Khi GS Phạm Minh Hoàng bị bắt thì báo chí lề trái và blog thấy đăng tin rất nhiều, nhưng đến khi đảng Việt Tân chính thức công nhận 4 đảng viên Việt Tân bị bắt trong nước trong đó có GS Phạm Minh Hoàng thì hình như chả blog hay báo chí lề trái nào đăng tin nữa ? Lạ không? Hình như không phải chỉ người ở trong nước có cái nhìn chưa đúng về đảng phái và nhất là đảng đối lập với đảng CSVN. Có điều lạ nữa, là người ta có thể không thích bàn tay sắt của đảng CS nhưng người ta vẫn sống chung với đảng CS được, nhưng lại cứ thích đảng đối lập thì phải có bàn tay... nhung hay sao ấy. Không phê bình bàn tay sắt được (nó bẻ cổ cho ấy chứ) phải là bàn tay nhung để tha hồ .... mắng mỏ, xin phép chỉnh sửa câu nói của ông giáo sư ở Hà Nội (hình như Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến) nói "cái nước ta nó thế đấy" thành ra "dân ta thế đấy".
Việt Tân 'Xuất hiện công khai ở Việt Nam"
Theo báo Người Việt
Phỏng vấn ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, chủ tịch Ðảng Việt Tân
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Hai tháng vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giữ 4 người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam, là Giáo Sư Phạm Minh Hoàng, Mục Sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm. Cả bốn người đều công khai nhận là đảng viên của Ðảng Việt Tân. Sự thật vụ bắt giữ ra sao, Người Việt nêu vấn đề này với ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, Chủ tịch Ðảng Việt Tân, nhân cơ hội dịp ông Ðiềm đi công tác và đến thăm Người Việt.
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, chủ tịch Ðảng Việt Tân. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
ÐQAThái (NV): Ông có thể cho nghe lời phát biểu chính thức của ông về vụ bắt giữ này?
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ðây không phải là lần đầu tiên đảng viên Việt Tân bị bắt giữ bởi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Cách đây vài năm cũng có một số trường hợp được sự chú ý của dư luận. Ðiển hình, năm 2007, có 6 người bị bắt, trong số đó có một số đảng viên Việt Tân từ hải ngoại quay trở về và một số những người cộng tác với đảng Việt Tân ở trong nước. Mới đây, vào đầu tháng 3, ngày 14, tại Hà Nội cũng có một số đảng viên Việt Tân xuất hiện công khai để vận động dư luận quần chúng cho vấn đề chủ quyền của đất nước, đặc biệt là chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tóm lại, đây không phải là lần đầu tiên Ðảng chúng tôi có bốn người bị bắt giữ. Cho đến giờ phút này, đã có những đảng viên Việt Tân xuất hiện hoạt động công khai và cũng có một số trường hợp đã bị bắt giữ.
NV: Nhà cầm quyền Hà Nội lúc nào cũng nói Việt Tân là “khủng bố.” Vậy, khi những đảng viên Việt Tân ở trong nước công khai nhìn nhận mình hoạt động cho tổ chức, như vậy hẳn đây là chủ trương của Việt Tân chứ không phải là quyết định có tính cách cá nhân?
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Những người tham gia Việt Tân đều hiểu rằng, trong hoàn cảnh đấu tranh chống lại chế độ độc tài như đảng Cộng Sản Việt Nam, việc gặp khó khăn hoặc bị bắt giữ có xác suất xảy ra bất cứ lúc nào; và trong tinh thần đó, tất cả anh em Việt Tân đều đã được chuẩn bị về mặt tư tưởng, tinh thần, tâm lý trường hợp bị bắt có thể xảy ra và khi bị bắt thì tổ chức sẽ phải hành xử như thế nào.
Những anh chị em đó cũng chuẩn bị tinh thần khi bị bắt hoặc trong trường hợp bị bắt sẽ có những biện pháp đối phó như thế nào. Ðó là nguyên tắc chung của tất cả những người tham gia vào đảng Việt Tân.
Về việc nhà cầm quyền gán nhãn hiệu hay xuyên tạc đảng Việt Tân là tổ chức khủng bố, chúng ta phải thấy rằng đảng Cộng Sản Việt Nam muốn tạo một hình ảnh nhằm đe dọa rằng dính với Việt Tân sẽ bị trừng phạt nặng nề, dính với Việt Tân là lôi thôi to, dính với Việt Tân là dính với khủng bố. Mục đích của họ là làm sao cô lập đảng Việt Tân. Ðó là những điều họ muốn nhưng rõ ràng vẫn có những người không ngần ngại tham gia đảng Việt Tân, minh danh là đảng viên Việt Tân để đấu tranh. Tôi nghĩ rằng, có lẽ tất cả những sự kiện đó cho thấy việc họ nỗ lực cô lập đảng Việt Tân đã không đạt được kết quả như họ mong đợi.
NV: Trở lại câu hỏi của chúng tôi, đảng Việt Tân có chủ trương công khai hóa hoạt động của mình tại Việt Nam không?
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ðể trả lời câu hỏi đó, chúng tôi phải nói rằng, hôm nay chúng ta sẽ dựa vào sức mạnh nào để có thể đối chọi lại khả năng bạo lực cũng như hệ thống cầm quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Câu trả lời khá là hiển nhiên: chúng ta chỉ có một phương tiện, một sức mạnh duy nhất, là sức mạnh của đại khối quần chúng người Việt ở trong nước, đó là sức mạnh của dân tộc Việt Nam và để có thể huy động được sức mạnh của quần chúng, của đám đông, của cả đại khối dân tộc Việt Nam chống lại ách cai trị độc tài của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ có môi trường và hoàn cảnh hoạt động công khai.
Chỉ khi nào những lực lượng dân chủ, những tổ chức đấu tranh, những đảng chính trị đối lập với đảng Cộng Sản Việt Nam xuất hiện công khai, hoạt động công khai, thì lúc ấy, trong môi trường công khai ấy, chúng ta mới có khả năng và điều kiện để huy động quần chúng tham gia. Quần chúng không ai lại có thể tham gia một tổ chức bí mật, không nhìn thấy được, không biết được tổ chức đó là ai, gồm những ai, làm những gì thì làm sao tổ chức đó có thể huy động được đám đông. Với suy nghĩ đó, câu trả lời hiển nhiên là không riêng gì đảng Việt Tân, chúng ta thấy rõ trong những năm gần đây, rất nhiều tổ chức chính trị đã xuất hiện công khai ở Việt Nam để tranh đấu chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.
NV: Tiền thân của Việt Tân là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam do Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, và Ðề Ðốc Minh đã hy sinh trong một lần xâm nhập nội địa Việt Nam. Trước kia, Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam chủ trương con đường bạo lực lật đổ chế độ Cộng Sản, sau này Việt Tân lại có một hướng hoạt động là bất bạo động, điều đó có đúng không?
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Nhắc lại lịch sử của đảng Việt Tân cũng như của Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam thì nếu quý vị còn nhớ những năm đầu của thập niên 80, khi Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam xuất hiện và công bố bảng cương lĩnh chính trị vào ngày mùng 4 tháng 3, 1982, thì toàn văn bản cương lĩnh chính trị đó đều nói rất rõ: Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh vận dụng nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia đấu tranh toàn diện để chấm dứt ách cai trị độc tài của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, và bản cương lĩnh chính trị đó cũng nói rất rõ là lực lượng võ trang của mặt trận ở thời đó được thành lập với mục tiêu để bảo vệ.
Tóm gọn lại, tôi có thể tạm gọi là một ngộ nhận đã kéo dài suốt nhiều năm qua là Mặt Trận chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh võ trang hay bạo lực để chấm dứt chế độ Cộng Sản Việt Nam, và như tôi vừa trình bày, tất cả văn kiện chính thức của Mặt Trận cũng như những đường lối của Mặt Trận đề ra đều nói rất rõ là đấu tranh vận dụng là chính và lực lượng võ trang chỉ là một bộ phận được thành lập với mục tiêu bảo vệ, nhất là trong giai đoạn thập niên 80s đang rất khó khăn.
Ði từ nền tảng đó, đảng Việt Tân thực sự được thành lập từ mùng 10 tháng 9, 1982, và hoạt động tiềm ẩn trong Mặt Trận từ năm 1982 mãi đến năm 2004 mới xuất hiện công khai. Chủ trương đấu tranh vận dụng khai triển tinh thần, lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản, làm chính. Trong những năm gần đây đảng Việt Tân đã sử dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động để làm sao huy động được sức mạnh quần chúng bởi vì đó là sức mạnh duy nhất chúng ta có được để đối đầu lại với nhà cần quyền Cộng Sản Việt Nam.
NV: Với tình thế hiện nay tại Việt Nam, đảng Việt Nam có còn nhu cầu dùng võ trang để bảo vệ cho công cuộc vận động nữa không?
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ngày hôm nay nhu cầu đó không còn nhiều như lúc trước nữa, hoàn cảnh đấu tranh của thập niên đầu của thế kỷ 21 này so với thập niên 90s cũng đã khác nhiều và so với thập niên 80s còn khác xa nữa.
Chúng ta hãy nhớ rằng, vào thập niên 80s, khi chúng ta khởi đầu công cuộc đấu tranh để giành tự do dân chủ cho Việt Nam, lúc đó người nào tại hải ngoại này muốn góp phần tham gia đấu tranh gần như ở trong tình trạng khó có thể di chuyển đi về Việt Nam, vì Việt Nam thời đó biên giới bị phong toả, ở bên trong đi ra không được mà ở bên ngoài đi vào cũng không phải là chuyện dễ.
Ðường duy nhất chúng ta có được vào lúc đó, những năm 81, 82, 83, để đi vào Việt Nam là đi bằng đường bộ, băng qua đất của Lào Cộng và Khơme Ðỏ. Ði bằng đường bộ thời đó qua những vùng ấy chắc chắn phải có những phương tiện võ trang để tự bảo vệ lấy mình khỏi bàn tay của Lào Cộng, khỏi bàn tay của Khơme Ðỏ, chưa kể thổ phỉ, cướp bóc. Ðó là bối cảnh của thập niên 80s. Ngày hôm nay chúng ta không phải gặp những khó khăn như thập niên 80s nữa, muốn đi về Việt Nam trong lúc này chúng ta có nhiều cách tương đối dễ dàng. Và vì vậy nhu cầu bảo vệ không còn đặt nặng như xưa.
NV: Với những người bị bắt thì đảng Việt Tân trụ sở trung ương tại hải ngoại có biện pháp nào để can thiệp?
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Với trường hợp của những anh chị em bị bắt, không riêng gì bốn người mới bị bắt mà trong tất cả các trường hợp từ trước đến giờ có nhiều việc tổ chức Việt Tân chúng tôi quan tâm đến.
Việc đầu tiên là tìm cách hỗ trợ tinh thần và vật chất cho thân nhân gia đình những người bị bắt, đây là nhu cầu thiết thực mà chúng tôi cần phải giải quyết. Ðiều đáng mừng ở đây là không riêng gì đảng Việt Tân mà gần đây có rất nhiều tổ chức, nhiều đồng bào dân oan trong nước cũng sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ tinh thần cho gia đình thân nhân những người bị bắt này.
Ðiều thứ hai chúng tôi cũng quan tâm là giúp đỡ những người này về mặt pháp lý dù chúng ta hiểu sự giới hạn về pháp lý ở Việt Nam, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận được nếu có luật sư, nếu có sự bảo vệ lên tiếng thì cũng ít nhiều có tác động tích cực.
Sau cùng, đối với chúng tôi, việc quan trọng nhất mà chúng tôi đã, đang và sẽ làm trong thời gian tới là làm sao huy động được đồng bào trong và ngoài nước áp lực đến cộng đồng quốc tế, những tổ chức phi chính phủ để tranh đấu cho sự tự do của tất cả anh chị em bị bắt.
NV: Vào lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Bảy tuần này, 18 tháng 9, ngay tại hội trường Việt Báo trên đường Moran, thành phố Westminster, ông sẽ có một buổi nói chuyện nhằm mục đích tưởng nhớ cố Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu đã hy sinh trên đường trở về quang phục quê hương, với những cử tọa sẽ tham dự hôm đó, ông sẽ nói gì?
Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ông chiến hữu Hoàng Cơ Minh là người sáng lập đảng Việt Tân cùng với một số chiến hữu tiên phong của đảng Việt Tân đã hy sinh tại hạ Lào vào ngày 28 tháng 8, 1987. Chúng tôi nhân dịp tưởng niệm sự hy sinh đó sẽ có một buổi sinh hoạt tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống cho đất nước. Trong dịp này, chúng tôi cũng mong có được cơ hội để tiếp xúc với một số thân hữu, những người đã yểm trợ cho tổ chức của chúng tôi trong suốt thời gian qua và những quý đồng hương nào quan tâm, chúng tôi sẽ trình bày thêm về một số những biến chuyển mới đây nhất trong tình hình đấu tranh tại Việt Nam và một số những hướng hoạt động chúng ta cần đặt biệt quan tâm và đẩy mạnh.
NV: Cám ơn ông đã đến thăm và trả lời phỏng vấn của Người Việt.