Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Swine Flu (cúm... heo (?))

Tin tức bằng tiếng Việt về Swine Flu nếu có ai chưa mệt mỏi mấy ngày nay về cái tin này, chưa nhức đầu mệt mỏi thì cũng cảm thấy vì các tin tức "kinh khủng" cỡ này. Giết cỡ 50 triệu người ở thế kỷ trước theo tin của TS Tuấn.
Thì cứ ăn ở cho có vệ sinh, cẩn thận một chút, còn Trời kêu ai nấy dạ, có gì mà cứ lo toáng cả lên. Có triệu chứng gì thì ở nhà, bịt miệng, tịnh khẩu không nói không ăn.. thịt heo càng tốt.
Disclaimer: Không hoàn toàn chịu trách nhiệm vì những lời khuyên.. ẩu tả ở trên. Có chuyện gì nên hỏi thăm bác sĩ.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Tầu ngầm

Sửa soạn làm cái công việc nghiệp dư của tôi là đọc báo, thì sáng nay tôi nghe được cái tin VN ký hợp đồng mua tầu ngầm của Nga, nghĩ bụng có thế chứ, mua của ai không cần biết nhưng ít nhất lãnh đạo VN đã làm một điều gì để bảo vệ hải phận VN, bây giờ cứ để cho dân có hội nghị Diên Hồng, chỉ cần hơn nửa trong số 80 triệu dân VN góp 5, 10 đô thôi, nhà nước cũng có một số tiền kha khá để mua võ khí bảo vệ đất nước, tôi tin rằng mấy ông bà "đại gia" ở VN thay vì mua máy bay hay xe hơi chiến cho họ, hẳn họ cũng sẵn lòng trích số tài sản dồi dào của họ cho chính phủ chứ nhỉ (?)

Saigon xưa

Hình ảnh VN trước 75, không hiểu ai đã có công góp nhặt những tấm hình xưa, người ta gửi cho tôi, nên tôi post lại cho ai thích thì xem hồi xưa đất rộng người thưa ra sao. Đối với tôi, Saigon đẹp nhất khi bố tôi dắt tôi đi trên một góc phố nào đó hình như là Tự Do, lúc đó cái vỉa hè đối với đưá bé mấy tuổi như tôi ngày ấy là rộng vô cùng, chỉ có nó và bố nó, một người đàn ông đẹp trai chỉ độ tuổi 30. Nó đi giữa Saigòn nhưng chỉ nhìn thấy bố và cái vỉa hè, bây giờ có lẽ không bao giờ còn có thể cái vỉa hè thật to thật rộng cho đôi chân một đứa trẻ nữa, tất cả đã biến thành bé nhỏ chật chội. Những đứa trẻ VN hiền nay có bao giờ cảm thấy cái hạnh phúc là cả một khỏang trời riêng dành cho bé như tôi đã có ngày xưa không nhỉ (?)

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Người vượt biên (Boat People)

To young Vietnamese American



Hành trình của một thiếu nữ Oanh Hoàng

Trường Sa

đoạn phim sau, không cần hiểu Trung Quốc nói gì trong đoạn phim nhưng nhìn những chiếc tầu nhỏ bé dàn trận để chống lại Trung Quốc vào năm 1988, bạn sẽ có cảm tưởng gì khi những một loạt những trái đạn bắn vào đoàn thuyền ấy, bây giờ đoàn quân VN ở nơi đâu, có lẽ những người lãnh đạo ở VN "khôn ngoan" hơn, họ cho rằng không cần biểu dương tinh thần yêu nước, chỉ cần họ giải quyết trong hoà bình, dân không ai mất một giọt máu nào, chỉ cần mất... Nước là đủ.

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Tướng VN trong lịch sử cận đại

Chiều về email ngập tràn những tin tức lịch sử về những vị tướng vì nước vong thân trong biến cố 75. Dĩ nhiên những người có điều kiện thì họ có thể tìm biết được không cần đọc blog này, nhưng cứ link vào đây để bạn đọc ở VN bao nhiêu năm qua có thể không hề biết có những sự kiện lịch sử đã xẩy ra, dù đứng về phiá nào của cuộc chiến, chúng ta cũng không thể không khâm phục những vị tướng đã chết theo thành. Lịch sử cần phải viết lại, biết đâu thế hệ sau sẽ hãnh diện vì đất nước thời nào cũng có những vị anh hùng thay vì đi ca ngợi những anh hùng thời Đông chu Liệt Quốc, hay trong các phim lịch sử của Hàn Quốc như hiện nay.

Sự Thật về Cái Chết Của Tướng Lê Văn Hưng
do Bà Lê Văn Hưng, nhũ danh Phạm Thị Kim Hoàng ghi lại

Tướng Lê Văn Hưng:
Từ Sư Ðoàn 21 Ðến Sư Ðoàn 5BB

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam : Người Hùng của Vùng IV Chiến Thuật

Tướng Phạm Văn Phú

Chút suy nghĩ về một bát cháo

Đoạn văn sau trong câu truyện của Đào Như như bao nhiêu câu chuyện tôi đã từng nghe, từng đọc cho những chuyến tầu ra Bắc chở những người "tù" sau 75, tôi cứ tường chỉ có một chuyến tầu định mệnh trong đó có cha tôi, hoá ra những chuyến tàu khác xuôi Nam cũng thế, cũng một hình ảnh đau thương khổ nhục, vì thế chúng ta những người trẻ dù có bất đồng với quá khứ cũng phải bao dung với những đau khổ họ đã phải trải qua. Có những người cha anh của chúng ta giờ đây sống trong âm thầm lặng lẽ không có nghĩa họ đã quên được những tủi nhục do chính người gọi là "anh em" đã đối với họ. Sự thiếu nhân bản của con người (Á Châu) có phải vì thế là nguồn gốc của sự độc ác, bạo tàn, chuyên chính luôn diễn ra ở những đất nước nghèo khó (?)

"các anh cũng không thể tưởng tượng nổi Cộng sản có thể nhồi bẹp cả mấy trăm người trong cái hầm tàu nhỏ như cái bàn tay của con tàu cũ kỹ han rỉ, của Hải quân ta chê bỏ lại! Lúc đầu chúng tôi nghĩ đây là vụ thủ tiêu tập thể, khỏi cần dùng đến hơi ngạt! Các anh có thể tưởng tượng mỗi người được 4 tấc vuông, ngước cổ lên là đụng phải nóc hầm tàu. Ăn cũng ở đó! Ỉa đái cũng ở đó! Lon đựng nước đái cũng là lon đựng nước uống! Nói thật họ cũng để một dãy thùng phuy cho anh em đi ỉa. Ban đầu còn có người đi, nhưng sau không còn ai đi nữa, vì ai cũng đuối sức, mệt lả người. Cộng sản bỏ mặc các thùng phuy ở đó. Có cái cứt đái tràn ngập, không ai đem đi đổ hay điều động người đi dộ. Chỉ có 8 tiếng đồng hồ sau khi rời bến, hơi người ở dưới hầm tàu bay ra ngòai hiên tàu gặp gió mát biển biến thành hơi nước nhỏ giọt ngay trên hiên cửa sổ của hầm tàu.. Như vậy trong hầm tàu oi bức biết chừng nào! Ngày thứ hai mình mẩy ai cũng dính cứt, cũng thối cứt, ai ai cũng cứt, đâu đâu cũng cứt. Ngay cả khẩu phần lương khô của Trung quốc khi đến tay mình cũng bay mùi cứt. Dòi bò trên khắp người, trong tóc, sợ nhất nó chui vào lỗ tai! Khó thở ngột ngạt, ngất xĩu! Không ai cưú ai được! Cộng sản dĩ nhiên họ lờ. Nhưng có một điều Cộng sản họ không ngờ được là sức chịu đựng của anh em ta rất phi thường! Sau ba ngày hai đêm chúng tôi vẫn sống nhăn răng!"

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Truyện của cụ Tô Hải

Chưa đọc cuốn sách Hồi ký của một thằng hèn của ông cụ Tô Hải, nhưng đọc lời trần tình dí dỏm của ông cụ, cũng đủ cho bạn đọc sách cỡ như tôi cũng mong đợi có bán ở đâu là tôi mua đọc xem ông viết "tếu" về cái xã hội mà ông đã tham gia và sống bao nhiêu năm qua như thế nào.

Andrew Lam và VN

Những đoạn phim sau có chia xẻ với thế hệ trẻ để họ hiểu chiến tranh VN đã chia xa bao nhiêu mối quan hệ gia đình, và mãi cho đến bây giờ làm ngăn cách cả lòng người dù đã hơn ba mươi năm qua?

Part 1
Part 2
Part 3

Hy vọng những người trẻ sẽ hiểu được những gì cha mẹ họ đã phải trải qua và bậc cha mẹ sẽ cũng hiểu được sự lạc lõng của con cái họ khi những người trẻ không tìm thấy gốc rễ của họ giũa hai nền văn hoá.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Slide show 30-4

Những hình ảnh đau buồn của ngày 30-4

Lời trần TìnhTháng Tư thương đau

Chắc chắn vẫn có nhiều người không biết chuyện gì đã xẩy ra năm 1954 và lại càng không hiểu tại sao người ta lại bỏ đi năm 1975 và sau đó khi đất nước hoàn toàn thống nhất (:-) nói như thế này là cũng có nhiều người bất đồng ý với tôi đó, nhưng sự thật là thế mà phải không?)

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Hwang Jin-Yi


Hôm rồi đọc được bài điểm phim của Toại Khanh, ông là một nhà tu, ông viết về một bộ phim Hàn Hwang Jin-Yi, mà ông dịch là Quỳnh Chân Y. Có nhiều điểm mà tôi rất thích và đồng ý với ông, là bộ phim này lột tả những nhân duyên trói buộc nhau trong cuộc đời, nhất là những người đàn bà tài hoa mà trong thời xa xưa khi những giáo điều trọng nam khinh nữ áp đặt lên người phụ nữ, một người có nhan sắc tài hoa còn chịu nhiều kiếp đoạ (Như Thuý Kiều của Nguyễn Du), huống chi một người bình thường không sắc lẫn tài. Lý do tôi không thích phim chuyển âm hay thuyết mình, vì có khi chuyển từ tiếng Hàn sang tiếng Hoa rồi sang tiếng Việt là đã mất hết bao nhiêu ý nghĩa rồi, không hiểu tiếng Hàn thì cứ xem phim đã chuyển sang phụ đề tiếng Anh, ít ra cũng chỉ có một lần "tam sao thất bổn" và không bị phương pháp lồng tiếng làm sai ngữ. Đúng là phim này như ông Toại Khanh cho biết lời thoại trong phim rất có ý nghĩa, ngoài những góc cạnh hình ảnh đẹp và những câu văn khiến người xem phải suy nghĩ về thân phận con người. Bộ phim lồng tiếng VN đã cắt bỏ cả một bài thơ chính cho phần đầu và phần cuối, bản tiếng Anh có nguyên vẹn bài thơ đó, cả một bài thơ hay và ý nghĩa mà không hiểu sao chuyển dịch sang tiếng Á Châu mà họ không làm nổi. Tôi không phải là nhà tu, nhưng đọc lại phần điểm phim của ông, bật lên sự phù du một (hay nhiều) kiếp người, của tình yêu và hận thù, ai chẳng muốn đi tu để khỏi vướng bận những oan nghiệp do chính mình gây ra. Bộ phim làm người xem sẽ nhớ tới cuốn truyện xuất bản cách đây không lâu : Memoirs of a Geisha, câu truyện đầy xúc động về cuộc đời một Geisha Nhật, người kỹ nữ phải trải qua bao nhiêu huấn luyện khổ ải từ thời thơ ấu để có thể trở nên tài danh, và sau đó lại trở thành một "huấn luyện viên", kéo dài cái kiếp luân hồi của những kỹ nữ, để làm vui cho những người đàn ông thế quyền của xã hội. Ngày xưa người phụ nữ phải trải qua khổ tập cũng chỉ là một nghệ nhân hay đúng hơn là kỹ nữ, nhưng ngày nay thì hình như đa số những người phụ nữ ở xứ XHCN được "giải phóng", họ chỉ cần có... chân dài, thì phải? Điều này chỉ có các ông mới xác nhận đúng hay không, ở đây chỉ là nói chuyện chơi thôi.



Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Susan Boyle

Thứ Ba rồi post cái blog về người phụ nữ Susan Boyle có giọng hát tuyệt vời, hôm nay you tube lại post bản nhạc Susan đã hát 10 năm trước, cô hát Cry me a river, ôi chao nghe cô hát ai không cảm thấy rung động vì giọng hát của cô chứ. Không hiểu tại sao người ta lại bỏ quên một giọng hát như thế từ khi cô 12 tuổi, cô đã hát từ ngày ấy. Dù sao cô cũng đã có can đảm lên sân khấu đem tiếng hát tặng cho đời. Cho nên có những chuyện ở đời có thành công hay không chỉ cần một chút can đảm, một chút thôi vậy mà lắm người không có được.



Cry Me A River

Now you say you're lonely
You cry the long night through
Well, you can cry me a river
Cry me a river
I cried a river over you

Now you say you're sorry
For being so untrue
Well, you can cry me a river
Cry me a river
I cried a river over you

You drove me, nearly drove me, out of my head
While you never shed a tear
Remember, I remember, all that you said
You told me love was too plebeian
Told me you were through with me and

Now you say you love me
Well, just to prove that you do
Come on and cry me a river
Cry me a river
I cried a river over you
I cried a river over you
I cried a river...over you...

Chuyện "Lạc Đường"

Khi thế gìới net xôn xao về cuốn truyện Lạc Đường của ông Đào Hiếu, tôi cũng tò mò tìm đọc, đọc xong thì chán vì chẳng có gì hấp dẫn ngoài chuyện biết thêm tí ti ở thời be bé của mình có những anh chị lớn làm cách mạng, chẳng hiểu họ làm cách mạng thế nào để mìn bom nổ lung tung khiến dân chết, mai xe đò nổ, đêm đêm đại bác dội vào thành phố. Lúc ấy chỉ biết sợ nhưng vẫn an nhiên với đời sống tuổi nhỏ của mình, vẫn mơ mộng những chuyện trời ơi đất hỡi, đến khi tới phiên mình muốn làm cách mạng thì... đất nước hoà bình. Để bây giờ đọc ông mới hiểu ngày xưa cũng khối người làm cách mạng vì cái tính thời thượng ngày ấy hay sao đó. Họ làm cách mạng khi mà đất nước còn đang trong thời kỳ phôi thai của một xã hội dân chủ, họ làm cách mạng để đạp đổ nó xây dựng nên một xã hội kém dân chủ hơn và họ đi đâu mất tiêu không thấy họ làm cách mạng nữa, và bây giờ bao nhiêu hồi ký, tự truyện bào chữa chuyện Lạc Đường của họ. Cho nên đọc xong cuốn truyện của ông thấy mà nản, nhưng không biết nói năng với ai, bây giờ có ông Đỗ văn Minh góp ý với ông Đào Hiếu nhiều chi tiết mà khi đọc Lạc đường tôi cứ thấy nó "làm dáng" thế nào, bây giờ thì ông Đỗ văn Minh chỉ ra những chi tiết đó, tuy có lẽ góp ý với ông Đào Hiếu chẳng được nên ông cũng hơi gay gắt một tí.:-)

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

Hai bản "Mặt thật kẻ sĩ"

Ông Nguyễn Gia Kiển viết:

"Luân lý Nho Giáo bắt người có học không được làm chủ mà chỉ được làm tôi cho một ông chủ nào đó, và tệ hơn nữa phải làm tôi suốt đời cho một chủ bởi vì tôi trung không thờ hai chúa. Kẻ sĩ trong quan niệm Nho Giáo là một kẻ nô lệ chứ không phải là một con người tự do. Do bản năng và địa vị xã hội, kẻ sĩ không dám và không thể, và do đó khiếp phục những kẻ dám và có thể. "

Quả không sai, Khổng Giáo và Nho Giáp áp đặt lên những kẻ sĩ (Nam) như thế này, thì đủ biết "nó" áp đặt lên người phụ nữ gấp bao nhiêu lần những vòng kim cô, cứ thay đổi chữ Kẻ sĩ của câu trên thành chữ đàn bà là thấy đàn bà còn phải chịu hai gông, chứ không phải một như Kẻ sĩ.

Tuy nhiên đó là chuyện không bàn ở đây, nơi đây muốn nói đến cùng một bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng nhưng hai nơi đăng khác nhau. Phải chăng kẻ sĩ của những trang này còn phải "khiếp phục" ai đó.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Tang thương

Sáng đọc một cái post này ở net X-cafe, đảng mừng chiến thắng từ mấy chục năm trước nhưng người VN vốn trọng tổ tiên, trăm năm sau người dân cũng chẳng thể quên được những đau buồn như thế này, phải không? Khi trên đất nước VN chỉ toàn những nghĩa trang lộng lẫy cho một phía.

Tv chiecbongbendoi

30/4 lại về, tôi âm thầm chuẩn bị cho 17 cái giỗ của đại gia đình mình. Kiêu hùng nhưng cũng tang thương khi tôi sinh ra trong một đại gia đình "quân nhân", họ nội - họ ngoại đều có người đi lính; khi người thân của tôi đều có dòng máu "ngông". 34 năm trước, tôi lên 9. Độ tuổi chỉ biết ăn và học, một ngày tháng 3 tôi đột nhiên "được" nghỉ học và từ đó mỗi ngày của tôi trôi qua trong nước mắt người thân...
18/3 bác Cả và chú Út ra đi...
23/3 cậu Tư bắn vào đầu 2 viên đạn cuối cùng.
4/4 ông nội đi.
7/4 ông ngoại và dì Út đi.
11/4 bác Hai, bác Sáu, cậu Bảy... đi.
21/4 nhận tin bố quyết tử ở An Lộc, hai chú tự sát ở Hàm Tân.
19/5 mẹ ra đi cùng đứa em trai chưa tròn tháng. Ngày mẹ đi cả nhà không còn gì, một tấm áo quan cũng không có. Tấm chiếu ngày xưa mấy chị em vẫn nằm giờ thành cỗ quan cho mẹ. Bao nhiêu năm trôi qua, thời gian đủ dài để một số người có thể quên và tiếp tục sống; để một số nào đó vẫn sống nhưng không thể quên hay không được quyền quên bởi nhiều lí do khác nhau nhưng có lẽ không ai đau đớn bằng thế hệ "vừa biết cảm nhận mất mát", đối với tôi là thế.

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Một giọng hát

Thuộc loại nhà quê ít xem TV như tôi, nên mỗi khi nghe bạn bè nói về mấy mục Idol talent, tôi chẳng biết trời trăng gì cả. Nhưng với Susan Boyle thì tôi không thể "miss" được, người phụ nữ 47 tuổi sống một mình chưa từng được ai "kiss" có một giọng hát đáng làm cho những người từ xưa tới nay không dám hát sẽ có can đảm hát và không cảm thấy ngượng ngùng về nhan sắc, vóc dáng của mình. Cứ cất tiếng hát biết đâu lại trở thành Idol như Susan. Ngoài giọng hát, Susan còn có sự tự tin rất đáng phục. Vì tự tin nên Susan chẳng cho ai hôn (?)
Hay tại vì Susan chưa từng được ai kiss nên mới có giọng hát hay đến như thế. Có lẽ lắm, và có thể có rất nhiều người từ nay sẽ có sẽ mơ mộng như Susan. Cứ phải "I dreamed a dream". Phải cám ơn Susan thôi.


There was a time when men were kind,
And their voices were soft,
And their words inviting.
There was a time when love was blind,
And the world was a song,
And the song was exciting.
There was a time when it all went wrong...

I dreamed a dream in time gone by,
When hope was high and life, worth living.
I dreamed that love would never die,
I dreamed that God would be forgiving.
Then I was young and unafraid,
And dreams were made and used and wasted.
There was no ransom to be paid,
No song unsung, no wine, untasted.

But the tigers come at night,
With their voices soft as thunder,
As they tear your hope apart,
And they turn your dream to shame.

He slept a summer by my side,
He filled my days with endless wonder...
He took my childhood in his stride,
But he was gone when autumn came!

And still I dream he'll come to me,
That we will live the years together,
But there are dreams that cannot be,
And there are storms we cannot weather!

I had a dream my life would be
So different from this hell I'm living,
So different now from what it seemed...
Now life has killed the dream I dreamed...

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Tham vọng của Trung Hoa

Hàng tuần tôi vẫn xem tranh ông vẽ, nhưng tuần này tháng này của năm nay có lẽ bức tranh hí họa này của hoạ sĩ Ba Bụi là đẹp nhất, hay nhất có nhiều ý nghĩa lịch sử hiện đại cũng như một tiên đoán cho (đau lòng) tương lai. Có khi lại có nhiều người ở VN sẽ lại rất vui mừng hãnh diện vì một mai kia đất nước này trở thành một phần của một thiên triều của ... thế giới. Cho nên đối với họ chả có gì phải đáng lo ngại, cứ bình chân như vại để con cháu sẽ được "hãnh diện" làm con cháu nhà Tần, góp phần vào việc thống nhất đất nước Trung Hoa xuống tận các miền đất ở biển Nam.
Bạn không tin ư, cứ đi du lịch Trung Hoa một chuyến rồi nghe những người tour guide họ nói về tham vọng của các triều đại vua chuá của họ ra sao thì biết, cho đến bây giờ họ khẳng định lãnh đạo của họ muốn thực thi ý chí của Tần Thuỷ Hoàng, bởi vì vua này khi chết đã chôn hàng ngàn tượng binh sĩ, tất cả đều hướng mặt về phương Nam, Tần Thuỷ Hoàng tin tưởng khi ông chết ông vẫn có thể thực hiện được .. thâu tóm tất cả các xứ sở ở phiá Nam, dĩ nhiên có thể thời ông thì ông chỉ nghĩ tới Quảng Đông, Quảng Châu là hết đất, nhưng mấy ông vua thời nay thì còn nghĩ xa hơn, họ viện lẽ vua Tần muốn đi về phiá Nam xa hơn, (cỡ như Đông Nam Á) cho nên là con cháu họ phải hoàn thành ý đồ của tổ tiên của họ.
Việt Nam thì lúc nào cũng bảo "bác Hồ" bảo thế này làm thế kia, cái gì cũng cho lời của ông Hồ là "thánh chỉ" chỉ đường. Còn TQ thì hết ông Mao, đến ông Đặng, bây giờ khôi phục tít tới thời ông Tần Thuỷ Hoàng cơ đấy.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Rời xa quê hương

Lâu nay không coi TV, rồi mấy tuần nay sách thì chồng chất không đọc, chỉ cuối tuần rồi nghe bản tin từ Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn vị linh mục sang Kampuchia, cha kể lại có rất nhiều trẻ em bị bán sang đó cho dịch vụ tình dục, cha nói điều đau đớn là ngày xưa các em bị bán sang cho các động của người bản xứ, nhưng bây giờ các động này lại do chính người VN làm chủ, và tệ hại hơn có những cha mẹ mang chính con mình sang bên đó để bán cho các nhà chứa. Còn gì đau đớn hơn cho dân tộc VN, đọc thêm bài báo Niềm mơ ước... Việt Nam của nhà báo Huy Phương, còn thấy buồn hơn nữa.
Chính quyền VN rất tài ba trong việc bắt giữ các nhà tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, họ luôn có thừa người để canh giữ một người nào đó 24/7, có thể phái công an sang tận Kampuchia để bắt người làm cách mạng, nhưng không hiểu tại sao không thể ngăn chận được làn sóng đưa trẻ con ra nước người làm nô lệ tình dục.
Hỏi thì hỏi vậy thôi, cũng như hỏi đầu gối mình, biết ngu vẫn hỏi, chứ nhà nước còn bao nhiêu chuyện "nhớn" phải lo, lo làm gì cuộc đời những đưá bé, cứ để cho chúng nó tự lo không bị bán đi, thì tự mơ ước tự ...bán khi lớn lên, cách nào thì cũng rời xa đất nước VN. Cũng là 12 bến nước!!!

Tu sĩ và con cá

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Yêu nước thế nào

Một lần nữa cho thấy cung cách làm việc không thống nhất của chính quyền VN, có làm nản lòng những người có tấm lòng nặng vói quê hương không?
Không biết báo VN có đăng tin nhà phê binh Nguyễn Hưng Quốc bị trục xuất khỏi VN chỉ sau khi nhập cảnh không đầy 2 tiếng.
Cho nên ai là VK yêu nước thì phải hỏi lại thế nào là yêu nước?

Đọc bài viết mới nhất của ông về việc này, hẳn là lần này ông NHQ tức lắm mới phải kết cái đoạn văn... hùng hồn như thế.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Palm Sunday

Như mọi năm tôi lại xem lễ từ ... TV. Lễ Palm Sunday do Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cử hành tại Saint Peter's Square.

Đoạn cảm động nhất cho ngươì VN (như tôi) khi nhìn qua màn ảnh nhỏ là chiếc áo dài hoa mầu tím của người phụ nữ tóc đen tuyền đang chậm rãi bước dâng rượu thánh lên Đức Giáo Hoàng, trước cô là đại diện của các nước khác, họ đi từng cặp, không hiểu sao cô đi một mình (?) với một anh chàng mặc cái áo đỏ kiểu Tầu, hoa văn Tầu, một cô gái VN đi bên cạnh anh chàng Tầu, không lẽ người đàn ông VN không có cái gì mặc khác hơn. Tôi không nghĩ đó là đàn ông VN, rõ ràng cô được sắp cạnh một anh chàng Trung Quốc.
Lạ không, sao cứ VN thì phải đi với Trung Quốc, ngay cả lúc dâng mình thánh lên Đức Giáo Hoàng. Chán không, làm cho buổi lễ Palm Sunday của tôi mất đi tính long trọng, tôi chẳng còn đầu óc nào nghĩ tới cái chết của Chúa, cứ lo nghĩ tới "cái chết của VN" bên cạnh anh chàng Trung Quốc (vớ vẩn) nào đó.

Ôi kỷ niệm và đời người

La Maison en Petits Cubes, part 1


La Maison en Petits Cubes, part 2

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

Chỉ 40 triệu

Bài báo của St. Petersburg Times tuần rồi có bản tin rất là có lý. Thế hệ "baby boomers" chắc chắn là sẽ ủng hộ hết mình, góp phần vào việc giải quyết khó khăn cho kinh tế Mỹ (có khi cả toàn cầu) mà còn dư thì giờ để "ăn chơi" thì còn gì bằng nữa, bài báo như thế này:

Có khoảng 40 triệu người lao động ở cái tuổi trên 50, trả cho họ 1 triệu đô tiền bồi thường cho nghỉ việc với những điều khoản sau đây:

1/ Tất cả phải rời bỏ công việc - nhường lại 40 triệu cơ hội - giải quyết chuyện thất nghiệp.
2/ Tất cả phải mua xe Mỹ - 40 triệu xe sẽ được đặt mua - khó khăn của kỹ nghệ xe được giải quyết xong.
3/ Tất cả sẽ mua nhà hay trả hết nợ nhà - khủng hoảng về nhà cửa thế là cũng được giải quyết xong.

Với cái giá chỉ có 40 triệu đô đối vớí Uncle Sam, đó là giá quá rẻ, so sánh với cái giá 700 triệu bảo trợ của chính phủ.

Ai không biết, chứ trả cho tôi 1 triệu là tôi nhường việc ngay lập tức. :-), có khi được bảng tưởng thưởng đã cưú nước không chừng.
4-6-09
Đăng cái post này hôm nọ, bây giờ đọc lại thì thấy là ngu không thể tưởng được, 40 triệu người mà mỗi người 1 triệu thì làm sao ra 40 triệu được hở Giời :-). Bản tin thì không nói đến 40 triệu đô, nhưng dịch từ một bản tin khác nói là chỉ có 40 triệu so với 700 triệu, người loan tin và người dịch (ấm ớ) đều không biết làm... toán.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Có là chuyện vui (?)

Câu chuyện Thái Hà đã cũ, nhưng những câu chuyện hài của về phiên toà, về việc đi tìm Công Lý và Sự Thật của họ sẽ là câu chuyện dài cho người dân VN hiểu thế nào là luật pháp của Đảng và Nhà Nước. Không phải là luật từ những đại biểu của Nhân Dân, những người ngồi trong toà nhà Quốc Hội, thực sự vì tiếng nói của Dân, mà là của Đảng. Nhớ nhé.

Cuối tháng 3 – 1975

Hôm qua nhận một email nói về một thành phố cũ, cuốn phim cũ hiện lại trong trí nhớ như ngày mới ngày hôm qua. Và cũng vì có mặt ở nơi ấy trong những giờ phút hoảng loạn của thành phố, một thân một mình. Tôi cũng trở thành người mất trí nhớ, bôi xoá hết tất cả những kỷ niệm, ngôi trường, con đường từng đi qua và ngôi nhà cũ. Quả thật Tạo hoá đã khiến cho con người một bản năng tự vệ trước bối cảnh kinh hoàng nhất của cuộc đời đó là "bôi xoá tất cả", để lãng quên, để sống thật bình yên trong "thiên đường" của mình, phải chăng? Tuổi thơ, tuổi trẻ chúng tôi đã không có những thiên đường bình yên mà là những tiếng súng sớm mai đến trường, của một hoà bình trong tang thương. Bao nhiêu năm đã trôi qua, tuổi trẻ ấy đã dần mai một, làm một điều gì rất nhỏ để thắp mãi ngọn nến "tình yêu tổ quốc" có chuyển được cho những người trẻ (hạnh phúc) hơn thế hệ đã đi qua (?)

Giờ phút hấp hối cuả thành phố Đà Nẵng: Cuối tháng 3 – 1975

(Kính tặng bạn bè, chiến hữu đã từng sống và làm việc cùng tôi tại thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn này)
------------
Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 thật là hỗn độn, rối lọan. Quân đội và dân chúng từ các Tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, thành phố Huế đổ xô về, làm cho cái thành phố đã đông dân này càng thêm đông đảo. Cái Radio 4 băng tần tối tân nhất cuả Nhật lúc bây giờ lúc nào cũng ở bên cạnh tôi. Theo tin từ các Đài Phát Thanh trong và ngòai nước thật là lộn xộn, không giống nhau... Theo đài phát thanh Quân Đội, Sài Gòn, VOA, BBC cũng như một vài đài khác cuả nước ngòai, tôi vô cùng kinh ngạc là Huế có lệnh rút bỏ mặc dầu chưa đánh nhau chi cả. Sao lạ quá như vậy ? Tôi gọi điện thọai, hỏi mấy Ông bạn thân là Đơn Vị Trưởng trong vùng thì họ cũng trong tình trạng như tôi, không rõ đầu đuôi, tình hình ra sao hết.
Thành phố Đà Nẵng đông chật những người là người. Vấn đề an ninh, lộn xộn mỗi lúc một thêm gay gắt. Nhiều binh sĩ tức giận, bắn súng lên trời như những kẻ điên khùng vì không hiểu tại sao lại có lệnh rút lui, bỏ hết các trận tuyến gây nên tình trạng hỗn loạn thê thảm này trong khi chưa chạm địch., chưa đánh đấm chi cả. Xưa nay có bao giờ thế đâu ! Tự nhiên không đánh nhau, mà chỉ biết bỏ chạy là làm sao ? Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đòan I kiêm Vùng I Chiến Thuật, có lẽ là người duy nhất ở đây biết được chuyện này, do ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiêu gọi vô Sài Gòn gấp, họp các Tướng Lãnh, nhưng vào tới nơi thì chỉ có một mình ông gặp Tổng Thống Thiệu và nhận lệnh cuả vị Tổng Tư Lệnh quân đội: “Rút bỏ Quân Khu I !”. Tướng Trưởng, một danh Tướng cuả Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thế giới biết tiếng, biết tên, chết điếng cả người nhưng... chẳng muốn hỏi tại sao vì ông cũng đoán biết: hỏi cũng vô ích,để rồi bỗng dưng khai tử luôn cả một Quân Đoàn ( Army Corps ) hùng mạnh cho nó tan hàng, xập tiệm, và cả Vùng I Chiến thuật bao gồm 5 Tỉnh: Quảng Trị, Thưà Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và 2 thành phố Huế, Đà Nẵng. Bộ Chỉ Huy Quân Trấn Đà Nẵng được lệnh rõ ràng cuả Tướng Trưởng: Bất cứ kẻ nào dùng súng đạn cướp bóc, xâm phạm tính mạng, tài sản của dân chúng trong tỉnh trạng rối lọan hiện nay sẽ bị các lực lượng an ninh, quân cảnh bắn hạ tại chỗ ! Tuy có cấp chức được quyền ở cư xá do quân đội cung cấp, nhưng tôi có giấy phép dậy học ngòai giờ làm việc (chuyên dậy kèm Pháp và Anh ngữ cho rất đông học sinh Trung Học) để đời sống vật chất tốt hơn, đối với gia đình đông con như tôi, tránh được chuyện dính dáng đến tham nhũng, hối lộ, rồi làm “ dê tế thần ” cho tình trạng chính quyền và xã hội “lem nhem“ thời đó. Vài em học sinh chăm chỉ vẫn còn lui tới: “Thưa Thầy ! các lớp học ra sao, có học tiếp không hả Thầy?”. Tội nghiệp ! Giờ này mà các em vẫn có thể nghĩ đến chuyện học hành. Tôi nói “Thôi, chúng ta tạm nghỉ, khi nào yên tĩnh hãy hay. Các em nên tránh bớt việc đi lại ngòai đường phố trong lúc này, rất nguy hiểm”. Các em ra về, vẻ mặt buồn thiu…
Gia đình tôi ở trong một ngôi nhà nhỏ trong khu xóm đồng bào nghèo, nhưng có 2 cái sân đủ cho học sinh 3 lớp học tối mỗi đêm, thay phiên nhau đậu xe gắn máy và xe đạp. Lúc này, tôi dã đưa gia đình và di chuyển những gì cần thiết lên văn phòng Toà Án cho được an ninh ví có anh em Nghĩa Quân canh gác các cơ quan chính quyền.
Các ngân hàng đã đóng cửa, rất nhiều người cũng như tôi, khi nghĩ tới chuyện cần có số tiền phòng thân, đành chịu chết. Thôi, giữ sổ sách rồi vào Sài Gòn hãy hay. Ôm tiền mặt lúc này càng thêm nguy hiểm. Có chi sài nấy vậy. Ai cũng nghĩ như thế để an tâm đối phó với tình hình trước mặt, ngày càng gay go, hỗn độn. Tôi điện thọai vào phi trường quân sự, định hỏi Thiếu Tá Trưởng Phòng An Ninh, không có, xin gặp Đại Úy Quang, cũng không có, chỉ có Trung Úy Bẩy trả lời, “Thiếu Tá ơi ! Tụi nó pháo kích hỏa tiễn 122 ly của Trung Cộng cầy nát phi đạo rồi, máy bay của mình không đáp xuống được nữa, chỉ sài được trực thăng thôi. người đông nghẹt mà trực thăng không thấy đến chi cả !”. Tôi điện thọai sang Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I, hỏi thăm mấy Sĩ Quan thân thiết thì được hay: Tại Cảng Tiên Sa, tầu không đủ chuyên chở quân đội di tản cùng với gia đình cũng như đồng bào trốn chạy quân cộng sản đang tiến vào thành phố bằng nhiều ngả, bao vây chung quanh Đà Nẵng. Lệnh trên: rút bỏ Quân Khu I không đánh đấm chi cả thì tình trạng làm sao khác được ! Địch pháo kích chung quanh Đà Nẵng ầm ầm... Tôi gọi sang Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Quân Khu. Đại Tá Chỉ Huy Trưởng vẫn còn ở đó. Là bạn thân với nhau từ hồi còn nhỏ, lưu lạc giang hồ, mãi sau này mới gặp lại nhau và lần sau cùng là ở Đà Nẵng. Tôi chở tất cả gia đình trên chiếc xe jeep, gồm nhà tôi và 7 đứa con, đứa con gái lớn sức khỏe yếu kém, đứa con trai kế 16 tuổi, đứa con gái út mới được 6 tháng, vợ tôi phải bồng ẵm trên tay, đến Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Quân Đòan. Lúc đó là chiều ngày 28 tháng 3, tôi gọi cậu tài xế trung thành và can đảm, Binh nhất Túc, mà tôi đã đích thân đến đơn vị hành chánh quản trị địa phương, lựa chọn rồi hỏi han về tình trạng khó khăn khiến hắn can tội đào ngũ. Tôi liên lạc với đơn vị gốc của hắn, nhận cho hắn làm tài xế vì Tòa Án có xe nhưng không đủ quân nhân tài xế. Sau này, tôi thấy hắn tận tâm, chu đáo và trung thành, nên tôi nói với đơn vị đề nghị cho hắn lên Hạ Sĩ, mong ngày nào nào đó không xa, cho hắn lên hạ Sĩ nhất thì đồng lương cũng đỡ khổ cho gia đình. Tôi bảo: “Thôi, cậu lo cái xe cho tốt, đầy đủ săng nhớt rồi cho cậu về lo chuyện gia đình, Tôi lái lấy cũng được. Đây, chìa khóa văn phòng và tất cả những gì của gia đình tôi trong đó, nếu tôi đi khỏi thì tất cả là của cậu. Cậu ở lại lo cho gia đình. Vợ con cậu cũng cần đến cậu trong lúc hỗn lọan này. Đem những thùng, hộp thực phẩm khô, sữa hộp chia cho anh em Nghĩa Quân. Tôi sẽ cho lệnh họ: khỏi canh gác nữa ! Tòa chỉ còn tôi là Sĩ Quan cuối cùng ở đây, anh em Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ thì ở trại gia binh rồi. Cho họ về lo thu xếp, bảo vệ gia đình”. Tôi bắt tay cậu tài xế, Hạ Sĩ Túc. Cậu tài xế cứ nắm chặt lấy tay tôi, nói trong nghẹn ngào “Em không nỡ để Thiếu Tá và Cô đi một mình với các em như thế này. Cứ để em đi theo, thầy trò mình sống chết có nhau, gia đình em đông người, nhiều bà con, dân địa phương, em là binh sĩ nên không có gì khó khăn nhiều như Thiếu Tá. Thiếu Tá đi được rồi, em trở lại với gia đình cũng được, không sao cả !”. Tự nhiên tôi thấy mắt mình nhòa đi trước tấm lòng của cậu tài xế trung thành và can đảm, luôn luôn nghĩ đến tôi, và gia đình vì chúng tôi: một Sĩ Quan cấp Tá, Phó Ủy Viên Chính Phủ Toà Án Quân Sự Mặt Trận Quân khu I và một binh sĩ luôn sống với nhau như người trong một gia đình ruột thịt đã nhiều năm, nhiều tháng. Tôi bảo: “Túc ! Cậu phải nghe tôi, về trông coi, bảo vệ lấy gia đình trong lúc này ! Tôi tới Bộ Chỉ Hy Pháo Binh bây giờ. Ông Đại Tá Chỉ Huy Trưởng còn ở đó !”. Hạ Sĩ Túc, cậu tài xế rời nắm tay tôi rồi đứng nghiêm, giơ tay chào nghiêm chỉnh: Kính chúc Thiếu Tá, Cô, cùng các em ra đi bình an ! Tôi thấy rõ cậu tài xế can đảm và trung thành bật khóc. Chắc chắn là hắn khóc cho gia đình tôi trong cơn nguy biến, mà tôi bắt hắn phải ở lại. Trên đường, một chiếc xe Jeep chạy ngược chiều với tôi, trên có 4 Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến, tuổi còn trẻ nhưng đều đeo lon Cấp Tá, rất quen thuộc, tôi chạy chậm lại, giơ tay vẫy chào, và hỏi to, “Có chi lạ không ?”. Mấy Ông bạn cũng giơ tay vẫy. Một anh bạn người Nam la lớn: “Đù má nó ! Anh coi: chiến tranh kiểu chi lạ! Tụi này có bao giờ bỏ chạy như thế này đâu! Lại mấy thằng Mỹ với thằng Thiệu...đem con bỏ chợ, âm mưu buôn bán xương máu tụi mình đây thôi !...”
Gia đình Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh đã vào Sài Gòn ít hôm trước, Ông còn ở lại vì Tướng Trưởng và Bộ Tư Lệnh Quân Đòan vẫn còn ở Đà Nẵng. Đang ăn cơm tối với nhau thì điện thọai reo . Sĩ Quan trực chạy vào báo cáo: Thưa Đại Tá ! Có lệnh của Trung Tướng mời Đại Tá sang ngay Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn ! Ông Đại Tá bắt tay tôi và mấy Sĩ Quan thuộc quyền của Ông đã tụ tập về đó: “Chúc Anh Chị, quý vị các cháu và tất cả bình an”. Ông còn dặn tôi trong lúc vội vã quay đi “Anh cho Chị và các cháu ngủ tạm trong hầm của tôi, rất tốt ! Nếu thiếu chỗ thì giường của tôi trong phòng kia...”. Sau này, tôi biết là Ông cùng Bộ̣ Tư Lệ̣nh Quân Đoàn sang sân bay trực thăng Non Nước để̉ ra tàu Hải Quân cuả Mỹ chờ ngoài biển.
Tôi mặc nguyên quân phục tác chiến, với khẩu súng Colt – 12 bên mình, chỉ bỏ cái mũ sắt 2 lớp ra, rồi ngả lưng xuống giường thiu thiu ngủ chập chờn. Điện thọai reo, Sĩ Quan trực chạy sang: Thưa Thiếu Tá, Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn cho hay: 5 chiếc Tầu Hải Quân đã được lệnh lên đường, ra Biển Mỹ Khê, Đà Nẵng chuyên chở quân đội, gia đình và dân chúng. Tầu sẽ tới nơi vào khuya đêm nay hay sáng sớm mai...
Tôi đang mơ mơ màng màng trong giấc ngủ nặng nề thì có người đánh thức tôi dậy và nói trong sự vội vàng, “Thiếu Tá ! Thiếu Tá ! Mình phải đi ngay, rời khỏi nơi này vì tin tức cho hay quân cộng sản Bắc Việt đã tới rất gần thành phố, không gặp sự kháng cự nào cả...”. Tôi đánh thức gia đình, vợ con rồi tất cả lại lên chiếc xe Jeep với ít đồ đạc gọn nhẹ tùy thân, nhắm hướng Bãi Biển Mỹ Khê phóng đi, sau khi bắt tay vội vàng vài Ông bạn Sĩ Quan Pháo Binh. Xe chạy được một quãng khá xa, chừng dăm cây số, bỗng đưá con gái lớn cuả chúng tôi kêu thất thanh: “Cái va-li da cuả Mợ đâu rồi ?”. Trong số đồ đạc mang theo thì cái va-li da đó có chút ít tài sản còn lại đáng giá hơn mấy cái va-li đã nằm trong xe Jeep để sống, do bà nhà tôi và đưá con gái lớn ,vốn tính cẩn thận, trông coi cho chắc ăn. Mọi người trên xe nhận ra là trong lúc vội vàng di chuyển, chính cái va-li đó đã bị bỏ lại ở trại Pháo Binh vưà rồi. Chết thật ! Tôi lái xe quay lại ngay lập tức, nhưng khó khăn vì người di chuyển quá đông. Chạy trở về trại Pháo binh, vẫn còn 2 cậu lính gác, tôi đậu xe ngay cưả phòng vưà rời ban nẫy, chạy như bay vào trong. May quá ! (cái may đầu tiên ) Chiếc va-li đã được lôi từ trong hầm gia đình tôi ṭam trú lúc trước, nhưng chưa đem lên xe, vẫn còn nằm trơ một mình sau cánh cưả lối lên phòng tôi nằm. May mà còn lính gác, nếu không thì dân chúng quanh đó và bọn cướp phá cơ quan, công sở đã tràn vào vơ vét tất cả những gì còn ḷại, và cái va-li “quan trọng nhất cuả gia đình tôi” cũng mất tiêu rồi. Nếu nó bị mất thì không biết sau này gia đình tôi cầm cự ra sao với cuộc sống đổi đời với trăm ngàn khổ cực. Trời Đất đã cứu gia đình tôi.. Đưá con gái lớn lần này tay lúc nào cũng để lên cái va-li vưà tìm lại được.Tôi lái xe ra cổng, anh em binh sĩ vẫn còn canh gác. Tôi nói lớn: “Anh em về đi, lo chuyện gia đình, doanh trại không còn ai nữa !”
Trời đất ! Đường xá ban đêm mà lúc này đông nghẹt những người là người, di chuyển bằng đủ mọi cách. Tất cả đều hướng về phía Cảng Tiên Sa và bãi biển Mỹ Khê. Tôi lái xe, khẩu Colt-12 đeo trước ngực, ̣ kiẻu Sĩ Quan Đức, đã lên đạn, khoá chốt an toàn, khẩu M-16 đã lên đạn sẵn, cũng khóa chốt, để ngay bên cạnh. Đứa con trai lớn nhất 16 tuổi, có mặt trong xe cũng đã được tôi chỉ dẫn để sử dụng khẩu tiểu liên hạng nhẹ Carbin M-2 để đề phòng trường hợp bị bọn bất lương, tấn công, cướp bóc trong khi hỗn lọan. Trông cảnh người xe xuôi ngược thật là kinh hoàng, trong khi đó quân cộng sản vẫn pháo kích vào thành phố Đà Nẵng nổ ùynh ! ùynh !… rải rác đó đây.
Cái xe Jeep của tôi đang chạy bỗng dưng chết máy, nằm ỳ ngay cạnh đường. Thế là làm sao ! Còn đang lúng túng thì hai binh sĩ cầm M-16 từ cống trại lính bên kia đường tiến đến xe tôi dòm ngó, xem có chuyện chi mà lại dừng xe ngang xương trong dòng người đang chẩy xuôi ra hướng bãi biển. Một binh sĩ chào tôi: Thưa Thiếu Tá ! Sao Thiếu Tá lại ở đây vào lúc này ? - Xe tôi chết máy rồi ! Cậu binh sĩ kia cũng chạy lại rồi la to: Đại Úy Sinh ! Ra mau ! Thiếu Tá Phó Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Mặt Trận đây nè ! Đại Úy Từ Khánh Sinh, Đại Đội Trưởng nhẩy dù, bị thương tại mặt trận, sau được đưa về đây làm Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, dưới quyền cuả tôi. Đại Úy Sinh, quân phục tác chiến chỉnh tề, mũ sắt 2 lớp, giơ tay chào tôi nghiêm chỉnh như thường lệ. Chúng tôi bắt tay nhau trong khi tôi nói : “ Hay nhỉ ! Sao cái xe của tôi lại chết máy ngay ở chỗ này ? Nếu nó chết máy ở chỗ khác thì làm sao đây ? “Tôi nghĩ thầm trong bụng : Đây là điều may mắn thứ hai cho chúng tôi trong cơn hỗn lọạn kinh hoàng. Anh Sinh kêu mấy binh sĩ ra đẩy cái xe của tôi vào trong sân trại.rồi ra lệnh cho một Thượng Sĩ: “Lấy cái xe dự trữ cuả mình, lo săng nhớt đầy đủ rồi giúp gia đình Thiếu Tá chuyển đồ đạc sang, chớ lúc này mà xe cộ lộn xộn là nguy hiểm lắm. “Tôi cảm ơn Đại Úy Sinh, bắt tay viên Thượng Sĩ già rồi vào văn phòng, có vài Sĩ Quan trong đó. Sau vài phút hỏi han tình hình, tôi hỏi Đại Úy Sinh”. Anh em bị giam giữ còn bao nhiêu người ? “ – Thưa Thiếu Tá: gần 1 ngàn ! – Việc ăn uống của họ tới ngày hôm nay ra sao ? – Hôm nay thì vẫn còn, nhưng ngày mai thì chưa biết, gạo mình còn, nhưng liệu nhà thầu cung cấp thức ăn có còn liên lạc nữa không. Suy nghĩ thật nhanh vài giây rồi tôi quyết định: “Quân cộng sản đang tiến vào Đà Nẵng mà không đánh nhau chi cả. Nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của 2 Tòa: Mặt Trận Vùng I và Tòa Thường Trực Đà Nẵng, tôi ra lệnh thả hết tất cả quân phạm không phân biệt Đại hay Tiểu Hình… En temps de guerre ! En cas de force majeure ! (trong trường hợp chiến tranh ! Trong trường hợp bất khả kháng) chúng ta có quyền làm bất cứ cách nào để bảo vệ sinh mạng của ngần đó con người, đã từng là quân nhân như chúng ta. Họ cũng có thân nhân gia đình đang đợi chờ họ. Anh Sinh cho thư ký đánh máy biên bản theo lời tôi đọc “Lệnh thả hết quân phạm”... Tôi sẽ ký tên với tính cách người ra lệnh, và tất cả Sĩ Quan có mặt cùng ký tên với tính cách nhân chứng, hiểu biết quyết định này. Sau này vào Sài Gòn, chúng ta có giấy tờ trình Nha Quân Pháp và Bộ Quốc Phòng là những cơ quan mà hai Toà Án chúng tôi trực thuộc. Sáng sớm mai, chúng ta sẽ thả hết…
*

Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ của Quân Lao hầu như vẫn còn có mặt đông đủ.tới giờ phút này. Đại Úy Sinh vốn gốc Sĩ Quan nhẩy dù cho nên làm việc rất đàng hoàng, nghiêm chỉnh. Bộ phận cấp dưỡng, dọn cơm tối lên cho mấy anh em Sĩ Quan chúng tôi, vừa ăn, vừa bàn bạc công việc phải làm sáng mai. Một Hạ Sĩ Quan đi xe gắn máy từ Cảng Tiên Sa trở về, báo cáo: Cảng Tiên Sa rất đông người, tầu bè di chuyển không đủ, rất khó khăn, địch thỉnh thỏang lại nã vài trái hỏa tiễn gây chết chóc và thương tích cho bà con… Đại Úy Sinh bảo anh em lo cơm tối cho gia đình tôi và chỗ nghỉ ngơi qua đêm. Tình “Huynh đệ chi binh” những lúc như thế này mới thấy nó cao quý làm sao ! Tất cả đều coi nhau như ruột thịt một nhà. Thật là phúc đức cho gia đình tôi: trong suốt những ngày rối loạn, di tản, chúng tôi may mắn vẫn có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng, không thì khổ cho đám con trẻ biết mấy, nhất là đưá con gái út mới được ̉6 tháng, nhà tôi còn phải bồng ẵm trên tay và lo những bình sưã và biết bao nhiêu thứ cho một đưá bé như thế.
Hôm sau, trời còn sớm lắm, nhưng tất cả chúng tôi đã thức dậy. Tất cả Sĩ Quan chúng tôi cùng binh sĩ trong trại kéo nhau xuống phía khu vực nhà giam. Tôi ra lệnh: tất cả binh sĩ súng M-16 lên đạn, đứng thành 2 hàng, các Sĩ Quan đứng sau lưng, tôi cho mở cửa nhà giam, rồi dùng loa phóng thanh cầm tay nói lớn: Nhân danh Sĩ Quan có cấp chức cao nhất của Tòa án quân sự Mặt Trận Vùng I và Tòa án quân sự Thường Trực Đà Nẵng hiện có mặt tại đây, tôi ra lệnh thả tất cả anh em ngay lúc này để trở về lo cho thân nhân gia đình trong tình hình khẩn cấp hiện nay… Nhiều anh em quân phạm còn nhìn nhau có vẻ ngơ ngác vì họ không biết rõ tình hình bên ngòai. Tôi nói tiếp: Anh em trật tự ra ngòai theo hướng dẫn của 1 Sĩ Quan, xếp hàng 10 người một, cứ đủ 6 hàng thì ngưng lại, ngồi xuống Khi có lệnh hô của 1 Sĩ Quan thì 2 hàng đứng dậy, theo tiếng hô thứ hai là cả 20 người chạy ra khỏi cổng trại, về nhà. Bất cứ ai gây lộn xộn, làm mất trật tự, hay đang chạy mà quay đầu lại hoặc dừng lại bất cứ vì lý do gì, sẽ bị bắn gục ngay tại chỗ ! Nghe rõ chưa ? Tất cả anh em đều reo mừng và thi hành lệnh một cách nghiêm chỉnh…
Công việc “thả tù” đã xong, tôi thở phào nhẹ nhõm, họ cũng là người, từng là quân nhân dù có phạm tội, họ cũng có thân nhân gia đình đang trông đợi trong hòan cảnh khó khăn, nguy hiểm này, chỉ sợ có sự rối lọan xẩy ra khi anh em nóng lòng, sốt ruột rồi làm càn, ai cũng muốn thóat ra khỏi nhà tù càng sớm càng tốt. May mắn là việc đó đã không xẩy ra.
Ăn sáng qua loa xong, tôi cho lệnh tập họp tất cả Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ cuả Quân Lao. Quân số gần như đông đủ hoàn toàn. Với giọng nói trộn lẫn sự sót sa trong lòng, dù rằng cuộc đời cuả tôi đã quen với sót sa, đau khổ, chia lià từ khi 15 tuổi, phải bỏ trường trung học ở Hải Phòng để lăn mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp, địch bắt hai lần, rồi 23 năm lính chống cộng sản, từ Binh Nhì, không theo học trường Sĩ Quan nào cả mà lên Thiếu Tá, với chức vụ hiện tại, tôi nói “ Vận nước bắt chúng ta phải bỏ cuộc một cách đau lòng. Chúng ta đã làm hết bổn phận cuả những quân nhân. Bây giờ, không còn cách nào khác hơn nưã, tôi khuyên anh em nên trở về ngay, lo cho gia đình trong cơn hỗn loạn. Súng đạn cá nhân, anh em tùy nghi tìm cách thủ tiêu, ai không làm được thì để vào trong kho súng chắc chắn kia, Sĩ Quan tiếp liệu khoá kỹ lại, không để lọt vào tay những kẻ xấu, dùng nó làm hại người dân vô tộ trong lúc hỗn loạn này... Còn các Sĩ Quan, anh em mình tạm chia tay ở đây và mong có ngày gặp lại. Xin chúc tất cả anh em bình an !”. Tôi bắt tay thật chặt từng Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ... Vài binh sĩ bịn rịn không nỡ rời chúng tôi trong khung cảnh đau đớn như thế này. Họ vẫn còn đứng nghiêm, giơ tay chào theo quân cách rồi mới tan hàng, theo nhau từng nhóm một. Mấy đưá con đã lớn cuả tôi đứng đằng xa, cạnh chiếc xe Jeep, trông thấy cảnh đó̀ cũng hiểu được nỗi đau lòng cuả lớp người cha, anh, những quân nhân chúng tôi, cho nên chúng nó cũng nước mắt sụt sùi. Khi ṃoi người đã tan hàng, ai lo việc nấy, Đại Úy Sinh, chỉ có một mình ở trại, lên xe cùng gia đình tôi. Anh lái ra phiá bãi biển Mỹ Khê. Có mấy chiếc tầu Haỉ Quân từ trong Nam kéo ra thật, nhưng đậu hơi xa, nước cạn không vào gần được. Trên tầu đông đặc những người là người và khắp ṃoi chỗ nơi bãi biển, người từ khắp nơi dồn về sao mà đông thế. Cả lính lẫn dân, kẻ lội nước, kẻ đi đủ loại ghe thuyền, cố gắng bơi ra ra tới chỗ tâù đậu… Cầu thang lên tầu không đủ để đưa số người đông đặc như kiến leo lên. Người ta phải dùng đến những cái thang dây dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng người vẫn chen chúc leo lên, hành lý mang theo rơi rớt xuống biển mỗi lúc một nhiều, rồi đến lúc có những người vì chen chúc, xô đẩy, đuối sức cũng rớt xuống biển đều đều. Những tiếng kêu gào thất thanh càng làm cho cảnh tượng thêm rùng rợn. Nhiều người trên bờ biển khóc thét lên làm cho những đưá con nhỏ cuả tôi cũng oà lên khóc theo. Tôi bảo Đại Úy Sinh “Mình không thể để cho những đưá trẻ thơ như thế này cũng phải cḥiu cảnh thê thảm đó !”. Anh Sinh bảo tôi “Bọn mình tránh ra phiá này, tôi có thằng đàn em ở trong xóm đằng kia. Nó có chiếc ghe dìm dưới nước. Nó và bọn mình đi ghe ra phiá ngoài xa, lên chiếc tầu ở tít ngoài kia mới được”. Chiếc xe Jeep cài số nhỏ, ì ạch lăn bánh trên cát, chở đông người chúng tôi tới phiá cách xa đó một khoảng, gần một xóm nhỏ lơ thơ mấy nóc nhà tranh, nhà lá. Anh Sinh chạy vut vào trong xóm rồi ra ngay cùng với một cậu nghiã quân… Chiếc ghe được lôi ở dưới nước lên, đủ chở ngần đó con người, tuy có chút nguy hiểm về an toàn. Đành liều vậy, chớ biết làm sao ! Bà nhà tôi lên tiếng: “Sống cùng sống, chết cùng chết với nhau !”. Cậu nghiã quân nói: Thiếu Tá và Đại Úy thay quần áo dân sự đi vì em biết ṭụi du kích và đặc công nằm vùng đang ra công khai hoạt động để kiểm soát tình hình, phiá sau quân đội đánh chiếm thành phố Đà nẵng va vùng chung quanh, ngăn chặn đồng bào di tản, ṭụi nó hung hăng lắm ! Tôi đã từng có kinh nghiệm khi đi kháng chiến, đứng trong hàng ngũ cuả cộng sản gần 7 năm, công tác trong các văn phòng cơ quan lãnh đạo vì có chút chữ nghiã và có người anh ruột đỡ đầu, che chở, cho nên tôi biết rõ Sách - Lược ( Polisy & Strategy ) cuả cộng sản là đánh chiếm một vùng hay một xứ sở, quốc gia nào thì bắt buộc: quân tác chiến làm xong nhiệm vụ, lập tức lực lượng bình định ( Pacificatory forces ) phải kiểm soát an ninh, trật tự, đè bẹp, diệt tan mọi sức kháng cự hay nổi lên làm loạn sau này... Chúng tôi chuyển đồ đạc trên xe xuống bãi cát rồi tôi đưa chùm chìa khóa xe cho một người đàn ông ngòai 50 tuổi dáng hiền lành, đứng cạnh đó, không rõ ông ta thuộc lọai người gì. Tôi bảo: Nếu chúng tôi xuống ghe đi được thì Bác lấy chiếc xe này, đem về biến cải đi mà sài ! Chúng tôi chuẩn bị bước xuống chiếc ghe của cậu nghĩa quân, đã được tát sạch nước, nhưng lúng túng vì đông người, có đám con nít, với đồ đạc... Từ phiá làng xóm gần đó, bọn du kích và quân chủ lực miền (regional forces) cuả Tỉnh Đội Quảng Nam – Đà Nẵng đã chia nhau từng toán nhỏ đi lùng soát, ngăn chặn tại các điạ điểm trọng yếu, mà bãi biển Mỹ Khê, Sơn Trà, núi Non Nước vv... là những điểm chúng đã chú ý. Mấy tên du kích chiã súng tiểu liên AK- 47 cuả Liên Sô và cả M-16 cuả quân Việt Nam Cộng Hoà bỏ lại, quát om xòm: “Không có đi đâu hết cả ! Quay về ngay, không thì... bắn hết ! “Chúng nổ vài loạt súng vào chiếc thuyền nhỏ và bắt chúng tôi quay lại. Thật là buồn lẫn tức giận vì Đại Uý Sinh từng là Đại Đội Trưởng Nhẩy Dù, còn tôi thì đã từng lăn lộn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Tây bắt 2 lần, rồi 23 năm trong Quân Đội Cộng Hoà từ Lính hạng bét leo lên cấp Tá, từng coi bọn du kích này như bọn... chó chết, nhưng lúc này chúng nó là kẻ thắng trận và đang cầm tiểu liên xung kích trong tay. Tôi nói nhỏ vớ Sinh: thôi quay lại ! Tôi nhìn lũ trẻ mặt mũi lo sợ, kinh hoàng mà lòng đau sót không cách nào nói hết được... Khi trở lại chiếc xe thì Bác “nhà quê” đang ngồi ở ghế tài xề và cho xe nổ máy. Loay loay mà chẳng biết làm cho chiếc xe nổ máy. Tôi nói với Bác ta: “Thôi, cảm ơn Bác, chúng tôi không đi được, cần xe chở nhà tôi và các cháu về thành phố kẻo trời chiều đã muộn, ở giưã bãi biển mênh mông thế này, đằng kia người đen như kiến vẫn đang lên tầu và vẫn... đang rơi rụng xuống biển như sung, như lá bay thế kia, coi bộ không được rồi, nhất là các cháu nhỏ như thế này. Bác ta vui vẻ đưa lại chùm chià khoá cho tôi và bước xuống nhường chỗ cho Đại Uý Sinh và tôi chuyển đồ đạc trở lại trong xe. Đây lại thêm một điều may mắn cho chúng tôi. Xong việc, tôi bảo anh Sinh lên lái xe, tôi ngồi bên cạnh còn nhà tôi và các cháu ngồi hết ở phiá sau. Đại Uý Sinh ngồi lên cầm tay lái, tôi quay lại nói với người đàn ông hiền lành, gần như không thấy nói năng gì cả: Cảm ơn Bác nghe ! Cầu chúc Bác bình an ! Trong khi Đại Uý Sinh cài số nhỏ, lái xe ì ạch lăn trên bãi cát, tìm lối lên bờ, tôi nói với anh Sinh: May mà tay này hiền lành, thật thà, mở xe mấy lần máy không nổ, nếu nổ máy, liệu anh ta có biết lái nó đi đâu không, và chúng tôi cả bọn đang đứng ở giưã bãi biển mênh mông, với nhiều đe doạ, nguy hiểm, không biết sẽ ra thế nào khi trời đã dần dần ngả bóng về chiều, trong khi anh Sinh chỉ mở máy một cái là xe nổ máy tức khắc, xe tốt, để dự trữ cuả đơn vị anh Sinh kia mà, chớ gặp anh chàng kia là thứ dữ thì thật là khổ sở vất vả cho gia đình tôi với đám con phần nhiều còn nhỏ, đồ đạc lỉnh kỉnh... Xe đã tìm được lối lên đường, quay trở lại lối cũ phải qua Quân Lao Đà Nẵng. Trời đất ! Doanh Trại Quân Lao Đà Nẵng cuả Đại Uý Sinh lúc này đông nghẹt bà con, dân chúng ở đâu kéo đến tạm trú, chắc bà con cũng định nhắm hướng bãi biển Mỹ Khê, Tiên Sa, nhưng thấy trời đã sắp tối nên kéo nhau vào đây. Anh Sinh lái xe vào trong, đậu trước hai căn phòng cưả chắc chắn, khoá bằng những chiếc khoá đặc biệt cho nên không có ai vào đây. Mấy anh em binh sĩ cuả anh Sinh, nhà ở liền đó, biết được chúng tôi đã quay trở lại Quân Lao, liền chạy đến, xem có thể giúp đỡ được gì chăng. Đến lúc này mà anh em vẫn còn nghĩ đến chúng tôi, thật là tình “Huynh Đệ Chi Binh” đúng là bất diệt... Lúc này theo tin tức thì quân cộng sản đã vào kiểm soát thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi cũng như bao nhiêu Sĩ Quan, quân nhân từ Quảng Trị dồn về vùng đất này hầu hết đã bị dồn vào chỗ chết, nhưng biết làm sao, đành theo vận nước… Qua một đêm khó khăn, khắc khoải ở Quân Lao Đà Nẵng, đơn vị cũ cuả Đại Uý Sinh, anh Sinh lo cho chúng tôi là một chuyện, lo cho gia đình, nhà tôi và lũ con còn nhỏ, cũng như cho chính anh với tương lai tối tăm trước mặt, thật là kinh khủng. Trời sáng lúc nào không biết. Tôi nói Đại Úy Sinh kiếm một lá cờ Phật Giáo, lúc này dễ dàng kiếm ra thứ đó ở chỗ đông người vì lúc này Thầy Thích Trí Quang “Chuyên viên tôn giáo vận” cuả Cộng Sản Việt Nam từ 1946, là nhân vật quyền hành lớn lao, người dân miền Nam ai cũng phải biết lúc này vì ông lãnh đạo “thành phần thứ ba” ngoài hai lực lượng khác cao hơn: cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đứng đầu là Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ, rồi đến Thủ Tướng Huỳnh Tấn Phát, nhưng thực ra tất cả đều đặt dưới sự lãnh đạo cuả Bộ Chính Trị Trung Ương cộng sản Hà Nội. Nhân vật Thích Trí Quang kêu gọi: Các Bác Sĩ trở về bệnh viện cuả mình làm việc vì số thương vong quân đội, dân chúng quá nhiều, kêu gọi quân nhân cuả nam Việt Nam đem súng đạn đến nạp tại sân chuà trong thành phố, thị trấn, và ra trình diện Uỷ Ban Quân Quản khi có lệnh... Bà con nói: Sân Chuà Tỉnh Hội Đà Nẵng ở đường Ông Ích Khiêm là một cái núi chất đầy súng đạn, nhiều nhất là súng M-16 trang bị cho các lực lượng võ trang chính quy cuả Nam Việt Nam, còn vứt rải rác khắp hang cùng, ngõ hẻm thì không kễ. Tất cả chúng tôi lại chất đồ đạc lên xe trở vào thành phố Đà Nẵng, là vùng đất chết lúc này, nhưng biết làm khác được ! Xe ra khỏi cổng trại với chiếc lá cờ phật Giáo to tổ chảng bay phất phới. Xe chạy sắp tới ngã ba rẽ vào thành phố Đà Nẵng và đi Huế thì mấy chú bộ đội chủ lực cuả Tỉnh Đội Quảng Nam (tôi đoán thế) mũ tai bèo, súng AK-47 từ bên cạnh đường nhẩy ra chặn xe lại và yêu cầu Anh Sinh và tôi buớc xuống khỏi xe. Thấy mấy tên bộ đội non choẹt, nếu trước đó ít lâu thì cứ một chiến binh lính Dù cuả anh Sinh là dư sức “sơi tái” một lúc cả 3 tên bộ đội “bé choắt” này trong 30 giây đồng hồ, tôi chơi nước liếu hét to: “các anh trông lá cờ trước mũi xe kia ! Lệnh cuả Ban Quân Quản Đà Nẵng và Thầy Thích Trí Quang sai chúng tôi liên lạc khẩn cấp với Chuà Tỉnh Hội Đà Nẵng xin xe cộ ra bãi biển Tiên Sa chở bà con, đồng bào bị thương nằm la liệt ngoài đó, chậm không đưa về bệnh viện là chết hết ! “Mấy chú bộ đội ngơ ngáo nhìn nhau rồi khoát tay: “Thôi đi mau lên !”. Chạy vào phiá thành phố rồi, tôi mới bảo Đại Uý Sinh: Moa không hét toáng lên như vậy là chúng nó bắt hai anh em mình xuống ngồi tập trung ở bãi cỏ rồi, lúc đó nhà tôi và lũ trẻ này sẽ ra sao ! Xe chạy vào trung tâm thành phố thì bọn tôi thấy cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt Trận Giải Phóng miền Nam đã đầy ngập thành phố, khắp chốn hang cùng ngõ hẻm. Mau thật ! Một nhóm các em học sinh, trong đó có cả học sinh cuả tôi mấy hôm trước, đã bị luà ra đầy đường phố, mỗi nhóm có kèm hai, ba tay súng đặc công chỉ huy, làm công tác tuyên truyền, kêu gọi bà con trở về... thành phố đã được giải phóng ! Hai em học sinh chạy lại bên tôi nói: Thưa Thầy ! Thầy đưa Cô và các em về nhà, và có cần đi đâu trong thành phố nưã thì Thầy cứ việc đi thoải mái. Xong việc, xin Thầy giao xe lại cho chúng em vì lúc này Thầy cũng biết rồi, thành phố cần quản lý và sử dụng tất cả mọi thứ xe cộ, nhất là cuả quân đội cũ. Tôi bảo một em biết lái xe, nhẩy lên ngồi phiá sau, chật chội, anh Sinh lái đến một gia đình quen biết ở gần đó rồi giao tay lái lại cho tôi. Sau cái bắt tay từ giã sót sa, nhưng đầy rình “chiến hữu”, chúng tôi vẫy tay chào nhau khi tôi lái xe thẳng đến Toà Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I. Tôi rút chià khoá xe, nắm trong tay, rồi nhẩy xuống, chạy ào vào văn phòng cũ cuả tôi. Trời đất ! Một cảnh hoang tàn, hỗn độn diễn ra ngay trước mắt tôi: Bao nhiêu hồ sơ, giấy tờ cuả văn phòng, cộng thêm cái đống sách 501 cuốn cuả tôi sưu tầm, góp nhặt cả 2 chục năm nay nằm lung tung, bưà bãi, ngổn ngang như một đống rác. Đã xót sa cho vận nước, tôi càng thêm xót sa cho cái cảnh này. Chán quá, tôi quay ra xe quên cả lượm lại mấy cuốn Tự Điển Việt, Pháp, Mỹ, Anh dầy cộm... là những thứ cộng sản có thấy tôi giữ, tôi cũng chẳng sợ gì.
Nhẩy lên xe, tôi đưa cả gia đình về nhà cậu tài xế cách đó không xa. Tôi vưà đậu xe trước cưả nhà cậu tài xế và bước xuống thì cả hai vợ chồng Hạ Sĩ Túc từ trong nhà chạy nhào ra ôm lấy tôi, khóc oà lên mà chẳng nói chi cả. Một lúc sau, vợ chồng hắn mới buông tôi ra mà hỏi: “Làm sao bây giờ đây hả Thiếu Tá ?”. Tôi vỗ vai hai vợ chồng cậu tài xế trung thành, đầy tình nghiã mà nói: “Rồi sẽ tính !”, chúc anh chị và các cháu bình an, may mắn, tôi phải đi ngay, cho nhà tôi và các cháu nghỉ ngơi kẻo mệt mỏi quá rồi. Tôi lái xe đến nhà người cháu họ ở ngay mặt đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng ở tạm cho được an toàn trong lúc thành phố đang còn hỗn độn như thế này. Tôi chạy sang nhà ông anh họ ở gần đó, hỏi chià khoá vì tôi đoán thế nào đưá cháu họ cũng giao chià khoá nhà cho Chú nó là anh họ cuả tôi. trước khi kéo nhau chạy vào Sài Gòn từ sớm vì Mẹ và anh chị em cuả nó đều ở sài Gòn. Gặp anh chị tôi, mọi người nhìn nhau sao mà buồn thảm trong cái cảnh này, không nói ra nhưng ai cũng hiểu: Tôi là Sĩ Quan cấp chức khá cao, đi tù mút muà là cái chắc, còn gia đình anh chị tôi có tiếng là giầu có, buôn bán thành công cả thành phố này ai mà không biết, coi như “Tư Sản” hạng nặng rồi. Mở được khoá cưả vào nhà, đưa gia đình, đem đồ đạc vào trong xong, tôi trở ra trao chià khoá xe cho em học sinh đã lớn, hình như đã học lớp 12, chừng 18 tuổi, rành chuyện lái xe và nói: đây chià khoá xe, Thầy giao lại cho em đem về cho cơ quan có trách nhiệm ! Em nhìn tôi rồi hơi cúi đầu: chào Thầy, em đi ! Chúc Thầy Cô và các em mọi điều may mắn... Tôi quay vào trong nhà, ngồi xuống cái Sô-pha nghỉ ngơi cho bớt căng thẳng đầu óc và cho lại sức, sẵn sàng chờ đón một tương lai đen tối mà tôi đã biết trước, trong khi ngoài đường phố, xe bắc loa thông tin, xe chở công an, bộ đội đi lại phô trương lực lượng chiến thắng, ngã ba, ngã tư đường phố chỗ nào cũng có vài chú bộ đội, ngơ ngáo, mũ tai bèo xách AK-47 đi lại, còn bọn cộng sản nặm vùng, đặc công, cùng bọn “cách mạng giải phóng theo đuôi mới được 2 ngày” buộc mảnh vải đỏ ở canh tay chạy loăng quăng khắp chốn, cứ như ngày hội, trong khi các cưả nhà hai bên đường phố, bà con đóng kín mít, thỉnh thoảng có người hé mở nhìn ra ngoài coi xem “cách mạng” đang “giải phóng” làm ăn như thế nào... tương lai rồi đi về đâu. Có điều chắc chắn là sẽ tối tăm, mù mịt cũng như nhiều vụ bắt bớ, tịch thu tài sản, cướp bóc vơ vét trắng trợn và nhiều hình thức chết chóc sẽ xẩy ra...

San Diego, CA ngày 28 – 3 –2009
Phan Đức Minh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"