Tôi sinh vào nửa cuối những năm 1980, tức là khi cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt đã qua đi ít nhất 10 năm. Tôi lớn lên, nhận thức tạm ổn định vào nửa sau những năm của thập niên 1990, tức là khi cuộc nội chiến máu đỏ da vàng đã có ít nhất 20 năm tắt lửa. Nhưng cũng từ lúc đó, đám chúng tôi - tức tôi và những kẻ cận kề trang lứa với tôi, bắt đầu bước vào 1 cuộc đời đau khổ nhất. Đau khổ nhất trên thế giới này là dân tộc Việt Nam, và đau khổ nhất trong tất cả những con người mang dòng máu Việt Nam, là lũ chúng tôi - những thằng 8x.
Xin đừng mỉa mai và đừng chế giễu,
Rằng chúng tôi chỉ 1 đám trẻ con
Rằng chúng tôi chẳng 1 ngày vướng phải đạn bom,
Rằng chúng tôi sao biết được thế nào là đau khổ,
Làm sao biết kiếp người như thân trâu chó,
Rằng chúng tôi đã bao giờ ăn khoai sắn độn bobo, ăn gạo mốc, cá ươn và cỏ dại.
Chưa từng nếm những trận dịch tả, sốt rét rừng quằn quại
Xin đừng cười cợt rằng chúng tôi chẳng hề mất một ngón tay,
Chưa chịu một vết thương hay chứng kiến một người phải chết.
Tôi không nếm trải nhưng chúng tôi biết hết,
Và đau hơn mọi kẻ phải chịu đau.
Bởi chúng tôi sinh ra, là hậu duệ của nỗi u sầu
Của một dân tộc từ những buổi đầu đã hứng chịu nhiều oan nghiệt
Mấy ngàn năm bé nhỏ và thua thiệt
Thế mà còn lại chém giết lẫn nhau.
Ai?
Kẻ bị thương. Kẻ chết
Có đau?
Như tim phổi đám hậu duệ chúng tôi bị ngàn gai chông cào cấu
Kẻ chiến thắng, người bại vong
Có thấu?
Sao không thấu?
Một dân tộc mà suốt lịch sử chiều dài đỏ ngầu màu máu
Của một ngàn năm bắc thuộc, của một trăm năm Tây hóa bể dâu
Thì giờ hết chiến tranh
Đám trẻ chúng tôi vẫn phải mang những con tim rỉ máu
Hận thù, thành bại, nhục vinh vì cớ gì mãi còn nung náu
Để chiếm chỗ, để giết chết cả sự khoan dung
Để chúng tôi, chúng ta, chúng nó nhìn nhau bằng ánh mắt lạnh lùng
Để tì khoét cho thật đậm sâu sự khốn cùng dân tộc Việt.
Đừng xua tay, đừng dối trá, đừng giả vờ không biết
Đừng đổ thừa, đừng quanh co và làm ơn đừng ngụy biện
Xin hãy nhìn lại mình đi
Và tự trả lời với chính trái tim rằng ta đã làm gì
Có vinh quang, có sênh sang như cái hão danh cứ mãi luôn thèm khát
Để làm khổ lẫn nhau, để chuốc lấy thương đau
Và để dày vò tương lai của con cháu ngàn sau cho tan nát
Thôi,
Giờ không còn khói lửa, đạn bom, binh đao và chém giết
Nhưng chúng tôi - những kẻ lớn lên thời hậu chiến tranh
Vẫn vô cùng tha thiết
Cầu xin
Cho cuộc đời những giây phút thực sự
Bình yên...
Chúng tôi khao khát hòa bình, một sự hòa bình đích thực chứ không phải 1 sự êm đềm, bình yên giả tạo mà chúng tôi là những nạn nhân không hề có lỗi. Chúng tôi không kết tội, hay oán trách ai cả, nhưng xin hãy hiểu những cảm nhận của chúng tôi - những kẻ ra đời và phải gánh chịu hậu quả của một cuộc chiến tranh mà chúng tôi không hề tham dự, nói cách khác chúng tôi là những người không được tự quyết định vận mệnh của mình. Một người lính năm xưa bị mất một cánh tay, chắc chắn không đau bằng chúng tôi bởi vì chúng tôi biết người lính ấy là cha anh của mình. Một người lính năm nào ngã xuống, chắc chắn cũng không đau bằng chúng tôi, bởi người lính ấy đã có thể yên nghỉ khi hoàn thành nghĩa vụ với quê hương; còn chúng tôi, chúng tôi mất 1 người ông, 1 người cha, 1 người anh mà chúng tôi làm sao yên được với sự mất mát ấy, và làm sao để chúng tôi hoàn thành được trách nhiệm của mình với những người thân thiết ấy, sống đâu phải là chỉ để sống cho mình... Chúng tôi còn đau khổ, bởi khi sinh ra đã phải chịu nhiều thua thiệt với những đám trẻ các quốc gia khác, bởi chúng tôi sinh ra, kẻ may mắn lành lặn thì gánh lấy nỗi đau tật nguyền cho kẻ bất hạnh hơn, hay gánh lấy nỗi đau từ những cánh tay, cái chân của người anh, người cha trong gia đình đã bỏ lại chiến trường ngày ấy.... Thế nên đừng ai cho rằng đám trẻ chúng tôi được sung sướng rồi không biết nghĩ; không ai đau thương bằng chúng tôi đâu, không ai dày vò bằng chúng tôi đâu. Vậy cho nên, là những kẻ tủi hổ nhất cho số phận của mình, và cho số phận của cả dân tộc Việt Nam, lẽ đương nhiên chúng tôi cũng là những người ao ước hòa bình đích thực cao độ nhất. Không phải 1 viễn cảnh hòa bình mà mọi ân oán đều phải thanh toán cho tuyệt đối sòng phẳng, mà nợ máu phải trả bằng máu, ngón tay phải trả ngón tay để rồi oan oan tương báo chẳng bao giờ chấm dứt. Chúng tôi mơ tìm thấy 1 viễn cảnh hòa bình mà người tha thứ bớt tội lỗi cho người, kẻ sai trái thì sẵn sàng nhận lỗi và chuộc lỗi. Chỉ thế thôi nhưng lại chẳng hề đơn giản chút nào. Hòa hợp và hòa giải!
Tôi sinh ra, lớn lên không có cha mẹ, ông bà, chú bác nào chết bởi chiến tranh nên là người phù hợp nhất để nói về vấn đề hòa giải. Nhưng đáng buồn thay, lẽ ra tôi không bao giờ phải nói những lời thừa thãi "hòa giải, hòa hợp" làm gì, bởi tôi biết còn nói những lời ấy tức là còn chia rẽ. Song với chúng tôi, một sự hòa hợp không có nghĩa là nhắm mắt chấp nhận những dối trá, bịp bợm, lừa lọc và gian xảo, hòa hợp chứ không phải là khuất phục và cam chịu. Chính vì vậy, cái tựa đề bài này đây mới là như thế; chúng tôi không chấp nhận cái kiểu hòa hợp, hòa giải của ông Nguyễn Cao Kỳ.
Một lần nữa tôi xin nhắc lại, rằng tôi sinh ra và lớn lên ở trong nước sau cuộc chiến, nên chắc chắn tôi không mang trong mình nỗi niềm xấu hổ cúp đuôi bỏ chạy của ông Nguyễn Cao Kỳ vào những ngày tăm tối ấy, không phải chịu sự lăng mạ, chà đạp, khinh bỉ và bôi nhọ mà ông Kỳ đã phải nếm chịu như 1 cái giá của chiến bại suốt những năm qua, ấy thế mà trước những hành vi, kế hoạch hòa hợp hòa giải của những người cộng sản, tôi vẫn không thể nào chấp nhận được như cái kiểu mà ông Nguyễn Cao Kỳ chấp nhận. Trong không khí của những ngày cuối tháng tư này, ông Nguyễn Cao Kỳ đã không quên dặn dò dân tộc những nỗi niềm của ông về hòa hợp, hòa giải, tôi không may được biết đến nên xin thưa chuyện lại với ông thế này.
Đầu tiên tôi lại xin phải nhắc lại 1 lần nữa (lần thứ 3) rằng tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam thời hậu chiến, không có ông bà, cha mẹ, cô chú bác, anh chị gì chết bởi chiến tranh cả. Sở dĩ tôi phải nhắc đi nhắc lại điều này là để nhấn mạnh rằng tôi hoàn toàn không có sự thiên lệch vì những lý do riêng và chủ quan cho bất kỳ cá nhân, phe phái nào trong câu chuyện hòa giải, hòa hợp mà chúng ta sẽ đề cập đến đây, để ông Nguyễn Cao Kỳ hay 1 người nào đó đừng nói rằng tôi cực đoan, 1 chiều và phiến diện nên nhìn sự việc không thấu đáo, tỏ tường.
Xin trích bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Cao Kỳ ra đây để chúng ta dễ dàng theo dõi và nhận định.
Đàn Chim Việt: Tháng Tư là lúc người ta bàn luận nhiều về “Hòa hợp, Hòa giải Dân tộc”. 35 năm đã trôi qua, đủ để một thế hệ người sinh ra, lớn lên và trưởng thành, thậm chí giành quyền lãnh đạo đất nước, nhưng “Hòa hợp, hòa giải dân tộc” vẫn là vấn đề chưa được giải quyết thấu tình đạt lý giữa người Việt trong và ngoài nước, cụ thể là giữa giới cầm quyền Việt Nam với khối người Việt “Tỵ nạn Cộng sản” ở hải ngoại.
Vì sao? Chắc có nhiều câu trả lời, mang những sắc thái khác nhau.
Dưới đây là nhận định của ông Nguyễn Cao Kỳ, một người mà chắc ai cũng biết. Một lần nào đó, ông Kỳ có phàn nàn về những cắt xén làm sai lệch ý tứ trong những phát biểu của ông trên báo trong nước. Lần này, bài phỏng vấn của ông có được đăng tải trung thực hay không, chúng tôi không rõ, xin chuyển lại nguyên văn từ Tuần Việt Nam.
Bạn đọc, nhất là người đang trăn trở với “Hòa hợp, Hòa giải Dân Tộc” có ý kiến gì?
Phóng viên (PV): Đã 35 năm sau sự kiện 30 tháng Tư, những người ở lại và cả những người ra đi đã nói nhiều, làm nhiều việc cho mục tiêu hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người. Ông đánh giá thế nào những nỗ lực chúng ta đã làm?
Ông NCK nhận bằng khen của Mặt trận Tổ Quốc, ảnh TuanVietnam
Ông Nguyễn Cao Kỳ (NCK): Tôi nghe dư luận và có cảm tưởng vẫn còn có khoảng cách giữa nói và làm. Cuối năm vừa rồi, Hội nghị Việt kiều đã thu hút mấy ngàn người về dự. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều vị đều bày tỏ mong muốn sớm hòa hợp. Điều đó có nghĩa mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng ở đâu đó vẫn chưa thực sự tích cực.
PV: Việc tích cực hàn gắn như ông vừa đề cập, cần được hiểu thế nào?
NCK: Phải từ hai phía, nhưng cái chính vẫn phải từ phía những người trong nước. Chúng ta có thực sự muốn làm và tích cực làm hay không …
Nói về đoàn kết toàn dân tộc tôi có cảm giác dân tộc mình mỗi lần bị đe dọa đến vận mệnh thì lại đoàn kết. Thời xưa, chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời nay đánh Tây, đánh Mỹ là tự khắc cả dân tộc đoàn kết và chiến thắng. Nhưng khi thắng rồi không hiểu làm sao mà tình cảm lại không được như trước.
PV: Chẳng phải Nhà nước đã có rất nhiều những động thái tích cực đó sao? Quyết định dân sự hóa Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ là một minh chứng rõ rệt cho thấy thiện chí của những người trong nước. Và còn có chính sách cho bà con Việt kiều về nước mua nhà hay chương trình gặp gỡ Việt kiều hàng năm…?
NCK: Tôi cho rằng đó là những động thái tích cực. Chẳng hạn như để có được quyết định dân sự hóa nghĩa trang cũng phải mất nhiều năm trời. Ngay khi trở về quê hương tôi cũng đã đề cập chuyện ứng xử với nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ với các vị lãnh đạo của Việt Nam…
Tôi còn nêu ý tưởng tổ chức đại lễ cầu siêu chung cho những người tử trận không phân biệt bên này hay bên kia, làm thật trang trọng mỗi năm và thông báo rộng rãi cho bà con đang sống trong cũng như ngoài nước biết. Nếu trong số những người về dự, có cả một số cựu chiến binh từng ở bên kia chiến tuyến thì không gì hay bằng.
Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không?
Theo tôi chỉ khi nào vượt qua được suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta sẽ làm được. Khi ấy vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao khác. Tự khắc lòng người xích lại với nhau và sẽ không còn phải mất nhiều thời gian bàn chuyện hàn gắn hay hòa giải nữa.
PV: Ông suy nghĩ như thế nào về việc Nhà nước quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ?
NCK: Tôi đã ghé thăm nghĩa trang này trước đây còn hoang vắng nhưng giờ đây đã sạch sẽ quang đãng rồi, mọi người được ra vào tự do. Ở đó vẫn còn giữ được 16 ngàn ngôi mộ tử sĩ.
Lịch sử là lịch sử, ngày 30/4 giờ là một sự kiện lịch sử. Việc ứng xử không còn hận thù với những người từng đứng phía bên kia chiến tuyến như thế nào được bên ngoài quan sát để đánh giá cách hành xử văn minh hay không. Cho dù bên này hay bên kia, chết là hết, còn hận thù chi nữa, họ cần được coi sóc chu đáo.
PV: Ông có thừa nhận một thực tế là chúng ta có thể xóa bỏ hận thù để bắt tay làm bạn với những nước đã từng xâm chiếm chúng ta, vậy mà việc hàn gắn người Việt với người Việt với nhau xem ra lại mất nhiều thời gian hơn thế?
NCK: Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này: muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm.
PV: Liệu có cách gì để chúng ta không còn phải mất thêm thời gian cho việc hòa hợp, hàn gắn với đa số những người Việt ở bên ngoài đất nước?
NCK: Chuyện quốc gia cũng giống như trong một gia đình. Những việc chung thì cần đánh tiếng để mọi người xúm tay vào làm. Tôi nghĩ đối với đa số người Việt ở bên ngoài thì sẵn lòng góp sức cùng trong nước. Với đất nước có gì phải ngại ngần. Vấn đề là họ cần được thông tin đầy đủ về tình hình và những nhu cầu thực sự mà nhà nước đang cần sự góp sức của họ.
Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ.
Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau.
PV: Theo ông, 35 năm có quá dài cho việc hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người?
Để tìm được sự đồng thuận trong những vấn đề nhạy cảm như vậy thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã khiến cả triệu người ở cả hai bên chiến tuyến hy sinh, thì đó là một chuỗi oán thù chồng chất, không phải chỉ ở một phía. Chỉ có hòa hợp dân tộc mới giải quyết được vấn đề.
Nguồn: tuanvietnam.net
Ông Kỳ đã cho rằng việc tích cực hàn gắn phải từ 2 phía, ông cũng cho rằng nhà nước cộng sản Việt Nam đã có những động thái rất tích cực như dân sự hóa nghĩa trang quân đội QLVNCH ở Biên Hòa, tôi nghĩ cũng có thể là vậy, nhưng để tôi kể ông Kỳ nghe về những suy nghĩ của tôi nhé.
- Đầu tiên, tôi muốn biết cảm nghĩ của ông kỳ về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, về ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và quan trọng nhất là về chính bản thân ông - ông thủ tướng (1965 - 1967), phó tổng thống (1967 - 1971) Nguyễn Cao Kỳ. Theo ông, ông có phải là 1 thằng tay sai của Mỹ, là 1 kẻ bán nước, đem bom đạn Mỹ về giày xéo Việt Nam như những gì mà người cộng sản đã tuyên truyền trên mọi phương tiện truyền thông và cả trong sách giáo khoa lịch sử hay không?! Theo ông, ông có phải là 1 kẻ không có lý tưởng, bán nước, đam mê quyền lực và giàu sang, thủ đoạn và ngu xuẩn như những người cộng sản đã luôn luôn truyền bá đấy không?! Nếu ông xác nhận tất cả điều đó đều hoàn toàn đúng, tôi sẽ im miệng ngay và dừng cuộc trao đổi này lại ở đây. Còn nếu tự ông thấy trong những thông tin đó có nhiều cái không đúng, thì tôi xin tiếp tục bằng một câu hỏi cho ông thế này: ông có tin rằng người cộng sản khi tiến vào miền Nam chỉ mang trong tim mình 1 giấc mơ là đánh Mỹ cứu nước và thống nhất dân tộc hay không? Họ không hề mang trong mình 1 thủ đoạn, âm mưu quyền lực nào hay không? Nếu ông lại trả lời là đúng như vậy, thì tôi xin nhìn ông, lắc đầu và im lặng, còn nếu ông trả lời không, tôi sẽ lại hỏi tiếp thế này: chính phủ VNCH có chính nghĩa không? Có lý tưởng và chủ nghĩa, tinh thần dân tộc hay không? Nếu có, ông có nghĩ rằng những người lãnh đạo VNCH đã khuất như tổng thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu, tổng thống Trần Văn Hương, hàng loạt tướng sỹ đã tuẫn tiết vào ngày mất nước, hàng triệu binh lính đã phơi xác nơi rừng thiêng nước độc và biết bao nhiêu những thương phế binh ngày ấy giờ trở về què cụt, lay lắt trong những xó xỉnh cuộc đời hẻo lánh cần cho họ 1 lời thanh minh để nhẹ lòng thanh thản hay không? Xin ông đừng tiếp tục lừa dối và phỉ nhổ lên chính những đồng đội, đồng bào của ông thêm nữa, ông Nguyễn Cao Kỳ. Dân sự hóa 1 nghĩa trang quân đội chế độ cũ đối với ông - người đồng chí, đồng đội, lãnh đạo của 16 ngàn tử sỹ ấy - là 1 động thái tích cực đầy thành ý, nhưng đối với tôi - 1 kẻ sinh sau cuộc chiến, không có người thân nào nằm trong cái nghĩa trang lạnh lẽo ấy - đủ tỉnh táo để khẳng định rằng đó chỉ là 1 trò hề bôi trát, phỉnh bịp mà thôi. Hãy nhìn lấy những thuộc cấp của ông giờ chân cụt tay què, lê la đầu đường xó chợ để xin sự bố thí của người khác mà không hề được 1 sự quan tâm, giúp đỡ nào của chính quyền cộng sản để ông sáng mắt ra mà thấy thành ý của họ lớn đến bao nhiêu. Những người thương phế binh ấy, dẫu ngày xưa đã từng bắn chết những ai thì đó cũng là do sai lầm của lịch sử, và nếu cần vạch mặt chỉ tên những kẻ tội đồ thì sẽ chỉ có thể là ông chứ không phải họ. Họ đã buộc phải chiến đấu, để giữ quê hương, chưa cần biết là đúng hay sai, nhưng chắc chắn không phải để tranh giành quyền lực, để giờ đây họ phải sống cảnh đọa đày còn những kẻ như ông thì quên lãng và dẫm đạp lên đời họ. Ông là 1 thằng khốn, ông Nguyễn Cao Kỳ à.
- Tôi lại nói tiếp đây. Cho đến thời điểm này kẻ đúng, người sai trong cuộc chiến tương tàn hơn 20 năm đó vẫn còn chưa được khẳng định rõ ràng, sách sử còn chưa biên niên công tội, vậy mà những kẻ rất chân thành với những động thái vô cùng tích cực kia vẫn huênh hoang khoác lác điều gì: "đại thắng 30 tháng 4", "giải phóng miền Nam", "chiến thắng vĩ đại",... tôi hỏi ông ở đó ông có thấy 1 chút lòng thành. Với tôi, kẻ sai lầm, có tội nay vô tình chiến thắng, nếu muốn hòa hợp, hòa giải thì phải biết tự nhìn lại chính mình, cúi đầu xấu hổ mà xin hòa giải, chứ lại có lẽ nào vẫn cứ tỏ ra là những kẻ anh hùng, là cứu nhân độ thế, là chiến thắng lớn lao, vĩ đại. Lòng thành ở đâu và dành cho ai?! Mà cái ngày kết thúc chiến tranh năm ấy, là cái chiến thắng gì? Ai chiến thắng ai? Hay là cả dân tộc này thảm bại.
Ông có thể giả mù, ông có thể vuốt mặt để chạy về kiếm chác 1 chút cơm thừa canh cặn, ông có thể sống nhục như 1 con chó là chuyện của ông, nhưng xin hãy để dân tộc chúng tôi kể cả những người đã khuất được đứng thẳng làm người.
Không ai muốn nuôi mãi hận thù, người Việt Nam yêu nước nào cũng mong muốn đoàn kết nhất là nạn ngoại xâm đã vào kỳ Bắc thuộc thứ 5, nhưng như ông nói đấy ông Nguyễn Cao Kỳ; việc hàn gắn phải được tích cực thực hiện từ 2 phía. Con người sẽ không bao giờ hòa hợp được với kẻ khác nếu kẻ đó vẫn luôn xem họ là con chó. Hòa hợp ư, làm sao được khi mà mỗi năm cứ đến những ngày này thì kẻ giành được quyền lực lại hò hét ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau và phỉ nhổ lên những con người không cùng chiến tuyến...
Hãy nhớ lấy lời tôi, cả ông Nguyễn Cao Kỳ và những người cộng sản, ngày nào biến cố 30 tháng 4 chưa được các người xem là 1 sự kiện đau buồn, 1 vết thương ô nhục cho dân tộc Việt Nam thì ngày đó cái đất nước này, cái dân tộc này sẽ còn chưa bao giờ hòa hợp và hòa giải được. Đại thắng ư? Giải phóng ư? Ai giải phóng cho ai? Rồi thì tất cả được cái gì?
Viết lên đây bởi sự thôi thúc tận đáy lòng của một người khao khát hòa giải và đoàn kết dân tộc hơn tất cả.
Sài Gòn, 30 tháng 04, 2010
Tâm sự của 1 kẻ sinh ra và lớn lên thời hậu chiến.
Đã ký
Son of Liberty