Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Đổi tên biển thành Biển Đông Nam Á

THÔNG CÁO BÁO CHÍ                       
Ngày 28 tháng 9 năm 2010


V/v: Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - HOA KỲ ở Nữu Ước và cuộc vận động đổi tên "Biển Nam Trung Hoa" thành "Biển Đông Nam Á"

Kính thưa quý đồng bào trên toàn thế giới:

Ngày 24 tháng 9 vừa qua, cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ đã diễn ra ở thành phố Nữu Ước, Hoa Kỳ. Một trong những lý do chính của cuộc hội nghị là nhằm đối phó với âm mưu xâm chiếm biển Đông Nam Á (biển Đông) của Trung Hoa. Sau đây là một số dữ kiện liên quan đến cuộc họp này:

1. Trong tuyên bố chung, hai bên đã đồng thuận rằng họ sẽ áp dụng Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Luật Hàng hải Quốc tế đối với các tranh chấp ở vùng biển Đông Nam Á.

2. Tổng Thống Phi Luật Tân, ông Benigno Aquino III, với tư cách thành viên điều hợp hội nghị, đã đại diện các nước Đông Nam Á tuyên bố với thế giới, đại ý như sau:

"Các quốc gia Đông Nam Á sẽ hợp nhất thành một khối trong việc tranh chấp chủ quyền biển Nam Trung Hoa với Trung Hoa."

Qua một phát biểu khác, Tổng Thống của Phi Luật Tân cũng ngụ ý rằng 600 triệu dân Đông Nam Á sẽ thay tên biển Nam Trung Hoa bằng một tên khác thích hợp hơn:

"Hy vọng chúng ta sẽ không phải gọi nó là biển Nam Trung Hoa vì đó không phải chỉ là biển của họ."

Chắc chắn tên mới đó sẽ là cái tên mang nhiều ý nghĩa về mọi phương diện: "Biển Đông Nam Á" (Southeast Asia Sea).

3. Trung Hoa đã dồn hết nổ lực ngoại giao trong suốt thời gian qua để khống chế một vài nước Đông Nam Á trong việc soạn thảo bản tuyên bố chung giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Ngoài việc nhằm bịt miệng các quốc gia Đông Nam Á trên diễn đàn quốc tế đồng thời phá vỡ sự đoàn kết của các quốc gia này trong âm mưu xâm chiếm toàn bộ biển Đông Nam Á - quan trọng nhất là việc thực hiện chiến lược ngăn cản sự phát triển và trỗi dậy của hơn 600 triệu dân thuộc khu vực này - Trung Hoa đã sử dụng mọi phương tiện và thủ đoạn, kể cả việc cướp bóc, tàn sát ngư dân các nước, và khuyến khích hàng vạn bloggers và websites tuyên truyền sai lạc, nhằm binh vực cho tội ác và dã tâm xâm lăng của họ.

Vì vậy,

- Nhằm vun xới, thắt chặc sự đoàn kết giữa các quốc gia của chúng ta cho một Đông Nam Á phồn thịnh, đạo đức, hòa bình lâu dài, và hoàn toàn độc lập với Trung Hoa - một quốc gia láng giềng vô cùng nguy hiểm và xấu xa.

- Nhằm tố cáo Trung Hoa trước dư luận thế giới về âm mưu bành trướng của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán vô đạo đức và những hành động vô nhân đạo của họ đối với dân các nước Đông Nam Á.

Hỡi 600 triệu dân Đông Nam Á hãy đứng dậy!
Hỡi 85 triệu đồng bào Việt trên khắp thế giới hãy đứng dậy!
Hỡi các anh em Bách Việt ở Quảng Đông và Quảng Tây hãy đứng dậy!
Hãy tham gia cuộc vận động đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á. Đây là bước khởi đầu cho sự trỗi dậy vững chắc, hùng mạnh, và ôn hòa của vùng Đông Nam Á trong thế kỷ 21.

Cuộc vận động này không phải trách nhiệm riêng của Nguyễn Thái Học Foundation mà là trách nhiệm chung của tất cả. Chiến dịch đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á không phải là chiến dịch riêng của Nguyễn Thái Học Foundation. Đó là chiến dịch của quý vị.

Hỡi các bloggers, các websites, và các cơ quan truyền thông! Hãy hỗ trợ cuộc vận động đổi tên biển bằng cách đặt khẩu hiệu "Hãy ký tên đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á" trên các phương tiện Internet của quý vị và nối kết đến trang ký kiến nghị thư đổi tên biển:




Quý vị đang góp phần vào việc thắt chặt sự đoàn kết và nhất là sự trỗi dậy hùng mạnh của các quốc gia Đông Nam Á trong thế kỷ 21. Hơn 600 triệu dân của chúng ta đang cần sự hỗ trợ của quý vị. Thế giới cũng đang chờ đợi lời kêu gọi từ chính chúng ta để cùng đứng lên với chúng ta.


Trân trọng kính chào và cám ơn quý vị,

Nguyễn Hoài Nhã Trân
Trưởng Ban Báo Chí

Nguyễn Thái Học Foundation
www.nguyenthaihocfoundation.org
NTHFoundation@yahoo.com

600 triệu dân Đông Nam Á hãy dứng dậy!
Thế giới đang đứng về phía chúng ta!

 8.800




Hành động của bạn sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử
cận đại của Việt Nam và của Đông Nam Á

Kiến Nghị Thư được dịch ra các ngôn ngữ:

English     French      German      Hindi      Indonesian     
Japanese      Japanese (.pdf)      Korean     Portuguese     
Russian     Thailand (.pdf)      Turkish      Vietnamese

Cần giúp dịch ra các thứ tiếng: Malaysian, Miến Điện, Cam Bốt, Lào,
Ba Lan, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Ý - xin liên lạc: NTHFoundation@yahoo.com

Blog trong ngày

Hai hôm nay chả đọc tin tức, chỉ tìm đọc chuyện vui kiểu như Bảo Kiếm của Thanh Chung, nhưng dí dỏm nhất có lẽ phải treo giải cho bài Trái tim Thánh Gióng & Idea của Thủ tướng của tác gỉa Kami, đọc mà thắc mắc không biết chính phủ VN có cho xây 1000 cái nhà vệ sinh dọc Bắc Nam chưa, ít ra cũng giúp cho người dân có chút tiện nghi trên đường ra Hànội dự đại lễ 1000 Thăng Long như ở xứ người, đi cỡ chừng một hay hai tiếng là có một trạm nghỉ chân có nhà vệ sinh cho người dân giải quyết những vấn nạn "tự nhiên" của họ.

Nhưng bài đọc thương tâm nhất có lẽ là bài viết Thảm sát trên đảo Trường Sa, đọc mà ngẫm nghĩ làm sao người trong cuộc có thể tha thứ cho những người theo chủ nghĩa cộng sản một cách mù quáng như thế, chiến tranh gieo tang tóc lên nhân dân đã đành, nhưng hoà bình lập lại mà giết dân như thế, ai là người chịu trách nhiệm, bao giờ họ mới bị đem ra toà xử như nhóm Khờme đỏ ngày xưa? Và cảm động nhất là đoạn tả người mẹ chờ con trong bài viết của Người Buôn Gió trong Một năm kể lại, nói đến một đời tù, nỗi oan khuất người dân VN phải chịu ở cái thế kỷ 21 này.

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Chiến lược của Trung Quốc

Hôm rồi đọc tin nhà nước VN có thể thông qua (lại) vụ Đường Sắt Cao Tốc nhưng lần này sẽ để cho Trung Quốc làm vì rẻ hơn.  Nhật đưa ý kiến hỗ trợ, bác, nhưng bây giờ sẽ cho Trung Quốc, xem ra vụ việc Quốc hội không thông qua lần trước chả phải vì những ý kiến của nhân dân mà có khi vì áp lực của Trung Quốc, để cho TQ sẽ mang công nhân của họ trải dài dọc đất nước VN, làm đường cao tốc cho VN, lại một âm mưu coi bộ còn thâm độc hơn ?

Ngày xưa Pháp xây đường sắt cho VN vẫn xử dụng công nhân VN, mà lúc đó sử sách bảo người Pháp bóc lột dân công VN, chứ mai đây thì công việc rơi hết vào tay công nhân Trung Quốc, chả "bóc lột" gì người Việt cả, có khi còn tạo ra công ăn việc làm phục vụ cho họ dọc theo các tuyến đường sắt, rồi khi họ xây xong thì dọc tuyến đường ấy là những thành phố Trung Quốc với những gia đình chồng Hoa vợ Việt, con nít nói tiếng phổ thông.

Ôi nước Việt!!!, chả cần bắn phát súng nào dân VN cũng tiêu tùng.  Ai bảo người Trung Quốc chả yêu chuộng hòa bình chứ. Cứ đọc thêm tin về chiến lược của Trung Quốc thì sẽ rõ nhé. 
Những người yêu Trung quốc chắc sẽ bảo chỉ lo bò trắng răng.

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Những con số nói gì?

Thấy nước người ta xôn xao bầu bán vào tháng 11 năm nay.  Nên tuần qua cũng thử làm một cái thống kê nho nhỏ xem người VN ta hành đông thế nào khi có chuyện bầu cử, hoặc giả nghĩ thế nào về chuyện bầu cử. 
Đặt ra ba câu hỏi, tiếp tục bầu cho đảng CSVN, bầu cho đảng đối lập, và chẳng  bầu cho ai cả. 
Sơ sơ cả tuần chỉ có 9 người chú ý trong tổng số 1640 người đọc trong một tuần lễ, một con số rất là khiêm nhượng, chỉ 0.5% chưa được 1%, buồn chưa?  Trong 9 người chịu khó bấm vote thì có một người tiếp tục ủng hộ cho đảng CSVN. Poll tính trên số người bấm là 11% chứ tính trên số người đọc thì là một con số bé ti ti. Có 8 người bầu cho đảng đối lập, poll tính là 88%, chứ tính trên số người đọc thì cũng chưa tới 0.5%, mà nếu con số này chia ra cho vài đảng đối lập thì chắc chắn đảng CSVN vẫn là một triều đình cầm quyền cỡ vài chục năm.  Do đó con số này nói gì nhỉ, theo sự hiểu biết rất có giới hạn của tôi thì người VN có chán ghét đảng CSVN chăng nữa, vẫn không đủ lá phiếu để "lật đổ" đảng cầm quyền CSVN, và con số thờ ơ đến chuyện bầu bán còn rất cao, 99.45%.  Hoặc giả họ đã quen sự sắp đặt của người khác đặt để cho họ, thí dụ cái gọi là Mặt trận tổ quốc.  Ai bảo bầu đâu thì quẹt đấy, ai cho quyền gì thì nhận vậy, có bực tức than vãn gì thì chỉ quanh bàn nhậu xong thì thôi.  Ai về nhà nấy, chuyện bầu bán để nhà nước lo, hoặc là họ đã quá chán về một chế độ và không còn tin tưởng bất cứ thay đổi gì có thể làm gì ngoài chuyện ... đi tù, nên họ sợ ?  Hoặc giả một số người "trí thức" có quan tâm nhưng nhìn vào đại đa số quần chúng thì họ ngại họ rút, họ nghĩ dân trí quần chúng còn cả vài mươi năm nữa mới thay đổi nên có khi chủ nghĩa "makeno" coi bộ an toàn hơn?  Một vài ngươì can đảm cất tiếng nói thì lại bị trù dập, theo dõi, bị đi tù vì vô số tội vô căn cứ, hay có khi bị biến mất trên cõi đời, như trường hợp người thanh niên trẻ Lê Trí Tuệ.
Cho nên người ta cứ bảo đảng CSVN đang bị lung lay, nào là nội bộ có xung đột, ôi thôi cứ vẽ ra một viễn tưởng là đảng CSVN sắp lăn quay ra. Tôi thì chả thấy vậy, đảng CSVN cứ ăn ngon ngủ kỹ chả có gì mà phải lo, với một hệ thống công an chằng chịt như thế, thì chả có đảng nào lấy mất phiếu dù có bầu cử đa đảng chăng nữa, đa số dân VN chả quan tâm chuyện chính trị bầu bì gì đâu, họ vẫn tin tưởng mọi sự đã có bàn tay Mặt trận tổ quốc lo hết rồi.  Yên chí nhé.
Còn mấy đảng đối lập nếu không thành một khối đối lập thì cũng yên chí đảng CSVN sẽ lấy hết phiếu cho dù ngay bây giờ dân VN có bất mãn bầu cho đảng đối lập, con số ấy còn rất nhỏ, :-). 
Hết chuyện tào lao bầu bì.!!!

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Vở kịch bằng Tiến Sĩ dỏm

Đọc bài báo có lá thư sau, post lại vì thấy không biết thật hay giả, nhưng đúng là chuyện khôi hài chỉ có thể xảy ra ở đất nước VN khi mảnh bẳng (giả) được trọng dụng trong thời đại mà hễ cái gì có liên hệ tới đảng lại càng được tin tưởng tới nỗi.... (không dám gõ ra nữa), và đọc lá thư mới thấy kịch tính của xã hội, nhà "trí thức" nổi danh nào của VN hiện nay cũng là "cán bộ ngầm, hay tướng công an" ? 

LTS: Trang TTHN có nhận được một tài liệu do bạn đọc gửi đến, do là lá đơn kiến nghị gửi các ban ngành chức năng liên quan tố cáo việc đồng chí L..Giám đốc Sở tỉnh X bị lừa để làm bằng TS dỏm nhằm hoàn chỉnh hồ sơ để bổ nhiệm chức vụ phó Chủ tịch tỉnh.

Do chưa có điều kiện kiểm chứng, nên chúng tôi xin đăng tải nguyên văn để bạn đọc theo dõi với tính chất tham khảo và tự kết luận.

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam

Độc lập – Tự do – hạnh phúc.

—0—

Đơn kiến nghị

Kính gửi: Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Đồng kính gửi:

Bộ Giáo dục

Mặt trận tổ quốc Việt Nam

Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam

Thưa các đồng chí!

Câu chuyện mà tôi báo cáo cùng các đồng chí sau đây là câu chuyện thật của cá nhan tôi, chuyện cười ra nước mắt, vừa hổ thẹn vừa đau đớn, vừa xót ruột vì mất mát tiền bạc và ê chề nhục nhã. Có thể gọi câu chuyện này là: “Nỗi Đau Tiến sỷ dõm”.

Câu chuyện bặt đầu tư khi tôi được đề bạt lên chức giám đốc Sở X. Khi ấy tuổi tôi còn trong vòng cơ cấu, quy hoạch nhân sự tôi vì bản thân tôi có quá khứ nhân thân tốt, học hành đàng hoàng và trời cho khả năng tư duy sáng tạo nên các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao tôi đều hoàn thành một cách xuất sắc. Con đường quan lộ của tôi đang xuôi chèo mát mái, thế rồi bổng đâu tiền mất tật mang, bây giờ phải cay đắng xin rút lui khỏi danh sách cơ cấu. Đi đâu nghe chuyện Tiến sỹ giả tự nhiên thấy chột da. Nghe ai gọi tên kèm theo từ Tiến sỷ tim bổng giật thót. Đọc báo thấy nói chuyện tiến sỷ lòng cảm thấy nhục nhã và xấu hổ ê chề.



Chuyện bắt đầu, từ một hôm tôi được tham gia đón tiếp một cán bộ cao cấp của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đó là đồng chí Giáo sư-Tiến sỹ khoa học-Viện sỹ Trình Quang Phú. Theo các visit 9danh tiêp) của đồng chí Trịnh Quang Phú có ghi các chức danh: Ủy Viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ tuật Việt Nam, Viện trưởng viện Phương đông, Trưởng ban Công tác phía nam Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Thiếu tướng đặc tình Bộ công an, Ủy viên trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phái viên đặt biệt Trung ương Đảng.

Tôi ngây ngất trước đồng chí Phú, một con người cách mạng, một con người khoa học, một con người toàn mỹ đến tận cùng. Sau lần gặp ấy hình tượng ấy ghi đậm trong tôi, một khát khao vươn lên cháy bỏng trong tôi. Thế rồi hạnh phúc đã đến với tôi. Đồng chí Giáo sư TSKH, Viện sỹ đó đã gọi điện cho tôi và hẹn gặp tại nhà khách tỉnh ủy. Không thể có hạnh phúc nào hơn, một con người như vậy mà nhớ đến tôi một cán bộ cấp sở của một tỉnh vùng ven biển.

Đồng chí tâm sự với tôi đồng chí là người của anh Sáu P. được cử qua quản lý Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, dự kiến khóa tới sẽ phải đảm nhận thêm chức Phó chủ tịch LHH thường trực, kiêm phụ trách phía nam. Trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi ấy, đồng chí Phú đã nói Đảng rất quan tâm đến trí thức nên yêu cầu đồng chí phải về quản lý Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XI, đồng chí được Trung ương mà trực tiếp là đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, đồng chí Tô Huy Rứa giao một nhiệm vụ rất quan trọng là tìm kiếm, phát hiện bồi dưỡng nhân sự cho khóa tới. Tôi đã được các đồng chí lãnh đạo để ý và bồi dưởng, sẽ cơ cấu vào vị trí phó Chủ tịch tỉnh trong khóa tới. Đồng chí cho biết Anh Sáu (Sáu Phong, Nguyễn Minh Triết) đã nghe báo cáo và rất ủng hộ, việc này cũng đã báo cáo cho anh Ba Dũng (Nguyễn tấn Dũng) hay. Đồng chí cho biết rằng rất tiếc vì tôi chưa có học hàm học vị tương xứng, mà thời đại bây giờ bằng cấp rất quan trọng, muốn được bổ nhiệm phải có đủ bằng mọi giá đó là yêu cầu của Ban Tổ chức TW.

Sau buổi gặp ấy, nhiều ngày tôi nghĩ về việc này và càng tin tưởng hơn sau một lần tôi được Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Viện Phương nam, Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Chuẩn bị vào đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Hiệu phó trường đại học Long An, là phó của Đồng chí Trình Quang Phú. Đồng chí Quốc Trang là Cán bộ ngầm như đồng chí Phú và là đàn anh của nhiều vị quan chức tầm cở như Vũ Ngọc Hoàng Phó ban tuyên giáo trung ương, Phó chủ tịch Liên hiệp Các họi Khoa học và kỹ thuật Việt Nam vv… Chúng tôi không thể không tin khi đồng chí Phú có cho xem giấy chứng nhận cán bộ đặc tình, đi xe biển số xanh có còi hú ưu tiên vv…

Giải pháp giúp cho tôi, được đồng chí Phú và đồng chí Quốc Trang đưa ra nhẹ nhàng, vì các đồng chí Phú và đồng chí Quốc Trang còn là viện sỷ hàn lâm, là thành phần hội đồng khoa học của trường đại học Preston của Mỹ. Hơn thế nữa ồng chí Phú nói sẽ giúp tôi lấy bằng Tiến sỹ Preston của Mỹ gấp trong thời gian ngắn nhất để hoàn thiện hồ sơ nhân sự. Khi ấy tôi cảm thấy phúc đức ông bà để lại cho tôi quá lớn, tôi thầm cám ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm và phân công một quý nhân giúp tôi trưởng thành.

Các đồng chí trên cho biết, phí lấy bằng tiến sỹ chỉ có 37.500 USD, vì không có nhiều tiền tôi buộc phải bán đất, mượn thêm để cố gắng nộp cho đủ cho kịp để không phụ lòng quý nhân và không bỏ lỡ cơ hội. Sau khi nộp đủ tiền cho đồng chí Phú, chúng tôi được tham gia học tập hướng dẫn cách làm luận án Tiến sĩ.Cũng có hội đồng khoa học, cũng có hướng dẫn, cũng có tập trung nghe giảng v.v.. nhưng chỉ không nghiên cứu hay làm luận văn thôi, mọi việc đã có nhà trường lo hoàn thiện hoàn chỉnh từ A-Z. Tất cả mọi chuyện đã có người làm hết và sau 5 tháng mười một ngày chúng tôi được đồng chí Phu yêu cầu đi Sigapore cùng 35 đồng chí cán bộ các tỉnh khác để nhận bằng tốt nghiệp Tiến sĩ. Qua Singapore việc trao và nhận bằng được tổ chức trong một phòng khách sạn 5 sao ở thủ đô Singapore, có người nói tiếng Anh là đại diện trường đại học Preston của Mỹ, nhưng thật tình chúng tôi không biết tiếng Anh nên không hiểu họ nói gì.

Sau khi có bằng được ít ngày, tôi đang vui mừng thấp thỏm để chuẩn bị tổ chức lễ khao “Tân Tiến sỹ” thế nào, chỉ vì chưa có đủ tiền nên tôi cứ chần chừ. Cũng may khi tôi đọc báo được biết chuyện bằng dỏm, nên sinh bán tín bán nghi, lo âu phập phồng. Rồi một ngày tôi đọc đọc được Trường Đại Học Preston là một trong số các trường ma, trường dỏm tôi mới ngã ngửa người. Tôi đã vội tìm hiểu về GS.TS Trình Quang Phú hóa ra con người này đã từng bị ở tù, đã từng làm cho Bí thư tỉnh ủy Phú Yên mất chức. Biết được điều đó, tôi hoa mắt và tưởng như trái đất sụp đổ, tôi đi tim hiểu thì hởi ơi tiền đã mất rồi, bằng dõm còn đây đắng cay đầy dạ. Cái quan trọng hơn là ê chề cho những tham lam, sân si của chính mình, nhiều đêm tôi không thể nào ngũ được.

Hóa ra chính Ông Phú và Ông Trang cũng sài bằng dõm hoàn toàn. Hóa ra ông Phú trong 01 năm mà đã có cả Tiến sỹ khoa học, Giáo sư, Viện sỹ. Ông Trang trong 6 tháng làm xong Giáo sư – Tiến sỹ khoa học. Tìm hiểu thêm mới biết đến nay Ông Phú ông Trang đã làm được 120 bằng Tiến sỹ và khoảng 50 bằng Giáo sư. Tôi đi tim một số “đồng môn” như: Ông Trần văn Khánh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bà rịa – Vũng tàu, nay là Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Bà Rịa- Vũng Tàu, – Ông Tạ Xuân Tề, đương nhiệm Hiệu trưởng trường đại học công nghiệp TP.HCM, -Ông Nguyễn Doãn Khánh, đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ,- Ông Dương Quốc Thái, đương nhiệm Tổng Giám đốc Cty CP bao bì nhựa Sài Gòn, – Ông Trần hữu Phước, đương nhiệm Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An,- Ông Tư Rạnh, đương nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, – Ông Lĩnh Phó bí thư tỉnh ủy Bà rịa Vũng tàu- Ông Khánh GĐ Chi nhánh Trần Hưng Đạo Sacombank – Ông Dương Quốc Chính Phó Tổng Gđ C.ty CP bao bì nhựa Sài Gòn – Bà Thư Giám đốc Bệnh Viện Y học Dân tộc TP.HCM- Ông Tám Thiệp, trước là Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường, nay là Bí thư huyện Cần giuộc, và rất nhiều vị khác nữa!

Nhưng cũng may mà tôi chưa đem cái tờ giấy kia đi khoe, (dù tôi rất khat khao được khoe,) tôi thèm chử TS. bên cạnh tên mình trong cavizite. Tôi thèm được xướng danh Tiến Sỹ trong một lần được giới thiệu, nhưng quan trọng hơn cả là tôi khát khao được cơ cấu, bây giờ cái chức phó Chủ tịch tỉnh sẽ không bao giờ về với tôi, vì tôi lo mấy chục cán bộ tỉnh tôi là học trò của thấy Phú như tôi thì biết nói sao. Chúng tôi nhận rằng chúng tôi ham quyền, ham chức là một nhẽ nhưng chúng tôi cũng giận Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sao lại cấp xe biển số xanh, phong chức vụ cho một con người như đồng chí Phú như vậy?

Chúng tôi cũng giận Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao cũng có những kẽ lừa đảo ấy đứng trong hàng ngũ, và cái giấy chứng nhận Thiếu tướng đặc tình kia ai cấp để ông Phú và ông Trang lừa chúng tôi. Để rồi hậu quả là Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là bằng giả; Sinh viên của trường này sẽ nghĩ thế nào khi họ có tấm bằng đại học so một người Hiệu trưởng dùng bằng giả ký. Không những thế còn Giám đốc bệnh viện Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh xài bằng giả, thử hỏi tính mạng người bệnh sẽ ra sao, các bác sỹ trẽ sẽ trau dồi kiến thức, y đức hay sẽ mua bằng để làm Viện trưởng…

Có thể nói với mức thu như hiện nay cho việc đào tạo TS dõm, một năm ông Phú, ông Trang kiếm ít nhất cũng được 5-6 triệu USD/năm nhưng cái mất cho đất nước là hàng trăm tiến sỹ giả, giáo sư giả ra đời và người ta dùng nó để leo lên nhiều chức vụ quan trọng.

Qua đơn này mong Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam động viên ông Phú, ông Trang trả lại tiền cho chúng tôi, không trả hết thì một ít cũng được, để chúng tôi bớt tủi thân và xấu hỗ./.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08/7/2010

Kính đơn

Nguyễn Thịnh L..

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Chuyện đảng

Khi GS Phạm Minh Hoàng bị bắt thì báo chí lề trái và blog thấy đăng tin rất nhiều, nhưng đến khi đảng Việt Tân chính thức công nhận 4 đảng viên Việt Tân bị bắt trong nước trong đó có GS Phạm Minh Hoàng thì hình như chả blog hay báo chí lề trái nào đăng tin nữa ? Lạ không? Hình như không phải chỉ người ở trong nước có cái nhìn chưa đúng về đảng phái và nhất là đảng đối lập với đảng CSVN. Có điều lạ nữa, là người ta có thể không thích bàn tay sắt của đảng CS nhưng người ta vẫn sống chung với đảng CS được, nhưng lại cứ thích đảng đối lập thì phải có bàn tay... nhung hay sao ấy.  Không phê bình bàn tay sắt được  (nó bẻ cổ cho ấy chứ) phải là bàn tay nhung để tha hồ .... mắng mỏ,  xin phép chỉnh sửa câu nói của ông giáo sư ở Hà Nội (hình như Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến) nói "cái nước ta nó thế đấy" thành ra "dân ta thế đấy".

Việt Tân 'Xuất hiện công khai ở Việt Nam"

Theo báo Người Việt

Phỏng vấn ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, chủ tịch Ðảng Việt Tân



Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Hai tháng vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giữ 4 người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam, là Giáo Sư Phạm Minh Hoàng, Mục Sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm. Cả bốn người đều công khai nhận là đảng viên của Ðảng Việt Tân. Sự thật vụ bắt giữ ra sao, Người Việt nêu vấn đề này với ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, Chủ tịch Ðảng Việt Tân, nhân cơ hội dịp ông Ðiềm đi công tác và đến thăm Người Việt.

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, chủ tịch Ðảng Việt Tân. (Hình: Triết Trần/Người Việt)

ÐQAThái (NV): Ông có thể cho nghe lời phát biểu chính thức của ông về vụ bắt giữ này?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ðây không phải là lần đầu tiên đảng viên Việt Tân bị bắt giữ bởi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Cách đây vài năm cũng có một số trường hợp được sự chú ý của dư luận. Ðiển hình, năm 2007, có 6 người bị bắt, trong số đó có một số đảng viên Việt Tân từ hải ngoại quay trở về và một số những người cộng tác với đảng Việt Tân ở trong nước. Mới đây, vào đầu tháng 3, ngày 14, tại Hà Nội cũng có một số đảng viên Việt Tân xuất hiện công khai để vận động dư luận quần chúng cho vấn đề chủ quyền của đất nước, đặc biệt là chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tóm lại, đây không phải là lần đầu tiên Ðảng chúng tôi có bốn người bị bắt giữ. Cho đến giờ phút này, đã có những đảng viên Việt Tân xuất hiện hoạt động công khai và cũng có một số trường hợp đã bị bắt giữ.

NV: Nhà cầm quyền Hà Nội lúc nào cũng nói Việt Tân là “khủng bố.” Vậy, khi những đảng viên Việt Tân ở trong nước công khai nhìn nhận mình hoạt động cho tổ chức, như vậy hẳn đây là chủ trương của Việt Tân chứ không phải là quyết định có tính cách cá nhân?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Những người tham gia Việt Tân đều hiểu rằng, trong hoàn cảnh đấu tranh chống lại chế độ độc tài như đảng Cộng Sản Việt Nam, việc gặp khó khăn hoặc bị bắt giữ có xác suất xảy ra bất cứ lúc nào; và trong tinh thần đó, tất cả anh em Việt Tân đều đã được chuẩn bị về mặt tư tưởng, tinh thần, tâm lý trường hợp bị bắt có thể xảy ra và khi bị bắt thì tổ chức sẽ phải hành xử như thế nào.

Những anh chị em đó cũng chuẩn bị tinh thần khi bị bắt hoặc trong trường hợp bị bắt sẽ có những biện pháp đối phó như thế nào. Ðó là nguyên tắc chung của tất cả những người tham gia vào đảng Việt Tân.

Về việc nhà cầm quyền gán nhãn hiệu hay xuyên tạc đảng Việt Tân là tổ chức khủng bố, chúng ta phải thấy rằng đảng Cộng Sản Việt Nam muốn tạo một hình ảnh nhằm đe dọa rằng dính với Việt Tân sẽ bị trừng phạt nặng nề, dính với Việt Tân là lôi thôi to, dính với Việt Tân là dính với khủng bố. Mục đích của họ là làm sao cô lập đảng Việt Tân. Ðó là những điều họ muốn nhưng rõ ràng vẫn có những người không ngần ngại tham gia đảng Việt Tân, minh danh là đảng viên Việt Tân để đấu tranh. Tôi nghĩ rằng, có lẽ tất cả những sự kiện đó cho thấy việc họ nỗ lực cô lập đảng Việt Tân đã không đạt được kết quả như họ mong đợi.

NV: Trở lại câu hỏi của chúng tôi, đảng Việt Tân có chủ trương công khai hóa hoạt động của mình tại Việt Nam không?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ðể trả lời câu hỏi đó, chúng tôi phải nói rằng, hôm nay chúng ta sẽ dựa vào sức mạnh nào để có thể đối chọi lại khả năng bạo lực cũng như hệ thống cầm quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Câu trả lời khá là hiển nhiên: chúng ta chỉ có một phương tiện, một sức mạnh duy nhất, là sức mạnh của đại khối quần chúng người Việt ở trong nước, đó là sức mạnh của dân tộc Việt Nam và để có thể huy động được sức mạnh của quần chúng, của đám đông, của cả đại khối dân tộc Việt Nam chống lại ách cai trị độc tài của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ có môi trường và hoàn cảnh hoạt động công khai.

Chỉ khi nào những lực lượng dân chủ, những tổ chức đấu tranh, những đảng chính trị đối lập với đảng Cộng Sản Việt Nam xuất hiện công khai, hoạt động công khai, thì lúc ấy, trong môi trường công khai ấy, chúng ta mới có khả năng và điều kiện để huy động quần chúng tham gia. Quần chúng không ai lại có thể tham gia một tổ chức bí mật, không nhìn thấy được, không biết được tổ chức đó là ai, gồm những ai, làm những gì thì làm sao tổ chức đó có thể huy động được đám đông. Với suy nghĩ đó, câu trả lời hiển nhiên là không riêng gì đảng Việt Tân, chúng ta thấy rõ trong những năm gần đây, rất nhiều tổ chức chính trị đã xuất hiện công khai ở Việt Nam để tranh đấu chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

NV: Tiền thân của Việt Tân là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam do Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, và Ðề Ðốc Minh đã hy sinh trong một lần xâm nhập nội địa Việt Nam. Trước kia, Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam chủ trương con đường bạo lực lật đổ chế độ Cộng Sản, sau này Việt Tân lại có một hướng hoạt động là bất bạo động, điều đó có đúng không?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Nhắc lại lịch sử của đảng Việt Tân cũng như của Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam thì nếu quý vị còn nhớ những năm đầu của thập niên 80, khi Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam xuất hiện và công bố bảng cương lĩnh chính trị vào ngày mùng 4 tháng 3, 1982, thì toàn văn bản cương lĩnh chính trị đó đều nói rất rõ: Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh vận dụng nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia đấu tranh toàn diện để chấm dứt ách cai trị độc tài của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, và bản cương lĩnh chính trị đó cũng nói rất rõ là lực lượng võ trang của mặt trận ở thời đó được thành lập với mục tiêu để bảo vệ.

Tóm gọn lại, tôi có thể tạm gọi là một ngộ nhận đã kéo dài suốt nhiều năm qua là Mặt Trận chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh võ trang hay bạo lực để chấm dứt chế độ Cộng Sản Việt Nam, và như tôi vừa trình bày, tất cả văn kiện chính thức của Mặt Trận cũng như những đường lối của Mặt Trận đề ra đều nói rất rõ là đấu tranh vận dụng là chính và lực lượng võ trang chỉ là một bộ phận được thành lập với mục tiêu bảo vệ, nhất là trong giai đoạn thập niên 80s đang rất khó khăn.

Ði từ nền tảng đó, đảng Việt Tân thực sự được thành lập từ mùng 10 tháng 9, 1982, và hoạt động tiềm ẩn trong Mặt Trận từ năm 1982 mãi đến năm 2004 mới xuất hiện công khai. Chủ trương đấu tranh vận dụng khai triển tinh thần, lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản, làm chính. Trong những năm gần đây đảng Việt Tân đã sử dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động để làm sao huy động được sức mạnh quần chúng bởi vì đó là sức mạnh duy nhất chúng ta có được để đối đầu lại với nhà cần quyền Cộng Sản Việt Nam.

NV: Với tình thế hiện nay tại Việt Nam, đảng Việt Nam có còn nhu cầu dùng võ trang để bảo vệ cho công cuộc vận động nữa không?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ngày hôm nay nhu cầu đó không còn nhiều như lúc trước nữa, hoàn cảnh đấu tranh của thập niên đầu của thế kỷ 21 này so với thập niên 90s cũng đã khác nhiều và so với thập niên 80s còn khác xa nữa.

Chúng ta hãy nhớ rằng, vào thập niên 80s, khi chúng ta khởi đầu công cuộc đấu tranh để giành tự do dân chủ cho Việt Nam, lúc đó người nào tại hải ngoại này muốn góp phần tham gia đấu tranh gần như ở trong tình trạng khó có thể di chuyển đi về Việt Nam, vì Việt Nam thời đó biên giới bị phong toả, ở bên trong đi ra không được mà ở bên ngoài đi vào cũng không phải là chuyện dễ.

Ðường duy nhất chúng ta có được vào lúc đó, những năm 81, 82, 83, để đi vào Việt Nam là đi bằng đường bộ, băng qua đất của Lào Cộng và Khơme Ðỏ. Ði bằng đường bộ thời đó qua những vùng ấy chắc chắn phải có những phương tiện võ trang để tự bảo vệ lấy mình khỏi bàn tay của Lào Cộng, khỏi bàn tay của Khơme Ðỏ, chưa kể thổ phỉ, cướp bóc. Ðó là bối cảnh của thập niên 80s. Ngày hôm nay chúng ta không phải gặp những khó khăn như thập niên 80s nữa, muốn đi về Việt Nam trong lúc này chúng ta có nhiều cách tương đối dễ dàng. Và vì vậy nhu cầu bảo vệ không còn đặt nặng như xưa.

NV: Với những người bị bắt thì đảng Việt Tân trụ sở trung ương tại hải ngoại có biện pháp nào để can thiệp?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Với trường hợp của những anh chị em bị bắt, không riêng gì bốn người mới bị bắt mà trong tất cả các trường hợp từ trước đến giờ có nhiều việc tổ chức Việt Tân chúng tôi quan tâm đến.

Việc đầu tiên là tìm cách hỗ trợ tinh thần và vật chất cho thân nhân gia đình những người bị bắt, đây là nhu cầu thiết thực mà chúng tôi cần phải giải quyết. Ðiều đáng mừng ở đây là không riêng gì đảng Việt Tân mà gần đây có rất nhiều tổ chức, nhiều đồng bào dân oan trong nước cũng sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ tinh thần cho gia đình thân nhân những người bị bắt này.

Ðiều thứ hai chúng tôi cũng quan tâm là giúp đỡ những người này về mặt pháp lý dù chúng ta hiểu sự giới hạn về pháp lý ở Việt Nam, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận được nếu có luật sư, nếu có sự bảo vệ lên tiếng thì cũng ít nhiều có tác động tích cực.

Sau cùng, đối với chúng tôi, việc quan trọng nhất mà chúng tôi đã, đang và sẽ làm trong thời gian tới là làm sao huy động được đồng bào trong và ngoài nước áp lực đến cộng đồng quốc tế, những tổ chức phi chính phủ để tranh đấu cho sự tự do của tất cả anh chị em bị bắt.

NV: Vào lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Bảy tuần này, 18 tháng 9, ngay tại hội trường Việt Báo trên đường Moran, thành phố Westminster, ông sẽ có một buổi nói chuyện nhằm mục đích tưởng nhớ cố Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu đã hy sinh trên đường trở về quang phục quê hương, với những cử tọa sẽ tham dự hôm đó, ông sẽ nói gì?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Ông chiến hữu Hoàng Cơ Minh là người sáng lập đảng Việt Tân cùng với một số chiến hữu tiên phong của đảng Việt Tân đã hy sinh tại hạ Lào vào ngày 28 tháng 8, 1987. Chúng tôi nhân dịp tưởng niệm sự hy sinh đó sẽ có một buổi sinh hoạt tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống cho đất nước. Trong dịp này, chúng tôi cũng mong có được cơ hội để tiếp xúc với một số thân hữu, những người đã yểm trợ cho tổ chức của chúng tôi trong suốt thời gian qua và những quý đồng hương nào quan tâm, chúng tôi sẽ trình bày thêm về một số những biến chuyển mới đây nhất trong tình hình đấu tranh tại Việt Nam và một số những hướng hoạt động chúng ta cần đặt biệt quan tâm và đẩy mạnh.

NV: Cám ơn ông đã đến thăm và trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Chán

Sáng ra đang nghĩ lẩn thẩn tới một bài báo cũ nói về vụ treo cổ của anh chàng tài tử nổi tiếng của bộ phim Bản tình ca mùa Đông, đọc tựa đề bài báo " Thời buổi sao lắm người treo cổ" nghĩ là tác giả chỉ nói tới một nạn nhân nạn nhân chết trong tư thế cổ bị treo ở "văn phòng" công an mới đây. Hóa ra đọc xong bài báo của nhà báo Tạ Phong Tần thì có cả hàng loạt chứ không phải một vụ. 
Đó là chưa kể những cái tin đại loại  Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 04/2010, rồi đơn khiếu nại thủ tướng của TS Cù Huy Hà Vũ để cho buổi sáng nghĩ nhà nước chắc là muốn tạo thêm công ăn việc làm cho cán bộ đó thôi, thay vì xét xử chung (còn chưa giải quyết nổi) nay đọc từng đơn cho kỹ, xử cho nhanh gọn cỡ kiểu cho "treo ở văn phòng"? Ở xứ khác để tiết kiệm công quĩ, những vấn nạn chung của cả xóm làng thì được xét chung một đơn nhiều người ký, đâu có cần tách lẻ ra. Và nghị định nghị quyết nào, nhỏ thì cũng phải đưa ra public xem dân có biểu quyết đồng thuận không, lớn thì phải đưa ra thành dự luật cho dân bỏ phiếu, cứ đâu thích thì chính phủ ban hành, không thích lại ban hành cái khác bổ sung chồng chéo lên nhau. 

Người ta gõ blog để đưa tin rồi bị cấm cản bị đóng, còn tôi buổi sáng đọc tin chán muốn đóng blog đi chơi cho rồi. Nhưng đọc cái lời giới thiệu về một bản kiến nghị, mà không thấy cười ra nước mắt thì thôi.  Người biết luật nhớ tên  nghị định nghị quyết mà còn bị đối xử như thế, hỏi người dân đen cỡ như... tôi ở VN thì biết đâu mà mò. 


Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Phim Lý Công Uẩn

Nhìn tấm hình phim Lý Công Uẩn chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long mà ngán ngẫm, không hiểu những người làm phim không hiểu lịch sử VN hay là vì ... dốt?

Làm phim như thế thì thà đừng làm phim cho tốn tiền của nhân dân, nghe nói chính phủ tài trợ 100 tỷ đồng. Chẳng thà để dân xem phim lịch sử Hàn Quốc còn hơn. Ít ra xem phim Hàn Quốc có thể hình dung thời đại nước ta thời ấy ra sao, họ cũng ăn mặc đơn giản, triều đình cũng chỉ thắp đèn cầy chứ không sáng choang như triều đình Trung Quốc bởi vì bóng đèn chỉ mới được phát minh vào năm 1879, chỉ một chi tiết nho nhỏ cũng đủ cho người ta thấy TQ thích làm lịch sử ảo cho nước họ nhưng VN thì không thể.

Hình ảnh cuối thế kỷ 19 vua quan VN còn ăn mặc đơn sơ giản dị, phần lớn dân chúng còn đi chân đất. Làm gì có chuyện mặc áo giáp ra chiến trường ở vào thời đại vua Lý công Uẩn. Chắc họ nghĩ họ làm phim Red Cliff thời Lưu Bị của TQ với những hình ảnh giả tưởng phóng đại? Những người làm phim đã coi thường dân trí, có lẽ họ phải nghe chính những người phụ nữ Việt lấy chồng Pháp, xa quê đã rất lâu, dù có lấy chồng ngoại quốc họ cũng không làm mất thể diện người Việt Nam.
 
Cứ mong phim này được đổi tên thành một phim bộ Trung Hoa nào đó, coi xong thì bỏ chứ không thể là phim lịch sử VN.
Nhưng tẩy chay phim là tốt nhất cho những người làm phim ... sáng mắt ra. 

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Ông Nguyễn Trần Bạt

Hàng ngày số người tìm đọc về ông Nguyễn Trần Bạt phải nói là cao hơn tất cả các mục khác trong blog này, đủ thấy sự nhận thức ngày nay của tầng lớp làm kinh doanh không chỉ đơn thuần làm thương mại, họ đang chú ý đến những vấn đề của xã hội chung quanh họ. Khi tầng lớp nhân dân thoát khỏi nghèo đói thì người ta sẽ chú ý đến môi trường sinh hoạt tốt đẹp hơn cho cá nhân và gia đình họ, tạo nên một lực đẩy cho sự thay đổi của xã hội? Một bài viết khác của ông Nguyễn Trần Bạt.

Nhân dân như là một phạm trù của Văn hóa chính trị

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group

Theo Chúng Ta

Nói đến đời sống chính trị người ta thường nghĩ ngay đến các nhà chính trị và các chính đảng. Đó là những bộ phận rất quan trọng cấu thành đời sống chính trị. Nhưng sẽ không có cả các nhà chính trị lẫn các chính đảng nếu không có nhân dân. Nhân dân bao giờ cũng là các đối tượng để các đảng lôi kéo. Đảng chính trị nào về bản chất cũng là đảng dân tuý. Dĩ nhiên ở đây cần phân biệt tính dân tuý với chủ nghĩa dân tuý. Nhân dân là nguyên liệu của các thế lực của các đảng phái chính trị.

Thế nhưng nhân dân, bản thân nó, cũng là một khái niệm. Đó là một cộng đồng phức tạp. Trong nhân dân có tầng lớp thượng lưu, có tầng lớp hạ lưu, có tầng lớp trung lưu. Vậy thì toàn bộ hoạt động chính trị là để thu hút sự chú ý của xã hội thông qua các đối tượng có năng lực nhận thức khác nhau. Về đại thể, nhân dân là một tập hợp của ba tập hợp con: tầng lớp hạ lưu, tầng lớp trung lưu và tầng lớp thượng lưu.

Platon cũng đã từng chia xã hội thành ba lớp người giàu, nghèo và trung lưu. Ông cho rằng những người giầu sẽ bị nhiễm căm bệnh của kẻ giầu, coi khinh người nghèo, thích hưởng lạc, thích những lạc thú hơn người, đó là những thói xấu. Ngược lại, những người nghèo, do không đạt đến mức trung bình, nên ghen ghét với những người có của, thèm muốn những cái không phải là của mình, và đó cũng là những thói xấu. Tuy nhiên, Platon mới chỉ phê bình cái giàu và cái nghèo vật chất. ông mới chỉ nhìn thấy tầng lớp trung lưu về mặt vật chất. Theo chúng tôi, cần phải đề cập đến những đặc điểm tinh thần của tầng lớp này.

Trong ba tầng lớp nói trên, tầng lớp thượng lưu thường có nhiều định kiến, tầng lớp hạ lưu thì không có đủ nhận thức xã hội và chính trị cần thiết. Tầng lớp chưa kịp có định kiến nhưng lại có đủ nhận thức về chính trị chính là tầng lớp trung lưu.

Một trong những nguyên lý của Marx là ông đề cao và dựa vào tầng lớp hạ lưu. Tầng lớp này có mạnh không? Phải nói rằng rất mạnh, nhất là trong những xã hội bị phân hoá dữ dội trong giai đoạn đầu công nghiệp hoá. Marx không phải là người đầu tiên nhận ra vai trò của tầng lớp hạ lưu. Khi cùng với Luis Philippes đứng ở trên lễ đài để trả lời biểu tình của nhân dân Pháp, khi Luis Philippes doạ bắn mà không đám bắn, Napoléon đứng bên cạnh tự nhủ thầm "Cái thằng hèn, nhưng lũ Lararion kia sẽ đưa ta đến ngai vàng và ta phải đi theo chúng". Và đó không chỉ là lời nhủ thầm của Bonaparte.

Thế nhưng tầng lớp hạ lưu chỉ thích hợp với giai đoạn phá bỏ. Mọi tiến trình xã hội đều bị quy định bởi tầng lớp trung lưu mà đôi khi người ta gọi là tầng lớp tiểu tư sản. Cùng với sự phát triển của xã hội, tầng lớp trung lưu ngày càng quan trọng hơn. Vì quyền lợi và quyền lực của nó chưa được khẳng định cho nên nó không có định kiến và không trở thành bảo thủ. Về mặt chính trị, tầng lớp trung lưu là tầng lớp trung lập. Nó hưởng ứng hay chống lại một cách tương đối chính xác, nếu không nói là chính xác nhất, đối với các vận động chính trị trong xã hội. Vì chính trị là một hoạt động rất nhậy cảm, nhà chính trị phải có những quan trắc chính xác, và tất nhất là nên dựa vào phản ứng của tầng lớp trung lưu đối với các tính khuynh hướng khác nhau của đời sống chính trị. Cho nên chăm sóc tầng lớp trung lưu là chăm sóc cho triển vọng xã hội. Mọi hoạt động chính trị của những chế độ dân chủ cần phải xoay quanh tầng lớp trung lưu.

Nhưng sự chăm sóc ấy cần được định hướng như thế nào? Theo chúng tôi, một xã hội phát triển phải có tính khuynh hướng. Nói cách khác, các lực lượng xã hội phải có đời sống chính trị chuyên nghiệp. Một xã hội có khuynh hướng sẽ phát triển hoặc ít nhất phát triển hơn các xã hội bản năng. Thế nhưng anh phát triển đến mức anh đè bẹp các bản năng thì tức là anh không còn cuộc sống nữa. Khi đó chính trị ấy nằm ngoài cuộc sống.

Cho nên khuynh hướng đúng đắn của đời sống chính trị là lựa chọn khuynh hướng nhưng không dập tắt bản năng, không bóp chết bản năng, tức là anh phải giữ nguyên được tính đa dạng tinh thần của đời sống chính trị. Nếu anh lựa chọn một khuynh hướng mà anh tiêu diệt tất cả tính đa dạng sinh học của đời sống thì tức là anh đã triệt nguồn sống, anh rơi vào trạng thái duy tâm mà người ta vẫn lên án một cách phổ biến là duy ý chí.

Hacker tấn công ông Nguyễn Hưng Quốc

Sáng đọc cái tin rất kỳ quặc về nhà văn kiêm phê bình Nguyễn Hưng Quốc trên báo Người Việt với cái tựa đề Nguyễn Hưng Quốc - Hãy dám nhìn thằng vào sự thật*. Đâm ra thắc mắc sao báo NV in một cái tin rất ư "lá cải" có tính cách bôi nhọ người ta mà không sợ bị kiện cáo hay sao, lại in vào mục Bình Luận để người đọc lầm tưởng ông Ngô Nhân Dụng viết, rất lạ đời.

Không thể nào ông Ngô Nhân Dụng làm chuyện như thế, và dù cho ông NHQ có thế nào thì báo NV cũng không thể đăng vu vơ không ghi tên tác giả, nhất là viết một bài báo hạ nhục một người trong cộng đồng người Việt Hải ngoại. Dò trong Google thì hiện ra một tờ báo khác cũng có đăng nhưng lại ghi tên tác giả Ấu Tím. Cũng không thể nghĩ tác giả Ấu Tím viết những chuyện bới móc đời tư người ta như thế, nhưng có một blog khác cho biết là cũng do tin tặc Sinh Tử Lệnh mà ra, hack vào báo Người Việt. Báo NV cũng mau chóng hạ bài báo kỳ quặc đó. Và Tiền Vệ có ghi rõ là báo NV bị hack.

Xem ra mặt trận giữa blog Việt, báo chí hải ngoại và nhà nước ta đang có vấn đề rất lớn. Cư xử lỗ mãng với những người đấu tranh cho Dân Chủ ở VN bằng cách gọi là do "quần chúng tự phát", nay lại thêm cái kiểu lỗ mãng trên net, chắc lại cũng gọi là quần chúng tin tặc tự phát.  Ôi thanh niên rường cột của Quốc gia, ôi ngân sách nhà nước đang đổ ra làm chuyện rất ư là ....vô văn hoá.

Kiểu này suy nghĩ mệt quá, chắc phải chuyển qua blog viết bằng tiếng nước ngoài cho được việc, kiếm tiền với Google, lỡ một ngày xấu trời tự nhiên trên blog mình lại hiện ra một kết quả rất là kỳ quặc thì không biết nói làm ... răng.
 
* không link bài báo bôi nhọ ấy vì thấy không đáng là tài liệu cho người đọc, ai tò mò vào Google sẽ thấy sự vô công rỗi nghề của hacker VN.

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Bomb Việt Nam

Hôm nay ngày "đẹp trời" tôi gặp gia đình, ông bố là thương gia (?), theo lời ông nói, ông đã mua hai căn nhà cho hai đứa con du học ở Mỹ, mỗi người mỗi căn. Ông sang Mỹ một năm vài lần để kinh doanh, ông nói con ông là một du sinh đã có công dân nhờ đứng tên kinh doanh cho ông.  Ông mang vợ sang chơi, khi nào muốn về VN thì về.  Ông kể kỳ này sang để làm giấy tờ mua một hãng trồng nho làm rượu. Công ty ông ở VN sẽ mua công ty Mỹ, ôi thôi.  Nghe ông nói tôi mừng sao mà VN bây giờ có người giàu giỏi thế, ông nói sắp sửa mở một bệnh viện 500 chỗ ở vùng biển miền Trung Nam VN, và cũng đã mở bệnh viện 500 chỗ ở quê miền Trung của ông. Ông nói ông có khách sạn resort ở vùng biển cách không xa Saigon.  Ông nói chủ Hoàng Anh Gia Lai xưa còn làm gỗ sau ông, hãng của "nó" ở cạnh hãng ông, rồi bà gì mẹ của Cường đô la cũng là sau này.  Nhưng ông nghĩ mãi mẹ của Cường đô la tên là gì.  Ôi thôi nghe ông nói, tôi nghĩ bụng VN cần nhiều người như ông tạo công ăn việc làm cho dân VN, tôi hỏi công ty ông là tư doanh hay hợp doanh, ông nói tư chứ không hợp. Và làm ăn không có vấn đề gì cả, miễn là làm ăn đúng luật.  Chỉ thắc mắc thế tại sao ông không ở VN đầu tư mà lo sang Mỹ đầu tư, mua nhà cửa cho con trai con gái ở? Chả trách dân nghèo lao động VN thất nghiệp vì công việc chạy sang Mỹ cho mấy người... Mễ làm.  Phải chi ông cứ đầu tư mở bệnh viện cho bệnh nhân đỡ khổ sở khỏi phải nằm hai người một giường.  Xe ở VN cũng đầy, sao ông không mở chỗ rửa xe ở VN mà sang tận Mỹ mua cơ sở rửa xe cho dân Mỹ? Hóa ra người giàu ở VN ngày nay họ... vong bản,  họ thích làm nô lệ cho người Mỹ? Thảo nào mà bây giờ dân có tiền ở VN tìm mọi cách đưa con cái du học Mỹ, học thì ít chứ chuyển tiền (đầu tư) và trụ lại thì nhiều.

Tự nhiên nhìn hai vợ chồng vàng vòng hột xoàn, ngọc đeo đầy người rất kiểu cách VN, tôi đâm nản. Lại nhìn cô con gái ăn mặc còn hở hang không có dáng vẻ thuỳ mị của con gái VN, tôi càng nản lòng hơn. 
Tự nhiên nghĩ người bạn hỏi tôi có biết ở đâu sản xuất bom nổ nhiều nhất trên thế giới không? Tôi không trả lời được lần đó, nhưng bây giờ thì tôi biết ở đâu bom nổ nhiều nhất.

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Xương khô , lý tường, và ước mơ hoang đường

Trời thì nóng ngột ngạt trong những ngày cuối của mùa Hạ. 
Một cái thư rơi vào hộp thư chỉ vỏn vẹn có mấy chữ của nhà văn Đào Hiếu, ngắn gọn cũng đủ để cho buổi sáng lẩn thẩn nghĩ về cái ngày Quốc Khánh vừa qua của VN.

 Đối với nhân dân Việt Nam, nếu đất nước có còn được chút ý nghĩa, chính là vì nó đang ôm giữ trong lòng nó xương cốt của những người thân đã chết vì một lý tưởng hoang đường và một ước mơ không bao giờ có thật.

Nhà văn Đào Hiếu (VN)

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Blog Lê Diễn Đức bị tin tặc

Các bạn quý mến

Blog “FreeLeCongDinh bị tường lửa chặn từ vài hôm nay và các bạn ở Việt Nam không truy cập được nữa. Tiếp đến là các trang “Thông Luận”, “Tiền Vệ”, "Trắng Đen Online"  và hôm nay (23/08) “X-Caphevn”, “Talawas”, Dân Luận” cũng đã bị tin tặc tấn công.
Trang Blog của tôi www.ledienduc.wordpresss.com cũng đã bị tin tặc tấn công trong hôm nay, nhờ các bạn đăng tải giùm thông báo sự cố này lên các trang mạng để đọc giả được rõ và hạn chế truy cập vào trang blog để bị nhiễm virus!
Thân mến
LDD

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Truyền đơn kêu gọi đoàn kết dân tộc

LỜI KÊU GỌI GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP, ĐÒI HỎI TỰ DO, ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Các tổ chức trong Ủy Ban Phối Hợp Hành Động vì Dân Chủ đã thực hiện một đợt rải và dán truyền đơn và khẩu hiệu mới trong nhiều thành phố trên cả nước.

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Tránh một cơn bão tố ở biển Nam Trung Hoa

Sáng sớm đọc bài báo đáng chú ý này Avoiding a Tempest in the South China Sea (Tránh một cơn bão tố ở biển Nam Trung Hoa).  Tác giả nói đến xung đột ở biển Đông Việt Nam, và đề nghị làm sao để tránh một trận chiến đối đầu.
Bận không thể dịch, bạn nào muốn đọc tiếng Việt, copy bài vào Google, chọn dịch tiếng Anh sang Tiếng Việt, dĩ nhiên bài dịch lủng củng nhưng người đọc quan tâm cũng tạm hiểu ý của tác giả.  Đọc được tiếng Anh thì tốt hơn.
Đã có bản dịch ở đây

Góp ý với LS Hà Vũ

Thư ngỏ gửi LS Cù Huy Hà Vũ

Kính gửi Luật Sư Cù Huy Hà Vũ,

Tôi, ký tên dưới đây là Lê Quốc Trinh, kỹ sư Canada, tuyên bố ủng hộ bản Kiến Nghị mới đây của Luật Sư, đăng trên Trang Mạng BauxitVN ngày 30-08-2010, yêu cầu chính quyền Việt Nam. Trong kiến nghị, Luật sư yêu cầu:

TRẢ TỰ DO CHO TẤT CẢ TÙ NHÂN CỰU QUÂN NHÂN VÀ VIÊN CHỨC CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HOÀ, LẤY “VIỆT NAM” LÀM QUỐC HIỆU ĐỂ HÒA GIẢI DÂN TỘC

Tuy nhiên tôi đề nghị Luật Sư nên kiến nghị yêu cầu Nhà Nước VN công bố chính thức bản danh sách những nhà đấu tranh dân chủ hãy còn bị giam cầm, bị cô lập hay bị quản thúc tại gia. Đề nghị Luật Sư thành lập một nhóm chuyên gia luật độc lập làm việc với Nhà Nước để điều tra và đem những hồ sơ này ra trước ánh sáng công luận quốc tế.

Sau nữa tôi cũng cũng xin có vài ý kiến đóng góp cùng Luật Sư, như sau:
Góp ý với LS Hà Vũ

1)- Đứng trên quan điểm cho rằng cuộc chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước (1960-1975)” thật ra là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc, yêu cầu Nhà Nước xoá bỏ hẳn cụm chữ “thắng và bại” trong những văn kiện liên quan đến sự kiện lịch sử này. Không ai thắng, chẳng ai bại, sự thật đắng cay là cả toàn dân hai miền Nam Bắc là nạn nhân trong bàn cờ quốc tế, chúng ta không biết yêu thương đùm bọc với nhau thì chẳng có dân tộc nào khác nhỏ nước mắt thương xót chúng ta thật lòng. Yêu cầu dứt khoát mở một Diễn Đàn thảo luận tự do, đòi hỏi Đảng Cộng Sản và lãnh đạo Nhà Nước công khai xin lỗi trước toàn dân, trả lại thanh danh và công lý cho những người lính, công chức, đã chiến đấu và làm việc trong hai chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Yêu cầu dứt khoát xoá hẳn những cụm từ sai lầm “nguỵ quân, nguỵ quyền, phản động, chính phủ bù nhìn, tay sai Mỹ” trong tất cả mọi hồ sơ pháp lý, văn hoá, giáo dục, thông tin;

2)- Yêu cầu lãnh đạo Nhà Nước tuyên bố xoá bỏ điều 4 trong Hiến Pháp hiện thời, tôn trọng tự do ngôn luận, chấp nhận đa nguyên đa đảng và từng bước tổ chức sớm một cuộc Tổng Tuyển Cử dân chủ rộng rãi cho phép toàn dân bầu lên một tập đoàn lãnh đạo đầy đủ tư cách đại diện toàn dân, do dân và vì dân;
3)- Nếu vì lý do nào đó, không thực hiện được những đề nghị Hoà Hợp Hoà Giải Đại Đoàn Kết nói trên, thì yêu cầu lãnh đạo Nhà Nước đương thời phải công bố trước dư luận tất cả mọi hồ sơ pháp lý với mọi bằng chứng rõ ràng: hàng triệu người bị đấu tố, bị giam cầm, bị học tập cải tạo trong 50 năm qua đã có tội gì với tổ quốc? Yêu cầu lãnh đạo ĐCS VN phải giải thích rõ trước toàn dân vì nguyên nhân gì họ đã tiến hành nhiều cuộc thanh trừng, ám sát, thủ tiêu, bắt giam hàng triệu người dân VN, xuyên qua nhiều sự kiện lịch sử nổi bật nhất, như:
- Chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, đấu tố, xử tử, giam cầm hàng trăm ngàn người (1954-1956)

- Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (1956);

- Chiến dịch “Đánh tư sản mại bản, ngăn sông cấm chợ” (1977-1979);

- Chính sách “Học tập cải tạo, Kinh tế mới” (1975-…).
4)- Thiết nghĩ:

- Không thể nào thực thi “hoà hợp toàn dân chân thật” trong một chính thể độc tài, độc đảng từng trù dập, đàn áp nhân dân bằng một hệ thống kềm kẹp Công An và Cảnh Sát;
- Không thể nói chuyện hoà giải dân tộc một khi Đảng cầm quyền lại chính là thủ phạm gây ra hàng triệu tội ác trong quá khứ;

- Không thể nói chuyện “đại xá tù nhân chính trị” nếu không có đầy đủ chứng cớ buộc tội họ, bắt giam họ;

Kính chào Luật Sư,
Lê Quốc Trinh, Canada

Quebec, 30-08-2010
© Đàn Chim Việt

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Chiếc tàu Kirk cứu nạn

Nhắc tới câu chuyện tàu cứu nạn của VN đối với ngư dân Việt mới đây đã làm mất chiếc tàu được cứu nạn, người ta không khỏi nghĩ đến thế nào là hai chữ đồng bào và kẻ thù. Bao giờ người thuyền trưởng VN nói một câu như kỹ sư  của tàu Kirk "Sinh mạng con người qúi giá hơn máy móc (hardware)", ý ông nói họ có thể bỏ cả một chiếc máy bay để cứu con người.

Một câu chuyện về người phi công 35 năm trước, ông Ba Nguyễn đã lái chiếc máy bay, thả vợ con xuống chiếc tàu Kirk của Mỹ để tìm đường thoát cho gia đình. Sau đó ông nhảy thoát ra khỏi chiếc máy bay và được cưú trong chiếc quần đùi. Chiếc tàu Kirk đã cưú thoát từ 20 đến 30 ngàn người trong những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 75. Bây giờ thủy thủ đoàn đang tìm lại những người họ đã cứu để dựng lại cuốn phim mà lịch sử chiến tranh Việt Nam đã bỏ quên.

Bao giờ toàn dân VN mới được "cho phép" nhìn lại cuộc chiến ấy một cách thẳng thắn hơn nhân bản hơn thay vì là những hãnh tiến về những cuộc chống xâm lăng của đất nước, không hiểu sao họ chỉ nói đến cuộc chiến chống Pháp chống Mỹ mà không thấy nói đến chống Tàu. Vừa qua đi chơi, ngay cả những người cùng tuổi với tôi, không ai biết về cuộc chiến 1979 với Trung Quốc, đủ thấy nhà nước CSVN có đường hướng nhất định trong vấn đề truyền thông.

Bây giờ biển Đông sẽ có nhiều tầu Mỹ qua lại, không lẽ xúi ngư dân VN hãy cầu nguyện cầu cứu tầu Mỹ cứu thay vì tầu VN?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"