Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

Madame Ngãi


Tiếp câu chuyện di tản 219 cô nhi Việt, 12 Tháng Tư 1975
Bảy lần di tản, nuôi một ngàn cô nhi, làm người di tản cuối đời
Hà Giang/Người Việt
Trong số báo cách đây ít ngày, độc giả được đọc câu chuyện về người phụ nữ Mỹ, tên là Betty Tisdale, từng mang 219 cô nhi Việt Nam ra khỏi Sài Gòn những ngày cuối Tháng Tư, 1975. Trong câu chuyện mà bà Tisdale, nay đã 87 tuổi, kể cho phóng viên Hà Giang của nhật báo Người Việt, bà có nhắc đến một phụ nữ Việt Nam, mà bà gọi là một vị Thánh. Người phụ nữ Việt Nam này tên là Vũ Thị Ngãi, từng cưu mang đến cả ngàn cô nhi miền Bắc, hồi thập niên 1940s, 1950s. “Madame Ngãi,” theo cách gọi của bà Tisdale, từng là tiểu thư của một trong những gia đình giàu có bậc nhất Thanh Hóa một thời. Gần 220 “đứa con” cô nhi của Cô Nhi Viện An Lạc thoát ra khỏi Sài Gòn năm 1975. Cuộc đời bà Vũ Thị Ngãi sau đó ra sao? Bà Betty Tisdale gặp vị Thánh Nguyễn Thị Ngãi của mình như thế nào? Xin theo dõi tiếp câu chuyện sau đây.

Bà Vũ Thị Ngãi săn sóc một em cô nhi bị ghẻ lở tại cô nhi viện An Lạc, Sài Gòn, vào khoảng năm 1961. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

Lật từng trang, rồi từng trang, cuốn “sổ đời” của bà Betty Tisdale, chúng tôi trở về với khung cảnh của cô nhi viện An Lạc, của Sài Gòn yêu dấu, và của những thay đổi của cô nhi viện này từ năm 1961, đến cuộc di tản Tháng Tư năm 1975.
Thời gian làm những tấm ảnh úa vàng, hoen ố nhiều chỗ. Nhưng bà Betty vẫn vanh vách đọc tên những khuôn mặt của từng người trong hình. Chắc hẳn bà đã nhiều lần xem đi xem lại những dấu tích kỷ niệm.

Các em cô nhi vây quanh người mẹ chung là bà Vũ Thị Ngãi, và Bác Sĩ Tom Dooley, vị ân nhân của cô nhi viện An Lạc trước khi bác sĩ Tom Dooley qua đời. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

Một tấm hình trắng đen chợt rơi ra.
Cầm hình lên ngắm nghía một lúc, bà Tisdale đưa hình cho tôi rồi nói bằng một giọng chợt nặng trĩu.
“Ðây là madame Ngãi, đang săn sóc một em bị ghẻ lở.”
“Bà Ngãi bây giờ còn sống không? Sau khi đám cô nhi được di tản, thì chuyện gì xảy ra cho bà?” Tôi hỏi.
Thay vì trả lời tôi, bà Tisdale mơ màng: “Người ta gọi madame Ngãi là người mẹ của ngàn đứa con!”
“Tôi coi madame Ngãi như một người mẹ. Bà và Bác Sĩ Tom Dooley là hai người Thánh sống.”
“Nếu không có Bác Sĩ Tom Dooley thì tôi đã không đến thăm cô nhi viện An Lạc.”
“Nhưng nếu không có Madame Ngãi thì cũng không có cô nhi viện An Lạc, và cũng tôi cũng không ngồi đây nói chuyện với cô ngày hôm nay.”
“Tôi thật may mắn được sống cùng thời với hai vị Thánh” Bà nói.

Bà Vũ Thị Ngãi (giữa) và Betty Tisdale (phải) trước giờ các em cô nhi được đưa lên máy bay qua Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 4 năm 1975. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

Rồi bà bảo tôi ngồi yên chờ bà đi pha ấm trà.
Biết bà đang muốn che giấu xúc động, tôi ngồi yên chờ đợi.
Trở lại với hai tách trà nghi ngút khói, và cuốn sách “Deliver Us from Devil” của Bác Sĩ Tom Dooley bà bảo.
“Tôi biết cô rất muốn tìm hiểu về Madame Ngãi, nhưng không hiểu tại sao cứ kể về bà thì tôi lại xúc động quá không nói được.”
“Những gì Bác Sĩ Tom Dooley kể về bà trong cuốn sách này tôi thấy rất chính xác!”
“Cô đọc đi nhé!”
Tôi cầm lấy cuốn sách, đọc chương Bác Sĩ Tom Dooley kể về Madame Ngãi và cô nhi viện An Lạc: “Những ngày công tác ở Hải Phòng để giúp những người Bắc di cư vào Nam, với chúng tôi là những ngày u buồn. Buồn không phải vì làm việc vất vả, nhưng vì những đau thương của bệnh nhân quanh chúng tôi quá nhiều, săn sóc không xuể.”
“Người bạn thường xuyên của chúng tôi là nỗi buồn, thế nhưng nếu chúng tôi muốn trốn nỗi buồn mà bỏ đi một buổi chiều nào đó, thì mặc cảm tội lỗi lại khiến chúng tôi hết vui nổi.”
“Cũng may còn có đám trẻ con của bà Ngãi, và cô nhi viện mà bà đã đặt cho cái tên không chính thức là An Lạc.”
“Họ đã mang đến cho chúng tôi những niềm vui hiếm có. Ðám cô nhi này là con của bà Ngãi, và giờ đây, họ cũng trở thành con chúng tôi.”

Các em cô nhi vui mừng ôm chầm lấy mẹ trong ngày bà Vũ Thị Ngãi đến Columbus, Georgia, vào đúng ngày 30 tháng 4, năm 1975. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

“Trong khốn khó, chúng tôi đón nhận nhau như những người thân trong gia đình. Và tôi cùng với các y sĩ phụ tá, trở thành viện y tế của các em cô nhi.”
“Madame Ngãi là một người đàn bà có nhiệt huyết của một cô gái 16, trông trạc tuổi ba mươi, nhưng bà đã hơn năm mươi tuổi.”
“Sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở miền Bắc, nhưng Madame Ngãi thật dễ thương.”
“Bà có làn da mịn màng, tóc đen nhánh, nụ cười rất tươi, đôi mắt sáng, và hơi xếch ‘rất Á Ðông’, đã làm nhiều người say đắm ngay từ phút đầu gặp gỡ.”
“Madame Ngãi là một người rộng lượng. Một người trông coi cả một cô nhi viện thì hẳn phải là một người có đầu óc và trái tim rộng lượng.”
“Bà muốn ôm hết tất cả những trẻ thơ xấu số vào lòng, để thương yêu, để chăm sóc. Bà Ngãi có biệt tài chiếm được cảm tình của mọi người đối diện, nhất là những người Mỹ vừa có lòng hảo tâm vừa có điều kiện giúp những em cô nhi của bà.”
“Những em cô nhi được bà quan tâm đặc biệt thường là những em bị tật nguyền, xấu số nhất, thí dụ như cậu bé tên Nguyên.”
“Không ai biết cậu họ gì. Bà Ngãi cho biết bà nhặt cậu ở Thái Bình lúc mới lên 4. Giờ thì cậu đã 6 tuổi và có một nụ cười thật dễ mến. Nguyên bị lao xương sống lưng khiến cậu bị hơi gù. Nhưng Nguyên không bao giờ để việc đó làm mình buồn. Khi đi đứng, cậu thường xuyên bị té xuống, có khi thay vì đi thì lại lăn người trên đất, nhưng lúc nào cậu cũng phá lên cười.”
“Một em bé nữa cũng được Madame Ngãi rất thương, tôi không nhớ rõ tên. Em mới hai tuổi mà đã hoàn toàn bị mù, vì em bị đau mắt hột nặng cả hai mắt từ lúc mới sơ sinh. Tôi nhớ Madame Ngãi hay ôm em mà nói: “Giá mà lúc mới bị đau, em đã được chữa ngay thì đâu đến nỗi...”
“Có những em khác bị giang mai bẩm sinh, bị quặt lưỡi, què quặt, hay người đầy ghẻ lở khiến các bác sĩ dù cũng phải thấy hơi ghê sợ khi phải chăm sóc, nhưng bà Ngãi hình như lại lo cho các em một cách đặc biệt.”
“Gần bà, trẻ em hầu như không sống với mặc cảm, các em vẫn vui tươi, và tiếng cười hồn nhiên của các em trong những cảnh khốn cùng nhất làm cho chúng tôi quên hết mệt nhọc và thấy đời sống thật đẹp và có ý nghĩa.”
“Vì yêu các em, và vì yêu mến bà Ngãi, mà các người lính hải quân cứ có tí thì giờ rảnh là vào khu được gọi là cô nhi viện.”
“Và để cám ơn chúng tôi, bà không có gì hơn là đã chúng tôi những bữa ăn tối thật ‘thịnh soạn,’ nhưng với chúng tôi đôi khi là một mạo hiểm. Hãy thử tưởng tượng món súp nấu với đầu cá, gà luộc để nguyên cái đầu, mắm tôm, thì có thể hiểu nổi sự ‘hãi hùng’ của chúng tôi.”
“Madame Ngãi cứ lặng lẽ làm việc, chẳng bao giờ kể gì về mình.”
“Một lần tò mò, chúng tôi hỏi bà là cô nhi viện từ đâu mà có, những trẻ em từ đâu ra?
Và bà làm sao có tiễn để nuôi dưỡng chúng?”
“Lúc đó, Madame Ngãi mới kể chuyện cho chúng tôi bằng một giọng mơ màng, như người kể chuyện cổ tích.”
“Tôi sinh trưởng ở Thanh Hóa.”
“Gia đình tôi có lúc giàu có nhất Thanh Hóa. Chúng tôi có một ngôi nhà lớn thật đẹp và chung quanh là ruộng cò bay thẳng cánh. Mặc dù sau chiến tranh, căn nhà của chúng tôi bị sập đổ nhiều, nhưng vẫn còn ở được. Tôi cứ ra đường gom góp các em bé vẫn còn sống, mang về nhà, và tôi cùng các gia nhân cho các em tá túc.”
“Vào năm 1946, tai Thanh Hóa có rất nhiều trận chiến. Gia đình tan nát, Làng mạc đầy người chết, Trẻ con bị bỏ rơi trên các nẻo đường, hay thơ thẩn bên cạnh xác chết của cha mẹ. Chiến tranh không có thì giờ để dừng lại chăm sóc cho trẻ em.”
“Khi chiến tranh tiến sâu vào Thanh Hóa, tôi biết rằng mình phải di tản, Lòng thật buồn, tôi bán nhà, gom góp tiền bạc và vòng vàng mang đi, đến tỉnh Nam Ðịnh. Tại Nam Ðịnh, tôi mua một căn nhà khác, và tiếp tục nuôi đám cô nhi, giờ đã lên đến 600 đứa. Khi Nam Ðịnh rơi vào tay Việt Minh năm 1949, tôi lại phải di tản nữa, lần này mang theo 1,000 cô nhi.”
“Chúng tôi đã phải di tản như thế tất cả là 5 lần, và cuối cùng tôi đến ở Hải Phòng.”
“Trong lần di tản cuối cùng, vào Nam, bà chỉ còn mang theo được 80 em cô nhi, và tại Sài Gòn, cơ quan ‘Công Tác Nước Ngoài Hoa Kỳ’ (United States Oversea Mission) đã cất sẵn cho bà một cô nhi viện, mà bà đặt tên là cô nhi viện An Lạc.”
Ðọc xong chương sách, tôi nhìn bà Tisdale, chép miệng.
“Không ngờ, hai mươi năm sau Madame Ngãi lại phải di tản cô nhi viện An Lạc một lần nữa.”
Bà Tisdale, dường như đã lấy lại được bình tĩnh, bắt đầu kể chuyện:
“Sau khi đã đưa các em cô nhi về đến Geogia an toàn, tôi bắt đầu lo cho Madame Ngãi.”
“Tôi gọi cho Ðại Sứ Martin và nhờ ông đến cô nhi viện An Lạc đưa Madame Ngãi cùng người phụ tá, cũng là cháu của bà tên Thúc, và 3 người nữa đến tòa đại sứ.”
“Tôi khẩn khoản nhờ ông bằng mọi cách phải đưa bà ra khỏi Việt Nam vì nếu không tính mạng bà sẽ bị nguy hiểm khi Cộng Sản chiếm được Sài Gòn.”
“Mấy ngày sau tôi nhận được tin báo là Madame Ngãi đã được đưa đến Guam an toàn.”
Kể đến đây, bà Tisdale tìm trong cuốn scrap book, trao cho tôi một bài báo có tên “Orphanage Head May Be Adopted” của tờ Times Daily, đăng ngày 28 Tháng Tư, 1975, bảo tôi đọc đi, rồi ra khỏi phòng.
Bài báo viết: “Bà Vũ Thị Ngãi, 70 tuổi, một phụ nữ đã bỏ ra 30 năm trời nuôi dưỡng các em cô nhi tại cô nhi viện An Lạc, Sài Gòn, giờ đây có lẽ cũng có người nhận mang về nuôi.”
“Ðược Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ giúp ra khỏi Sàigòn từ tuần trước, hiện nay đã đến Guam.”
Cựu Ðại Tá Bác Sĩ quân y Patrick Tisdale cho biết vợ ông, Betty Tisdale đã bay đến Guam vào ngày hôm qua, Chủ Nhật, 28 Tháng Tư, để đón bà về Columbus, Georgia.”
“Tôi nghĩ có lẽ kỳ này chúng tôi sẽ chính thức nhận Madame Ngãi làm mẹ nuôi. Từ trước đến giờ vợ chồng tôi vẫn xem bà như một người mẹ. Bà rất gần gũi với vợ tôi.” Bác Sĩ quân y Tisdale nói.
“Dù không muốn bỏ hơn 100 người con nuôi lại An Lạc, Madame Ngãi bắt buộc phải rời Sài Gòn trước khi Cộng Sản vào, vì chắc chắn họ sẽ trừng phạt bà, chúng tôi không nghi ngờ gì về điều này.”
“Ông Tisdale, 45 tuổi, một đại tá bác sĩ quân y về hưu, đã phục vụ tại Việt Nam một năm, cho biết Cộng Sản đã công bố trên chương trình phát thanh của họ, là Madame Ngãi nằm trên một danh sách những người sẽ bị xử tử.”
“Có rất nhiều lý do khiến họ muốn giết bà, nhưng việc mà bà nhất định phải di tản hơn 200 cô nhi qua Mỹ là một lý do quan trọng.”
Bà Tisdale bổ túc bài báo bằng những lời giải thích: “Chồng của Madame Ngãi là một nhà tư bản công nghiệp giàu có, cùng với một người con trai đã bị mất tích, biến mất trong cuộc hỗn loạn xẩy ra đầu năm 1954, khi quân Việt Minh giao tranh với quân Pháp.”
“Khi di cư vào năm 1954, Madame Ngãi đã mang 80 cô nhi từ Bắc vào Nam. Ở đó, bà dựng ra cô nhi viện An Lạc, với sự giúp đỡ của Bác Sĩ Quân Y Tom Dooley, người đã phục vụ ở Việt Nam vài năm trước khi ông qua đời năm 1961, ở tuổi 34.”
“Madame Ngãi không phải là một người làm chính trị, bà rất cẩn thận để tránh khỏi bị gán cho từ đó. Thế nhưng bà vẫn có những lý do cá nhân để không thích cộng sản.”
“Bà cho biết lý do bà để cho các cô nhi rời khỏi Việt Nam vài tuần qua cũng giống như lý do tại sao bà mang các em rời khỏi miền Bắc vào năm 1954: Bà không muốn các cô nhi của mình phải sống dưới chế độ Cộng Sản.”
“Nhưng bà Ngãi bây giờ còn sống hay đã chết?”
Tôi chợt hỏi.
“Tìm Madame Ngãi tại Guam, tôi đưa bà về Columbus, Georgia để ở với chúng tôi.”
“Chúng tôi xây một căn nhà riêng cho bà ở sau vườn.”
“Ngày bà đến Georgia, gần như hầu hết các em cô nhi đều ra đón. Mọi người ai cũng vui quá.”
“Nhưng bà chỉ ở được với chúng tôi ba năm, rồi qua đời năm 73 tuổi, sau khi bị stroke.”
“Tại sao những người tốt lại chết sớm?” Bà Tisdale hỏi.
“Bác Sĩ Tom Dooley cũng là người tốt mà còn mệnh yểu hơn.” Tôi nói.
Rồi bà hỏi, như tự trả lời.
“Ừ, tôi nghĩ có lẽ điều quan trọng không phải là sống được bao lâu, mà là đã làm gì được cho ai, và khi chết đi có ai thương tiếc, phải không?”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"