam, hòng làm mất uy tín của ông Nông Đức Mạnh và các gương mặt trẻ trong Bộ Chính trị, phá hoại khẩu hiệu dân chủ, đoàn kết, đổi mới, phát triển vừa được Đại hội thông qua.
Cùng chuyến thăm này ta thấy có Lưu Bằng - Bộ trưởng Trung Quốc, Lưu Bằng đã họp với Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương để rồi họ cùng đồng ca bản thánh ca đã lạc lõng với thế giới văn minh là ý thức hệ Cộng sản chủ nghĩa và định hướng Xã hội chủ nghĩa. Trong nội bộ Đảng hiện nay đang chia làm hai phe. Phe cấp tiến chủ yếu là những lực lượng trẻ, thông minh và sáng suốt muốn Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với tốt đẹp với tất cả các quốc gia kể cả Mỹ, còn phe kia là các lực lượng bảo thủ già nua mà vẫn chưa từ bỏ ý nghĩ "Mỹ là kẻ thù số một, và Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam". Lực lượng này lại đang giữ một số vị trí quan trọng trong Đảng và trong quân đội cho nên họ đã quyết định ngả sang Trung Quốc.
Liệu một lần nữa dân tộc ta có lỗi hẹn với thế giới văn minh không? Liệu ông Nông Đức Mạnh là người không bè phái, vây cánh, không được quân đội ủng hộ, không hiểu ông có đứng vững được trước làn sóng Phương Bắc này không? Liệu giờ đây 16 chữ vàng trong quan hệ Việt - Trung có thể trở thành câu thần chú của chiếc vòng kim cô dân chủ mang mầu sắc Thiên An Môn, có thể siết vào đầu hơn 76 triệu đồng bào Việt Nam không?. Liệu dân tộc ta có phải chịu thêm một tầng áp bức mới mà tầng áp bức này còn tàn khốc hơn tầng áp bức trước không?.
Thế đấy, cuộc vật lộn sẽ còn rất cam go. Chỉ mong sao Ban Chấp hành Trung ương mới với nhiều gương mặt trẻ trung hơn, học thức hơn, tỉnh táo hơn, hãy sáng suốt cảnh giác với Bắc Triều, đừng để cái hoạ nô dịch nghìn năm ngày nào lại oan nghiệt tròng vào cổ nhân dân ta một lần nữa. Hãy thức thời chủ động hội nhập vào thế giới tiên tiến, thực hiện chủ trương đề xuất của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thanh Giang: "Tựa vào sức nâng toàn cầu mà phát huy nội lực",  xây dựng đất nước dân chủ, giầu mạnh đủ sức tự cường dõng dạc tuyên bố:
"Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư ".
Tôi viết bài này khi đang bị kìm kẹp trong vòng nghiệt ngã của các lực lượng bảo thủ và tay sai cho Bắc Triều. Biết rằng, bài viết này không làm cho hào quang lấp lánh trên đầu tôi mà trái lại, càng đẩy tôi sâu thêm vào vòng nguy hiểm. Ngay như đối với một công thần của cách mạng, mà họ còn ngang nhiên tuyên bố xanh rờn: "Sẵn sàng hy sinh Hoàng Minh Chính để bảo vệ chế độ". Huống chi tôi chỉ là con tốt đen dễ dàng bị biến thành vật tế thần cho bàn thờ Bắc Triều. Dẫu sao trước hiểm hoạ khôn lường của tồn vong đất nước, tôi dám nề hà xả thân, bởi tôi tâm niệm câu nói của Hàn Phi Tử: "Nước mất, mà không biết là bất tri; Biết mà không lo liệu, là bất trung; Lo liệu, mà không liều chết là bất dũng". Chỉ mong sao tấc lòng nhỏ mọn này, được lương tri dân tộc trong và ngoài nước soi thấu, và hết lòng, hết sức chỉ giáo.
Hà Nội, ngày 01/10/2001
Lê Chí Quang
Địa chỉ : 22 phố Trung Liệt - quận Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 8.514000

================
Bài thứ Hai

Viên Linh

(Bài phát biểu của nhà thơ Viên Linh trong Lễ Cầu Nguyện Hòa Bình và Dân Chủ cho Việt Nam do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức, Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009, tại chùa Huệ Quang, Westminster, California.)
Không phải là chuyên gia về địa dư lãnh hải, hay chuyên gia về luật biển quốc tế, nên tôi xin giới hạn đề tài trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, là Hoàng Sa và Trường Sa trong lòng biển Ðông của người dân Việt Nam; và như thế, người Việt, dù sinh sống, cư ngụ ở đâu trên thế giới, nên suy nghĩ hành xử như thế nào trước các xâm lấn bờ cõi thô bạo và kiêu mạn của đế quốc phương Bắc?
Bản đồ VN với Ðảo Cát Vàng (chữ Cát Vàng bằng quốc ngữ), Khởi Hành số 66, tháng 4, 2002, in lại từ cuốn L'Impire d'Annam et le Peuple annamite, Felix Alcan, Paris, 1858, thư viện Khởi Hành.
Quí vị có mặt ở đây hôm nay hẳn cũng không chờ đợi để nghe những biện giải có tính kỹ thuật hay chuyên môn về sự xâm lấn của ngoại bang trên những phần đất của tổ quốc ta mà sử sách thế giới, sổ hành trình của các nhà hàng hải năm châu, hay hồ sơ của ông cha ta đã nói đến, đã viết ra, trong những ký sự hay trong những cuốn Sử Ðịa dư-chí từ thế kỷ XVII. Trong tay tôi có tấm bản đồ in ở Calcuta, Ấn Ðộ, từ năm 1838, trên đó không viết tên vùng quần đảo ở ngang Ðà Nẵng, cách Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) hơn 100 hải lý, là Hoàng Sa, mà viết là Ðảo Cát Vàng. Thời ấy, 1838 là thời vua Minh Mạng đầu triều Nguyễn. Tiếc thay càng về sau này, dân ta, đúng ra là chính quyền ta, càng ngày càng bị Hoa hóa, cung điện cũng bỏ xa các kiến trúc Việt mà bắt chước Bắc Kinh, ngôn ngữ cũng rời xa chữ Nôm, tiếng Nam thời Lý Trần, thời Quang Trung Nguyễn Huệ, rồi sặc mùi Tống Nho, đượm mùi nô lệ phương Bắc càng ngày càng nhiều, từ Cát Vàng chuyển ngược thành Hoàng Sa.
Câu nói tai hại nô lệ nhất là câu “Nôm na là cha mách qué.” Nôm ở đây là gì? Nôm là Nam, tiếng Nôm là phát âm nói trạnh ra của tiếng Nam mà thôi. Chữ Nôm là chữ Nam. Khi dân Nam chê tiếng Nam, thì có khác gì chọn lấy cái tiếng Bắc phương để mà thờ phụng? Họa mất nước bắt đầu từ tinh thần nô lệ văn hóa trước nhất. Họa mất nước tiếp tục bởi cách thức viết chữ Quốc ngữ ABC bắt chước chữ Tầu, ngay ngày hôm nay còn viết chữ Cung Chúc Tân Xuân chẳng hạn trong bốn cái khung nhìn như bốn chữ Hán, cho thế là sang trọng, mà thực sự chỉ là biểu lộ của sự tự ti.
Biển Ðông là của ông cha ta từ 1000 năm trước Tây lịch. Ca dao có từ bao giờ mà ca dao có biết bao nhiêu lần nhắc đến biển Ðông? Tầu ở phương Bắc, nên họ gọi vùng biển gần lãnh thổ nhất của họ là đảo Hải Nam, là Nam Hải, chứ đâu có gọi đó là biển Ðông? Tên biển Ðông là do người trong nước phía Tây của biển là người Việt đặt ra. Trong sách Phủ Biên Tạp Lục quyển II, Lê Quý Ðôn (1726-1784) đã viết ra một chuyện liên hệ giữa hai nước, Tầu và Ðại Việt, đặc biệt là giữa Hải Nam và Ðảo Cát Vàng như sau: “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn... Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn... Các thương thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì thấy đảo ấy” (*, * trang 119). “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc-hải, hoặc người thôn Từ-chính ở Bình-thuận, hoặc người xã Cảnh-dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi...” “Hoàng Sa chính gần phủ Liêm châu đảo Hải-nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi [Lê Quí Ðôn] đã từng thấy một đạo công văn của quan Chính-đường huyện Văn-xương Quỳnh-châu gởi cho Thuận-hóa nói rằng: năm Kiền-long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An-vĩnh đội Cát-liềm huyện Chương-nghĩa tỉnh Quảng Ngãi nước An-nam ngày tháng 7 đến Vạn-lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt day thuyền, dạt vào Thanh-lan cảng, quan ở đấy xét thực, trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận-hóa là Thúc Lượng hầu làm thư trả lời.” (**, ** trang 120)
Ðoạn trích dẫn trên cho thấy hai nước đã có văn thư trao đổi thời Càn Long, mấy trăm năm trước, Hoàng Sa không hề thuộc về Tàu bao giờ, như sự bịa đặt của họ sau này, và như hiện nay.
Biển Ðông là vùng biển không những ở phía Ðông, dài khoảng 4,000 cây số dọc bờ biển nước ta, mà biển Ðông còn là vùng biển được đắp nên bởi phù sa Sông Hồng, bởi phù sa Sông Mã từ Bắc vào Nam, còn những dòng sông, những cửa biển danh tiếng như sông Ðáy, sông Lam, cửa Hới của Hội, những Quảng Bình Quảng Trị, những cửa Nhật Lệ cửa Việt, Huế có cửa Thuận An, Nha Trang có Cam Ranh, tất cả đổ ra biển Ðông... Bên ngoài Ðà Nẵng là đảo Cát Vàng, bên ngoài Bình Thuận Bà Rịa là quần đảo Cát Dài, có tên khác là Trường Sa. Tài sản của biển Ðông đã từ lâu nằm trong ca dao của dân Việt:
Thuận vợ thuận chồng
Tát biển Ðông cũng cạn.
Những câu ca dao, phương ngữ, tục ngữ không phải chỉ một năm một tháng mà thành. Phải cả đời, và khi nó được truyền tụng qua các đời sau, nó đã tồn tại vì đã chỉ minh chứng được bằng thực tế. Vì không có sự viển vông nào tồn tại được lâu. Nhưng thực tế còn ở lại mãi, dù chỉ ở lại trong lòng người.
Ðó là vài nét về đảo Cát Vàng và Cát Dài trong sử sách trong ca dao. Ðảo Cát Vàng đã hoàn toàn năm trong tay Trung Cộng từ 1974; còn quần đảo Trường Sa, nơi phía Nam, hiện có tới năm bảy nước đang tuyên bố chủ quyền, chứ không phải chỉ có Tầu Cộng ở lục địa, và Tầu Tưởng ở Ðài Loan. Tầu nào thì cũng là Tầu, mèo nào thì cũng là mèo, dù mèo mun hay mèo bạch tạng. Trong sách Chu Tri Lục, nhà cách mạng Lý Ðông A đã thuật lại rằng ông Tôn Dật Tiên, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 coi Việt Nam là một tỉnh của Tàu. *** Những nước kia là Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương... một vùng tranh chấp quốc tế có hứa hẹn nhiều xung đột về sau, một khi mỏ dầu ở Trường Sa có triển vọng được khai thác. Nhưng dù thế nào, hai quần đảo ấy là hai miếng mồi con mèo tham lam muốn nuốt trọng càng nhanh càng tốt. Mà với nó, không chỉ có hai: từ 1974 đến nay, đã có bao nơi, đất và biển, núi non và đồng bằng, đã hay đang bị nó cắn xé? Sao lại chỉ nhớ tới Hoàng Sa và Trường Sa? Xin cho tôi được nhớ tới và nhắc nhở thêm: Thế còn Ải Nam Quan? Còn chăng? Thế còn Núi Lão Sơn ở Hà Tuyên, nơi chỉ một ngày TC giết 3,700 bộ đội miền Bắc vào năm 1984? **** Còn chăng? Thế còn Thác Bản Giốc? Còn chăng? Tôi nghe nói trong Tết Kỷ Sửu vừa qua, một phái đoàn của Hội Nhà Văn Việt Nam, tức là Hà Nội, qua thăm viếng, đúng hơn là qua Lễ Tết các đàn anh nhà văn ở Bắc Kinh, đã được Tầu Cộng có nhã ý chở đi thăm một thắng cảnh du lịch của Trung Quốc. Thưa, họ đã chở phái đoàn nhà văn Việt Nam ở Hà Nội đi thăm Thác Bản Giốc. Tôi nghe nói có nhiều nhà văn lớp trẻ hớn hở quay phim, chụp ảnh; nhưng cũng có đôi mái tóc bạc cúi xuống, ngậm ngùi hay nhục nhã khi được đi thăm chính một góc núi non của đất nước mình, trong tay người. Và Vịnh Bắc Việt, nơi vào năm 2000, Hà Nội đã bán cho TC 44% hải phận. Và bây giờ thì đáng kinh hoàng hơn: DakNông, vùng cao nguyên xương sống của đất nước, nơi nghe nói cả vạn quân Tầu sẽ qua khai thác quặng nhôm Bô-xít. Tôi cũng nghe nói Bắc Kinh bảo Hà Nội: họ muốn Cà Mau là vùng đất để người Tầu lui tới không cần giấy thông hành.
Bây giờ đây, chúng ta phần lớn là người tỵ nạn cộng sản, đất nước đang ở trong tay cộng sản, mà lại là cộng sản theo Tầu, dân ta như thế tức là đang ở cái cảnh một cổ hai tròng. Những kẻ cầm quyền trong nước một là không muốn nghe chúng ta nói, hai là không được phép nghe chúng ta nói. Có một số cộng sản theo Nga, và cũng có một số cộng sản muốn theo Âu Mỹ. Những thành phần ngả theo phương Tây bây giờ thường đùa giỡn với nhau bằng cách nhại đi một câu khẩu hiệu cũ: “Thời xưa đúng ra là thời chống Mỹ phá nước, bây giờ là thời phải theo Mỹ cứu nước.” Bởi thế, khi chúng ta nói đến Tầu Cộng, thì ai sẽ chống được Tầu Cộng ở trong nước? Dĩ nhiên không phải là tay sai Tầu; chỉ có dân chúng nghe, và chỉ có những thành phần cán bộ chống Tầu nghe. Là người tị nạn ở ngoài đất nước, chúng ta không có võ khí không có quân đội nghĩa là không thể lật đổ CSVNy bằng quân sự. Vậy chúng ta những người tị nạn chống cộng sản ở ngoài nước, chúng ta có thể làm được gì để đạt được mục đích? Làm sao một người có thể đưa ra được giải pháp. Chỉ xin đề nghị. Chỉ xin đặt câu hỏi. Dù thế nào, mỗi người phải làm phần mình, không nên chờ một anh hùng xuất chúng, một thánh nhân vĩ đại có tài dời non lấp bể. Chắc chắn không có người đó. Chắc chắn chờ đợi vô ích. Chúng ta đã chờ 34 năm rồi, không thấy. Ðồng bào miền Bắc đã chờ 55 năm rồi, không thấy.
Xin làm phần của mình. Xin nghĩ một cách cho riêng mình. Mà dù cách nào, cũng cần khởi đầu và trước hết, đừng nghe những lời rỉ tai yếm thế: cộng sản chiến thắng không phải vì họ có ba đầu 6 tay; cộng sản thắng vì trong chúng ta đã nhiều khi mất cái đầu để suy nghĩ và mất đôi tay để xây dựng, để cái đầu ấy và đôi tay ấy cho kẻ thù sử dụng, hay làm thành vô dụng. Ðừng về Việt Nam giải trí rồi qua lại nước ngoài ca ngợi Việt Nam đã cởi mở hơn xưa. Ca ngợi như thế là đã để mất cái đầu lúc ấy. Ðừng làm việc quần quật ở nước ngoài để rồi mang cả chục ngàn về Việt Nam tiêu pha. Về tiêu phá như thế là đã không dùng bàn tay để xây dựng, mà trái lại. Làm phần của mình là tự giác mà làm, không ai bắt được ta phải làm. Tự giác mà làm thì đừng tâng bốc vợ ông bác sĩ là phu nhân, chồng bà luật sư là phu quân. Cứ giản dị dùng tiếng Việt Nam: bác sĩ X và vợ, luật sư Y và chồng. Nếu viết ra được chữ Nho, dùng 2 tiếng phu nhân, phu quân còn khả dĩ, gia dĩ mặt chữ không biết, mà miệng thì cứ nói, còn đáng hổ thẹn hơn. Chống giặc xâm thực mà vẫn mua bán sản vật của giặc, vẫn ham nói ngôn ngữ của giặc, vẫn tự mình làm nô lệ cho giặc, dù nô lệ những cái nhỏ nhặt đến đâu, thì chắc không thể nào hiệu nghiệm.
Nếu không, và cùng với có thể một đại họa nào đó xảy đến, một thời mạt pháp và mạt vận xảy tới, cơn ác mộng của thế kỷ XXI xuất hiện: ấy là giữa thế kỷ XX, năm 1959, Tây Tạng mất về tay Trung Cộng, thì giữa thế kỷ XXI, hay sớm hơn, Việt Nam của chúng ta sẽ là một Tây Tạng khác của Tầu. Cơn ác mộng ấy đang dần dần hiện ra.
Westminster, 4 tháng 4, 2009

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"