Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Kỷ yếu một H.O.

Một đoạn văn ngắn nhưng cũng đủ nói lên cuộc đời một sĩ quan VNCH, một gia đình đã trải qua bao nhiêu cay đắng suốt bao năm sau 1975.  Gia đình ly tán, một người chông mất vợ, làm gà trống nuôi con. Mong rằng những ngày cuối của ông là những ngày ít đau đớn. 
Post lại đây vì có khi bài đọc không thể đọc được từ VN. Báo Người Việt tuy vậy, ngay cả ở hải ngoại cũng khó nối vào huống chi ở trong nước.  Không hiểu họ làm web thế nào mà mạng luôn chậm!

Viết từ nhà thương
Nguyễn Hữu Phú



Tác giả Nguyễn Hữu Phú và gia đình. (Hình: Tác giả cung cấp)
Cha mẹ tôi vốn là phú nông, còn thêm buôn bán từ Huế ra Vinh. Hồi nhỏ, tôi học trường Donbosco tại Quảng Trạch, Quảng Bình, do các cha và các thầy dòng dạy. Tháng Bảy, 1954, hiệp định Geneve, ngừng bắn, gia đình di cư vào Nam, lập nghiệp tại Kim Long, Huế. Vào Nam, tôi học các trường Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Sao Mai. Ra trường, đi làm và tự lập. Năm 1959, cha mẹ từ Huế vào cưới vợ cho con tại Ðà Nẵng.
Ðến năm 23 tuổi, tôi được động viên học khóa 12 Trần Hưng Ðạo, sĩ quan Thủ Ðức. Tháng Tám, 1960, ra trường với cấp bậc chuẩn úy. Ðược tuyển chọn một trong số 10 người, trên 1,250 sinh viên, về ngành An Ninh Quân Ðội, Bộ Quốc Phòng. Ðậu thủ khoa trên 25 sĩ quan và trên 100 hạ sĩ quan. Ðược Ðại Tá Ðỗ Mậu, giám đốc Nha ANQÐ, Bộ Quốc Phòng, sau là thiếu tướng thông tin, trao bằng danh dự cùng quà tặng, trước sự hiện diện của quân nhân, gia đình binh sĩ, và ban văn nghệ bậc nhất thời bấy giờ.
Tôi ra trường, đến thăm anh con cô cậu ruột, Nguyễn Bá Linh, thiếu tá tỉnh trưởng Vĩnh Long, anh cho lá thư gởi Ðại Úy Dương Tiến, sau là trung tá Chánh Sở I ANQÐ. Tôi được chỉ định làm Trưởng Ban 1, Phòng Nhân Viên, theo dõi điều chỉnh hồ sơ, vẽ sơ đồ... Sau một thời gian, tôi nhận được công điện thuyên chuyển về cục ANQÐ tại Sài Gòn, được bố trí trưởng ban 1, phòng bảo vệ do Ðại Úy Phạm Thành Kiếm làm trưởng phòng. Tại Cục ANQÐ, tôi được yêu cầu huấn luyện cho sĩ quan, hạ sĩ quan về đề tài bảo vệ cơ sở. Sau đó lại được hoán đổi về Sở I ANQÐ tại Ðà Nẵng, sở yêu cầu tôi tổ chức liên tục các khóa an ninh căn bản cho sĩ quan, hạ sĩ quan an ninh đơn vị, trong số có Trung Tá Tài, khóa tu bổ Ðà Nẵng là cấp bậc lớn nhất. Mỗi khóa học 1 tháng, học viên từ 40 đến 50, bằng cấp do trung tá chánh sở ký, với kiến thị của trung tướng tư lịnh quân đoàn I. Tiếp theo, tôi được theo học hai khóa cấp I và cấp II tình báo, tại trường quân báo Cây Mai, rồi du học tại trường phản tình báo Okinawa, Nhật Bản, tốt nghiệp hạng ưu.
Ðại Tá Sáng, Chánh Sở I, dành 1 căn nhà trong dãy nhà sĩ quan tại sở cho gia đình tôi ở. Trong 17 năm làm việc tại Sở I ANQÐ, tôi giữ các chức vụ: Phụ tá trưởng ty ANQÐ Quảng Trị, phụ tá trưởng Phòng An Ninh quân đoàn cho Thiếu Tá Hồ Văn Thống, trưởng phòng, Ban Khai Thác, chánh văn phòng, ngày 1 Tháng Ba, đi với Ðại Tá Sáng vào nhận chức trưởng chi ANQÐ Ninh Hòa, Nha Trang, và sau đó là tại Cam Ranh cho tới ngày “sập tiệm,” thầy trò dắt nhau đi ở tù “cải tạo.”
Tôi lãnh ba nhiệm kỳ, chín năm tù, ra trại bị quản chế tại Kinh Tế Mới ở Khánh Hòa ba năm. Trên thực tế, cho đến ngày qua Mỹ, tôi sống tại Ðà Nẵng từ năm 1955 đến năm 1972 là 17 năm, biết bao kỷ niệm nhớ thương.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ngày tàn chế độ, vợ và các con tôi không nhà, không nơi nương tựa phải đi Kinh Tế Mới. Mấy mẹ con lên Kinh Tế Mới được một năm thì vợ tôi bị bịnh sốt rét, chết tại bệnh viện Khánh Hòa. Cha mẹ tôi đưa xác về chôn cất tại Cam Ranh. Một người vợ hiền lành, mảnh mai, lâm cảnh cơ hàn, chết bơ vơ trong cảnh đổi đời. Các con mồ côi, mất tuổi thơ, tuổi xuân nơi núi rừng, đào bới đất đá mà sống.
Còn tôi trong trại tù lao động cực khổ, sắn ăn cầm hơi. Sau tôi may mắn được nuôi lợn, cho ăn và tắm rửa, mỗi ngày nhặt rau bỏ, sắn, trái cây hư đem về bếp cho ông Chánh Lục Sự già yếu ăn thêm.
Ngoài ra, tôi được cho đi làm ngoài, toán sáu người, chặt một người hai bó cây. Anh em lo cho tôi hết, tôi vào nhà dân mua bán đổi chác, anh em đưa áo quần cho tôi nhờ đổi con gà luộc hoặc ký đường cát. Nhờ vậy mà mỗi ngày tôi được luộc một nồi sắn cho anh em ăn, còn đem về trại cho một hai anh em bạn thân khác, trong số có Nguyễn Ng. V., quê Lệ Thủy, là ưu tiên. Về sau, hắn đổi qua láng khác, tôi vẫn cho đồ ăn, nhưng hắn ghen tỵ nên báo cáo rành mạch để cán bộ bắt quả tang. Thật ra, mua bán đổi chác chỉ nhốt năm ba bữa, nhưng tôi bị xui là buổi sinh hoạt đêm qua tôi phát biểu mánh khóe bớt xén gạo nhà bếp của anh em tù do tên Thượng Úy Tẩu quê ở Quảng Nam làm hậu cần. Tên này, do tôi tố cáo với Thượng Úy Huệ, sĩ quan thanh tra liên trại, nên bị sa thải tại chỗ. Tuy nhiên, hắn đã ra lệnh nhốt tôi phòng cách biệt đêm trước. Phòng cách biệt khoảng thước vuông, làm bằng nứa, đổ đất ở giữa, đêm đến cho lính canh vào đánh. May tụi lính canh thương hại nên chỉ đánh đá vào vách.
Tôi bị nhốt, ban ngày lao động một mình do Trung Sĩ Phát trông coi rất dễ chịu.
Tuần lễ thứ hai và là khởi sự cho việc trốn trại. Tên Trung Sĩ Minh đổi toán thay cho tên Trung Sĩ Phát. Bàn giao xong, hắn đi một mình xuống trại giam, bắt trói tôi vào cột nhà để đánh đập. Biết tên này hung dữ, lỡ đánh chết mình thì oan (hắn thù oán vì có hai người anh tử trận ở miền Nam), tôi giả kế nói: “Qua một tuần lễ suy nghĩ, tôi biết việc làm sai trái, cán bộ để tôi cung khai, đủ cả người mua bán đổi chác.” Hắn tin tưởng đưa tôi lên bàn ăn ngoài láng, đưa bút giấy cho tôi khai, giao cho tên Ngọc (Tàu lai) trên chòi canh chừng! Giờ trốn trại đã điểm. Hết giờ làm việc, tên Ngọc quay mặt ra ngoài đánh kiểng chậm rãi. Tôi vội chạy vào trại thay bộ đồ đi rừng, chụp cái nón lá, đạp hàng rào lẻn ra ngoài, lên khu vệ binh riêng biệt cạnh trại. Bọn nó không ngờ, rải quân hàng ngang từ lính chí quan, lần lượt từ đồi sắn này đến đồi sắn khác, cán bộ dùng loa kêu gọi bảo lãnh tánh mạng cho tôi. Ðến khoảng 2 giờ, mệt lả, đói bụng, chúng kéo về.
Tôi xuống đồi, đến nhà anh Triệu Mai Tân có con đầu tên là Triệu Mai Thăng. Vợ người Tày tên Nghĩa, hằng ngày, sáng cầm dao lên rẫy, chiều gùi một giỏ sắn về. Anh ở nhà nội trợ nấu cơm trộn sắn, thức ăn thì mắm muối, có bữa ra hồ Thác Bà lưới vài con cá đem về ăn. Anh cho tôi bộ bà ba đen, một dao phay, một cái nón cối. Trước giờ chia tay, tôi còn nhờ Thăng lên đồi đốn cho năm cây Nứa cỡ bằng cườm chân để vượt hồ Thác Bà qua núi rộng chừng hai cây số.
Trời tối đen, tôi vượt hồ Thác Bà, ra giữa hồ phải tránh né những bè mảng của dân câu cá, câu tôm. Trong lúc đó, trại cũng cho đốt đuốc truy lùng. Tôi lên núi, đi bốn ngày đêm, ăn sắn, bắp sống. Dân làng ba xóm, cùng đèn bão, lên bao vây tôi chỉ còn khoảng 50 đến 100 mét. Tôi núp trong hầm, nếu họ có một cái đèn pin thì đã phát hiện ra rồi. Bỗng trời đổ cơn mưa dữ dội, chịu không nổi vừa mưa vừa lạnh, họ từ từ rút dần xuống đồi. Cảm tạ ơn trên cho tôi thoát thân.
Qua một ngày ven suối, vào khoảng sáu giờ chiều, tôi vào trình diện liên trại. Ðược mấy ông trung tá, thiếu tá chỉ thị nhà bếp cho tôi một dĩa cơm. Ăn xong, Thượng Úy Huệ dùng đèn pin dẫn qua cánh đồng đưa đến trại 4. Ông này lấy thêm lời khai của tôi vụ Thượng Úy Tẩu bớt xén gạo nhà bếp (do anh Châu đầu bếp thay tôi cho biết. Anh này bị lật Mảng, chìm chết tại hồ Thác Bà khi mang cơm cho anh em lao động ăn trưa tại chỗ).
Tôi đến trại 4, lúc đầu được thiếu úy, cũng tên Huệ, bảo làm luống cỏ trên đường vào phòng. Trung Tá Luyện trại cũ mang quân tư trang lên cho tôi, đi bằng ghe Mảng, có tên Ngọc dẫn đi. Tên Ngọc gác cổng đi lên với hy vọng may ra đánh tôi được vài báng súng. Thiếu Úy Huệ bảo hắn ra ngoài chờ bàn giao nên tôi thoát bị đòn. Tại trại 4, văn phòng báo chí bị gián đoạn, đóng cửa vì anh Lập họa sĩ phụ trách đã chuyển vào Nam. Tôi được anh em giới thiệu đưa lên làm việc. Ðầu tiên là 8 trại làm 8 bích chương dự thi, tôi chọn đề tài “Ðền Ơn” và vẽ hình bông lúa đạt giải nhất. Ðặc biệt các bài Lao Ðộng Là Vinh Quang nỗi bậc nhất bích chương.
Tôi được chuyển về trại 3 Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh từ năm 1982 và đến năm 1984 được thả về. Tại đây tôi được chỉ định làm tổ trưởng tổ chuyển vận gồm 10 người. Thiếu úy Lực, cán bộ quản giáo, đi bộ đội vào miền Nam, bị thương, chuyển qua công an, nghèo khổ, thực thà. Bốn năm sau cùng trước khi ra trại, được vào tổ chuyển vận, bốc vác, thật là may mắn, được ăn ké cơm với thịt, chỉ dành cho cán bộ. Ngày ra trại, tôi và quản giáo Lực bùi ngùi, xúc động. Nếu có dịp về Việt Nam, mong gặp lại, mời vào miền Nam chơi cho rõ tình.
Tôi về, ở cùng các con vùng Kinh Tế Mới làm ruộng rẫy, chặt Lồ Ô về chẻ Hom, đem ra chợ bán. Cuộc sống cha con có phần đỡ khổ hơn, tuy vẫn cơm độn, mắn muối. Tại đây, người ta tổ chức một cuộc tập trung nhân dân toàn xã, bắt tôi đọc tiểu sử. Trưởng công an huyện nói: “Tiểu sử của anh rất huy hoàng nhưng sống trên xương máu của nhân dân.” Tôi trả lời: “Sống chế độ nào, phục vụ chế độ đó. Chính phủ trả lương, tôi chẳng bóc lột xương máu nhân dân bao giờ.” Kết luận, hắn khuyên tôi hòa mình với nhân dân, xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Buổi đọc tiểu sử kết thúc lúc 1 giờ trưa. Mỗi tuần, tôi có một quyển sổ ghi học tập, lao động, nội quy... Ghi vào, trình diện công an xã hàng tuần, công an huyện hàng tháng, suốt ba năm. Sau đó, tôi giả vờ lơ đi, bọn chúng cũng thay đổi, chẳng tên nào để ý. Tôi bị trưởng công an huyện, tù ở đảo về, coi trọng là vì sĩ quan ngành an ninh phản tình báo, biết bao sĩ quan cải tạo về mà nó chả đề cập.
Mấy năm sau, nhiều người lo thủ tục giấy tờ đi Mỹ diện H.O. Cái khó khăn bấy giờ của cha con chúng tôi là tiền đâu để lo thủ tục và ở ngoài Trung xa Sài Gòn. Tôi chạy đến anh em, bà con họ hàng xin xỏ vay mượn. Ðược chừng nào thì lo chừng đó, thiếu thì lại chạy đi xin, đi mượn nữa. Thật tình thì cha con chúng tôi cũng không hy vọng gì mấy. Làm hồ sơ thì làm chứ không có đủ tiền để lo lót đến nơi đến chốn, chỉ cầu may. Chờ đợi mấy năm, gia đình chúng tôi nhận được giấy báo, rồi giấy phỏng vấn, chúng tôi lại chạy vay tiền bạc vào Sài Gòn phỏng vấn, khám sức khỏe. Lòng luôn phập phồng lo lắng trục trặc hay có sự gì đổi thay. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được ngày ra đi.
Từ chốn núi rừng đói rách, đặt chân lên đất Mỹ văn minh, nhà cao, đường lớn, tâm trạng chúng tôi thật háo hức cùng đầy âu lo. Vốn liếng tiếng Anh của chúng tôi chẳng bao nhiêu, nhưng cũng như mọi người chúng tôi vừa học tiếng Anh vừa đi làm rồi mọi sự từ từ cũng êm xuôi.
Gia đình tôi đến Mỹ năm 1994. Sau 16 năm định cư tại Hoa Kỳ, các con tôi ai cũng từ độc thân, tay trắng, nay đều đã có gia đình, con cái, nhà cửa, xe cộ. Cuộc sống chúng tôi mọi sự thật đầy đủ, hạnh phúc, duy chỉ có điều buồn nhất là tôi sắp lìa xa các con cháu của tôi vì bị ung thư giai đoạn cuối.
Như cây đèn cạn dầu, nằm nhà thương, tôi thở, ăn uống bằng những ống dây, không nói được lời nào đã gần hai năm nay. Thân xác tôi ốm yếu, nhỏ thó như một đứa con nít thiếu ăn, tinh thần yếu kém, mọi chăm sóc cá nhân đều nhờ người khác. Bác sĩ nói, tôi không còn sống được bao lâu nữa. Thế là hết một kiếp người!
Cảm tạ ơn trên đã quan phòng, che chở cho gia đình tôi bình yên và cám ơn các ân nhân đã giúp cha con được định cư tại Hoa Kỳ.

(Viết tại nhà thương, California, ngày 11 tháng 5 năm 2010)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"