Hàng ngày số người tìm đọc về ông Nguyễn Trần Bạt phải nói là cao hơn tất cả các mục khác trong blog này, đủ thấy sự nhận thức ngày nay của tầng lớp làm kinh doanh không chỉ đơn thuần làm thương mại, họ đang chú ý đến những vấn đề của xã hội chung quanh họ. Khi tầng lớp nhân dân thoát khỏi nghèo đói thì người ta sẽ chú ý đến môi trường sinh hoạt tốt đẹp hơn cho cá nhân và gia đình họ, tạo nên một lực đẩy cho sự thay đổi của xã hội? Một bài viết khác của ông Nguyễn Trần Bạt.
Nhân dân như là một phạm trù của Văn hóa chính trị
Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
Theo Chúng Ta
Nói đến đời sống chính trị người ta thường nghĩ ngay đến các nhà chính trị và các chính đảng. Đó là những bộ phận rất quan trọng cấu thành đời sống chính trị. Nhưng sẽ không có cả các nhà chính trị lẫn các chính đảng nếu không có nhân dân. Nhân dân bao giờ cũng là các đối tượng để các đảng lôi kéo. Đảng chính trị nào về bản chất cũng là đảng dân tuý. Dĩ nhiên ở đây cần phân biệt tính dân tuý với chủ nghĩa dân tuý. Nhân dân là nguyên liệu của các thế lực của các đảng phái chính trị.
Thế nhưng nhân dân, bản thân nó, cũng là một khái niệm. Đó là một cộng đồng phức tạp. Trong nhân dân có tầng lớp thượng lưu, có tầng lớp hạ lưu, có tầng lớp trung lưu. Vậy thì toàn bộ hoạt động chính trị là để thu hút sự chú ý của xã hội thông qua các đối tượng có năng lực nhận thức khác nhau. Về đại thể, nhân dân là một tập hợp của ba tập hợp con: tầng lớp hạ lưu, tầng lớp trung lưu và tầng lớp thượng lưu.
Platon cũng đã từng chia xã hội thành ba lớp người giàu, nghèo và trung lưu. Ông cho rằng những người giầu sẽ bị nhiễm căm bệnh của kẻ giầu, coi khinh người nghèo, thích hưởng lạc, thích những lạc thú hơn người, đó là những thói xấu. Ngược lại, những người nghèo, do không đạt đến mức trung bình, nên ghen ghét với những người có của, thèm muốn những cái không phải là của mình, và đó cũng là những thói xấu. Tuy nhiên, Platon mới chỉ phê bình cái giàu và cái nghèo vật chất. ông mới chỉ nhìn thấy tầng lớp trung lưu về mặt vật chất. Theo chúng tôi, cần phải đề cập đến những đặc điểm tinh thần của tầng lớp này.
Trong ba tầng lớp nói trên, tầng lớp thượng lưu thường có nhiều định kiến, tầng lớp hạ lưu thì không có đủ nhận thức xã hội và chính trị cần thiết. Tầng lớp chưa kịp có định kiến nhưng lại có đủ nhận thức về chính trị chính là tầng lớp trung lưu.
Một trong những nguyên lý của Marx là ông đề cao và dựa vào tầng lớp hạ lưu. Tầng lớp này có mạnh không? Phải nói rằng rất mạnh, nhất là trong những xã hội bị phân hoá dữ dội trong giai đoạn đầu công nghiệp hoá. Marx không phải là người đầu tiên nhận ra vai trò của tầng lớp hạ lưu. Khi cùng với Luis Philippes đứng ở trên lễ đài để trả lời biểu tình của nhân dân Pháp, khi Luis Philippes doạ bắn mà không đám bắn, Napoléon đứng bên cạnh tự nhủ thầm "Cái thằng hèn, nhưng lũ Lararion kia sẽ đưa ta đến ngai vàng và ta phải đi theo chúng". Và đó không chỉ là lời nhủ thầm của Bonaparte.
Thế nhưng tầng lớp hạ lưu chỉ thích hợp với giai đoạn phá bỏ. Mọi tiến trình xã hội đều bị quy định bởi tầng lớp trung lưu mà đôi khi người ta gọi là tầng lớp tiểu tư sản. Cùng với sự phát triển của xã hội, tầng lớp trung lưu ngày càng quan trọng hơn. Vì quyền lợi và quyền lực của nó chưa được khẳng định cho nên nó không có định kiến và không trở thành bảo thủ. Về mặt chính trị, tầng lớp trung lưu là tầng lớp trung lập. Nó hưởng ứng hay chống lại một cách tương đối chính xác, nếu không nói là chính xác nhất, đối với các vận động chính trị trong xã hội. Vì chính trị là một hoạt động rất nhậy cảm, nhà chính trị phải có những quan trắc chính xác, và tất nhất là nên dựa vào phản ứng của tầng lớp trung lưu đối với các tính khuynh hướng khác nhau của đời sống chính trị. Cho nên chăm sóc tầng lớp trung lưu là chăm sóc cho triển vọng xã hội. Mọi hoạt động chính trị của những chế độ dân chủ cần phải xoay quanh tầng lớp trung lưu.
Nhưng sự chăm sóc ấy cần được định hướng như thế nào? Theo chúng tôi, một xã hội phát triển phải có tính khuynh hướng. Nói cách khác, các lực lượng xã hội phải có đời sống chính trị chuyên nghiệp. Một xã hội có khuynh hướng sẽ phát triển hoặc ít nhất phát triển hơn các xã hội bản năng. Thế nhưng anh phát triển đến mức anh đè bẹp các bản năng thì tức là anh không còn cuộc sống nữa. Khi đó chính trị ấy nằm ngoài cuộc sống.
Cho nên khuynh hướng đúng đắn của đời sống chính trị là lựa chọn khuynh hướng nhưng không dập tắt bản năng, không bóp chết bản năng, tức là anh phải giữ nguyên được tính đa dạng tinh thần của đời sống chính trị. Nếu anh lựa chọn một khuynh hướng mà anh tiêu diệt tất cả tính đa dạng sinh học của đời sống thì tức là anh đã triệt nguồn sống, anh rơi vào trạng thái duy tâm mà người ta vẫn lên án một cách phổ biến là duy ý chí.