Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Vài ý kiến xung quanh bài “Phản biện bài: Việt Nam và Trung Quốc - một lịch sử đau thương” của tác giả Văn Minh

Tập Cận Lang
Trong những ngày qua, kể từ khi nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 trái phép trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; chúng ngang ngược cho máy bay, tàu chiến liên tục gây hấn với các lượng lượng chấp pháp của Việt Nam; bên cạnh đó chúng còn rượt đuổi và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam; hành động thú tính “trời không dung, đất không tha” này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ không chỉ trong vòng người Việt, mà còn cả những người có lương tri trên toàn thế giới. Những toan tính và cách hành xử của những kẻ đang ngồi trong lầuTrung Nam Hải về biển Đông và toàn bộ vùng Đông Nam Á, luôn là đề tài nóng được các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác quan tâm. Đặc biệt trên các trang web đã có nhiều bài viết có giá trị, đã phân tích và khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, đồng thời “giải mã” sự hung hăng, hiếu chiến và lối hành xử dã man đầy thú tính của những người cầm đầu trong đảng cộng sản Trung quốc hiện tại. Mặc dù theo nhiều “nhãn quan” khác nhau, nhưng đại đa số các bài viết đều cho rằng hành động của nhà đương cục Trung Quốc là xâm lược một quốc gia có chủ quyền, là gây bất ổn không chỉ trong khu vực mà còn gây xáo trộn trên cả bình diện quốc tế nữa. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn có những “tiếng nói” lạc lõng thể hiện tư duy “nô lệ”, bày tỏ thái độ của những kẻ “chuyên đi bưng bô cho thiên triều”, nhưng lại lớn giọng rủa sả chính nguồn gốc và truyền thống của dân tộc mình; hay nói một cách nôm na theo ngôn ngữ của các cháu thế hệ 9X tại Việt Nam là: “hèn với giặc, ác với dân”. Để thấy một trong những giọng điệu ấy, người viết bài này xin mời các độc giả “thưởng lãm” bài: “PHẢN BIỆN BÀI: VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC - MỘT LỊCH SỬ ĐAU THƯƠNG” của tác giả có bút danh là Văn Minh đã được đăng tải trên danluan.org (các quí độc giả có thể tham khảo ở cuối bài này hoặc xem tại địa chỉ: https://www.danluan.org/tin-tuc/20140601/van-minh-phan-bien-bai-viet-nam-va-trung-quoc-mot-lich-su-dau-thuong).

Nội dung của bài này chủ yếu là tác giả Văn Minh (VM) phản biện lại những luận điểm của bài viết có đầu đề là: VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC: MỘT LỊCH SỬ ĐAU THƯƠNG của tác giả có bút danh là Anh Lãng (AL). (các quí độc giả có thể xem bài viết này tại địa chỉ: https://www.danluan.org/tin-tuc/20140601/lang-viet-nam-va-trung-quoc-mot-lich-su-dau-thuong).
Kính thưa các quí vị trong ban biên tập trang DanLuan.org và các độc giả!
Là một người có 3 người thân trong gia đình hy sinh trong hai cuộc chiến tranh từ 1945 -1975; còn bản thân người viết bài này đã từng cầm súng chiến đấu chống giặc Trung Quốc xâm lược trên mặt trận biên giới phía Bắc từ năm 1979 cho tới năm 1985 mới ra quân, trở về làm một nông dân bình thường ở một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ; người viết bài này đã được “mục sở thị” những tội các của bọn bành trướng Trung Quốc gây ra cho đồng bào và chiến sĩ Việt Nam trong thời gian đó trên suốt chiều dài biên giới từ Hà giang, Cao Bằng đến Lạng Sơn. Trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 bọn giặc Trung Quốc đã giết hại hàng chục ngàn sinh mạng người Việt, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em vô tội; ngay đến khu lưu niệm về Hồ Chí Minh (là người được chính phía Trung Quốc coi là bạn tốt) tại Pắc-bó thì cũng bị bọn giặc Trung Quốc phá hoại tan tành. Vì vậy, sau khi đọc bài phản biện của tác giả VM thì người viết thấy cần thiết phải có một số ý kiến để chỉ ra những điều không phù hợp với lịch sử, với thực tế trong mối quan hệ Việt – Trung và thậm chí là những sai lầm nguy hiểm trong nhận thức của tác giả bài viết có bút danh VM này.
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về từ phản biện để từ đó, xem xét thái độ của VM có đúng là thái độ của một người phản biện không? Theo từ điển tiếng Việt thì: Phản biện là: Đánh giá chất lượng một công trình khoa học, khi công trình được đưa ra để bảo vệ để lấy học vị trước hội đồng chấm thi.(1). Như thế, nếu là một bài phản biện thật sự thì tác giả VM cần phải chỉ ra cho được bài viết của tác giả AL có điểm nào đúng, có điểm nào sai? Tại sao đúng, tại sao sai? Từ đó nêu ra quan điểm của mình (một cách có học), và gợi ý cho tác giả bài viết hướng để khắc phục... như vậy mới có thể coi là bài phản biện. Nếu anh chỉ ra được cái dở cái xấu của người khác một cách chính xác, minh bạch thì dù anh có “đào mồ ông, cuốc mả cha” nhà người ta lên thì người ta vẫn phải “tâm phục khẩu phục”. Đằng này, ngay dòng đầu tiên VM đã phủ đầu bằng một câu rất thiếu văn hóa rằng: “Lãng quá dốt về lịch sử!”. Rõ ràng đây là giọng điệu huyênh hoang, ngạo nạn và khích bác có lẽ chỉ có thể thấy ở cửa miệng của những người ít học hoặc của những người làm “công tác đội nón” một cách chuyên nghiệp cho người khác ở trong ngành tuyên giáo.
Vì tự cho mình là giỏi sử nên VM đã dạy dỗ AL rằng: “Hãy đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư để hiểu cho đúng lịch sử dân tộc - không phải chỉ để giải quyết mâu thuẫn hiện tại mà còn vì tương lai của các thế hệ người Việt sau này”.
Vậy, VM đã thực sự đọc sử và hiểu lịch sử về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa? Thực tế VM đã đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chưa hay chỉ “nghe hơi nồi chõ” rồi nói nhảm nhí? Để có câu trả lời người viết xin trình bày như sau: VM nhận định rằng: “Lịch sử cận đại Việt Nam - Trung Quốc mới là lịch sử đau thương bởi vì phương Tây và... ”. Có thế nói ngay, VM nói một câu chung chung như vậy là không có một chút kiến thức nào về sử học. Bởi thời cận đại ở châu Âu khác thời cận đại ở châu Á, thời cận đại ở Trung quốc khác thời cận đại ở Việt Nam, khác thời cận đại ở Nhật Bản; nghĩa là với mỗi vùng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những thời kỳ lịch sử được gọi là cận đại khác nhau, không thể có cùng một lịch sử cận đại chung cho các quốc gia. Có thể lấy ví dụ: Lịch sử cận đại của Việt Nam được tính từ khi Pháp nổ súng tấn công chiếm Đà Nẵng vào năm 1858 cho đến năm 1945 khi Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời; Lịch sử cận đại của Trung Quốc được tính từ khi cuộc chiến tranh Nha phiến (năm 1840) cho đến cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) với sự sụp đổ hoàn toàn triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc là nhà Thanh; Lịch sử cận đại của Nhật Bản được tính từ thời cải cách của vua Minh Trị (1866) cho đến khi Nhật trở thành một cường quốc, tham chiến và thất bại vào năm 1945(2). Đó mới chỉ là nói đến quốc gia, nếu nói đến châu lục thì thời cận đại còn khác xa hơn nữa. Ví dụ: Thời cận đại ở châu Âu được tính từ khi những phát kiến về địa lý (tìm ra châu Mỹ) từ thế kỷ 16 đến trước cuộc cách mạng về khoa học đương đại (khoảng giữa thế kỷ thứ 20); còn lịch sử cận đại của châu Á (phương Đông) được tính từ lúc khởi đầu của các cuộc xâm lược của các quốc gia thực dân phương Tây vào khoảng giữa thế kỷ 19 đến khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 20(3); nghĩa là tùy theo quan niệm về thời kỳ và những “mốc” được chọn làm căn cứ, thì thời gian Lịch sử cận đại của Châu Âu (phương Tây), và châu Á (phương Đông) chênh nhau tới hàng trăm năm. Nói như vậy, có nghĩa là ngay vấn đề cơ bản về niên đại để xác định thời kỳ lịch sử mà VM còn không hiểu gì mà đã dám chê bai người ta thì chính VM mới là kẻ “quá dốt sử” chứ không phải là AL.
Nhân đây xin chỉ ra cho VM và những người thiếu hiểu biết như VM rằng: chính sử Việt Nam không chỉ có mỗi bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT), mà nếu thống kê lại thì có không dưới 14 bộ; tuy rằng có một số bộ bị thất lạc (như Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, hay Đại Việt Sử ký Tục Biên của Phan Phu Tiên) nhưng hiện tại vẫn đang lưu hành nhiều bộ khác nhau, trong đó ngoài bộ ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên còn có các bộ sử lớn có giá trị cao như: ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TIỀN BIÊN (của Ngô Thì Sĩ); KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG CƯƠNG GIÁM MỤC; ĐẠI NAM THỰC LỤC (cả hai bộ này đều của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn); ngoài ra còn một số danh nhân, học giả khác cũng để lại những bộ sử rất đáng quí như: Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Trần Trọng Kim, Hoàng Cao Khải... Không biết tác giả VM của chúng ta thực sự đã đọc ĐVSKTT chưa? Và đã đọc được mấy cuốn rồi mà dám lên mặt dạy dỗ người khác “học sử”.
Chưa dừng lại ở đó VM còn cho rằng: “Thiên Chúa Giáo và các trí thức Tây học không ngừng tìm mọi cách để cắt đứt mọi mối liên hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc”. Với những câu chữ này của VM có lẽ không chỉ người viết mà có thể còn nhiều độc giả nữa sẽ đồng ý rằng: trình độ của VM chưa vượt qua cấp trung học phổ thông; vì trên thực tế chẳng làm gì có Thiên Chúa giáo mà chỉ có Cơ Đốc giáo với các nhánh của nó là Công giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành... trong dân gian, hoặc có thể trong cả một số tài liệu từ trước năm 2000, người ta thường dùng từ này một cách nhần lẫn, còn ngày nay trong các tài liệu chính thống, mang tính học thuật và nghiêm túc thì không ai còn sử dụng từ này nữa. Ngoài ra VM còn “kết tội” cho Thiên Chúa giáo và các trí thức Tây học là “bằng mọi cách cắt đứt... ” nhưng lại không đưa ra bất kỳ một chứng cứ có tính thuyết phục nào, như thế trường hợp này chỉ có thể coi là tác giả VM đã nói nhăng nói cuội. Thật không thể hiểu nổi một người kém hiểu biết như vậy, nhận thức méo mó như vậy mà dám cả gan “phản biện” thì không thể có cách nói nào khác là thần kinh của VM hoàn toàn khác thần kinh của con người, vì nếu là hệ thần kinh của con người thì phải có các nơ-ron thần kinh “xấu hổ”.
Riêng người viết bài này, và tin chắc chắn rằng sẽ có nhiều người khác nữa cũng tán thành một điều là: người Việt chúng ta cần phải cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã sai các giáo sĩ đến giới thiệu Phúc Âm cho người Việt từ thế kỷ thứ 16, cụ thể là từ năm 1533 vào đời vua Trang tông Lê Duy Ninh (đầu thời Lê Trung hưng) đã có giáo sĩ tên là I-nê-khu (Ignatio) vào truyền giáo ở Việt Nam(4). Qua đó các giáo sĩ đã dùng chữ có nguồn gốc La-tin để phiên âm tiếng của người Việt; do vậy chúng ta mới có chữ quốc ngữ như ngày nay; thật may mắn là nhờ đó, chúng ta đã thực sự đã thoát khỏi lối chữ “que xếp” rất phiền phức của người Tàu; cũng chính vì kiểu chữ rắc rối này mà Trung Quốc không bao giờ dám nói đến “xóa nạn mù chữ”, và tỷ lệ mù chữ ở Trung Quốc luôn giữ kỷ lục trên toàn thế giới. Nhân đây cũng nhắc VM rằng: hiện nay ở châu Á có khoảng 48 quốc gia thì chỉ có người Việt mới có chữ viết (quốc ngữ) có nguồn gốc La-tin dễ đọc, dễ viết như chính VM đang dùng; còn một số các quốc gia khác nếu không bị ảnh hưởng chữ “que xếp” của Tàu (như Nhật Bản, Hàn Quốc), thì cũng bị ảnh hưởng của thứ chữ “giun rắn” của Ấn-độ, hoặc A-rập (như Ma-lai-xi-a, Thái lan, Căm-pu-chia, Lào...). Thế thì, mình đang viết cái thứ chữ do người khác khởi xướng mà lại quay ra phỉ báng người ta thì thử hỏi VM thuộc loại người gì? Nếu coi thường người ta thì hãy viết bằng thứ chữ khác đi có được không? Viết “phản biện” bằng thứ chữ mà mình khinh dẻ những người khởi xướng ra nó, thì nói theo ngôn ngữ của bà con đồng bằng Bắc bộ, nếu bảo rằng VM thuộc loại “ăn xong quẹt mỏ như gà” hay “ăn cháo đá bát” liệu có oan uổng không?
Ở Trung Quốc thì các giáo sĩ Công giáo La-mã còn đến sớm hơn nhiều; có tài liệu chép rằng: vào đầu đời nhà Đường ở bên Tàu (năm 635 SCN) đã có giáo sĩ tên là Olopen vào truyền giáo(5), tuy nhiên công cuộc truyền giáo thời đó chưa thành công; đến năm 1288 khi Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên lần thứ ba thì đã có linh mục tên là Jean de Montcorvin được Công giáo La-mã cử làm Khâm sai đại diện cho giáo hội tại triều của Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt ( - Hubilie); đến khoảng năm 1305 thì ngay tại Bắc Kinh đã có khoảng 6000 tín đồ(6). Sở dĩ người viết phải trình bày dài dòng như trên để thấy, không phải mãi đến thời cận đại thì Thiên Chúa giáo mới vào Tàu và Việt Nam như VM đã nói một cách bạt mạng như ở trên.
Sau khi “kết tội” cho “Thiên Chúa giáo và trí thức Tây phương tìm mọi cách cắt đứt... ” thì VM lý sự tiếp: “vì mục tiêu độc lập đánh đuổi Pháp, các trí thức Tây học đã gieo vào lòng người Việt huyền thoại hàng ngàn năm liên tục đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược, vì nền độc lập dân tộc, với những chiến công huy hoàng”.
Đọc đến đây, không chỉ người viết bài này mà có thể còn nhiều độc giả khác nữa, thực sự không hiểu VM hàm ý nói đến điều gì. Phải chăng VM muốn nói rằng những cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu do Trung Quốc gây ra với Việt Nam chỉ là huyền thoại? Phải chăng những tội ác diệt chủng khốn kiếp do bọn giặc Trung Quốc gây ra cho dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm qua cũng chỉ là huyền thoại do các trí thức Tây học thời cận đại dựng nên? Phải chăng những chiến công hiển hách của cha ông người Việt đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc cũng không có thật mà chỉ được dựng nên nhằm để cắt đứt mọi mối quan hệ Việt – Trung? Thật không thể tưởng tượng được, khi ở thời đại số hóa của thiên niên kỷ thứ ba này vẫn còn có những người có nhận thức méo mó, hàm chứa đầy mưu mô phản dân hại nước và táng tận lương tâm như VM!
Vậy, người viết hết sức mong VM và tất cả những ai có những suy nghĩ như VM, hãy trả lời những câu hỏi sau đây: Sự kiện vào năm Nhân Dần (42 SCN) đời Hán Kiến vũ thứ 18, Mã Viện sang xâm lược nước Việt(7), rồi thực hiện chính sách “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” phải chăng là huyền thoại? Tiếp theo đó chỉ trong một trận ở Lãng Bạc (vùng đất từ Đông Triều, Quảng Ninh đến Yên Phong, Bắc Ninh ngày nay) bọn giặc Trung Quốc do Mã Viện cầm đầu đã giết hơn bốn vạn con dân nước Việt một cách hết sức dã nan, trong khi ở thời đó cả nước Việt chỉ có khoảng 91 vạn người, kể cả già trẻ lớn bé(8); phải chăng đây cũng lại là chuyện huyễn do các trí thức Tây học dựng nên? Hoặc những dòng trong chính sử chép rằng: “năm Ất Mùi (1415 SCN) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 13. Mùa thu, tháng 8 nhà Minh khai các xưởng mỏ vàng bạc, đem phu đãi lấy và bắt voi trắng, mò trân châu, đánh thuế nặng, bóc lột nhiều, dân không lấy gì mà sống được”(9), cũng lại là do các trí thức Tây học hư cấu? Đến những chiến công hiển hách của cha ông chống giặc Trung Quốc mà ngay đến Danh Nhân Văn Hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng phải ghi vào trong bản “Thiên Cổ Hùng Văn - Cáo Bình Ngô” rằng: “Lưu Cung tham công nên thảm bại, Triệu Tiết ham lớn càng chóng thua. Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô, sông Bạch Đằng vùi thây Ô-mã. Xem xét việc cũ, Chứng cớ rõ ràng!”(10), cũng lại là do các trí thức Tây phương tạo dựng mà không phải là sự thật? Thiếu kiến thức như vậy, nhận thức lệch lạc như vậy mà dám cao giọng khuyên người khác “đọc sử” thì thử hỏi VM còn chút nhân cách nào không?
Chính từ sự dốt nát về lịch sử, lệch lạc về nhận thức nên VM đã công khai bênh vực cho dã tâm của bọn xâm lược Trung Quốc đến mê cuồng, thậm chí còn phủ nhận cả sự thật; cụ thể VM đã nhận định như sau: “Chính sử của Việt Nam thực ra không viết như vậy. Chính sử của Việt Nam tôn thờ tinh thần độc lập, nhưng không tô vẽ Trung Quốc như con ngáo ộp, như kẻ luôn có dã tâm xâm lược, chiếm đóng Việt Nam... ”.
Vậy, xin hỏi những điều mà người viết đã trích dẫn ở trên có phải từ chính sử không hay là cóp nhặt từ dã sử hoặc lượm lặt từ thông tin vỉa hè? Xin thưa! Rất có thể chính sử không mô tả Trung Quốc là con ngáo ộp không có thật, chỉ để dọa trẻ con, nhưng chính sử của Việt Nam ở nhiều thời đại luôn ghi chép “hàng núi” tư liệu để chứng minh rằng dã tâm xâm lược và đồng hóa Việt Nam của tất cả các triều đại Trung Quốc là sự thật, và chưa bao giờ chúng từ bỏ dã tâm ấy. Thậm chí, kể cả vào thời kỳ mà nhiều người lầm tưởng rằng quan hệ Việt – Trung tốt đẹp nhất (khoảng những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ 20). Cụ thể là: Vào thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Hồ Chí Minh đã xây dựng được mối quan hệ Việt – Trung về bề ngoài tưởng như thân thiết, nhưng thực tế có phải vậy không? Chúng ta cùng xem xét.
Đã không ít lần ông Hồ Chí Minh nói rằng: Việt – Trung là hai dân tộc anh em. Ví dụ: “Hai dân tộc Việt – Trung chúng ta, mấy ngàn năm nay, huyết thống tương thông, chung nền văn hóa, trong lịch sử vẫn được gọi là hai nước anh em; hơn nữa, đất nước liền kề, núi sông kế tiếp, càng như môi với răng che chở cho nhau”(11). Ở một chỗ khác ông lại viết: “Trung Quốc với Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ rất là mật thiết. Văn hóa, lịch sử, chính trị, kinh tế, hai dân tộc quan hệ với nhau đã mấy ngàn năm”(12). Ở đây, chúng ta chưa bàn đến việc quan điểm ấy của ông Hồ Chí Minh là đúng hay sai; mà vấn đề cần quan tâm là trong khi người đứng đầu nhà nước Việt Nam cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước anh em, thì những nhà lãnh đạo của Trung Quốc có coi Việt Nam là một nước anh em hay không lại là chuyện khác. Hãy xem tài liệu tuyệt mật của quân ủy trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho các Hoa Kiều đang sống ở Việt Nam thì rõ, cụ thể như sau:
“... Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hận thù dân tộc từ hàng nghìn năm nay.
... Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay.
... Vẻ bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta... ” (13).
image001_38.jpg
Trên đây là tài liệu tuyệt mật của Quân ủy trung ương đảng cộng sản Trung Quốc do Lê Xuân Thành (một công an của Trung Quốc, trú tại 165, đường Hồng Kỳ, khu Tuyên Vũ, Bắc Kinh), sang làm gián điệp tại Việt Nam, bị bắt và cung khai. (14).
Chưa dừng lại đó, Trung Quốc còn sử dụng người Hoa đang làm ăn sinh sống tại Việt Nam làm “đạo quân thứ năm” để đánh phá Việt Nam từ bên trong. Cụ thể: Vào năm 1978, sứ quán của Trung Quốc tại Hà Nội đã viết thư “chỉ đạo” người Hoa ở Đà Nẵng chống phá Việt Nam, trong thư có đoạn viết:
“1. Toàn thể Hoa kiều tại miền Trung, Nam, Bắc Việt Nam phải đoàn kết,nhất trí để đối phó với hoàn cảnh ác liệt.
2. Phải theo dõi chỉ thị qua đài phát thanh của tổ quốc.
3. Hoa kiều phải đợi chỉ thị, chờ nhân viên ngoại giao đến có chỉ thị rõ rang để lo liệu. Sau đó tuần tự lên tàu về nước.
4. Không nghe chính quyền địa phương lừa gạt ghi là người Việt gốc Hoa làm thủ tục xuất cảnh về Trung Quốc. Vì như vậy sẽ thiệt hại nặng nề về bất động sản và bất động sản tư nhân. Phải chờ nhân viên ngoại giao của ta chỉ dẫn cách điền vào đơn (hai bên chính phủ đã bàn) để tài sản công tư khỏi bị tổn thất.
5. Đề phòng một số phần tử xấu tung tin đồn ly gián làm dao dộng ý chí của Hoa kiều”.
image002_13.jpg
Trên đây là ảnh của bức thư mà công an Việt Nam đã tịch thu được của can phạn Hàng Phú Quang khi y bị bắt vào tháng 7/1978 (16)
Thiết nghĩ, với những bằng chứng trên, nếu dư luận người Việt cả trong nước và hải ngoại gọi những người đến tận ngày hôm nay vẫn còn coi kẻ chiếm biển đảo của mình, xâm lấn đất của mình, đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân mình, bắn giết đồng bào và chiến sĩ của mình là anh em, là đồng chí, coi mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ là “mâu thuẫn gia đình” những người không chỉ lú lẫn mà còn đích thị là những “Trần Ích Tắc, hay Lê Chiêu Thống” thời hiện đại, là hoàn toàn chính xác không có cách gì biện minh được (kể cả việc tìm mọi cách để ngụy biện).
Đó là về “chính sử”; nếu nói về dã sử thì còn nhiều điều dã nan và rùng rợn mà chỉ có thú vật mới có thể hành động như vậy; nhất là người Việt với thành ngữ “trăm năm bia đá thì mòn; Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”; đã cho thấy điều được “cha truyền con nối” đến tận ngày nay là, ở vùng đồng bằng Bắc bộ người ta vẫn chưa hết rùng mình khi kể lại cho con cháu họ nghe về chuyện giặc Mã Viện (nhà Hán) sang xâm lược nước ta, đã thực hiện chính sách “sát phu, hiếp phụ” một cách tàn khốc (với khẩu hiệu: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt); bên cạnh đó y còn ra lệnh giết hết trẻ em là con trai bằng cách bắt các bé trai bỏ vào cối giã gạo rồi bắt chính mẹ chúng phải “vừa giã vừa hát”. Nghĩa là cả chính sử và dã sử đều chỉ chứng minh một điều là, chưa bao giờ nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử tử tế với người Việt Nam nói riêng và các dân tộc láng giềng nói chung. Còn trong trường hợp, nếu chúng có giả bộ tử tế thì thái độ đó đều là nằm trong những toan tính tàn độc, nham hiểm khó lường. Ngay từ thời mới hình thành thì những kẻ cầm đầu đất nước Trung Hoa đã tự coi mình là “cõi Trung Nguyên” còn các dân tộc láng giềng khác đều là mọi rợ với lời lẽ rất huyênh hoang và xấc xược như: Bắc Địch (北狄), Nam Man (南蠻), Đông Di (東夷), Tây Nhung (西戎)... tức là coi những dân tộc xung quanh chúng đều là những dân tộc man rợ, điêu trá, cần phải tiêu diệt hay khai hóa vậy. Chẳng lẽ những điều đơn giản đến mức chỉ cần một đứa trẻ qua bậc trung học cơ sở cũng biết như vậy mà VM và những kẻ tự cho mình cái quyền lớn giọng dạy dỗ người khác lại mù tịt hay sao?
Trong cơn mê sảng VM còn lý sự như sau: “Việt Nam với Trung Quốc thực sự là hai quốc gia anh em - ít ra đến đầu thế kỷ 20. Mọi người hãy đọc lại cho kỹ chính sử của đất nước; hãy đọc lại cho kỹ những gì cha ông đã viết để hiểu rõ nguồn gốc và sự tương đồng giữa hai dân tộc. Hãy đọc sử để hiểu rõ người Trung Quốc thực sự tôn trọng sự độc lập của Việt Nam ít nhất hàng trăm năm nay sau sự can thiệp của nhà Minh thời Hồ”. Thế thì, xin hỏi VM và những người thiếu hiểu biết như VM rằng “anh em” kiểu gì khi sang ăn cướp đất người ta, bị người ta đánh cho tan tác, chạy bán xới về nước, nhưng lại còn tham lam đê tiện đến mức lần triều cống nào cũng bắt sứ thần nước ta phải nộp “người thế mạng” bằng vàng ròng, để rồi ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ hiện nay vẫn chưa một ai quên thành ngữ: “Nợ Liễu Thăng”. Mong tác giả VM và những người có nhận thức méo mó như VM nhớ cho rằng: “nợ” này kéo dài suốt từ năm Mậu Thân, đời Minh Tuyên Tông (Chu Chiêm Cơ - ) thứ 3 (1428) cho đến tận năm Mậu Tuất đời Khang Hy (Ái Tân Giác La Huyền Diệp - ) thứ 57 (1718), mới chấm dứt(16). Tức là, ngay sau khi lên ngôi hoàng đế vào tháng Tư năm Mậu Thân (1428), thì chỉ đến tháng 10 năm đó Thái Tổ Lê Lợi đã phải sai sứ thần sang Bắc Kinh để cống nộp trong đó có cả “người vàng thế mạng” rồi. Chính sử chép như sau: “Bấy giờ nhà Minh sai bọn La Nhữ Kính và Từ Vinh Đạt lại đem sắc thư sang dụ bảo bên ta phải tìm lập con cháu họ Trần và đòi ta phải trả lại đủ cả số quan lại quân lính và số võ khí đã bị giữ lại. Khi bọn La Nhữ Kính trở về, nhà vua lại sai bọn Thiêm sự Hà Lật và Lang trung Đỗ Như Hùng đem biếu nhà Minh sản vật địa phương và người vàng thế mạng, tâu lại cho nhà Minh biết rằng con cháu họ Trần thực không còn ai nữa; đến như số quan quân nhà Minh bị bắt và số khí giới nghi trượng bị tước sẽ xin tiếp tục nộp trả”(17). Điều này cũng có nghĩa là, ròng rã trong khoảng 290 năm, Việt Nam đã phải nộp cho các triều đại Trung Quốc hàng trăm tượng “Liễu Thăng” bằng vàng ròng. Thế mà VM lại lên giọng dạy dỗ rằng: Mọi người hãy đọc lại cho kỹ chính sử của đất nước; hãy đọc lại cho kỹ những gì cha ông đã viết để hiểu rõ nguồn gốc và sự tương đồng giữa hai dân tộc. Hãy đọc sử để hiểu rõ người Trung Quốc thực sự tôn trọng sự độc lập của Việt Nam.. . thì thử hỏi VM còn chút liêm sỉ và nhân cách nào không?
Chưa chấm dứt sự lú lẫn và mê sảng của mình ở đó, VM còn đặt ra những câu hỏi đại loại như: Vậy thì lý do gì để Việt Nam phải sợ sẽ trở lại thành "tỉnh lỵ" của Trung Quốc như ngày xưa, ở giữa thế kỷ 21 này? Lý do gì để chúng ta phải lo sợ Trung Quốc đến mức phải kết đồng minh với những nước hiện đang là kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc, chỉ để ảo vọng rằng sức mạnh các nước kia sẽ giúp chúng ta chống lại sự "đe dọa, xâm lăng" từ Trung Quốc? Có lẽ với tất cả những gì Trung Quốc đã làm, đang làm và sẽ còn tiếp tục làm trong tương lai, trong mối quan hệ với Việt Nam mà còn đặt những câu hỏi như trên thì chỉ còn duy nhất một cách trả lời là, người đặt ra câu hỏi đó thực sự đã mắc bệnh “tâm thần phân liệt” đến mức trầm trọng. Để đảm bảo có “nhân chứng, vật chứng” người viết xin trưng dẫn một vài âm mưu, cũng như cách hành xử của một số lãnh đạo của Trung Quốc, để cho thấy những học giả có trách nhiệm, những người dân bình thường, những người còn lương tri, đã ngày đêm lo lắng cho sự tồn vong của dân tộc, trước thảm họa xâm lăng đến từ những “con sói” nằm trong lầu Trung Nam Hải không phải là hão huyền, chứ không như VM đã cố tình làm cho mình thành ra vừa “khiếm thị” vừa “khiếm thính”, rồi sau đó tung hỏa mù, lôi kéo những người khác cùng “khiếm thị” và “khiếm thính” như mình.
Trước hết, xét trong quá khứ, ngay từ năm 1939 (khi đó nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chưa ra đời, mà mới chỉ có cái “quái thai của thế kỷ 20” là đảng cộng sản Trung Quốc đang hoạt động) thì một trong số những ủy viên bộ chính trị của đảng cộng sản Trung quốc là Mao Trạch Đông đã lý sự: “Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Nêpan và Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam”(18). Khi thành lập được nước rồi, đã trở thành “đồng chí” với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi thì mưu toan xâm lược và nô dịch Việt Nam của những kẻ cầm quyền tại Trung Nam Hải vẫn không hề thay đổi; trong một cuộc họp của Bộ chính trị ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 08/1965 thì “Mao đồ tể” đã công khai ý đồ bành trướng như sau: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…(19). Như thế, mưu đồ thanh toán Việt Nam luôn đồng thời nằm trong âm mưu thanh toán toàn bộ Đông Nam Á của những kẻ cầm quyền ở Trung Nam Hải ở nhiều thời đại, chỉ có điều càng về thời gian gần đây dã tâm này ngày càng bộc lộ rõ, khỏi cần che giấu. Ngay từ thời còn quan hệ thân thiết (bề ngoài) với Việt Nam, khi ông Hồ Chí Minh có nhờ Mao Trạch Đông làm giúp một số con đường ở biên giới chạy về phía Nam thì Mao đã đồng ý (về mặt nguyên tắc) và nói rằng: “Vì chúng tôi sẽ đánh những trận đánh quy mô lớn trong tương lai, sẽ rất tốt nếu chúng tôi xây dựng các tuyến đường tới Thái Lan”(20). Trong một lần khác, khi nói chuyện với ông Lê Duẩn (nguyên bí thư thứ nhất trung ương đảng cộng sản Việt Nam), Mao cũng công khai bày tỏ dã tâm của y, câu chuyện này được chính ông Lê Duẩn kể lại như sau: “... Mao ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, và đến cuối câu chuyện ông ta tuyên bố: ‘Các đồng chí, tôi muốn các đồng chí biết việc này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu bần nông và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á’. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi đó và nói thêm: ‘Đó chủ yếu là vì bần nông của chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn!’.
Khi chúng tôi đã ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: ‘Anh thấy đấy, một âm mưu cướp nước ta và cả Đông Nam Á. Bây giờ chuyện đã minh bạch’. Họ dám ngang nhiên tuyên bố như vậy. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Rõ ràng là không một phút nào họ không nghĩ tới việc đánh Việt Nam!
Tôi sẽ nói thêm để các đồng chí có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng quân sự của việc này. Mao hỏi tôi (ông Lê Duẩn):
- Lào có bao nhiêu cây số vuông?
Tôi trả lời: khoảng 200 nghìn.
- Dân số của họ là bao nhiêu? (Mao hỏi).
Tôi đáp: Gần ba triệu.
- Thế thì cũng không nhiều lắm! Tôi sẽ mang người của chúng tôi xuống đấy! (Mao nói).
- Thái Lan thì có bao nhiêu cây số vuông? (Mao hỏi).
- Khoảng 500 nghìn. (Tôi trả lời)
- Và có bao nhiêu người? (Mao hỏi).
- Gần 40 triệu! (Tôi đáp).
- Lạy Chúa! (Mao nói), tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500 nghìn cây số vuông mà có tới 90 triệu dân. Tôi sẽ lấy thêm một ít người của chúng đi xuống đấy (Thái Lan) nữa (21).
Và đỉnh điểm của dã tâm thôn tính Việt Nam là bọn chúng đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam hết sức tàn ác vào tháng 2 năm 1979, mà chính người viết bài này đã buộc phải cầm súng để bảo vệ đất nước trong những năm tháng đó. Hãy bỏ qua những bằng chứng về tội ác dã nan của bọn xâm lược Trung Quốc để khỏi phải đau xót và rơi lệ lần nữa, mà hãy xem những phân tích, nhận định của giới học giả được chính thông tin “lề phải” của chính phủ Việt Nam công bố, thì mỗi một người dân bình thường và còn chút lương tri chắc chắn sẽ tự tìm được thái độ ứng xử đúng mà không bị mê hoặc và lú lẫn, dù vẫn còn rất nhiều người có ý tưởng lầm lạc như VM trong xã hội ở Việt Nam hiện nay. Xin lấy ví dụ: Trong cuốn: Phê Phán Chủ Nghĩa Bành Trướng Và Bá Quyền Nước Lớn Của Giới Cầm Quyền Phản Động Bắc Kinh, của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam biên soạn năm 1979 (sau sự kiện Trung Quốc xua hàng chục vạn quân xâm lược Việt Nam vào tháng 2 năm 1979) đã nhận định: “Đó là sự phát triển tới mức cao nhất của một chuỗi âm mưu, thủ đoạn của bọn theo chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn ở Bắc Kinh hòng khuất phục và thôn tính nước ta đã được chúng thực hiện từ hàng chục năm nay. Đó cũng là một giai đoạn mới về chất trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh... Chúng đã lộ nguyên hình là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân Việt Nam, của nhân dân các nước Đông Dương”(22).
Còn trong hiện tại, không cần nói thì cả thế giới đều biết (chỉ trừ những người cố tình mù điếc), “cái mốc di động” có tên HD 981 vẫn lù lù trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gần hai tháng nay, cùng với việc không ngày nào tàu chiến của chúng không đâm tàu kiểm ngư, tàu của cảnh sát biển của chúng ta. Điển hình cho những hành động dã man này là tàu 11 209 của Trung Quốc cùng một số tàu khác đã rượt đuổi và đâm chìm tàu cá ĐNa 90 152 (chủ tàu là bà Huỳnh Thị Như Hoa) suýt nữa thì giết chết 10 ngư dân Việt Nam; đã vậy những kẻ gây án này còn táng tận lương tâm đến mức đã ngăn cản các tàu khác đến cứu hộ những ngư dân gặp “Trung Quốc nạn” (23); rõ ràng hành động này đã bộc lộ hoàn toàn thú tính dã man của chúng. Khi xem lại đoạn video này nhiều nhà báo nước ngoài đã không nén nổi cảm xúc của mình(24). Ấy thế mà VM không chỉ vô cảm mà còn tán dương quan hệ anh em với Trung Quốc; thái độ ấy của VM cùng với một số người đến bay giờ vẫn còn gọi bọn giết người là “anh em” “đồng chí” thì có thể kết luận rằng VM và tất cả những người có thái độ như vậy đích thị là tay sai của lũ kẻ cướp đang ngồi ở lầu Trung Nam Hải.
Trong tương lai gần, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm mọi cách chiếm trọn Biển Đông, đến khi đó niềm tự hào rằng: Việt Nam là một quốc gia biển, có bờ biển dài trên 3200 ki-lô-mét sẽ trở thành hão huyền. Điều cấp bách hiện nay là Trung Quốc đang khẩn trương đưa 4 giàn khoan nữa xuống Biển Đông, mà Báo Dân Trí đã phải dùng đến cụm từ: “Trung Quốc ồ ạt đưa thêm 4 giàn khoan vào Biển Đông” (25); nhưng thật đáng buồn là đến tận ngày hôm nay toàn bộ những “kênh chính thống” thuộc “lề phải” của đảng và chính phủ Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức phản ứng qua những tuyên bố rất “mềm mỏng”, mà không dám ra bất cứ một nghị quyết, chính sách hay sự chuẩn bị nào để bảo vệ chủ quyền đất nước và tính mạng cho người dân trước thảm họa xâm lăng, và sự diệt vong của dân tộc một cách nhãn tiền mang tên Trung Quốc, mặc dù trong tháng Sáu này cả Trung ương đảng và quốc hội đều có những cuộc họp quan trọng.
Thật khôi hài khi sự thật đã và đang xảy ra hằng ngày mà cả thế giới đều đã “mục sở thị”; ấy thế mà VM lại cho rằng: không việc gì phải lo chuyện Trung Quốc xâm lược, chẳng việc gì phải liên kết với “những kẻ thù tiềm tàng của Trung quốc”. Vậy, xin hỏi VM và tất cả những ai có ý nghĩ đen tối như VM rằng: Hành động chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974 đồng thời giết 75 chiến sĩ Hải quân Việt nam; hành động chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam và giết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam vào ngày 14/3/1988; hành động hạ đặt giàn khoan HD 981 sâu vào vùng đặc quyền của Việt Nam hơn 80 hải lý vừa qua có phải là hành động xâm lược lãnh thổ, và vùng biển của một quốc gia có chủ quyền hay không? Việc tự vẽ đường “lưỡi bò” đòi chủ quyền trên toàn Biển Đông; tự vẽ bản đồ của Trung Quốc bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á, một phần Ấn Độ, toàn bộ Mông Cổ, một phần của nước Nga... thì đó có phải là xuất phát từ ý đồ xâm lược không? Hay chỉ là chuyện đùa để rồi VM cho rằng không việc gì phải lo việc Việt Nam bị trở nên một khu tự trị của Trung Quốc trong thế kỷ 21?
Một câu hỏi nữa có lẽ không chỉ người Việt Nam mà còn là của nhân dân các nước Đông Nam Á và trên thế giới nữa cần VM và những “đồng chí” của VM trả lời cách minh bạch; ấy là: Ai sẽ là những kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc đây? Liệu khi đưa ra ý tưởng này thì phải chăng VM muốn thay mặt bọn bành trướng Trung Quốc xác định giúp kẻ thù tiềm tàng cho chúng? Rõ ràng, khi đặt vấn đề như vậy thì VM đã thực sự trở nên ngu dốt; bởi cớ, chính Đặng Tiểu Bình – kẻ phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 đã đưa ra nguyên tắc: “Không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn; mà chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”. Đến đây người ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Thế thì VM là người Việt hay là người Tàu? Nếu là người Tàu thì khỏi cần bàn, vì bản chất của bọn bành trướng là tham tàn, xảo trá và quỷ quyệt nên nó có giọng điệu như vậy là tất yếu; còn nếu là người Việt mà có giọng điệu như vậy thì đích thị là tay sai của bọn bành trướng hoặc do tổng cục tình báo Hoa Nam nuôi dưỡng.
Từ những nhận thức lệch lạc như trên VM đã “mớm lời” rằng: Lo sợ Trung Quốc chiếm đoạt, đô hộ Việt Nam - như ý của Lãng đây - là sự lo sợ hão huyền, không hề có thực, và không bao giờ có thể thành hiện thực... Việt Nam hiện nay không cần liên minh với bất kỳ ai cả, và rằng thoát Trung hay không cũng chẳng quan trọng gì... Căn cứ vào những lời lẽ này, có lẽ nhà đương cục Trung Quốc cũng không mong gì hơn khi có người Việt Nam lại “hỗ trợ đắc” lực cho mưu đồ hiểm độc của mình đến như vậy. Tuy nhiên, VM lại nhầm lẫn ở chỗ thời đại ngày nay đang nằm trong trào lưu “toàn cầu hóa”, là thời đại của sự liên minh và phụ thuộc lẫn nhau; quan hệ giữa các quốc gia đều là quan hệ dựa trên “lợi ích”, thời đại này không có bất kỳ một quốc gia nào “đứng một mình” được cả; kể cả các siêu cường trước kia cũng không thể nằm ngoài trào lưu này. Hàng loạt các khối liên minh quân sự, kinh tế, hình thành các đối tác chiến lược ở tầm cỡ khu vực và toàn cầu liên tục được hình thành trong những năm vừa qua. Chẳng lẽ VM bị mù thật theo đúng nghĩa đen của từ này hay sao mà không nhìn ra sự thật này? Nếu như Việt Nam thật sự không cần liên minh với bất kỳ ai như VM đã “xui đểu”, thế thì chúng ta gia nhập ASEAN, WTO, TPP... để làm gì? Thật không thể tưởng tượng được một người có tri thức kém toàn diện như vậy mà dám lên mặt kẻ cả dạy dỗ người khác.
Nhân đây xin thưa với mọi người dân Việt Nam rằng: Đừng có bất kỳ ai dại dột nghe những lời xảo biện của VM và những lý sự của những người giống như VM; vì dã tâm xâm lược và nô dịch Việt Nam của bọn bành trướng Trung Quốc luôn luôn là hiện thực, và dã tâm ấy là không bao giờ thay đổi cho dù ở vào bất kỳ thời đại nào, và dưới bất kỳ hình thái xã hội nào; không phải ngẫu nhiên mà sau Hội Nghị Thành Đô Năm 1990, Bộ Trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã phải than một câu: “Thế là đã bước vào thời kỳ Bắc thuộc mới” (26). Một điều có thể khẳng định ngay từ bây giờ là: Nếu chúng ta không tìm mọi cách để thoát khỏi hàm cá mập Trung Quốc, thì lần Bắc thuộc này sẽ có hậu quả thê thảm gấp nhiều lần thời Bắc thuộc lần thứ nhất (đã kéo dài hơn một ngàn năm), và không ai có thể đoán biết được rằng lần Bắc thuộc này liệu có còn cơ hội phục quốc nữa không?
Vì thế mọi lý luận, và thực tiễn ở Việt Nam ngày nay, dù vô tình hay cố ý, nhưng nếu giúp cho bọn xâm lược Trung Quốc nắm giữ những điểm hiểm yếu về quân sự, cung cấp đất đai để giúp Trung Quốc có “chỗ đứng chân” tại Việt Nam thông qua các dự án trồng rừng, khai thác khoáng sản hay các dự án kinh tế khác, giúp chúng thao túng về tài chính ngân hàng, làm suy kiệt tài nguyên của quốc gia, gây ra sự phân hóa trong nội bộ, áp đặt về tư tưởng và văn hóa... như một số người của Trung Quốc đang nằm trong mọi ngành mọi cấp của chính quyền tại Việt Nam đã và đang tạo điều kiện giúp chúng trong thời gian qua, đều phải được coi là những hành vi phản dân hại nước; yêu cầu phải được chỉ ra cách minh bạch và phải bị trừng trị theo tội phản bội Tổ quốc. Nếu không làm được điều này thì vô hình chung, chính nhà nước đang quản lý đất nước Việt Nam hiện nay đã không chỉ “ngồi xổm” trên sự hy sinh của hàng chục vạn đồng bào và chiến sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước do bọn giặc Trung Quốc gây ra năm 1979, mà còn “rẻ rúng” sự hy sinh của hơn ba triệu rưỡi con dân nước Việt trong các cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1975, trong đó hiện còn trên 300 ngàn gia đình đang phải chịu nỗi đau mất mát vì chưa tìm thấy xác người thân.
Nhìn chung, qua bài viết của VM người ta chỉ thấy giọng điệu bợ đỡ, biện minh cho thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm với quốc gia với dân tộc, bênh vực cho những ý tưởng thần phục “thiên triều”; tuy vậy, người viết và có thể là một số độc giả vẫn hy vọng rằng ở cuối bài VM sẽ có một chút tích cực nào chăng? Nhưng ở phần kết thì VM lại làm cho người viết và các độc giả hoàn toàn thất vọng bởi cái thói tung hỏa mù bằng cách đánh tráo khái niệm. Cụ thể VM đã “kết” như sau: “Cuối cùng, cần phải thấy mối quan hệ Việt - Trung đã và đang là mối quan hệ bị đầu độc. Không ít người Việt Nam và Trung Quốc đang nhìn nhau qua những lăng kính bị bóp méo có chủ đích. Trong khi thực tế, Việt Nam thực sự cần Trung Quốc, cũng như Trung Quốc cần Việt Nam”. Với cái “kết” mà VM quăng ra như vậy, phải nói đây là lối tung hỏa mù xuất phát từ ác tâm. Tại sao, người viết lại dám nói như vậy? Bởi cớ, nếu VM cho rằng mối quan hệ Việt – Trung đang bị đầu độc, thế thì VM phải chỉ ra đích danh ai là kẻ đang đầu độc mối quan hệ này? Phải chăng là chính phủ và nhân dân Việt Nam đang đầu độc mối quan hệ này? Hay chính sự bành trướng bá quyền quốc tế; sự tham lam đến điên cuồng về lãnh thổ của nhà đương cục Trung Quốc? Phải khẳng định ngay rằng: chẳng có một thế lực nào hay một quốc gia nào đầu độc mối quan hệ này ngoài nhà cầm quyền Bắc Kinh là những kẻ đang cướp đất, lấn biển và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam một cách thô bạo mà dư luận cả thế giới đều lên án, chỉ trừ VM và những người có tâm địa đen tối như VM. Nhân dân Việt Nam và toàn thế giới chỉ nhìn thấy: Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, chiếm núi Lão Sơn của Việt Nam năm 1979, chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988, đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam vào năm 2014... đây là những sự thật nhãn tiền chứ không cần qua bất kỳ một lăng kính nào để rồi bị bóp méo như VM quăng ra một cách rất thâm độc. Chẳng lẽ VM không hiểu rằng: trong khi nhân dân Việt Nam đang rất cần hòa bình và ổn định để xây dựng đất nước, thì phía Trung Quốc lại cần xã hội Việt Nam bị xáo trộn, nội bộ bị chia rẽ, để rồi lệ thuộc Trung Quốc về mọi mặt; trong khi nhân dân Việt Nam thực sự cần hợp tác với Trung Quốc và các quốc gia khác để xây dựng và phát triển thì điều mà phía Trung Quốc cần ở Việt Nam là suy sụp về tài chính, kiệt quệ về tài nguyên để rồi phải lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc; trong khi nhân dân Việt Nam cần sự tôn trong về chủ quyền thì Trung Quốc lại cần thâu tóm lãnh thổ và biển của Việt Nam... Rõ ràng những điều cần ở phía Trung Quốc đối với Việt Nam và những điều cần ở phía Việt Nam đối với Trung Quốc là hoàn toàn khác nhau không hề có bất kỳ một điểm chung nào; và vì thế những lý sự ở phần kết của VM chỉ là bịp bợm. Từ những sự thực như đã trình bày, có thể nói rằng: đến ngày hôm nay mà ai đó còn có ý tưởng “bằng mọi cách phải bảo vệ ý thức hệ” thì người đó không chỉ thiếu kiến thức về sử học, về địa chính trị, mà còn không hiểu gì về thời cuộc nữa, và chính sự thiếu kiến thức, thiếu sự nhạy bén như vậy sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Vì vậy, có thể nói một người không thuộc lịch sử, không có tầm nhìn xuyên thế kỷ và thiếu tự trọng thì không đủ tư cách làm một nhà lãnh đạo; nhất là ở tầm cỡ quốc gia.
Nói tóm lại, cái gọi là bài phản biện của tác giả VM hoàn toàn chưa đạt tiêu chuẩn của một bài phản biện, vì nó không chỉ cho thấy kiến thức của người phản biện còn nông cạn, mà còn xuất phát từ cái tâm thiếu trong sáng; nó không chỉ cho thấy tâm lý cam chịu sự nô dịch cả về lý luận và thực tiễn, mà điều nguy hiểm hơn là nó còn khuyến khích, bênh vực cho ý tưởng bệnh hoạn ấy. Bên cạnh đó bài phản biện này còn sử dụng lối đánh tráo khái niệm, tung hỏa mù, đổi trắng thay đen mà các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc vẫn hay làm.
Cần phải nói thêm rằng: nếu như bài phản biện của VM nhằm mục đích biện minh cho sự vô cảm, cho thái độ hèn với giặc, ác với dân, cho mưu đồ làm cho đất nước này suy kiệt cả về tư tưởng lẫn hành động để rồi phải lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, khích lệ nhà đương cục Trung Quốc mạnh dạn tiến hành cuộc xâm lăng, nô dịch Việt Nam và thanh toán toàn bộ vùng Đông Nam Á cách nhanh chóng hơn nữa thì phải nói rằng VM đã thành công.
Nhân đây xin có vài lời riêng tư với tác giả VM: Thứ nhất, nếu muốn viết phản biện thì phải “tu luyện” để có “công lực thâm hậu” thật sự, nếu không sẽ rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”; Thứ hai, phải có cái tâm trong sáng và khách quan; Thứ ba, nếu tác giả VM (không loại trừ cả những độc giả nào có tư tưởng như VM) muốn dạy dỗ nông dân kiêm cựu chiến binh này, thì người viết xin rất biết ơn và sẵn sàng rửa tai để nghe; và điều sau cùng: dựa trên toàn bộ những gì tác giả VM đã viết thì người viết bài này chân tình khuyên tác giả nên đổi bút danh từ Văn Minh (文明) thành U Minh ( ) thì chắc chắn sẽ không có bất kỳ ai góp ý kiến gì. Bởi nếu không thì chính người Tàu họ cũng sẽ lấy làm xấu hổ vì trình độ hiểu biết của VM không tương xứng với nghĩa đen của từ này (文明). Mong tác giả VM cân nhắc.
Sơn Nam Hạ, ngày 26/06/2014
Tập Cận Lang
Chú thích:
(1) Viện Ngôn Ngữ Học. Từ Điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. 2004.
(2).Theo:http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%9Di_k%E1%BB%B3_c%E1%BA%ADn_%C4%91%E1%BA%A1i.
(3).Theo:http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%9Di_k%E1%BB%B3_c%E1%BA%ADn_%C4%91%E1%BA%A1i.
(4) Trương Hữu Quýnh (chủ biên). Đại Cương Lịch Sử Việt Nam. NXB Giáo Dục Việt Nam. 2010. Tập 1. Trang. 386.
(5). Lm. I-nha-xi-ô Nguyễn Hồng. Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam. NXB Từ Điển Bách Khoa. Quyển 1. Trang 8.
(6). Lm. I-nha-xi-ô Nguyễn Hồng. Sđd. Trang 11.
(7). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. NXB Văn Hóa Thông Tin. 2006. T1. Trang 108.
(8). Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng. Các Triều Đại Việt Nam. NXB Thanh Niên. 2001. Trang 31.
(9). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. NXB Văn Hóa Thông Tin. 2006. T1. Trang. 724.
(10). Nguyễn Trãi Toàn Tập (Tân Biên). NXB văn Học (Trung tâm nghiên cứu quốc học). 2000. T2. Trang 37.
(11). Hồ Chí Minh Toàn Tập. NXB Chính Trị Quốc Gia. 2000. Tập 4. Thư Gửi Anh Em Hoa Kiều. Trang 17.
(12) Hồ Chí Minh TT. Sđd. T4. Hoa – Việt Thân Thiện. Trang 136.
(13) Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam Và Trung Quốc Trong 30 Năm Qua. NXB Sự Thật. 1979. Phần Thứ IV.
(14) Ảnh và ghi chú theo: Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam Và Trung Quốc Trong 30 Năm Qua. NXB Sự Thật. 1979. Phần Thứ IV.
(15) Thư và ảnh theo: Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam Và Trung Quốc Trong 30 Năm Qua. NXB Sự Thật. 1979. Phần Thứ IV.
(16) Xem Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Chính Biên. NXB Giáo Dục Hà Nội. 1998. Quyển 15, 34, 35, 36.
(17) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Chính Biên. NXB Giáo Dục Hà Nội. 1998. Quyển 15. Trang 396.
(18), (19). Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam Và Trung Quốc Trong 30 Năm Qua. NXB Sự Thật. 1979. Phần thứ I.
(20) Lục Lại Tài Liệu Chiến Tranh Việt – Trung. Phần 2. Theo: http://www.boxitvn.net/bai/20842
(22) Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Phê Phán Chủ Nghĩa Bành Trướng Và Bá Quyền Nước Lớn Của Giới Cầm Quyền Phản Động Bắc Kinh. NXB Khoa Học Xã Hội. 1979. Trang 8-9.
(26) Độc giả có thể xem Hồi Ký Trần Quang Cơ, theo địa chỉ:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"